Hút thuốc làm giảm tuổi thọ. (Hình minh họa: Unsplash)
Sống cuộc sống lâu dài và khỏe mạnh là một mục tiêu phổ biến, nhưng không dễ để đạt được. Khi già đi, mọi người thường gặp phải các tình trạng như chứng mất trí nhớ, đau mãn tính, các vấn đề về khả năng vận động và tim mạch.
Mặc dù một số yếu tố không thể kiểm soát – như di truyền – đóng vai trò chính trong nhiều vấn đề này, nhưng thói quen hàng ngày cũng góp phần vào việc tăng hay giảm tuổi thọ. Thực tế, có một số thói quen đang cản trở quá trình lão hóa khỏe mạnh và trường thọ của bạn.
– Bỏ qua việc chăm sóc phòng ngừa
Theo Tiến Sĩ Heather Whitson, giám đốc Trung Tâm Lão Khoa Duke ở North Carolina, bỏ qua việc chăm sóc phòng ngừa, bao gồm những thứ như chụp nhũ ảnh, nội soi đại tràng và chích ngừa, sẽ không tốt cho sức khỏe lâu dài của bạn.
– Không vun đắp các mối quan hệ xã hội
Giao lưu giúp ích cho não bộ và tuổi thọ. Bạn dành càng nhiều thời gian tương tác với người khác thì tuổi thọ của bạn càng được cải thiện, theo Tiến Sĩ Lee Lindquist, trưởng khoa lão khoa tại Northwestern Medicine ở Chicago.
– Không điều chỉnh thuốc khi bạn già đi
Một số loại thuốc không lý tưởng cho người lớn tuổi. Nhiều người dùng thuốc mà họ bắt đầu dùng ở độ tuổi 40 và 50 nhưng không điều chỉnh ở độ tuổi 70 hoặc 80.
– Không tập thể dục
Điều này có lẽ không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng phải nói thêm: Không tập thể dục sẽ làm giảm tuổi thọ của bạn.
Vì vậy, nếu bạn là người đi bộ hàng ngày, hãy thử thêm một lớp Zumba vài lần một tuần. Nếu bạn là người hâm mộ cuồng nhiệt của Peloton, hãy đăng ký một số lớp đào tạo cá nhân nữa.
– Hút thuốc
Hút thuốc lá có liên quan đến ung thư phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh tim, đột quỵ và nhiều bệnh khác.
– Ăn uống không lành mạnh
Ưu tiên cho khẩu phần ăn lành mạnh là một cách khác để tăng cơ hội sống khỏe mạnh. Một khẩu phần ăn theo phong cách Địa Trung Hải với nhiều cá, nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, chỉ thỉnh thoảng ăn thực phẩm chế biến sẵn là điều tốt nhất đối với hầu hết mọi người.
– Không ngủ đủ giấc
Có rất nhiều bằng chứng ngày càng tăng cho thấy việc thiếu ngủ có thể gây ra hậu quả lâu dài. Những hậu quả này bao gồm nguy cơ mắc chứng mất trí nhớ và bệnh tim cao hơn, ngoài ra còn có mức độ căng thẳng hàng ngày cao hơn và tâm trạng tệ hơn nói chung.
– Thiếu kiểm soát căng thẳng
Thật sự rất khó để không cảm thấy căng thẳng về công việc, gia đình và bất kỳ điều gì khác trong cuộc sống, nhưng hãy lưu ý là con người có phản ứng rất mạnh đối với căng thẳng và điều này tác hại rất rõ ràng đối với sức khỏe tinh thần và thể chất.
– Không lập kế hoạch cho sức khỏe tương lai
Lindquist gọi khung thời gian 70, 80, 90 tuổi là “quý thứ tư của cuộc đời” và đó là thời điểm bạn sẽ gặp nhiều vấn đề về sức khỏe hơn. Ngoài việc quyết định ai sẽ nhận được được căn nhà, mảnh đất hoặc nhẫn đính hôn, bạn nên bắt đầu nghĩ về kế hoạch của mình trong 10 đến 20 năm cuối đời. Bạn có định chuyển đến sống cùng gia đình không? Bạn có muốn được chăm sóc tại nhà không? Bạn có chuyển đến cộng đồng người cao tuổi không? Bạn có kế hoạch sống gần bệnh viện không?
– Không lập kế hoạch cho tương lai tài chính
Một trong những điều đáng buồn nhất ngày càng xảy ra nhiều hơn, khi mọi người sống lâu hơn số tiền tiết kiệm của họ. Nhiều bệnh nhân của Whitson ở độ tuổi 90 nói với bà rằng họ không bao giờ mong đợi mình sống lâu như vậy và họ không lường trước việc phải tự nuôi sống bản thân thêm 30 năm nữa sau khi nghỉ hưu. Vì vậy, khi tập trung vào sức khỏe thể chất và tinh thần lúc già đi, phải nhớ rằng sức khỏe tài chính trong tương lai cũng đóng một vai trò quan trọng.
(Theo The Huffpost)
Mai Lâm
Nguồn: Saigonnho online ngày 5/9/2024
Be the first to comment