Thịt bẩn – thịt sạch bày bán tràn lan không dễ phân biệt
Tình trạng ngộ độc thực phẩm do ảnh hưởng từ thuốc tăng trọng, kích thích sinh trưởng, trừ sâu, bảo quản, chống ẩm mốc… đang diễn ra thường xuyên ở Việt Nam. Khi chọn mua thực phẩm cho gia đình, nhiều bà nội trợ hết sức băn khoăn, lo lắng bởi thực phẩm sạch, bẩn cứ được người ta bày bán lẫn lộn.
Không dễ phân biệt
Dạo quanh các chợ, nếu bằng mắt thường, người tiêu dùng khó ai phân biệt được đâu là thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn. Bất kể từ thịt, cá, rau, củ, quả hay bánh, kẹo, nước ngọt, thực phẩm chế biến đóng gói sẵn…
Bà Nguyệt (57 tuổi, ngụ Bình Thạnh) cho biết: “Mỗi sáng, tôi mất cả tiếng đồng hồ dạo chợ vì không biết phải mua gì cho bữa cơm gia đình được an toàn. Bởi hàng ngày qua báo đài, tôi luôn nghe những thông tin đáng sợ như thịt có chất tạo nạc; tôm ghẹ vượt ngưỡng kháng sinh; cá, mực ướp phân urê; rau củ phun thuốc kích thích; trái cây ngâm hóa chất dù đang non vẫn chín đẹp; gạo, bột được tẩy trắng… Mình là người tiêu dùng thông thường chỉ biết mua thực phẩm dựa vào… niềm tin!”.
Bà Xuân (48 tuổi, ngụ Thủ Đức) chia sẻ thêm: “Tôi thấy hiện nay, nhiều nông dân sản xuất rau, quả phun thuốc trừ sâu vô tội vạ. Nhà tôi ở gần một gia đình chuyên trồng rau muống bán. Thấy họ hay dùng nhớt thải xe máy tưới xuống ruộng rau. Nghe đâu làm vậy cho cọng rau thêm xanh tươi, non mướt, nhìn bắt mắt. Ai không biết vô tư mua ăn chứ mình nhìn thấy tận mắt quả ghê quá!”.
Số liệu từ Cục An toàn thực phẩm cho thấy thời gian gần đây tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua từ thực phẩm bẩn ở VN diễn ra khá nghiêm trọng tại nhiều nơi. Trung bình mỗi năm có gần 700 vụ với hơn 6,000 người mắc bệnh và hơn 100 người chết do ngộ độc thực phẩm. Riêng bệnh ung thư, số liệu của Hội Ung thư VN cho biết hàng năm có 123,000 người chết và hơn 183,000 trường hợp mới mắc bệnh.
Số liệu khác của Tập đoàn hóa chất VN cũng nêu rõ từ năm 2016 đến 2020, hàng năm VN chi hơn 600 nghìn USD nhập cảng khoảng 100 nghìn tấn hoạt chất hóa học để sản xuất thuốc trừ sâu. Trong khi đó nhiều loại hóa chất cấm vẫn được nhập lậu như phospho hữu cơ, clor hữu cơ, wofatox, monitor, kelthane…
Tại Sài Gòn, thông tin từ kết quả kiểm tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm gần đây cho thấy gần 50% mẫu rau quả ở các chợ đầu mối đều chứa hóa chất, hơn 40% mẫu hải sản chứa kim loại nặng, nhiều mẫu vượt quá giới hạn cho phép…
Rau muống tưới nhớt thải.
Vịt bơm nước để tăng trọng lượng
Tự cứu mình trước khi… Trời cứu!
Ông Trung, bác sĩ thuộc Trung tâm Ung bướu (Sài Gòn) nói: “Có 3 yếu tố liên quan đến chứng ung thư gồm di truyền, môi trường sống ô nhiễm và chế độ ăn uống, sống thiếu khoa học. Trong đó, tác nhân liên quan tới thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35% tổng số trướng hợp bệnh.
Rõ ràng dân mình đang đầu độc đồng bào mình! Người ta âm thầm giết hại lẫn nhau thông qua thực phẩm bẩn kéo dài dai dẳng suốt nhiều năm, xảy ra tại hầu hết các địa phương, vùng miền, không phân biệt bất cứ ai, lứa tuổi nào. Phải chăng hành vi làm nên thực phẩm bẩn, độc hại chính xác phải gọi là tội ác và lòng tham không đáy là căn nguyên để người ta sẵn sàng bất chấp lương tâm, bất chấp tất cả?”.
Việc ngăn ngừa thực phẩm mất an toàn không phải “một sớm, một chiều” là có kết quả. Điều quan trọng nằm ở “cái tâm” và trách nhiệm với xã hội của người sản xuất, kinh doanh. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng cũng phải biết chọn mua, sử dụng thực phẩm an toàn, chỉ mua những loại thực phẩm đầy đủ nhãn mác, còn hạn sử dụng, rõ nguồn gốc… Phải “nói không” với thực phẩm bẩn, thực phẩm kém phẩm chất, sẵn sàng “tẩy chay” những sản phẩm cũng như các cá nhân, công ty sản xuất thực phẩm thiếu an toàn dù có rẻ cách mấy (hãy tâm niệm của rẻ là của ôi!). Bên cạnh đó, chính quyền ngoài việc xử phạt hành chính cần thường xuyên kiểm tra thực phẩm, kể cả phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người, tổ chức gây hậu quả nghiêm trọng mới có thể góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.
Tôm, thịt bơm chất kháng sinh cho lâu bị ươn, hỏng.
Nguyễn Sinh
Theo https://baotreonline.com ngày 22/6/2024
Be the first to comment