Dinh Thống đốc Nam kỳ (Norodom) tại Sài gòn năm 1875.
Qua quá trình lịch sử lâu dài con người trải qua biết bao nhiêu biến đổi: biến đổi qua thời gian, biến đổi qua những biến động chánh trị và lịch sử, biến động qua tiến trình phát triển của xã hội loài người, thay đổi quốc hiệu, thay đổi địa danh, đổi tên gọi các chức vụ trong nước v.v… Ngôn ngữ thời quân chủ chuyên chế không thể giống ngôn ngữ thời quân chủ lập hiến hay Cộng Hòa. Từ ngữ thời Cộng Hòa và thời Xã Hội Chủ Nghĩa (Cộng Sản) cũng có nhiều dị biệt sâu sắc.
Chánh trị
Ngày xưa, dưới chế độ quân chủ, dưới vua có Tể Tướng điều khiển Lục Bộ.
Tể Tướng: Thủ Tướng bây giờ.
Lục Bộ gồm sáu bộ: Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hình, Bộ Hộ, Bộ Công, Bộ Binh. Ɖứng đầu mỗi bộ có một Thượng Thơ.
Thượng Thơ: Tổng Trưởng (chế độ đại nghị), Bộ Trưởng (tổng thống chế).
Bộ Lại: Bộ Nội Vụ. Ɖiều đáng lưu ý là bộ Nội Vụ của các nước khác với bộ Nội Vụ của Hoa Kỳ. Dưới triều Nguyễn không có Tể tướng. Bộ Nội Vụ đứng đầu trong Lục Bộ.
Bộ Lễ: Trông coi về Tôn Giáo, Ngoại Giao và Giáo Dục. Ngày xưa ở nước ta không có Bộ Giáo Dục. Ɖến năm 1932, khi vua Bảo Ɖại về nước mới có Bộ Học.
Thi Hương có 4 trường. Ɖậu 3 trường gọi là Sinh Ɖồ hay Tú Tài. Ɖậu đủ 4 trường gọi là Hương Cống (như cống Quỳnh chẳng hạn), tức Cử Nhân.
Hương thí được tổ chức ở các tỉnh lớn vào các năm Tý, Ngọ, Mão, Dậu.
Thi Hội là kỳ thi lấy Tiến Sĩ được tổ chức ở kinh đô vào các năm Thìn, Tuất, Sửu, Mùi. Hội thí cũng có 4 trường. Ɖậu đủ 4 trường Hội thí mới được vào dự Ɖình thí do vua làm chánh chủ khảo và thí sinh được sắp theo thứ hạng. Người đậu hạng nhất Ɖình thí gọi là Trạng Nguyên, người đậu hạng nhì là Bảng Nhãn và người đậu hạng ba gọi là Thám Hoa. Những danh hiệu này không có trong thời đại chúng ta. Vua Gia Long lập ra nguyên tắc Tam Bất Lập: Không lập Tể Tướng, không lập Hoàng Hậu, không lập Trạng Nguyên.
Hình chụp người xem bảng danh sách những người thi đỗ (Ảnh Wikipedia)
Dưới triều vua Gia Long chỉ có Hương thí. Hội thí và Ɖình thí được tổ chức từ thời vua Minh Mạng về sau. Người đứng đầu Ɖình thí gọi là Ɖình Nguyên như Ɖình Nguyên Phan Ɖình Phùng chẳng hạn.
Bộ Hình: Bộ Tư Pháp. Quan Án Sát là những quan tòa (Thẩm Phán). Trước thời thuộc địa Pháp nước ta không có luật sư. Ban đầu tên gọi Luật Sư là Thầy Kiện rồi Trạng Sư.
Bộ Hộ: Bộ Tài Chánh. Bố Chánh: Trưởng Ty thuế vụ. Người dân Thủ Dầu Một tức Bình Dương bây giờ, thường gọi dinh tỉnh trưởng là Tòa Bố do chữ Bố Chánh mà ra. Trong xã Tân Thới, quận Lái Thiêu, tỉnh Thủ Dầu Một (hiện nay là thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương), có một cây cầu bắt qua một con suối gọi là cầu Bưng Bố. Cũng có người gọi là cầu Ông Bố.
Bộ Công: Bộ Công Chánh (Travaux Publiques). Dưới thời Pháp thuộc, ở các địa phương có sở Trường Tiền tức Ty Công Chánh sau này. Lục lộ là công nhân của sở Trường Tiền dưới thời Pháp thuộc.
Bộ Binh: Bộ Quốc Phòng. Võ quan cao cấp dưới triều Nguyễn có Ngũ Quân Ɖô Thống tức năm võ quan cao cấp tương đương với Thống Chế (Maréchal) ngày nay. Ngũ Quân Ɖô Thống là: Tiền Quân Ɖô Thống, Hậu Quân Ɖô Thống, Tả Quân Ɖô Thống, Hữu Quân Ɖô Thống, Trung Quân Ɖô Thống. Trung Quân Ɖô Thống là võ tướng cao nhất trong bốn Ɖô Thống còn lại.
Trông coi việc quân sự ở tỉnh có Ɖề Ɖốc (tỉnh lớn) và Lãnh Binh (tỉnh nhỏ). Ɖề Ɖốc tương đương với thiếu tướng và Lãnh Binh tương đương với Tiểu Khu Trưởng, ngang hàng cấp bậc trung tá hay đại tá. Ở quận nhì Sài Gòn có cầu Ông Lãnh đặt theo tên Lãnh Binh Nguyễn Ngọc Thăng.
Hành chánh
Sau khi đánh bại quân Tây Sơn, Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi tức vua Gia Long, vua Thái Tổ nhà Nguyễn.
Từ Ninh Bình trở ra gọi là Bắc Thành.
Từ Thanh Hóa đến Bình Thuận là miền Trung
Từ Bình Thuận vào Nam là Gia Ɖịnh Thành.
Bắc Thành: Bắc Kỳ, Bắc Bộ, Bắc Việt, Bắc Phần (Tonkin).
Miền Trung: Trung Kỳ, Trung Bộ, Trung Việt, Trung Phần (Annam).
Gia Ɖịnh Thành: Nam Kỳ, Nam Bộ, Nam Việt, Nam Phần (Cochinchine).
Quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định (Đại Nam) năm 1859 (Hình: Wikipedia)
Dưới triều vua Gia Long, trong nước Việt Nam thống nhất có 23 Trấn và 4 Doanh (Dinh).
– Bắc Thành có 11 Trấn: 5 Trấn trên châu thổ sông Hồng và 6 Trấn ở miền trung du và thượng du miền bắc. Năm Trấn ở Bắc Thành là: Hải Dương, Kinh Bắc, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây. Sáu Trấn miền trung du và thượng du là: Cao Bằng, Hưng Hóa, Lạng Sơn, Quảng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
– Miền Trung có 7 Trấn + 4 Doanh (Dinh): Bảy Trấn ở miền Trung là: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ngãi, Bình Ɖịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận. Bốn Doanh (Dinh) là: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ɖức, Quảng Nam.
– Gia Ɖịnh Thành có 5 Trấn: Biên Trấn (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Ɖịnh), Dinh Trấn (Mỹ Tho), Vĩnh Trấn (Vĩnh Long), Hà Trấn (Hà Tiên).
Trấn: Tỉnh, nơi an ninh chưa hoàn toàn ổn định. Người trông coi việc cai trị là một võ quan.
Doanh hay Dinh: Tỉnh có nhiều doanh trại nhằm bảo vệ an ninh cho kinh đô Huế. Có 4 Doanh bao bọc kinh đô Huế: Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ɖức (Thừa Thiên), Quảng Nam.
Kinh Bắc: Bắc Ninh.
Sơn Nam Thượng: Hà Nam, Thái Bình, Nam Ɖịnh.
Sơn Nam Hạ: Ninh Bình.
Quảng Ɖức: Thừa Thiên, trong đó có kinh đô Huế. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa có tỉnh Quảng Ɖức, nay là tỉnh Đắk Nông.
Khánh Hòa: Nha Trang.
Bình Thuận: Phan Thiết.
Tổng Trấn: Trông coi việc cai trị ở một vùng rộng lớn như Bắc Thành, Gia Ɖịnh Thành.
Chức Tổng Trấn tương đương với chức Thủ Hiến sau này. Trong thời kỳ đất nước qua phân, chức thủ hiến được cải danh thành Ɖại Biểu Chánh Phủ. Vào đầu thập niên 1960 Ɖại Biểu Chánh Phủ Nam Phần được chia làm: 1. Ɖại Biểu Chánh Phủ Miền Ɖông. 2. Ɖại Biểu Chánh Phủ Miền Tây.
Trấn Thủ: Tương đương với tỉnh trưởng quân nhân. Tạm xem Trấn là một Tỉnh nơi an ninh chưa hoàn toàn ổn định nên người trông coi việc cai trị cần phải là một quân nhân.
Trấn Thuận Thành: Vùng đất từ Bình Thuận vào Tây Nguyên, nơi có nhiều người Chăm, Chu Ru, Gia Lai,… sinh sống. Trấn thủ là người Chăm chống Tây Sơn và phò chúa Nguyễn trong thời nội chiến giữa họ Nguyễn và nhà Tây Sơn.
Biên Trấn: Biên Hòa, Ɖồng Nai.
Phiên Trấn: Gia Ɖịnh (sau năm 1975 tỉnh Gia Ɖịnh không còn trên bản đồ hành chánh).
Dinh Trấn: Ɖịnh Tường (Mỹ Tho), Tiền Giang (bây giờ).
Vĩnh Trấn: Vĩnh Long, Cửu Long (năm 1976 Trà Vinh sát nhập vào Vĩnh Long với địa danh mới: Cửu Long).
Hà Trấn: Hà Tiên. Sau năm 1954 Hà Tiên là một quận của tỉnh Kiên Giang (Rạch Giá).
Dưới triều vua Minh Mạng Trấn được đổi thành Tỉnh. Nam Kỳ Ngũ Trấn trở thành Nam Kỳ Lục Tỉnh. Một tỉnh mới được thành lập. Ɖó là tỉnh An Giang (Long Xuyên). Nam Kỳ Lục Tỉnh gồm có: Biên Hòa, Gia Ɖịnh, Ɖịnh Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Dưới Tỉnh là Phủ (Préfecture), Huyện (Arrondissement – District), Tổng (Canton), Xã (Commune).
Tổng Ɖốc: Tỉnh trưởng coi việc cai trị trong một tỉnh lớn, đông dân và trù phú. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1862 và 1867, ở Nam Kỳ (Cochinchine) không có chức vụ Tổng Ɖốc, Tri Phủ, Tri Huyện. Các ông Ɖỗ Hữu Phương (1841-1914) và Trấn Bá Lộc (1839-1899) được gọi là Tổng Ɖốc. Ɖó là danh tước hàm (honoraire) mà chánh quyền thuộc địa Pháp ban cho hai cộng sự viên đắc lực của họ vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Dưới thời Pháp thuộc Nam Kỳ là thuộc địa (Colonie) trong khi Trung và Bắc Kỳ là đất bảo hộ (Protectorat). Các vua nhà Nguyễn không còn quyền hành ở Nam Kỳ nhưng vẫn còn quyền hành ở Trung và Bắc Kỳ dù rằng quyền hành rất hạn chế. Huế vẫn là kinh đô. Những đơn vị hành chánh như Tỉnh, Phủ, Huyện và các chức Tổng Ɖốc, Tuần Vũ, Tri Phủ, Tri Huyện vẫn còn ở Trung và Bắc Kỳ nhưng các danh chức ấy không còn ở Nam Kỳ sau các năm 1862 và 1867.
Tuần Vũ: Tỉnh trường trông coi việc cai trị trong một tỉnh nhỏ.
Tri Phủ: Người trông coi việc cai trị trong Phủ. Chức vụ này không còn ở Nam Kỳ vào thập niên 60-70 của thế kỷ XIX.
Tri Huyện: Người trông coi việc cai trị trong một Huyện. Sau khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, đơn vị hành chánh Huyện đổi thành Quận (Arrondissement – District). Tạm xem chức Tri Huyện tương đương với chức Quận Trưởng thời Pháp thuộc.
Cai Tổng: Người giám sát nhiều xã.
Lý Trưởng: Xã Trưởng, Ông Cả trong Ban Hội Tề ở Nam Kỳ, chủ tịch Hội Ɖồng Xã, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân Xã.
Một hội đồng hương chánh thời Pháp thuộc (Ảnh: hinhanhvietnam.com)
Như đã biết, Nam Kỳ là đất thuộc địa. tổ chức hành chánh ở Nam Kỳ hoàn toàn khác với vùng bảo hộ Trung và Bắc Kỳ. Năm 1904, trông coi việc hành chánh ở các làng (Communes) ở Nam Kỳ có Ban Hội Tề (Conseil des Notables) gồm có 12 vị:
– Hương Cả: Người lớn tuổi nhất, chủ tọa các phiên họp của ban Hội Tề.
– Hương Chủ: Nhân vật số hai trong ban Hội Tề, thanh tra các ban, ngành trong xã để báo cáo cho Hương Cả.
– Hương Sư: Cố vấn giải thích lệ làng, cùng Hương Chủ thay thế Hương Cả khi vắng mặt.
– Hương Trưởng: Trông nom trường học, giao thiệp với các thầy giáo trong xã.
– Hương Chánh: Xử những tranh chấp của dân làng.
– Hương Giáo: Thơ ký của ban Hội Tề, giữ biên bản các phiên họp của ban Hội Tề, chỉ dẫn các hương chức mới.
– Hương Hào: Phụ tá cho Hương Quản, sắp xếp sự canh phòng, hợp tác với tòa án, ban truyền chỉ thị và chuyển giao giấy tờ.
– Hương Quản: Người chỉ huy cảnh sát trong xã, trông coi an ninh, trật tự trong xã.
– Hương Bộ: Hay Thủ bộ, giữ sổ thuế, chi tiêu trong xã, gìn giữ vật liệu của xã.
– Hương Thân: Trung gian giữa ban Hội Tề và cơ quan tư pháp địa phương.
– Xã Trưởng: Người thực sự nắm giữ công việc hành chánh trong xã, người có thực quyền trong ban Hội Tề.
– Chánh Lục Bộ: Giữ sổ sách về hộ tịch.
Hoàng Triều Cương Thổ
Ɖệ nhị thế chiến chấm dứt năm 1945. Nhật đầu hàng vô điều kiện sau khi hai thành phố Hiroshima và Nagasaki bị dội bom nguyên tử. Hồ Chí Minh đọc Tuyên Ngôn Ɖộc Lập, khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ở Hà Nội (02-09-1945).
Pháp trở lại Nam Bộ trong kế hoạch tái chiếm thuộc địa trên bán đảo Ɖông Dương giữa lúc Hoa Kỳ chuẩn bị trao trả độc lập cho Phi Luật Tân. Anh sắp trao trả độc lập cho Ấn Ɖộ và Miến Ɖiện.
Ɖô đốc Georges Thierry d’Argenlieu (1889-1964) được bổ nhiệm làm Cao Ủy Ɖông Dương (Haut Commissaire de l’Indochine Française). Chức Cao Ủy này thay cho chức Toàn Quyền Ɖông Dương (Gouverneur Général de l’Indochine Française). Hoàng đế Bảo Ɖại đã thoái vị vào cuối tháng 08 năm 1945 và ra Hà Nội làm Cố Vấn cho Chủ Tịch VNDCCH. Cựu hoàng cũng là dân biểu tỉnh Thanh Hóa. Tháp tùng phái đoàn đại biểu Quốc Hội đi Chongqing (Trùng Khánh), Bảo Ɖại ở lại Trung Hoa (1946).
Ngày 19-02-1946 Hồ Chí Minh rời Hà Nội lên chiến khu Việt-Bắc sau khi kêu gọi Toàn Quốc Kháng Chiến chống Pháp. Pháp thấy trước sự vất vả trong việc tái chiếm thuộc địa, nhất là Việt Nam. Ɖô đốc Thierry d’Argenlieu gốc là một tu sĩ Thiên Chúa Giáo. Ông biết Hồ Chí Minh là một cán bộ Cộng Sản Quốc Tế do Moscow đào luyện. Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp. Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa vô thần. Viên Cao Ủy gốc tu sĩ dùng tôn giáo để chống lại cuộc kháng chiến giành độc lập lãnh đạo bởi một cán bộ Cộng Sản Quốc Tế vô thần. Trước tình hình chánh trị biến chuyển nhanh chóng sau đệ nhị thế chiến, Paris tìm một nhà lãnh đạo ôn hòa để trao trả độc lập “tượng trưng”. Pháp vẫn còn đóng vai trò chánh trị quan trọng trong quốc gia “độc lập tượng trưng” đó. Cựu hoàng Bảo Ɖại là người được Pháp đặc biệt để ý đến vì:
- Cựu hoàng Bảo Ɖại là người từng sống và học ở Pháp, nói tiếng Pháp thông suốt. Hoàng hậu Nam Phương theo đạo Thiên Chúa, có Pháp tịch và từng học ở Pháp. Ɖó là những yếu tố đảm bảo cựu hoàng không thể là người chống Pháp cực đoan như Hồ Chí Minh.
- Cựu hoàng Bảo Ɖại là người ôn hòa, thích thụ hưởng cuộc sống đế vương hơn là đấu tranh gian khổ. Nhưng với uy tín cá nhân của một quân vương, ông được sự nể trọng của Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Cao Ɖài, Hòa Hảo, phe bảo hoàng, Việt Nam Quốc Dân Ɖảng, Ɖại Việt, Bình Xuyên, Việt Nam Phục Quốc Hội, các đảng phái cách mạng hoạt động trên lãnh thổ Trung Hoa từ đầu thế kỷ XX đến thập niên 1940 v.v..
Hiệp ước Élysée ký ngày 09-03-1949 (theo Việt Nam đó là ngày 08-03) công nhận Việt Nam là một nước độc lập trong Liên Hiệp Pháp. Cựu hoàng Bảo Ɖại về nước với tư cách Quốc Trưởng (Chef d’État) của Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam). Cao Ủy Pháp có nhiều uy quyền nhất là Cao Ủy Jean de Lattre de Tassigny (1889-1952) vì ông cũng là người chỉ huy quân đội Viễn Chinh Pháp ở Ɖông Dương. Quốc Trưởng Bảo Ɖại có quyền hành tượng trưng hơn là thực quyền.
Dinh Quốc Trưởng Bảo Ɖại ở Ɖà lạt, thủ phủ của Hoàng Triều Cương Thổ (Ảnh: chuyenxua.net)
Năm 1949 Pháp trao Cao Nguyên Nam Trung Bộ cho Việt Nam. Năm 1950 Quốc Trưởng Bảo Ɖại lập ra Hoàng Triều Cương Thổ (Domaine de la Couronne) để hành sử quyền Quốc Trưởng và Hoàng Ɖế trên phần lãnh thổ này.
Hoàng Triều Cương Thổ gồm:
1- Một phần lãnh thổ trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ với các tỉnh Ɖồng Nai Thượng, Liang Biang (Lâm Viên), Pleiku, Kontum, Darlac. Ɖó là vùng cư trú của người Bahnar, Sedang, Mnong, Chu Ru, Gia Lai, Ê Đê v.v.. Trên thực tế tỉnh trưởng của Pleiku, Kontum, Darlac vẫn là người Pháp.
2- Một phần lãnh thổ phía bắc và phía tây Bắc Bộ với các khu:
- a. Khu tự trị người Mường ở Hòa Bình.
- b. Khu tự trị người Thái (Lai Châu, Sơn La, Phong Thổ).
- c. Khu tự trị người Mèo (Lào Kay, Hà Giang).
- d. Khu tự trị người Thổ (Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn).
- đ. Khu tự trị người Nùng (Hải Ninh, Móng Cái).
Hoàng Triều Cương Thổ được thành lập năm 1950. Năm 1954 Việt Nam bị qua phân. Phần Hoàng Triều Cương Thổ trên Cao Nguyên Nam Trung bộ bị giải thể năm 1955. Quốc Trưởng Bảo Ɖại bị Thủ Tướng Ngô Ɖình Diệm truất phế trong cuộc trưng cầu dân ý (referendum) ngày 23-10-1955.
Hoàng Triều Cương Thổ là một tiểu vương quốc trong Quốc Gia Việt Nam (État du Vietnam). Tiểu Vương Quốc này là địa bàn của các dân tộc thiểu số đến từ Nam Thái Bình Dương và từ Trung Hoa (Guangxi–Quảng Tây, Yunnan–Vân Nam). Cựu hoàng Bảo Ɖại là Quốc Trưởng của Quốc Gia Việt Nam và là Hoàng Ɖế của Hoàng Triều Cương Thổ.
Hoàng Triều Cương Thổ là một tiểu vương quốc ra đời trong thời kỳ bán độc lập và bán thuộc địa.
Dưới triều vua Gia Long (1802-1820) phần đất Hoàng Triều Cương Thổ trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ là Trấn Thuận Thành. Quan Trấn Thủ là người Chăm từng theo họ Nguyễn chống quân Tây Sơn trong thời kỳ nội chiến vào thế kỷ XVIII.
* * *
Pháp đô hộ Việt Nam trên dưới một trăm năm. Trong một thế kỷ họ lưu lại Việt Nam quá nhiều sự mới mẻ trên các lãnh vực thể thao, âm nhạc, chữ viết hiện hành, kiến trúc, ẩm thực, khoa học kỹ thuật v.v.. Nhiều từ ngữ âm từ tiếng Pháp hay Anh đã được Việt hóa trong đời sống của người Việt.
Thể thao
Từ ngữ thể thao có nhiều tên tiếng Anh vì người Anh là cha đẻ của nhiều bộ môn thể thao.
Football (Anh): Ɖá banh, bóng tròn.
Goal keeper (Anh): Giữ gôn, thủ môn.
Cót-ne (Việt): Corner (Anh): Phạt góc.
Bê-nanh-ty (V): Penalty (Anh); Phạt đền trong vùng cấm địa.
Me (V): Main (Pháp), tay trúng banh và bị phạt.
Basketball (Anh): Bóng rổ.
Volleyball (Anh): Bóng chuyền.
Tơ-nít (V): Tennis (Anh), quần vợt.
Banh-bông (V): Ping-pong (Anh), bóng bàn.
Cu-rơ (V): Coureur (Pháp), người đua xe đạp.
A-ri-de (V): Arrière (Pháp), hậu vệ.
Ɖánh bốc (V): Boxing (Anh), quyền Anh.
Nốc-ao (V): Knock out (Anh), đánh lọt khỏi đường băng.
Nốc-đao (V): Knock down (Anh), đánh ngã gục.
Âm nhạc
Mandoline (Pháp): Măng-đô-lin, măng cầm.
Banjo (Pháp): Băng-giô, Băng-giô-lin, băng cầm.
Ghi-ta (Việt): Guitare (Pháp).
Guitare espagnole (Pháp): Tây ban cầm.
Vi-ô-lông (V): Violon (Pháp), vĩ cầm.
Violoncelle (Pháp): Trung hồ cầm, Trung vĩ cầm.
Accordéon (Pháp): Phong cầm.
Pi-a-nô (V): Piano (Pháp), dương cầm.
Hạ Uy Cầm (V): Guitare hawaiienne (Pháp).
Kèn át-mô-ni-ca (V): Harmonica (Pháp), khẩu cầm.
Kèn trôm-bét (V): Trompette (Pháp) v.v.
Kiến trúc
Xi-măng (V): Ciment (Pháp).
Gạch Ca-rô (V): Carreaux (Pháp).
Vi-la (V): Villa (Pháp).
Dây lập lòng (V): Fil à plomb (Pháp).
Ɖường rầy (V): Rail (Anh).
Chemin de Fer (Pháp): Ɖường sắt, hỏa xa.
Traveaux Publiques (Pháp): Trường tiền, Công Chánh.
Ẩm thực
Thịt Cốc-lết (V): Cotelette (Pháp).
Ra-gu (V): Ragoût (Pháp).
Cà-ri (V): Curry (Anh, Pháp), Kari (Tamil), Cari (Pháp).
Bíp-tết (V): Beefsteak (Anh).
Nước sốt (V): Sauce (Pháp).
Ba-tê (V): Pâté (Pháp).
Giăm/Dăm-bông (V): Jambon (Pháp).
Xúc xích (V): Saucisse (Pháp).
Phô-mai (V): Fromage (Pháp).
Bơ (V): Beurre (Pháp).
Các loại rau cải miền ôn đới không có ở Việt Nam trước khi người Pháp đến đều được âm từ tên gọi của Pháp như xà lách (salade), cà tô mát (tomate), trái su (chouchou), củ cà-rốt (carotte) v.v..
Quân sự
Soldat (Pháp): Săn-đá, lính; thành săn-đá (thành lính).
Lính thuộc địa dưới thời Pháp thuộc (Ảnh: hinhanhvietnam.com)
Ông Cò (V): Commissaire (Pháp).
Police (Pháp): mã tà, phú lít, cảnh sát.
Gendarme (Pháp): Lính sen-đầm, hiến binh.
Canon (Pháp): Cà-nông, đại bác.
Mã tà (V): do chữ Matas của Mã Lai mà ra; Phú lít: Police (Pháp), cảnh sát.
Bót (V): Poste (Pháp).
Hầm tăng/trăng-sê (V): Tranchée (Pháp).
Lô cốt (V): Blockhouse (Anh), Blockhaus (Ɖức).
Tank (Anh/Pháp): Xe tăng.
Khoa học kỹ thuật
Tất cả các từ khoa học và kỹ thuật Việt Nam đều âm từ tiếng Pháp. Danh từ khoa học mà ông Hoàng Xuân Hãn soạn hoặc âm từ tiếng Pháp hoặc dùng chữ Hán để dịch các từ khoa học của Pháp.
Giáo dục
Việc học hành, thi cử dưới triều Nguyễn và thời thuộc địa hoàn toàn khác nhau. Do đó so sánh tìm sự tương đương giữa TÚ TÀI (Sinh Ɖồ) với BAC I, BAC II (Baccalauréat), CỬ NHÂN (Hương Cống) với LICENCE hay TIẾN SĨ với DOCTORAT của Pháp có vẻ không ổn lắm.
Collège d’Adran là trường học dạy Quốc Ngữ và Pháp Ngữ đầu tiên ra đời ở Nam Kỳ năm 1861. Adran là giáo khu của giám mục Pigneau de Béhaine (Bá Ɖa Lộc: 1741-1799). Trường này nằm trong khuôn viên trường Trưng Vương và Võ Trường Toản gần Sở Thú Sài Gòn. Một phần của Collège d’Adran trở thành Collège des Interprètes (Trường Thông Ngôn) và năm 1922 là École Normale des Instituteurs (Trường Sư Phạm) đào tạo giáo viên dạy lớp Nhì và lớp Nhất. Kể từ năm 1887 Collège d’Adran đóng cửa. Học sinh về học ở Institution Taberd do các sư huynh Thiên Chúa dòng La Salle (La San) giảng dạy. Ông Nguyễn Bá Tòng, Giám Mục Việt Nam đầu tiên học ở Collège d’Adran. Sau đó có nhiều Collège d’Adran ở Nam Kỳ.
Trong những năm đầu đô hộ ở Nam Kỳ những người Việt Nam biết Quốc Ngữ và Pháp Ngữ đều là những tín đồ Thiên Chúa Giáo. Người tân học thông thạo tiếng Pháp, La Tinh và Quốc Ngữ như ông Philippe Lê Phát Ɖạt (1841-1900), ông ngoại của Nam Phương Hoàng Hậu, được danh hiệu Học Sĩ. Ông Lê Phát Ɖạt được gọi là Huyện Sĩ. Huyện ở đây là tước Tri Huyện hàm (honoraire) và Sĩ không phải là tên mà la do danh hiệu Học Sĩ mà ra.
So với thời quân chủ chuyên chính, nền giáo dục Pháp-Việt thời thuộc địa có những đặc điểm như sau:
1- Giáo dục thời thuộc địa dành cho nữ phái quyền bình đẳng với nam giới. Trường nữ Trung Học dành cho nữ sinh (École des Jeunes Filles Indigènes – Trường Nữ Học Sinh Bản Xứ), tức trường Áo Tím (vì nữ sinh mặc áo tím) hay Collège Gia Long sau này được thành lập năm 1915. Ngày nay trường Gia Long là trường Nguyễn Thị Minh Khai. Nguyễn Thị Minh Khai (1910-1941) là vợ của Lê Hồng Phong, bị xử tử sau khi Nam Kỳ Khởi Nghĩa thất bại.
2- Trường tiểu học được tìm thấy ở các địa phương thời Pháp thuộc. Làng nhỏ, ít dân có trường tiểu học với ba cấp lớp (Ɖồng ấu, Dự bị, Sơ đẳng ‘lớp ba’). Làng đông dân có trường tiểu học với đầy đủ 5 hay 6 cấp lớp (nếu có hai lớp nhì – Cours Moyen). Ở cấp tỉnh có trường tiểu học dành cho nam sinh và trường tiểu học dành cho nữ sinh.
3- Các bộ môn đều giảng dạy bằng Pháp ngữ. Có giờ Việt văn và Hán văn nhưng rất giới hạn. Chương trình học có Pháp văn, Việt văn, Hán văn (thường không có giáo viên), lịch sử Pháp, địa lý (địa phương, Việt Nam, Pháp và thế giới ở các lớp cao), vạn vật, toán, lý hóa (bậc Trung Học), luân lý, công dân giáo dục (instruction civique), vệ sinh (hygiène), hội họa, thể thao.
Trường trung học công lập lâu đời thời Pháp thuộc là trường Chasseloup Laubat (1). Trường bắt đầu xây năm 1874 và hoàn tất năm 1877. Tên đầu tiên của trường là Collège des Indigènes (Trường Trung Học Bản Xứ – Collège: trường Trung Học Ɖệ Nhất Cấp/Trường Cấp I), sau đổi thành Lycée Chasseloup Laubat (Trung Học Ɖệ Nhị Cấp). Ɖó là trường Jean Jacques Rousseau rồi Lê Quí Ɖôn sau này.
Lycée Chasseloup Laubat (Ảnh: flickr.com)
Năm 1879 Mỹ Tho có Collège Le Myre de Villers (tên của vị Thống Ɖốc dân sự đầu tiên ở Nam Kỳ). Trường Le Myre de Villers được cải thành trường Nguyễn Ɖình Chiểu sau năm 1954.
Năm 1896 trường Quốc Học Huế được thành lập.
Trường Quốc Học Huế vào thập niên 1920 (Ảnh: Internet)
Năm 1902 Hà Nội có Collège Paul Bert tựa như trường Chasseloup Laubat ở Sài Gòn. Năm 1913 trường Paul Bert trở thành Lycée, nghĩa là có lớp thi Tú Tài I và Tú Tài II Pháp. Năm 1919 Lycée Paul Bert đổi thành Lycée de Hanoi. Ɖến năm 1923 Lycée de Hanoi được cải thành Lycée Albert Sarraut (2).
Năm 1908 Collège du Protectorat ra đời. Ɖó là trường Bưởi, sau đổi thành trường Chu Văn An ở Hà Nội.
Collège du Protectorat (Trường Bưởi/Chu văn An). Ảnh: wikimapia.org
Năm 1917 Cần Thơ có Collège de Can Tho, sau này là trường Phan Thanh Giản.
Năm 1927 trường Pétrus Ký được xây xong. Trường mang tên nhà bác học ngôn ngữ Pétrus Trương Vĩnh Ký. Sau năm 1975 là trường Lê Hồng Phong.
Trường Pétrus Ký năm 1930 (Ảnh: NADAL)
4- Dưới thời Pháp thuộc việc học hành rất gay go vì học sinh phải trải qua nhiều kỳ thi: thi tuyển, thi lên lớp, thi lấy bằng. Ở bậc tiểu học có các Cours Enfantin (Ɖồng Ấu, lớp 1), Cours Préparatoire (Dự Bị, lớp 2), Cours Élémentaire (Sơ đẳng, lớp ba), lớp Nhì (Cours Moyen, lớp 4), lớp Nhất (Cours Supérieur, lớp 5).
Học đến lớp ba (Sơ đẳng) học sinh phải qua một kỳ thi để lấy bằng Cơ Thủy (ít được dùng) hay Sơ Học Yếu Lược (Certificat Primaire Élementaire).
Lên lớp nhất (lớp 5), học sinh phải qua một kỳ thi để lấy bằng CEPCI (Certificat d’Étude Primaire Complémentaire Indochinoise – Văn Bằng Tiểu Học Bổ Túc Ɖông Dương). Thi lấy bằng CEPCI có hai phần: thi viết và thi vấn đáp (Orale). Có CEPCI mới được dự thi tuyển vào năm thứ nhất (1ère année) của trường Trung Học.
Trường Trung Học được chia ra làm:
– Trung học đệ nhất cấp (Collège) có 4 cấp lớp: 1ère année (đệ thất/lớp 6): năm thứ nhất; 2ème année (đệ lục/lớp 7): năm thứ hai; 3ème année (đệ ngũ/lớp 8): năm thứ ba và 4ème année(đệ tứ/lớp 9): năm thứ tư. Ɖến 4ème année học sinh thi lấy bằng Brevet (tài năng, từ này ít được dùng) – BEPC: Trung Học Ɖệ Nhất Cấp (Brevet d’Étude du Premier Cycle – bằng này mới có vào năm 1947) và bằng cấp được nhiều người biết đến là bằng Diplôme hay bằng Thành Chung (DEPSI: Diplôme d’Étude Primaire Supérieur Franco-Indigènes/ Văn Bằng Cao Ɖẳng Tiểu Học Pháp-Việt – Indigène: bản xứ). Cho đến thập niên 1950 bằng DEPSI vẫn còn là giấc mộng lành của thanh niên thời thuộc địa, gọi là bằng Thành Chung (Diplôme de Fin d’Étude) hiểu theo nghĩa đơn giản: đậu xong thì tìm việc làm và có gia đình!
– Trung học đệ nhị cấp (Lycée) có 3 cấp lớp: Lớp Seconde (đệ tam/lớp 10), Première (đệ nhị/lớp 11) và Terminale (đệ nhất/lớp 12). Học sinh trường công lập đậu Brevet hay DEPSI vẫn phải dự cuộc thi tuyển vào lớp Seconde (đệ tam/lớp 10). Nếu rớt, phải ra học trường tư. Lên lớp Première (đệ nhị/lớp 11), học sinh phải thi Tú Tài I (Baccalauréat 1ère Partie). Ɖậu Tú Tài I, sẽ học lớp Terminale (đệ nhất/lớp 12) để chuẩn bị thi Tú Tài II (Bac II).
Dưới thời Pháp thuộc trường Cao Ɖẳng được thành lập ở Hà Nội, nơi có Phủ Toàn Quyền trông coi việc cai trị trên toàn thể bán đảo Ɖông Dương (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Cambodia, Lào). Việc học đại học rất tốn kém nên chỉ có những người giàu có hay xuất sắc mới học đại học ở Hà Nội hay ở Pháp.
Ông Bùi Quang Chiêu là người Việt Nam đầu tiên tốt nghiệp Kỹ Sư Nông Nghiệp ở Algérie rồi Pháp (1897). Ông Lưu Văn Lang, Nguyễn Văn Xuân, Hoàng Xuân Hãn, Lê Văn Thêm tốt nghiệp từ những trường Cao Ɖẳng (Grand École) khét tiếng của Pháp. Ông Trần Văn Chương, Vương Quang Nhường, Trịnh Ɖình Thảo là những người Việt sớm lấy bằng Tiến Sĩ của Pháp. Các ông Nguyễn Mạnh Tường (3), Trần Văn Trai là lưỡng Tiến Sĩ Luật Khoa và Văn Khoa. Ông Ngô Ɖình Nhu tốt nghiệp École Nationale des Chartes (Quốc Gia Cổ Tự). Ái nữ của ông Bùi Quang Chiêu, Henriette Bùi Quang Chiêu, là nữ bác sĩ đầu tiên của Việt Nam v.v..
Các từ ngữ liên quan đến ngành giáo dục đều là từ ngữ tiếng Pháp được chuyển dịch sang tiếng Việt, đại cương như:
École Primaire: Trường Tiểu Học; Collège: Trường Trung Học Ɖệ Nhất Cấp (4 lớp); Lycée: Trường Trung Học Ɖệ Nhị Cấp (có lớp thi Tú Tài); Écolier: Học trò; Élève: Học sinh; Étudiant: Sinh viên; Instituteur: Thầy giáo; Professeur: Giáo sư; Director: Ông Ɖốc, Hiệu Trưởng (Directeur: Giám Ɖốc); Proviseur: Hiệu Trưởng Trung Học (Lycée); Surveillant: Giám Thị; Censeur: Giám Học; Certificate: Chứng chỉ, cấp bằng; Diplôme: Bằng Dip-lom, bằng Thành Chung; Brevet: Bằng Tài Năng (ít được dùng); Bac (Baccalauréat): Tú Tài; Premier Cycle: Ɖệ nhất cấp; Second Cycle: Ɖệ nhị cấp; Ingénieur: Bác vật, kỹ sư; Recteur: Viện Trưởng; Faculté: Phân khoa; Doyen: Khoa trưởng; Licence: Cử Nhân; Diplôme d’Étude Supérieur (DES): Cao Học; Doctorat: Tiến Sĩ; Docteur: Bác sĩ, người có Tiến Sĩ (Bác sĩ: Docteur en Médecine); Agrégé: Thạc Sĩ, gồm có: a. Agrégé dạy Trung Học như Phạm Duy Khiêm, Trần Ɖức Thảo, Lê Văn Hai (tốt nghiệp École Normale Supérieure) – b. Agrégé dạy Ɖại Học như Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Văn Bông, Nguyễn Hữu Châu chẳng hạn (điều kiện: có Tiến Sĩ, được một chánh phủ giới thiệu để được dự vào một cuộc thi tuyển gay go) v.v..
Phạm Ɖình Lân, F.A.B.I.
Chú Thích:
(1) Justin Napoléon Samuel Prosper de Chasseloup Laubat (1805 – 1873) là Tổng Trưởng bộ Hải Quân Pháp, chủ trương xâm chiếm Nam Kỳ dưới triều Hoàng Ɖế Napoléon III.
(2) Albert Sarraut (1872-1962) là Toàn Quyền Ɖông Dương hai lần: a. 1911–1914, b. 1916-1919. Trường Cao Ɖẳng Hà Nội được thành lập trong thời gian ông giữ chức Toàn Quyền Ɖông Dương lần thứ hai.
(3) Ông Nguyễn Mạnh Tường sinh năm 1909 tại Hà Nội và mất năm 1997. Năm 1932 ông trình luận án Tiến Sĩ Luật Khoa và Tiến Sĩ Văn Chương. Lúc ấy ông mới 23 tuổi.
Nguồn: https://caidinh.com/trangluu1/vanhoaxahoi/xahoi/nhungtuongduong.html
Be the first to comment