Trở Lại Với Chuyện Nhạc Vàng, Nhạc Đỏ

Các nghệ sĩ trong chương trình đêm nhạc “Mắt Biếc Giai Nhân” trình diễn các ca khúc của nhạc sĩ Lam Phương. (Hình: Nhân Dân)

KENNEDALE, Texas – Trong bài viết “Nhạc Vàng, Bên Thắng Cuộc,” tác giả Lê Hữu, một cây bút quen thuộc ở hải ngoại thường nghiên cứu các ca khúc phổ thông của âm nhạc Việt Nam, quả quyết: “Chung cuộc, nhạc vàng của người miền Nam, với thời hoàng kim của boléro, đã giải phóng người dân miền Bắc thoát khỏi sự thống trị của nhạc đỏ trong sinh hoạt văn hóa, văn nghệ trong suốt bao nhiêu năm, để giành quyền tự do suy nghĩ, bày tỏ cảm xúc, tâm tư tình cảm. Điều này thật ý nghĩa, vì đấy chính là quyền tự do tư tưởng, là một trong những quyền tự do căn bản nhất của con người. (…) Không còn nghi ngờ gì nữa, trong cuộc đọ sức với nhạc đỏ, nhạc vàng đã là ‘Bên thắng cuộc.’” (1)

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này của tác giả Lê Hữu. Dưới đây là thí dụ cụ thể mới nhất về sự thắng cuộc đó, do báo Nhân Dân trong nước đưa tin về đêm nhạc “Mắt Biếc Giai Nhân” trình diễn các ca khúc của Lam Phương – một trong những nhạc sĩ lừng danh thời Việt Nam Cộng Hòa – tại nhà hát Bến Thành, Sài Gòn, vào ngày 9 Tháng Ba:

“Đêm nhạc hội tụ những ca sĩ từng nhiều lần hát nhạc Lam Phương, nhưng cũng có những ca sĩ chưa từng hát nhạc của ông. […] Những màu sắc, chất liệu, phong cách mới, đương đại, quyến rũ, sôi nổi nhưng vẫn đậm chất nhạc Lam Phương.”

“Show diễn đặc biệt một phần bởi nhiều ca sĩ không thuộc dòng nhạc trữ tình Lam Phương nhưng lại hát nhạc Lam Phương rất thành công với một phong cách mới, mỗi người một thế mạnh, mang đến một sắc thái âm nhạc khó quên cho đêm nhạc này.”

“Là đơn vị tổ chức 8 đêm nhạc Lam Phương, nhà sản xuất, đạo diễn Vạn Nguyễn đã phải liên tục đổi mới để cùng với nhạc sĩ Dương Hùng và ban nhạc mỗi đêm diễn mang đến cho khán giả một sắc thái riêng. Vạn Nguyễn chia sẻ: ‘Liên tục bắt nhịp thị hiếu âm nhạc của khán giả để đổi mới dựa trên sự tôn trọng nguyên thủy, Vạn Show luôn nỗ lực tổ chức các show diễn mới mẻ, khác với những chương trình âm nhạc Lam Phương theo cách truyền thống, đó là lý do chúng tôi đi tới số Lam Phương thứ 10 và là số thứ 8 trong chuỗi ‘Trăm nhớ ngàn thương’ kỷ niệm 70 năm Âm nhạc Lam Phương, một di sản vô cùng quý giá.” (2)

Không những chỉ ca khúc của Lam Phương, mà ca khúc của hầu như tất cả các nhạc sĩ VNCH – kể cả nhạc lính – đều được khán giả trong nước từ Nam ra Bắc yêu thích và càng ngày càng được sử dụng rộng rãi, không những trong các sinh hoạt “ngoài lề,” mà đôi khi cả trong các đêm nhạc được cấp phép như chương trình “Mắt Biếc Giai Nhân” nói trên.

Trong lúc đó, nhạc đỏ thì thế nào?

Mời đọc một trích đoạn từ trong bài “Hòa hợp nhân tâm – góc nhìn từ thái độ ứng xử với nhạc đỏ” của tác giả Thẩm Thúy Hằng (3): “Gần đây, trên một số trang mạng xã hội, đồng thời cũng qua phản ánh thực tế, cho thấy có một biểu hiện lệch lạc đáng phê phán, đó là: tại một số quán trà ở miền Nam, khi có ca sĩ hát nhạc đỏ thì người ta có hành vi phản đối, tẩy chay. Ở đây, ta không quá sa đà vào qui kết quan điểm chính trị, mà chỉ tiếp cận từ thái độ ứng xử văn hóa đối với âm nhạc. Đáng tiếc là những người có thái độ xa lánh, bài xích nhạc đỏ đang bộc lộ một mảnh lòng miệt thị lịch sử.”

Nói là “không quá sa đà vào quy kết quan điểm chính trị,” ấy thế mà ngay sau đó, thay vì nêu ra hay nhìn nhận những lý do khách quan, tác giả này lại viết: “Thực tế cho thấy, trong chiến lược ‘diễn biến hòa bình,’ văn học, nghệ thuật là mảnh đất màu mỡ để các thế lực phản động luôn tìm cách gieo mầm độc. Hiện tượng kỳ thị nhạc đỏ chắc chắn là hệ lụy của tư tưởng chống cộng còn thoi thóp từ lâu, nay mượn cớ tự do ngôn luận, tự do ca múa hòng khai quật thây ma chính trị dưới thời Mỹ – Ngụy.” […] “Ấy vậy mà, một bộ phận người Việt Nam (đáng buồn là có cả những người trẻ tuổi) lại vẫn cố tình đeo bám tâm lý bài xích nhạc đỏ, phải chăng hàm ý của họ là không bao giờ chấp nhận chế độ chính trị do Đảng Cộng Sản Việt Nam lãnh đạo.”

Chẳng quy chụp chính trị thì là gì!

Khác với cái nhìn thiên lệch đó, một tác giả khác ở trong nước, nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng (Nhạc Viện Hà Nội), đưa ra một cách phân tích khác hơn. Theo ông: “Nhạc đỏ một mặt đã hạn chế (hoặc xóa mờ) đi tình cảm cá nhân, nhưng mặt khác lại đề cao những tình yêu lớn. Những tình yêu lớn đó là tình yêu đất nước, quê hương, dân tộc, tình yêu đồng loại, chứ không phải là tình yêu riêng rẽ như chủ nghĩa lãng mạn vốn đề cao cá nhân con người. […] Nhiều khi báo chí viết đưa tin thiên lệch một chiều, coi nhạc đỏ là nhạc ‘cúng cụ,’ nhạc dành cho lễ hội.” (4)

Để chứng minh cho giá trị của nhạc đỏ, ông Đỗ Xuân Tùng cho biết: “Tôi từng ở Sài Gòn ngay sau khi giải phóng, tôi rất ngạc nhiên khi thấy thanh niên, sinh viên rồi các tầng lớp trẻ ở Sài Gòn khi ấy suốt ngày họ hát bài ‘Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây’ và ‘Bài ca hi vọng.’ Đặc biệt là ‘Bài ca hi vọng,’ đây là bài hát có giá trị trước cả những năm 1975. Nhiều người còn nói với tôi rằng không ngờ miền Bắc lại có những bài hay như vậy.”

Chứng minh kiểu này thì đúng là ông nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng “bé cái lầm!” Trong “kho tàng” nhạc đỏ mà các nhạc sĩ cộng sản sáng tác, giới trẻ Sài Gòn chỉ chọn được có hai bài. Đã thế, họ lại còn phát biểu: “Không ngờ miền Bắc lại có những bài hay như vậy!” Một câu nói nghe có vẻ thành thật, thực ra,  ngầm chứa tính cách mỉa mai: trừ hai bài này ra, tất cả nhạc miền Bắc đều dở.

Điều mà ông Tùng không nhận ra, đó là: đối với người miền Nam vốn chuộng giá trị nghệ thuật trong các sản phẩm văn hóa, cái “hay” của hai bài này (nếu có) chẳng phải vì “tình yêu lớn” hay tình yêu nhỏ gì cả, mà đơn giản nằm ở chỗ: lời ca của chúng tương đối ít tính cách tuyên truyền nhất, thế thôi. Vả lại, trong không khí hừng hực căm thù của người chiến thắng, cái gì cũng cấm, cái gì cũng đòi tiêu diệt, ai mà dám hát ca khúc nào khác hơn!

Đánh giá nhạc đỏ, ông Đỗ Xuân Tùng phải thành thật thừa nhận: “Nhìn chung, sáng tác nhạc đỏ của ta hiện nay chưa đạt yêu cầu. Chưa đạt được tầm.” Vì sao? Ông giải thích: “Ngay cả những bài hát được xem là ‘hô khẩu hiệu’ bây giờ, nếu không có giá trị nghệ thuật thực sự thì dù nhạc sĩ có viết về nội dung mang ‘tính thời sự nóng’ đến mấy, ví dụ như nội dung về biển đảo chẳng hạn, thì người ta cũng rất ít người hát và biết đến […] Cũng nhiều người viết nhạc đỏ lắm, nhưng có phải cứ viết là người ta hát đâu.”

Một cách giải thích vừa lủng củng lại vừa mâu thuẫn. Một mặt, ông đồng hóa “nhạc đỏ” với “hô khẩu hiệu.” Mặt khác, ông lại muốn “hô khẩu hiệu” trở thành có “giá trị nghệ thuật.” Đã hô khẩu hiệu thì là “hô khẩu hiệu” chứ làm sao mà nói đến chuyện nghệ thuật được!

Để khắc phục khuyết điểm “chưa đạt yêu cầu” của nhạc đỏ nói trên, ông Đỗ Xuân Tùng đề nghị mở rộng khái niệm về nhạc đỏ. Mở rộng thế nào? Ông nói: “… chúng ta phải nhìn nhận khái niệm nhạc đỏ ở một phạm vi rộng hơn, không nên bó hẹp ở ‘tính chính trị,’ ‘tính đảng’ như nhiều người vẫn đang lầm hiểu hiện nay.”

Nói thế thì ông nhạc sĩ này lại càng “bé cái lầm” hơn. Hai chữ “nhạc đỏ” vốn là cái tên được dùng để chỉ loại nhạc mang “tính chính trị”“tính đảng” như chính phe thắng cuộc đề ra và buộc người ta phải hiểu từ trước đến nay, chứ đâu có do sự “lầm hiểu.” (5) Thành thử, nếu mở rộng khái niệm của nó ra, thì, hoặc đó là một cách phủ nhận nhạc đỏ, hoặc đó là một thứ nhạc khác không dính dáng gì đến nhạc đỏ.

Ấy thế mà, ông Đỗ Xuân Tùng nói: “Hãy lấy ví dụ như ca khúc ‘Bonjour Vietnam.’ Nguyên thủy là một bài hát tiếng Pháp, sáng tác bởi Marc Lavoine, sau dịch ra tiếng Việt, tên bài hát có nghĩa là ‘Xin Chào Việt Nam.’ Đây là một ca khúc rất hay. Nội dung bài hát nói về tình cảm của một Việt kiều sinh ra xa quê hương dành cho đất nước Việt Nam. Thực chất đấy chính là một bài hát nhạc đỏ. Bởi nó đã ít nhiều đạt được sự đồng cảm, hướng đến ‘cái chung’ là cảm xúc của nhiều người.”

“Bonjour Vietnam” là nhạc đỏ! Thật không còn gì bôi bác hơn. Đúng là “thấy sang bắt quàng làm họ.” Nếu gọi nhạc yêu quê hương như “Bonjour Vietnam” là nhạc đỏ, thì hóa ra tất cả những tình ca quê hương của hải ngoại hiện nay cũng như của miền Nam trước 1975 đều là nhạc đỏ cả sao?

Tóm lại, nhạc đỏ, dù tìm cách giải thích hay mở rộng khái niệm kiểu nào thì vẫn là nhạc “cúng cụ,” nhạc “hô khẩu hiệu,” nhạc “đảng.” Khi một sản phẩm văn hóa bị áp đặt, bị chỉ đạo và không phản ảnh được tâm tình con người, không xuất phát từ hiện thực cuộc sống thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu quần chúng không yêu thích và, từ đó, xa lánh.

Trần Doãn Nho
Theo Người Việt online ngày 8/5/2024

Chú thích:

(1) https://amnhac.fm/tan-nhac/6444-nhac-vang-ben-thang-cuoc

(2) Đêm nhạc Lam Phương “Mắt biếc giai nhân” với những sắc thái mới
https://nhandan.vn/dem-nhac-lam-phuong-mat-biec-giai-nhan-voi-nhung-sac-thai-moi-post799381.html

(3) Hòa hợp nhân tâm – góc nhìn từ thái độ ứng xử với nhạc đỏ
https://ivanlevanlan.wordpress.com/2023/04/02/hoa-hop-nhan-tam-goc-nhin-tu-thai-do-ung-xu-voi-nhac-do/

(4) Phỏng vấn nhạc sĩ Đỗ Xuân Tùng của VTC News
https://vtcnews.vn/sang-tac-nhac-do-hien-nay-chua-dat-yeu-cau-va-cung-chua-dat-duoc-tam-ar345659.html

(5) Xem Wikipedia:
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nhạc_đỏ

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*