Xe tăng của quân đội tiến vào quảng trường Thiên An Môn, ngày 4-6-1989. Ảnh: The Asahi Shimbun via Getty Images.
Những ngày này, cả thế giới một lần nữa lại hướng ánh nhìn về Trung Nam Hải – trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc ở trung tâm thủ đô Bắc Kinh. Đây là nơi mà 30 năm trước, ngày 4/6/1989, các nhà lãnh đạo đất nước lớn nhất châu Á đã ra lệnh đàn áp đẫm máu cuộc biểu tình đòi dân chủ của sinh viên tại quảng trường Thiên An Môn.
30 năm đã trôi qua, song Đảng Cộng sản vẫn giữ im lặng về những gì đã xảy ra. Mặc cho những bằng chứng của báo chí thế giới, những lời kể của những sinh viên may mắn sống sót năm ấy, và cả những lời ân hận của các quân nhân Trung Quốc, Trung Nam Hải chưa từng lên tiếng thừa nhận sự kiện đàn áp và cũng chưa bao giờ công khai số người bị giết ngày hôm đó.
Trước thềm kỷ niệm sự kiện gây chấn động báo chí thế giới năm 1989, New York Times đã có cuộc phỏng vấn với bà Giang Linh (Jiang Lin), năm nay 66 tuổi – một cựu nhà báo, trung úy Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc (PLA).
Bà Giang là người đã trực tiếp có mặt tại quảng trường Thiên An Môn vào đêm mà các đoàn tăng thiết giáp tiến vào đàn áp sinh viên Trung Quốc. Trong suốt ba thập kỷ, bà giữ im lặng về cuộc thảm sát đẫm máu mà tận mắt bà chứng kiến, song những ký ức vẫn luôn đeo theo dày vò tâm trí bà.
Bà Giang nói rằng mỗi khi nhắm mắt lại, hình ảnh những người lính xả súng vào đám đông trong bóng tối, những vũng máu, những sinh viên ngã xuống, và cảm giác khi quân đội đẩy bà ngã xuống quảng trường, lại hiện về rõ nét.
Chia sẻ với NYT, bà tiết lộ đây là lần đầu tiên bà quyết định kể câu chuyện của mình. Báo chí và truyền thông quốc nội dưới sự giám sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc không được phép đưa tin về sự kiện này, vì đây là điều cấm kỵ trong nước. Tuy vậy, bà Giang ray rứt rằng lương tâm thôi thúc bà phải nói lên những gì mình đã thấy, khi mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc, bao gồm cả Tập Cận Bình, đến giờ vẫn không bày tỏ chút hối hận nào về ngày kinh hoàng đó.
“Những người có mặt ngày hôm ấy phải lên tiếng về những gì họ đã chứng kiến. Đó là trách nhiệm của chúng ta đối với những người đã chết, những người sống sót và những thế hệ tương lai.” bà Giang nói. Bà cũng đã quyết định rời Trung Quốc những ngày cuối tháng 5 năm nay, sau khi nói lên sự thật về ngày 4/6/1989.
Giang Linh nói với NYT một sự thật là trước khi vụ thảm sát đẫm máu diễn ra, đã có những nỗ lực (nhưng thất bại) của các chỉ huy quân sự cấp cao nhằm ngăn giới lãnh đạo Trung Quốc sử dụng lực lượng vũ trang.
Cuốn nhật ký của bà Giang viết rằng cuộc biểu tình lớn của các sinh viên yêu cầu Trung Quốc dân chủ hóa, giống như việc xây dựng một tượng đài Nữ thần Tự do trên quảng trường Thiên An Môn, chiếm được cảm tình lớn từ công chúng và khiến các nhà lãnh đạo cộng sản chia rẽ về biện pháp đáp trả.
Bà Giang Linh tại nhà riêng ở Bắc Kinh. Ảnh: The New York Times.
Bà mô tả vai trò của mình trong việc chuyển một lá thư từ các tướng lĩnh cao cấp chống lại việc ban hành thiết quân luật, và đưa ra chi tiết về những lá thư khác từ các chỉ huy cảnh báo giới lãnh đạo Trung Nam Hải không được sử dụng quân đội để đàn áp tại Bắc Kinh. Bà cho biết thêm, chính mắt nhìn thấy những người lính thực hiện mệnh lệnh của ĐCSTQ bắn bừa bãi vào các nhóm sinh viên khi tấn công chiếm lại Quảng trường Thiên An Môn.
Trong những năm qua, một nhóm nhỏ các nhà sử học, nhà văn, nhiếp ảnh gia và nghệ sĩ Trung Quốc đã cố gắng ghi lại các chương trong lịch sử Trung Quốc mà Đảng Cộng sản muốn lãng quên.
Để kiểm soát và ngăn chặn, chính quyền Bắc Kinh thường xuyên bắt giữ những người tổ chức tưởng niệm sự kiện năm 1989, dù nhỏ đến thế nào. Một tòa án đã kết án bốn người đàn ông ở Tây Nam Trung Quốc trong năm nay chỉ vì họ bán những chai rượu có ý gợi nhớ đến sự kiện Thiên An Môn trên nhãn chai.
Bà Giang Linh buộc phải giữ im lặng trong suốt thời gian dài bởi những thách thức và áp lực đến từ việc bà là một cựu quân nhân, một nhà báo quân đội, và cũng là con gái của một vị tướng PLA.
Bà Giang sinh ra và lớn lên trong môi trường quân đội. Bà từng tự hào khi gia nhập PLA khoảng 50 năm trước, và trong những bức ảnh từ thời còn là một nhà báo quân đội, bà cười rạng rỡ trong bộ đồng phục quân đội màu xanh lá cây, với cuốn sổ tay và chiếc máy ảnh.
Bà Giang cho biết, bà chưa bao giờ tưởng tượng nổi quân đội sẽ chĩa súng vào những người tay không tấc sắt ở Bắc Kinh.
Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 2 tháng 6 năm 1989. Ảnh: Cinda Henriette/Agence France-Presse/Getty Images.
“Làm sao mà quân đội Trung Quốc có thể đột ngột quay đầu với nhân dân, dùng xe tăng và súng máy đàn áp những người không vũ trang? Đối với tôi, đó là một chuyện điên rồ.”
Quân Gang (Qian Gang), cấp trên của bà Linh tại Nhật báo Quân đội Giải phóng, hiện đang sống ở nước ngoài, đã chứng thực các chi tiết trong nhật ký của bà. Bà Giang đã chia sẻ với NYT hàng trăm trang màu vàng của một cuốn hồi ký mà bà đã viết về cuộc tàn sát.
“Đã hơn một lần tôi mơ thấy mình đến thăm Thiên An Môn, mặc đồ tang và để lại một bó hoa huệ trắng tinh khiết”, lời bà viết vào năm 1990.
“Quân đội của dân, do dân và vì dân”
Bà Giang nhớ lại mình cảm thấy sợ hãi như thế nào vào tháng 5/1989 khi tin tức trên đài phát thanh và truyền hình đưa ra thông báo chính phủ Trung Quốc sẽ áp đặt thiết quân luật tại khu vực Bắc Kinh trong nỗ lực quét sạch những người biểu tình khỏi Quảng trường Thiên An Môn.
Các cuộc biểu tình đã nổ ra vào tháng Tư năm 1989, khi các sinh viên tuần hành để bày tỏ niềm tiếc thương trước cái chết đột ngột của Hồ Diệu Bang (Hu Yaobang) (một nhà lãnh đạo nổi tiếng với quan điểm cải cách) và đòi hỏi chính phủ minh bạch hơn, cởi mở hơn.
Bằng việc tuyên bố thiết quân luật trên toàn thủ đô Bắc Kinh, Đặng Tiểu Bình, nhà lãnh đạo tối cao của ĐCSTQ, đã cảnh báo rằng lực lượng vũ trang là một trong các lựa chọn để giải tán các sinh viên biểu tình.
Các nhà nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng một số chỉ huy cấp cao đã chống lại việc sử dụng lực lượng quân sự nhằm dập tắt cuộc biểu tình, nhưng bà Giang đã đưa ra những chi tiết mới về mức độ phản đối trong quân đội và cách các sĩ quan cố gắng bất tuân mệnh lệnh.
Tướng Hứa Giai Kỳ (Xu Qinxian), thủ lĩnh của Quân đoàn 38 thiện chiến, đã từ chối dẫn quân vào Bắc Kinh mà không có lệnh bằng văn bản rõ ràng, và ông cũng giả vờ nhập viện sau đó để tránh né. Bảy chỉ huy khác đều đồng ký một lá thư phản đối thiết quân luật, sau đó đệ trình lên Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Bà Giang nhận định bức thư truyền tải một thông điệp rõ ràng: Quân đội Nhân dân Giải phóng Trung Quốc là của người Trung Quốc, do nhân dân Trung Quốc lập nên và hoạt động vì lợi ích cho dân. Quân đội chính vì thế không được phép tiến vào quảng trường Thiên An Môn và bắn vào người dân.
Bà Giang sau đó đã háo hức truyền bá lá thư của các tướng quân, đọc nó qua điện thoại cho một biên tập viên của tờ Nhân dân Nhật báo (tờ báo ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc), nơi mà các nhân viên đã không tuân theo lệnh kiểm duyệt tin tức về cuộc biểu tình. Nhưng tờ báo sau đó không thể đăng bức thư vì một tướng quân đội lãnh đạo tờ báo phản đối, lệnh rằng không được công khai hóa lá thư.
Tuy nhiên, bà vẫn không ngừng hy vọng những ầm ĩ, tranh cãi bên trong quân đội sẽ giúp ngăn cản ý tưởng sử dụng quân đội của Đặng Tiểu Bình. Tiếc thay, vào ngày 3/6/1989, có thông tin cho biết một số cánh quân đang tiến vào từ phía tây thành phố và được lệnh bắn vào người dân.
“Quân đội được lệnh dọn dẹp quảng trường vào đầu ngày 4 tháng 6, và được phép sử dụng bất kỳ phương tiện nào. Thông báo được loan truyền nhằm cảnh cáo các cư dân tránh ra ngoài (kẻo bị vạ lây) .”
Bất kỳ lời nào của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng đều có thể là lời nói dối
Bà Giang nhớ đến những người bà đã thấy trên quảng trường vào đầu ngày 3/6.
Họ sẽ bị giết ư?
Bà đi vào thành phố bằng xe đạp để theo dõi quân đội tiến vào, biết rằng cuộc đối đầu giữa người dân và quân đội sẽ là một bước ngoặt trong lịch sử Trung Quốc. Bà cũng biết luôn mình có nguy cơ bị quân đội hiểu lầm là người biểu tình vì bộ thường phục mình đang mặc. Nhưng tối hôm đó, bà nói, bà không còn muốn bị xem là một phần của PLA nữa .
“Đây là trách nhiệm của tôi. Công việc của tôi là có mặt để tường thuật và đưa tin ”
Bà Giang đi theo những người lính và xe tăng khi họ tiến vào trung tâm Bắc Kinh. Quân đội tấn công vào đám đông biểu tình bên cạnh những chiếc xe buýt chắn đường ngổn ngang (một trong những phương tiện đưa các sinh viên đến khu vực) và xả súng không ngớt. Dân chúng biểu tình vô cùng tức giận khi nhận ra rõ chính phủ của họ đang sử dụng lực lượng vũ trang để đàn áp.
Hoảng sợ nằm sát đất, tim đập thình thịch khi những viên đạn bay ngang qua đầu, trong tiếng súng nổ và tiếng thùng xăng xe nổ làm rung chuyển bầu không khí xung quanh, sức nóng bốc ra từ những chiếc xe buýt đang cháy làm rát mặt bà.
Gần nửa đêm, Giang Linh tiếp cận được đến trung tâm Quảng trường Thiên An Môn, nơi những người lính đứng im lặng trước ánh lửa. Một người gác cổng lớn tuổi lo lắng và cầu xin bà đừng tiếp tục tiến vào, nhưng Giang Linh không nghe và vẫn tiến bước, bà muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra. Đột nhiên, hơn một tá công an vũ trang bất thần xông đến áp đảo, một số dùng dùi cui điện đánh đập bà không thương tiếc. Máu tuôn ra từ đầu và bà ngã xuống.
Dù vậy, bà vẫn kiên quyết không xuất trình thẻ nhà báo quân đội.
“Hôm nay, tôi không phải là thành viên của Giải phóng quân Nhân dân. Hôm nay, tôi là một trong những người dân Trung Quốc bình thường.”
Đại lộ Trường An bên cạnh Quảng trường Thiên An Môn, một ngày sau cuộc thảm sát. Rải rác khắp đường phố là tàn dư của những chiếc xe quân sự bị phá hủy do những người biểu tình chống lại cuộc đàn áp. Ảnh: David Turnley/Corbis/Getty Images.
Sau đó, bà được một thanh niên đỡ lên chiếc xe đạp của mình và mang đi; một số nhà báo nước ngoài chứng kiến sự việc cũng kịp thời nhanh chóng đưa bà đến một bệnh viện gần đó. Trong khi bác sĩ khâu vết thương ở đầu, Giang Linh bàng hoàng nhận ra xung quanh đang có từng đợt, từng đợt hàng chục người chết và bị thương được mang đến bệnh viện.
Sự tàn bạo của đêm hôm đó khiến bà mất toàn bộ niềm tin.
“Cảm giác giống như nhìn mẹ mình bị hãm hiếp”– bà nói – “Đối với tôi, đây là điều không thể chấp nhận được”.
Bà bị thẩm vấn trong những tháng sau cuộc đàn áp năm 1989, bị giam giữ và thẩm vấn hai lần trong những năm sau đó về cuốn hồi ký riêng mà bà viết. Bà Giang chính thức rời quân đội năm 1996 và sống một cuộc sống bình lặng. Chính quyền Bắc Kinh từ đó cũng phớt lờ bà.
Giang Linh đã do dự một thời gian dài trước khi quyết định kể câu chuyện của mình. Di chứng chấn thương ở đầu năm 1989 để lại cho bà những vết sẹo và chứng đau đầu thỉnh thoảng tái phát.
Khi nhớ lại các sự kiện qua nhiều cuộc phỏng vấn trong những tuần gần đây, giọng nói của bà thường chậm lại và tính cách vui tươi của bà chùn xuống dưới cái bóng ký ức về Thiên An Môn.
Bà nói rằng trong nhiều năm, bà đã chờ đợi một nhà lãnh đạo Trung Quốc lên tiếng xin lỗi đất nước, thừa nhận rằng cuộc đàn áp vũ trang ngày 4/6/1989 là một tội ác kinh hoàng.
“Nhưng 30 năm đã trôi qua, và ngày đó vẫn chưa đến.”
Và ngày đó chắc không bao giờ đến, Giang Linh ngậm ngùi
Bà tin tưởng, nếu như Đảng Cộng sản không chuộc lỗi, mức ổn định và độ thịnh vượng của Trung Quốc sẽ rất mong manh. .
“Lời hứa của Đảng Cộng sản những tưởng là vững chắc, nhưng hóa ra lại xây dựng trên cát. Nếu những người Cộng sản có thể phủ nhận sự thật về những người bị giết hại, thì mọi lời của họ đều coi như là lời nói dối.”
Phạm Minh Trung
Theo Luật Khoa Tạp Chí ngày 3/6/2019
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/06/tham-sat-thien-an-mon-qua-hoi-uc-cua-cuu-nha-bao-quan-doi-trung-quoc/
Be the first to comment