“Em đắp mặt anh mười ngón tay nhánh huệ
Anh biết anh đã trút linh hồn
Sống dậy từ đây đằng sau cái chết
Vốn công phạt, tình yêu kết liễu kẻ cô đơn”
….
(“Trối trăng,” trang 27. Trích Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ (mới)
Có phải anh linh cảm về cái chết của mình mà lời lẽ bài Trối Trăng như gửi lại cho người thân lời dặn dò trước lúc lâm chung. Những thi sĩ nổi tiếng bao giờ cũng đi trước số phận, những lời tiên tri gắn liền với thực tế mà khi mất, ta mới giật mình. Anh đã dọn sẵn cho mình một chỗ nằm.
Tôi quen biết với anh Tô Thùy Yên vào khoản thập niên 1980, lúc đó anh mới ra tù. Chỗ của tôi làm có anh Nguyễn Anh Khiêm bạn với anh và anh Thanh Tâm Tuyền, nên thỉnh thoảng hai anh ghé lại chơi. Uống một chút cà phê, hút vài điếu thuốc chuyện trò đủ thứ. Tôi chỉ là người ngồi lắng nghe và từ chỗ nầy tôi đã học được nhiều ở hai anh. Phải nói hai anh có một kiến thức uyên bác, thông thạo cổ kim. Tôi ngồi nghe hai anh kể chuyện về nhữn g nhà thơ mà hai anh đã gặp. Những người ở Miền Bắc vào tìm thăm hai anh. Hai anh người nào cũng ở tù lâu dài, cũng bị đày đọa như những người khác, nhưng khi có ai hỏi về những tháng năm đó, hai anh trả lời mà không đượm một chút gì thù hận hay cay cú. Tôi rất thán phục về nhân cách tuyệt vời của hai anh.
Rồi hai anh cứ đến chỗ tôi chơi, cho đến khi có chương trinh ra đi. Tôi hỏi anh Thanh Tâm Tuyền, qua Mỹ anh có chuẩn bị viết lại chưa? Anh trả lời với tôi qua đó anh không viết nữa, anh không nói lý do vì sao, anh chỉ bảo mình tới đó cảm thấy đủ không viết thêm làm gì. Tôi hỏi anh Tô Thùy Yên, anh qua Mỹ có viết lại không? Anh gật đầu xác nhận là sẽ viết lại. Trong thâm tâm của tôi mong hai anh đều viết lại, bỏ nửa chừng như vậy uổng lắm. Tôi đi Mỹ trước hai anh chừng vài tháng và sau nầy tôi nghe tin hai anh sinh sống tại Minesota. Vì cuộc sống mới qua của những người mới đến, ai cũng bận rộn với sinh kế, nên không liên lạc với nhau. Vài năm sau tôi nghe tin anh Tô Thùy Yên in một tuyển tập thơ. Tôi tìm được số phôn và gọi anh. Hai anh em mừng lắm. Tôi hỏi anh muốn ra mắt tập thơ ở Boston không? Anh đồng ý, tôi mua vé máy bay cho anh chị qua Boston ra mắt sách và ở lại nhà tôi khá lâu. Buổi ra mắtsách rất thành công, có chị Phan Dụy từ Houston bay qua ngâm bài thơ “Ta Về” quá xuất sắc. khách yêu thơ của Boston rất trân quí và thỏa lòng mong đợi khi gặp được anh trong buổi ra mắt nầy.
Anh ở lại Boston chừng hơn 10 ngày, ngày nào chúng tôi cũng gặp anh trên bàn rượu. Số người ngưỡng mộ anh rất đông, nên bàn tiệc ít khi nào nghỉ sớm. Phải nói lúc ấy tửu lượng của anh rất mạnh, chưa bao giờ thấy anh say. Thường buổi sáng tôi chở anh đi đến thăm những nơi mang tính lịch sử, văn hóa .. của Boston. Theo tôi nghĩ hình như trước khi tới Boston anh đã tìm đọc những sách nói về thành phố nầy, nên khi tới xem những nơi mang tính lịch sử, anh hiểu cặn kẽ và giải thích cho chúng tôi biết vì sao có những hiện tượng nầy ở đây.Nói thế để biết kiến thức của anh sâu rộng, uyên bác cho nên thơ anh rất sâu sắc, tiềm ẩn những ý tưởng cao siêu. Có lẽ bài thơ “Ta Về” là bài thơ dễ dãi nhất của anh. Nó ra đời đúng vào thời điểm mà những người tù được tha trở về với gia đình. Bài thơ mang tâm trạng chung của những tù nhân cho nên dễ đi vào lòng người đọc. Lúc đó anh chỉ cho một vài anh em thân thiết với anh đọc chơi, không ngờ ai đó tuồn ra nước ngoài và trong một thời gian ngắn nó được lan rộng khắp nơi. Khi tôi tới Mỹ tháng 6 năm 1990 thì bài thơ nầy đã rộng rãi đến tay người đọc, và ai khi đọc được nó cũng nhớ vài câu…, tùy theo tâm trạng của từng người. Đủ biết sức mạnh của bài thơ thật vô biên.
Khi ngồi nhậu với nhau có một anh nói với anh trong bàn rượu: “Theo tôi cho đến bây giờ, anh là Đệ Nhất Thi Sĩ, không có ai qua mặt được anh.” Anh mĩm cười trả lời: “Đừng nói vậy, Thơ thì mỗi người có sự cảm nhận khác nhau. Nhiều khi nói ra điều nầy gây nên sự tranh cãi vô ích.” Câu nói nhẹ nhàng ngắn ngủi của anh thể hiện sự khiêm nhường và tự trọng làm cho anh em càng kính trọng anh hơn.
Gia đình anh sống ở Minesota, sau nầy mới dọn vế Houston, Texas. Thỉnh thoảng tôi có dịp đi Houston đều ghé thăm anh. Trong thành phố nầy có nhà thơ Cao Đông Khánh, quen thân với anh. Anh Cao Đông Khánh là người đọc thơ của anh hay nhất mà từ xưa tới giờ tôi được nghe. Giọng đọc khề khà chậm rãi (như người say) nhưng rất đặc biệt, rất hay, bài “Ta Về” thì không ai đọc qua anh được. Cũng như không ai ngâm bài “Ta Về” bằng chị Phan Dụy. Chị là người thân với gia đình anh Tô Thùy Yên lúc đó. Anh Tô Thùy Yên có hai người tri kỷ mà anh rất quý trọng.: Chị Phan Dụy ngâm thơ anh và anh Cao Đông Khánh đọc thơ
Sau nầy tôi cũng về sống tại thành phố với anh nên anh em thường gặp nhau. Trong những buổi sinh hoạt cùng với một số văn nghệ sĩ tại thành phố nầy, đếu có mặt vợ chồng anh tham gia. Chúng tôi dự trù tổ chức đêm thơ Tô Thùy Yên tại Houston nhân dịp giới thiệu tập thơ mới xuất bản của anh “Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ”. Khi tập thơ chưa về đến tay anh thì anh phải vào nằm bệnh viện. Tôi đến thăm anh tại nhà thương và được anh ký tặng tập thơ mới tại đây. Như vậy anhđã kịp trông thấy đứa con tinh thần mới ra đời của mình trước khi anh vĩnh viễn ra đi. Thật tội nghiệp.
Ngày xưa, khi còn chiến tranh. Chúng tôi thuộc lớp trẻ nhưng có người cũng thuộc vài câu thơ anh. Thơ anh thú thật không có ai nhớ hết vì nó quá dài. Đặc biệt những bữa đi hành quân về, ngồi trên chiếu rượu ngà ngà say:
…..
“Thiệt tình, tên bạn ta không nhớ
Nhưng mà trông mặt thấy quen quen
Hế chi, ta uống cho say đã
Nào có ra gì một cái tên…
Tới đây toàn những tay hào sĩ
Sống chết không làm thắt ruột gan”
….
Những câu thơ như thế cứ ám vào chúng tôi thuở đó như một định mệnh. Cứ mỗi lần ngồi nhậu là phải bắt ông thiếu úy thuộc thơ Tô Thùy Yên đọc đi đoc lại mấy câu thơ nầy. Bữa nào ông nầy bận đi hành quân là xem như bữa nhậu đó buồn thiu. Nói vậy để biết thơ Tô Thùy Yên không những làm say mê những người tỉnh rượu, mà nó còn làm những thằng say phải tỉnh người. Hình như thơ của anh dành để đọc mới thấy được sâu sắc từng câu thừng chữ, hơn là để ngâm nga.
“Ta Về” một bài thơ của anh mà hầu hết những người trong và ngoài nước đều đọc, đặc biệt mỗi người khi đọc qua đều thuộc một vài câu. Điều nầy chứng tỏ bài thơ có ảnh hưởng không ít trong lòng người đọc. Một người bạn qua Mỹ năm 1975 nói với tôi là anh không thích thơ, nhưng khi đọc bài “Ta Về” anh vừa ngạc nhiên vừa thích thú. Cũng bắt đầu từ đó anh tìm đọc thơ của người khác, nhưng anh thấy không ai bằng thơ Tô Thùy Yên,
“Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở thời gian bay lướt qua
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn
Đành không trải hết được lòng ta”
(Ta Về trang 154 Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ)
Nói về thơ Tô Thùy Yên, nhiều người đã nói. Tôi nói thêm đâm ra thừa và có thể lặp lại ý của người khác. Với tôi Anh là một nhà thơ lớn đã ra đi trong sự thương tiếc của nhiều người, những bài viết về anh nhiều vô kể.. Tôi nghĩ anh đã mĩm cười khi ra đi. Riêng tôi, chỉ ghi lại những kỷ niệm đã gặp anh. Nói chuyện với anh rất nhiều lần. Tôi đến thăm anh lần cuối cùng cách đây không lâu, thấy anh tươi tắn nên cứ nghĩ anh sẽ qua khỏi, nhưng không ngờ anh thiếp đi một cách nhẹ nhàng và vĩnh viễn. Xin chia buồn với chị Diệu Bích và các cháu/
Houston, 28 tháng 5 năm 2019
Phan Xuân Sinh
Be the first to comment