Dư luận Trung Quốc bàn tán sôi nổi về cuộc bầu cử tổng thống giữa Donald Trump và Joe Biden (Ảnh: Miguel Candela/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Bất chấp những hù dọa về việc đánh thuế gay gắt nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc khiến nền kinh tế sản xuất Trung Quốc bị ảnh hưởng, người Trung Quốc nói chung vẫn khoái Donald Trump trở lại Tòa Bạch Ốc. Tại sao?
Trên mạng xã hội Trung Quốc, các cuộc tranh luận về việc ủng hộ hay không ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đang bùng lên. Một số người tin rằng việc Trump trở lại Tòa Bạch Ốc sẽ dẫn đến một cuộc chiến thương mại dữ dội, với những thiệt hại kinh tế tiềm tàng rất lớn. Tuy nhiên, đa số ý kiến, đặc biệt những người theo chủ nghĩa dân tộc, lại rất thích Donald Trump.
Trung Quốc so sánh Biden và Trump như thế nào?
Nhiệm kỳ tổng thống của Trump từ 2017 đến 2021 đã chứng kiến sự thay đổi sâu sắc trong chính sách Washington đối với Bắc Kinh, khi chính quyền Trump triển khai thuế quan nhằm giảm thâm hụt thương mại của Mỹ và bảo vệ việc làm cho dân Mỹ. Nó tái xác định cuộc tranh cãi công luận phổ biến ở Mỹ, trong đó Trung Quốc được miêu tả là một đối thủ về chính trị, công nghệ và quân sự.
Tuy nhiên, cách tiếp cận có hệ thống hơn của Joe Biden lại gây ra loạt mối đe dọa khác đối với Trung Quốc so với mối đe dọa tóe lửa nhưng không thật sự hiệu quả trong nhiệm kỳ Trump. Hoa Kỳ thời Biden không chỉ giữ nguyên mức thuế của Trump mà còn xây dựng thêm một hệ thống toàn diện để hạn chế dòng công nghệ phương Tây sang Trung Quốc. Và bằng cách đầu tư quan hệ chiến lược cùng các đối tác và liên minh an ninh của Mỹ, từ Úc và Ấn Độ đến Philippines và Hàn Quốc, Hoa Kỳ thời Biden đã củng cố sức mạnh hệ thống an ninh châu Á nhằm ngăn chặn và kiềm chế Trung Quốc.
Thời Ân Hoàng (Shi Yinhong, 时殷弘), chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, từng nhận định: “Trước cuộc bầu cử (2020), ít ai ngờ rằng Biden có thể trở nên đối đầu như vậy trong việc đối phó Trung Quốc. Điều này thật kịch tính, thậm chí là quyết liệt.” Với nhiều nhà phân tích ở Bắc Kinh, nhiệm kỳ tổng thống của Biden đại diện cho điều tồi tệ nhất đối với lợi ích chiến lược của Trung Quốc: Biden không chỉ tiếp tục các chính sách cơ bắp của người tiền nhiệm Trump đối với Trung Quốc, mà không như Donald Trump, Biden còn thực sự tin tưởng vào việc tổ chức một thế giới trong đó các nền dân chủ cần liên kết chống lại những chế độ chuyên chế.
Học giả Thời Ân Hoàng, người đại diện cho quan điểm chung ở Bắc Kinh, thừa nhận: Chính quyền Biden đã thực hiện chính sách “có hiệu quả đáng ngạc nhiên trong việc tập hợp các đồng minh” khi cố ngăn cản hành động quân sự của Nga ở Ukraine. Mặc dù nỗ lực không thành nhưng nó đã giúp đoàn kết phần lớn thế giới trong việc thực hiện các biện pháp trừng phạt khốc liệt đối với Nga và đưa châu Âu và NATO xích lại gần nhau hơn bao giờ hết.
Điểm khác biệt chính giữa Trump và Biden, đặc biệt liên quan đến Bắc Kinh, là cam kết của họ đối với nền dân chủ. Điều này đưa đến một điểm khác biệt quan trọng khác giữa Trump và Biden. Trump công khai ngưỡng mộ các nhà lãnh đạo độc tài và tuyên bố sẵn sàng bỏ rơi Đài Loan. Ngược lại, cá nhân Biden tin rằng hệ thống dân chủ Đài Loan luôn đáng được bảo vệ.
Chính sách Biden đã củng cố quan điểm lâu nay của Bắc Kinh về đảng Cộng hòa và Dân chủ ở Mỹ, khi họ tin rằng các chính trị gia Dân chủ ở Mỹ có tiếng nói mạnh hơn về các vấn đề nhân quyền toàn cầu. Quan điểm này có thể thấy rõ ngay từ năm 1972, khi Tổng thống Richard Nixon (Cộng hòa) thực hiện chuyến đi mang tính đột phá tới Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông. “Tôi thích những người cánh hữu,” Mao nói, theo hồi ký Nixon. Mao gộp Đảng Cộng hòa Hoa Kỳ, Đảng Bảo thủ của Anh và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo của Tây Đức lại với nhau và nói rằng ông “vui mừng khi những người cánh hữu này ‘lên nắm quyền’”. Nixon – cùng với Henry Kissinger – luôn được kính trọng ở Trung Quốc.
Trong chiến dịch tranh cử hiện tại, Donald Trump đang đẩy vấn đề Trung Quốc lên thành chủ đề lớn, đặc biệt chính sách thuế. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ-Trung không dừng lại ở khía cạnh kinh tế, và chính ở đây, sự tính toán của Tập Cận Bình có thể nghiêng về hướng khác. Tập công khai bày tỏ phẫn nộ trước trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo, và ông luôn muốn đẩy Trung Quốc lên thành trung tâm quyền lực thay thế. Chính ở điểm này, Tập Cận Bình nói riêng và Trung Quốc nói chung rất thích Donald Trump. Họ tin rằng Trump không chỉ tàn phá hệ thống chính trị lâu đời của Mỹ mà còn phá hoại tất cả giềng mối quan hệ ngoại giao và sự gắn kết chiến lược của Mỹ với các đồng minh phương Tây.
“Năng lực” gây sóng gió của Trump với các đồng minh Mỹ ở châu Âu và châu Á chắc chắn làm suy yếu sự gắn kết với họ về chính sách đối với Trung Quốc. Những phát biểu và nhận xét khinh bỉ của Trump về NATO, đặc biệt khi ông nói thẳng rằng Mỹ sẽ không “bảo kê” cho các đồng minh, kể cả khi Putin gây hấn châu Âu, là những gì Trung Quốc rất muốn nghe và thèm chứng kiến. Trump cũng tỏ ra căng thẳng với Nhật Bản, Hàn Quốc; và đặc biệt không muốn can thiệp vấn đề Đài Loan (trong hồi ký The Room Where It Happened: A White House Memoir, John Bolton, người từng là cố vấn an ninh quốc gia của Trump từ Tháng Tư 2018 đến Tháng Chín 2019, thuật rằng Trump đã “cằn nhằn” về việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan).
Trong cuộc trả lời phỏng vấn Maria Bartiromo trong chương trình Sunday Morning Futures With Maria Bartiromo của Fox News phát sóng đầu Tháng Hai 2024, Donald Trump nói, “Tôi rất thích Chủ tịch Tập. Ông ấy là một người bạn rất tốt trong nhiệm kỳ của tôi.” (Ảnh: Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày 9 Tháng Mười Một 2017 – Thomas Peter – Pool/Getty Images)
“Đồng chí Xuyên Kiến Quốc”
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước vào Tháng Giêng 2024, Diêm Học Thông (Yan Xuetong, 阎学通) thuộc Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh nhận định rằng các ứng viên tổng thống Mỹ sẽ thể hiện “ai chống Trung Quốc nhiều hơn”. “Nếu chúng ta muốn ngăn chặn sự đối đầu giữa hai bên và leo thang thành xung đột, đất nước chúng ta cần thực hiện một số biện pháp chủ động” – họ Diêm nói.
Cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc của Biden tỏ ra bài bản, có thể dễ đoán vì chính sách được thực hiện “theo kiểu sách vở” nhưng được tổ chức và thực thi tốt hơn, và do vậy luôn là mối đe dọa lớn hơn về lâu dài. Trong khi đó, tính cách bất ổn, bất nhất, nóng nảy và thường xuyên gây hỗn loạn của Trump lại có thể tạo cơ hội cho Trung Quốc thắng Mỹ theo cách “bất chiến tự nhiên thành” – ít nhất về mặt ngoại giao.
Ngô Tâm Bá (Wu Xinbo, 年出生) thuộc Đại học Phục Đán ở Thượng Hải cho rằng Biden “vẫn hy vọng duy trì vị thế thống trị Mỹ trên thế giới. Và chừng nào Mỹ còn muốn giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu thì nước này không thể làm được nếu không hợp tác với Trung Quốc”. Tuy nhiên, trong bối cảnh quân đội Mỹ lẫn Trung Quốc đang đầu tư mạnh và quan hệ thương mại hai nước tiếp tục rạn nứt, nhận định lạc quan như vậy là rất hiếm, nếu không muốn nói “lạc quẻ”.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào Tháng Mười Một 2024 đang đặt ra cho Trung Quốc những thách thức khác nhau. Tuy nhiên, bất luận Trung Quốc thiệt hại kinh tế như thế nào do chính sách thuế quan của Mỹ thì Tập Cận Bình đã có thể thấy rõ rằng, “nhân tố Donald Trump” đang gây nên cuộc khủng hoảng nội bộ chính trị Mỹ theo mức chưa từng có, đồng minh Mỹ đang nhìn Washington bằng cặp mắt lo ngại và bất tín chưa từng có, và nền dân chủ thế giới tiếp tục tụt xuống đáy chưa từng có.
Chính sách ngoại giao cùng với thái độ khinh miệt của Trump đối với các liên minh (đặc biệt NATO) đang mang lại lợi ích tuyên truyền đáng kể cho Trung Quốc. Nó làm suy yếu hệ thống an ninh do Mỹ lãnh đạo ở châu Á, tạo điều kiện thuận lợi cho Trung Quốc có thể hành xử theo ý họ đối với Đài Loan nói riêng và châu Á nói chung.
Đó là lý do tại sao dân Trung Quốc, đặc biệt những kẻ theo chủ nghĩa ái quốc cuồng tín, gọi Donald Trump là “đồng chí Xuyên Kiến Quốc” (Comrade Chuan Jianguo, 川建国, trong đó “Chuan” là cách gọi tên “Trump” và “Kiến Quốc” hàm ý Trump làm cho Trung Quốc mạnh hơn). Với họ, trừ Trump, không ai có thể phá được liên minh chặt chẽ có truyền thống từ sau Đệ nhị Thế chiến đến nay giữa Mỹ và châu Âu – bất luận suốt nhiều thập niên qua, Bắc Kinh đã nỗ lực hết cách để chia cắt họ. Không ai có thể gây bát nháo nước Mỹ bằng Trump.
Lợi ích chiến lược trên bình diện thế giới mà Trung Quốc có được là thứ quan trọng hơn nhiều so với những tổn thất kinh tế mà Trung Quốc chịu thiệt. Thực tế đã cho thấy Trung Quốc đã chi hàng tỉ đôla để phá hoại hệ thống chính trị dân chủ lâu đời của Mỹ, cũng như cố gây rạn nứt liên minh bền bỉ giữa các cường quốc dân chủ phương Tây, nhưng không bao giờ thành công. Bây giờ, nhờ Trump, Trung Quốc có thể bước sang một giai đoạn “kiến quốc” mới.
Thái Ngọc
Theo https://saigonnhonews.com ngày 22 tháng 2, 2024
Be the first to comment