Mai Thi Nguyễn-Kim như “nhà pháp thuật” đang hành động trong chương trình TERRA X – “Thế giới kỳ diệu của Hóa học” (cùng với Harald Lesch và Philip Häusser trong team)
Không có một khoảnh khắc, không một hơi thở nào mà không có phản ứng hóa học xảy ra trong người bạn. Mỗi khía cạnh nhỏ bé, bình thường của cuộc sống đều trở nên thú vị khi bạn nhìn nó dưới lăng kính khoa học. Làm sao con người lại không đến với khoa học tự nhiên được?
Mai Thi Nguyễn-Kim
Sự hình thành các thói quen khoa học của trí óc (mind) nên là mục tiêu chính yếu của giáo viên khoa học ở trường trung học.
John Dewey, Nhà giáo dục Mỹ
* * *
Lời nói đầu. Khi mới chấp bút, tôi chỉ định viết bài giới thiệu chỉ vài ba trang giấy A4 cho Nxb Kim Đồng. Nhưng sưu tầm và nghiên cứu dữ liệu, tôi bị lôi cuốn bởi cuộc đời của Mai Thi Nguyễn-Kim, khiến tôi không thể dừng sớm như dự tính. Giờ đây tôi hy vọng đã viết được phần cốt lõi về người phụ nữ trẻ tuổi rất đặc biệt này. Cô và những tác phẩm của cô là những nguồn cảm hứng lớn, có tính khai sáng và giáo dục cao cho cộng đồng Đức. Đối với nước Đức, một đất nước có bề dày khoa học lâu đời với vô số tên tuổi cao vời vợi, cô là một tài năng đặc biệt làm cho khoa học có thêm sức sống mạnh mẽ trong lòng cộng đồng. Có thể nói, ở Đức, ngoài Albert Einstein ra, ngôi sao huyền thoại của thế kỷ 20, chưa ai đưa khoa học vào lòng người nhiều như Mai Thi. Tôi chỉ muốn nói về mặt đại chúng hóa khoa học.
Việt Nam lại càng cần một tài năng như thế, để góp phần xây dựng nền văn hóa khoa học còn đang bị thâm thụt rất nhiều. Các quốc gia chọn con đường phát triển đều trải qua một giai đoạn thay đổi văn hóa truyền thống thành văn hóa khoa học, hiện đại. Mỹ đã làm điều này 150 năm trước mà tiêu biểu là nhà hóa học và “truyền giáo” khoa học Edward L. Youmans, khi ông đặt câu hỏi:
Sâu xa hơn tất cả các câu hỏi về Tái thiết, Quyền bầu cử và Tài chính là câu hỏi, bộ óc ngày càng phát triển của dân tộc chúng ta sẽ cần nền văn hóa nào?
Câu trả lời: “Văn hóa khoa học”.
Nguyệt san khoa học đại chúng (Popular Science Monthly) của ông bán ra mỗi kỳ đến 10.000 bản (!) và đã đem lại một luồng gió mới cho giới trí thức lúc bấy giờ, với dân số chưa đầy 40 triệu! Rồi cũng 150 năm trước, các nhà cải cách Minh Trị đã đưa ra khẩu hiệu du nhập văn hóa khoa học vào Nhật Bản để canh tân đất nước: Khoa học phương Tây, Đạo đức phương Đông. Đến Park Chung Hee, người đã góp phần quyết định cho cuộc hóa rồng của Hàn Quốc bằng cuộc công nghiệp hóa quyết liệt, đã “kêu gọi nhân dân cả nước hãy bắt đầu một chiến dịch cho chương trình khoa học hóa quốc gia (national scientization)”, thay đổi mind-set tư duy của người dân để tiến lên công nghiệp hóa thành công.
Đầu thế kỷ 19, sau cuộc bại trận trước Napoleon 1806, vua Phổ đã cử Wilhelm von Humboldt xây dựng Đại học Berlin mới để “Lấy sức mạnh tinh thần bù đắp cho những mất mát vật chất”. Đại học Berlin đã trở thành hoa tiêu cho mô hình đại học nghiên cứu khoa học tập trung mới, góp phần phát triển khoa học cho cuộc cách mạng khoa học thứ hai của thế kỷ 19, làm cho nước Đức nhanh chóng cường thịnh.
Xa hơn nữa, đại học Trung cổ từ thế kỷ 12, 13 trở đi đã làm một cuộc “cách mạng tinh thần” bằng cách dạy bảy môn nghệ thuật khai phóng cho toàn châu Âu, in đậm dấu ấn của lý tính (reason), phương pháp học thuật, phương pháp nghiên cứu khoa học, scientific inquiry, phát triển tư duy phản biện, nói tóm lại, đó là văn hóa khoa học ở buổi bình minh của Xứ sở buổi chiều. Nền văn hóa này chính là đường dẫn đến cuộc cách mạng khoa học thế kỷ 17 với Galilei, Kepler, Newton và nhiều thiên tài khác, và in đậm trong mind-set tư duy của người phương Tây cho đến hôm nay, điều mà người ta nghĩ là tự nhiên. Châu Á có sự thâm thụt văn hóa lý tính lâu đời (Nietzsche), và giáo dục phương Đông thiếu tính chất tư duy khoa học và tư duy độc lập (Fukuzawa), những tính chất đặc trưng của giáo dục phương Tây từ thời Trung cổ.
Hơn bao giờ hết, Việt Nam cần một cuộc thay đổi văn hóa như thế sâu đậm và toàn diện, nếu muốn hóa rồng. Có rất nhiều điều để nói, vượt khỏi khuôn khổ giới hạn của bài giới thiệu này.
Với các chương trình mới như TERRA X, MAITHINK X ở Đài ZDF, Mai Thi chắc chắn sẽ tiến tiếp vào các “châu lục” của khoa học, từ nhỏ nhất, đến cái lớn nhất, để giải mã những bí ẩn ở đó cho công chúng. Trong 12 vị Thần Hy Lạp của Đỉnh Olympus, thì Mai Thi gần gũi với thần Athena hơn cả, vị thần tượng trưng lý tính và minh triết. Nhưng chưa có thần nào giải mã thế giới khoa học bí ẩn cho người phàm biết cả. Tôi đề nghị với thần Zeus hãy nhận thêm vào đó vị thần thứ 13: Mai Thi Nguyễn-Kim, có quốc tịch Đức và nguồn gốc Việt Nam.
Trước sự truyền cảm của Mai Thi tôi nhái bài thơ Người con gái Việt Nam da vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn bằng hai đoạn mới dành cho Mai Thi:
Người con gái Việt Nam da vàng,
Tên Mai Thi thăng hoa thành sao sáng
Người con gái Việt Nam da vàng
Em lên cao để chứng minh mình …
Người con gái Việt Nam da vàng
Tên Mai Thi vươn lên thành đuốc sáng
Người con gái Việt Nam da vàng
Em vinh danh cả giống dân mình …
Nguyễn Xuân Xanh giới thiệu
11 Tháng Sáu, 2022
Xem thêm:
• MAI THI – NGƯỜI TRUYỀN CẢM HỨNG KHOA HỌC
• KHOA HỌC VÀ SỰ TRUYỀN BÁ ĐẠI CHÚNG
Nguyễn Xuân Xanh
Quyển sách “Komisch, Alles Chemisch” của Mai Thi, bestseller quốc tế, được dịch sang nhiều thứ tiếng như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Ý, Hoa, Ba Lan, Na Uy … nay ra mắt tại Nxb Kim Đồng với cái tên “Ngộ quá, cái gì cũng Hóa”. Sách được ba chuyên gia dịch thuật của Tủ sách Nhất Nghệ Tinh chuyển ngữ. Xin nồng nhiệt giới thiệu với các bạn đọc trẻ Việt Nam, các bậc phụ huynh, và cho cả các cô thầy giáo trung học. “Ngộ quá, cái gì cũng Hóa” là một món quà quý báu cho tuổi trẻ.
Thêm một số ngôn ngữ khác: Hòa Lan, Phần Lan, Nga, Hàn, Thụy Điển và Romania:
(Cảm ơn bạn Minh Khôi, Berlin, về những thông tin thêm ở trên)
(1) SỰ NỔI TIẾNG
Để hiểu tác phẩm, cần thiết hiểu tác giả của nó. Mai Thi Nguyễn-Kim, Tiến sĩ Hóa học, nhà báo khoa học đại chúng gốc Việt, đã trở thành ngôi sao sáng trên bầu trời của Đức, quốc gia khoa học phát triển lâu đời ở châu Âu. Cô (tròn 34 tuổi vào ngày 7. 8 vừa rồi) là người điều hành chương trình kiến thức “Quarks” trên đài WDR, chủ nhân của Kênh YouTube có tên MaiLab của hai đài truyền hình ARD và ZDF, trở nên nổi tiếng và ảnh hưởng ở Đức từ nhiều năm qua, nhất là trong thời đại dịch covid-19. Mai Thị đã có đóng góp xuất sắc trong việc đưa khoa học, kể cả những khía cạnh đạo đức, đến với đông đảo người đọc một cách dễ hiểu và hứng thú.
Từ năm 2018 đến nay, cô nhận được một chuỗi vinh dự liên tiếp hiếm thấy trong sự nghiệp một nhà báo khoa học nói chung:
- Giải báo chí khoa học Georg-von-Holtzbrinck tháng 10, 2018 vì “những công trình nghiên cứu khoa học sâu và rộng, chất lượng cao”. Mai Thi được xem như nhà giáo dục và “quản trò”, một Edutainer.
- Giải báo chí Hanns-Joachim-Friedrichs tháng 11, 2019 – chung với giáo sư vật lý Harald Lesch cho những đóng góp truyền đạt khoa học rộng rãi đến công chúng. Ban giám khảo Giải Friedrichs đánh giá cao ý nghĩa của các hoạt động này trong thời đại mà người ta dễ dàng chối bỏ hay xuyên tạc chân lý trên Internet.
- Được bầu vào Senat (Ban giám đốc, khoảng 50 thành viên) của Hiệp hội Max Planck tháng 6, 2020, một tổ chức gồm trên 80 Viện nghiên cứu khoa học hàng đầu của Đức.
- Huân chương cống hiến Liên Bang được Tổng thống Frank-Walter Steinmeier trao tháng 10, 2020, cùng với 14 danh nhân khác, trong đó có nhà vi-rút học Christian Drosten, Giám đốc Viện vi-rút học tại Bệnh viện Charité Berlin.
- Giải Grimme được trao cho cô tháng 5, 2021, vì “những truyền đạt tri thức có trình độ cao về khoa học và hiệu quả trên diện rộng” về Corona.
- Huy chương Leibniz của Hàn lâm viện Khoa học Bang Berlin-Brandenburg được trao cho cô và nhà vi-rút học Christian Drosten tháng 6, 2021, vì “những đóng góp xứng đáng của họ trong lĩnh vực truyền thông khoa học nói chung như cũng như trong đại dịch Covid-19 nói riêng”.
- Danh hiệu “Nhà báo của Năm” tháng 8, 2021, do Medium Magazin trao tặng vì các video của cô về Covid-19 được xem hàng triệu lượt.
Cô đặc biệt nổi tiếng với video “Corona giờ mới thật sự bắt đầu” (Corona geht gerade erst los) được cô tung ra ngày 1 tháng 4, năm 2020, sau thời gian nghỉ sinh con. Đến cuối tháng, video nhận được hơn 6 triệu lần viếng, một kỷ lục chưa từng có. Video kéo dài 22 phút. Xem xong khán giả trở nên “khôn hơn” về đại dịch covid, và hiểu rằng nó không phải kết thúc trong vài ba tuần mà vài ba năm. “Chúng ta cần kiên nhẫn. Và nhiều kiên nhẫn. Bao lâu chúng ta chưa có thuốc chủng ngừa, đại dịch chỉ kết thúc sau khi 60-70% dân chúng (nghĩa là khoảng 50 triệu) đã bị nhiễm” rồi phục hồi, trở thành miễn dịch. Lúc đó có “miễn dịch cộng đồng”. Nhưng điều đó khó tưởng tượng được. Ngày 07.04.2020, cô cũng lên chương trình thời sự tagesschau để cảnh báo một số “hy vọng không có căn cứ”. Chúng ta phải vượt qua giai đoạn khó khăn, giữ cho số ca nhiễm không làm hệ thống y tế quá tải, cho đến khi chúng ta có thuốc chủng ngừa covid-19, Mai Thi nói.
Bên cạnh truyền thanh, truyền hình, hầu hết các tờ báo lớn của làng báo truyền thống Đức như Die Zeit, Der Spiegel, Stern, Frankfurter Allgemeine Zeitung, Süddeutsche Zeitung, Frankfurter Rundschau, đều có những có bài viết, phỏng vấn Mai Thi trong sự trân trọng, và ngưỡng mộ trước những đóng góp quan trọng của Mai Thi đưa thông tin khoa học chính xác đến hàng triệu người, từ bà nội trợ, học sinh, nhà khoa học, đến trí thức và các chính khách. Năm 2020, Thủ tướng Angela Merkel cũng trích dẫn cô trong Quốc hội, làm cho cô vô cùng sung sướng. Cô ấy đã “nói lên cái gì đó mà cá nhân tôi không bao giờ có thể diễn tả được trực quan như thế”, Thủ tướng Merkel nói. Cô cảm nhận những thành công của cô là “siêu thực”, hơn cả những gì có thể tưởng tượng được.
Mai Thi Nguyen-Kim và Harald Lesch tại Giải Hanns-Joachim-Friedrichs tháng 11, 2019. (© WDR/Linda Meiers/ZDF/Johanna Brinckman)
Giám đốc đài WDR, Tom Buhrow, trong lần trao Giải Hanns-Joachim-Friedrichs, tuyên bố hết sức trân trọng: “Mai Thi Nguyen-Kim là một tài năng ngoại lệ. Cô đã thành công làm cho các chủ đề truyền đạt các đề tài khoa học phức tạp trở thành dễ hiểu, thông minh và một cách hài hước. Điều này đã được cảm nhận tốt ở cả người trẻ lẫn người lớn tuổi. Chúng tôi tự hào khi được làm việc với cô ấy. ”
Mai Thi đã điều khiển tạp chí kiến thức “Quarks” đài WDR từ tháng 5 năm 2018, xen kẽ với Ralph Caspers và do đó là người kế nhiệm của Ranga Yogeshwar, “nhà truyền giáo” khoa học của Đức. Từ lúc đó, Mai Thi không chỉ đơn thuần là người kế nhiệm của Yogeshwar, mà nổi lên như biểu tượng của ”Một sự thay ca thế hệ thành công rực rỡ!”. “Cô ấy tốt hơn tất cả những gì tôi đã mong ước có được”, Yogeshwar tuyên bố.
Mai Thi tại lễ trao Giải Grimme 2021. (Ảnh dpa)
Nổi tiếng và được ưa thích nhất với kênh Mailab trên Youtube, nhận được hàng triệu lượt xem và là số một trong các trend trên YouTube. Đây là lời nói đầu của cô trên MaiLab:
Vẻ đẹp của Khoa học
Xin chào. Tôi là Mai. Tôi là nhà hóa học và tạo ra các video khoa học. Tôi luôn luôn được hỏi: Tại sao bạn lại thích hóa học? Tại sao bạn lại quan tâm đến khoa học tự nhiên? Cái gì ở đó đã mê hoặc bạn? Có lẽ tôi bắt đầu với mặt trời đi nhé. Đó là một khối cầu gas khổng lồ, ở đó các hạt nhân nguyên tử vô cùng nhỏ được tổng hợp trong lòng của nó, và phản ứng dữ dội kinh khủng đến độ ở khoảng cách 150 triệu km chúng ta vẫn tắm trong bể nhiệt của nó. Hay là với không khí. Trong mỗi cubic meter không khí có 27 nghìn tỷ tỷ phân tử khí bay vun vút, và đập vào da bạn với vận tốc hơn 1000 km/giờ. Điều đó luôn luôn xảy ra với các bạn. Còn nước là gì? Một phân tử kỳ diệu đích thực, một phân tử nhỏ bé đến độ khó tưởng là nó có thật trên hành tinh chúng ta, nhưng lại chảy qua đại dương và sông ngòi, trong mạch máu và tế bào chúng ta. Tất cả bởi vì có một khúc gãy nhỏ trong phân tử, và một sự phân bổ tỷ trọng không đều các electron. Cơ thể của bạn. Đó là một phòng thí nghiệm hóa học. Không có một khoảnh khắc nào, hơi thở nào mà không có phản ứng hóa học xảy ra bên trong bạn. Và cái video này? Bạn chỉ có thể nhìn thấy nó bởi vì có những tia điện từ được hấp thu bởi những protein trên võng mạc bạn. Còn bạn nghe thấy được tôi chính là vì các phân tử không khí xung quanh bạn bị đẩy tới đẩy lui bởi những sóng âm thanh. Mỗi một khía cạnh nhỏ bé, tầm thường của cuộc sống đều trở thành thú vị nếu bạn nhìn nó dưới lăng kính của khoa học. Còn núi, đá? Núi là những đống khổng lồ, vĩ đại của các ion, các hạt nhỏ có mang điện tích. Những bức tường đá khổng lồ này được giữ dính với nhau không bằng gì khác hơn là những sức hút tĩnh điện. Như vậy tại sao khoa học tự nhiên? Tôi xin hỏi ngược lại: Tại sao lại không quan tâm đến các môn khoa học tự nhiên? Chẳng phải chúng không đáng ngưỡng mộ hay sao? Tôi là người duy nhất nghĩ như thế? Nếu bạn đồng ý quan tâm, hãy chia sẻ video này.
(Lời nói đầu trong MaiLab: https://www.youtube.com/watch?v=gk9O9nSsB7g)
Cô còn một một dự án nữa trên kênh YouTube đã hình thành từ lúc cô đang làm luận án tiến sĩ, và còn đang trong vòng thực hiện: The Secret Life Of Scientists – Cuộc đời bí ẩn của các nhà khoa học. “Tôi muốn mang lại cho khoa học một bộ mặt bằng các video của mình. Tôi không chỉ muốn nói rõ rằng khoa học tuyệt vời như thế nào, mà các nhà khoa học cũng tuyệt vời như thế nào.”
* * *
Tôi lo lắng về cuộc khủng hoảng thông tin.
Mai Thi Nguyễn-Kim
Giữa thời đại nhiễu nhương với Fake News, tiếng nói của cô giúp dư luận có định hướng khoa học nghiêm túc, để không dễ hoang mang hay bị biến thành nạn nhân của các phong trào fake news. Tiếng nói của cô có ảnh hưởng rất lớn, tránh những ảo tưởng vô căn cứ. Cô được trân trọng đánh giá là Tiếng nói của Lý tính (Tuần báo Stern). Đối với cô, những gì cô trình bày không phải là ý kiến, mà là khoa học, “Keine Meinungen, sondern Science”. Tuy thế, cô cũng ý thức giới hạn của khoa học trước nhưng lực lượng phủ định, bởi ở họ không phải là vấn đề hiểu biết khoa học hay không, mà có những yếu tố tâm lý, chính trị khác xen vào.
Vào dịp lễ Thống nhất nước Đức 3. 10. 2020, Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier đã vinh danh 15 người đàn ông và phụ nữ vì những cống hiến của họ cho đất nước, bao gồm nhà vi-rút học Christian Drosten, và Tiến sĩ hóa học Mai Thi Nguyễn-Kim. Họ đã nhận được Huân chương Công trạng của Cộng hòa Liên bang Đức trong Cung điện Bellevue, Berlin.
Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier đã trao tặng Mai Thị Nguyên-Kim Huân chương Công trạng của Cộng hòa Liên bang Đức. (Hình ảnh: picture alliance/dpa/POOL AP | Michael Sohn)
Huân chương Công trạng
Sự tin tưởng vào khoa học và một chính sách do khoa học dẫn dắt là đặc biệt quan trọng trong thời đại tin tức giả mạo và các thuyết âm mưu. Tổng thống Steinmeier nói.
Truyền đạt khoa học một cách dễ hiểu là lãnh vực đặc biệt của Mai Thị Nguyen-Kim và điều đó ngày nay quan trọng hơn bao giờ hết. Nhà hóa học và nhà báo khoa học giải thích thế giới cho chúng ta theo một cách sáng tạo, cập nhật mới nhất thời đại, và sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông từ podcast, truyền hình đến sách. Làm như vậy, cô tiếp cận được hàng triệu khán giả. Các chủ đề của cô cũng đa dạng như hóa học mà với nó, như cô ấy nói, bạn có thể giải thích hầu hết mọi thứ, như hậu quả của việc uống rượu hoặc sự lây lan của coronavirus. Tính khách quan là trách nhiệm hàng đầu của cô. Ngay cả những người trẻ nhất cũng học được từ Mai Thi Nguyễn-Kim: Khoa học có thể truyền cảm hứng – và để cùng nhau hành động một cách hợp lý – và thúc đẩy xã hội tiến lên.
Mai Thi là một nghệ sĩ của sự truyền đạt. “Nghệ thuật là làm cho bài giảng thoạt nhìn có vẻ như một cuộc tán gẫu, nhưng sau đó đi vào chiều sâu”, cô giải thích. Chiều sâu của sự thật khoa học, đó chính là mục tiêu cô muốn dẫn dắt người xem đạt tới. Không có chiều sâu, không có khoa học, hay nhận thức. Người ta có thể kiểm tra lại những thông tin cô đã đưa ra, và chưa hề khám phá được những sai sót. Tất cả đều được nghiên cứu cẩn thận, và được cập nhật mới nhất. Mục tiêu của Mai Thi là để mỗi cá nhân cuối cùng tự suy nghĩ một cách phê phán, và tạo nên bức tranh của riêng họ. Dĩ nhiên với thời gian khoa học sẽ còn được cập nhật tiếp. Cô cũng sẵn sàng tranh luận, và tranh luận sắc bén, như trong cuộc tranh luận với nhà vi-rút học Hendrick Streeck trên chương trình ZDF-Talk của Markus Lanz.
Cô thuật lại: “Tôi nhận được rất nhiều tin tức làm tôi rất cảm động, trong đó những người trẻ tuổi nói với tôi rằng họ đã đến với kênh và họ không bao giờ nghĩ rằng họ có thể hào hứng với khoa học. Sự quan tâm phải được khơi dậy trước tiên và sau đó nó tự phát triển.” “Cảm ơn bạn về video, ‘cụ thể nhất‘ về chủ đề Corona! Không có cách nào trình bày tốt hơn như thế ”, hay “Video hay nhất về chủ đề này cho đến nay, siêu nghiên cứu và lý lẽ rõ ràng” như những lời bình luận dành cho cô. Cô được ví như một “hướng dẫn viên trong khu rừng rậm của tri thức”, như một tờ báo viết.
“Các phụ nữ siêu phàm”. (Viện Văn hóa Goethe tại Australia)
Khai sáng bây giờ là một mục tiêu quan trọng, một cách dễ hiểu và gắn liền với sự thấu cảm, để thông tin một cách thích đáng cho con người trong một thời bất ổn và khủng hoảng lớn.
Mai Thi Nguyễn-Kim
(Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung, Tháng 2, 2021)
Giáo dục khoa học là chìa khóa cho các xã hội hiện đại. Có lẽ hơn thế nữa: để hình thành một tâm thức khoa học. Mai Thi chính là một giáo viên làm công việc đó, có sức truyền cảm hứng mạnh mẽ không những cho học sinh trung học mà cho cộng đồng xã hội, góp phần hình thành các thói quen khoa học ở công chúng. Sư phạm trở thành khoa học, nghệ thuật, không những truyền đạt kiến thức, không phải khô khan, mà còn sự dễ chịu, vui tươi và lôi cuốn. Cô từng nhận xét: “Sự quan tâm phải được khơi dậy trước tiên và sau đó nó sẽ tự phát triển”. Mai Thi đang làm việc đó, tạo sự quan tâm, niềm đam mê, thông qua hiểu biết được cô trình bày một cách sư phạm và dễ hiểu, để từ đó người ta tự đến với khoa học một cách lâu dài. Công việc này không dễ dàng chút nào. Theo cô, truyền đạt một đề tài càng ngắn, để khán giả hiểu, là càng khó. Nó đòi hỏi sự thông minh, nhạy cảm và nắm bắt khoa học ở những khâu trọng yếu nhất, “bẻ khóa” khoa học ở tâm điểm, và có năng lực diễn giải gọn lại. Nhưng càng khó đối với cô càng thú vị.
Đề án lớn
Tháng 10, 2021, Mai Thi chuyển qua đài ZDF và sẽ cho ra mắt ở đó hai dự án lớn có tên “Maithink X” và loạt phim “Terra X”. Nội dung của “Terra X” là “Những viên gạch của thế giới”, “Ma thuật của sự chuyển hóa” và “Các thành tố của sự sống”. Nghe giống vật lý hạt sâu thẳm về sự cấu tạo của vật chất, ngành đã thống trị thế giới vật lý trong thế kỷ 20. Còn buổi show “Maithink X” muốn “khám phá bối cảnh văn hóa và chính trị với chiều sâu và sự nghiêm túc”, nhưng “không tiết kiệm sự hài hước”. Peter Arens, Biên tập viên chính về Lịch sử và Khoa học của đài, nói về những khả năng của Mai Thi: “Chúng tôi không xem cô ấy như một người điều hành chương trình (moderator) theo nghĩa cổ điển, mà là một nhà truyền đạt tin (communicator), một thông dịch viên, với trình độ chuyên môn cao trong các vấn đề phức tạp. Một tài năng như vậy ít phổ biến trong văn hóa Đức hơn so với văn hóa Anglo-Saxon, nơi truyền đạt đại chúng được đánh giá rất cao.” Mai Thi có thể dẫn dắt khán giả khám phá những châu lục mới trong khoa học, hơn là những đề tài riêng lẻ cho đến bây giờ. Đó cũng không phải một “One-Woman-Show” mà là cả một “dàn nhạc giao hưởng” mới của các nhà khoa học liên ngành mà Mai Thi sẽ là nhạc trưởng. Cô sẽ dẫn dắt khán giả đi khám phá và “chinh phục” các châu lục như Alexander Đại đế thuở xưa từng làm.
Mai Thi trong quảng cáo chương trình show MAITHINK X của kênh truyền hình ZDF
(2) QUYỂN SÁCH
Sự sống là một quá trình hóa học
Antoine Lavoisier
Nhà hóa học Pháp làm cuộc cách mạng hóa cuối thế kỷ 18
Với những thành tựu trên thì sự ra đời của quyển sách “Ngộ quá – Cái gì cũng Hóa” là điều dễ hiểu. Mai Thi viết trong lời nói đầu:
Bởi vì đây là sân chơi mình có thể mặc sức tung hoành. Quyển sách này là một lời mời các bạn đi vào thế giới ý tưởng của nhà hóa học như mình, thêm vào đó là tạo được cái nhìn sâu vào cuộc sống hàng ngày của một nhà khoa học nữ và một “Youtuber”. Nhưng trên tất cả, mình muốn rằng với quyển sách này, bạn sẽ một lần nhìn vào chiều sâu của môn hóa, và sẽ bị khuất phục trước sức lôi cuốn không cưỡng nổi của nó. Và nếu lòng tin của tôi vào nhân loại và trí tò mò của họ không lừa dối tôi, các bạn sau khi đọc xong quyển sách này sẽ không chỉ nhận thấy rằng môn hóa học thật sự là tất cả mọi thứ (ngộ quá!) mà có thể còn thừa nhận rằng môn khoa học này tuyệt vời thế nào.
Mai Thi hướng dẫn chúng ta qua toàn bộ thế giới hóa học hữu cơ, vô cơ và vật lý xuyên qua cuộc sống hàng ngày. Công việc bắt đầu với hóa học của thức dậy và giải thích về mức độ melatonin và cortisol. Chúng ta khám phá ra thời điểm thích hợp cho ly cà phê đầu tiên, tại sao cần có fluoride trong kem đánh răng. Chúng ta tìm hiểu những điều mới về hóa học của kính Gorilla và cách vận hành của pin điện thoại di động, làm sao để dùng chúng lâu hơn và tại sao đôi khi chúng phát nổ. “Nước khoáng thể thao” tăng cường oxy có thực sự đáng mua không? Vào buổi tối, Mai Thi tiết lộ bí mật của một chiếc bánh nhân trái cây sôcôla hoàn hảo, và tất nhiên cũng đề cập đến môn “hóa học của tình yêu”.
Bản thân tác giả tuyên bố rằng “nhìn thấy thế giới trong các phân tử là một sự thôi thúc đối với cô”, đó là lý do tại sao cô liên tục thực hiện các chuyến du ngoạn vào thế giới của các phân tử. Khi đọc cuốn sách, bạn bắt đầu hiểu nhiều điều, mặc dù bạn có thể không hiểu các phản ứng hóa học ngay lập tức. Trong các câu chuyện ngắn giữa chừng, nhà hóa học đã thành công trong việc giải thích “hóa học hàng ngày” một cách dễ hiểu, thường được hỗ trợ bởi các hình vẽ hấp dẫn và đơn giản là đại diện cho chủ đề tương ứng. Các thông tin bổ sung cũng rất thú vị, ví dụ như bạn có thể tìm ra điểm chung của kem đánh răng và răng cá mập, và quy trình hóa học nào sẽ được sử dụng để giải thích điều đó. Bạn sẽ phải bật cười liên tục khi đọc, vì Mai Thi đã đưa ra những so sánh dễ hiểu và hài hước. Vi khuẩn trong miệng được xem như là những sinh vật đánh rắm trong miệng vì chúng chuyển hóa đường và carbohydrate thành axit. Tác giả tuyên bố rằng cô ấy đã làm cho một cô bé năm tuổi đánh răng, bởi ai muốn có những sinh vật đánh rắm trong miệng?
Mai Thi còn đi sâu hơn vào khái niệm Nhiệt động lực học (Thermodynamics), Định luật thứ hai của nó là định luật quy định sự diễn tiến của một hệ thống kín, và giải thích một cách gợi hình:
Là một nhà hóa học, tôi cũng thích nhìn vào sự hỗn loạn về mặt nhiệt động lực học. Nhiệt động lực học là một lĩnh vực tuyệt đẹp, nơi vật lý và hóa học kết hợp với nhau. Các định luật nhiệt động lực học hơi giống nhân quyền, chỉ áp dụng cho các phân tử. Chúng không phân biệt giữa các hạt khác nhau, giữa phân tử oxy hay nguyên tử vàng. […]. Nhiệt động lực học (cùng với cơ học lượng tử) là sự hiểu biết khoa học cơ bản nhất về thế giới và vũ trụ này. Và nhiệt động lực học nói: Vũ trụ không chỉ muốn hỗn loạn mà nó còn phải hỗn loạn. Nếu không, tôi có thể chết ngạt khi viết câu này bởi vì tất cả các phân tử không khí trong phòng của tôi đột nhiên tụ lại ở một góc và tôi chẳng có gì cả để thở. (Chương 5)
Sự hỗn độn (Unordnung, chaos) này có một cái tên khoa học đặc biệt: Entropy, và Định luật thứ hai của Nhiệt động lực học nói rằng, trong một hệ thống kín, Entropy tăng, đồng nghĩa với độ hỗn độn tăng. Căn phòng bạn cũng có khuynh hướng đó. Giống như vũ trụ. Trừ khi bạn ra sức dọn dẹp nó lại cho ngăn nắp hơn.
Còn nhiều câu chuyện thú vị xung quanh nhiệt động lực học. Quyển sách là một sự mô tả khoa học đáng ngạc nhiên của cuộc sống hàng ngày xung quanh bạn, đầy ắp những hình ảnh minh họa quyến rũ, tiếng cười và nhiều điều bất ngờ, hấp dẫn có thể tìm thấy ở mọi nơi, dưới sự đạo diễn “ma thuật” của Mai Thi. Ngay trong lời nói đầu, Mai Thi nói rõ rằng hóa học là “TẤT CẢ MỌI THỨ” đối với cô. Nhưng thật sự hơn thế nữa. Đằng sau nó là sự minh triết, như cô nói.
Những người điều hành Mai Thị Nguyên-Kim và Ranga Yogeshwar của “Quarks” đài WDR. (Ảnh: WDR/Linda Meiers / Klaus Görgen)
Nhưng không phải chỉ có giải thích khoa học, Mai Thi còn có những ưu tư có tính triết học và nhân văn về những giá trị đích thực mà khoa học có thể đóng góp cho xã hội. Cô cho rằng “Nghiên cứu đòi hỏi rất nhiều lý tưởng, và một niềm tin mạnh mẽ vào các nguyên tắc cơ bản của khoa học. Đó là mong muốn theo đuổi một nghề đem lại giá trị thặng dư cho xã hội. Nói một cách sáo mòn: là để phục vụ nhân loại, hoặc làm cho thế giới tốt hơn một chút! Nhưng điều đó nghĩa là gì, cái gì là giá trị thật cho xã hội, cái gì là thương mại?” Cô trích dẫn Ranga Yogeshwar, người chống lại thương mại hóa khoa học: «Bất cứ ai […] quy giản sự tò mò khoa học và sự thôi thúc sâu xa để hiểu thế giới này cho tốt hơn về các phạm trù kinh tế đều mắc một sai lầm. […] Trong nhiều thập niên, tôi đã quan sát một bối cảnh khoa học nỗ lực hợp thức hóa động lực bên trong của nó, đó là sự tò mò và nhận thức, bằng những lập luận thực dụng. […] Chẳng phải đã đến lúc khoa học, với sự tự ý thức và đam mê, đặt ra một quan điểm đối lập mang tính một chiều của các quan điểm kinh tế hay sao?» Cần có một sự độc lập cần thiết trong xã hội của chúng ta, một tiếng nói đại diện cho sự trung thực bên ngoài những lợi ích ích kỷ. Chỉ khi đó, khoa học mới có thể thực sự làm cho thế giới tốt đẹp hơn một chút, như người ta nói, theo Mai Thi. (Chương 6)
Quyển sách của Mai Thi nằm trong mục sách được giới thiệu năm 2020 của Bang Baden-Württemberg. Nhiều trích đoạn của quyển sách có thể phù hợp với những giờ hóa học.
Quyển sách bestseller “Ngộ quá” đặc biệt được dành tặng riêng cho mẹ cô. “Bà ấy là người định hình tôi nhiều nhất, bà ấy là người quyết định ở nhà chăm sóc tôi và anh tôi bằng tình yêu thương và sự tận tâm. Bà ấy là người đã âu yếm, động viên và tạo động lực cho tôi mỗi ngày. Sự cam kết trọn vẹn của mẹ trong nhiều năm đã khiến tôi trở thành con người như ngày hôm nay. Cuốn sách này sẽ không bao giờ được viết nếu không có mẹ tôi.”
(3) MAI THI LÀ AI?
Một chút tiểu sử:
Sinh ngày 7 tháng 8 năm 1987 ở Heppenheim, Bang Hesse;
2006 Abitur (Tú tài) tại trường trung học Bergstrasse ở Hemsbach;
2006–2012 nghiên cứu hóa học tại Đại học Mainz và tại Học viện Công nghệ Massachusetts
Từ năm 2012 (25t) làm luận án tiến sĩ tại Đại học RWTH Aachen, Đại học Harvard và Viện Nghiên cứu Polyme Ứng dụng Fraunhofer, Đức. Hoàn tất tiến sĩ năm 2017 tại Đại học Potsdam.
Nghề nghiệp: Nhà hóa học, nhà sản xuất webvideo, nhà báo khoa học
Cô thuộc thế hệ thứ hai, con của một gia đình Việt Nam đi du học những năm chiến tranh Việt Nam 1970. Cô học giỏi, là người “luôn có hứng thú trong trường học”, “có tư chất phấn đấu bẩm sinh”, trải qua cấp trung học dễ dàng với điểm tối đa 1.0 cho bằng tú tài. “Bố mẹ tôi đến từ Việt Nam, xem giáo dục là một ưu đãi, giáo dục để đưa con người ra khỏi nghèo khó” – cô kể về may mắn của mình khi được bố mẹ hết lòng ủng hộ mà không gây áp lực lên cô.
“Cô ấy có khiếu ăn nói, có tính thuyết phục, có khả năng giải thích sự việc khó khăn phức tạp thành đơn giản, lôi cuốn, ai cũng hiểu được” – một người bạn của gia đình cô nói với tôi. “Mai Thi rất thích khoa học tự nhiên. Nhưng lúc đang đi học, cháu không có ý định gì sau này sẽ làm trong ngành truyền thông về khoa học cả. Ý nghĩ tham gia truyền thông khoa học đến trong lúc cháu đang làm luận án ở Mỹ. Làm xong luận án, cháu đi thẳng vào ngành truyền thông trong khi chưa trải qua phần học hoặc kinh nghiệm nào về báo chí” như mẹ cô viết trong một cuộc trao đổi email.
Bố cô là một tiến sĩ hóa tại ĐH Kỹ thuật RWTH Aachen. “Lúc còn nhỏ, tôi không muốn trở thành nhà hóa học mà mơ trở thành nhà văn, muốn viết những tiểu thuyết lớn – Mai Thi kể. Nhưng “Cha tôi đã âm thầm gieo niềm hứng thú với khoa học vào đầu tôi nhiều năm tại các buổi nói chuyện vào lúc ăn tối tưởng như vô hại, giải thích các hiện tượng tự nhiên hoặc các nghiên cứu mới nhất cho chúng tôi. Cho đến cuối trung học, khoa học đã chiếm ngự tôi, và tôi quyết định học hóa học ở Mainz. Nó hóa ra là một quyết định rất tốt” như cô nói năm 2012 tại sự kiện Falling Walls Lab tại Berlin, nơi lần đầu tiên cô có nhiệm vụ thuyết trình một đề tài hóa học chỉ trong 3 phút và rất thành công. “Nếu bố tôi không phải là một nhà hóa học và là một nhà hóa học say mê, và không có năng khiếu liên hệ những sự kiện hằng ngày với hóa học, có thể tôi không nghĩ đến hóa học”, cô thổ lộ trên một podcast năm 2018. “Cả gia đình đều bị nhiễm vi-rút hóa học” cô nói hài hước. Anh cô cũng “không thoát khỏi”. Nhìn lại, giấc mơ “bay bổng” trong văn chương của cô có thể nói bây giờ đã thực hiện trong nghệ thuật truyền đạt khoa học cho đại chúng.
Xong tiến sĩ, Mai Thi có nhiều cơ hội làm nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm của đại học hay công ty lớn. Nhưng cô tự hỏi: ”Điều gì đã xảy ra với thế giới?” “Con người đã từng tin vào những gì các nhà khoa học đã nói. Nhưng điều đó không còn nữa.” Ngày nay, mọi người thường tin vào cảm giác hơn là dữ kiện (facts) và điều đó có thể rất nguy hiểm. Ai đó có thể đưa ra quyết định đúng đắn khi họ tức giận hoặc sợ hãi không? Điều gì sẽ xảy ra khi một quốc gia được quản lý dựa trên nỗi sợ hãi thay vì sự thật? Sự thật giúp bạn nhìn ra tất cả các mặt của một vấn đề. Và cảm xúc? Đôi khi chúng khiến chúng ta mù quáng, Mai Thi nói.
Mai Thi Nguyễn-Kim. (Ảnh dpa)
Cô muốn làm một sự thay đổi, bên ngoài phòng thí nghiệm. Cô muốn đến với công chúng, và thuyết phục họ rằng khoa học là tuyệt vời và có thể giải thích nhiều nhất những thứ phức tạp trong thế giới của chúng ta. Thành công của cô năm 2012 ở Falling Walls Lab, cũng như năm 2014 tại sự kiện Science-Slam nơi cô phải trình bày một đề tài khoa học trong vòng 10 phút, và cô cũng đã thành công, ở tuổi 25 và 27, đã báo trước một tài năng đa dạng đang lên như một ngôi sao. Từ 2012 đến 2021, cô nhận được 20 giải và phần thưởng các loại. Trên một trang mạng của Viện văn hóa Goethe, Mai Thi được gọi là “người phụ nữ làm cho khoa học trở nên thú vị.”
Cô đề tặng công trình tiến sĩ của cô: “Dành cho cha mẹ tôi, những người đã dành cả cuộc đời yêu thương và không mệt mỏi cho con cái của họ để tạo điều kiện cho tất cả những thứ này cho tôi.” “Tất cả những ai có đặc quyền đều đứng trên vai của những người có thể tạo điều kiện cho đặc quyền này“ như cô trả lời trong một cuộc phỏng vấn tuần báo Die Zeit.
Tháng 3, 2021 cô cho ra tiếp quyển sách thứ hai, Die kleinste gemeinsame Wirklichkeit: Wahr, falsch, plausibel – die größten Streitfragen wissenschaftlich geprüft (Thực tế chung nhỏ nhất: đúng, sai, có vẻ hợp lý – Những vấn đề tranh cãi lớn nhất nhất được kiểm tra một cách khoa học) cũng thuộc loại bestseller.
Quyển sách thứ hai của Mai Thi
(4) LỜI CUỐI
Một cuộc đời rất đẹp, rất đáng được viết thành một quyển sách, mặc dù Mai Thi hãy còn rất trẻ. Cô tỏa sáng nhanh chóng như sao chổi. Có bằng tiến sĩ với 30t cô bắt đầu tỏa sáng với 31t. Với 34t, cô như đứng cao trên sự nghiệp. Nhưng cô vẫn còn tiếp tục thăng tiến, không thể nói trước sự nghiệp sẽ dẫn dắt cô đến những đỉnh cao nào khác trong năm, mươi năm nữa. Với 34 tuổi, chúng tôi, những sinh viên đi du học Đức thời các thập niên 1960, 1970 thế kỷ trước, làm gì ngoài việc chuẩn bị hay đang chập chững vào đời với bao lo toan cho cuộc sống? Để thấy khoảng cách thế hệ giữa cô và chúng tôi. Chiến tranh đã tạo ra cho chúng tôi ý thức, và sự dấn thân, nhưng đã kéo lùi chúng tôi một quãng thời gian dài đáng kể. Mai Thi sống trong những điều kiện lý tưởng để thăng hoa trên một đất nước phát triển và có truyền thống khoa học sâu đậm.
Quan trọng hơn, gia đình cô có thái độ trân quý những giá trị của tri thức, đánh giá cao khát vọng trí tuệ và lao động tinh thần, nói như Einstein. Đó là nguồn cảm hứng mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc hành trình. Gia đình cô như đã gieo hạt giống và nâng cô lên khỏi những giá trị của cuộc sống thường nhật, để cô sải cánh trên bầu trời khoa học.
Tôi rất vui mừng được viết vài dòng giới thiệu này về tài năng đặc biệt Mai Thi và quyển sách đầu tay của cô cho độc giả Việt Nam. Cô sẽ truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những ai đọc cô, hiểu những giá trị cao cả cô đang tạo ra cho xã hội. Tôi tin rằng, trong nhiều độc giả Việt Nam, sẽ có một số độc giả mang niềm cảm hứng của cô như ngọn lửa để đi tiếp. Các tài năng thường cần có một giai đoạn được đánh thức, cho dù ở lãnh vực khác sở thích của mình, nhưng đó là sự đánh thức mạnh mẽ như một big bang để gây ra cuộc bùng nổ năng lượng sáng tạo cho cuộc hành trình mới. Phải có cuộc bùng nổ ý thức sâu rộng và năng lượng to lớn thì mới đi xa được trong cuộc đời. Sự bùng nổ và thức tỉnh diễn ra âm thầm nhưng dữ dội trong nội tâm, như lực đẩy khủng của con tàu đưa nó vào vũ trụ, vũ trụ khoa học hay loại vũ trụ nào khác.
Mong rằng quyển sách sẽ lan tỏa trong cộng đồng Việt Nam, trong giới giáo dục, nhất là giới trẻ, những người đang háo hức muốn phấn đấu lên những mục tiêu khoa học. Hãy đọc để được khai sáng về thế giới xung quanh – sự sống là một quá trình hóa học, như Antoine Lavoisier nói – và để được truyền cảm hứng cho những định hướng của mình.
Mai Thi Nguyen-Kim trong phòng thí nghiệm với danh hài Michael Kessler đóng vai Antoine Lavoisier.(Ảnh: Maike Simon/ZDF)
Nguyễn Xuân Xanh
Tháng 12/2021
Nguồn: https://rosetta.vn/nguyenxuanxanh/mai-thi-nguyen-kim-va-tac-pham/
* * *
Dưới đây là hai tấm ảnh của nhà truyền bá khoa học Mai Thi Nguyễn-Kim. Cô được Tổng thống Frank-Walter Steinmeier mời làm khách vinh dự tham gia đoàn của ông. Sự xuất hiện gần như bất ngờ của Mai Thi là một dịp may hiếm có mà tôi từng ao ước, nhưng rất tiếc không có một cuộc phỏng vấn dành cho cô của báo đài nào dù trong vài ba phút. Tuy nhiên, tôi nghĩ, chuyến thăm Việt Nam cũng đem cô lại gần Việt Nam hơn. Tôi mong Đại học Việt-Đức ở Bình Dương sẽ mở khoa báo chí khoa học (scientific journalism), và sẽ mời Mai Thi về tham gia ngắn hạn. Việt Nam dường như chưa có ai được đào tạo ngành này. Đó là nghề mà cô đã quyết định chọn vì yêu thích khi tốt nghiệp xong tiến sĩ. Nhưng tài năng đặc biệt của cô đã đưa cô lên thành sao quá nhanh trong lãnh vực này mà cô không phải qua một giờ học nào. Thực tế Mai Thi Nguyễn-Kim đã trở thành “Liebling” (người được yêu thích) của dư luận Đức.
Hai tấm ảnh thuộc loại hiếm của Mai Thi xuất hiện tại Hà Nội trên trang facebook của Viện Goethe Hà Nội. Ảnh chụp lúc Mai Thi đi thăm một cuộc triển lãm có tên “Trở về” của nghệ sĩ Việt Nam Lê Brothers.
Be the first to comment