Suy Tư Dòng Đời

Bà Hằng dắt hai con và một đứa cháu bước xuống phi trường Sydney lòng đầy hớn hở. Giấc mộng đi ra nước ngoài của bà và con cháu sau bao năm tháng ròng rã đợi chờ nay đã trở thành hiện thực. Hỏi sao bà không mừng cho được.

Chồng bà thuê sẵn một unit hai phòng ngủ cho nên với cả gia đình – năm người thì cũng có phần chật chội. Vì thế mà vừa đặt vali xuống chỗ phòng khách rồi ngồi trên cái ghế salon sờn rách cũ kỹ là bà đã vội than:
– Nhà cửa chi mà tồi tàn quá, còn tệ hơn cả bên Việt Nam. Không có vườn có sân, lại là nhà thuê. Thiệt tui không ngờ. Nếu biết như ri thì chắc tui ở bển luôn cho rồi.

Ông Lộc buông mấy lời cười cười an ủi vợ:
– Đây chỉ là bước tạm thời. Rồi vài năm sau làm ăn khấm khá mình đi mua căn nhà rộng rãi đàng hoàng chứ đâu có kéo dài cái cảnh này mãi mà bà sợ. Ai cũng vậy thôi, trước ở nhà thuê sau mới ở nhà của mình. Đi trước uống nước béo còn đi sau uống nước đục. Bà phải nhớ câu nói đó chứ.

Được đâu chừng mấy tháng thấy ở nhà ngồi không đi vô đi ra hoài cũng chán, bà xin việc cắt chỉ ở xưởng may kiếm được ít chục đồng phụ vô lo cho con ăn học. Chỗ làm không mấy thoải mái, đủ thứ chuyện lôi thôi. Ông chủ cực kỳ khó tính, nét mặt lầm lỳ hay la mắng quát tháo. Còn chị em công nhân ít khi đùm bọc che chở cho nhau mà thường hay nói móc nói ngoé, châm chọc nạnh hẹ tưởng như chẳng muốn ai làm chung với mình. Có người còn làm anten để xúi giục chủ đuổi người này hay ác cảm với người kia.

Chính điều đó khiến cho bà có cớ than thở thêm với chồng:
– Bên Việt Nam tui làm việc ngày nào cũng có xe đưa đón tận nhà. Giám Đốc thường ngọt ngào anh anh em em. Còn việc làm thì thư thả chứ không như ở đây đi bộ đã mỏi cẳng rồi mà vô hãng đứng cả ngày chẳng nghỉ được vài mươi phút. Đôi bữa mắc tiểu muốn chết còn không dám đi. Tới tuần lãnh lương mà chẳng khác chi đi đòi nợ, trả thiếu trước hụt sau, thật chán ơi là chán !

Ông Lộc như bị chiếu tướng trước tình cảnh này, chỉ biết đem nụ cười giả lả cùng những lời lẽ dịu dàng từ tốn ra mà gỡ một đường thua trông thấy với vợ mình:
– Ồ đi đâu cũng vậy thôi. Mình đã lớn tuổi, không có trình độ chuyên môn, tiếng Anh tiếng u lại bập bẹ ú ớ thì làm sao đòi hỏi được chỗ tốt. Thôi ráng qua ngày rồi tìm cách xoay trở sau. Cái gì cũng vạn sự khởi đầu nan cả mà. Ở đây khối gì sinh viên tốt nghiệp chưa kiếm nổi việc làm. Thử hỏi dễ gì việc tốt tới phiên mình.

Có những hôm mùa đông lạnh lẽo chịu không thấu, phải mặc một lúc ba bốn áo ấm, bà cũng cằn nhằn nặng nhẹ với chồng:
– Cái xứ chi thời tiết khắc nghiệt quá. Lạnh thì lạnh thấu xương, mà nóng cũng nóng như thiêu như đốt. Thực tui chịu không nổi. Cả mấy mẹ con ai cũng hắt hơi sổ mũi suốt ngày. Tưởng được sung sướng lắm. Ai dè tranh nhau hết đi bác sĩ này lại khám bác sĩ nọ, cực ơi là cực !

Giọng réo rắt của bà làm ông Lộc chợt nhớ thoang thoảng bài hát của nhạc sĩ Lam Phương:

Anh đã lầm đưa em sang đây
Để đêm trường nghe tiếng thở dài…

rồi ông trầm tĩnh dùng lời nhỏ nhẹ khuyên lơn năn nỉ:
– Không sao đâu bà ạ ! Người ta chịu được mình chịu được. Sau cơn mưa trời lại nắng. Dẫu sao cũng đỡ hơn hồi tui ở bên trại tị nạn chỗ ngủ chật chội chừng đâu sáu tấc bề ngang với chưa tới hai thước bề dài. Lại nằm nền đất chứ đâu được ba tấm nệm như thế này. Nhiều đêm chuột vô gặm tới đầu giường mà cũng đành ngủ liều ngủ đại. Còn hể nhức đầu sổ mũi là nhờ người ta cạo gió xức dầu, làm gì được đầy đủ thuốc men như ở đây.
Nghe thế bà mới nguôi đi cơn bực dọc trong lòng.

Chỗ họ ở là căn apartment mười unit mà mỗi unit là một sắc dân. Đủ mặt Âu Á Mỹ Phi. Ra vô ít khi chào hỏi. Cũng không hề biết tên nhau, mạnh ai nấy sống chứ không như ở Việt Nam dạt dào tình cảm xóm giềng, tối lửa tắt đèn. Khi hữu sự có thể chạy lui chạy tới nhờ cậy nhau, ngày giỗ ngày tết còn thăm viếng chúc tụng nhau.

Biết thân phận mình là kẻ đến sau, lại nhỏ tuổi hơn, nên bà luôn nhường nhịn, lựa lời ăn tiếng nói với mấy người lối xóm. Vậy mà vẫn không yên. Thỉnh thoảng cũng bắt gặp cái thái độ trịch thượng kẻ cả của mấy bà già đầu ngõ làm bà Hằng tưởng chừng như đâu đây vẫn còn tình trạng “ma cũ hiếp ma mới”. Thật cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng.

Một hôm không kềm lòng được nữa, bà Hằng đem chuyện này ra nói với chồng:
– Xứ sở chi mà vô vị quá ! Cuộc sống thật là lạc lõng. Ra phố ra chợ chẳng gặp ai quen. Còn đi đường gặp dân Tây thì xa lạ quá, mình như bị cái mặc cảm tới ăn nhờ ở đậu xứ người ta vậy. Lúc còn bên Việt Nam tui nghe người Úc cởi mở, hoà đồng và tử tế lắm. Họ rất tốt bụng và luôn giúp đỡ người khác. Họ lập nhiều hội từ thiện để cứu người hoạn nạn khó khăn. Vậy mà vẫn nhan nhãn những chuyện kỳ thị đó đây làm cho mình chẳng mấy yên tâm.

Ông Lộc đang say sưa đọc trang báo có bài thơ mà ông mới gởi đi hai hôm nay đã thấy đăng. Chưa kịp tỏ lộ nỗi vui mừng về sự mau chóng đó thì ông phải dừng lại để trấn an vợ:
– Bà sang đây mới vài tháng. Hãy còn chân ướt chân ráo. Dần dần xin đi học, đi làm, tham gia sinh hoạt đoàn thể này nọ thì sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều bạn bè. Cứ niềm nở, lịch sự và thân thiện thì khối gì người mong được kết giao với bà.
Đừng lo chi ba cái chuyện lẻ tẻ vớ vẩn. Bà phải hiểu đó là chuyện không tránh khỏi ở một nước đa văn hoá với nhiều sắc dân từ khắp năm châu bốn biển. Nội đồng bào Việt Nam nhiều nơi còn chưa thực lòng đoàn kết thì làm sao dám đòi hỏi người nước khác thương mình.
Trên đường đời tui có gặp nhiều người Úc rất nhân đạo hiền từ. Họ mở rộng vòng tay tiếp đón di dân Họ cho mình vào là đã chấp nhận sự hiện diện của mình ở xứ này. Thực ra họ cũng là di dân thôi, trừ số người bản địa. Chẳng qua người trước kẻ sau. Ráng vài tháng nữa khi bà biết nói tiếng Anh thì sẽ dễ dàng giao tiếp, hy vọng mở ra được cái ổ khóa làm ngăn cách với mọi người. Cho nên đừng vội than van cô đơn cô độc. Phải chấp nhận vạn sự khởi đầu nan để không sờn lòng nản chí.
Luôn nhớ lời Mẹ dặn là trong đám đông thuần lương thì cũng lẫn lộn vài phần tử nhỏ nhen tị hiềm. Chính tui từng chứng kiến nghịch cảnh này. Bữa trước đây khi đi xe lửa tui gặp phải mấy ông trung niên da trắng tỏ lộ thái độ trịch thượng kẻ cả với dân da vàng. Tui chạnh lòng xót xa nhưng biết làm sao hơn. Cứ tự an ủi phải chăng đó là tính khí của một số người thiếu hiểu biết. Nếu không thì nước Úc đã lâm vào tình trạng hỗn loạn rồi.
Thôi ai sao mặc họ, chỉ biết cố gắng về phần mình là sống một lối sống chan hoà thân ái, coi mọi người như anh em đồng loại. Tứ hải giai huynh đệ mà.

Cũng giống như hơn nửa thế kỷ trước, để đề cao tình đoàn kết keo sơn gắn bó giữa toàn thể chiến sĩ thuộc quân lực cọng hoà, bất kể quân binh chủng, nhạc sĩ Anh Bằng đã sáng tác bài Huynh Đệ Chi Binh:

Huynh Đệ Chi Binh là mình cùng chung đời lính
Thương nhau khác chi nhân tình
Từ người deuxieme cùi bắp
Và rồi đi lên thượng cấp đều là huynh đệ chi binh
Sướng khổ có nhau là huynh đệ chi binh
Giúp đỡ lẫn nhau là huynh đệ chi binh
Sống chết có nhau là huynh đệ chi binh

Bà cứ tin tui rồi thời gian sẽ giúp tất cả hiểu nhau, xích lại gần nhau hơn. Người Ý, người Hy Lạp, người Đức… tới trước ta chừng ba mươi năm mà bây giờ đâu có còn bị kỳ thị như hồi họ mới nhập cư nữa đâu.
– Nhưng đợi đến lúc đó chắc là tui với ông cũng chết mất đất rồi. Bà Hằng cười mai mỉa nhìn về hướng ông Lộc.
– Có lẽ vậy nhưng bà đừng bận tâm chuyện đó. Bỏ chủ nghĩa cá nhân đi. Cái gì mình không được hưởng thì con cháu mình hưởng. Tre già măng mọc. Trong mọi chuyện mình phải rán giữ cái đức cho con.

Nói rồi ông rủ bà đi một vòng shopping cho khuây khoả tháng ngày, với lại mua chút đỉnh chuẩn bị cho mấy đứa nhỏ sắp vào niên học mới. Ông tuy lớn tuổi nhưng cũng tỏ vẻ hào hoa phong nhã dẫn bà vô cái tiệm phở nổi tiếng ở thành phố đông người Việt này và gọi mỗi người một tô đặc biệt.
Khi anh bồi vừa bưng ra là ông tự tay lau muỗng đũa chén dĩa, bỏ thêm ít rau giá tương ớt, vắt chút chanh rồi ăn ngon lành một lúc mà hết sạch. Chẳng khác chi mấy đứa nhỏ vào tiệm Mc Donald’s thưởng thức món Happy Meal say sưa thích thú bất kể trời đất cảnh vật xung quanh.

Còn bà thì vừa nuốt một cách uể oải vừa chê bai: tui qua đây mấy tháng mà chưa được gặp món nào vừa ý cả. Đồ ăn chi mà lạt lẽo chẳng bằng một góc của Việt Nam.
– Lúc đầu tui cũng bị như bà, ông Lộc vừa nhìn vợ vừa nói. Nhưng lâu dần tui cũng quen đi. Đã qua đây là tạm quên chuyện bên nước mình mà hội nhập dần với đời sống mới. Có cái mình không ưa cũng chẳng làm khác được.
Bà thấy không, ở quê nhà tài xế đi bên phải, nhưng qua đây là ai nấy đều đi bên trái mới đúng luật. Còn tết Tây mọi người được ở nhà trong khi tết ta đâu có nghỉ gì. Bà thử tính nước Úc với hai trăm dân tộc, nếu mỗi sắc dân có một ngày tết ai cũng được nghỉ thì chừng ấy phải mất hơn nửa năm rồi. Thử hỏi lấy ai mà làm việc, mà tham gia sản xuất. Cho nên tất cả đành bỏ cái riêng mà theo cái chung.
Nói thì nói vậy thôi chứ cái gì truyền thống mà mình cảm thấy hay ho cần bảo vệ thì mình cứ việc gìn giữ. Những tinh hoa của nền luân lý Khổng Mạnh mà bà được rèn luyện ở trường học ngày trước tất nhiên bà có quyền giữ lấy, có ai bắt bà phải từ bỏ nó đâu.

Vừa ăn vừa nghe chồng, tuy không mấy hợp khẩu vị, tuy chậm chạp như rùa bò, thế mà bà cũng vơi được nửa tô lớn. Đoạn bà bỏ đũa xuống cố nói cho ông nghe:
– Ông bảo rằng tui có quyền giữ lại những nét hay nét đẹp của nền luân lý Khổng Mạnh, trong đó có điểm tui ưa thích là con cái phải vâng lời cha mẹ. Thế mà đọc sách báo tui được biết ở Mỹ các bậc cha mẹ phải chịu điều ngược lại là nghe lời con cái. Không hiểu ở Úc thì sao, có đỡ hơn bên ấy không? Hiện nay bà chủ tui lo ngày lo đêm.

– Chuyện con cái là vấn đề nội bộ gia đình, bà cần từ từ và hết sức tế nhị kẻo hư bột hư đường. Con cái như bông hoa phải để cho nó tự nhiên nảy nở. Mình chỉ đứng ngoài nhìn ngắm chăm sóc. Kịp thời bón phân tưới nước khi nắng hạn, ra sức chống đỡ khi gió mưa bão bùng hoặc bắt giết sâu rầy khi chúng tới ăn hại. Phải cẩn thận đừng đụng chạm mạnh có khi thành phản tác dụng, làm thiệt hại hơn là lợi lộc như mong ước. Nếu mình nóng nảy hấp tấp can thiệp vào sẽ gây cho nó tịt ngòi không còn phát triển tự nhiên được nữa.

Mấy đứa con mình cũng như con nhiều gia đình khác từ xứ Đông Phương với nền văn hoá có phần gò bó được qua xứ Tây Phương phóng khoáng cởi mở hơn thì chúng thích thú vì nền văn hoá mới này bảo vệ và cho phép tuổi trẻ thủ đắc nhiều quyền hạn, ngược lại vai trò cha mẹ giảm nhẹ đi. Đây là sự xung đột giữa hai luồng văn hoá Đông – Tây.

Trước kia người Mỹ muốn du nhập nền văn hoá xứ Cờ Hoa vào Việt Nam nhưng mắc phải hàng rào cản là đạo lý Khổng Mạnh cùng những nền tảng kiên cố của Nho Giáo và Phật Giáo vốn ăn sâu tận gốc rễ trong mỗi tâm hồn người Việt, do đó mà văn hoá Mỹ bị đánh bật ra.
Rút cuộc người Việt vẫn bảo tồn được cái tín niệm hệ đẹp đẽ lâu đời của mình.

Nhưng bây giờ thì nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc. Mình ở Úc chứ không còn Việt Nam nữa. Tình thế đã đổi khác. Cho nên bà phải khéo léo vừa dùng lý vừa dùng tình để thuyết phục và giáo dục con cái, cốt sao cho chúng khỏi hư hỏng là mình mừng rồi.

Bạn bè tui qua đây lắm người thất bại vì con cái lêu lỏng, cờ bạc nghiện ngập rong chơi suốt ngày, nhưng cũng có người nở mặt nở mày nhờ con cái chăm lo học hành, thành đạt công danh.

Bên Mỹ tuổi trẻ còn được tự do hơn ở Úc nữa. Các nước Âu châu, nhất là Bắc Âu, có tới 70 – 80% con gái đã thành đàn bà trước khi về nhà chồng là do hậu quả của cái quyền tự do luyến ái mà định chế luật pháp những nước này ban cho giới trẻ.

Qua đó thì vấn đề không đơn giản như ta tưởng. Mà bổn phận làm cha mẹ phải định lượng kỹ luỡng mọi tình huống rồi tìm cách khuyên lơn góp ý cho con mình. Có đôi khi còn xin tư vấn từ các chuyên gia tâm lý hay giáo dục nữa.

Tóm lại, không nên quá mềm mỏng mà cũng chớ quá cực đoan. Nói theo ngôn ngữ triết học là không nên quá hữu khuynh mà cũng đừng ngã sang tả khuynh. Phải biết dung hoà và giải quyết mọi chuyện hết sức linh hoạt tuỳ theo từng hoàn cảnh. Đó là kế sách và phương pháp giáo dục con cái mà tui học được ở trường học cũng như trường đời.

Nhưng chớ bao giờ lên mặt huênh hoang nói thánh. Thành hay bại còn do số trời như người xưa hay nói: thuận thiên giả tồn nghịch thiên giả vong.
Con ông Tổng Thống Reagen còn ngang nhiên chụp hình playboy làm cha mẹ hổ thẹn thì mình đâu dám vỗ ngực hơn ai. Ngay Phi Luật Tân vốn là nước Á Đông mà con bà Tổng Thống Aquino tài sắt vẹn toàn lại để dính bầu với người có vợ con rồi bà chẳng làm gì được, thì hạng tầm thường dốt nát như mình chắc gì bảo đảm con cái không hư hỏng bê tha. Thôi thì chỉ biết sống hết sức hết lòng với lũ con để lỡ sau này có xảy ra chuyện gì mình cũng bớt ân hận ray rứt.

Nghe chồng huyên thuyên đông tây kim cổ cũng bùi tai. Bà tỏ vẻ thích thú thấy ông biết quan tâm con cái và có chuẩn bị phương pháp dạy con. Rồi bà múc thêm vài muỗng nữa cho cạn tô. Xong bà nói một cách chí tình tha thiết:
– Dù sao tui cũng về bển một chuyến để ăn lại món cháo lòng Dakao, bún bò ngã ba Cây Quéo, cháo vịt Hàng Xanh, bánh cuốn Tây Hồ, mì hoành thánh Thị Nghè, mì Quảng chợ Trương Minh Giảng… Mà ông ơi ! ăn phở này làm tui nhớ phở Pasteur quận 3 Saigon quá !

Biết bà đang vui ông mới chen vô một câu nửa đùa nửa cợt:
– Nghe giọng nói đủ biết bà là người thích ăn uống. Giờ này mà còn thuộc vanh vách không sót một chỗ.
Đoạn ông chậm rãi nói mấy suy nghĩ về chuyện đi về:
– Về hay không là tuỳ bà. Mỗi năm có tới 10% dân số tức khoảng 10 vạn người Việt từ khắp nơi đổ xô về nước. Hầu hết họ đều tạm quên đi những ngày trốn chui trốn nhủi trên bước đường vượt biên đầy gian truân để quay lại cố hương.

Mỗi người vì những lý do riêng mà về. Một số muốn giúp đỡ thân nhân còn kẹt lại hoặc chăm lo chuyện mồ mã tổ tiên. Số khác mong có dịp vui chơi, lấy vợ lấy chồng, làm ăn buôn bán. Lại có người về vì những mục đích cao cả như làm việc gì ích quốc lợi dân mà lắm khi bị chính quyền kết cho cái tội chống phá nhà nước, âm mưu “diễn biến hoà bình”.

Tui hoàn toàn tôn trọng quyền tự do đi lại. Nhất là về để giải quyết những công việc cần kíp, khẩn cấp, chính đáng, hoặc là về thăm lại quê cha đất tổ và thân bằng quyến thuộc sau bao năm xa cách. Đó là tình cảm thiêng liêng phát xuất từ sâu thẳm đáy lòng mỗi người mà thiển nghĩ không ai được quyền xúc phạm hay lên án.

Nhưng riêng bản thân, trong tình hình cộng sản còn chà đạp tự do ngôn luận, đàn áp tôn giáo, bắt bớ giam cầm những nhà yêu nước tranh đấu cho dân chủ đa nguyên thì tui quyết chưa trở về.

Ai mà không có chuyện riêng tư phải không bà. Thương nhà nhớ nước thì dạt dào, nhưng về để gặp những người cộng sản gian manh xảo quyệt, ác lai ác báo, giả nhân giả nghĩa thì tui đành bấm bụng chờ đợi cho đến khi nào đất nước thật sự tự do, cộng sản không còn độc quyền cai trị. Cho dù có phải chờ bao lâu đi nữa tui vẫn không nhụt chí ngã lòng.

Về lúc này là phản bội đồng bào, là tiếp tay cho chế độ độc tài đảng trị. Là nuôi dưỡng chấp nhận họ, rơi vào cái bẫy “kiều vận” của họ. Là đồng loả với họ bức hại những chiến sĩ nhân quyền. Điều mà tui nguyện hứa không bao giờ làm để khỏi hổ thẹn lương tâm một người tị nạn chân chính.

Coi bộ có vẻ gay cấn vì mối bất đồng về chuyện ở chuyện về, bà Hằng gọi trả tiền rồi dẫn ông đi Woolworths mua ít đồ cho tâm hồn thư giản.
Quanh quẩn đâu mấy dãy shop là hai vợ chồng đã quay ra quầy tính tiền. Trả gần trăm rưỡi bạc mà chẳng có mấy thứ. Thấy thế bà than thở:
– Tiền bạc chi mà mất giá quá! Làm lụng cực nhọc hai ba ngày mới đi chợ được một bữa. Kiểu này biết chừng nào cho khá nổi.
Ông Lộc vì xách nặng nên đứng nghỉ chân nơi hành lang căn building ngã tư đầu đường, vừa thở vừa nói cho bà nghe:
– Lúc tui mới qua chừng này hàng chỉ hơn năm chục. Nay phải tốn gần gấp ba. Nền kinh tế xuống cấp, vật giá gia tăng làm đồng tiền mất giá, sức mua bị suy giảm gây nên tình trạng lạm phát. Chính phủ phải đưa ra những biện pháp phù hợp để cứu vãn tình hình, nhất là đối phó với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao.

Vừa về tới nhà, sau khi vội vã pha cho chồng ly chanh đường là bà Hằng tới ngồi bên ông đang nghỉ mệt và hỏi thêm mấy câu mà bà vẫn còn thắc mắc chưa thông.
– Mà ông ơi ! Thế ông có nghĩ ra được một vài phương cách gì để vực dậy nền kinh tế đang bị trì trệ không ?
– Thật bà hỏi một câu hóc búa cao siêu. Việc đó thuộc phạm vi và thẩm quyền của tầng lớp có trình độ uyên thâm như các giáo sư đại học chuyên ngành hay những nhà lãnh đạo quốc gia cũng như chính trị gia. Còn tui thì chỉ dám đoán mò cũng như thầy bói rờ mu rùa. Chưa kể là bị knock out ngay từ đầu vì dốt nát ít học thì nói ai tin. Trong xã hội biết bao nhiêu người thuộc hàng trí thức đáng là bậc Thầy của mình.

Ở đây chỉ xin trao đổi trong tình vợ chồng giữa những người hạng bình dân với nhau. Tui chỉ cốt nêu lên vài ý kiến thô thiển để lỡ có ai bàn về vấn đề này bà cũng biết năm điều ba chuyện đem nói với người ta.
Tui chỉ mạo muội nêu lên hai hướng đi được coi như là những phương cách có thể giúp phát triển nền kinh tế của đất nước này.

1. Cách mạng bản thân:
Ý tui muốn nói toàn dân cùng chuyển biến tư tưởng, nâng cao nhận thức về bổn phận công dân. Mỗi người góp một bàn tay cho sự phồn vinh của đất nước. Cụ thể là chúng ta bớt ăn chơi phung phí, bớt nghỉ ngơi, chấp nhận lối sống khắc khổ, chớ ngại ăn quen nhịn không quen. Ai ai cũng nổ lực làm việc trong phạm vi khả năng của mình, đóng góp càng nhiều càng tốt để mang lại lợi ích cho những người xung quanh.

Bà biết không, lúc tui ở trại tị nạn cả mấy năm không ăn được miếng thịt bò, thế mà qua đây thịt cá ê hề, nhiều người ngán ngẫm chê bai, đổ bỏ một cách vô cùng uổng phí. Rồi thuở tui với bà mới lấy nhau mình chuyên ăn bo bo mì gói, cơm độn sắn khoai dài dài, bữa có bữa không. Bây giờ đầy đủ mọi thứ mà lắm người còn than. Thói đời là vậy, cứ đứng núi này trông núi nọ.

Chung quy lại, ai ai cũng tự hy sinh một phần nào cho đại cuộc quốc gia, giống như dân Nhật thắt lưng buộc bụng dưới thời Minh Trị Thiên Hoàng hơn nửa thế kỷ về trước, đưa đến kết quả nhiệm màu cho Nhật Bản. Từ một nước bại trận trong đệ nhị thế chiến trở thành cường quốc kinh tế sau hơn mười năm canh tân không ngừng nghỉ, không ngại khó, không nản lòng. Thành quả lớn lao đó một phần là nhờ người dân xứ Phù Tang hăng hái chấp nhận cách mạng bản thân đó bà ạ.

Cứ tự tin đi. Người ta làm được thì mình cũng cố làm được. Để chuẩn bị hành trang cho cuộc lên đường tìm vận hội mới, toàn dân cần thay đổi thái độ, sẵn sàng dấn thân thì mới mong sớm biến giấc mơ thành hiện thực.
Điều cần làm là khuyến dụ cho mọi người nhận thức đất nước này là của chung để cùng chăm lo xây dựng bồi đắp, không tính toán vị kỷ hay e ngại đổ mồ hôi ra cho người khác hưởng. Muốn vậy phải thực sự cảm thông nhau, đoàn kết mọi màu da và chấp nhận mình là người Úc, cùng chung nhiều hằng tính Úc, sống và làm việc vì nước Úc vinh quang và thịnh vượng.
Bà có biết câu danh ngôn nổi tiếng của Cụ Nguyễn Bá Học trong bài Lời Khuyên Học Trò không? Nếu chưa biết thì cố ghi nhớ để có khi còn nhắc nhở đám con cháu hay nản chí ngã lòng khi gặp chuyện khó khăn: “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi mà khó vì lòng người ngại núi e sông”.

2. Tránh xa cờ bạc:
Khởi thủy cờ bạc là loại hình giúp người chơi tiêu khiển và giải trí lành mạnh trong những giờ nhàn rỗi. Nhưng dần dà vì lợi nhuận đã thúc đẩy một số công ty đứng ra khai thác kỹ nghệ này.
Từ đó nhiều người Úc bị rơi vào cạm bẫy một cách nhanh chóng và trở thành nước có tỉ lệ dân nghiện trò chơi này hàng đầu thế giới.
Mỗi năm các club và sòng bạc thu về 25 tỉ, đưa đến kết quả Úc cũng đứng hạng nhất về thua cờ bạc tính theo bình quân đầu người.

Trước hiện trạng tối tăm đó, nhiều ý kiến công luận muốn giảm thiểu mức độ tác hại. Nhưng rồi cũng không đem lại giải pháp tốt đẹp nào. Có rất ít quyết tâm của chính phủ hoặc các chính trị gia đề xướng nên những dự án để cứu vãn vấn nạn cờ bạc. Một trong những lực cản là ngành công nghiệp này đã tài trợ hàng chục triệu cho các chính đảng và đóng góp nhiều tỉ tiền thuế cũng như ban cấp quỹ cho các tổ chức cộng đồng. Thêm nữa, kỹ nghệ này cũng giúp công ăn việc làm cho hàng vạn người.

Chỗ tui ở là khu tập trung người châu Á, nhất là Việt Nam, Campuchia và Trung Quốc. Hằng chục club mở cửa mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 3 hoặc 6 giờ sáng hôm sau. Tệ nạn cờ bạc tràn lan. Tui có mấy người bạn hể cuối tuần là ngồi sắp hàng chờ chủ phát lương rồi hớt hơ hớt hải mau mau kéo nhau đi cúng sạch các sòng bài, làm như không vô mấy chỗ đó là bứt rứt chịu không nỗi. Hỏi tiền đâu mà bồi dưỡng sức khỏe hoặc dành dụm chi tiêu, đầu tư hay xây dựng. Rồi thua bạc thua tiền lấy đâu tinh thần để làm việc. Có người gây chào xáo trong gia đình vợ chồng cũng vì ba cái chuyện này. Mà làm như thế còn tạo ra hố ngăn cách giàu nghèo ngày càng lớn lao. Người thì dư thừa ăn ngon ngủ khỏe, kẻ thì xác xơ cháy túi. Đáng tội nhất là mấy đứa con phải chứng kiến cảnh huống cha mẹ cãi cọ hơn thua, có đứa buồn bã bỏ bê học hành, lang thang bụi đời.

Nhân đây tui khuyên bà đừng dại dột nghe lời rủ rê của bạn bè thử thời thử vận đỏ đen. Cứ mỗi ngày một ít, lâu rồi sinh lậm khó rứt ra được. Không chóng thì chầy cũng thân tàn ma dại, tán gia bại sản, mà con cái cũng sinh coi thường mình, nói nó chẳng nghe.

Giá như ai cũng ý thức cái hậu quả khôn lường của cờ bạc mà lánh xa thì xã hội này tốt đẹp biết dường nào. Ai cũng chí thú làm ăn thì không những gia đình yên ấm mà đất nước cũng sẽ phát triển lên. Tui tin như thế bà ạ !
Tất nhiên còn lâu mới chuyển biến được lòng người. Đó là chuyện khó. Không dễ gì một sớm một chiều mà làm được.

Xin bà đừng vội cười chê tui là quá tào lao hoang tưởng mà đưa ra những đề nghị tầm phào viễn vông. Tui chỉ nói theo tấm lòng thành, còn đồng thuận hay bác khước là tuỳ vào đại chúng. Tui cũng biết mình thấp cổ bé miệng, tài hèn sức mọn thì làm sao dám lạm bàn chuyện quốc gia đại sự.

Đang mơ mơ màng màng về những ý kiến mông lung của ông Lộc, có chỗ bà bắt kịp, có chỗ còn mù mờ tăm tối. Nhưng vốn là người thẳng tính bộc trực ít sợ mất lòng ai nên bà Hằng mạnh dạn nói với chồng:
– Thật quê mùa như tui kể cũng khó thông hiểu chuyện kinh bang tế thế, chính trị chính em. Nhưng ông biết rộng rốt cuộc chẳng hơn ai. Thà đi làm công làm thợ kiếm ngày hai bữa mà thực tế hơn, khỏi lo nghĩ vẫn vơ cho thêm mệt xác.

Ông Lộc vỗ vai vợ nói như phân trần:
– Giàu nghèo theo tui nghĩ chỉ là số mệnh của mỗi con người. Như tui với bà suốt bao nhiêu năm thăng trầm trôi nổi, có lúc tiền bạc đếm không xuể mà có lúc cũng trắng tay, kiếm một chỉ vàng đỏ cả con mắt không ra.
– Bộ ông nói vậy rồi đành chịu thua số phận hay sao? Vậy ông qua đây làm gì thêm tốn hao của tui mấy cây nộp cho chủ tàu? Bà nêu thắc mắc đó để mong ông lý giải về chuyện vượt biên của mình.
– Tất nhiên là tui luôn cố gắng mọi việc không chịu thúc thủ theo số mạng để rồi nhắm mắt chờ thời. Nhưng tui nói cho bà rõ là tui đi chuyến này không phải ham giàu ham có như người ta. Bà xem bài thơ Giải Bày Với Mẹ thì biết tui nói gì:

Đi chuyến này không phải là con ham giàu có
Mà chỉ vì trót nặng lòng thương nước thương non
Thương bà Mẹ nghèo gồng gánh cả một đàn con
Đêm vô vọng ngồi khóc chồng đoạ đày tù ngục

Đi chuyến này không phải là con ham sung túc
Mê muội vật chất, vinh hoa, phú quý, bạc tiền
Không, không phải, nhất định trăm vạn lần không phải
Con chỉ cốt đưa mình ra khỏi chốn đảo điên

Bao năm rồi mất mọi quyền tối thượng thiêng liêng
Mình có tội tình gì mà họ đành tước đoạt
Không thể cúi lòn con phải đi tìm lối thoát
Đó là lời giải bày chân thật nhất Mẹ ơi ! …

Qua đây có khi còn buồn hơn bên nhà. Cuộc đời lắm lúc cũng gặp trắc trở khó khăn. Bà thấy không, mình hầu như mất đi tất cả: nhà cửa ruộng vườn, xa quê hương gia đình, bè bạn, người thân. Miếng ăn không ngon, thời tiết lạnh lẽo. Chung sống với nhiều người xa lạ. Một số là đồng hương hoặc sắc tộc Á Châu thì cũng không mấy vồn vã gần gũi, có lẽ do thời gian quen biết còn ngắn ngủi, hầu hết đều đầu tắt mặt tối, đâu rảnh thì giờ mà hàn huyên tâm sự.
Công ăn việc làm thì nay bắt việc này, mai chớp việc nọ, thực không giống ai. Rồi tiếng Anh chữ được chữ mất, có khi phải nực cười vừa quơ vừa chỉ đôi tay mới diễn đạt hết ý mình. Chưa kể kiến thức và thực hành computer thì còn quá kém cõi vụng về.
– Vậy chứ ông qua đây vì cái gì mà dữ vậy? Hay là đi theo con mẹ nào rồi, hèn chi suốt ngày cứ thấy ông thẩn thẩn thờ thờ như người mất hồn. Không chừng ông đã rơi vào tình trạng đau thương của thi nhân Hàn Mặc Tử:

Người đi, một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ

– Ôi bà đừng suy nghĩ bậy bạ mà oan cho tui. Chung quy tui đi chuyến này cũng là để tìm kiếm tự do thôi. Bao năm bị kềm kẹp, rình rập theo dõi, phân biệt đối xử và hù doạ đủ điều làm tui ớn lắm rồi, chịu không nỗi nên đành bỏ đi thôi.
Xin bà vui lòng nghe tui giải bày tiếp với Mẹ trong bài thơ về chuyện ra đi:

Đã có lắm lúc con ngước thẳng mặt nhìn trời
Tự hỏi thầm: “Cuộc ra đi này sai hay đúng”?
Thật dễ dàng quá, chẳng một chút gì lúng túng
– Chả lẽ cứ ở nhà chịu mất hết tự do!

Không hiểu sao một chính quyền độc tài sắt máu, gian manh xảo trá mà hết người này tới người kia muốn về. Có người còn hợp tác làm ăn, còn ngợi ca xưng tụng nữa mới đáng buồn chứ.
Bà phải nhớ rằng con người ta cần có lập trường, có chân lý, biết phân biệt thiện ác. Theo cái chính lánh cái tà chứ không vì quyền lợi vị kỷ mà để nhân cách bị mờ ám lãng quên đi. Làm trái lại là mình đồng loả với bầy quỷ dữ, là đắc tội với tổ quốc, với dân tộc.

Nội cái chuyện bao nhiêu người trở về đã vô tình làm mất đi chính nghĩa cao cả của hằng triệu người vượt biên từng khai với Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc là bị cộng sản đàn áp để xin đi định cư ở nước ngoài nhưng nay lại áo mão cân đai huênh hoang trở về một cách hớn hở theo kiểu áo gấm về làng. Chính lớp người này đã làm suy giảm nhuệ khí đấu tranh dành tự do, dân chủ và nhân quyền. Điều này gây tổn thương và đau lòng cho đông đảo đồng bào còn kẹt lại vì bị mất đi thành trì vững chắc từ hải ngoại. Một khi đã trở về thì họ còn giữ được khí phách và lòng kiên trung của người tị nạn chính trị nữa hay không ?

Thử hỏi bà có lập lại cái tội đó không. Đã chẳng cứu người mà còn hại người. Tệ hơn nữa là họ tạo nên cái lý cớ chính đáng để các nước viện trợ, giúp đỡ hay hợp tác thương mại với cộng sản Hà Nội vì họ cho rằng Nhà Nước này đã cởi mở, tiến bộ hơn xưa.
Sự bãi bỏ cấm vận, mở rộng bang giao và gia tăng đầu tư của Mỹ cùng nhiều nước khác bắt nguồn từ chỗ đó bà ạ.

Bà Hằng chẳng biết đối đáp làm sao trước lý luận sắc bén của chồng, nên đành lặng lẽ vào phòng đánh một giấc nam kha, bỏ mặc ông tiếp tục cái thói say sưa đọc báo hàng giờ quên ăn quên ngủ.

Trông ông như có phần thỏa mãn vì được dịp giải bày với vợ về những suy tư trong cuộc đời tị nạn của mình mà ông nghĩ nếu ai cũng ý thức bổn phận người dân yêu nước thương nòi thì chắc quê hương Việt Nam không đến nỗi tụt hậu như bây giờ.

Phạm văn Duyệt
Ngày 21/1/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*