Thương Lắm Bà Ba

Áo bà ba gắn liền với hình ảnh của ngoại. (Hình: Wikipedia)

Có ai như bạn, giữa phố phường ồn ả, bạn ráng len lỏi qua dòng xe chật ních như mắc cửi, để đuổi theo một người. Không phải vì trông hao hao bóng dáng thân quen nào đó. Bạn biết chắc người ta với bạn hoàn toàn xa lạ. Bạn mải miết đuổi theo, chỉ vì người ta đang mặc bộ đồ bà ba, mà lâu lắm, bạn mới nhìn thấy giữa chốn thị thành.

Giữa trùng trùng tây ta lẫn lộn, nào váy đầm, sơ mi lịch lãm, nào áo thun quần jean thoải mái, nào croptop hở eo quần short khoe đùi, thì áo bà ba hiện lên nền nã mà thân thương quá đỗi. Bộ đồ giản dị như sợi chỉ mảnh, dắt bạn tìm về một miền quê yên bình với mái lá đơn sơ, với luỹ tre xạc xào trong gió, với ụ rơm lừng lững sau hè, với tiếng nhồm nhoàm của trâu bò nhởn nhơ gặm cỏ. Một miền quê xa lắc, mà dù bây giờ, có đứng trên chính mảnh đất ấy, cũng khó nhận ra bởi những đổi dời. Cảnh cũ không còn người xưa cũng mất, chỉ còn chênh chao nỗi nhớ muôn trùng.

Bạn nói áo bà ba gắn liền với hình ảnh của ngoại.

Bước ra đường là ngoại mặc áo bà ba. Tuỳ chỗ tuỳ nơi mà lựa áo. Cái mới nhất để dành đám cưới, giỗ quẩy. Cái sờn sờn để đi chợ, qua chơi với bà Ba đầu xóm, xách mên cháo ghé thăm ông Năm té rụng mất cái răng độc nhất. Cái vá chằng vá đụp để ra bờ rào cắt bụi cỏ chổi, về phơi bó quét tước sân nhà. Cũng cái áo đó ngoại bận mỗi độ bấc về đem theo cái lạnh sắt se buổi sớm. Khi sương chập chùng giăng làn tơ mỏng lên bầu trời tờ mờ ngái ngủ, ngoại trở dậy quét từ đầu ngõ tới sau hè, gom lá đốt lên cho ấm, tiện thể bắt ấm nước pha trà. Bạn lao xao nhớ tiếng chổi loẹt xoẹt từ bàn tay ngoại, nhờ âm thanh đó mà không bao giờ bạn bị trễ học như lũ trẻ cùng xóm.

Lúc ở nhà hay những ngày oi ả thì ngoại mặc áo túi, loại áo na ná bà ba mà ngắn tay, thân cũng ngắn không xẻ nách, đắp hai cái túi phía trước để đựng đồ. Hai cái túi nhỏ bé ấy đựng cả thế giới của ngoại. Chai dầu gió xức từ sáng sớm tới lúc đi nằm, chưa thấy bóng người mùi dầu đã nhanh chân thông báo. Đồng bạc xỉn màu để dành cạo gió. Cây tăm xỉa răng bẻ từ chân nhang trên bàn thờ. Mớ tiền dành dụm cuộn thành lọn bỏ vô túi nilon, có khi buộc lại bằng sợi thun nhão nhẹt. Ngoại cài túi kỹ lưỡng bằng cây kim tây vắt ngang, yên bụng, của theo bên người.

Ngoại vừa là bà, vừa là má là ba. (Hình minh hoạ: Manan Vatsyayana/AFP via Getty Images)

Tôi quen biết bạn khi ngoại đã về miền xưa mây trắng. Nhưng trong câu chuyện của bạn, ngoại vẫn luôn hiển hiện xung quanh. Thấy chị bán bánh ú bánh tét chạy ngang, bạn nuốt nước bọt.

Đi đám giỗ, bao giờ ngoại cũng gói về cho bạn dăm cái bánh ú lá tro nhân dừa béo ngậy, hay đòn bánh tét chuối ngọt lịm đầu lưỡi. Giờ có tìm, cũng không kiếm đâu ra cái mùi vị ngọt ngào đó.

Cuối tháng lãnh lương, bạn nhớ lại hồi đi học, lâu lâu ngoại vét trong túi áo, dúi cho bạn dúm tiền vo tròn như điếu thuốc, chắt chiu từ con cua con cá ngoại mò mẫm ngoài đồng bất kể nắng mưa hay từ nải chuối bó rau ngoại tằn tiện tích góp.

Ngày ngoại đi xa, bạn soạn mớ đồ đem theo cho ngoại, thấy trong tủ còn y thinh chiếc áo bà ba bạn mua hồi Tết, kêu ngoại mặc đón năm mới mà ngoại tiếc, để dành. Tới khi theo ngoại vùi sâu dưới ba tấc đất, tấm áo chưa một lần ngấm mùi mồ hôi của ngoại.

Bạn giữ lại chiếc áo chi chít mảnh vá ngoại thường mặc, bỏ vô túi gói thiệt kỹ. Lâu lâu nhớ ngoại, bạn lấy ra hít hà, như hồi nào bạn thường ôm ngủ mỗi bận ngoại vắng nhà. Bạn nói nhỏ lớn bạn biết có mình ngoại. Bạn không có ba, má đi lấy chồng xa xứ, mình bạn côi cút lớn lên bên ngoại. Ngoại vừa là bà, vừa là má là ba.

Bạn rưng rức, người ta thèm món nọ món kia, còn bạn lại thèm áo bà ba, thiệt ngộ. Lâu lâu nhớ quá bạn chạy vô mấy cái quán rặc mùi Nam Bộ, dòm mấy cô tiếp viên mặc áo bà ba đi qua đi lại mà sao thấy lạ quắc lạ quơ. Có khi về miệt sông nước ghé quán đờn ca tài tử, ngó áo bà ba đủ sắc đủ màu, mặt tô son trét phấn, đâu có liên quan gì tới chiếc áo úa màu cùng búi tóc bạc phơ ngoại vấn trên đầu.

Bạn hỏi tôi có khi nao chạy vòng vèo vài ba ngả đường, tới một chỗ xa lắc để mua bó rau, trong khi miếng thịt lủng lẳng trên xe vừa mua xong từ chợ. Không phải bởi chỗ đó bán rau tươi hay món hiếm gì cho cam. Mà bữa trước, trong lúc vội vã chạy ngang, bạn nhìn thấy một chị mặc bộ bà ba, ngồi lặt rau bên đôi quang gánh.

Bạn dặn lòng, bận sau nhớ ghé lại, để lần về miền ký ức hanh hao qua bộ bà ba xưa cũ…

Hoàng Ngọc Thanh
Theo https://www.nguoi-viet.com ngày 13/1/2024

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*