Ấm đun nước khổng lồ đã trở thành biểu tượng của Boston từ những năm 1800. (Chloe Courtney Bohl / Boston.com)
Ấm đun nước đã tồn tại hơn một thế kỷ trải qua bao phát triển và thay đổi ở Trung tâm thành phố Boston.
Vào buổi sáng ngày đầu năm mới 1875, một đám đông cư dân Boston tụ tập bên ngoài cửa hàng của Công ty Trà Phương Đông trên đường Court Street. Đến trưa, đám đông lớn dần ít nhất lên đến 10.000 người, tràn ra cả mặt đường và cản trở giao thông ở Quảng trường Scollay – một phần của trung tâm thành phố mà sau này trở thành Government Center.
Một quảng cáo được đăng trên báo Boston Daily Globe vào ngày 31 tháng 12 năm 1874.
Họ đến để xem ông William Reed, người đặc trách niêm phong trọng lượng và đo đạc của thành phố, tự tay đo dung tích của ấm trà vàng khổng lồ của công ty trà.
Được chế tạo bởi hai thợ đồng địa phương Hicks và Badger vào năm 1873, chiếc ấm đồng thường được treo phía trên lối ra vào công ty Trà Phương Đông, cái vòi hoạt hình quá khổ của nó luôn thổi những luồng hơi nước vào không khí như thể đang chuẩn bị reo sôi.
Vào ngày này, chiếc ấm đun nước được hạ xuống và đặt trên một bệ cao bên ngoài cửa hàng và nắp được tháo ra. Khán giả đã kinh ngạc chứng kiến một cậu bé 12 tuổi bước ra từ bên trong và nhảy xuống sân khấu. Sự phấn khích của họ tăng lên khi cậu bé thứ hai trèo ra, rồi em thứ ba, cho đến khi tám cậu bé nhảy ra từ chiếc ấm dường như không có đáy. Cuối cùng, thêm một đỉnh đầu thứ chín thò ra và tiếp theo một người đàn ông cao sáu feet xuất hiện. Đám đông la hét cuồng nhiệt.
Kế đó, ông Reed đo dung tích của ấm bằng cách đổ đầy nước vào ấm, tính từng lượng 5 gallon mỗi lần trong hơn một giờ. Cuối cùng, ông tính được dung tích của nó là 227 gallon, hai quart, một pint và ba gill.
(Bạn thắc mắc hỏi gill là gì? Đó là một đơn vị đo lường cổ xưa bằng một phần tư pint tại Hoa Kỳ, hoặc bốn ounce chất lỏng.)
Công ty Trà Phương Đông năm 1920. (Leslie Jones / Digital Commonwealth)
Đó là một trong những màn quảng cáo thành công và đáng nhớ nhất trong lịch sử Boston.
Các báo Boston Evening Transcript, Boston Post và Globe đều đăng tả lại từng chi tiết. Hàng ngàn người có gửi dự đoán kết quả dung lượng của chiếc ấm và công ty Oriental Tea đã hào phóng tặng nhiều phần quà gồm trà và cà phê độc quyền cho những người đoán trúng. Chiếc ấm được chạm khắc đúng số thể tích đã đo và được treo lại phía trên mặt tiền của trụ sở công ty, nơi nó trở thành một biểu tượng của địa phương.
Công ty Trà Phương Đông năm 1953. (Edmund Mitchell / Digital Commonwealth)
Suốt nhiều thập niên, công ty Trà Phương Đông vẫn tọa lạc cố định ở Scollay Square. Nhưng đến những năm 1960, khu thương mại nhộn nhịp trước đây dần dà suy tàn. Khi giới giàu có ở Boston dọn ra vùng ngoại ô, quảng trường trở nên vắng vẻ và mang tiếng là khu đèn đỏ tồi tàn. Công ty Trà Phương Đông là một trong những trụ sở còn lại bị Cơ quan Tái phát triển Boston trục xuất vào năm 1966 khi cơ quan này bắt đầu một dự án cải tạo đô thị quy mô lớn, san phẳng phần lớn khu vực để nhường chỗ cho Trung tâm Chính quyền đầy tham vọng.
Công ty Trà Phương Đông phải ra đi sau quá trình tái phát triển, nhưng chiếc ấm đun nước đặc trưng của nó đã tồn tại được. Ông chủ quán trà Nathan Sharaf, lại là chủ một nhà hàng địa phương, đã mua một cửa hàng ở cuối phố và chuyển ấm đun nước đến đó, mở Quán cà phê Ấm đun nước tỏa khói. Từ vị trí mới tại 65 Court Street, chiếc ấm nước đã chứng kiến việc xây dựng Tòa thị chính Boston và trạm xe điện ngầm MBTA mang tên Government Center.
Chiếc Ấm khổng lồ tại địa điểm mới trên Phố Court vào năm 1972. (Spencer Grant / Digital Commonwealth)
Chiếc Ấm tỏa khói phát triển mạnh một thời gian nhưng lại đóng cửa vào năm 1988 khi ông Sharaf qua đời. Cửa hàng đổi chủ trong vài thập niên tiếp theo, trở thành Croissant Du Jour, rồi Coffee Connection, và cuối cùng, vào năm 1997, là Starbucks.
Ấm trà vào khoảng năm 1977. (Warren Favor / Digital Commonwealth)
Chuỗi quán cà phê khổng lồ có trụ sở tại Seattle vẫn gọi cửa hàng là địa điểm “Ấm đun nước tỏa khói”. Cứ sau vài năm, Starbucks lại mang ấm xuống để bảo trì và làm mới lớp vỏ bọc bằng vàng lá.
Hầu như không còn gì của Quảng trường Scollay trước đây sót lại ở Government Center ngày nay. Nhưng ấm trà mạ vàng vẫn còn đó, bốc khói và lấp lánh trên nền gạch và bê tông của City Hall Plaza.
Như một cư dân Boston đã nhận xét với báo Boston Globe vào năm 1980: “Nó thực sự sáng rực như là một ngôi đền (shrine) hơn là một biểu hiệu (sign)”.
Chloe Courtney Bohl
Theo https://www.boston.com ngày 28 tháng 11 năm 2023
Bản dịch của BBT/NVB
Be the first to comment