Chữ Nhứt Đặc Biệt Của Người Miền Nam

Người Miền Nam trước 1975 nói số đếm là “nhứt”, “nhị”, “tam”, “tứ”… (một, hai, ba, bốn)

Một bạn copy gửi một tụt (*) hỏi ý kiến, tụt đó khẳng định “nhứt” không phải phương ngữ Miền Nam gì hết, rằng người Bắc xưa cũng nói nhứt, dẫn chứng rằng nhiều người ở Ninh Bình nói chữ nhứt. Nhưng rất tiếc là nói vụ Ninh Bình chung chung, lấp liếm qua loa nói không chứng cớ rõ ràng, chỉ là một câu viết ra mơ hồ rồi đóng đinh lại thì không rõ ràng.

Biết nhứt có ở Ninh Bình không thì nhìn tên vài xã của nó biết liền. Ninh Bình không có “nhứt”. Bằng chứng là xã Ninh Nhất của Tp Ninh Bình sờ sờ (Hình)

Ninh Nhất của thành phố Ninh Bình là xã trong phạm vi danh thắng Tràng An – Tam Cốc – Bích Động

Người Miền Bắc nói những âm “ứt” ,”ựt” của nhứt, nhựt , rồi “bịnh”, “kinh” khó nên nói là nhất, nhật, bệnh và kênh

Người Miền Nam thì nói âm đó dễ và thích nói nên thành thói quen cứ nhứt, nhựt, bịnh, kinh…

Người Miền Nam trước 1975 nói số đếm là “nhứt”, “nhị”,”tam”, “tứ”… (một, hai, ba, bốn)

Thành ra có quận nhứt, quận nhì. Đi xe có tài nhứt, tài nhì, tài ba, tài bốn…Cải lương có “đào nhứt”, đào nhì”, “kép nhứt”, “kép nhì”

Nhứt gạo, nhì rau
Tam dầu, tứ muối

Ví dụ như khi mới khai hoang tên làng là Tân Sơn, dần dà có ngày chia đất ra hai làng mới thì sẽ có tên mới là Tân Sơn Nhứt, Tân Sơn Nhì.

Cũng có khi từ ban đầu lập làng đã chia ra, ví như đất Vũng Tàu từ ngày khai phá đã có ba địa danh Thắng Nhứt, Thắng Nhì, Thắng Tam, là ba làng của ba ông đội Phú Yên khai sanh ra Vũng Tàu.

Chợ Gạo có xã Bình Phục Nhứt, xưa ở vùng này có xã Bình Phục Nhì. Gia Định có Tân Thới Nhứt, Tân Thới Nhứt Tây, Tân Thới Nhì, Tân Thới Nhì Tây, Tân Thới Tam.

Đệ nhứt đia danh chữ “nhứt” là Phi trường Tân Sơn Nhứt. Trước 1975 có đại lộ Thống Nhứt. Sau 1975 bị xóa tên,và chữ thống nhứt bị sửa thành “thống nhất”.

“Thống nhứt” là chữ chính danh của Miền Nam mà chính TT Ngô Đình Diệm cũng phải xài.

Hãy đọc lại câu rành rành Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã viết:

“Chúng ta hãy hợp tâm trí nghị lực và khả năng để bảo vệ non sông, và hạnh phúc quốc dân trong độc lập và thống nhứt”.

Không có bằng chứng nào người Miền Bắc từng nói chữ nhứt trong lịch sử Việt Nam. Lịch sử chí ít đã chứng minh là Bắc Hà xài chữ nhất.

Chúng ta lật lại vụ “Nhất Chi Mai” trong lịch sử

Hồ Qúy Ly lấy con gái vua Trần Minh Tôn là Huy Ninh công chúa (Công chúa Nhứt Chi Mai) sanh ra một cô con gái tên là Thánh Ngẫu và Hồ Hán Thương.

Tương truyền Lê Quý Ly (Hồ Qúy Ly) khi còn hàn vi thường theo cha đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ:

“Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai” (trong cung Quảng Hàn có một cành mai) và nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó

Về sau, Lê Quý Ly làm quan

Vào một ngày nọ, vua Trần nghỉ ở điện Thanh Thử. Sân điện ấy có đến hàng ngàn cây quế. Nhà vua nhân đó ra câu đối rằng: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế” (trước điện Thanh Thử có hàng ngàn cây quế)

Bầy tôi theo hầu chưa ai kịp đối. Lê Quý Ly nhớ lại câu văn trên bãi cát ven sông thuở nào, liền đối lại “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh.

Nghĩa là: Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế, Quảng Hàn cung nọ một cành mai.

Nghe xong vua Trần  kinh ngạc hơn bởi nhà vua có một công chúa đặt tên là Nhất Chi Mai mà công chúa suốt ngày ở trong cung cấm không ra ngoài. Vua hỏi Quý Ly: “Nhà ngươi làm sao biết được trong cung tả ta có công chúa tên Nhất Chi Mai, tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?”

Lê Quý Ly cứ tình thực tâu bày. Hoàng đế nói:

“Đây là số trời!”

Và có thể vì lẽ cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, nhà vua đã gả Nhất Chi Mai (Huy Ninh công chúa) cho Lê Quý Ly vào năm 1371

Chưa có cơ sở nào nói chữ “nhứt”, ”nhị”… là chữ Nôm

Tiếng Hán Quan Thoại đọc số đếm như sau:

1 一 (yī, nhứt)

2 二 (èr, nhì) = 兩 (liǎng, lưỡng)

3 三 (sān, tam)

4 四 (sì, tứ)

5 五 (wǔ, ngũ)

6 六 (liù, lục)

7 七 (qī, thất)

8 八 (bā, bát)

9 九 (jiǔ, cửu)

10 十 (shí, thập)

Người Việt đọc nhứt nhị hình như không trùng âm Quan Thoại

Trong khi tiếng Quảng Đông đọc là:

一 /yāt/: Nhứt

二 /yih/: Nhì

三 /sāam/: Tam

Người Miền Nam đọc nhứt, nhì, tam hình như dính âm Quảng Đông.

Chữ nhứt (nhất) lại quan trọng trong Kinh Dịch và Đạo Đức Kinh.

Nói về chữ Nôm thì cách đọc một, hai, ba, bốn, năm, sáu … mới là cách của người Việt cổ.

Một, hai, ba là chữ Nôm.

Người Việt xưa xài lịch âm, âm lịch là lịch mặt trăng.

Mà lịch âm được Việt tộc xưa kêu tên các tháng như sau: Một, Chạp, Giêng, Hai, Ba, Tư, Năm, Sáu, Bảy, Tám, Chín, Mười.

Các tháng trên tương ứng các chi là:

Tý (Một), Sửu (Chạp), Dần (Giêng), Mẹo (Hai), Thìn (Ba), Tỵ (Tư), Ngọ (Năm), Mùi (Sáu), Thân (Bảy), Dậu (Tám), Tuất (Chín), Hợi (Mười).

So lịch ngày nay thì người Việt quen gọi tháng 11 là tháng Một (Đầu năm) nên trong Âm lịch qua tháng 12 kêu là Tháng Chạp, và tháng đầu năm kêu là Tháng Giêng.

Ngày nay còn Tháng Chạp và Tháng Giêng trong khi Việt Nam đã xài lịch theo kiểu Tây Phương là bằng chứng cho kiểu lịch xưa mà xài chữ Nôm đó.

Chữ “nhứt” có phải là phương ngữ Miền Nam không?

Phương ngữ là gì? “Phương” là địa phương, “Ngữ” là lời nói. Phương ngữ là lời nói của vùng đó.

Chưa dám nói chữ nhứt là phương ngữ Miền Nam vì còn ngờ ngợ cái gốc lưu dân từ Miền Trung vô. Nhưng dò xét thì chưa phát hiện địa phương nào của Miền Trung có chữ nhứt.Thành ra cần quan sát và tìm tòi nữa mới dám khẳng định cái vế này.

Chắc chắn một điều là không có cơ sở nói người Miền Bắc từng nói chữ nhứt rộng rãi.

Nguyễn Gia Việt
Theo https://vietnamthoibao.org ngày 23.2.2023

(*) Status trên FaceBook

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*