Hình bìa tác phẩm “Người Trung Quốc Xấu Xí” của Bá Dương. (Hình: Internet)
Bá Dương – nhà thơ, nhà văn, nhà báo và sử gia được tờ The New York Times mệnh danh là “Voltaire của Trung Quốc” bởi tác phẩm “Người Trung Quốc Xấu Xí” xuất bản năm 1985 tại Đài Bắc, và chỉ 4 năm sau chính Trung Quốc đại lục đã cho phép ấn hành tác phẩm này cũng như những tác phẩm khác của ông.
Tên tuổi của Bá Dương gắn liền với tác phẩm Người Trung Quốc Xấu Xí mô tả những thói hư tật xấu của đồng hương của ông, những người Trung Quốc trong thời hiện đại. Khi còn sống Bá Dương chắc phải mừng lắm khi sách mình viết được phát hành tại Trung Quốc nơi có hơn 1 tỷ người nói tiếng Hoa, có nghĩa là dù sao thì vài triệu người thức tỉnh, bỏ bớt thói hư tật xấu đi cũng là điều đáng quý. Tuy nhiên hình như ông Bá Dương và những người cùng quan niệm với ông đã lầm, những thói hư tật xấu ấy có thể bỏ, nhưng bản chất do trời sinh thì vẫn dính liền với cách hành xử của con người.
Khi rất nhiều người cùng chia sẻ một hành vi nào đó trong cộng đồng, kể cả hành vi đi ngược lại với văn minh nhân loại, thì hành vi ấy mặc nhiên trở thành văn hóa.
Năm 2013 hàng triệu người Trung Quốc hả hê sau khi nhà hàng “Beijing snacks” nằm ở quận Tây Thành, thành phố Bắc Kinh, gần cổng phía nam khu di tích Cung Vương Phủ, là địa điểm có nhiều khách du lịch, đã trưng tấm bảng có dòng chữ tiếng Trung và Anh gắn ngay cửa: “Không phục vụ người Nhật, người Philippines, người Việt Nam và chó”. Họ hả hê vì cả ba quốc gia liệt kê trên tấm bảng đều là kẻ thù của người Trung Quốc. Nhật từng trừng phạt Trung Hoa trong thế chiến thứ II, Việt Nam bất cộng đái thiên với nhiều đời hoàng đế Trung Quốc kể cả trận chiến mới nhất vào năm 1979. Philippines chia phần thù hận khi dám mang Trung Quốc ra tòa quốc tế và nhiều lần ra mặt chống dối Trung Quốc trên trường quốc tế.
Ba năm sau, cùng một hành vi văn hóa thù hận như vậy lại xảy ra. Sau khi Nhật Bản trải qua một loạt các trận động đất mạnh, gây thiệt hại lớn về người và của thì trang mạng Weibo của Trung Quốc đăng tải hình ảnh một tấm biều ngữ lớn được treo trước cửa một nhà hàng ở thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc với nội dung: “Chúc mừng động đất Nhật Bản, tối nay khách hàng ghé qua nhà hàng sẽ được miễn phí bia và đồ ăn”. Mức độ tiểu nhân đắc chí của hành vi này đã làm người ta giật mình, nhất là những nước nằm gần Trung Quốc. Họ giật mình vì bản chất hèn hạ quá lộ liễu của một quốc gia hùng mạnh và đang có hoài bão thay Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới.
Nhưng đó không phải là hành vi cuối cùng chứng tỏ người Trung Quốc không còn xấu xí mà đã trở nên thô bỉ, một điều mà khi còn sống chắc chắn Bá Dương cũng khó thể nghĩ ra.
Ngay sau khi Tập Cận Bình kêu gọi toàn dân chung tay chống lại cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ phát động người dân Trung Quốc ngay lập tức tán thành với hành vi rất lạ: dùng hình ảnh của Tổng thống Donald Trump được in trên những sản phẩm dùng trong phòng vệ sinh.
Báo chí trong nước đồng loạt đăng lại thông tin từ các trang mạng Trung Quốc cho thấy các sản phẩm thể hiện sự mỉa mai đối với ông Trump đang được bày bán la liệt trên các trang mua bán điện tử của Trung Quốc. Kèm theo đó là những hình ảnh lan truyền việc sử dụng chúng trên mạng xã hội, với một loạt những sản phẩm từ bàn chải bồn cầu Donald Trump cho đến giấy vệ sinh in hình Tổng thống Mỹ. Nhất là “bàn chải bồn cầu” đang trở thành mặt hàng hot được tìm kiếm nhiều nhất trên Taobao, trang thương mại điện tử lớn của Trung Quốc.
Từ ác độc người Trung Quốc trở nên hèn hạ lúc nào chính họ cũng không biết. Nhất là Bá Dương, nếu còn sống ông hẳn phải viết lại toàn bộ cuốn sách của ông.
Nhưng sự hèn hạ ấy không phải là “té nước theo mưa”, nó đã trở thành một nền văn hóa từ khá lâu trên đất nước này thông qua việc hạ nhục lãnh tụ các nước mà họ thù nghịch, thậm chí không thích. Một bằng chứng khác vừa được họa sĩ Thành Chương chủ nhân của Việt Phủ Thành Chương nơi được xây dựng lên để trưng bày các phẩm vật đặc sắc, những công trình, hiện vật cổ có giá trị văn hóa ở khắp các vùng miền, vài ngày mới đây khi du lịch Trung Quốc họa sĩ đã chụp được một tấm ảnh tại khuôn viên khu du lịch nổi tiếng Lệ Giang – Đại Lý thuộc Vân Nam của Trung Quốc. Bức ảnh gây cho người Việt một sự bất ngờ. Bất ngờ vì bức tượng trong tấm ảnh, với khuôn mặt mà bất cứ ai là người Việt Nam đều biết đến chính là Hồ Chí Minh.
Nhưng Hồ Chí Minh không phải được dựng lên để khách du lịch tôn vinh mà là để cho họ tỏ lòng khinh bỉ.
Hãy tưởng tượng xem, dù có chê ông Hồ tới đâu thì người Việt không thể nghĩ ra được cách chà đạp ông bằng người Trung Quốc. Họ tạc tượng ông như một gã ăn mày, tuy mặc áo đại cán nhưng lại ngồi kéo đờn nhị giữa công viên thì không phải là hình ảnh của một gã ăn mày thì là gì? Hay là họ ám chỉ Việt Nam đã từng ăn mày rất lâu đối với Trung Quốc để họ viện trợ trong công cuộc “chống Mỹ cứu nước” nên nảy sinh ý tưởng trừng phạt một cách hèn hạ như thế này?
Bá Dương tuy chưa nói đến văn hóa chà đạp kẻ thù của người Trung Quốc nhưng dù sao ông cũng kết luận một cách chính xác sự xấu xí của đồng bào ông bằng nhận xét: “Một đất nước rộng ngần đó, một dân tộc lớn ngần đó chiếm ¼ dân số toàn cầu lại là một vùng cát chảy của sự đói nghèo, ngu muội, đấu tố tắm máu mà không tự thoát được. Tôi nhìn cách cư xử giữa con người với nhau ở những nước khác mà lại càng thèm. Cái văn hóa truyền thống kiểu nào để sinh ra hiện tượng này? Nó đã khiến người Trung Quốc chúng ta mang sẵn trong mình nhiều đặc tính rất đáng sợ”.
Hễ cứ có dính đến lập trường chính trị hoặc tranh quyền đoạt lợi thì những lời nói độc địa sẽ tuôn ra vô hạn định, khiến cho ai nấy khi nghe thấy cũng phải tự hỏi “Tại sao người Trung Quốc lại độc ác và hạ lưu đến thế”?
Nếu còn sống chắc chắn Bá Dương sẽ thêm vào những câu chuyện mà ông chưa biết để thay tựa cuốn sách bằng “Người Trung Quốc hạ lưu” chăng?
Cánh Cò
Theo Blog RFA ngày 21/5/2019
Be the first to comment