Ảnh bìa sách: Simon & Schuster. (Đồ họa: Luật Khoa)
Bất ổn cho khu vực Trung Đông chính là bất ổn cho cả thế giới.
Ngày 7/10/2023, cuộc đột kích vào Israel của phiến quân Hamas gây bàng hoàng cho cả thế giới, dù cho xung đột ở khu vực này đã diễn ra suốt gần một thế kỷ mà vẫn chưa kết thúc. Đã có rất nhiều tác phẩm văn xuôi, hồi ký, lịch sử, v.v. nói về các cuộc xung đột ở đây và được dịch sang nhiều ngôn ngữ.
Nếu “I Saw Ramallah” (tạm dịch: Tôi thấy Ramallah, thành phố ở trung tâm Bờ Tây) của nhà văn, nhà thơ Mourid Barghouti người Palestine (nhận giải Naguib Mahfouz văn học Ả Rập năm 1997) là tiếng lòng nức nở của một người tha hương, thì “Palestine Peace Not Apartheid” (tạm dịch: Hòa bình Palestine bất phân chủng tộc) của cựu Tổng thống Jimmy Carter chính là nhật ký của một chính trị gia viết riêng cho nền hòa bình ở Trung Đông. Cuốn sách là một “Sấm Trạng Trình” về tương lai của Trung Đông và vai trò quan trọng bất di bất dịch của Hoa Kỳ.
Do đó, khi Hoa Kỳ bắt đầu viện trợ vũ khí, quân cụ, và tài chính cho Israel thì thế giới hoàn toàn có thể lo lắng cho một cuộc chiến kéo dài không biết khi nào chấm dứt. Trong đó, chắc chắn có cả ông Jimmy Carter. Bởi vì gần 300 trang sách là những bản ghi chép về các chuyến công du, công vụ, những nỗ lực, và cả trăn trở ông dành cho Trung Đông.
Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat (trái), Tổng thống Mỹ Jimmy Carter (giữa), và Thủ tướng Israel Menachem Begin nắm tay nhau trên bãi cỏ phía Bắc của Nhà Trắng sau khi ký Hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Israel, ngày 26 tháng 3 năm 1979. (Ảnh: Bob Daugherty/AP)
Trong cuốn sách, ông khẳng định rõ một trong những mục tiêu chính của cuộc đời mình khi còn là một chính trị gia và từ khi rời Tòa Bạch Ốc trước cuộc bầu cử năm 1980, là giúp bảo đảm hòa bình lâu dài cho người Israel và những nhóm người khác ở Trung Đông. Ông cần tất cả mọi người cùng xem xét điều gì đã đưa đến tình trạng hiện tại, những trở ngại trước mắt, và một số việc cần, phải làm để mang lại hoà bình, công lý cho khu vực này.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter viết cuốn “Palestine Peace Not Apartheid” để nói lên hai vấn đề mà vốn rất ít được đề cập ở Hoa Kỳ: tình trạng tuyệt vọng của người Palestine; và nhu cầu về một cuộc trao đổi bình đẳng về cách tìm kiếm hoà bình, tôn trọng lẫn nhau giữa Israel và các nước láng giềng.
Cuốn sách xuất bản năm 2006, khi nhiệm kỳ tổng thống của ông đã kết thúc. Khi ấy, ông cho rằng: “Chúng ta đang nhìn thấy vài tia hy vọng, ở cả Trung Đông và Washington.” Các quốc gia Ả Rập một lần nữa đưa ra đề nghị và được Tổng thống George W. Bush cùng các thành viên khác của Bộ tứ Quốc tế, thậm chí cả thủ tướng Israel Ehud Olmert hoan nghênh đề nghị của các quốc gia Ả Rập. Đề xuất này hứa hẹn hòa bình hoàn toàn cho Israel với tất cả các quốc gia Ả Rập nếu Israel rút lui về biên giới năm 1967 và tìm ra giải pháp công bằng cho người tị nạn Palestine. Ngoại trưởng Condoleezza Rice đã tuyên bố rằng: “Lời đề nghị này của Ả Rập là nền tảng cho nỗ lực hòa bình của bà.”
Trong cuốn sách, Jimmy Carter đã nhìn thấy Trung Đông là khu vực bất ổn nhất trên thế giới, nơi mà sự bất ổn chính là mối đe dọa dai dẳng đối với hòa bình toàn cầu. Nó cũng là nơi ươm mầm chủ nghĩa khủng bố vốn là mối lo ngại lớn đối với người Mỹ và công dân các quốc gia khác. Cho dù không khó để diễn đạt những điều đó bằng thuật ngữ đơn giản, nhưng bản chất vấn đề lại phức tạp và bắt nguồn từ cả chính trị lẫn lịch sử tôn giáo lâu đời.
Giữa lúc cuộc chiến Israel – Hamas đang diễn ra, thì những câu hỏi ông Jimmy Carter đặt ra trong “Palestine Peace Not Apartheid” chẳng khác nào “Sấm Trạng Trình.”
Jimmy Carter cầm cuốn sách của mình tại một buổi ký tặng ở Arizona vào năm 2007. (Ảnh: OC Register)
Chẳng hạn, ông đặt các câu hỏi: Điều kiện tiên quyết để có được hòa bình là gì? Tương lai như thế nào? Nền tảng chung nào hiện có để các bên tranh chấp có thể dùng để xây dựng một tương lai an toàn hơn? Liệu có những triển vọng nào tốt hơn từ nỗ lực ngoại giao lặng lẽ hay từ áp lực đàm phán táo bạo và công khai? Liệu có thể có một nền hòa bình ổn định để duy trì hoàn cảnh hiện tại không? Phải chăng tình hình ngày càng xấu đi cho đến khi một cuộc khủng hoảng khác khiến các bên liên quan phải hành động? Ngay cả với sự hậu thuẫn hoàn toàn của Mỹ, liệu sức mạnh quân sự khổng lồ của Israel có thể đánh bại các chiến binh Ả Rập không?
Và cũng chính ông Jimmy Carter đã khẳng định, từ thời điểm đó sự ủng hộ mạnh mẽ cho các cuộc đàm phán hòa bình phải đến từ Hoa Kỳ, và tốt nhất là có sự tham gia của đại diện Liên Hiệp Quốc, Liên minh châu Âu và Nga.
Ông nói trong cuốn sách của mình: “Để tiếp tục vai trò quan trọng này, Hoa Kỳ phải là một đối tác đáng tin cậy, công bằng, nhất quán, kiên định, và nhiệt tình – một đối tác của cả hai bên và không phải là thẩm phán của bên nào. Mặc dù đôi khi sẽ có sự nghiêng về hướng này hay hướng khác là điều không thể tránh khỏi, nhưng về lâu dài, vai trò trung gian, công chính một lần nữa phải do Washington đảm nhiệm.”
Giữa lúc chiến sự đang diễn ra, Ngoại trưởng Antony Blinken và đích thân Tổng thống Joe Biden đã công du đến Tel Aviv, điều này cho thấy quan điểm của cựu Tổng thống Jimmy Carter bày tỏ trong cuốn sách về ảnh hưởng tối đa một cách khách quan, không thiên vị của Hoa Kỳ để đạt được hòa bình ở Trung Đông.
Ở phần tiếp theo, ông Jimmy Carter đưa ra ba tiền đề cơ bản rất rõ ràng:
- Công nhận quyền của Israel trong các biên giới, người Palestine và tất cả các nước láng giềng khác phải chấp nhận quyền sống trong hòa bình của Israel;
- Không tha thứ việc giết hại những người không tham chiến ở Israel, Palestine, và Lebanon bằng bom, tấn công bằng hỏa tiễn, ám sát, hoặc các hành vi bạo lực khác;
- Người Palestine phải sống trong hòa bình và được nhìn nhận phẩm giá của họ trên mảnh đất của mình theo quy định của luật pháp quốc tế trừ khi được sửa đổi bởi các cuộc đàm phán thiện chí với Israel.
Khi còn là thống đốc trẻ tuổi của tiểu bang Georgia, ông đã cùng phu nhân đến Trung Đông để tìm hiểu thêm về Israel và các mối đe dọa từ láng giềng Ả Rập. Đến khi là một sĩ quan rồi trở thành tổng thống, Jimmy Carter đã theo dõi sát sao bốn cuộc chiến diễn ra ở Thánh Địa (Holy Land). Ông đã ba lần đến thăm Yad Vashem – Trung tâm tưởng niệm nạn diệt chủng thế giới ở Israel, và tự hỏi vì sao Mỹ không có lễ tưởng niệm như vậy.
Chuyến thăm Israel đầu tiên của vợ chồng ông Jimmy Carter diễn ra vào năm 1973, khi ông còn là thống đốc tiểu bang Georgia, theo lời mời của Tướng Yitzhak Rabin – một trong những người hùng Israel chống lại cuộc tấn công của quân đội Ả Rập năm 1967. Trong các nỗ lực tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ, đặc biệt là những chính khách, Tướng Yitzhak Rabin thăm Georgia, nhiệt tình trả lời tất cả những thắc mắc của Thống đốc Jimmy Carter về quân đội, quan hệ chính trị ở Trung Đông, và hơn thế, mời vợ chồng ông Jimmy Carter đến thăm Israel như một vị khách riêng của mình.
Chuyến du hành Israel là một bước chuẩn bị cho kế hoạch trở thành ứng viên tranh cử tổng thống. Ông nhận thức rất rõ, việc đến thăm vùng đất thánh này là một bài tập ông cần phải hoàn thành trong con đường chính trị lâu dài.
Chuyến thăm Israel năm 1973 đã thật sự vừa là một chuyến du lịch cá nhân, vừa trở thành tiền đề cho các quyết định chính trị của ông Jimmy Carter sau này trong cương vị tổng thống (nhiệm kỳ 1977–1981) về vấn đề liên quan đến Trung Đông.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter trong chuyến thăm đến Jerusalem vào năm 2010. (Nguồn ảnh: Getty Images)
Cựu Tổng thống Jimmy Carter cũng đề cập khá súc tích trong “Palestine Peace Not Apartheid” về tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ lên chiến sự Trung Đông qua các đời tổng thống kế nhiệm ông. Tổng thống Ronald Reagan (nhiệm kỳ 1981–1989) hiểu rằng Trung Đông chỉ có thể ổn định nếu Israel có nền hoà bình lâu dài với các quốc gia láng giềng, song điều này sẽ là không thể nếu các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng trở thành thuộc địa.
Sau khi ông Carter rời nhiệm sở, ông trở lại Jerusalem vào mùa xuân năm 1983 như một công dân Hoa Kỳ bình thường. Lần này, ông cảm nhận được mối quan hệ giữa người Israel và người Palestine không còn như xưa, tính từ chuyến thăm đầu tiên của ông vào năm 1973.
Tháp tùng ông trong chuyến đi đến Jerusalem là một nhân viên mật vụ Mỹ và hai binh sĩ trẻ người Israel dẫn đường. “Chúng tôi đi từ khách sạn đến Jaffa Gate, sau đó rẽ về phía Bắc vòng ra bên ngoài bức tường cổ. Khi chúng tôi đang chạy về phía Đông dọc theo con đường Jericho, tôi thấy một nhóm đàn ông Ả Rập lớn tuổi đang ngồi đọc báo bên lề đường. Vỉa hè vắng, đủ rộng để chúng tôi đi qua dễ dàng. Nhưng một trong hai binh sĩ rẽ sang bên phải, hất tung các tờ báo vào mặt những người đang ngồi đọc. Một tờ báo rơi xuống đất. Tôi dừng lại xin lỗi các cụ nhưng họ không hiểu tôi nói gì. Sau đó tôi bảo hai binh sĩ hãy để tôi đi một mình hoặc đừng đối xử hung hãn với ai nữa. Họ miễn cưỡng đồng ý, nhấn mạnh rằng người ta không bao giờ có thể biết được điều gì đang ẩn giấu sau những tờ báo. Đây là một minh chứng rõ ràng về quan điểm khác nhau của chúng tôi.”
Trong thời gian Bill Clinton làm tổng thống, ông Carter gọi đó là giai đoạn của những nỗ lực hàn gắn hòa bình. Người mời vợ chồng ông Jimmy Carter đến thăm Israel năm đó là Thủ tướng Yitzhak Rabin, nay đóng một vai trò then chốt trong Hiệp định Oslo nhằm giải quyết những hiềm khích lịch sử giữa Israel và Palestine. Cái bắt tay ký kết Hiệp định Oslo trên bãi cỏ trước Tòa Bạch Ốc giữa Rabin và Yasser Arafat – Tổng thống Nhà nước Palestine, với sự ủng hộ của Tổng thống Bill Clinton, đã đi vào lịch sử chính trường thế giới, trở thành biểu tượng của đàm phán và hòa giải, ngay cả cho những cuộc xung đột khó giải quyết nhất.
Năm 1994, Thủ tướng Yitzhak Rabin và Ngoại trưởng Shimon Peres của Israel cùng Tổng thống Yasser Arafat của Nhà nước Palestine đã cùng được trao Giải Nobel Hòa bình vì những nỗ lực của họ nhằm tạo dựng hòa bình ở Trung Đông thông qua Hiệp định Oslo.
Ngay sau khi Hiệp định Oslo được ký kết, phe cánh hữu của Israel mà đặc biệt là những người định cư ở Bờ Tây và Dải Gaza, đã tố cáo thỏa thuận này là sự phản bội. Xung đột càng gia tăng khi phiến quân Hamas và lực lượng Thánh chiến Hồi giáo của Palestine phản đối Hiệp định Oslo bằng cách cho nổ bom tự sát ở Israel, sự việc khiến nhiều người bị thiệt mạng. Thủ tướng Yitzhak Rabin bị ám sát vào đêm 4/11/1995. Từ đây, triển vọng về một nền hòa bình lâu dài giữa Palestine và Israel tan thành mây khói.
Trở lại với chính quyền Bill Clinton, trong cuốn “Palestine Peace Not Apartheid”, Jimmy Carter kể rằng khi Tổng thống Clinton nỗ lực thúc đẩy hòa bình, số người định cư ở các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng đã tăng đến 90%, lớn nhất dưới thời chính quyền Thủ tướng Ehud Barak. Đến cuối năm 2000, số người định cư Israel ở Bờ Tây và Dải Gaza đã lên tới 225.000 người. Lời đề nghị tốt nhất dành cho người Palestine – bởi Clinton, chứ không phải Barak – là rút 20% số người định cư, để lại hơn 180.000 người ở 209 khu định cư, chiếm khoảng 10% diện tích đất bị chiếm đóng, bao gồm cả đất được “cho thuê” và một phần đất đai thung lũng sông Jordan và Đông Jerusalem.
Đến khi George W. Bush trở thành tổng thống, các cuộc đàm phán mới diễn ra ở Taba vào tháng 1/2001 giữa Tổng thống Palestine và thủ tướng của Israel. Thời gian này diễn ra một cuộc nổi dậy mới của người Palestine, gọi là cuộc chiến Intifada thứ hai.
Tháng 6/2002, Tổng thống George W. Bush công bố giải pháp cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nói rằng chính phủ Palestine tương lai có thể có chủ quyền. Ông Bush không cho bất kỳ sự tham gia nào khác sâu hơn vào quá trình này của nhà lãnh đạo dân cử duy nhất người Palestine. Đồng thời, ông Bush tuyên bố: “Hòa bình đòi hỏi một ban lãnh đạo Palestine mới và khác biệt, để một nhà nước Palestine có thể ra đời.”
Trách nhiệm về việc thiếu tiến bộ hướng tới hòa bình được đặt lên vai người Palestine, bất kỳ hành động bạo lực nào lên phía họ sẽ tương đương với cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố.
“Palestine Peace Not Apartheid” dẫn chứng nhiều sự kiện lịch sự cụ thể để cho thấy kể từ khi hiệp ước hoà bình Israel – Ai Cập ký kết vào năm 1979, nhiều nỗ lực cho một nền hòa bình giữa Israel và các nước láng giềng đã thất bại. Từ Hiệp định Oslo năm 1993, hiệp ước giữa Israel và Jordan năm 1994, đề xuất hòa bình Ả Rập năm 2002, Sáng kiến Geneva năm 2003, và Bản đồ của Bộ tứ Quốc tế đều không thành công.
Cựu Tổng thống Jimmy Carter trong một cuộc biểu tình ở Jerusalem vào năm 2010. (Ảnh: Bernat Armangue/AP)
Hai tảng băng lớn chắn ngang tiến trình hòa bình đó là: Một số người Israel tin rằng họ có quyền thôn tính và thuộc địa hóa đất đai Ả Rập. Họ cố gắng biện minh cho cuộc đàn áp kéo dài, ngày càng nghiêm trọng đối với người Palestine. Một số người Palestine phản ứng bằng cách tôn vinh những kẻ đánh bom tự sát là những người tử vì đạo để được cứu rỗi lên thiên đàng, vì đối với họ giết hại người Israel là kết quả của chiến thắng.
Israel đáp trả bằng sự trừng phạt và áp bức. Các chiến binh Palestine từ chối công nhận thể chế hợp pháp của Israel và thề hủy diệt quốc gia này. Lực lượng vũ trang Hamas ra đời chính vì như thế.
“Sẽ là một thảm kịch cho người Israel, người Palestine, và thế giới – nếu hoà bình bị từ chối. Đổi vào đó, hệ thống áp bức, phân biệt chủng tộc và bạo lực lại được duy trì ở thế thượng phong.” Cựu Tổng thống Jimmy Carter đã kết thúc cuốn sách bằng một lời “sấm” như thế.
Lịch sử đang chứng minh điều đó. Cuối tháng 11 vừa qua, người dân ở Dải Gaza có vỏn vẹn bảy ngày hòa bình ngắn ngủi và quý giá. Sau bảy ngày tạm ngưng giao tranh giữa Israel và Hamas, ngay vào buổi sáng đầu tiên của tháng 12, các cuộc không kích lại diễn ra, quy mô lớn hơn và toàn lực hơn.
Trương Quỳnh Như
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 5/12/2023
Be the first to comment