Người Hồi Giáo, Dân Do Thái, Và Cuộc Xung Đột Thế Kỷ Israel-Palestine

(Đồ họa: Shiv/ Luật Khoa)

Hành động khủng bố của một số nhóm Hồi giáo cực đoan như Al-Qaeda, Nhà nước Hồi giáo (IS), Boko Haram, và gần đây là Hamas đã gây ra sự kỳ thị đạo Hồi và người theo đạo Hồi (Islamophobia) ở nhiều khu vực trên thế giới.

Những người kỳ thị đạo Hồi thường đánh đồng người Hồi giáo nói chung với hành động khủng bố và bạo lực của một số nhóm Hồi giáo cực đoan.

Trong các tương tác xã hội, Islamophobia có thể dẫn đến việc người theo đạo Hồi bị kỳ thị và đối xử bất công khi tìm việc, thuê nhà, hoặc thậm chí trong các mối quan hệ tình cảm. Ngoài ra, sau sự kiện khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ, người theo đạo Hồi có thể bị kỳ thị trong quá trình kiểm tra an ninh tại sân bay dựa trên ngoại hình hoặc tên gọi của họ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là Kinh Quran, sách thánh của Hồi giáo, có những tín điều gì? Liệu đây có phải là đạo của chiến tranh và khủng bố không?

Đạo Hồi và thế giới Hồi giáo

Trong tổng số khoảng 1,8 tỷ người theo đạo Hồi trên khắp thế giới, khoảng 85% là người Hồi giáo Sunni và 15% là người Shia. Sự chia rẽ giữa hai nhóm này bắt nguồn từ cuộc tranh chấp người kế vị sau khi nhà tiên tri Muhammad, người sáng lập Hồi giáo, qua đời vào năm 632.
Người Sunni cho rằng người kế vị phải là một người có đủ phẩm chất và tài năng. Họ ủng hộ Abu Bakr, người bạn đồng hành của nhà tiên tri Muhammad, trở thành người kế thừa và lãnh đạo tối cao của Hồi giáo.
Trong khi đó, người Shia tin rằng chỉ những người có liên quan huyết thống với nhà tiên tri Muhammad mới đủ tư cách kế vị. Họ ủng hộ Ali ibn Abi Talib, người em họ và cũng là con rể của Muhammad lên nắm quyền lãnh đạo. [1]

Sự chia rẽ giữa Sunni và Shia kéo dài hàng thế kỷ dẫn đến sự khác biệt trong cách hiểu và thực hành đạo Hồi, từ đó tạo ra lịch sử và văn hóa riêng cho mỗi nhánh. Ngày nay, người Shia chiếm đa số ở Iran, Iraq, Azerbaijan, và Bahrain. Trong khi đó, người Sunni chiếm đa số ở hơn 40 quốc gia, bao gồm Ai Cập, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Afghanistan, Morocco, và Tunisia.

Hình: Các nhánh khác nhau của Hồi giáo. Diện tích của hình tròn phản ánh số lượng tín đồ của mỗi nhóm. (Nguồn: CFR)

Hồi giáo là một tôn giáo lớn và đa dạng, với nhiều trường phái và phe phái khác nhau. Cộng đồng Hồi giáo không phải là một khối thống nhất, bản thân các tín đồ cũng diễn giải Kinh Quran và lựa chọn thực hành những tín điều của đạo Hồi theo nhiều cách khác nhau.

Đạo Hồi ở khu vực Trung Đông và Bắc Phi, người lớn tuổi sùng đạo hơn so với thế hệ trẻ.

Chủ nghĩa Hồi giáo và cuộc tranh luận về jihad

Khi thảo luận về Hồi giáo cực đoan, chúng ta cần đề cập đến Chủ nghĩa Hồi giáo (Islamism) hay còn được biết đến là phong trào Hồi giáo hóa chính trị (Political Islamism). Những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cho rằng xã hội Hồi giáo bị suy đồi do ảnh hưởng bởi sự tôn sùng giá trị vật chất, chủ nghĩa cá nhân cũng như tính vô đạo đức của xã hội phương Tây. Do đó, họ thúc đẩy việc quay lại với các giá trị nguyên thủy của Hồi giáo và vận động việc xây dựng các thiết chế chính trị – xã hội dựa trên những tín điều cơ bản của đạo Hồi.

Điều này bao gồm xây dựng hệ thống pháp lý theo sharia (luật Hồi giáo), hạn chế tương tác giữa nam và nữ, áp đặt các quy tắc trang phục nghiêm ngặt cho phụ nữ, cấm cho vay tiền lấy lãi, yêu cầu đóng góp một phần thu nhập để giúp đỡ người nghèo, cấm đồng tính, và cấm báng bổ nhà tiên tri Muhammad. [2]

Theo học giả Andrew Heywood, chủ nghĩa Hồi giáo trở thành một lực lượng chính trị nổi bật kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, đặc biệt là từ thập niên 1980. Sự kết thúc của chủ nghĩa thực dân hậu Chiến tranh thế giới thứ hai không mang lại nhiều lợi ích cho thế giới Ả Rập. Một phần lý do đến từ thực tế là chính thể ở các quốc gia Trung Đông thường có đặc điểm độc tài, tham nhũng, và kém hiệu quả. Thêm nữa, sự can thiệp của Hoa Kỳ vào khu vực Trung Đông được xem là một biểu hiện của chủ nghĩa đế quốc mới, gây ra nhiều tác động tiêu cực đến nội bộ chính trị – xã hội ở nhiều nước Trung Đông. [3]

Ngoài ra, xung đột giữa các nước Ả Rập và Israel, đặc biệt là cuộc Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967 giữa Israel và liên minh các nước Ả Rập với phần thắng thuộc về Israel, đã dẫn đến việc Israel chiếm giữ Dải Gaza, bán đảo Sinai, Bờ Tây sông Jordan (bao gồm Bờ Đông Jerusalem) và cao nguyên Golan. Thất bại quân sự của liên minh các nước Ả Rập trước nhà nước Do Thái thù địch, kết hợp với việc gia tăng số người tị nạn Palestine không chỉ là mảnh đất màu mỡ nuôi dưỡng chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism) trong lòng các nước Ả Rập, mà còn là căn nguyên của nhiều phong trào Hồi giáo cực đoan. [4]

Điều quan trọng cần nhấn mạnh là chủ nghĩa Hồi giáo không đồng nghĩa với đạo Hồi (Islam). Hầu hết người theo đạo Hồi trên thế giới, kể cả những người sùng đạo nhất, không phải là những người theo chủ thuyết này. [5]

Hàng triệu tín đồ Hồi giáo tại nhiều quốc gia như Tunisia, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Indonesia, hay Malaysia ủng hộ nhà nước thế tục và luật thế tục (secular law) – một hệ thống pháp luật không chịu ảnh hưởng của các yếu tố tôn giáo và đối xử với công dân của mọi tín ngưỡng một cách bình đẳng. [6]

Đa số người Hồi giáo lên án bạo lực và khủng bố. Nhiều tín đồ Hồi giáo ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo – ví dụ như Tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập, chế độ thần quyền ở Iran, hay quân chủ chuyên chế Ả Rập Xê Út – cũng phản đối việc diễn giải các tín điều kinh điển theo hướng bạo lực. [7]

Bên trong chủ nghĩa Hồi giáo vẫn tồn tại một số nhóm Hồi giáo cực đoan, hoạt động mạnh ở một số khu vực như Afghanistan, Iraq, Iran, Nigeria, và Somalia. Họ nhân danh tôn giáo thực hiện các hoạt động khủng bố, điển hình là các vụ tấn công vào ngày 11 tháng 9 năm 2001. Khi nói đến các nhóm Hồi giáo cực đoan, người Việt thường liên tưởng đến jihad và nghĩa đơn nhất của nó là thánh chiến (holy war). Điều này có chính xác không?

Theo Kinh Quran, jihad là một nghĩa vụ tôn giáo quan trọng của người Hồi. Nghĩa gốc của jihad là sự đấu tranh, và cuộc đấu tranh này có thể được hiểu theo nhiều tầng nghĩa khác nhau. Nghĩa thứ nhất là cuộc đấu tranh nội tâm để vượt qua bản chất tội lỗi để sống đúng với đức tin. Nghĩa thứ hai là một cuộc đấu tranh chống lại những kẻ thù của Hồi giáo để bảo vệ cộng đồng.

Kinh sách kinh điển của Hồi giáo khuyến khích tín đồ hành thiện bố thí, nghiêm cấm giết phụ nữ và trẻ em, cấm tự sát và tấn công bạo lực vô cớ. Do đó, nhiều người theo chủ nghĩa Hồi giáo khẳng định rằng hành động khủng bố không có chỗ trong đức tin của họ. Tuy nhiên, hành động tử vì đạo (martyrdom) được ca ngợi trong Kinh Quran, và các thành phần Hồi giáo cực đoan thường viện dẫn những đoạn kinh này để biện minh cho hành động khủng bố của họ.

Mujahideen – các nhóm chiến binh Hồi giáo du kích chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô ở Afghanistan trong thập niên 1980 cho rằng họ đang thực hành jihad do họ diễn giải thuật ngữ này theo hướng chiến tranh bạo lực (military jihad). [8] Trong khi học giả Bernard Lewis cho rằng jihad mang nghĩa bạo lực trong phần lớn các trường hợp, [9] nhiều học giả Hồi giáo có uy tín khác nhấn mạnh ý nghĩa phi bạo lực của jihad và lên án những kẻ như Osama bin Laden vì các tư tưởng tôn giáo hung hăng và lệch lạc. [10]

Mặc dù tinh thần chung của Kinh Quran đề cao lòng nhân ái, nhân quả, tôn trọng, và hành thiện; vẫn có một số đoạn kinh lên án và kêu gọi trừng phạt những người ngoại đạo (disbeliever) và những người thờ đa thần (polytheist). Điều quan trọng cần lưu ý là Kinh Quran được mặc khải cho nhà tiên tri Muhammad trong khoảng thời gian 23 năm, từ khi Muhammad 40 tuổi cho đến khi ông qua đời vào năm 632. Đây là giai đoạn cộng đồng Hồi giáo đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm chiến tranh, áp bức, cô lập, và sự truy đuổi từ các nhóm khác nhau, đặc biệt là từ các thủ lĩnh Mecca không theo đạo Hồi. Do đó, những đoạn Kinh Quran thiếu khoan dung với những người không tin vào Allah cần được hiểu trong bối cảnh lịch sử và cuộc đấu tranh của thời đại đó.

Theo dòng chảy của lịch sử, thế giới Hồi giáo đã xuất hiện những chủ thuyết cấp tiến hơn chủ nghĩa Hồi giáo, tiêu biểu là chủ nghĩa Hồi giáo tự do (Islamic liberalism). Những người ủng hộ chủ nghĩa Hồi giáo tự do thường nhấn mạnh việc hiểu và diễn giải các nguyên lý Hồi giáo theo hướng cởi mở, tương thích với các nguyên tắc nhân quyền, dân chủ, quyền tự do cá nhân, và sự đa dạng xã hội. Phong trào đã có những bước phát triển đáng khích lệ ở một số nước như Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Tunisia, và Morocco.

* * *

Ở Việt Nam hiện nay, các diễn ngôn về người Do Thái hầu hết đều tích cực. Họ thường được đánh giá là thông minh, tháo vát, có khả năng kinh doanh xuất sắc và có nhiều đóng góp cho nhân loại. Việc sáu triệu người Do Thái bị diệt chủng trong Thế chiến thứ hai cũng tạo ra mối đồng cảm sâu sắc trong nhiều người Việt, cho rằng họ xứng đáng có một quốc gia riêng. Tuy nhiên, trái với tình hình ở Việt Nam, diễn ngôn về người Do Thái trong suốt chiều dài lịch sử thường mang nhiều ý nghĩa tiêu cực.

Trên phương diện tôn giáo và lịch sử, chủ nghĩa bài Do Thái (anti-Semitism) đã xuất hiện từ buổi bình minh của Cơ Đốc giáo. Người Do Thái bị xem là những kẻ phản Chúa và phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Chúa Jesus. Người Do Thái cũng bị người Cơ Đốc giáo lên án vì không công nhận Jesus là con của Thiên Chúa. Vào thời Trung cổ ở châu Âu, trong khi Cơ Đốc giáo cấm việc tính lãi trên các khoản vay, người Do Thái không bị ràng buộc bởi các quy định này. Nhiều người Do Thái làm nghề cho vay lãi hoặc buôn bán, tạo ra sự cạnh tranh kinh tế và ghen tị từ cộng đồng Cơ Đốc giáo. [11]

Joseph-Arthur Gobineau (1816-1882), nhà nghiên cứu và nhà ngoại giao người Pháp, được xem là cha đẻ của thuyết phân biệt chủng tộc hiện đại. Công trình tai tiếng nhất của ông, “Bài luận về sự bất bình đẳng của các chủng tộc loài người”, xuất bản lần đầu năm 1853, lập luận rằng thành phần chủng tộc là nguyên nhân chính ảnh hưởng đến sự thịnh suy của một nền văn minh. Gobineau cho rằng người da trắng, đặc biệt là chủng tộc Aryan (chủ yếu bao gồm người Đức và những người có nguồn gốc Bắc Âu) là cao quý và vượt trội hơn so với các chủng tộc khác. Trong khi đó, người Do Thái bị xem là kém sáng tạo. Ông lập luận sự pha trộn chủng tộc khiến cho sự “thuần khiết” của chủng tộc thượng đẳng mất đi, đây được xem là nguồn gốc của sự suy đồi và sụp đổ các nền văn minh. [12]

Sau này, các tác phẩm của Richard Wagner và Houston Stewart Chamberlain tiếp tục mô tả người Do Thái là xấu xa, gây hại và tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đối với văn minh phương Tây. Các tác phẩm này cung cấp cơ sở lý luận cho Đức Quốc xã thực hiện diệt chủng người Do Thái trong Thế chiến thứ hai.

Đứng trước sự hoành hành của chủ nghĩa bài Do Thái tại châu Âu, chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) xuất hiện vào cuối thế kỷ 19 với mục tiêu là tạo ra quê hương cho người Do Thái. Thuật ngữ Zionism xuất phát từ “Zion”, tên một ngọn đồi ở Jerusalem, biểu tượng quê hương lịch sử của người Do Thái. Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái tin rằng cần thành lập một quốc gia Do Thái để bảo đảm an toàn và quyền tự quyết cho người Do Thái, tránh xa khỏi sự phân biệt chủng tộc và bạo lực mà họ phải đối mặt ở châu Âu. Phong trào Zionism dẫn đến việc thành lập quốc gia Israel tại Trung Đông vào năm 1948.

Chủ nghĩa phục quốc Do Thái mang ý nghĩa rất tiêu cực trong thế giới Ả Rập vì nó gắn liền với việc thành lập nhà nước Israel vào năm 1948 và sự di tản của hàng trăm nghìn người Palestine khỏi làng mạc và nhà cửa của mình. Sự kiện này còn được gọi là Nakba, có nghĩa là thảm họa trong tiếng Ả Rập. Việc Israel tiếp tục chiếm đóng các khu vực ở Bờ Tây và Đông Jerusalem, cũng như việc mở rộng các khu định cư Do Thái trong những vùng này bị nhiều người Ả Rập xem là hệ quả trực tiếp của chủ nghĩa phục quốc Do Thái, với mục đích xây dựng một đất nước Israel rộng lớn hơn trước sự trả giá nặng nề của người Palestine.

Căng thẳng kéo dài liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine khiến chủ nghĩa bài Do Thái dâng cao trong thế giới Ả Rập. Hàng trăm ngàn người Do Thái sinh sống tại các quốc gia Ả Rập đã bị trục xuất hoặc phải di cư khỏi các nước này.

Cuộc xung đột Israel – Palestine

Cuộc xung đột Israel – Palestine hoặc rộng hơn là cuộc xung đột giữa khối Ả Rập và Israel bắt nguồn từ cuộc tranh chấp một dải đất ở Trung Đông, nằm giữa biển Địa Trung Hải và sông Jordan. Jerusalem đóng vai trò quan trọng trong cuộc xung đột này vì đây là được xem là “đất Thánh”, địa điểm linh thiêng với ba tôn giáo lớn trên thế giới là Hồi giáo, Cơ Đốc giáo, và Do Thái giáo.

Người Do Thái tuyên bố chủ quyền với dải đất này dựa vào các lời hứa trong Kinh Thánh Hebrew với Abraham và con cháu của ông. Họ xem đây là dải đất lịch sử của các vương quốc Do Thái cổ đại Israel và Judea. Họ cũng cần một nơi trú ẩn an toàn trước sự truy bức của chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu.

Trong khi đó, người Ả Rập Palestine khẳng định chủ quyền với dải đất dựa vào thực tế là họ đã sinh sống liên tục tại đây hàng trăm năm và chiếm đa số trong cơ cấu dân cư cho đến năm 1948. Họ không chấp nhận việc phải từ bỏ đất đai để bồi thường cho những tội ác mà người châu Âu đã gây ra cho người Do Thái. Họ cho rằng sự tồn tại một vương quốc trong Kinh Thánh không thể trở thành cơ sở pháp lý cho một tuyên bố chủ quyền thời hiện đại. [13]

Về cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay, hành động tàn sát dân thường Israel do Hamas thực hiện vào ngày 7/10/2023 là vô cùng tàn bạo, đã gây ra sự phẫn nộ sâu sắc. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh là hành động khủng bố của Hamas không đại diện cho toàn bộ 2,2 triệu người dân Palestine ở dải Gaza, trong đó có một nửa là trẻ em. [14]

Một cuộc khảo sát của Arab Barometer ngay trước thềm cuộc chiến cho thấy trong khi mục đích của Hamas là tiêu diệt nhà nước Israel, hầu hết người dân Gaza ủng hộ giải pháp hai nhà nước, nhằm hướng tới việc cùng tồn tại trong hòa bình và chấm dứt xung đột giữa các phe phái. [15]

Ngoài ra, khi được hỏi về mức độ tin tưởng mà người dân Gaza dành cho chính quyền do Hamas lãnh đạo, 44% số người tham gia khảo sát cho biết họ không có chút tin tưởng nào, trong khi 23% cho biết họ có ít lòng tin vào chính quyền.

Hầu hết người dân Gaza không có lòng tin vào chính quyền do Hamas lãnh đạo. Nguồn: Arab Barometer Wave VIII, Gaza (2023)

Nghiên cứu của Arab Barometer cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ của người dân Palestine đối với Hamas có xu hướng tăng trong những giai đoạn Israel gia tăng trừng phạt và phong tỏa biên giới với Gaza. Từ khi giao tranh nổ ra cho đến ngày 20/11/2023, có ít nhất 13.000 người Palestine đã thiệt mạng, trong đó có 5.500 trẻ em, biến Gaza trở thành “mồ chôn trẻ em”. [16]

Do đó, chiến dịch quân sự hiện nay của Israel nhằm loại bỏ Hamas có thể gây tác dụng ngược. Số lượng thương vong ngày càng tăng, oán thù ngày càng chồng chất có thể khiến sự ủng hộ của người Palestine đối với các nhóm Hồi giáo cực đoan như Hamas tăng lên, góp phần vào việc leo thang của vòng xoáy bạo lực.

Đáp trả bằng bạo lực chưa bao giờ là câu trả lời hoàn hảo để chống lại chủ nghĩa khủng bố. Sau các cuộc tấn công khủng bố vào ngày 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, tiến hành đem quân vào Iraq cùng Afghanistan và bị sa lầy ở cả hai chiến trường này. Tình hình chính trị bất ổn ở Iraq sau khi chế độ Saddam Hussein bị lật đổ tạo môi trường thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của Nhà nước Hồi giáo (IS). Sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Kabul do phương Tây hậu thuẫn và quá trình rút quân thảm hại khỏi Afghanistan sau 20 năm đưa quân sang tham chiến khiến Hoa Kỳ tổn hại cả về uy tín quân sự lẫn ngoại giao. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy hầu hết những chiến dịch quân sự đáp trả lại các cuộc tấn công khủng bố thường gây ra những cuộc chiến kéo dài, thương vong cao, và lại càng làm gia tăng nguy cơ khủng bố. [17]

Do đó, đối với cuộc xung đột Israel – Hamas hiện nay, về lâu dài cần có các giải pháp về chính trị và ngoại giao để xuống thang xung đột, tiến tới thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi con tin. Trong giai đoạn hậu xung đột, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) và Chính quyền Palestine (PA) cần có các cải tổ mạnh mẽ để đoàn kết các lực lượng, tạo ra sức mạnh đấu tranh cho người Palestine theo con đường đàm phán hòa bình. Israel cũng cần phải chính thức công nhận quyền của người Palestine đối với một quốc gia độc lập trên lãnh thổ mà Israel đã chiếm đóng từ năm 1967.

Vài suy ngẫm về cuộc tranh luận Israel – Palestine tại Việt Nam

Người viết đã trải qua khoảng thời gian dài học tập và làm việc ở một số quốc gia trên thế giới. Trong hành trình đó, tôi may mắn gặp được những người bạn Hồi giáo thân thiện, tốt bụng, và sống có lý tưởng.

Đó là một anh bạn người Palestine với nụ cười tỏa nắng, muốn dành cả cuộc đời để nghiên cứu tìm ra con đường giải quyết cuộc xung đột Israel – Palestine.

Đó là một cô gái người Tunisia năng động, xinh đẹp, nói tiếng Anh chuẩn giọng Mỹ. Cô dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, và tiếng Ả Rập ở nhiều quốc gia trên thế giới, thành lập một tổ chức phi chính phủ, đồng thời tham gia xây dựng các khóa học về gìn giữ hòa bình và chuyển hóa xung đột.

Và còn một chị bạn người Bangladesh, đầu tắt mặt tối với việc học tiến sĩ, nhưng chỉ cần có chút thời gian rảnh thì sẽ cùng con gái học đàn, đọc sách, dẫn con đi thăm thú các di tích lịch sử văn hóa, truyền cảm hứng để con trở thành một cô gái độc lập và sống có đam mê.

Tôi hiểu rằng những người bạn Hồi giáo mà tôi gặp không thể đại diện cho tất cả mọi tín đồ; tuy nhiên, họ giúp tôi nhận thức sâu sắc rằng thế giới Hồi giáo không chỉ có những tay súng cực đoan và những kẻ đánh bom liều chết. Đó là một thế giới đa dạng, nhiều màu sắc, với những con người giống tôi và giống bạn, những người đang đọc những dòng chữ này.

Đáng tiếc là hiện tượng phân biệt chủng tộc và tôn giáo đã xuất hiện trong các cuộc tranh luận về cuộc xung đột Israel – Palestine tại Việt Nam. Đã có những câu bình luận, bài đăng miệt thị Hồi giáo, thánh Allah, và người theo đạo Hồi trong một bộ phận người Việt. Việc dùng hành động cực đoan của phong trào Hồi giáo Hamas để lên án đạo Hồi và toàn bộ 1,8 tỷ tín đồ có thể xem là một sự khái quát hóa quá mức (over-generalization), thiếu cân nhắc đến sự đa dạng và tính phức tạp của tình huống hay nhóm người, dẫn đến định kiến, đánh đồng và kết luận sai lầm.

Về bản chất, những quan điểm bài Hồi giáo này không khác tuyên truyền của Đức Quốc xã về sự hạ đẳng và bản chất xấu xa của người Do Thái. Đây là cơ sở lập luận để Đức Quốc xã tiến hành diệt chủng sáu triệu người Do Thái trong Thế chiến thứ hai, một tội ác mà toàn nhân loại đã đồng lòng lên án. Mặt khác, một số bình luận về sự thông minh vượt trội của người Do Thái, cho rằng cần ủng hộ Israel để họ tiếp tục đóng góp cho nhân loại, kỳ lạ thay, lại mang âm hưởng của chủ thuyết da trắng thượng đẳng về một chủng tộc Aryan thần thánh, những người được coi là khai sáng văn minh và xứng đáng có không gian sinh tồn rộng lớn.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta cần tự đánh giá và thách thức các định kiến của mình về chủng tộc và tôn giáo, đặc biệt là khi tham gia vào các cuộc tranh luận về xung đột Israel – Palestine. Chúng ta cần tránh rơi vào cái bẫy của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và kỳ thị tôn giáo, tô hồng phía mình ủng hộ và bôi đen phía bên kia của cuộc chiến. Đây là nền tảng cơ bản để xây dựng một xã hội văn minh, đa dạng, khoan dung và tôn trọng sự khác biệt.

Hoàng Dạ Lan
Theo Luật Khoa tạp chí ngày 21 & 22/11/2023

Chú thích:

[1] Sergie, M. A. (2023, April 27) The Sunni-Shia divide. Council on Foreign Relations.
https://www.cfr.org/article/sunni-shia-divide

[2] Parsons, C. (2017) Introduction to Political Science: How to think for yourself about politics. Pearson.

[3] Heywood, A. (2017) Political Ideologies: An Introduction (6th edition). Red Globe Press.

[4] Xem Heywood (2017).

[5] Khi tham khảo các tài liệu tiếng Anh về đạo Hồi và Trung Đông, người đọc nên lưu ý phân biệt giữa các từ “Islamist” (người theo chủ nghĩa Hồi giáo), “Islamic” (thuộc Hồi giáo) và “Muslim” (tín đồ Hồi giáo hoặc người theo đạo Hồi).

[6] Xem Parsons (2017).

[7] Xem Parsons (2017).

[8] Xem Heywood (2017).

[9] Lewis, B. (2004) The Crisis of Islam: Holy War and Unholy Terror. London and New York: Random House.

[10] Xem Parsons (2017).

[11] Heywood, A. (2017) Political Ideologies: An Introduction (6th edition). Red Globe Press.

[12] Xem Heywood (2017).

[13] Beinin, J. & Hajjar, L. (2014) Palestine, Israel and the Arab-Israel Conflict: A Primer. The Middle East Research & Information Project. Available at:
https://merip.org/wp-content/uploads/2017/02/Primer_on_Palestine-IsraelMERIP_February2014final.pdf

[14] Mohammad, L., Ermyas, T., Chang, A. (2023, October 18) Half of Gaza’s population in under 18. Here’s what that means for the conflict. NPR. Available at:
https://www.npr.org/2023/10/18/1206897328/half-of-gazas-population-is-under-18-heres-what-that-means-for-the-conflict#

[15] Jamal, A. A., & Robbins, M. (2023, October 25) What Palestinians really think of Hamas. Before the war, Gaza’s leaders were deeply unpopular – but an Israel crackdown could change that. Foreign Affairs. Available at:
https://www.foreignaffairs.com/israel/what-palestinians-really-think-hamas#

[16] Al-Mughrabi, N. & Mackenzie, J. (2023, November 20) Israel-Hamas hostage deal edges closer despite fierce fighting in Gaza. Reuters. Available at:
https://www.reuters.com/world/middle-east/israel-renews-call-gazans-flee-key-southern-city-2023-11-17/

[17] Menon, S. (2023, November 16) The virtues of restraint: Why the use of force is rarely a sufficient response to terrorism. Foreign Affairs.
https://www.foreignaffairs.com/israel/virtues-restraint-terrorism

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*