Thư số 145a gởi Người Lính Quân Dội Nhân Dân Việt Nam
Tôi là người Việt Nam. Chào đời năm 1930 tại Đại Ngãi, quận Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Phục vụ quân lực Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 12/5/1954 đến Giờ Thứ 25 ngày 30/4/1975. Sau ngày tang thương này, lãnh đạo Việt Cộng đẩy tôi vào trại tập trung trên đất Nam ngày 14/6/1975, chuyển đến trại tập trung trên đất Bắc ngày 16/6/1976, ra khỏi trại tập trung ngày 9/9/1987 về đến nhà ở Sài Gòn chiều ngày 12/9/1987. Rời khỏi Việt Nam đầu tháng 4/1991 đi tị nạn Việt Cộng trong đợt H05, và đang sống tại Hoa Kỳ. Tôi chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ về Việt Nam khi Việt Cộng độc tài còn cai trị quê hương tôi.
Ước mơ của tôi là được trở về Việt Nam sống trên quê hương cội nguồn của mình dưới chế độ dân chủ tự do. Vì vậy mà ước mơ đó luôn thúc đẩy tôi tổng hợp các tin tức và chọn lọc vào nội dung, giúp Các Anh và những thành phần yêu chuộng dân chủ tự do có nét nhìn rộng hơn và rõ hơn, về chế độ độc tài + độc ác + tự cao + tham nhũng, về những sự kiện trên thế giới liên quan trực tiếp lẫn gián tiếp đến mục tiêu ngăn chận tham vọng thống trị thế giới của Trung Cộng, mà Hoa Kỳ và một số quốc gia phát triển đang thực hiện. Và khi lãnh đạo Việt Cộng tự suy yếu, hoặc Trung Cộng bị suy yếu thì lãnh đạo Việt Cộng không còn chỗ dựa, đó là cơ hội cho Các Anh và toàn dân đứng lên giành lại Quyền Làm Người của mình, nối tiếp dòng lịch sử oai hùng của dân tộc từ ngàn năm trước.
Là Người Lính trong Quân Đội gắn liền với hai chữ “Nhân Dân”, phải hiểu là Các Anh có trách nhiệm bảo vệ Nhân Dân, bảo vệ Tổ Quốc, vì Tổ Quốc với Nhân Dân là trường tồn, trong khi đảng cộng sản hay bất cứ đảng nào cầm quyền cũng chỉ một giai đoạn của lịch sử. Ngay cả Cộng Sản Quốc Tế là Liên Xô như đang chờ nắm quyền thống trị thế giới vô sản, đã phải sụp đổ từ đầu năm 1991 vì bản chất độc tài độc ác của cộng sản. Cộng sản Liên Xô sụp đổ, kéo theo nhóm quốc gia cộng sản vùng Đông Châu Âu cùng sụp đổ.
Chưa hết, Các Anh hãy nhớ lại vào nửa thế kỷ trước đó, phát xít Đức bắt đầu chiến tranh xâm lăng Ba Lan từ tháng 10/1939 và chiếm gần hết Châu Âu, trong khi phát xít Nhật bắt đầu chiến tranh với Hoa Kỳ từ tháng 12/1941 và chiếm gần hết các quốc gia vùng Đông Nam Châu Á, nhưng đến nữa cuối năm 1945 thì cả Đức lẫn Nhật phải gục ngã -vì họ là chế độ độc tài với tham vọng thống trị thế giới, không thể tồn tại dài lâu- trước thế giới tự do do Hoa Kỳ dẫn đầu. Và nội dung tôi gởi đến Các Anh được đặt trên căn bản đó.
Xin nói thêm cho rõ. Với những bài văn bài thơ của các tác giả ở trong nước, tôi xin sử dụng chữ viết truyền thống thay thế chữ viết thời Việt Cộng, ngoại trừ những nhóm chữ thời Việt Cộng mà tôi không hiểu nghĩa.
* * *
Với lá thư này, tôi tóm luợc những bản tin liên quan đến: (1) Nội bộ Trung Cộng sau cái chết đột ngột của Thủ Tướng Lý Khắc Cường. (2) Tiếp tục dự án “Funan Techo Canal” của Cam Bốt sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam như thế nào.
(1) Nội bộ Trung Cộng sau cái chết đột ngột của cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường.
Ngày 27/10/2023, cựu Thủ Tướng Trung Cộng Lý Khắc Cường (Li Keqiang) đã từ trần, gây chấn động toàn dân Trung Hoa, vì đa số người dân đều tin rằng cái chết đó là “không bình thường”. Nói rõ hơn, là ông bị người nào đó giết chết. Trong khi đó, tin tức từ cơ quan chánh phủ nói rằng ông Cường chết vì bệnh tim.
Bác sĩ Đài Loan Thái Y Chanh, bình luận rằng:
“Tình trạng đặc biệt của Lý Khắc Cường “chết đột ngột vì đau tim” là không hợp lý, nếu xét theo tiêu chuẩn y tế ngày nay. Nhưng nhìn lại lãnh đạo cao nhất của Trung Cộng “giải quyết nhân vật số 2” đã được truyền qua nhiều thế hệ, điển hình là ông Mao Trạch Đông đã “giải quyết” ông Lâm Bưu -người được cho là sẽ người kế nhiệm ông- Ông Mao Trạch Đông cũng không cho Chu Ân Lai -người đã giúp ông giữ được một nửa giang sơn- điều trị ung thư bàng quang, cứ để nằm đó chờ chết”.
Ông Akio Yaita -Giám Đốc Chi Nhánh Đài Bắc- theo báo Sankei Shimbun của Nhật Bản, thì: “Cá nhân tôi rất bất ngờ trước cái chết đột ngột của cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường. Bởi vì các nhà lãnh đạo đã nghỉ hưu của Trung Cộng nằm trong số nhóm người khỏe mạnh nhất, và sống lâu nhất trên thế giới, vì mỗi người đều có đội ngũ y tế riêng để chăm sóc chu đáo 24 giờ/24 giờ. Sau thời Giang Trạch Dân, cái chết đột ngột của các cựu lãnh đạo Trung Cộng hiếm khi xảy ra”.
Nhìn lại lịch sử đương đại, cái chết của ông Lý Khắc Cường quả thực là bất thường, nhưng phù hợp với ‘quy luật bị chết” trong hệ thống độc tài toàn trị. Bởi trong hệ thống này, quyền lực tập trung vào kẻ độc tài, trong khi kẻ độc tài độc đoán và chuyên quyền, nên hắn luôn sợ mất quyền lực và sợ sự xuất hiện của những kẻ thách thức quyền lực của họ.
Nhất là những kẻ độc tài càng thiếu năng lực thì càng sợ sự xuất hiện của những kẻ thách thức mạnh hơn mình, quyền lực lớn hơn mình, và họ luôn sống trong lo sợ. Do đó, những kẻ độc tài toàn trị thường có tâm lý ngờ vực, đa nghi, nên họ mạnh tay thanh trừng những kẻ không trung thành, hoặc những kẻ thách thức ngấm ngầm.
(Tại tang lễ ông Lý Khắc Cường, rất đông người dân mang hoa chen nhau vào tiễn biệt ông)
Sau khi Chủ Tịch Trung Cộng Mao Trạch Đông thất bại trong chiến dịch “đại nhảy vọt” làm chết đói 37 triệu 500 ngàn người dân, ông ta tuyên bố chỉnh đốn lại, và giết chết ông Lưu Thiếu Kỳ dù ông Lưu được ông Mao chỉ định kế nhiệm ông, nhưng vì ông Lưu Thiếu Kỳ được lòng dân nên bị ông Mao phải giết.
Ngược dòng thời gian. Ông Stalin, nhà độc tài của đảng cộng sản Liên Xô – đã phát động một cuộc thanh trừng khủng khiếp vào năm 1937. Hầu hết các đảng viên cao cấp nhất của đảng cộng sản Liên Xô đều bị kết án tử hình, và gần một nửa số đảng viên bị xử tử. Đặc biệt là trong quân đội, hầu như tất cả sĩ quan của hồng quân Liên Xô đã bị tiêu diệt. Việc Stalin liên tục loại bỏ những người chung quanh ông, khiến mọi người sợ hãi đến mức Lavrenty Beria, Nikita Khrushchev, và những người khác, đã đồng ý không gọi nhân viên cấp cứu khi Stalin lâm trọng bệnh, và ông Stalin đã chết.
Đến Đức Quốc Xã, Nguyên Soái Đức Quốc xã là ông Erwin Rommel, người được Bộ Tuyên Truyền Đức Quốc Xã mô tả là “Cáo Sa Mạc”, là “Đại Bàng Hoàng Gia”, đã bị ông Hitler hạ lệnh phải uống thuốc độc để tự sát vào ngày 14/10/1944. Từ tài liệu lịch sử cho thấy, Hitler vẫn biết Rommel luôn luôn trung thành với mình, nhưng lại không tham gia vào vụ mưu sát nào. Ông Rommel có uy tín cao ở cả trong và ngoài nước. Tại Đức, ông Rommel là “Thần Chiến Tranh” trong mắt lính Đức Quốc Xã, và là “Anh Hùng” trong mắt người dân Đức, vì vậy mà ông bị Hitler triệt hạ.
Theo khảo sát dư luận Hoa Kỳ, Rommel là người Đức nổi tiếng nhất sau Hitler. Đối với ngoại quốc, ông Rommel phản đối chính sách diệt chủng của Hitler đối với người Do Thái, không giết người vô tội một cách bừa bãi, và ông đối xử nhân đạo với tù binh Anh, nên ông đã giành được sự công nhận của các quốc gia phương Tây như Anh quốc, Hoa Kỳ. Nhiều học giả sau này cũng nhìn nhận rằng, Rommel của Đức Quốc Xã là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhiều tướng lãnh quân đội không tuân lệnh Hitler, nhưng lại đồng tâm nghe theo lệnh của Rommel. Nếu âm mưu ám sát Hitler thành công, các thủ lãnh kháng chiến Đức hy vọng rằng, vị cứu tinh chấm dứt chiến tranh và ngăn chặn nội chiến, sẽ không ai khác mà chính là Rommel. Sau khi Rommel uống thuốc độc tự sát, Đức Quốc Xã chánh thức tuyên bố ông chết vì bệnh tim.
Trở lại nội bộ Trung Cộng
Ông Tập Cận Bình có trình độ Tiểu Học, trong khi ông Lý Khắc Cường tốt nghiệp Đại Học Bắc Kinh năm 1977, với bằng cấp về Luật và Kinh Tế. Ông được cho là sinh viên xuất sắc, tiếng Anh khá tốt, và có tầm nhìn quốc tế.
Trong nhiều đại hội, Thủ Tướng Lý Khắc Cường đã nhiều lần phát biểu trái ngược với chính sách của Chủ Tịch Tập Cận Bình. Ông Tập Cận Bình muốn quay lại lấy Mao Trạch Đông làm pháp nhân cho cánh tả của mình, nhưng ông Lý Khắc Cường luôn nhấn mạnh đến cải cách và mở cửa.
Tháng 3/2020, trong khi bộ máy tuyên truyền rầm rộ loan tin quốc gia đang bước vào thời kỳ khá giả, thì Thủ Tướng Lý Khắc Cường đã tiết lộ sự thật trong Đại Hội Đại Biểu Nhân Dân Toàn Quốc, rằng: “Sáu trăm triệu (600 trăm triệu) dân lục địa có thu nhập hàng tháng chỉ 1.000 nhân dân tệ, khiến dư luận bàng hoàng”.
Tháng 8/2022, Thủ Tướng Lý Khắc Cường đến đặt vòng hoa trước tượng nhà lãnh đạo cải cách kinh tế Trung Cộng Đặng Tiểu Bình, ông đã thề: “Cải cách và mở cửa sẽ không dừng lại. Nước trên sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược”.
Trong nội bộ Trung Cộng, Chủ Tịch Tập Cận Bình tiếp tục diệt trừ những người bất đồng chính kiến dưới dạng chống tham nhũng, trong khi ông Tập dùng áp lực cao để kiểm soát chặt chẽ dư luận nhằm ngăn chặn tiếng nói phản đối của người dân. Ông Tập cũng tiếp tục đảo ngược lộ trình, gây hấn với bên ngoài, gây thù khắp nơi, rải tiền khắp chốn khiến cho vốn ngoại quốc lần lượt rút khỏi Trung Cộng, làm sụp đổ các doanh nghiệp tư nhân. Tình trạng khủng hoảng kinh tế ngày càng tăng, và tỷ lệ thất nghiệp càng tăng mạnh. Sự kém cỏi của Chủ Tịch Tập Cận Bình, dẫn đến những hành động không hiệu quả, làm cho các viên chức lẫn người dân khốn khổ.
Sau khi ông Tập Cận Bình loại bỏ các phe phái và củng cố quyền lực tại đại hội toàn quốc lần thứ 20, ông tự cho rằng ông có quyền lực to lớn nhất. Tuy nhiên, danh tiếng của Thủ Tướng Lý Khắc Cường trong nội bộ Trung Cộng -nhất là trong nhân dân- cao hơn Tập Cận Bình rất nhiều. Đến mức, nếu Thủ Tướng Lý Khắc Cường công khai thách thức Chủ Tịch Tập Cận Bình, thì viên chức hành chánh cũng như quân đội và người dân đứng sau lưng ông Lý.
Cuối cùng, Bác Sĩ Thái Y Chanh nhận định rằng: “Thủ Tướng Lý Khắc Cường luôn được đánh giá là nhà lãnh đạo quan tâm đến kinh tế nhiều hơn, cũng là nhà lãnh đạo mà người dân hy vọng ông sẽ thay đổi vận mệnh quốc gia. Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cân Bình, nền kinh tế suy thoái, lực lượng hỏa tiễn là một lực lượng hùng mạnh bị thanh lọc, bộ trưởng quốc phòng, rồi bộ trưởng ngoại giao bị loại bỏ. Có thể nói rằng, ông Tập Cận Bình đang trong trạng thái hoang tưởng và thanh trừng của thời kỳ Stalin”.
(Tóm lược bài bình luận của Bác Sĩ Đài Loan Thái Chanh do Lý Ngọc Thanh biên dịch, trong e-mail “myloan@gmail.com” ngày 28/10/2023)
Và đây, tôi tóm lược bài bình luận của Sun Yu và Joe Leahy cũng xoay quanh cái chết của cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường trong báo Financial Times ngày 31/10/2023, do Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch.
“Hàng trăm người chen nhau đưa tang, đã đổ về ngôi nhà thời thơ ấu của ông Lý Khắc Cường, để bày tỏ lòng thành kính đối với một chính trị gia chủ trương cải cách mà người dân xem là “Thủ Tướng của nhân dân”, tạo ra một thách thức chính trị đối với Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình”.
“Sự đau xót ông cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường đột ngột qua đời vào tuổi 68, đã xuất hiện ở nhiều thành phố và trên khắp mạng xã hội Trung Cộng. Nhiều người so sánh phong cách giản dị của cố Thủ Tướng, với phong cách của những đồng nghiệp của ông”.
Các nhà phân tích nhận định rằng: “Nỗi tiếc thương bộc phát của công chúng đối với sự ra đi của ông Lý Khắc Cường -người đã bị ông Tập Cận Bình gạt ra bên lề khi còn đương chức- đặt ra một tình huống nhạy cảm đối với đảng cộng sản Trung Hoa, trong lúc đảng này phải đối mặt với mức độ phục hồi kinh tế chậm chạp, và căng thẳng chính trị vớì các quốc gia phát triển phương Tây”.
Một phụ nữ học cùng trường với ông Lý Khắc Cường, nói trong đám đông dự tang lễ dù đang bị theo dõi bởi toán lính canh giữ chung quanh: “Xứ sở chúng tôi có rất nhiều nhà lãnh đạo tham nhũng, nhưng ông Cường không phải là một trong số đó. Ông Lý Khắc Cường là một nhà lãnh đạo, rất quan tâm đến những người nghèo trong xã hội”.
Là một nhà kinh tế được đào tạo căn bản, người đứng đầu chánh phủ của Chủ Tịch Tập Cận Bình từ năm 2013 đến tháng 3/2023. Thủ Tướng Lý Khắc Cường từng được xem là một ứng viên cho ghế Chủ Tịch Nước. Trong nhiệm kỳ Thủ Tướng, ông đã ủng hộ các chương trình cải cách theo định hướng thị trường, và các chương trình chống đói nghèo. Nhưng ông đã dần dần bị gạt sang bên lề dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Cộng kể từ thời Mao Trạch Đông.
Cái chết của một lãnh đạo cấp cao thường là thời điểm nhạy cảm đối với đảng cộng sản, vì đảng phải cân bằng việc bày tỏ lòng thương tiếc nhà lãnh đạo ấy, đồng thời và xác định di sản của ông ấy đối với đảng, nhưng với cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường thì bị ngăn chận dịp, vì vậy nó trở thành tâm điểm cho các cuộc biểu tình, hoặc cơ hội để đưa ra những so sánh bất lợi đối với ông Tập.
Ông Wen-Ti Sung, nghiên cứu viên -Trung Tâm Trung Cộng Toàn Cầu thuộc Hội Đồng Đại Tây Dương- nhận định: “Đối với một số người, cựu Thủ Tướng Lý Khắc Cường đại diện cho một thái độ tương đối tự do, và ông cũng ủng hộ việc tạo ra nhiều không gian hơn cho các lực lượng xã hội và thị trường”.
Ông Tập từng đối mặt với tình huống tương tự vào tháng 11 khi cựu Chủ Tịch Giang Trạch Dân qua đời ở tuổi 96. Ông Giang là nhà lãnh đạo Trung Cộng thời kỳ tăng trưởng cao và tương đối mở cửa kinh tế.
Cái chết của ông Giang đúng vào lúc bùng nổ của “phong trào biểu tình giấy trắng” tại các thành phố lớn trên khắp đất nước, nhằm chống lại lệnh phong tỏa nghiêm ngặt zero-COVID của ông Tập, khi những người biểu tình “giương cao những tờ giấy trắng”, để ám chỉ đến sự kiểm duyệt và không khoan nhượng trước những chỉ trích đối với công tác kiểm soát đại dịch. Bị phản đối đến mức ông Tập phải huỷ bỏ chính sách này.
Tại Hợp Phi tỉnh An Huy, nơi ở cũ của Lý Khắc Cường, một phụ nữ lớn tuổi giận dữ, đã tuyên bố rằng: “Chánh quyền tỉnh và thành phố nên làm nhiều việc hơn để tưởng nhớ sự ra đi của nhà lãnh đạo cao cấp, trong khi Bắc Kinh vẫn chưa công bố kế hoạch tổ chức tang lễ cho ông Lý. Khi ông Giang Trạch Dân qua đời cũng được đảng thành lập một ban quốc tang do công Tập làm Chủ Tịch, và tổ chức lễ tưởng niệm tại Đại Lễ Đường Nhân Dân ở Bắc Kinh”.
“Chúng tôi không thể nói nhiều vì tình hình chung ở đây. Tất cả những gì chúng tôi có thể nói, là mọi người yêu mến Thủ Tướng Lý Khắc Cường”. Người phụ nữ lớn tuổi nói tiếp.
Tại làng Cửu Tử, cách Hợp Phì và nhà tổ của ông Lý Khắc Cường một giờ rưỡi đi xe, hàng trăm người đã đến đặt hoa trước một căn nhà tranh đơn sơ. Nhiều người thậm chí đã lái xe từ các tỉnh xa xôi đến để tưởng niệm một nhà lãnh đạo mà họ mô tả là “Thủ Tướng của nhân dân”.
(Một bãi đất tràn ngập hằng ngàn bó hoa viếng tang ông)
Bó hoa do một công ty xây dựng gần Hợp Phì gửi tặng, có trích dẫn một câu mà ông Lý Khắc Cường từng nói vào đầu năm 2022 trong đại dịch coronavirus, để cố gắng trấn an các nhà đầu tư rằng Trung Cộng sẽ không đóng cửa với thế giới bên ngoài: “Sông Dương Tử và sông Hoàng Hà sẽ không chảy ngược dòng. Cánh cửa mở của Trung Cộng chắc chắn sẽ không đóng lại”.
Bó hoa kết lại bằng câu: “Thủ Tướng đáng kính của nhân dân, xin hãy yên nghỉ”. (Tóm lược bài bình luận của Sun Yu và Joe Leahy do Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch trong e-mail tmyloan@gmail.com ngày 2/11/2023)
(2) Tiếp tục dự án “Funan Techo Canal” của Cam Bốt sẽ gây thiệt hại cho Việt Nam như thế nào
Đây là bài thứ 2 của Bác Sĩ Ngô Thế Vinh viết ngày 1/11/2023 tại California, Hoa Kỳ, về dự án kênh Phù Nam. Bài 1 của Bác Sĩ mà tôi đã tóm lược trong Thư số 145 ngày 1/11/2023.
Bang giao giữa Cam Bốt với Trung Cộng
Ngày 10/2/2023, Thủ Tướng Hun Sen dẫn con trai là Hun Manet sang Trung Cộng trình diện Chủ Tịch Tập Cận Bình.
Trong cuộc họp báo ngày 26/7/2023, Thủ Tướng Cam Bốt -Hun Sen- chánh thức thông báo sẽ từ chức sau gần 40 năm cầm quyền, và con trai của ông là Hun Manet sẽ là tân Thủ Tướng một quốc gia với 17.000.000 dân.
Ngày 14/9/2023, Hun Manet sang Bắc Kinh lần thứ hai với cương vị tân Thủ Tướng Vương Quốc Cam Bốt, chánh thức trình diện Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình, với hứa hẹn sẽ thắt chặt hơn nữa mối giao hảo tốt đẹp đang có giữa hai quốc gia.
Ngày 17/9/2023 Thủ Tướng Hun Manet tới thăm Hội chợ Triển Lãm Trung Cộng và các quốc gia khối ASEAN tại thành phố Nam Ninh, tỉnh Quảng Tây.
Trục Nam Vang với Bắc Kinh và dự án kênh Phù Nam
Chiếu theo điều khoản 4.3.2 của Hiệp Định Sông Mekong 1995, tuy không quốc gia nào có quyền phủ quyết, nhưng dự án Kênh Phù Nam Techo vẫn phải trải qua 3 giai đoạn: Thông Báo. Tham Vấn. Thỏa Thuận. (viết tắt là PNPCA).
Vậy, dự án Kênh Phù Nam Techo hiện nay đang ở giai đoạn nào?
Đang giai đoạn 1, với Thủ tục Thông Báo đến các thành viên của 4 quốc gia trong MRC. Vì Thái Lan và Lào là hai quốc gia thượng nguồn nên không ảnh hưởng, có lẽ họ sẽ không phản đối. Chỉ có Việt Nam là quốc gia hạ nguồn, cùng biên giới với Cam Bốt, và dự án kênh Phù Nam gần sát biên với Việt Nam, nên ảnh hưởng xuyên biên giới là sự thật. Chính vì vậy mà Việt Nam lo ngại vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu nước, sẽ càng thiếu nước hơn nữa, và ngày càng bị nước biển vào sâu trong nội địa Việt Nam.
Việt Nam nhận được Thông Báo của Cam Bốt ngày 8/8/2023, lẽ ra là bắt đầu bước vào Giai Đoạn II, mỗi nước thành viên có thời gian 6 tháng để Tham Vấn trước. Nhưng phía Cam Bốt và các công ty xây dựng của Trung Cộng đã nhanh chóng thực hiện dự án với lễ ký kết khung sơ bộ.
Ngày 11/10/2023, ông Sun Chanthol -Đệ Nhất Phó Thủ Tướng kiêm Phó Chủ Tịch Hội Đồng Phát Triển Cam Bốt- đã chủ tọa buổi họp thảo luận với ông Chu Dũng (Zhou Yong), đại diện Công Ty Cầu Đường Trung Cộng (CRBC) nội dung bản dự thảo Khung Thỏa thuận FA (Framework Agreement) về dự án Hệ Thống Tonle Bassac Thủy Lộ và Tiếp Vận (Tonle Bassac Navigation & Logistics System Project), còn có tên là “Funan Techo Canal Project”.
Sau khi ký kết, Khung Thỏa Thuận FA sẽ được xem xét, để xác định dự án Kênh Phù Nam Techo qua các cuộc nghiên cứu sâu rộng -không chỉ về giao thông đường thủy- mà còn bao gồm mọi khía cạnh về những lợi ích kinh tế và xã hội.
Ngày 17/10/2023 -chỉ 6 ngày sau- là lễ ký kết chánh thức giữa hai chánh phủ tại Bắc Kinh.
Cùng ngày 17/10/2023, cũng tại Bắc Kinh, dưới quyền chủ tọa của Thủ Tướng Cam Bốt, Phó Thủ Tướng Sun Chanthol -kiêm Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Ủy Ban Phát Triển Cam Bốt- ký thỏa hiệp với các đại diện Công Ty Cầu Đường của Trung Cộng. Ông Chanthol nhấn mạnh rằng:
“Lễ ký kết hôm nay là một bước tiến tới thành công trong dự án tiếp vận quan trọng của Cam Bốt. Tôi hy vọng sẽ khởi công xây dựng dự án từ năm 2024”.
Lễ ký kết cũng bao gồm các viên chức của Bộ Bưu Điện & Viễn Thông Cam Bốt, với các viên chức của Công Ty Kỹ Thuật Viễn Thông Hoa Vi Trung Cộng (Huawei Technologies Co. Ltd.)
Ngày 25/10/2023, Thủ Tướng Cam Bốt thăm tỉnh Kampong Cham, trong chương trình có tên “cùng gặp nhau”, và trước đông đảo các công nhân may mặc Khmer, Hun Manet đã rất tự tin và hùng biện khi nói về dự án Kênh Funan Techo có tính cách lịch sử của dân tộc Khmer, sẽ đem lại cho đất nước Cam Bốt nhiều phúc lợi kinh tế.
Với những bước tiến nhanh đến mức báo động về “Dự Án Kênh Phù Nam Techo” về phía Cam Bốt, rõ ràng là chánh phủ Cam Bốt đã đốt giai đoạn 2 là Tham Vấn trước, và giai đoạn 3 là Thỏa Thuận, để bước nhanh đến giai đoạn thực hiện dự án này, đặt Việt Nam trước một tình trạng đã rồi, trong khi Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn 1 là thu thập ý kiến (25/10/2023), thảo luận, và đúc kết giữa các chuyên gia, trước khi trình lên Thủ Tướng Việt Nam để thảo luận với chánh phủ Cam Bốt.
Thủ Tướng cha (Hun Sen) đã để lại cho Thủ Tướng con (Hun Manet) một di sản về môi sinh rất nặng nề, đó là Thủ Tướng cha đã quyết tâm kết thân với “láng giềng xa” là Trung Cộng, trong khi “láng giềng gần” là Việt Nam phả trả cái giá rất đắt, kể cả người dân của Cam Bốt.
Với một chuỗi những con đập của Trung Cộng trên dòng chính sông Mekong, và những con đập của Lào, đều được Thủ Tướng Hun Sen hậu thuẫn, dù điều đó trái ngược với sự lo ngại của các quốc gia hạ nguồn, và Việt Nam là quốc gia cuối nguồn bị thiệt hại nặng nhất.
Ngay trên đất nước Cam Bốt, các khu rừng nguyên sinh và rừng lũ đã bị tàn phá trên diện tích rộng.
Ai cũng biết rằng, trái tim Biển Hồ chỉ còn nhịp đập khi sông Mekong, Mùa Khô chỉ với diện tích 2.500 cây số vuông, nhưng từ tháng 5 đến tháng 9 bước sang Mùa Mưa, khi nước con sông Mekong dũng mãnh đổ về, khiến con sông Tonlé Sap đổi chiều, chảy ngược vào Biển Hồ như một hiện tượng thiên nhiên kỳ diệu, làm nước hồ dâng cao 8 tới 10 thước ngập tràn bờ; và diện tích Biển Hồ đến hơn 12.000 cây số vuông, tức tăng gấp 5 lần.
Những cánh rừng lũ của Biển Hồ là cái nôi nuôi dưỡng và tái sinh nguồn thực phẩm khổng lồ là cá, chiếm hơn 60% lượng cá của Cam Bốt. Chính dòng sông Mekong và Biển Hồ, từng là cái nôi của nền văn minh Angkor Khmer, và nay là mạch sống của 17 triệu dân Cam Bốt.
Vậy mà, Thủ Tướng Hun Sen vẫn bình chân như vại trong suốt ngót 40 năm cầm quyền. Vào tháng 6/2005, trong lễ thả cá giống vào một hồ phía đông Cam Bốt, ông Hun Sen tỏ ra thỏa mãn với tình hình khai thác con sông Mekong lúc bấy giờ. Trước khi bay sang dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Côn Minh, ông đã công khai lên tiếng ủng hộ Trung Cộng về kế hoạch khai thác sông Mekong, cho dù điều ấy ngược lại mối lo ngại gần như đến mức báo động của các chuyên gia bảo vệ môi sinh. Xa hơn nữa, ông Hun Sen còn cho rằng, ý kiến chỉ trích chỉ để chứng tỏ là họ chú ý tới môi sinh, và đôi khi họ dùng đó như thứ rào cản nhằm ngăn chặn sự hợp tác nên có giữa 6 quốc gia. (Bản tin AFP ngày 29/6/2005).
Ngày 17/11/2010, tại thủ đô Nam Vang bên bờ con sông Tonle Sap, sau Hội Nghị Thượng Đỉnh (ACMECS) gồm 5 quốc gia, là Cam Bốt, Lào, Miến Điện, Thái Lan, và Việt Nam, Thủ Tướng Hun Sen vẫn phủ nhận và bác bỏ mọi quan ngại về ảnh hưởng của các đập thủy điện trên thượng nguồn đối với dòng chảy sông Mekong. Ông khẳng định rằng: “Chu kỳ lũ lụt hay hạn hán mới đây, là hậu quả của thay đổi khí hậu chớ chẳng liên quan gì tới chuỗi những đập thủy điện của Trung Cộng trên thượng nguồn. Sông Mekong tụt thấp tới mức kỷ lục 7,5 thước, nhưng tới năm 2000 thì mực nước lại cao tới 12 thước”.
Cần mở một dấu ngoặc về hai thời điểm mà ông Hun Sen nêu ra:
Năm 1998, đã có con đập thủy điện Mãn Loan -Manwan đập lớn đầu tiên- của Trung Cộng chắn ngang dòng chính sông Mekong. với công suất 1.500 MW hoàn tất từ năm 1993. Đập thứ hai là Đại Chiếu Sơn -Dachaoshan- với công suất 350 MW đang xây cất. Không đủ mưa, lại bị giữ nước trong hồ chứa, đã khiến mực nước hạ lưu sông Mekong xuống rất thấp tới 7,5 thước.
Năm 2010, mực nước lại xuống thấp tới mức kỷ lục trong vòng 50 năm qua ở vùng đông bắc Thái Lan và Lào, gây bao nhiêu lo ngại về an toàn thực phẩm, nước uống, và thủy lộ giao thông. Đây cũng là thời kỳ đập thứ tư Tiểu Loan -Xiaowan- với công suất 4.200 MW, sau đập thứ ba là Cảnh Hồng -Jinghong- còn được gọi là “đập mẹ” với dung lượng hồ chứa lên tới 15 tỷ thước khối -bằng tổng số dung lượng tất cả các hồ chứa khác của tỉnh Vân Nam- đang lấy nước vào hồ chứa và bắt đầu phát điện.
Ông Hun Sen vẫn cho là do “biến đổi khí hậu và khí thải carbon, chính khí thải carbon đã làm những cơn mưa thay đổi bất thường”. Rồi ông mạnh miệng khuyên nhủ: “Vậy, các nhà hoạt động môi sinh đừng có quá đáng, và cũng đừng nói rằng vì các đập thủy điện mà thiếu nước ở hạ nguồn. Đó là một sai lầm.”
Phải nhìn bức tranh toàn cảnh phức tạp, với những tác hại tích lũy và dây chuyền của các đập thủy điện trên nguồn nước, nguồn cá, nguồn phù sa, lúa gạo, và gây ô nhiễm nơi hạ nguồn, chớ không thể như ông Hun Sen nhận định một cách thô thiển bằng “vài con số” và nhóm chữ “thay đổi khí hậu”.
Ông Hun Sen không hiểu rằng, chính Trung Cộng đang chống đỡ với sức ép của dư luận, và cố gắng xoa dịu sự chống đối của các nhóm cư dân vùng Bắc Thái Lan và Lào, bởi họ đang là nạn nhân trực tiếp của các đập Vân Nam, nên ông -Hun Sen- tự biến mình thành “một luật sư hùng biện cho Trung Cộng mà không cần sự thật, không cần lý lẽ”.
Ông Hun Sen lãnh đạo quốc gia Cam Bốt trước nguy cơ cả một hệ sinh thái của dòng sông Mekong, và Biển Hồ đang suy thoái “hiển nhiên và ngay trước mắt”, nhưng ông cố ý phủ nhận những quan tâm chính đáng trong mấy chục năm qua của rất nhiều chuyên gia bảo vệ môi trường, và của các tổ chức môi sinh không thuộc chánh phủ là TERRA (Towards Ecological Recovery and Regional Alliance) và IRN (International River Network, Viet Ecology Foundation).
Rõ ràng là ông Hun Sen chối bỏ trách nhiệm của ông, lại “đổ lỗi cho thiên nhiên đã biến đổi khí hậu”. Biển Hồ là nơi cung cấp sự sống cho 17 triệu người dân Cam Bốt về nguồn cá và lúa gạo, vậy mà ông Thủ Tướng không một chút quan tâm bảo vệ trái tim của người dân. Ông cũng không bảo vệ nguồn tài nguyên mong manh của sông Mekong, đang đe dọa đời sống của ngót 70 triệu cư dân của 7 quốc gia ven sông.
“Cứu Trái Tim Biển Hồ” là cứu được cả hai vùng châu thổ Tonle Sap, và đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, phục hồi hệ sinh thái đất của nước và rừng của Cam Bốt, là một thách đố và là nhiệm vụ vô cùng khó khăn của tân Thủ Tướng Hun Manet, thế hệ lãnh đạo mới có trí tuệ và có tầm nhìn xa cho những bước phát triển bền vững, và tương lai thịnh vượng của Cam Bốt.
MEKONG sợi giây xích định mệnh
Trong bài viết “Ngoại Giao Láng Giềng Cam Bốt, Hướng Đi Trên Dòng Nước Cuộn Sóng” đăng trên báo Khmer Times ngày 25/10/2023, nói đến thời kỳ lãnh đạo của tân Thủ Tướng Hun Manet, học giả Chheang Vannarith, Chủ Tịch một think tank có tên là Học Viện Viễn Kiến Á Châu (Asian Vision Institute), như sau:
“Cam Bốt đang tiến sâu hơn nữa trong kết hợp vùng với tin tưởng rằng, tương lai hay định mệnh của Cam Bốt không thể tách rời ra khỏi vùng. Chuyển đổi Cam Bốt thành một cửa ngõ, một trục, hay một quốc gia cầu nối trong lưu vực sông Mekong là một nỗ lực lâu dài. Chính sách ngoại giao láng giềng của Cam Bốt phải bắt rễ từ những nguyên tắc căn bản, mà ông viết tắt bằng 4 chữ M và 2 chữ P trong Anh ngữ.
4 chữ M,là: M1: Mutual respect = Kính trọng nhau. M2: Mutual understanding = Hiểu biết nhau. M3: Mutual trust = tin cậy nhau. Và M4 cùng hai chữ P: Mutual interest of Peace and Prosperity = Cùng quan tâm tới Hòa Bình và Thịnh Vượng.
Sau cùng là nhận định của tác giả Ngô Thế Vinh: “Vận mệnh hai dân tộc Khmer và Việt Nam, như nội dung trong tác phẩm điện ảnh lừng danh của đạo diễn Stanley Kramer, phim Xiềng Xích (La Chaine năm 1958). Câu chuyện của hai tù nhân khác chủng tộc -một trắng một đen- cả hai không ưa nhau, nhưng bị trói chung một sợi xích không sao tách ra được, vì vậy màhọ hành hạnhau. Khi ra khỏi ngục tù, cả hai mới hiểu được rằng, họ phải sống hòa hợp với nhau để không trở lại ngục tù”.
“Tương tự như vậy, sau bao nhiêu đau thương và thăng trầm theo dòng lịch sử, cuối cùng đã đến lúc hai dân tộc Khmer và Việt Nam phải sớm nhận thức rằng, Sông Mekong là sợi xích ràng buộc định mệnh của cả hai dân tộc, và Biển Hồ là trái tim chung, sớm muộn gì hai quốc gia cũng phải tìm cho ra một giải pháp lâu dài, làm sao giải được lời nguyền để hai dân tộc cùng tồn tại, cùng phát triển thịnh vượng, và chung sống trong hòa bình”.
Kết luận
Các Anh hãy nhớ, không có chế độ độc tài nào dám nói thật cả, vì đâu có người dân nào chấp nhận sống với độc tài, vì vậy mà họ phải dối trá và buộc người dân phải tin họ. Họ đã sử dụng chiến lược giáo dục dối trá để đào tạo những thế hệ thần dân tuân phục họ. Hơn thế nữa, những viên chức cao cấp trong đảng và nhà nước phải trung thành với lãnh đạo đảng, chỉ một chút nghi ngờ, hoặc họ vẫn trung thành nhưng họ được lòng dân hơn lãnh đạo đảng, thì họ vẫn phải chết theo một cách nào đó, có như vậy thì lãnh đạo đảng mới an tâm. Trước mắt Các Anh, lần lượt các lãnh đạo đảng Việt Cộng và các lãnh đạo đảng Trung Cộng đều như vậy cả.
Tại Việt Nam, lãnh đạo đảng Việt Cộng hiện nay là ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, có “cái lò đốt” cán bộ đảng và cán bộ nhà nước tham nhũng, nhưng
Các Anh nhìn kỹ lại đi, ông Tổng Bí Thư “chỉ cho vào lò đốt” những viên chức với cán bộ tham nhũng không cùng phe của ông ấy thôi. Ngay trước mắt là vụ án “4 tiếp viên hàng không” chuyển 11 kí lô ma túy từ Pháp về Việt Nam ngày 16/3/2023. Số lượng ma túy này nhét trong 327 ống kem, và trong 17 chai nước súc miệng để trong hành lý của các tiếp viên.
Từ đó, Công An thành phố hồ chí minh điều tra, truy xét, và phát giác 57 vụ đã mua bán hơn 109.000 viên thuốc lắc, 80 kí lô Kentamine ma túy đá, và 3.000 gói nưới vui (dạng ma túy mới), với tổng số tiền giao dịch lên đến 52 tỷ đồng. Công An đã khởi tố 57 vụ án với 129 bị can về tội mua bán, vận chuyển, và tàng trữ ma túy …. Nhưng “4 cô tiếp viên hàng không” không có tên trong danh sách bị truy tố, vì trong số 4 cô này có 1 cô là “bồ” của con trai ông Tổng Bí Thư mà.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến nhận định của cố Tổng Thống Nam Phi Nelson Mandela về nền giáo dục quốc gia, rằng: “Để hủy diệt bất kỳ quốc gia nào, không cần phải sử dụng tới bom nguyên tử hoặc hỏa tiễn tầm xa, mà chỉ cần hạ thấp phẩm chất giáo dục, và cho phép gian lận trong các kỳ thi của sinh viên, thì kết quả sẽ là:
– Bệnh nhân sẽ chết dưới bàn tay của đống Bác Sĩ từ nền giáo dục đó.
– Các tòa nhà sẽ sụp đổ dưới bàn tay của đống Kỹ Sư từ nền giáo dục đó.
– Tiền bạc sẽ bị mất trong tay của đống Kinh Tế Gia từ nền giáo dục đó.
– Nhân loại sẽ chết dưới bàn tay của đống Học Giả từ nền giáo dục đó.
– Công lý sẽ bị mất trong tay đống Thẩm Phán từ nền giáo dục đó.
Và khi giáo dục sụp đổ, chính là nguyên nhân mà quốc gia đó sụp đổ.”
Nhận định của cố Tổng Thống Nam Phi, chính xác với nền giáo dục Việt Nam thời cộng sản độc tài và độc ác.
Vậy, Các Anh hãy đứng lên, cùng đứng lên, dân tộc sẽ đứng lên cạnh Các Anh, cùng giành lại Quyền Làm Người của mình. Các Anh không đứng lên, sẽ không bao giờ có quốc gia nào đến Việt Nam giành lại Quyền Làm Người giùm Các Anh đâu.
Và Các Anh phải hiểu rằng, “Dân Chủ Tự Do không phải là quà tặng, mà chính dân tộc Việt Nam phải tranh đấu, và Các Anh là thành phần nòng cốt trong cuộc tranh đấu này”, trong khi Cộng Đồng chúng tôi tị nạn Việt Cộng tại hải ngoại có nhiều điều kiện thuận lợi, với nhiều cách vận động những quốc gia phát triển giúp Các Anh và đồng bào làm nên lịch sử.
Texas, ngày 15 tháng 11 năm 2023
Phạm Bá Hoa
Be the first to comment