Tử Tế Không Cần…

Tô mì 0 đồng, tình nghĩa vô giá. (Nguồn: Facebook Lê Hữu Tuấn)

Câu “Mưa rơi không cần phiên dịch” là của ông nhà thơ Trần Dần.
Còn câu “Tử tế không cần… gì hết” là của…

1. Tử tế không cần hoa mỹ – Du Uyên

Sài Gòn trưa nắng nôi, trên đoạn đường ngắn về nhà bằng xe “căng hải” (hai cẳng)… Hai bên đường là những dáng người cố xếp gọn thân thể vào những bóng mát hiếm hoi, tránh cái nóng nám da của Sài Gòn. Người thì tận dụng gục đầu ngủ chút xíu, người thì chụm đầu câu chuyện của người khác, người thì ngó trời mây trăng gió suy tư, người thì nằm trên yên xe máy, ngửa mặt nhìn lên tán cây, tay búng tàn thuốc, từng đợt khói nhảy ra khỏi miệng họ uốn lượn như cơn sóng mờ ảo … Tà tà dưới sự gay gắt buổi trưa Sài Gòn, những tưởng chỉ có những cái nheo mắt, những tiếng xèo xèo của số phận bị cháy nắng … từ đâu xuất hiện một thiên thần, tưới sự mát mẻ lên làn da khô ráp, che mát tâm hồn trần trụi. Thiên thần này không có phất trần hay mặc áo thùng thình như phim Tây phim Tàu, thiên thần này mặc áo thun, quần lửng, tóc húi cua, đi xe moto, mấp máy môi tuôn ra làn hơi chắc nịch: “Nhà chị gần đây hông? Chị lên xe tui chở nè, trưa nắng nhìn tướng đi sàng sàng mắc ghét quá!”

Thiên thần gì mà nói chuyện “mắc ghét” ghê. Tôi ngại ngần nhìn “thiên thần”, bẽn lẽn chối từ: “Cám ơn bạn, nhà tui gần đây!”

Thiên thần “mắc ghét” cú chót: “Giữa thanh thiên bạch nhật mà tui đâu dám làm gì chị, lên tui chở về chứ để trời hết nắng!”

Ừ thì lên. Đoạn đường ngắn nhưng “thiên thần” chạy xe chậm cộng với việc tôi không đội nón bảo hiểm (sai luật giao thông) nên thành ra dài, vậy mà cả hai làm như mất khả năng ngôn ngữ ngang, không ai nói với ai lời nào. Tới cổng nhà tôi, cả hai như bật lại “công tắc” của dây nói, sau khi tôi trèo xuống xe, nói lời cảm ơn thì “thiên thần” cũng hào sảng: “Mốt thấy tui thì chị cứ ‘quắc’ nhen. Tui đi đường thấy bà già hay con nít hay cho quá giang lắm…”

Tôi chưa kịp hỏi là trong mắt “thiên thần” thì tôi thuộc diện bà già hay con nít thì “thiên thần” đã lật đật: “Thôi vô nhà nghỉ ngơi nhen, tui đi nhen!”

Sài Gòn hôm nay nắng mắc ghét mà nắng cũng mắc thương…

2. Tử tế không cần có học – (sưu tầm – không biết tác giả)

Chiều học về đói bụng, ghé tiệm xôi ở Nguyễn Văn Đậu. Đợi mua xôi, lấy điện thoại gọi cho đứa bạn, tự nhiên có thằng nhỏ đâu nhảy ra, làm giật cả mình: “Chú ơi, đừng xài điện thoại ở đây, dễ bị giật lắm.”
Mình gật gù: “Ờ ờ…”

– Con biết chú không mua vé số đâu, nhưng nếu được, chú ủng hộ con 1 tờ thôi?
– Sao biết chú không mua? Cho 1 tờ đi – mình bảo.
– Dạ, con cảm ơn chú.
– Con ăn gì chưa, chú bao con hộp xôi nha.
Nó gật đầu, lí nhí cảm ơn.

– Cô ơi, phần xôi của con cô tách làm đôi để trong bịch ni-lông giúp. Nó dặn chị bán xôi.
– Ăn bịch ni-lông độc lắm – mình bảo.
– Tại nếu con xin thêm cái hộp thì tội cô bán xôi. Con để dành cho nhỏ em cũng đang bán vé số chắc chưa ăn gì.
– Chị, vậy cho thằng nhỏ thêm 1 hộp nữa nha, rồi tính cho em luôn.

Thằng nhỏ cầm 2 hộp xôi, rối rít cảm ơn rồi chạy nhanh đi. Chị bán xôi góp chuyện: Nhìn vậy chớ có lòng lắm. Hôm rồi trời mưa to, thấy người ta bị tắt máy xe, nó lao ra phụ đẩy, cái rồi bị rớt xấp vé số xuống nước, thương gì đâu. Mười ngàn, em.

– Ủa, 3 hộp sao có 10 ngàn?
– Hổng có em tui cũng cho nó mà. Tính hộp của em thôi, để tiền đổ xăng đi học. Ráng học nhen, tui ít học nên giờ mới đi bán xôi nè …

Tự nhiên nghe mắt cay cay…
Bởi vậy có bao giờ rời Sài Gòn được đâu. Lòng tin nhiều khi đặt có thể sai, có thể đúng, có thể bị phản bội … nhưng ở Sài Gòn muốn mất lòng tin cũng đâu có dễ!

Đâu cần làm ông nọ bà kia, đâu cần phải vinh hoa, phú quý, người ta nói “làm người tử tế trước khi làm người có học”. Vui quá, tôi chợt hát nghêu ngao một mình:
“Phố thị đông, người đông đông/ Tôi như đứa nhóc lông bông, chơi xa mà không về nhà…”

3. Tử tế không cần… biết mặt – Nguồn: Facebook MC Thảo Vân

Hôm ấy mình đi làm về tới tòa nhà, đi taxi, ví không mang vì quên, tài khoản bị sao đó không chuyển được tiền cho tài xế nên đành chạy xuống xem có ai quen không, ngó nghiêng mãi chẳng gặp người nào. Đành hỏi tạm anh bảo vệ của quán cafe. Anh này mới vào làm, mình thì đeo khẩu trang kín mít, chỉ bảo là nhà em ở toà này, anh cho em mượn tạm, thế mà anh ấy cũng đồng ý cho vay. Có bao nhiêu tiền lôi ra đưa mình cả…

Tối mình quay xuống gửi trả anh ấy, anh ấy mới cười hiền lành bảo: “Lúc ấy tôi có biết cô là ai đâu, sau kể cho mấy anh bảo vệ của toà nhà thì các anh ấy cũng bảo không rõ là ai vì không có mặt”. Mình hỏi: “Anh không có bao nhiêu tiền thế mà đưa em nhỡ em không trả lại thì sao?”. Anh cười bảo: “Thì cũng đành thôi nhưng lúc ấy cô cần chẳng lẽ tôi có lại không giúp, mà may cô trả lại chứ tôi cũng chỉ còn có đúng từng ấy thôi”…

Cám ơn anh, đã cho mình thêm một điều quá đẹp trong đời…

4. Tiền không mua được văn hóa – Nguồn: Cô giáo Kiều Thị Giang

Khi tôi tiếp xúc người dân M’Nong ở địa phương – những người được xem là hạn hẹp về hiểu biết, hạn chế về trình độ, giới hạn về nhận thức … tôi không hiểu vì sao trong điều kiện vật chất nghèo nàn khổ sở họ vẫn duy trì được thói quen giao tiếp ứng xử văn minh. Đó là tôi mạo muội tự so sánh với cư dân một số vùng đồng bằng, thậm chí so với cả dân “thổ đu”. Chỉ đơn cử việc tôi phát quà tặng hàng tuần.

Thường khi tới giờ lễ thì tôi cũng đi đến nơi, rồi bắt đầu soạn đồ. Có lúc do thời tiết hoặc do tôi đi muộn mà nhà thờ tan lễ tôi vẫn chưa bày soạn xong. Vậy là họ đứng chờ. Họ lựa đồ rất nhanh gọn, không xáo trộn thứ tự mà tôi đã mất công gấp xếp. Mà thường họ chỉ lấy 1, 2 món cần dùng. Tôi nói họ có thể lấy thêm thì họ cảm ơn và nói để dành cho người khác. Cũng chỉ có 2, 3 người vô lựa, những người khác đứng chờ đợi gần gần quanh đó (kiểu như xếp hàng). Họ luôn miệng cảm ơn tôi. Chúc tôi nhiều phước lành. Tôi chưa bao giờ phải thấy cảnh nhiều người nhào vô chen chúc giành giật như các clip phát từ thiện trên mạng. Tôi thấy nơi miền núi Tây Nguyên xa xôi nhất, nơi những người dân luôn cần được xã hội quan tâm hỗ trợ, họ vẫn duy trì được đời sống đạo đức tinh thần khá cao trên nền tảng đời sống vật chất thấp kém.

Nhiều người nói với tôi rằng do họ có đức tin, có tình yêu tôn giáo. Nhiều người nói với tôi rằng họ được giáo dục bằng những luật lệ cổ xưa rất riêng của người đồng bào thiểu số. Cũng nhiều người nói với tôi rằng, sống với đất trời, thiên nhiên, rừng núi khiến cho họ vẫn giữ nguyên bản tính người. Nơi lạnh nhất là nơi chỉ toàn là những con tim giá băng vô cảm. Còn ở vùng đất này, đi trong sương gió của buổi sớm miền cao nguyên tôi không hề thấy lạnh. Do vậy làm ơn đừng cố thể hiện với tôi rằng tiền sẽ giúp con người nâng cao phẩm giá sẽ giúp xã hội trở nên văn hóa văn minh chói ngời rực rỡ ngạo nghễ năm châu chấn động địa cầu.

Cô giáo Kiều Thị Giang. (Nguồn: Facebook Kiều Thị Giang)

5. Không phải cứ càng phát triển thì xã hội càng văn minh – Nguồn: Facebook

Đây là một lá “thơ đòi nợ” mà Du Uyên tình cờ thấy trên mạng. Thơ đòi nợ thì có gì tử tế? Không, đọc vô là thấy tử tế, bặt thiệp liền, đòi nợ kiểu này thời nay chắc không còn, có còn thì chắc khó mong được … trả nợ.

Nguyên văn bức thơ:

Thơ đòi nợ (Thơ đòi trả tiền hàng)

Gò-Vấp, ngày…tháng…

Ông Chu-Kiết
(Số…. đường)
Lái-thiêu

Thưa ông: Tháng trước, quí hiệu có mua ba chục thùng xà bông hảo hạng của tôi, đáng giá là hai ngàn năm trăm đồng (2,500đ) và ông có hẹn bữa 30 tây tháng nầy, thì ông tính trả, hết cho tôi. Bây giờ, đã quá nửa tháng rồi mà chưa thấy ông có tiền gởi lại?

Lúc này, bổn hiệu cần dùng một số bạc để trữ mua hàng mà không vốn tiền để xoay chuyển. Vậy xin ông tức tốc gởi trả số bạc đó cho tôi, đặng tôi có tiền tiêu dùng trong việc này. Vài lời.

Chúc ông mạnh khỏe!

Nay thơ
(Đàm-Điền, số… đường… Gò-vấp)

Ngày xưa người ta làm gì cũng lịch sự, kể cả đòi nợ. (Nguồn: Facebook)

6. Không… đồng – Nguồn: Facebook Lê Hữu Tuấn

“Bạn chưa ăn tối, mà trong túi còn ít tiền, đừng lo, mời bạn đến đây dùng tô mì không đồng…”. Thiệt là một câu viết dễ thương mà thiết thực quá trời, đặt trước cổng nhà thờ Mạc Ty Nho trên đường Nguyễn Thị Minh Khai – Quận 1. “Quán mì O đồng” này mở cửa từ 20-21g30 mỗi tối, trừ thứ 7 và CN, không chỉ mì mà còn có phở, hủ tiếu… giúp người lao động ban đêm hay sinh viên, công nhân nghèo đi làm về khuya có một bữa ăn, khi họ không đủ khả năng ghé vào quán xá. Nghe linh mục chánh xứ kể, ý tưởng này hình thành khi tình cờ một buổi tối, Cha bắt gặp hình ảnh một người đàn ông gương mặt khắc khổ, cầm hộp cơm đã nguội lạnh, ngồi ăn một cách mệt mỏi trước cổng nhà thờ, nên chợt nghĩ: “Tại sao mình không giúp những người tương tự có một bữa ăn nóng sốt? Sài Gòn luôn ấm áp hén?” – Hết trích.

Sài Gòn có rất nhiều món mắc mỏ nhưng cũng có vô số kể tấm lòng tử tế 0 đồng, như hôm rồi Du Uyên có đọc được chuyện một cô gái rao bán chiếc xe đạp cũ trên mạng, rồi tới khi nhìn thấy người mua chiếc xe đạp cũ của mình là một shipper (người làm nghề giao hàng) chở con gái đến nhận xe, cô đã thay đổi quyết định, tặng luôn xe cho bé gái mà không lấy đồng nào. Sự tử tế 0 đồng của cô không chỉ làm cô bé và người cha hạnh phúc mà còn làm những người không biết chạy xe như tôi hạnh phúc lây…

Du Uyên
Theo baotreonline.com ngày 11/11/2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*