Từ một sáng kiến, tổ chức thành một chương trình, “Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời” đã cuốn hút những người trong cuộc, những người đã trải qua một giai đoạn lịch sử cực kỳ nghiệt ngã, giữa ranh giới sống – chết, hội tụ lại trong một cách thức đơn sơ cụ thể, để bày tỏ sự tri ân, tưởng nhớ anh linh những người đã góp công và hy sinh cả sinh mạng mình cho quê hương, cho tự do và quyền làm người của người dân Việt.
Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời như một lời tri ân ngập tràn nghĩa tình “huynh đệ chi binh”, như bổn phận phải có của những người may mắn còn sống, và sống lằn lặn sau cuộc chiến; như một bổn phận của những người được thụ hưởng sự tự do, là phải trả cái nghĩa nặng với tình sâu cho những người đã góp một phần thân thể, trở nên “tàn và phế” vì phụng sự quê hương và dân tộc, thì mới hợp với đạo lý làm người.
Quê hương mang nặng nghĩa tình, không chạy theo quan niệm, xu thế của bọn cơ hội điếm đàng vắt chanh bỏ vỏ, nhưng luôn trân trọng sự hy sinh cao cả và thấy đấy là chiến tích của khí phách hào hùng, của những người con dân dâng hiến mình cho vinh quang Đất Việt.
Bao lớp những Anh Hùng “vô danh” đã hy sinh tuổi xuân vì lý tưởng dân chủ, tự do và công bằng, lấy thân xác mình để chứng minh giá trị Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm, với bầu nhiệt huyết sùng sục, sẵn sàng hoà mình vào lòng Đất Mẹ Quê Hương như một sự trả ơn trả nghĩa trọn vẹn nhất, cho niềm tự hào được làm người Việt Nam, cho tương lai của đất nước. Những Thương Phế Binh còn tồn tại hôm nay, chỉ là bề nổi của hàng hàng lớp lớp những thanh niên Đất Việt, mang trong mình khí phách hào hùng ấy.
Bị thanh lọc, bị phân biệt đối xử, bị đầy đọa và nhục mạ trong muôn vàn nỗi khổ nhục suốt gần nửa thế kỷ. Cố sống để mà sống, không hề oán trách, chẳng than thân trách phận, e rằng xúc phạm đến anh linh những đồng đội đã hy sinh nằm xuống.
Lây lất sống qua ngày, nghĩ tưởng những mái nhà ở Vườn Rau Lộc Hưng sẽ là chốn dung thân cùng nhau cho đến hết đời, lúc sức cùng lực kiệt; nghĩ rằng dẫu “bên thắng cuộc” có hắt hủi, kỳ thị và ghét bỏ đến đâu, vẫn còn đó tình người như tia hy vọng cuối cùng, nhưng thói đời hèn hạ… Thế là tan tác những mảnh đời, chằng còn được bên nhau đi nốt cuộc đời.
Người chiến sĩ ấy – Những Thương Phế Binh, ai cũng mang trong mình thời trai trẻ oanh liệt, với những ước mơ và lý tưởng cho riêng mình, với những cống hiến và hy sinh, can đảm sống cuộc sống với những giá trị mình theo đuổi, đã từng sống và bảo vệ những giá trị của tự do và độc lập, của văn minh và tiến bộ, đã góp phần làm nên lịch sử của dân tộc, nay phải cố vượt trên nỗi mặc cảm của “bên thua cuộc”, và sự nhục nhằn của “người bị bỏ rơi”.
Chẳng Còn Được Bên Nhau – Đi Nốt Cuộc Đời, nhưng vẫn còn đấy những sự cảm thông và yêu mến, sự đồng hành và trợ giúp những kiếp sống bị đọa đày với nỗi đau bị ruồng bỏ và sự liên đới luôn dành cho những người nghèo không thể khốn cùng hơn. Tình tương thân tương ái của những người con dân đất Việt cùng chia sẻ những thăng trầm của vận mệnh tổ quốc, sẽ giúp nhau vượt qua khó khăn này để hướng về một tương lai, nhất định sẽ tươi sáng hơn.
Dẫu chẳng còn được Bên Nhau Đi Nốt Cuộc Đời, nhưng bây giờ chính là lúc phải xác tín và chứng tỏ rằng, chúng ta cần có nhau, như lịch sử luôn phải tôn trọng sự thật về sự đóng góp cao cả của những người đã từng bảo vệ những giá trị làm người, chiến đấu cho tổ quốc hy sinh cho quê hương, và luôn hiên ngang là con dân Đất Việt.
Linh mục Giuse Ngô Văn Kha
Be the first to comment