Khi Chủ Tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Hoa Kỳ Ăn Hối Lộ

Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Những cáo buộc một thượng nghị sĩ hàng đầu của Hoa Kỳ hành động bí mật nhằm thúc đẩy lợi ích của Ai Cập trong kế hoạch hối lộ đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa đang cháy âm ỉ trong mối quan hệ đối tác vốn đã căng thẳng giữa Washington và Cairo do xung khắc về nhân quyền ở Ai Cập.

Tia lửa thêm vào đám cháy

Ngày thứ Sáu, Bộ Tư pháp công bố một bản cáo trạng bùng nổ nhằm vào Thượng nghị sĩ Robert Menendez (Dân chủ-New Jersey), chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện và vợ ông, trong những gì mà các công tố viên mô tả là “một thỏa thuận phức tạp, nhận tiền để gây ảnh hưởng”.

Theo các đặc vụ liên bang, các thỏi vàng và hơn $480,000 tiền mặt giấu trong nhà của Menendez ở New Jersey là nhận từ một doanh nhân người Mỹ gốc Ai Cập và các cộng sự để đổi lấy các “đặc ân” có lợi cho chính phủ của Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah El-Sisi. Việc nắm giữ một ủy ban quan trọng đã mang lại cho Menendez quyền lực đặc biệt trong việc bán vũ khí và viện trợ của Hoa Kỳ cho Cairo, trong đó có $1.3 tỷ viện trợ quân sự hàng năm, biến Ai Cập thành một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất của Hoa Kỳ.

Hiện chưa rõ Menendez với tư cách là chủ tịch có tác động đến quyết định của Mỹ về việc bán vũ khí hoặc viện trợ cho Ai Cập không. Bản cáo trạng công bố một tuần sau khi Tổng thống Biden đưa ra quyết định giữ lại hàng triệu đôla viện trợ quân sự để chờ các điều kiện nhân quyền được đáp ứng (nhưng cho phép thanh toán các khoản khác).

Điều đáng lo ngại nhất đối với chính quyền Biden là nếu đúng như bản cáo trạng ghi thì có hàng loạt quan chức Ai Cập giấu tên, một số từ quân đội và cơ quan tình báo, đã tìm kiếm thông tin và gây ảnh hưởng thông qua tương tác trực tiếp với vợ chồng Menendez hoặc các cộng sự của họ. Các cáo buộc xảy ra vào thời điểm nhạy cảm trong mối quan hệ của Mỹ với Trung Đông, khi chính quyền Biden tìm cách tái tập trung sự quan tâm vào Trung Quốc và Nga, đồng thời trấn an các đối tác lo ngại về khoảng trống an ninh sau sự rút lui của Mỹ.

Mua bán ảnh hưởng

Seth Binder, một quan chức của Dự án Dân chủ Trung Đông (Project on Middle East Democracy), lưu ý: “Các cáo buộc nên được quan tâm nghiêm túc dưới góc nhìn rằng, Ai Cập nỗ lực can thiệp vào chính trị Mỹ. Việc xâm nhập vào hệ thống chính trị Hoa Kỳ sẽ không được dung thứ”. Ông kêu gọi Quốc hội hãy đình chỉ số tiền viện trợ đang chờ chuyển giao để chờ “làm rõ hồ sơ nhân quyền của El-Sisi”.

Menendez, người tái đắc cử thượng nghị sĩ sau khi vô hiệu hoá được các tố cáo tham nhũng, phủ nhận làm sai và nói rằng các công tố viên đã xuyên tạc công việc của ông tại Quốc hội. Nhưng theo quy định của Thượng viện, ông buộc phải từ chức chủ tịch ủy ban. Trong bản cáo trạng, có cáo buộc Menendez hứa giúp đỡ duy trì khoản viện trợ và bán vũ khí cho Cairo để đổi lấy việc vợ ông được đưa vào biên chế của một doanh nghiệp do Wael Hana, một người Mỹ gốc Ai Cập làm chủ.

Trong một vụ khác, ông ta bị cáo buộc đã sử dụng ảnh hưởng với Bộ Ngoại giao để có được thông tin nhạy cảm (nhưng chưa được mật hoá) về nhân sự tại Đại sứ quán Mỹ ở Cairo (thông tin này được vợ ông chuyển cho Hana và đến chính phủ Ai Cập).

Trong một trường hợp khác, Menendez bị tố cáo giúp một quan chức Ai Cập viết một lá thư gửi đến các thượng nghị sĩ Mỹ yêu cầu giải ngân các khoản viện trợ. Menendez là một trong số nhà lập pháp lưỡng đảng đã gặp El-Sisi trong chuyến thăm Ai Cập vào cuối Tháng Tám. Mai El-Sadany thuộc Viện chính sách Trung Đông Tahrir có trụ sở tại Washington đã nhắc lại những nỗ lực trước đó của chính phủ Ai Cập nhằm mở rộng ảnh hưởng ở Hoa Kỳ. Tháng Một 2022, FBI đã buộc một người đàn ông Mỹ gốc Ai Cập tội do thám những người phản đối Sisi đang sống ở Hoa Kỳ.

Tiền Mỹ không đủ phục hồi nhân quyền

Đối với Sisi, một cựu tướng lĩnh nắm quyền trong cuộc đảo chính quân sự năm 2013, việc đảm bảo tiếp tục nhận được viện trợ của Mỹ là rất quan trọng. Ai Cập đang trải qua một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn với lạm phát kỷ lục làm cử tri bất mãn, khi El-Sisi chuẩn bị tái tranh cử trong vài tháng tới.

Ông và giới quân sự hiện vẫn nắm quyền lực lớn. Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức vào năm 2021, Sisi đã có một số bước đi nhỏ để làm đẹp hình ảnh của mình, kể cả ân xá cho một số tù chính trị cấp cao và tổ chức cuộc đối thoại quốc gia. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền xem các biện pháp này chỉ là để kiểm soát chặt chẽ hơn nữa những người chỉ trích chính phủ.

Theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), hàng chục ngàn tù nhân “bị giam giữ bất công” vẫn ở sau song sắt và có rất nhiều báo cáo về tra tấn. Ủy ban Quyền và Tự do Ai Cập (Egyptian Commission for Rights and Freedoms), một nhóm nhân quyền có trụ sở tại Cairo, nói với tờ Washington Post rằng, các vụ bắt giữ vì lý do chính trị vẫn vượt xa việc thả tù nhân chính trị.

Chỉ hai ngày sau Mỹ công bố tạm ngưng viện trợ quân sự cho Ai Cập, lãnh đạo phe đối lập nổi tiếng Hisham Kassem đã bị kết án sáu tháng tù vì các tội danh mà các nhóm nhân quyền chỉ trích là giả mạo. Trong khi tầm quan trọng tương đối của Ai Cập trong chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã giảm, quốc gia này vẫn tiếp tục chiếm một vai trò quan trọng trong mối quan hệ của Mỹ với khu vực.

Ai Cập có ảnh hưởng lớn tại Dải Gaza, ưu tiên an ninh hàng đầu của Israel, đồng minh Mỹ. Đôi khi, Washington và Cairo đứng ở hai phía trong các vấn đề toàn cầu (như ở Libya, nơi Ai Cập ủng hộ nhà độc tài Khalifa Hifter trong nhiều năm). Về cuộc xâm lược Ukraine của Nga, một vụ rò rỉ thông tin tình báo lớn hồi đầu năm nay đã làm sáng tỏ một mối lo được dự báo trước: El-Sisi đã lên kế hoạch bí mật cung cấp hoả tiễn cho Nga! Các quan chức Mỹ phải can thiệp để ông cung cấp vũ khí cho Ukraine – dẫn lại từ The Washington Post.

Lê Tây Sơn
Theo Saigon Nhỏ ngày 23 tháng 9, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*