“Du Ét Ây Mép.” (Hình minh hoạ: FB Đào Hiếu)
Trước khi đọc bài này, mời quý vị nhìn vào tấm hình minh họa đính kèm.
Quý vị sẽ sửng sốt vì không biết nó là cái quái gì. Rồi quý vị sẽ bò lăn mà cười khi nhận ra đó là bản đồ nước Mỹ, nhưng lại được gọi là “Du Ét Ây Mép”. Rồi một loạt các địa danh như “Cu Xơ Bây”, “Lốt An Giơ Lét”, “Xôn Lếch Xiti”, “Phre xnô…”
Quý vị sẽ tự hỏi: Tại sao lại như vậy?
Chắc chắn không phải là do người vẽ bản đồ không biết tiếng Anh? Vì ở Việt Nam chỉ có nhà xuất bản của nhà nước mới được quyền in bản đồ. Mà trong nhà xuất bản thì thiếu chi người biết tiếng Anh, họ còn biết nhiều thứ tiếng khác nữa ấy chứ! Vậy tại sao lại có con quái vật Du Ét Ây Mép xuất hiện như thế?
Xin thưa: Vì đó là chủ trương “Việt hóa” các danh xưng ngoại quốc của nhà nước. Chủ trương này có từ khi mới thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Chủ trương ấy làm quý vị khó chịu phải không? OK. Chính tôi cũng vô cùng khó chịu. Và bản thân tôi, từng viết vài ba chục cuốn sách, hàng trăm bài báo, cũng không bao giờ viết cái kiểu ấy..
Nhưng thực ra chủ trương ấy không phải là “đặc sản” của Việt Nam, mà gần như hầu hết các quốc gia trên thế giới đều làm như vậy.
Bạn không tin? Vậy tôi xin ví dụ:
– Thủ đô nước Anh là London nhưng người Pháp lại thích viết là Londres. Và họ cũng đọc như vậy. Còn người Việt thì đọc theo phiên âm của Tàu là Luân Đôn.
– Người Tây Ban Nha gọi nước họ là España [esˈpaɲa], nhưng Mỹ nó không gọi như vậy đâu. Nó gọi là Spain. Còn Pháp thì đọc và viết là Espagne.
– Người Nga gọi thủ đô của mình là MockBa, nhưng Mỹ thích gọi là Moscow, Pháp thì viết Moscou, Đức thì Moskau. Chưa kể anh ba Tàu phiên âm thành Mạc Tư Khoa. Còn dân Giao Chỉ thì gọi là Mát-xcơva.
Cho nên nếu như Việt Nam có “Việt hóa” Australia thành “Ô-xtrây-li-a” thì chớ vội chê họ dốt. Họ chỉ thực hiện chủ trương của nhà nước. Và trên thế giới người ta đều làm vậy cả.
Nhưng vấn đề không dừng lại ở đó.
Bởi vì, cho dù anh biện bạch cỡ nào thì cũng không ai có thể chấp nhận cách phiên âm kiểu như “Du Ét Ây Mép” được, bởi vì nó rất quái đản.
Hiện nay có mấy ý kiến về “quốc ngữ hóa” như sau:
1/ “Quốc ngữ hóa” các danh xưng ngoại quốc là chuyện bình thường vì hầu hết các nước trên thế giới đều làm như vậy.
2/ Đối với các ngôn ngữ viết bằng mẫu tự La-tinh như Anh, Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Đức… thì các danh xưng nên giữ nguyên gốc (hoặc viết theo cách phiên âm của người Anh). Ví dụ: Paris, London, Washington, Berlin, Madrid, Barcelona, Roma… Lý do: Việt Nam cũng dùng mẫu tự La-tinh như họ.
3/ Đối với các ngôn ngữ không dùng mẫu tự La-tinh như Nga, Trung Quốc, Ả Rập, Campuchia, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì nên viết theo cách phiên âm của Anh. Ví dụ: Moscow, Iraq, Tehran, Tokyo, Seoul, Phnom-Penh… chứ không theo cái lối ráp vần tiếng Việt như “Ô-xtrây-li-a.”
4/ Đối với những danh xưng đã quá quen thuộc với người Việt thì giữ nguyên như cũ. Ví dụ như: Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Tây Ban Nha, Hy Lạp, La Lan, Tiệp Khắc v.v…
Kết luận
– Các danh xưng có nguồn gốc tiếng Anh, Pháp thì nên giữ nguyên (vì chữ viết của ta cũng xài mẫu tự La-tinh như họ).
– Các danh xưng (dù là ngôn ngữ nước nào) đã trở nên quen thuộc lâu năm trong xã hội thì nên giữ nguyên như cũ.
– Vì chúng ta không thể biết hàng trăm thứ chữ viết trên thế giới (ví dụ như Iraq, Lào, Nga, Congo, Nigêria…) nên không thể viết theo họ, mà đành phải viết theo lối phiên âm của người Anh vì tiếng Anh thông dụng khắp thế giới.
Đào Hiếu
Ngày 14/3/2021
Be the first to comment