“Ba Chị Em Là Ba Miền, Nhưng Niềm Thương Đem Nối Liền”…

Bìa gốc trường ca “Hội trùng dương”

Trong các bài trường ca của nền tân nhạc, có hai tác phẩm lớn nói về tình yêu quê hương, đất nước được nhiều người yêu mến. Đó là trường ca “Con Đường Cái Quan” của Phạm Duy và trường ca “Hội Trùng Dương” của Phạm Đình Chương. Với Phạm Đình Chương, ông đã bỏ ra bốn năm để hoàn thành trường ca này, điều đó cho thấy tâm huyết, công phu của nhạc sĩ để có tác phẩm lưu dấu trong lòng người nghe. Trường ca gồm một đoạn mở đầu và ba phiên khúc mang tên ba dòng sông tiêu biểu cho ba miền của đất nước: sông Hồng, sông Hương sông Cửu Long. Tâm tình của ba dòng sông được tác giả biểu tượng hóa bằng tâm tình của ba thiếu nữ, mỗi người một tâm tình riêng nhưng đều tổng hòa thành tiếng lòng chung của dân tộc, tiếng lòng từ triệu con dân của một đất nước gấm hoa.

Mở đầu cho tiếng lòng đó chính là giai điệu kiêu hãnh của ba dòng sông vượt qua bao đèo cao dốc thẳm để về hội ngộ trong lòng biển Đông bao la. Nhịp điệu khoan thai, vững chải và giai điệu đầy chất hùng hồn, mênh mang của lời biển gọi:

“Trùng dương! Chốn đây ngàn phương
Có ba dòng sông cuốn xuôi biển Đông
Nhắc câu chờ mong.
Về khơi, sóng muôn triền tới
Nước non buồn vui
Đây hội trùng dương đầy vơi.
Sóng muôn triền tới, sóng xô về khơi
Như muôn tình mới
Vươn sức người bừng giữa đời”.

Giai điệu xô đẩy đầy phấn chấn trong cung Do trưởng mở ra một khung trời tươi sáng cho bức tranh sinh động của cuộc đấu tranh sinh tồn của người dân Việt trên dòng chảy lịch sử.

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương (1929-1991) – Nhạc sĩ Phạm Duy (1921-2013)

Nếu ở “Con Đường Cái Quan”, Phạm Duy hóa thân thành người lữ khách trả lời câu hỏi của một thôn nữ rằng: “Tôi đi từ ải Nam Quan/ Sau vài ngàn năm lẻ… Đi trong lịch sử dân ta/ Luống nghẹn ngào”… thì với Phạm Đình Chương, ông đi thẳng vào tâm sự của dòng sông miền Bắc: “Tiếng sông Hồng”. Nơi đây những người dân của buổi đầu sơ khai ấy trải qua ngàn năm lịch sử mang nỗi niềm trông cậy và nương tựa vào nhau vượt qua bao gian nan, thử thách cũng như kiên cường chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm để giữ nước, xây dựng cuộc sống thanh bình. Giai điệu ở đây mang tính chất kể lể trong cung Do thứ nhẹ nhàng, nhưng rồi kết thúc đoạn đầu này tác giả cho giai điệu trở lại cung Do trưởng để diễn tả niềm tin mạnh mẽ của cộng đồng dân tộc:

“Chiều nay nước xuôi dòng đại dương
Có em tên sông Hồng
Dâng sóng tuôn trên nguồn
Vẩn vơ nắng quái vương trên phù sa
Có những cô thôn mờ xa
Đón bầy dân đánh cá.
Về đây trai gái sống vui một miền
Quanh năm anh cuốc em liềm
Vun xới ruộng mùa lúa chiêm”.

Niềm tin yêu vừa được nhen nhúm nhưng tiếp đó là hơi thở của cuộc sống dãi dầu mưa nắng, giai điệu trở về cung Do thứ:

Từ thượng du nước trôi về trung châu
Ấp ôm đồng ruộng sâu
Bên người áo nâu dãi dầu.

Niềm tin đầy ắp đó đã đem lại cho người dân buổi đầu ấy tâm trạng tươi vui, khoái hoạt để rồi mơ ước một tương lai tươi đẹp. Nhạc sĩ đã nhân cách hóa dòng sông là cô thiếu nữ nằm gối đầu trên thượng nguồn và tóc nàng trải thành bãi cát dài khi về đến miền trung du. Dòng sông uốn lượn nuôi sống bao nhiêu thế hệ biết cần lao trên ruộng đồng, và cũng biết đổ máu để giữ gìn bờ cõi. Giai điệu mang chút âm hưởng nhạc ngữ dân tộc nhưng pha trộn với nhạc thuật Tây phương làm cho nét nhạc tân kỳ hơn. Tiết tấu dồn dập, rộn rã trở lại và nghe ra hùng hồn hơn:

Hò ơi! Gối đầu trên Lào Cai, Việt Trì
Em nằm tóc xõa bãi cát dài
Thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây.
Hò ơi! Nhớ ngày nao
Dân chúng lên đường
Đem thịt xương ngăn giữ nương đồng
Đem hy sinh thắm tô sông Hồng.

Sau chiến chinh tao loạn, người dân Việt mơ ước một ngày tươi sáng, non sông chói ngời ánh vinh quang, trút bỏ mọi đau thương để duyên tình được chắp nối:

Nằm mơ xuân vinh quang
Trở về cho non sông
Và ngày nao nơi nơi
Trút sạch buồn thương
Là ngày em mơ duyên người lập công.

Nghe hết “Tiếng sông Hồng”, tác giả dẫn đưa ta vào miền Trung để nghe cô gái Huế xưng tên rồi buông lời than thở. Câu nhạc mở đầu “Tiếng sông Hương” nghe nhẹ nhàng như lời gió vi vu, thoảng câu hò man mác trên sông. Giai điệu chạy trên ngũ cung hơi ai xứ Huế (do, re non, fa già, sol, la non):

Miền Trung vọng tiếng
Em xinh em bé tên là Hương Giang
Đêm đêm khua ánh trăng vàng mà than.

Sao nàng lại than thở. Vì cớ chi mà nên nỗi?

Hò ơi! Phiên Đông Ba buồn qua cửa chợ
Bến Văn Lâu thuyền vó đơm sầu.
Ơi hò! Ơi hò!

À ra rứa. Em buồn từ cửa chợ, em sầu từ bến sông, buồn từ trong câu hò xuôi mái trên dòng sông Hương cổ kính đượm tình. Câu hò là lời tự sự của cô gái quê sống cuộc đời mưa nắng trong cảnh nghèo khổ, đau thương. Giai điệu của đoạn nhạc xen kẽ giữa hai loại ngũ cung do, re, fa, sol, la và ngũ cung re, mi, sol, la, si với tiết tấu khoan thai nghe thật áo não:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi
Mùa đông thiếu áo hè thời thiếu ăn
Trời rằng trời hành cơn lụt mỗi năm, à ơi
Khiến đau thương thấm tràn
Ngập Thuận An để lan biển khơi
Ơi hò ơi hò.

Dường như trong tâm thức người Việt, mỗi lần nhắc đến xứ Huế, nhắc đến miền Trung thì tự dưng ai cũng nghĩ đến sự nghèo khổ, đau thương, nhất là xứ sở này trải qua mấy mùa chinh chiến:

“Người đi trên đống tro tàn
Thương em, nhớ mẹ hương vàng về đâu
Chiều khô nước mắt rưng sầu

Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi”…

(Phạm Duy, Về miền Trung)

Sau lời tự sự buồn bã là tâm trạng hân hoan, giai điệu trở lại rộn ràng, dồn dập như đoạn điệp khúc của bài Tiếng sông Hồng kể trên:

“Hò ơi! Ai là qua là thôn vắng
Nghe sầu như mùa mưa nắng
Cùng em xót dân lều tranh chiếu manh.
Hò ơi! Bao giờ máu xương hết tuôn tràn
Quê miền Trung thôi kiếp điêu tàn
Cho em vang khúc ca nồng nàn”. 

Trong đoạn nhạc này, tác giả đã sử dụng thổ ngữ xứ Huế một cách rành rẽ. Các từ dấu sắc, hỏi, ngã: ánh (trăng vàng), bến (Văn Lâu), lắm (nghèo lắm), mỗi (năm), vắng (ai qua thôn vắng), nắng (mùa mưa nắng)… thay vì cao hơn dấu thanh ngang thì tác giả đã ký âm bằng những nốt nhạc ở âm vực thấp hơn, nghe như là dấu nặng, diễn tả được âm sắc của giọng nói xứ Huế.. Như vậy điệu hò mang tính địa phương đã được nhạc sĩ đưa vào bài hát thật thuần thục và tài tình.

Sau chiến tranh với bao cảnh tang thương, giờ đây mọi người chờ giây phút đoàn viên. Đó là môtip dễ tìm thấy trong thơ và nhạc:

“Giọt mưa trên lá nước mắt mẹ già
Lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá.
Giọt mưa trên lá nước mắt mặn mà
Thiếu nữ mừng vì tan chiến tranh chồng về”…

(Phạm Duy, Giọt mưa trên lá)

Ở đây nhạc sĩ Phạm Đình Chương cũng sử dụng môtip này để kết thúc phần 2 mang đậm ngôn ngữ dân gian của địa phương, đồng thời vẽ nên cảnh yên vui trong niềm hân hoan với giọt lệ mừng:

Ngày vui, tan đao binh
Mẹ bồng con sơ sinh. Chiều đầu xóm
Xôn xao đón người trường chinh
Ngậm ngùi hân hoan tiếng cười đoàn viên.

Rời đất miền Trung, ta cũng nghe lời gió vội vàng, tưởng như lời chào mừng của người dân hiếu khách, thân thiện của miền đất phương Nam. Âm nhạc có giai điệu mạnh mẽ, khỏe khoắn, tươi mới hơn. Trong bài Tiếng Cửu Long, đoạn mở đầu và kết thúc tác giả sử dụng thuần nhất nhạc thuật Tây phương với cung Do trưởng để ta cảm nhận giai điệu vui tươi và tiết tấu dồn dập:

Ô! ồ! ô! Đây miền Nam
Nước sông dâng cao cá lội ngù ngờ
Nước xanh xanh lơ bóng in cây dừa.
Về về đây miền Đồng Nai có Cửu Long
Cuồn chảy dâng trời Nam mạch sống.

Đến đây tác giả sử dụng lối chuyển cung rất đặc sắc, từ cung do trưởng về mib trưởng và sib trưởng rồi một câu chuyển đoạn nhẹ nhàng và tài tình để dẫn về cung do trưởng như trước. Nét nhạc bỗng sáng lên, thanh thoát, tươi vui diễn tả cuộc sống no đầy ở vùng đất cuối cùng của đất nước.

Một sáng em ra khơi
Vĩnh Long vui cười
Và Cần Thơ, Long Xuyên
Lừng hương cau lúa chín
Đời vươn lên thuyền ghé bến
Sống no nê dân quê một miền
Kìa nắng thương dân đây
Nắng khô đồng lầy
Chiều tới. Ô ô ô ô… Ô ô ô ô…
Hò lơ hò lờ hò. Hò lơ!

Tiếp nối câu trên, tác giả không quên cho giai điệu ra khỏi nét nhạc Tây phương bằng cách đưa vào một câu hò miền Nam; các nốt nhạc chạy trên ngũ cung hơi Nam giọng oán (do, mi, fa, sol, la) để thay đổi, làm đầy màu sắc cho phiên khúc này:

Chẻ tre bện sáo ơ cho dầy
Ngăn ngang ơ ơ sông Mỹ ơ ơ
Có ngày… gặp em.

Trong điệp khúc của bài Tiếng Cửu Long, tác giả cho ba dòng sông cùng lên tiếng, đó là tiếng lòng của ba chị em ở ba miền nhưng cũng là tiếng lòng của người dân Việt: bày tỏ niềm tin yêu vào đất nước toàn vẹn trong tự do và mãi mãi vinh quang bên bờ biển Đông:

Ô! ồ! ô! Ra biển khơi.
Trùng dương! Ba chị em là ba miền
Nhưng tình thương đem nối liền
Gặp nhau ven trời biển Đông thắm duyên
Hẹn nhau pha hòa sóng lan bốn phương trời
Vang dội tiếng tranh đấu bao người
Cho quê hương ấm no muôn đời.
Giờ đây bao tâm tư, rộn ràng như câu thơ
Hội Trùng Dương tay tay siết chặt cùng hô
Dựng mùa vinh quang hoa đời tự do.

Kết thúc trường ca, tác giả viết thêm câu coda nghiêm trang, khoáng đạt:

Lời quê hương! Hội Trùng Dương! 

* * *

Năm 1954, hiệp định Genève được ký kết. Nếu các nhà chính trị toan tính, đang tâm chia đôi đất nước, ngăn cách sơn hà, chia rẽ lòng dân thì người nghệ sĩ lại đem cảm xúc viết thành những bài ca dạt dào buồn thương. Dòng sông Bến Hải từ đây như một vết chém ngang lưng trên thân thể Mẹ Việt Nam khiến dòng máu của mẹ ròng rã chảy suốt 20 năm dài. Biết bao nhạc sĩ đã than van giữa một trời máu lệ:

Hận sầu ly hương ai đem đất nước
Chia cắt đôi nơi, sông núi chia phôi…  

(Đan Thọ & Xuân Tiên, Xa quê hương)

Đôi hàng lệ nhỏ chứa chan
Vì đâu người Bắc kẻ Nam đôi đường…

(Hoàng Trọng, Chiều mưa nhớ Bắc)

Bên kia sông ai nỡ cắt đôi đường
Gieo rắc mối u buồn, tìm đâu tình cố hương…

(Anh Hoa, Hận ly hương)

Cất bước đi bao người như sầu nhớ
Xa quê vì nước chia đôi bờ…
(Phó Quốc Lân, Xuân ly hương)

Nhạc sĩ Phạm Đình Chương và nhạc sĩ Phạm Duy cũng vậy. Phạm Đình Chương hoàn thành trường ca Hội Trùng Dương vào năm 1954 và Phạm Duy cũng soạn xong phần đầu trường ca Con Đường Cái Quan cũng vào năm đó tại Pháp. Rõ ràng đây là những tiếng nói bày tỏ nỗi lòng của người nghệ sĩ để phản kháng việc chia cắt đất nước. Trong tâm thức của người nhạc sĩ, non sông gấm hoa hình chữ S là một chỉnh thể không thể cắt rời, đó là hình ảnh đất nước nghìn đời, bên cạnh nét đẹp truyền thống thương yêu, đùm bọc lẫn nhau của mọi người con dân nước Việt…

Giữa cơn ba đào của lịch sử, hai bài trường ca của Phạm Đình Chương và Phạm Duy nói lên được ước mơ chấm dứt cuộc phân ly, ước mơ non sông liền một dải, là đất mẹ hội tụ trăm con theo huyền sử Việt tộc. Điều mà người nghệ sĩ muốn dẫn lối lịch sử, đó chỉ còn là con đường của tình thương, của lòng nhân ái. Giữa lúc mọi con dân đang nghĩ đến chữ “hai miền” thì Phạm Đình Chương khẳng định: “Ba chị em là ba miền/ Nhưng tình thương đem nối liền” và Phạm Duy cất vang tiếng hát: “Việt Nam không đòi xương máu/ Việt Nam kêu gọi thương nhau/ Tình yêu đây là khí giới/ Tình thương đem về muôn nơi…”. Phải chăng đó là giá trị tư tưởng cao đep còn hơn cả giá trị nghệ thuật của tác phẩm? Những giai điệu đó như một thứ trầm hương thơm tho còn bay mãi trên sông núi và làm thức tỉnh những con tim ghẻ lạnh còn nuôi mãi hận thù và chia rẽ?

Nguyễn Phú Yên

Nghe trường ca “Hội Trùng Dương” của nhạc sĩ Phạm Đình Chương qua tiếng hát Thái Thanh:

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2023/08/nguyen-phu-yen-ba-chi-em-la-ba-mien.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*