Tôi Không Thể Không… Khoe !

Các bạn thân mến,

Sáng hôm nay, tôi do dự không muốn post bài này, vì sợ có người nói này nói nọ, sợ có người nói: “Ông cha Lễ này “bu-xịt” (khoe khoang, khoác lác), mang chuyện riêng tư ra khoe!”

Nhưng cuối cùng tôi quyết định phải post lên cái tin “CỰC VUI” mà tôi vừa nhận chiều tối hôm qua, và suốt đêm rồi tôi không ngủ được vì nó! Đó là cái tin gì, tôi sẽ nói dưới đây.

Nhớ lại có một lần cách nay… 66 năm, chính xác là năm 1957, tôi cũng đã bị mất ăn mất ngủ và nôn nao cùng cực vì một cái tin ”CỰC LỚN” là tôi được đi SÀI GÒN lần đầu tiên lúc 14 tuổi. Việc này tôi có ghi lại trong Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG ở Chương 2 với tựa đề: “BIẾN CỐ VĨ ĐẠI: ĐI SÀI GÒN”. Thật vậy, với một đứa trẻ con nhà nông sống ở vùng quê hẻo lánh như tôi mà được đi SÀI GÒN lúc 14 tuổi, là một biến cố … nằm mơ cũng không thấy.

Lần đó tôi đã chạy đi khoe với tất cả mấy đứa bạn chăn trâu ở làng trên xóm dưới, cái tin chỉ có 6 chữ này: “Ngày Mai Tao Đi Sài Gòn!” Cái “BIẾN CỐ VĨ ĐẠI: ĐI SÀI GÒN” đó là biến cố lớn nhất trong đời tôi từ 66 năm, cho tới chiều tối hôm qua, khi tôi đọc được Lá Thư về một cái tin tôi nghĩ là phải … KHOE với các bạn trong bài này.

Thực tình mà nói, trong đời tôi không có gì đáng để mà khoe với ai cả. Tôi sinh ra và lớn lên trong gia đình nông dân ở một vùng quê có tên là Bưng Trường trong quận Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Chỉ nghe 2 tiếng “Bưng Trường”, đã biết nơi đó là quê mùa rồi. Vì là đứa bé con nhà nông nên khi lên 7 tuổi (năm 1950), tôi trở thành cậu bé chăn trâu “không chuyên nghiệp” cho tới năm 17 tuổi. Chăn trâu “không chuyên nghiệp” nghĩa là vừa chăn trâu vừa đi học. Đến năm 1962, tôi học xong ban Tú tài lúc 19 tuổi.

Khi đứng trước ngưỡng cửa tương lai, tôi chọn con đường làm linh mục. Sau 2 năm học ở Chủng viện Vĩnh Long và 7 năm ở Đại Chủng Viện SÀI GÒN, tôi thụ phong Linh mục vào năm 1970, lúc 27 tuổi.

Tôi phục vụ trong 4 giáo xứ thuộc Giáo phận Vĩnh Long cho tới ngày cộng sản đánh cướp được miền Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Tôi bị cộng sản bắt vô tù suốt 13 năm. Ra tù vào năm 1988, chỉ 5 tháng sau tôi vượt biên qua Thái Lan. Sau 2 năm ở trại tị nạn, tôi được vị Giám mục Giáo Phận Auckland, New Zealand mời qua làm việc tại New Zealand từ năm 1990, lúc tôi đã 47 tuổi. Tới năm 2020 tôi xin nghỉ hưu. Hiện tôi vẫn đang sống tại Auckland.

Các bạn thấy đó, cả cuộc đời tôi cho tới lúc này chỉ gói gọn trong 11 hàng chữ nói trên, có gì đáng để mà … khoe?!

Dù vậy có điều đáng nói là sau khi tới New Zealand, tôi bắt đầu đi học sử dụng căn bản về computer và đầu năm 1993, tôi bắt đầu viết cuốn Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG. Phải mất thời gian 10 năm tôi mới hoàn thành cuốn Bút Ký này. Năm 2003, Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG được ra mắt lần đầu tiên tại Hoa Kỳ và nhanh chống trở thành: “CUỐN SÁCH BÁN CHẠY NHẤT TRONG LỊCH SỬ VĂN HỌC VIỆT NAM HẢI NGOẠI” (Cố Ký Giả HUY PHƯƠNG). Hiện nay Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG đã được tái bản 3 lần và đang được phổ biến rộng rải trên các trang mạng thông tin như YouTube, Facebook…

Đến đây chắc có bạn hỏi, vậy cái tin “CỰC VUI” mà tôi vừa nhận chiều tối hôm qua, và suốt đêm rồi tôi không ngủ được. Đó là cái tin gì? Vâng, tôi xin nói ngay.

Sau khi Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG được phổ biến thật rộng rãi cho đọc giả và thính giả VIỆT NAM, tôi nhận thấy có nhu cầu giới thiệu Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG tới những người sử dụng tiếng Anh. Từ 15 năm qua Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG đã dược dịch sang Anh Ngữ. Đây là công việc nặng nề và phức tạp.

Trải qua hơn 15 năm, với sự cộng tác của nhiều người, tới năm 2021, một bản dịch Anh ngữ tương đối hoàn hảo với tên: “I MUST LIVE!” ra đời. Dù vậy việc tiếp cận với những NHÀ XUẤT BẢN lớn trên thế giới để xuất bản cuốn sách là một trở ngại lớn, vì cá nhân tôi và các người cộng tác không có kinh nghiệm trong lãnh vực này.

Vận may đến bất ngờ khi một Nữ Tu người New Zealand và một bà giáo sư ngôn ngữ học người Mỹ là Bà Barbara Thomson tới thăm tôi vào năm 2021. Bà Barbara Thomson cho biết rất ”impressed” (thích thú) với thủ bản ”I MUST LIVE!” do một người bạn tặng và muốn hợp tác để đưa “I MUST LIVE!” đi xa hơn vào thế giới của tiếng Anh. Bà Barbara hiểu biết rộng trong ngành xuất bản sách và có liên hệ với nhiều Nhà Xuất Bản danh tiếng hàng đầu trên thế giới, trong đó có Nhà Xuất Bản AUSTIN MACAULEY PUBLISHERS, một Nhà Xuất Bản thuộc hàng đầu ở Anh Quốc. Sau gần nửa năm trao đổi qua lại cuối cùng “I MUST LIVE!” đã tìm đươc đúng nơi cần đến.

Một bản Hơp Đồng dài 12 trang được ký giữa tác giả và AUSTIN MACAULEY PUBLISHERS vào tháng 2 năm 2022. Theo đó “I MUST LIVE!” sẽ được phát hành trên toàn thế giới vào cuối năm 2022. Thời gian đó, chúng tôi vẫn tiếp tục hoàn chỉnh bản thảo.

Vào tháng 10 năm 2022, tôi có nhu cầu phải trở lại Hoa Kỳ, bất ngờ trên đường về New Zealand vào đầu tháng 12, tôi bị trở ngại về sức khoẻ và phải nằm bệnh viện Auckland một thời gian khá lâu. Công việc xuất bản “I MUST LIVE!” phải hoãn lại.

Đây là cái rủi, nhưng lại có cái may!

Thời gian hoãn lại đó, thật vô cùng may mắn, có người tôi quen ở Houston đọc bản thảo “I MUST LIVE!”, tỏ ra rất thích thú và cô là “bậc thầy” về văn phạm và ngữ pháp tiếng Anh! Cô TL (cô không muốn để tên) đã để ra hàng tháng trời để đọc, đề nghị và sửa chữa từng chi tiết bản thảo “I MUST LIVE!”. Và đây là bản thảo mà tôi gọi là: “Không thể hoàn hảo hơn được nữa!”

Chúng tôi gởi bản thảo này lại cho AUSTIN MACAULEY PUBLISHERS và cuối cùng Nhà Xuất bản quyết định phát hành “I MUST LIVE!” trên toàn thế giới vào ngày 18 tháng 8 năm 2023. (Còn 14 ngày nữa!)

Chiều hôm qua, Nhà Xuất Bản AUSTIN MACAULEY PUBLISHERS thông báo cho tôi tin này: “I MUST LIVE!” đã được đưa lên các nơi và nền tảng bán sách… trên toàn thế giới, đặc biệt là trên AMAZON để đọc giả tiếng Anh có thể đặt mua sách trước ngày chính thức phát hành, là 18 tháng 8 năm 2023!

Các bạn thân mến,

Từ lâu rồi, tôi vẫn có một ước mơ, đó là muốn lưu lại trên đời một điều gì đó có ý nghĩa sau khi tôi lìa khỏi trần thế. Điều mà tôi ôm ấp và theo đuổi trong suốt 40 năm qua, đó là sự chào đời của “I MUST LIVE!”, Ấn bản tiếng Anh của Bút Ký TÔI PHẢI SỐNG.

NHƯ VẬY LÀ GIẤC MỘNG CỦA TÔI ĐÃ CHÍNH THỨC TRỞ THÀNH SỰ THẬT KỂ TỪ TỐI HÔM QUA!

CON XIN TẠ ƠN CHÚA! TẠ ƠN CUỘC ĐỜI! TẠ ƠN TẤT CẢ NHỮNG NGƯỜI ĐÃ GÓP CÔNG SỨC CHO SỰ RA ĐỜI CỦA “I MUST LIVE!” ĐỨA CON TÔI MANG NẶNG TRONG LÒNG TỪ 20 NĂM QUA.

Đây chính là lý do tôi viết bài này để… KHOE với các bạn.

Thân ái,
Auckland, New Zealand
Ngày 4 tháng 8 năm 2023
Linh mục: NGUYỄN HỮU LỄ

(Trích FB của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ)

* * *

(Bài giới thiệu tác phẩm TÔI PHẢI SỐNG của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ năm 2003)

Năm 2003 hồi-ký Tôi Phải Sống của linh-mục Nguyễn Hữu Lễ thuộc một giáo xứ ở Tân-Tây-Lan nhưng xuất-bản tại Hoa-Kỳ và được tái-bản nhiều lần sau đó. Cuốn hồi-ký này được viết ra để tố cáo chế độ tù cải tạo của cộng-sản Hà-Nội đồng thời vạch mặt những kẻ đồng tù hai lòng làm tay sai và đàn áp với đủ thứ bạo lực bất-nhân tàn-bạo đến gây nên cái chết của nhiều đồng tù. Được viết bằng chính mạng sống và kinh nghiệm khốn khổ của tác-giả. Với tác-phẩm này, tác-giả đã kể lại con đường tìm ra lẽ sống của ông, một cựu tù nhân 13 năm “cải tạo” và hiện năng động trong việc vận động cho một nước Việt Nam tự do, dân chủ, tôn trọng nhân-quyền và tự do tôn giáo.

Từ trong nhà tù cải tạo đó, cha Lễ đã nhận ra “vai trò của một linh mục thật vô cùng cần thiết để mang lại tình thương và niềm hy vọng trong khung cảnh mà hai thứ giá trị này rất hiếm, nếu không muốn nói là không có. Chính tình yêu và niềm hy vọng của chân lý Phúc Âm đã cho tôi điểm tựa và tôi chia sẻ hồng ân này với các bạn tù mà tôi có dịp sống chung. Tôi nghĩ rằng, trong môi trường tù ngục đọa đầy đó, tôi đã sống sứ mệnh linh mục có nhiều kết quả hơn sáu năm trước ngày tôi vào tù… Hơn nữa, qua biến cố xảy ra tưởng như vô tình, nhưng sau này, tôi nhận ra đó chính là sự quan phòng của Thiên Chúa, và tôi luôn nghĩ rằng, trong hết mọi hoàn cảnh, luôn có bàn tay Thiên Chúa che chở cuộc đời tôi” (tr. 595).

Lần khác, khi 28 anh em linh mục được thả về mà tác giả phải ở lại một mình; ngay giây phút đó, tác giả có cảm giác bị bỏ rơi với nỗi cô đơn tuyệt vọng quá xót xa thân phận mình. Nhưng “qua sáng ngày, tôi cảm thấy mình đã trở nên một con người khác” khi nhận ra tiếng Chúa: “Cha muốn con tiếp tục ở lại đây với những tù nhân khốn khổ còn lại, để con yêu thương, an ủi, giúp đỡ và chia xẻ đời con với họ…” (tr. 552).

Thật vậy, khi đã ở tận Đáy Địa Ngục mà còn bị dồn bức trực diện với cái chết phi lý, với con người mất nhân tính, tác-giả đã hét lên ba đợt ba tiếng “Tôi Phải Sống… Tôi Phải Sống… Tôi Phải Sống…” (tr. 442), rồi sau đó là hơn 15 năm vừa suy nghĩ vừa vận động tranh đấu cho con người được sống và được lên tiếng!

Đã hơn một lần, tác-giả đã khảng định rằng: “Không bao giờ oán trách con người, không bao giờ thù hận con người, không bao giờ tiêu diệt con người, nhưng phải bằng mọi cách loại bỏ bất cứ chế độ xấu xa nào đã khuyến khích và dung dưỡng sự hận thù giữa người với người, và thay vào đó một xã hội lành mạnh để con người được phát triển phần Lương Thiện của mình” (tr. 598). “Không một chế độ nào dùng họng súng và nhà tù để cai trị mà vững bền được, chỉ có lòng nhân mới cảm hóa con người.” Một đặc điểm khác khi tác-giả nói đến Hồn dân-tộc và nhiều lần tự hỏi “Chả lẽ dân-tộc mình đã đến thời mạt” và cha đã nghĩ đến lấy lại phẩm giá cho con người và góp phần thổi sinh khí cho một Việt-Nam phục sinh trong một viễn kiến chung.

Phần cuối cuốn bút ký là những lời chí thiết như lời khẳng định: “Khi nguồn sức mạnh của ý chí quật cường và lương tri tổng hợp của dân-tộc được khơi dậy sẽ không có một thế lực chính trị nào dù bạo ngược tới đâu có thể cưỡng lại được” (tr. 602); và như lời kêu gọi tha thiết sau: “Hãy để cho bóng tối đi qua và cùng nhau hướng về nguồn ánh sáng của Bình Minh dân-tộc trong cuộc sống Công Bằng, Tự Do và Phát Triển” (tr. 606).

Lm. Trần Cao Tường trong một bài viết trên trang Dũng Lạc, đã khám phá ra trong tập bút ký Tôi Phải Sống Thị Kiến Phục Sinh của tiên tri Ezekiel trong cảnh lưu đày thảm khốc vào thế kỷ thứ 6 trước công nguyên. Tiên tri Ezekiel đã thành công trong việc khắc sâu niềm tin này vào tâm khảm những kẻ lưu đầy khi họ phải đương đầu với một tương lai mịt mù đen tối của dân tộc họ.

Tôi Phải Sống còn là một tác phẩm đặc biệt, rất “miệt vườn” nhất là ở phần ký ức tác giả viết về thời thơ ấu. Chuyện cậu Đực Mẫm ngày xưa hay Cậu Bảy Nguyễn Hữu Lễ ngày nay đều có những nét rất đặc biệt miền Nam lục-tỉnh. Những chương hoặc đoạn viết về Phạm Ngọc Thảo, về giám mục Nguyễn Văn Sang, Nhà Chung Hà Nội, về con người Bùi Đình Thi, về Đường Lên Cổng Trời cũng như cuộc vượt ngục bi đát ở trại Thanh Cẩm theo thiển ý là những trình bày rất văn-chương về kỹ thuật kể chuyện cũng như chữ dùng.
Cảnh thiếu thốn mọi sự khi con người phải sống-còn: “Điều quan trọng đối với tôi là cái đống rác! Mỗi lần đi ngang đống rác trước cổng trại là mỗi lần đời tôi lên hương. Hai con mắt hoạt động tích cực để tìm nhặt những thứ cần thiết cho cuộc sống trong buồng như vải rách dùng đại tiện, bọc nylon làm nhiên liệu chất đốt, hoặc may mắn hơn thì cái bàn chải đánh răng cũ hoặc ít giấy bao xi măng làm vở viết chữ Tầu, thứ ngôn ngữ tôi đang cố học” (Tầng Đầu Địa Ngục).

Vệ sinh trại: “Chật chội, ngào ngạt hơi người, mùi hôi của mọi người, mọi bệnh riêng của mỗi người, cả tháng không tắm. Cả ngàn người có một giếng nước, kéo một lúc đã cạn nước. Để lâu không dùng chuột bọ chết thối đầy đáy giếng. Ăn uống vào là bị kiết lỵ. Đi cầu vào các dẫy hố đào trên mặt đất”. “Cả trại nhốn nháo về bệnh kiết lỵ. Hầu như không khu nào thoát. Chưa bao giờ buổi sáng lại đông người chờ đi cầu như vậy. Mặt mũi người nào cũng nhăn nhó, mệt mỏi trông thật thảm hại… Thật đau khổ, lúc nào bụng cũng quặn đau, mỗi lần đi cầu són ra một chút, phân ít, mũi máu nhiều. Từ nơi tôi ở ra nhà cầu khá xa. Để tiện việc, tôi không về nhà, ngồi ngay ở căn nhà chiếu Tivi sẵn sàng chạy ra hố cầu khi cần. Không phải mình tôi như vậy mà hàng chục người tay cầm lon nước, ngồi bệt xuống mặt cát. Bệnh của tôi kéo dài cả tuần sau khi uống cả lọ tetracycline do Lan chọ Trong thời gian kỷ luật chúng tôi được xuống sông tắm mỗi hai tuần một lần. Tuy nhiên nhiều khi cán bộ bận hay có việc gì bất thường thì phải chờ lâu tới ba tuần” (Tầng Đầu Địa Ngục).

(Trích FB của VyKhanh Nguyen từ Montreal)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*