Tháng Tư, Đọc Lại “The Sympathizer”

Có thể nói, lịch sử văn học Việt Nam tại hải ngoại sẽ bước sang một trang mới khi một nhà văn người Mỹ gốc Việt nhận giải thưởng Pulitzer về tiểu thuyết giả tưởng năm 2016 và tác phẩm đó được chuyển thể thành phim ra mắt trên màn ảnh thế giới vào năm 2024.

Phim sẽ xuất hiện trên màn ảnh HBO và hiện HBO chỉ mới phát hành một “trailer” ngắn, dựa theo tiểu thuyết “The Sympathizer” của nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt). Nguyễn Thanh Việt đã trở lại Việt Nam nhiều lần với mong mỏi cuốn tiểu thuyết hư cấu của anh sẽ được dịch sang tiếng Việt. Tác giả “The Sympathizer” có lần tâm sự:

“… Tôi đã ký hợp đồng với Nhã Nam và bản dịch đang được tiến hành. Trong hợp đồng đó có một điều khoản là nếu chính quyền kiểm duyệt cuốn truyện, tôi sẽ lấy lại bản dịch. Tôi sẽ tìm cách khác để xuất bản. Đối với tôi, rõ ràng điều quan trọng là người Việt cần đọc tiểu thuyết này qua bản dịch không bị kiểm duyệt. Nếu cắt đi những phần chính quyền không hài lòng sẽ làm cuốn truyện trở nên vô nghĩa”

“The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối Tháng Tư 1975 nhưng nhân vật chính lại không tên, không tuổi. Ngay từ chương đầu tiên, người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội với cấp bậc Đại úy:

“Tôi là một tên gián điệp, một kẻ nằm vùng, một con quỷ, một con người hai mặt. Có lẽ cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, tôi cũng là một con người có hai đầu óc… có thể nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía…” (“I am a spy, a sleeper, a spook, a man of two faces. Perhaps not surprisingly, I am also a man of two minds, able to see any issue from both sides).

Phim “The Sympathizer” được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên đã khởi quay từ Tháng Chín 2022. Đoàn làm phim đã công bố dàn diễn viên chính gốc Việt, đóng cùng Robert Downey Jr. Theo Hollywood Reporter, năm diễn viên chính của “The Sympathizer” gồm: Hoa Xuande, Fred Nguyen Khan, Toan Le, Vy Le và Alan Trong. Họ là những diễn viên gốc Việt và cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm đóng phim, cũng như tham gia một số dự án truyền hình và điện ảnh tại Hollywood. Phim còn có Nguyễn Cao Kỳ Duyên, Kiều Chinh và Sandra Oh.

Vai “Kẻ nằm vùng” sẽ do diễn viên người Úc gốc Việt, Hoa Xuande, thủ diễn. Chắc chắn là phim lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Hoa bởi đây là một nhân vật có số phận thăng trầm: Từ một đứa con lai bị ghét bỏ, trở thành đại úy quân đội của cả hai miền Nam-Bắc, điệp viên hai mang, cuối cùng làm một thuyền nhân mang theo trọng trách hoạt động nằm vùng cho cộng sản tại Mỹ. Gương mặt nữ chính duy nhất do Vy Le thủ vai, cô là người con gái khiến “Kẻ nằm vùng” phải lao đao trong cuộc sống…

Bộ phim được bấm máy tại Mỹ và Thái Lan từ Tháng Chín 2022 đến Tháng Ba 2023. Đoàn làm phim phải chọn Thái Lan, tuy ở cạnh Việt Nam, nhưng quả thật có rất nhiều “trục trặc” về ngoại cảnh. Hơn nữa, đạo diễn phim, Park Chan-wook, lại là người Hàn Quốc nên có những cái vượt ra ngoài kinh nghiệm thực tế của bản thân mà chỉ những người đã từng lăn lộn với Sài Gòn mới thấy được hết. Người ta thấy vai trò của những người cố vấn phim trường rất quan trọng. Từ tên những con đường, những cửa hàng, tiệm ăn hay những hoạt cảnh đường phố đôi khi không thật, thậm chí có lúc lại trở nên xa lạ đối với những người đã từng “sống chết” với thành phố thân thương ngày nào!

Nguyễn Thanh Việt (Ảnh: Paul Marotta/Getty Images)

Với Viet Thanh Nguyen, sự khó khăn về ngôn ngữ-văn hóa trong suốt quãng đời của tác giả là một vấn nạn lớn. Riêng vấn đề ngôn ngữ cũng được chính tác giả bàn đến trên trang web của mình: “Tên Việt của tôi là gì? Viet Thanh Nguyen hay Nguyễn Thanh Việt? Tên những nhân vật “Man” và “Bon” của tôi là gì trong tiếng Việt? Mẫn và Bốn?”

Trên trang web của mình, tác giả cho biết: “Khi lớn, tôi đọc sách, xem phim về Chiến tranh Việt Nam của Mỹ, nhưng rất ít điều nói về người Việt, họ được mô tả theo lối mòn, làm nền cho người hùng Mỹ.”

Chương đầu tiên của “The Sympathizer” lấy bối cảnh Sài Gòn trong những ngày cuối Tháng Tư 1975. Đặc điểm của cuốn truyện là nhân vật chính không tên, không tuổi. Từ đầu đến cuối người đọc chỉ biết anh ta qua danh xưng “tôi”. Ngay ở phần mở đầu, người đọc rất đỗi ngạc nhiên với lời trần tình:

“Tôi” trong “The Symphathizer” vào lúc Sài Gòn đang ở trong “Tháng Tư hấp hối” là một Đại úy quân lực VNCH. Điều mà anh ta gọi là khả năng “nhìn vào bất cứ vấn đề gì từ hai phía” vì anh hoạt động trong lĩnh vực tình báo của Hà Nội. Điểm đặc biệt trong thời thơ ấu của anh cũng bắt đầu từ hai phía: Anh có đến hai giòng máu vừa Á vừa Âu. Bố của anh là một giáo sĩ người Pháp và mẹ là một thôn nữ người Việt. Thế cho nên anh được gắn một cái tên không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm ngay từ hồi còn nhỏ: “Tây Lai” hay “Con hoang”! Trong nguyên bản tiếng Anh, tác giả dùng từ “bastard” và tiếng Pháp còn được gọi là “métis”.

Đối với một kẻ nằm vùng như anh, Tháng Tư 1975 là giờ phút vinh quang đang đến gần nhưng đối với người miền Nam lại là cái tháng đầy biến động, hỗn mang và tàn nhẫn. Trong truyện, viên trùm CIA tại Tòa Đại sứ Mỹ kể lại với viên Đại úy “nằm vùng” rằng đích thân anh lái xe đưa Tổng thống ra phi trường để đi Đài Loan và “thấy những vali nặng nề một cách bất thường của tổng thống nghe rổn rảng tiếng kim loại – được coi như là một phần khá lớn của kho vàng quốc gia”. (noticed how the president’s inordinately heavy suitcases clanked with something metallic – presumably a hefty share of our nation’s gold).

Khi viết chi tiết này, tác giả dựa vào tin đồn 16 tấn vàng của miền Nam đã được tẩu tán ra nước ngoài. Nhưng thực tế, sau này chính các viên chức của chính quyền cộng sản đã khẳng định vàng vẫn còn ở trong nước và nhà nước cộng sản Việt Nam đã chuyển sang Liên Xô… Một tiểu thuyết gián điệp dựa vào “hư-cấu-của-những-hư-cấu” sẽ khiến người đọc cảm thấy thú vị nhưng cũng khó chịu khi biết sự thật!

Cũng từ Chương 1, người đọc làm quen với hai người bạn khác của viên Đại úy “nằm vùng”. Cả ba người bạn đã gắn bó với nhau theo kiểu “cắt máu ăn thề”, một tích rất xưa “Kết nghĩa vườn đào” của Lưu Bị-Quan Văn Trường-Trương Phi trong Tam Quốc Chí. Vết tích của lời thề lúc nào cũng nhắc nhở họ qua vết sẹo trên lòng bàn tay phải của từng người. Tác giả còn ví họ như bộ ba “Les Trois Mousquetaires” trong tiểu thuyết của Alexandre Dumas thời 1844 tại Pháp để nói lên mối liên lạc còn mật thiết hơn anh em ruột thịt.

Lớn tuổi nhất là Man. Trong nguyên bản tiếng Anh không dấu cho nên nếu dịch sang tiếng Việt, cái tên hay nhất chỉ cần thêm một dấu ngã để trở thành Mẫn. Mẫn có tác phong của người chỉ huy trong cái tổ theo tổ chức “tam tam chế” của Cộng sản. Chính Mẫn là người truyền đi những mệnh lệnh của cấp cao hơn cho kẻ nằm vùng. Kỳ thật trong cái tổ đó, chỉ Mẫn và kẻ nằm vùng là những người hoạt động trong cái hệ thống bí mật; còn người bạn thứ ba, Bon (có lẽ dịch sang tiếng Việt sẽ là Bốn), lại là một sĩ quan VNCH chống cộng triệt để! Bốn căm thù Cộng sản kể từ khi cha anh bị đem ra đấu tố. Lòng hận thù đó đã khiến anh trở thành một người tình nguyện chiến đấu trong hàng ngũ quốc gia.

Người được mệnh danh “Ông Tướng” (the General) là vị chỉ huy Cảnh sát Quốc gia VNCH, một sĩ quan từng tham gia chiến trường từ thời Điện Biên Phủ. Một chi tiết nhỏ nhưng, theo tôi, lại là một điều nói lên tinh thần của một vị tướng VNCH. Trên đường ra phi trường để “di tản” sang Mỹ, ông không quên ghé qua trụ sở Quốc hội, ngày nay là Nhà hát Thành phố. Tại đây, ông đứng nghiêm chào bức tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến trong tư thế xung phong. Cử chỉ này đã khiến cho Đại úy “nằm vùng” và Bốn xúc động. Họ cũng đứng nghiêm chào bức tượng.

Khi đó, viên Đại úy quên hẳn nhiệm vụ “nằm vùng” của mình. Anh cảm động nhìn cảnh tượng qua con mắt của một sĩ quan quân lực miền Nam, dù bản thân mình đang âm thầm phục vụ cho miền Bắc. Đó chính là hai cuộc đời tương phản nhau qua hai vị trí thù nghịch trong nội tâm. Chi tiết hư cấu của câu chuyện khiến ta nhớ đến Trung tá Cảnh sát Nguyễn Văn Long đã dùng súng tự sát dưới chân bức tượng ngày 30 Tháng Tư 1975 khi Sài Gòn thất thủ.

Ông Tướng thú nhận, ông chọn viên Đại úy sĩ quan tùy viên là căn cứ vào trình độ và, hơn thế nữa, “lòng trung thành” cả trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày. Viên Đại úy “nằm vùng” là người sĩ quan duy nhất được tin cậy đến độ sống ngay trong biệt thự của ông. Anh tốt nghiệp đại học tại Hoa Kỳ, nói tiếng Anh lưu loát đến độ những người Mỹ cứ tưởng anh là dân Mỹ “thứ thiệt” khi nói chuyện qua điện thoại! Anh có trình độ hiểu biết về lối sống Mỹ, văn hóa Mỹ và cả đến cách suy nghĩ của người Mỹ.

Vì những đặc tính đó, mối liên lạc giữa Ông Tướng và người Mỹ luôn ở trong tình trạng tốt đẹp qua cầu nối của viên sĩ quan tùy viên. Claude, trùm CIA của Mỹ trong Tòa Đại sứ, coi viên Đại úy như một người thân và chính sĩ quan tùy viên đã đứng ra dàn xếp, kể cả việc phải hối lộ, để gia đình và họ hàng của Ông Tướng được đến Hoa Kỳ bằng một chuyến phi cơ đặc biệt. Trong chuyến bay đó, dĩ nhiên có cả anh và Bốn trong khi Mẫn ở lại Sài Gòn. Khi báo cáo với “tổ chức”, Ông Tướng khẳng định với anh rằng ông “sẽ trở lại Việt Nam” một ngày không xa, Mẫn đã truyền đạt lệnh từ trên xuống: Kẻ nằm vùng phải theo dõi ông trong suốt thời gian sống tại Mỹ.

Cốt truyện của Nguyễn Thanh Việt mang màu sắc gián điệp. Dù là “hư cấu” nhưng cuốn truyện lại được dựa trên chuyện có thật trong bối cảnh Việt Nam trước năm 1975. Đó là những nhân vật “nằm vùng” tại miền Nam phục vụ cho tình báo Hà Nội. Đã có những nhân vật “nằm vùng” nổi tiếng trong chính phủ VNCH như Đại tá Phạm Ngọc Thảo, từng làm tới chức Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre ngày nay) dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Tiểu thuyết “Ván Bài Lật Ngửa” của Nguyễn Trương Thiên Lý (Trần Bạch Đằng) được mở đầu bằng câu: “Tưởng nhớ anh Chín T. và những người đã chiến đấu hy sinh thầm lặng”. Nhân vật chính trong truyện, Nguyễn Thành Luân, chính là hình ảnh của Phạm Ngọc Thảo, bí danh Chín T. hay Chín Thảo.

“Trùm” nằm vùng Phạm Xuân Ẩn (File photo)

Nhân vật “nằm vùng” thứ hai là Phạm Xuân Ẩn – một Thiếu tướng tình báo của Hà Nội với bí danh Trần Văn Trung hay Hai Trung. Trong suốt thời gian chiến tranh, Phạm Xuân Ẩn sống tại Sài Gòn dưới vỏ bọc “ký giả” làm việc tại Việt Tấn Xã, cộng tác với Reuters và có nhiều bài viết trên tạp chí Time, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor…

“Tôi” trong “The Sympathizer” có những hoạt động hao hao giống Phạm Xuân Ẩn ngoài đời. Chỉ khác là nhân vật của Nguyễn Thanh Việt đã “di tản” sang Hoa Kỳ năm 1975 nhưng Phạm Xuân Ẩn, dù đã chuẩn bị đi, nhưng vào giờ chót nhận được chỉ thị đình hoãn. Vợ con Phạm Xuân Ẩn đã rời Việt Nam theo chiến dịch di tản của người Mỹ và, theo một số tài liệu, Phạm Xuân Ẩn đã “đề nghị” cấp trên cho ngưng công tác với lý do đã “hoàn thành nhiệm vụ”. Tuy nhiên, kế hoạch thay đổi, vợ con ông đã phải mất một năm để quay lại Việt Nam theo đường vòng: Paris – Moscow – Hà Nội – Sài Gòn.

Nhà văn Nguyễn Thanh Việt (Ảnh: Carlos Avila Gonzalez/San Francisco Chronicle via Getty Images)

Từ Sài Gòn, người đọc theo chân viên Đại úy “nằm vùng” cùng dòng người di tản đến Hoa Kỳ. Ông Tướng vẫn bị theo dõi chặt chẽ, mọi hành động của ông đều được viên sĩ quan tùy viên thân cận (tức Kẻ nằm vùng) báo cáo về Hà Nội vì họ tin rằng ông sẽ có những hoạt động “chống phá cách mạng”.

Quả đúng như vậy. Viên tướng đã tổ chức một lực lượng “phục quốc” tại Mỹ và lên đường trở về Việt Nam. Mọi hoạt động của vị tướng được “kẻ nằm vùng” báo cáo đầy đủ từ Hoa Kỳ với những kỹ thuật tình báo như trong phim ảnh: Các bản báo cáo được mã hóa, viết bằng mực “vô hình”

Một lần nữa, “The Sympathizer” có những nét bàng bạc của một chuyện thật! Ông Tướng trong chuyện khiến người ta liên tưởng đến Võ Đại Tôn, một nhân vật có thật trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Ký giả người Úc, Norman Aisbett, gọi ông là “Ðại Tá Cô Ðơn”. Còn rất nhiều tên gọi Võ Đại Tôn, bí danh Wòng A Lìn và bút hiệu Hoàng Phong Linh. Đối với thi sĩ Nguyên Sa, ông là “Kinh Kha”, nhà văn Hư Trúc gọi ông là “Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn”. Đối với người Việt tại Úc, ông là “Chiến Sĩ” và tại Hoa Kỳ ông là “Người Tù Anh Hùng”. Trong khi bản thân ông tự coi mình là “Viên Gạch Lót Ðường”.

23 chương trong “The Sympathizer” (gần 400 trang) được viết theo dạng của một “bản tự khai” hay còn gọi là “tự thú” (confession) của viên Đại úy “nằm vùng”, khai cho “Cấp Chỉ Huy” (Commandant) sau khi anh bị bắt trong lần trở về Việt Nam khi không có lệnh của “tổ chức”. Đây là hình thức thường thấy trong các trại cải tạo sau năm 1975, qua đó người ta tự khai với “tổ chức” những điều đã làm và dĩ nhiên phải có phần “soi rọi bản thân” để rút ra những sai lầm trong quá khứ. Một bản tự khai như vậy sẽ phải dùng đại danh từ “Tôi” (hay “bản thân tôi”).

Cũng vì thế trong suốt cuốn truyện, nhân vật chính chỉ xưng… “Tôi”. Văn phong của “The Sympathizer” là lối tự truyện, hoàn toàn độc thoại và không có “gạch đầu dòng” cho những đối thoại. Đây là một cách viết rất khó mà đa số các nhà văn đều tránh. Tác giả cho biết, anh muốn viết khác với những gì mà người đọc mong chờ từ một nhà văn thuộc nhóm thiểu số (da vàng hoặc da đen) trong làng văn tại Hoa Kỳ mà đa số (người viết cũng như người đọc) là những người da trắng. Về nội dung, anh muốn viết về thân phận của con người trong cuộc chiến vừa qua. Cái nhìn đó xuất phát từ cả ba phía: Hà Nội, Sài Gòn và Washington.

Ba chương đầu của cuốn truyện, người đọc sống trong tâm trạng rối bời của Sài Gòn “hấp hối”, chờ thất thủ. Chương 3 kể về đại gia đình của “Ông Tướng” gồm cả bà con, họ hàng, viên Đại úy “nằm vùng” và Bốn, người bạn nối khố của anh từng “uống máu ăn thề” từ hồi còn 14 tuổi; tổng cộng lên đến 92 người và họ rời Sài Gòn trên chiếc phi cơ vận tải C-130 Hercules, trực chỉ đảo Guam. Chiếc phi cơ quân sự này được tác giả ví một cách khôi hài như “một xe rác chở rác có gắn cánh” (a garbage truck with wings attached).

Cuốn truyện đi vào một chi tiết rất “kịch tính”: Ngay khi phi cơ chở người di tản đáp xuống Guam, một chiếc xe cứu thương màu quân đội đã chực sẵn để chở xác của Đức và Linh (vợ con của Bốn). Họ đã chết ngay trên máy bay vì một nguyên nhân “không rõ”. Bốn trở thành một người chồng mất vợ, người bố mất con ngay trên chuyến bay đi tìm tự do! Và đó cũng là lý do khiến anh trở nên “chống cộng” một cách quyết liệt. Chuyến bay định mệnh đã được truyền hình trên khắp nước Mỹ ngay chiều hôm đó và khán giả ngồi trước truyền hình được thấy những khuôn mặt đưa đám của người di tản, trong đó Bốn sụt sùi đưa tiễn vợ con và những người khác cũng than khóc trong một đám tang lớn hơn: Họ đã mất tổ quốc!

Tại Guam, một “thị trấn lều vải” (tent city) được dựng lên để đón hàng ngàn người di tản, Ông Tướng bị thất lạc vali nên vẫn còn giữ trên mình bộ quân phục có gắn sao. Ông có thiện ý đi ủy lạo người di tản, đa số là dân thường, gồm đàn bà, trẻ con… Thật bất ngờ, ông bị họ tấn công và nguyền rủa, cả về thể xác lẫn tinh thần. Đám đông người di tản bùng lên một cơn giận dữ, họ trút hết lên đầu Ông Tướng và cả người sĩ quan tùy viên trong bộ quần áo dân sự. Họ thốt lên những lời cay đắng vì chỉ mới một ngày trước đó tại Sài Gòn, “ông Thủ tướng cũng là tư lệnh Không quân đã kêu gọi quân đội và cả nhân dân chiến đấu cho đến người cuối cùng”.

Xin mở ngoặc ở đoạn này (trang 53) lấy từ sự kiện có thật về Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Ông Kỳ đã có một buổi nói chuyện tại Nhà thờ Tân Sa Châu, gần Lăng Cha Cả vào ngày 25 Tháng Tư 1975. Khi đó, ông cam kết một cách hùng hồn rằng sẽ không bỏ nước ra đi để ở lại bảo vệ Sài Gòn… Chức vụ của ông là Thủ tướng (1965-1967) và Phó Tổng thống (1967-1971) chứ không phải Thủ tướng vào những ngày cuối Tháng Tư 1975. Sau khi tuyên bố, ngày 29 Tháng Tư 1975 Tướng Kỳ lái máy bay trực thăng ra Đệ thất Hạm đội, quên hẳn những gì đã tuyên bố tại Sài Gòn.

Sự phẫn nộ của người di tản trên đảo Guam được thể hiện qua những lời trách móc, rủa xả đổ lên đầu Ông Tướng: “Chồng tôi đâu? Sao ông có mặt ở đây mà chồng tôi không có? Nhiệm vụ của ông là bảo vệ đất nước như chồng tôi chứ?… Cha tôi đâu? Anh tôi đâu?…”.

Cũng tại đảo Guam, Ông Tướng đưa cho người sĩ quan tùy viên xem một bức hình trên trang báo sau khi Sài Gòn thất thủ. Hình chụp một sĩ quan cảnh sát VNCH nằm chết dưới chân bức tượng hai người lính Thủy quân Lục chiến trước tòa nhà Quốc hội. Nơi đây, trên đường ra phi trường di tản họ đã dừng lại chào bức tượng theo đúng lễ nghi quân cách. Cũng chính nơi đây, Trung tá Nguyễn Văn Long tự sát ngày 30 Tháng Tư 1975 và phóng viên ngoại quốc cuối cùng đã có cơ hội chụp để cả thế giới được chứng kiến việc tuẫn tiết của một sĩ quan VNCH. Ông Tướng nói, Trung tá Long mới thật sự là “người anh hùng cuối cùng của cuộc chiến”.

Tấm gương Trung tá Long là tất cả những gì tương phản với hành động trốn chạy của các vị tướng và viên chức chính phủ khác. Trong bản “tự khai” của mình, kẻ nằm vùng viết: “Một vị anh hùng thực sự” (a real hero). Theo lời anh, khi lập danh sách di tản cho ngành cảnh sát anh có thấy tên của vị Trung tá nhưng anh đã bỏ qua. Dĩ nhiên, đây chỉ là một chi tiết được “hư cấu” để Nguyễn Thanh Việt đưa vào tiểu thuyết.

Nhìn chung, “The Sympathizer” không hẳn là tác phẩm “hoàn hảo” vì, dầu sao đi nữa cũng có những khiếm khuyết không thể tránh khỏi trong văn chương. Năm 1955, Graham Green viết “The Quiet American” cũng lấy bối cảnh Sài Gòn giữa giai đoạn đầu nền Đệ nhất Cộng hòa trong buổi giao thời Pháp đi, Mỹ đến. Truyện của ông có những đoạn đề cập đến các địa danh mà chính người Việt cũng phải nhíu mày thắc mắc vì những cái tên lạ hoắc: Dakow, Tanyin…

Kỳ thật, “Dakow” chính là Dakao nơi có chùa Ngọc Hoàng mà Tổng thống Obama từng đến thăm; còn “Tanyin” lại là Tây Ninh, nơi có Thánh thất của đạo Cao Đài. Nhà văn nước ngoài có thể viết sai các địa danh nhưng ở “The Sympathizer” người đọc cũng gặp những trường hợp tương tự như của Graham Green.

“One made a right out of the gates down Thi Xuan left on Le Van Quyet, right on Hong Thap Tu in the direction of the embassies, left on Pasteur, another left on Nguyen Dinh Chieu, right on Cong Ly, the straight to the airport” (trang 24).

Đó là lộ trình di tản ra phi trường của gia đình Ông Tướng những ngày cuối Tháng Tư 1975. Biệt thự của ông chắc nằm ở Quận 3, trên đường Bùi Thị Xuân (hoặc Thi Sách) chứ Sài Gòn làm gì có đường “Thi Xuân”? Rồi lại quẹo trái sang đường Lê Văn Duyệt (đường Cách mạng tháng 8 ngày nay) chứ làm gì có đường “Le Van Quyet”?  Người đọc nước ngoài không thắc mắc gì về tên những con đường nhưng, đối với độc giả người Việt đã một thời gắn bó với Sài Gòn, chắc chắn những cái tên đó rất quan trọng vì nó đã thuộc về kỷ niệm.

Trở lại chuyện di tản. Từ đảo Guam, người di tản được chuyển vào đất liền Hoa Kỳ bằng phi cơ dân sự, tác giả mô tả một cách hài hước là “có ghế ngồi thật sự, có cửa sổ” để so sánh với chiếc phi cơ quân sự lúc rời Việt Nam. Họ được tập trung gần San Diego, California, tại một trại lính cũ có tên Camp Pendleton, với tiện nghi dĩ nhiên là hơn hẳn ở đảo Guam chỉ toàn lều do Thủy quân Lục chiến Mỹ dựng lên một cách vội vã. Cũng từ Pendleton, viên Đại úy “nằm vùng” bắt đầu liên lạc với “tổ chức” qua địa chỉ bà cô của Mẫn đang sống tại Paris. Giữa những dòng thăm hỏi trong thư là thông tin được báo cáo cho Mẫn, viết bằng “mực vô hình” (invisible ink).

Có một hôm Ông Tướng tâm sự với người sĩ quan tùy viên là Hà Nội chắc chắn đã tung vào dòng người tỵ nạn những điệp viên làm việc cho họ. Cách hay nhất để trả lời cho nghi vấn này, kẻ nằm vùng trả lời là anh tin như vậy. Anh lý luận: “Chỉ có gián điệp mới không thừa nhận sự hiện diện của những gián điệp khác”. Ngay tối hôm đó anh báo cáo với “bà cô” bên Pháp qua thư về suy nghĩ dè dặt của Ông Tướng…

Với bằng tốt nghiệp đại học Mỹ lúc trước, kẻ nằm vùng kiếm được một công việc tại thành phố Los Angeles; còn gia đình Ông Tướng được một Đại tá người Mỹ, trước đây là cố vấn của ông, đứng ra bảo trợ. Ông thuê một căn nhà nhỏ ở ngoại ô LA gần Hollywood. Anh báo cáo với tổ chức là viên tướng đang trong tình trạng thất nghiệp, chỉ biết uống rượu bia để giải sầu.

Tuy là tiểu thuyết gián điệp giả tưởng, “The Sympathizer” cũng mang những nét triết lý trong việc phân tích bản chất đối nghịch của người Phương Đông và Phương Tây dựa trên lý thuyết của Rudyard Kipling: “East is East and West is West and never the twain shall meet”. Trong báo cáo của mình, kẻ nằm vùng đã làm hẳn một bản phân tích cá tính giữa Đông và Tây. Chẳng hạn như về mặt tâm lý, người phương Đông đa số giữ sự tôn trọng chính quyền trong khi phương Tây lại tỏ ra độc lập trước quyền lực. Phương Đông thường yên lặng trong khi phương Tây tỏ ra lắm lời.

Phương Đông thường bi quan khi nhìn tách trà “vơi một nửa” (teacup is half empty) trong khi phương Tây lại thấy “ly nước vẫn còn đầy một nửa” (glass is half full). Người phương Đông luôn “nói vâng trong khi lòng lại nói không” (say yes when I mean no), ngược lại, người phương Tây “nói những điều mình muốn nói và hãy làm những điều tôi nói” (say what I mean, do what I say).

Tôi nghĩ, quan trọng hơn cả là “cái tình” của người phương Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng. Tuy không trực tiếp nói đến “chữ tình”, trong suốt cuốn truyện của Nguyễn Thanh Việt, ta thấy tâm lý các nhân vật lúc nào cũng hành động quanh “chữ tình”. Đó không phải là tình yêu mà là tình bạn sống chết có nhau của bộ ba: Mẫn – Kẻ nằm vùng và Bốn. Cho dù khác chính kiến giữa Quốc gia và Cộng sản nhưng cả ba luôn hành động như những kẻ đã từng “uống máu ăn thề” để đối xử với nhau trên một nền tảng của tình bạn chí cốt.

Nếu không vì chữ tình, kẻ nằm vùng sẽ sống thoải mái tại đất Mỹ vì “tổ chức” không đòi hỏi anh đi theo đoàn “phục quốc” trở về Việt Nam. Nhưng anh không đành lòng để người bạn thân tên Bốn lao vào cõi chết nên anh phải đi theo để bảo vệ người mà anh quý hơn ruột thịt.

Người ta không chọn anh em ruột thịt khi ra chào đời nhưng người bạn mà mình quý mến hoàn toàn là sự chọn lựa tự nguyện của bản thân. Đó không phải là “tình đồng chí” theo kiểu Cộng sản mà là “tình đồng đội chí cốt” giữa hai con người.

Mối tương quan giữa Vị Tướng và viên Đại úy tùy viên tuy là một sự gắn bó theo “hệ thống quân giai” nhưng luôn có tinh thần của người phương Đông: Lấy tình người để giải quyết. Trong hầu hết các trường hợp, hai người đã xử sự theo một cách “nhân bản” giữa người và người.

Có thể nói, những phân tích cặn kẽ về sự khác biệt đó là một trong những nền tảng để dựng nên “The Sympathizer”. Cũng chính phân tích giữa Đông và Tây giúp người đọc nước ngoài hiểu được chiến tranh Việt Nam theo cái nhìn của một tác giả người Việt.

Nhà văn Viet Thanh Nguyen (Nguyễn Thanh Việt) – (Ảnh: Cesar Gomez/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)

Theo tác giả “The Sympathizer”, văn chương của người Mỹ gốc Việt chỉ thường tập trung vào những kinh nghiệm sống của người tị nạn khi họ đến Mỹ. Điều quan trọng hơn cả, anh muốn phê phán vai trò của người Mỹ ở Việt Nam thay vì lặp lại thái độ thường thấy của những người Mỹ gốc Việt, đó là hoặc biết ơn vì được người Mỹ giải cứu, hoặc hòa giải, không muốn đối đầu trực tiếp.

Trong những tác phẩm đó, “không có nhiều sự thịnh nộ… và nếu có, thì cơn giận dữ hay thịnh nộ lại nhắm vào những kẻ không biết đất nước nguồn cội ở châu Á, gia đình châu Á, hay những kẻ gia trưởng châu Á”. Đó là lý do tại sao trong “The Sympathizer”, qua những suy nghĩ của viên sĩ quan nằm vùng, có những phê phán về văn hóa Mỹ và nước Mỹ.

Trong một bài viết trên “New York Times”, Nguyễn Thanh Việt xác định khi viết “The Sympathizer” rằng anh có tham vọng “lấp đầy một khoảng trống trong văn chương”, anh cố gắng “viết cho những người từ trước đến giờ không có tiếng nói hoặc ít có cơ hội lên tiếng” để giúp độc giả có một cái nhìn khác về Việt Nam. Tham vọng tưởng chừng như xa vời đó bỗng trở thành thực tế khi anh đã chen chân vào thế giới văn chương Hoa Kỳ.

Thật ra đã có nhiều nhà văn người Mỹ gốc Việt viết trực tiếp bằng tiếng Anh hay qua những tác phẩm được chuyển ngữ sang tiếng Anh. Thế hệ thứ nhất của người Việt tại Mỹ đã có những cây bút như Lệ Lý Hayslip hay Mai Elliott, họ là những người đã trực tiếp trải nghiệm cuộc chiến.

Phùng Thị Lệ Lý, sinh năm 1949 tại Đà Nẵng, nổi tiếng với hai tác phẩm “When Heaven and Earth Changed Places” (Khi Đất Trời đảo lộn) và “Child of War, Woman of Peace” (Đứa trẻ thời chiến, người phụ nữ thời bình). Bà vừa là nhà văn vừa là người sáng lập các tổ chức phi chính phủ – “East Meets West Foundation” (Đông Tây Hội Ngộ) và “Global Village Foundation” (Làng Toàn Cầu).

Bà theo mẹ bỏ trốn vào Sài Gòn và giúp việc cho một gia đình giàu có nhưng rồi lại phải trở về Đà Nẵng khi bị phát hiện mang thai với ông chủ. Bà cùng mẹ quay trở lại miền Trung, nuôi con nhỏ bằng cách bán chợ trời, giao thuốc phiện và kể cả việc làm gái mại dâm. Cuộc đời trôi nổi cùng cực của Lý Lệ chấm dứt vào năm 1969, khi bà lập gia đình với một kỹ sư người Mỹ. Năm 1970, bà theo chồng về Mỹ định cư. Năm 1973, khi chồng mất, bà lập gia đình với người thứ hai có hai người con. Người chồng thứ nhì của bà lại chết trong một tai nạn giao thông năm 1982. Chính cuộc đời chìm mổi của Lệ Lý Hayslip trong suốt chiều dài cuộc chiến Việt Nam đã giúp tác giả viết một cách thoải mái tại Hoa Kỳ. Bà đã trở thành một nhà văn có sức thu hút người đọc vốn bị ám ảnh vì “hội chứng Việt Nam” tại Mỹ.

Nhà văn Le Ly Hayslip trong chương trình ‘Honor: In Their Words – Stories Commemorating The 50th Anniversary Of The End Of The Vietnam War’ tại Hollywood Legion Theater, Los Angeles ngày 18 Tháng Ba 2023 (Ảnh: Unique Nicole/Getty Images)

Theo New York Times, tác phẩm “When Heaven and Earth Changed Places” được xếp vào loại best-seller, được dịch ra 17 ngôn ngữ và đã được đạo diễn Oliver Stone dựng thành phim “Trời và Đất” năm 1993. Đó cũng là một thành tích sáng chói của một cây bút người Mỹ gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhất. Giữa Lệ Lý Hayslip và Mai Elliott (Dương Vân Mai) có điểm chung là nhà văn nữ, sống cùng thời chiến tranh nhưng họ lại có khác biệt là nguồn gốc gia đình trong xã hội Việt Nam. Dương Vân Mai xuất thân trong một gia đình khá nổi tiếng. Bà là hậu duệ đời thứ tư của hai anh em danh sĩ Dương Khuê và Dương Lâm, người làng Vân Đình, Hà Tây.

Nhà thơ Nguyễn Khuyến có bài thơ “Khóc Dương Khuê” mở đầu bằng câu “Bác Dương thôi đã thôi rồi / Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta…” để nói lên cái tình của ông đối với Dương Khuê, người đỗ Cử Nhân năm 1864 dưới thời Tùng Thiện Vương và hai năm sau đỗ Tiến sĩ thời Tự Đức. Thi sĩ Dương Khuê từng nổi tiếng với bài ca trù “Gặp lại cô đầu cũ”:

“Hồng Hồng, Tuyết, Tuyết,
Mới ngày nào chửa biết cái chi chi.
Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì!
Ngoảnh mặt lại, đã tới kỳ tơ liễu…”

Câu chuyện về dòng họ Dương được Mai Elliott kể lại trong cuốn hồi ký “The Sacred Willow, Four Generations in the Life of a Vietnamese Family” (Cây liễu thiêng, bốn thế hệ trong cuộc đời của một gia đình Việt Nam). Cuốn sách được xuất bản năm 1999 và sau đó được đề cử giải Pulitzer năm 2000. Mai Elliott tâm sự:

“Với hầu hết người Mỹ, Việt Nam chỉ là một cuộc chiến tranh. Nghĩ đến Việt Nam, họ chỉ nghĩ đến chiến tranh. Họ thực ra không hiểu rõ lịch sử Việt Nam ra sao, gia đình, phong tục tập quán, những điều mà người Việt trải qua các thời đại như thế nào. Mục tiêu viết sách của tôi rất giản dị, sách được viết cho chính những người Mỹ bình thường, ít hiểu biết về Việt Nam”.

Gia đình Dương Vân Mai cũng là nạn nhân của cuộc chiến tranh ý thức hệ: Vợ chồng người chị ruột theo Việt Minh nên ở lại Hà Nội, không di cư vào Nam cùng gia đình năm 1954. Tại Sài Gòn, năm 1960, Mai là một trong 15 học sinh Việt Nam giành được học bổng Mỹ để theo học ngành ngoại giao tại Đại học Georgetown. Năm 1961, Mai gặp người chồng tương lai, David Elliott, tại một bữa tiệc Giáng sinh dành cho những người Việt xa xứ ở Washington DC. William Yandell Elliott, cha của David, là một học giả nổi tiếng tại Đại học Harvard và cũng chính là thầy của những sinh viên sau này trở thành Tổng thống J.F. Kennedy và Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Bà Mai Elliott (trái) và Tướng Merrill McPeak trong một chương trình về đề tài chiến tranh Việt Nam (Ảnh: Frederick M. Brown/Getty Images)

Năm 1964, sau khi tốt nghiệp, Mai Elliott cùng chồng quay lại Việt Nam và làm việc cho RAND Corporation, một tổ chức nghiên cứu hợp tác với Bộ Quốc phòng Mỹ. Công việc của vợ chồng Mai Elliott tại RAND là phỏng vấn và nghiên cứu về các tù binh Cộng sản với mục tiêu giúp người Mỹ tìm hiểu về những người ở phía bên kia. Năm 1968, Mai rời Việt Nam và định cư hẳn tại Mỹ.

Năm 1973, Mai về thăm gia đình và không ngờ đây là chuyến trở về lần chót trước khi Sài Gòn đổi chủ. Năm 1975, vào những giờ phút cuối cùng trước khi quân đội miền Bắc tiến vào Sài Gòn, gia đình Mai Elliott được đưa khỏi miền Nam và định cư tại Mỹ. Mai Elliott đã tạo cho mình một chỗ đứng trong văn đàn tại hải ngoại. Đó là một vị trí đặc biệt của những cây bút thiểu số gốc Á-Phi giữa một rừng bút tại Hoa Kỳ mà phần đông là những người da trắng. Nhờ đó, độc giả người Mỹ có những hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống, con người và đất nước Việt Nam.

Hoàn cảnh gia đình Nguyễn Thanh Việt cũng giống như trường hợp Mai Elliott. Họ đều có gốc là người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Gia đình mẹ của Việt đều vào Nam trong khi bên phía gia đình bố anh lại có những người quyết định ở lại miền Bắc. Tiếp đến là cuộc di cư lần thứ hai vào năm 1975, gia đình Việt thuộc nhóm những người “vượt biên” đến Hoa Kỳ sớm nhất, khi đó anh chỉ mới bốn tuổi. Mãi đến đầu thập niên 1990 họ mới về lại Việt Nam. Bố của Việt gặp lại bà con, họ hàng Nam-Bắc sau 40 năm xa cách và mẹ của anh cũng được hội ngộ với người thân tại Sài Gòn sau 20 năm viễn xứ.

Chuyện gia đình Việt được anh kể lại trong một cuộc phỏng vấn với nhiều chi tiết hấp dẫn như trong tiểu thuyết. Tháng Ba 1975 bố anh (ông Nguyễn Ngọc Thanh – Joseph Thanh Nguyen) đang ở Sài Gòn lo công việc. Họ có tiệm vàng khá nổi tiếng từ năm 1963, mang tên Kim Thịnh, tại Ban Mê Thuột (BMT). Cũng vào Tháng Ba 1975, thị trấn BMT tràn ngập bởi lính Bắc Việt và nơi đây cũng là chiến trường đầu tiên dẫn đến việc Sài Gòn bị thất thủ ngày 30 Tháng Tư 1975.

Mẹ anh, bà Linda Kim, cùng hai cậu con trai (Nguyễn Thanh Tùng và Nguyễn Thanh Việt cách nhau bảy tuổi) và cô con gái nuôi 16 tuổi (Nguyễn Thị Thanh Hương) mất liên lạc với ông Thanh kể từ đó. Bà quyết định rời BMT với hai người con trai và để lại cô con gái nuôi trông coi cửa hàng. Họ chạy loạn về Nha Trang bằng đường bộ. Việt còn quá nhỏ để nhớ lại những gì đã xảy ra trong suốt quãng đường dài từ BMT về Nha Trang nhưng theo lời kể của người anh trai, đó là một cuộc hành trình gian nan, khủng khiếp của quân và dân vùng cao nguyên chạy về vùng biển.

Từ Nha Trang, ba mẹ con đi tầu biển về Sài Gòn, tại đây họ gặp lại ông Thanh. Rồi từ Sài Gòn, họ tiếp tục cuộc hành trình tìm tự do bằng đường biển nhưng lại một lần nữa họ lạc nhau trong tình trạng hỗn mang. Ba mẹ con không biết người cha đang ở đâu. Có lên cùng tầu hay không? Giống hệt như trò chơi “bịt mắt bắt dê” thời con nít nhưng cuối cùng cả gia đình lại chung một chuyến tầu!

Ngày đến Hoa Kỳ, gia đình Việt được tập trung tại trại tỵ nạn Fort Indiantown Gap, thuộc tiểu bang Pennsylvania. Để rời khỏi trại tỵ nạn phải có sự bảo lãnh của người Mỹ và khi đó rất khó tìm được người bảo lãnh cho cả một gia đình gồm bốn người. Cuối cùng thì gia đình Việt phải chia tay nhau đến ở với ba gia đình bảo trợ: Việt, Tùng và ông bà Thanh. Số mệnh đưa đẩy nên chuyện gia đình hợp-tan lại một lần nữa lại xảy ra. Dù thời gian xa cách chỉ kéo dài không đến một năm nhưng đó lại là một “chấn thương sâu đậm” trong tinh thần một đứa trẻ mới bốn tuổi khi phải sống xa sự chăm sóc của bố mẹ. Việt mô tả chấn thương đó tựa như một “dấu vết hằn sâu trên đôi vai suốt cuộc đời”!

Đầu tiên cậu bé sống với một cặp vợ chồng người Mỹ còn trẻ. Nhà của họ thuộc loại “nhà lưu động” (mobile home) và vì không có con cái nên họ cũng chẳng có kinh nghiệm gì trong việc sống với một đứa trẻ lên bốn. Việt lại được chuyển tiếp đến một gia đình người Mỹ với sự chăm sóc chu đáo hơn. Để giúp cậu bé cảm thấy thoải mái, họ dạy cậu cách sử dụng đũa khi ăn và cả nhà đều dùng đũa! Việt nhớ lại, đó là lần đầu trong đời cậu mường tượng được sự khác biệt về văn hóa giữa Mỹ và Việt.

Tại California, vào thời điểm đó đang dần hình thành một cộng đồng người Việt, họ tỏa ra từ trại tỵ nạn Pendleton ở gần San Diego. Camp Pendleton cũng được Nguyễn Thanh Việt nhắc đến trong “The Sympathizer” khi gia đình Ông Tướng và người sĩ quan tùy viên đến Mỹ sau khi di tản khỏi Việt Nam. Người Việt tại các nơi khác cũng rủ nhau về Cali vì khí hậu ở đây tương đối giống với Việt Nam và thành phố San Jose là nơi lý tưởng cho mọi người, trong đó có gia đình của Việt. Bước đầu, bố mẹ Việt giúp việc trong cửa hàng thực phẩm của một người quen từ thời còn ở BMT.

Dần dà ông bà Thanh mở một cửa hàng riêng chuyên cung cấp các loại thực phẩm cho người Việt, chủ yếu là gạo, nước mắm và trái cây nhiệt đới. Theo nhận xét của tác giả, người Việt rời đất nước lúc nào cũng muốn duy trì truyền thống văn hóa dân tộc nhưng lại cũng vô tình mang theo cả sự tàn bạo của chiến tranh. Với trí nhớ của một cậu bé chưa đến 10 tuổi, Việt vẫn bị ám ảnh bởi cái ngày mà cửa hàng thực phẩm của gia đình bị chính người Việt tống tiền.

Với bất cứ giá nào, ông bà Thanh vẫn làm việc cật lực để đầu tư vào tương lai của hai người con trai. Ngày nay, họ đều mãn nguyện khi nhìn lại công sức của mình. Người con trai lớn, Nguyễn Thanh Tùng, hiện là Giáo sư Đại học Stanford, ông từng là cố vấn Y tế – Giáo dục – Kinh tế cho (cựu) Tổng thống Obama. Người em, Nguyễn Thanh Việt, Giáo sư ngành Sắc Tộc Học và Nghiên Cứu Hoa Kỳ và Anh Quốc, Đại học Southern California (USC). Quan trọng hơn cả, Việt là tác giả cuốn tiểu thuyết “The Sympathizer”. Anh cũng là tác giả nhiều bài nghiên cứu khoa học, trong đó có tác phẩm về Việt Nam, “Nothing Ever Dies: Vietnam and the Memory of War” (tạm dịch “Những chuyện chưa bao giờ tan biến: Việt Nam và Hồi Ức Chiến Tranh”) viết năm 2016.

Ba trang ở phần cuối “The Sympathizer” Nguyễn Thanh Việt dành cho những lời cảm tạ của tác giả. Qua đó người đọc hiểu được những diễn biến của câu chuyện điệp viên được dựa vào những tài liệu được người Mỹ công bố như cuốn “Decent Interval” của Frank Snepp và các bài viết về những ngày cuối của Sài Gòn của các phóng viên ngoại quốc. Cần nhấn mạnh, cũng bởi tham khảo quá nhiều tài liệu một chiều nên Việt không khỏi không “xây dựng” những hình ảnh vô hình trung phù hợp với đường lối tuyên truyền của cộng sản, đặc biệt là cảnh cảnh sát quốc gia VNCH hiếp nữ cán binh Việt Cộng theo một cách vô cùng bệnh hoạn. Có thể nói đây là chi tiết tệ nhất trong “The Sympathizer”.

Kinh nghiệm của những cựu sĩ quan VNCH trong trại cải tạo sau 1975 cũng được tham khảo và tác giả cám ơn những người viết như Trương Như Tản, Huỳnh Sanh Thông, Trần Trí Vũ, Jade Ngoc Quang Huynh. Không biết tác giả vô tình hay cố ý đã “quên” một nhân vật rất quan trọng của miền Bắc, người để lại một câu “khuôn vàng thước ngọc” cho chế độ: “Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do”.

Ở Chương 22 có đoạn đối thoại giữa người viết bản tự khai dài 307 trang với viên chính ủy xoay quanh câu nói của Hồ Chí Minh:

“Cái gì quý hơn độc lập và tự do?
Hạnh phúc?
Cái gì quý hơn độc lập và tự do?
Tình yêu?
Cái gì quý hơn độc lập và tự do?
Tôi không biết!
Cái gì quý hơn độc lập và tự do?
Ước gì tôi được chết!”

Theo Nguyễn Thanh Việt, ảnh hưởng quan trọng hơn cả là bộ phim “Apocalypse Now” về chiến tranh Việt Nam của đạo diễn Francis Ford Coppola. Việt cho biết anh đã bị bộ phim năm 1979 ám ảnh từ lúc còn trẻ, đó cũng là lý do thôi thúc anh viết “The Sympathizer”.

“Đây là bộ phim ảnh hưởng mạnh đến một chàng trai trẻ như tôi, nó khiến tôi như bị chia hai. Trong vị trí là một khán giả người Mỹ, tôi nhìn thấy mình qua hình ảnh người lính trong phim. Cho tới khi họ giết người dân Việt Nam, những con người nhìn giống tôi, đó là khoảnh khắc tràn ngập nỗi bối rối, bức bối và đau đớn!”

Theo anh, bộ phim đã cho thấy điện ảnh Hollywood chỉ là một công cụ tuyên truyền cho quân đội Hoa Kỳ mà không đếm xỉa gì đến thân phận của của người gốc Á châu nói chung và người Việt nói riêng. Hằng triệu người bản xứ đã bị giết (trực tiếp hay gián tiếp) trong cuộc chiến vừa qua, họ chỉ là những bóng ma trong phim để tôn vinh những người lính Mỹ. Thế cho nên, Nguyễn Thanh Việt đã để nhân vật chính trong “The Sympathizer” thay anh trả đũa lại Hollywood trong vai trò cố vấn cho đạo diễn người Mỹ làm phim chiến tranh về Việt Nam. Phải chăng, đó là nguyên nhân sâu xa khiến người đọc – dù da trắng hay da màu – cũng thấy cái bóng của mình trong tác phẩm. Và đó cũng là lời giải thích tại sao “The Sympathizer” có thể chen chân vào danh sách Pulitzer của văn chương Hoa Kỳ.

Nguyễn Ngọc Chính
Theo Saigon Nhỏ ngày 28 tháng 4, 2023

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*