Anh chị em chúng tôi gồm mười một đứa lau nhau sống êm đềm trong làng Hà Đông, trong tình yêu thương của bố mẹ và đại gia đình ở Dalat, năm đứa con lớn của bố đã ngồi trên ghế trung học. Bố tôi là người mê đọc sách báo và truyện. Khi chúng tôi lớn lên, bắt đầu biết đọc sách, đã thấy chất đầy trên tủ sách của bố, những sách và báo xuất bản của Tự Lực Văn Đoàn. Lũ bạn cùng lớp với tôi chúng nó cũng mê mẩn với tủ sách này nên chúng nó chịu khó đến thăm tôi lắm, phần thì chúng đến vì vườn dâu tây và vườn chanh của mẹ tôi nữa.
Thời gian này, có bao nhiêu tờ báo xuất bản hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng bố tôi đều đặt mua ở Saigon, kể cả tuần san, bán nguyệt san, nguyệt san như Phổ Thông, Phụ Nữ Diễn Đàn, Điện Ảnh, Trinh Thám v.v… và báo dành cho thiếu nhi như báo Búp Bê của nhà văn Duyên Anh. Hằng ngày có người đem cả xấp báo đến tận nhà.
Ham đọc sách báo nên có những câu chuyện mình đọc hồi nhỏ mà nhớ hoài. Đến khi sống ở Hải Ngoại, có lần tôi được gặp nhà văn Nguyễn Thị Vinh, bà vẫn đẹp quý phái và dịu dàng, kín đáo, nhân ái như văn của bà vậy, nhân dịp bà cùng phái đoàn nhà văn ở Oslo qua Đức. Tôi có kể cho bà nghe chuyện của bà viết về một bà mẹ gia đình gia giáo, đã từng giàu có… thế mà có lúc khi Tết đến đã phải mượn tiền mừng tuổi của cô bé con để mừng tuổi cho người khác. Bà xiết chặt tôi trong vòng tay và nói: “Lúc ấy em bao nhiêu tuổi? Thưa cô em nhớ là học lớp nhì lớp nhất gì đó“.
Những tờ báo hàng tuần hay hằng tháng thì chúng tôi lưu giữ lại, để đọc dần dần và đọc đi đọc lại những gì mình thích. Còn những tờ báo hằng ngày, sau khi đọc xong bố tôi sai anh em tôi đem ra phòng thông tin của phường xã để cho mọi người đọc. Nhiều lúc chúng tôi lười không chịu đem đi thì bố tôi trách mắng thậm tệ rồi giải thích cho chúng tôi biết: Mình giúp cho người dân trong phường xã này thêm kiến thức hiểu biết qua những tờ báo đó con ạ. Chứ mình vất đi hay bán kilo cho người mua ve chai thì được mấy đồng, mà bố thấy thế là phí phạm. Nhờ có những số báo này mà hằng ngày tại trụ sở phường xã nơi chúng tôi cư ngụ lúc nào cũng đông người lai vãng.
Mẹ tôi không được ăn học, thấy nhà có nhiều sách báo, mỗi khi báo mới về thì cả nhà đông trẻ con như thế mà không một tiếng ồn ào, bố tôi và lũ con mỗi người chúi mũi chúi mắt vào một tờ báo. Mẹ tôi vì thế tò mò muốn đọc xem trong đó có gì mà cha con nhà nó mê man đến thế. Chỉ vì tò mò, bà tự học một mình, nên biết đọc biết viết, rồi ham đọc sách nên bà đọc nhiều tiểu thuyết và thuộc lòng Truyện Phạm Công Cúc Hoa, truyện Kim Vân Kiều và Chinh Phụ Ngâm Khúc v.v… Chúng tôi vẫn nhớ mãi những lời ru em của mẹ tôi, toàn là Kiều và Chinh phụ ngâm.
Bố Mẹ tôi rất thương người và luôn giúp đỡ người cơ nhỡ. Một hôm trời đã xế chiều có ông bán chiếu đi qua suối, ông đội một kiện chiếu lớn và dài trên đầu, cây cầu gỗ đã cũ bắc ngang qua suối không chịu nổi sức nặng của ông và kiện chiếu nên gãy đôi. Ông ta té xuống nước lúc ấy đang chảy xiết, bị ướt từ đầu tới chân và kiện chiếu ướt trôi theo giòng nước, ông chới với, hốt hoảng vật lộn với giòng nước để dành lại những chiếc chiếu đang trôi theo giòng nước. Mấy chú làm vườn gần suối vội chạy ra giúp ông ta vớt kiện chiếu lên. Bố tôi thấy tội nghiệp nên mời ông ta về nhà, sai các chú làm vườn giúp ông phơi chiếu trong nhà sau, nơi chứa củi để đun nấu và đồ làm vườn, mời ông cơm nước và ngủ lại nhà. Sáng thức dậy, ông ta lấy một chiếc chiếu hoa cạp điều, đan thật dày dặn và đẹp nhất tặng bố tôi, gọi là một chút cám ơn. Bố tôi không nhận dù ông ta năn nỉ mãi. Mẹ tôi thấy vậy phải can thiệp: “thôi thì ông nhận đi, cho chú ấy vui lòng“. Trước khi ông ta từ giã vác chiếu đi bán tiếp, bố tôi còn ép ông ta ăn bữa cơm sáng đã rồi hãy đi vì trong làng không có hàng quán bán thức ăn. Khi ông lên đường, bố tôi sai chú làm vườn theo ra cổng, nhét vào tay ông bán chiếu số tiền mà mẹ tôi nói là còn hơn giá cái chiếu được tặng.
Mẹ tôi là một cô bắc kỳ nho nhỏ, rất đẹp, hiền dịu, ít nói, mồ côi cha, vâng lời bà ngoại tôi, lúc 17 tuổi, về làm vợ một công tử Hà Đông, làm dâu một gia đình giàu có. Mẹ rất đau khổ vì gia đình chồng hạnh của, hành hạ con dâu, coi như một người làm công chứ không phải làm dâu, nên bà càng ít nói hơn, sống âm thầm, hay khóc thầm… chịu đựng.
Tôi luôn có ý nghĩ mẹ tôi là một người không biết xử dụng tiền bạc cho đúng, dưới con mắt ngây thơ ăn chưa no lo chưa tới của một cô nữ sinh trung học thì bà có vẻ phung phí. (vì mỗi lần chúng tôi xin tiền mua nón, mua guốc dép hay may quần áo mới thì bà la chúng tôi không biết gìn giữ dồ dùng cho bền lâu. Phải xin hai ba lần mới được mẹ cho thỏa mãn, mà bà vẫn có vẻ không hài lòng).
Khoảng sân trước nhà tôi rất rộng có trồng mấy luống hoa mà ba tôi vẽ kiểu theo hình ngôi sao, hình tròn, hinh quả trám v.v… và mỗi luống đều phải trồng hoa gì mầu gì theo mẫu ông đã vẽ. Vài tháng ông lại có mô hình mới cho mọi người. Mẹ tôi cứ thuê một chị người làm đến làm cỏ và tưới cây, bắt sâu, tỉa lá hoài. Chị Tư góa chồng, sống rất nghèo khó với đứa con nhỏ ba tuổi, chồng chị mới qua đời vài tháng nay. Sáng chị cắp nón bồng con đến, chiều cắp nón bồng con về, thế nào cũng có một giỏ quà đầy thức ăn cho hai mẹ con… rồi khi thì cái áo, cái quần, đứa bé thì, khi tấm bánh, khi gói kẹo v.v… Vườn nhổ hết cỏ, mẹ tôi lại sai chị xới đất, rồi mua thứ hoa khác về trồng, mặc dầu vườn hoa vẫn chưa đến lúc phải thay đổi. Hết việc ngoài vườn, mẹ tôi lại sai chị làm việc lặt vặt trong nhà, những việc đó đã có chị người làm giúp việc trong nhà bao thầu, đâu đó sạch bong hết rồi. Mỗi khi đến ngày rằm, mồng một mẹ tôi sai chị lau chùi bàn thờ và chùi bộ lư đồng đến cả hai ba ngày trời mới xong. Hết những việc này, mẹ tôi lại sai chị ra quét sân sau nhà, sửa hàng rào v.v… mặc dầu cái hàng rào chẳng cần phải sửa…. Có hôm chẳng phải làm gì mẹ tôi sai chị nhổ tóc sâu cho bà và tỉ tê chuyện nhỏ chuyện to với bà suốt buổi.
Nhiều lần tôi và cô em kế ngỏ ý với mẹ tôi, mẹ cứ thuê chị Tư làm những việc vô ích mà tốn tiền. Mẹ tôi lại gắt: “con nít biết gì“. Tôi im im nhưng trong bụng tưng tức làm sao và tôi ghét mẹ con chị Tư ra mặt. Mỗi khi thấy bóng tôi hay cô em đi học về là chị vội kiếm việc gì làm cho nhanh hay vội vã dắt con ra giếng múc nước. v.v…
Mấy năm sau mẹ tôi tìm cho chị Tư một anh chồng là người đàn ông làm công cho vườn trại nhà chúng tôi. Lúc bấy giờ, chúng tôi cũng đã trưởng thành hơn, mẹ tôi mới giải thích cho chúng tôi biết: “Những năm con chị còn nhỏ, chị Tư lại có chút nhan sắc mà không nơi nương tựa, không cha mẹ, không bà con thân thích, chị lưu lạc từ ngoài xứ Quảng vào đây, chị sống quá neo đơn nghèo khổ, mẹ thương chị vì chị rất hiền từ lại biết nghe lời mẹ khuyên bảo, mẹ sợ chị ấy sẽ dễ dàng sa ngã nên mẹ cứ kêu chị đến nhà làm những việc vặt vãnh trong nhà để từ từ mẹ tìm người hiền lành nhân đức mà gả chồng cho chị có nơi nương tựa. Các con phải biết khi giúp đỡ người khác mà mình không cần cho họ biết là mình giúp họ thì mới tốt, các con à“. Từ đó tôi học được bài học quý giá nơi mẹ tôi, “Làm việc nghĩa tay phải thì đừng cho tay trái biết“.
Vợ chồng chị Tư coi bố mẹ tôi như bố mẹ của anh chị, ngược lại bố mẹ tôi cũng thương anh chị như con cái trong nhà. Ngày giỗ, ngày Tết đều đem lễ vật đến biếu bố mẹ tôi và quán xuyến tất cả mọi việc trong những ngày ấy, anh chị rất quý mến chúng tôi. Anh chị thường đến thăm nom bố mẹ tôi luôn và hễ thấy những việc gì trong nhà cần làm là anh chị tự ý đảm nhận lo toan hết. Mẹ tôi vẫn thường nhắc nhở chúng tôi, hãy biết thương người thì chẳng có gì thiệt thòi trong đời sống.
Bố Mẹ yêu quý của con, con xin ghi ơn sinh thành dưỡng dục và cám ơn bố mẹ nhiều.
Con luôn nhớ đến bố mẹ trong kinh nguyện và Thánh Lễ hằng ngày.
Elisabeth Nguyễn
Cám ơn quý vị.