Một bức ảnh có tính biểu tượng: Tổng thống Pháp E. Macron thân cận với Chủ tịch TQ Tập Cận Bình trong lúc bà Chủ tịch EC Ursula von der Leyen giữ khoảng cách với ông Tập khi chụp ảnh lưu niệm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh hôm 6 Tháng Tư vừa qua. (Ảnh của Zhai Jianlan/Xinhua via Getty Images)
Sau chuyến công du ba ngày tới Trung Quốc và được Chủ tịch Tập Cận Bình đón tiếp trọng thị chưa từng có, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã yêu cầu châu Âu giảm bớt sự phụ thuộc vào Mỹ và tránh bị kéo vào cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Châu Á-Thái Bình Dương. Phát ngôn của ông Macron bộc lộ một ảo tưởng thiển cận và nguy hiểm.
Lời kêu gọi của ông Macron, được đưa ra trong các phát biểu chính thức cũng như trong các cuộc trả lời phỏng vấn của báo Le Monde của Pháp và Politico của Mỹ ngay trong chuyến đi có thể chọc giận Washington, làm nổi bật sự chia rẽ trong Liên minh châu Âu về cách tiếp cận Trung Quốc và xa hơn là có thể làm suy yếu liên minh toàn cầu chống lại các chế độ chuyên chế.
“Tự chủ chiến lược” kiểu Pháp
Trong các nguyên thủ quốc gia của EU, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là người có nhiều mối hận với Mỹ và các nước nói tiếng Anh, gọi là nhóm Anglo-Saxon nhất. Ông ta chưa bao giờ quên vụ Mỹ và Anh phỗng tay trên khi cùng Úc ký kết hiệp ước AUKUS, mà theo đó Anh và Mỹ sẽ cung cấp cho Úc công nghệ đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, dẫn tới việc Úc hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm chạy bằng dầu diesel của Pháp trị giá khoảng $50 tỷ.
Sau khi Vương quốc Anh ra khỏi Liên Âu (EU), và nhất là sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel rời bỏ chính trường sau 16 năm cầm quyền, ông Macron có tham vọng ngồi vào chiếc ghế lãnh đạo EU mà bà Merkel để lại. Ông cũng muốn để lại dấu ấn cá nhân như là nhà lãnh đạo toàn cầu, đứng đầu một cực quyền lực trong một thế giới đã bắt đầu phân chia thành “tam cực”: Mỹ, Trung Quốc và EU.
Để thực hiện tham vọng đó, ông Macron luôn nhấn mạnh lý thuyết của ông về “quyền tự chủ chiến lược”, theo đó EU – do Pháp dẫn đầu – sẽ trở thành siêu cường thứ ba của thế giới. Nói chuyện với các nhà báo Pháp và báo Politico trên phi cơ từ Trung Quốc trở về, ông Macron khẳng định EU sẽ đối mặt với rủi ro lớn nếu “bị cuốn vào những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta, ngăn cản chúng ta xây dựng quyền tự chủ chiến lược của mình”.
Quyền tự chủ chiến lược đó, theo lý thuyết của ông Macron, là EU phải “độc lập” với Hoa Kỳ trong tất cả các lĩnh vực chính sách. Ông ta cho rằng sự phụ thuộc của châu Âu vào Mỹ về vũ khí, năng lượng và “đặc quyền ngoại giao của đồng đô la Mỹ” đang làm giảm quyền tự trị của châu Âu. Ông đề nghị EU nên tập trung thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng và giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la.
Học thuyết “tự chủ chiến lược” của Macron nhấn mạnh châu Âu cần có chiến lược của châu Âu trong các lĩnh vực như Ukraine, quan hệ với Trung Quốc, các biện pháp trừng phạt. Macron chống lại việc tham gia khối này chống lại khối kia và nói rằng châu Âu “không nên bị cuốn vào sự rối loạn của thế giới và những cuộc khủng hoảng không phải của chúng ta”.
“Tự chủ chiến lược” trong thực tế
Ý niệm về tự chủ chiến lược (autonomous strategy) của ông Macron đã nhanh chóng bị ông Tập Cận Bình bắt thóp. Nói chuyện với ông Macron ở Bắc Kinh, tuy không đề cập trực tiếp tới Hoa Kỳ, nhưng ông Tập nhắn nhủ rằng quan hệ Trung Quốc-EU “không nhằm vào, không phụ thuộc vào, và không bị bên thứ ba kiểm soát,” hàm ý chê bai EU bị Mỹ “kiểm soát” trong chính sách đối ngoại.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (phải) cùng Tổng thống Pháp E. Macron xem trình tấu bản cổ nhạc “Cao sơn Lưu thủy” ở Quảng Đông hôm 7 Tháng Tư 2023 – một sự tiếp đãi chưa từng có tiền lệ để thể hiện sự thân mật. Ý đồ của Tập là qua E. Macron kéo EU xa rời khỏi ảnh hưởng của Hoa Kỳ. (Ảnh của Yue Yuewei/Xinhua via Getty Images)
Ông Tập đã dành cho ông Macron sự tiếp đãi trọng thị chưa từng có trong khi cùng lúc lạnh nhạt với bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, người cùng đến Bắc Kinh với ông Macron. Ông Tập cũng từ chối điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ý đồ của Tập không gì khác hơn là dùng Macron làm nhân tố phá vỡ mối liên kết hai bờ Đại Tây Dương, chia rẽ nội bộ EU và kéo khối này ra khỏi ảnh hưởng của Mỹ.
Về vấn đề Đài Loan – điểm nóng nhất trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, ông Macron bày tỏ mối quan ngại của mình về “căng thẳng gia tăng trong khu vực” có thể dẫn đến “một tai nạn khủng khiếp”. Bình luận của Macron được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Trung Quốc tiến hành các cuộc tập trận quân sự lớn, mô phỏng cuộc tấn công Đài Loan mà Trung Quốc cho là để đáp trả cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn và Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Kevin McCarthy ở California vài ngày trước. Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã nhiều lần đe dọa xâm lược Đài Loan và có chính sách cô lập hòn đảo dân chủ bằng cách buộc các nước khác công nhận nó là một phần của “một Trung Quốc”.
Ông Macron lập luận rằng cuộc khủng hoảng ở Đài Loan không có lợi cho châu Âu. “Điều tồi tệ nhất là nghĩ rằng người châu Âu chúng ta phải quan tâm đến chủ đề này và làm theo gợi ý từ chương trình nghị sự của Hoa Kỳ và phản ứng thái quá của Trung Quốc,” ông Macron nói. Ông không nhìn thấy tham vọng thâu tóm Đài Loan của Tập là phi lý, trái với Hiến chương Liên Hiệp Quốc và quyền tự quyết của 26 triệu người dân đảo quốc này.
Trong khi thảo luận về vấn đề Đài Loan với nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình vào thứ Sáu 7 Tháng Tư, Macron đã cảnh báo “sự gia tăng căng thẳng bùng phát từ cuộc song đấu” của Trung Quốc và Mỹ.
Trong vấn đề Ukraine, Pháp là nước đóng góp rất ít vào việc hỗ trợ Ukraine, không tương xứng với tiềm lực và vị thế của quốc gia này. Tính đến 20 Tháng Mười 2022, Pháp chỉ đóng góp 1.41 tỷ euro, rất ít so với Đức (5.44 tỷ euro), Anh (7.08 tỷ), Ba Lan (3 tỷ), Canada (3.78 tỷ) và Hoa Kỳ (47.8 tỷ). Trong các nguyên thủ quốc gia châu Âu, ông Macron gần như là người duy nhất vẫn giữ liên lạc mật thiết với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủng hộ Trung Quốc đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc chiến Nga – Ukraine.
Trong lĩnh vực kinh tế thương mại cũng vậy. Trong khi Mỹ và các nền kinh tế lớn của châu Á như Nhật Bản và Nam Hàn có chính sách “tách rời” (decouple) để giảm phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc, khuyến khích các doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang các nước Á châu khác thì ông Macron tuyên bố: “Chúng ta không được tách rời (decouple with) Trung Quốc”. Như để chứng tỏ quan điểm đó, trong chuyến đi Bắc Kinh vừa qua, ông Macron dẫn theo một phái đoàn hùng hậu 50 nhà quản trị doanh nghiệp hàng đầu của Pháp, trong đó có các tập đoàn lớn như Airbus, nhà sản xuất tàu điện cao tốc Alstom, và tập đoàn điện lực EDP. Riêng Tập đoàn hàng không Airbus trong chuyến đi này đã cam kết tăng gấp đôi sản lượng dòng phi cơ thương mại thân hẹp A320 mà tập đoàn này đang lắp ráp ở Trung Quốc.
Ảo tưởng nguy hiểm
Những tuyên bố của ông Macron về Ukraine, về Đài Loan, về thương mại và về quan hệ với Hoa Kỳ làm nổi bật sự chia rẽ trong EU, đặc biệt là sau khi Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine và Trung Quốc đứng về phía Nga trong một mối quan hệ hợp tác “không giới hạn”.
Các nước thành viên EU gần gũi với Nga về địa lý, hoặc đã từng trải qua nhiều thập niên dưới chế độ cộng sản, như Ba Lan, Tiệp Khắc cũ (Slovakia và Czech) các nước vùng biển Baltic (Lithuania, Latvia và Estonia) có lập trường chống đối Nga, ủng hộ Ukraine mạnh mẽ hơn hẳn so với các nước Tây Âu giàu có nhưng chưa từng bị hiểm họa cộng sản như Pháp hoặc Tây Ban Nha.
Dù sao cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine đã thúc đẩy sự hồi sinh của NATO và củng cố mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và EU trong phản ứng chung hỗ trợ Ukraine và cấm vận kinh tế Nga. Đòi EU phải có tiếng nói riêng, khác với Mỹ trong vấn đề Ukraine chỉ là một tiếng nói lạc lõng không hợp thời, chỉ có lợi cho Putin và chắc chắn không được các thành viên khác trong EU ủng hộ, trừ Hungary.
Mối liên hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ và châu Âu đã có từ lâu, vừa có phần là sự tương đồng về văn hóa-ngôn ngữ, vừa có phần giống như là quan hệ huyết thống, và được thử thách qua nhiều biến cố lớn của lịch sử như các cuộc Thế Chiến và cuộc chiến chống chủ nghĩa cộng sản. Trong các biến cố này, Hoa Kỳ bao giờ cũng chịu phần gánh nặng nhất, không chỉ về tiền bạc mà cả máu nữa, vì sự bình yên của châu Âu.
Và trên hết là vì sự tồn tại của một hệ giá trị dân chủ, tự do và nhân quyền mà cả hai bên đều chia sẻ. Sự trỗi dậy của các cường quốc chuyên chế mới như Trung Quốc và Nga đã làm cho các nền dân chủ ở hai bờ Đại Tây Dương và xa hơn nữa phải liên minh với nhau. Nhân danh “quyền tự chủ chiến lược” để đề nghị cắt đứt quan hệ giữa EU và Hoa Kỳ là một tư tưởng thiển cận và nguy hiểm, chỉ có lợi cho những nhà độc tài Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Hiếu Chân
Theo Saigon Nhỏ News ngày 9 tháng 4, 2023
Be the first to comment