Tuần này, chúng ta bàn qua phần hai của bài nhận định về vai trò của các tổng thống Mỹ trong việc mất trọn miền Nam VN vào tay VC.
Ba tổng thống Johnson, Nixon, và Ford sẽ được bàn qua trong phần này.
Đây là giai đoạn chiến tranh VN lên cao điểm, rồi đi đến kết cuộc bi thảm mà ta đã biết.
4. TT Johnson. Dân Chủ 1963–1968
TT Kennedy bất ngờ bị ám sát chết ba tuần sau khi TT Diệm bị giết. Nhiều người tin dị đoan sẽ gọi là ‘quả báo’? TT Johnson lên thay thế, một năm sau ông ra tranh cử và đắc cử, làm tổng thống chính danh chứ không còn là ‘tổng thống ngáp’ sau khi TT Kennedy chết, nhưng 4 năm sau đó, quyết định không ra tranh cử nữa.
TT Johnson, dân ‘cao bồi’ Texas thứ thiệt, chủ trương cứng rắn hơn TT Kennedy. Ngay từ đầu, ông muốn tiếp tục hậu thuẫn TT Diệm, phản đối lại mọi đề nghị đảo chánh, chống ngay cả những áp lực đẩy cố vấn Nhu ra ngoài vòng quyền lực. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã muốn can dự mạnh, nhưng vì phải ra tranh cử cuối năm 1964, nên phải dè dặt, tuyên bố sẽ không cho “thanh niên Mỹ chết trong đồng ruộng Á Châu” và đả kích mạnh thái độ ‘diều hâu’ cực đoan của ứng cử viên CH ông Barry Goldwater.
Sau khi đắc cử, ông mau mắn lật ngược chính sách, can thiệp mạnh vào nam VN, nhất là sau khi tình hình VN suy xụp mau chóng qua các ‘chỉnh lý’ không ngừng của các tướng lãnh.
TT Johnson quyết tâm sẽ không là tổng thống Mỹ đầu tiên thua trận hay bỏ rơi đồng minh. Trong thời gian đầu, ông được hậu thuẫn của đảng DC khi đó nắm đa số tại cả Hạ Viện lẫn Thượng Viện. Đảng CH diều hâu cũng hậu thuẫn tuy họ đòi hỏi những biện pháp can thiệp còn mạnh hơn nữa. Quốc hội biểu quyết cho TT Johnson toàn quyền đánh BV sau vụ tàu Maddox bị tàu VC bắn, qua Nghị Quyết Tonkin –Tonkin Resolution- chỉ có đúng 2 phiếu chống so với 98 phiếu thuận tại Thượng Viện, với 0 phiếu chống và 416 phiếu thuận tại Hạ Viện. Mở màn cho các chiến dịch dội bom Bắc Việt kéo dài qua tới thời TT Nixon.
Cái nhức răng cho TT Johnson là ông là người có khuynh hướng cấp tiến nặng, có tham vọng lớn muốn thay đổi xã hội, tung ra các chương trình cấp tiến để thực hiện cái mà ông gọi là Great Society, nhưng kẹt chiến tranh VN, vừa tốn tiền quá mức, vừa gây phân hóa lớn trong chính trường cũng như trong dư luận quần chúng, là những cản trở vĩ đại cho giấc mộng Great Society.
Sau vài năm đầu thậm thụt leo thang từng bước, đưa đến việc hơn nửa triệu quân Mỹ tham gia cuộc chiến mà vẫn không thấy ‘ánh sáng cuối đường hầm’, ông tìm cách ‘tháo chạy’ nhưng không tìm ra lối thoát.
Những cố gắng mở đường nói chuyện với VC qua nhiều ngã đều thất bại. Ngay cả sau khi Mỹ và VC thỏa thuận gặp nhau tại Paris tháng 5/1968 sau khi VC thảm bại trong vụ tổng công kích Mậu Thân, hai bên cũng chẳng đi đến một thỏa thuận nào hết, tranh cãi cả mấy tháng trời về những chuyện lẩm cẩm như hình thù cái bàn họp. Thật ra, VC cố tình trì hoãn để đợi bầu cử tổng thống Mỹ cuối 1968. Khi hai bên chuẩn bị nói chuyện cũng là lúc TT Johnson đã công khai tuyên bố ông không ra tranh cử lại, trong khi các ứng cử viên tổng thống của đảng DC, trong đó có các thượng nghị sĩ Eugene McCarthy, George McGovern và Robert Kennedy, đều công khai muốn Mỹ rút khỏi VN.
TT Johnson là người chịu trách nhiệm mang hơn nửa triệu quân Mỹ vào VN, ‘chiếm’ quyền trực tiếp điều hành cuộc chiến từ quân sự đến chính trị, với những hậu quả tốt cũng như xấu. Tốt vì hiển nhiên đã cứu miền Nam khỏi một đại bại ngay từ những năm 65-66 khi quân lực VNCH gần như tan hàng vì những chỉnh lý của các tướng, chỉ lo đánh lẫn nhau chứ không lo đánh VC nữa. Xấu vì đúng như TT Eisenhower và TT Diệm đã lo ngại, việc Mỹ can thiệp trực tiếp quá mạnh, đã khiến VNCH mất chính nghiã, tặng cho VC một vũ khí tuyên truyền vô giá là “lính da trắng Mỹ chỉ là thay thế lính da trắng Pháp thôi”.
Qua việc TT Johnson can thiệp mạnh, nhiều người nghe theo tuyên truyền của CS cho rằng việc đó thể hiện tính ‘đế quốc’ của Mỹ. Thật ra, nếu hiểu người Mỹ rõ thì sẽ biết quyết định can thiệp mạnh của TT Johnson chẳng qua là đúng theo tính người Mỹ, làm gì cũng muốn mình là người lấy quyết định trọn vẹn, không tin người khác có khả năng làm được việc, nhất là khi thấy cấp lãnh đạo VNCH, từ TT Diệm đến các tướng lãnh, đều đã đi từ thất bại này đến thất bại khác.
Đáng tiếc thay, chính quyền Mỹ cũng không khá hơn, đã đưa ra hết chiến lược sai lầm này đến chính sách trật bét nọ, luôn đi theo VC nhưng chậm hơn một bước. Ban đầu, Mỹ chờ đợi một cuộc chiến quy ước lớn kiểu Bắc Hàn xâm lăng Nam Hàn, thì VC chơi du kích chiến. Khi Mỹ chuyển qua chống du kích trong rừng thì VC tổng công kích thành phố. Khi Mỹ lo bảo vệ thành phố và lùng du kích VC trong núi, thì VC xua thiết giáp tràn qua biên giới.
TT Johnson coi cuộc chiến như một cuộc đấu võ chính trị trong đó quân sự chỉ là công cụ. Tất cả các chiến dịch quân sự lớn, tất cả các cuộc đánh bom BV, đều phải được Tòa Bạch Ốc ô-kê dựa trên tính toán chính trị, từ nhu cầu, ý nghiã, đến hậu quả. Rồi lại còn phụ thuộc vào phân tích thống kê điện toán –computer data analysis- theo kiểu tỷ lệ địch chết so với số lượng đạn bắn, số làng đã bình định so với số bom đã thả,… Nhiều chuyên gia đã nhận xét không sai là cuộc chiến không phải do các tướng bốn năm sao điều hành trên chiến trường, mà là do các sinh viên vừa tốt nghiệp đại học, chuyên gia tranh cãi lý thuyết chính trị và phân tích thống kê, làm việc trong phòng lạnh tại Tòa Bạch Ốc hay Ngũ Giác Đài, chỉ nhìn thấy những con số thống kê, chưa bao giờ thấy một giọt máu hay nghe một phát súng nổ.
Mỹ thua vì không hiểu mà cũng chẳng bao giờ muốn tìm hiểu những yếu tố tâm lý chính trị đặc thù của VC nói riêng và VN nói chung, mà chỉ trông cậy vào hỏa lực. Lý luận của người Mỹ: Mỹ đã diệt tan cả Đức lẫn Nhật, luôn cả Trung Cộng tại Bắc Hàn, mà đâu có cần tìm hiểu tâm lý của Hitler, Hirohito hay Mao gì đâu, sao bây giờ phải thắc mắc chuyện mấy ông nông dân Việt nghĩ gì? Ngay cả các tướng tá, sĩ quan VNCH nghĩ gì, Mỹ cũng chẳng cần biết.
Cái sai lầm của lập luận này là Đức, Nhật và Trung Cộng đều dùng hỏa lực của họ chống lại hỏa lực của Mỹ, và họ thua; trong khi VC không dùng hỏa lực mà dùng chiến tranh gặm nhấm. Vũ khí chính của VC là lấy lòng dân bằng đủ cách, từ dụ dỗ ngon ngọt đến lừa gạt xảo trá nhất đến khủng bố và giết thẳng tay, tùy đối tượng. Với mục đích kéo dài cuộc chiến, gặm nhấm vào tính kiên nhẫn của dân Mỹ. Trong khi HCM nói chuyện “100 năm trồng người” thì người Mỹ chỉ nhìn thấy 4 năm nhiệm kỳ một tổng thống.
Dĩ nhiên là VC cũng phải dùng hỏa lực, nhưng chỉ để ‘dứt điểm khi thời cơ chín mùi’. Ở đây ta thấy ngay cái sai lầm của cấp lãnh đạo VC, quá chủ quan, quá tin tưởng vào tuyên truyền của chính mình, tưởng ‘cơ hội dứt điểm’ đã tới với Mậu Thân 68 và Mùa Hè 72, để rồi cả hai lần đều ôm đầu máu, chết lính như rạ. ‘Cơ hội dứt điểm’ chỉ thực sự đến với VC năm 75 khi quốc hội DC Mỹ đã cắt đứt cuống rốn cung cấp bom đạn và xăng nhớt cho QLVNCH.
Chính sách của TT Johnson tiêu biểu cho chính sách đối ngoại cũng như quân sự của các tổng thống của đảng DC: bao đồng muốn can dự nhưng lại nhát tay, vừa đánh vừa run vì sợ TC nhẩy vào. Khi TT Johnson được mật báo có cả ba trăm ngàn lính TC ở BV, ông tiếp tay VC dấu nhẹm tin này vì sợ đụng độ lớn với TC.
5. TT Nixon. Cộng Hòa 1969–1974
TT Johnson không ra tranh cử lại, đảng DC đưa PTT Hubert Humphrey ra chống lại cựu PTT Richard Nixon. Ông Nixon thắng.
Ông Nixon khi ra tranh cử bảo đảm ông đã có “kế hoạch bí mật” để chấm dứt chiến tranh VN. Sau này, kế hoạch bí mật đó được bật mí và mọi người thấy đó là giải quyết cuộc chiến VN bằng cách nói chuyện thẳng với các đàn anh đang đỡ đầu VC là Liên Xô và Trung Cộng, trao đổi quyền lợi dựa trên tính toán địa chính trị toàn cầu, trong khi chỉ điều đình với VC về chi tiết đình chiến, rút quân, và trao trả tù binh.
TT Nixon nhìn cuộc chiến VN dưới nhiều khiá cạnh:
– Cuộc chiến VN là một vi khuẩn vĩ đại gây phân hóa không hàn gắn được trong xã hội và chính trị Mỹ, làm tê liệt tất cả mọi chương trình nội bộ hay ngoại giao của Mỹ. Chưa kể tốn kém quá mức về tiền bạc và nhất là sinh mạng thanh niên Mỹ. Mà lại không thấy giải pháp nào khi khối CS quốc tế vẫn kiên trì giúp VC và VC nghiến răng thí mạng cùi tới cùng. Ông cho rằng việc cần phải làm là một mặt củng cố quân lực VNCH qua sách lược gọi là ‘Việt Nam hóa’, mặt khác điều đình với Liên Xô và TC chấm dứt hay ít nhất giảm mạnh viện trợ quân sự của họ cho VC, như vậy sẽ giúp cho VNCH một cơ hội đánh nhau ngang tay với VC, và trong cuộc chiến ‘ngang tay’ đó, TT Nixon tin tưởng VNCH sẽ chỉ thắng hay huề, không thể thua.
– Nhưng quan trọng hơn nữa trong cái viễn kiến quốc tế của TT Nixon, cuộc chiến VN là một chất keo kết nối khối CS, nhất là Nga và Tàu, mà nếu Mỹ chấm dứt can thiệp thì chất keo sẽ tan và mấy ông CS sẽ túm đầu đánh nhau túi bụi. Khối CS quốc tế đang bị chi phối bởi việc dành ảnh hưởng giữa hai ông anh lớn, Mỹ cần phải triệt để khai thác phân hóa đó để tạo ra thế chân vạc, ‘tam quốc tân thời’, chứ hai ông CS lớn đó ngồi với nhau thì Mỹ khó chống đỡ.
TT Nixon đã có viễn kiến xa hơn tất cả mọi người. Sau khi chiến tranh VN chấm dứt, quan hệ Liên Xô – Trung Cộng đổ vỡ hoàn toàn, không hàn gắn được. Sau đó, ngay cả TC cũng đánh VC trong khi VC đánh Căm-Pu-Chia. Chuyện ‘môi hở răng lạnh’ biến thành răng cắn cho đứt môi.
Phải thẳng thắn nhìn nhận chiến tranh VN là một hột cát kẹt trong con mắt của Mỹ, không có một ích lợi nào mà chỉ làm cộm mắt. TT Nixon thực sự muốn chấm dứt chiến tranh VN. Nhưng cũng không khác TT Johnson, ông không muốn là tổng thống đầu tiên thua trận, nhất là thất hứa không bảo vệ đồng minh. Thất hứa đó, ông sợ Mỹ sẽ phải trả giá quá cao khi Mỹ và khối Liên Xô-TC còn đang tranh dành ảnh hưởng trên các quốc gia đệ tam. Mỹ bỏ miền Nam VN quá dễ dàng sẽ khiến các quốc gia đệ tam cân nhắc việc làm đồng minh với Mỹ.
Điều ông hy vọng là sẽ có thể điều đình trên đầu VC, tức là điều đình thẳng với Liên Xô và TC để hai xứ đàn anh này ép VC chấp nhận một giải pháp nào đó mà sẽ không có bên nào thắng bên nào thua, chấm dứt chiến tranh VN theo mô thức Triều Tiên, duy trì tình trạng hai miền trong khi chờ đợi thống nhất có thể cả chục năm sau.
TT Nixon sai lầm và thất bại vì ông đã không tính trước sự chống đối quá mạnh của đối lập DC và nhất là không tính Watergate.
Đảng DC thất bại với TT Johnson nhất quyết không cho ông CH Nixon thành công. Trong suốt thời gian nắm quyền, ông Nixon đã gặp phải chống đối tuyệt đối của phe đối lập DC và TTDC thiên tả suốt ngày bôi bác miền Nam và ca tụng VC, chưa kể hàng vạn người xuống đường biểu tình liên tục cả mấy năm trời. Chỉ trong 4 năm nhiệm kỳ đầu, TT Nixon đã bị Hạ Viện DC biểu quyết hơn 80 lần, trung bình 3 tuần một lần trong suốt bốn năm liền, đòi TT Nixon chấm dứt can dự vào cuộc chiến.
Tháng Chạp 1969, Thượng Viện DC thông qua luật Church-Cooper (thượng nghị sĩ DC Frank Church của Idaho, và CH John Cooper của Kentucky) cấm triệt mọi hoạt động quân sự -hành quân hay dội bom- trên lãnh thổ Lào. Đường mòn Hồ Chí Minh được các nghị sĩ DC Mỹ bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Năm 1974, VNCH bất lực nhìn VC chuyển quân và súng đạn ào ạt vào Nam VN qua đường mòn bây giờ đã thành xa lộ HCM. TT Nixon muốn đánh bom, nhưng bị vướng xình lầy Watergate, không đủ hậu thuẫn chính trị để vượt qua luật Church-Cooper.
Tháng 6, 1970, Thượng Viện DC thông qua tu chính Church-Cooper cấm chính quyền Nixon không được chi một đồng nào cho cuộc chiến tại Căm-Pu-Chia, cấm gửi lính qua hay đánh bom xứ này luôn. Đến phiên các mật khu VC trên đất Căm-Pu-Chia được Thượng Viện DC Mỹ bảo đảm an toàn. VC di chuyển bộ tư lệnh từ “R” ở Nam VN qua Căm–Pu-Chia.
Năm 1973, lấy cớ Hiệp Định Paris đã ký, TNS Church lại cho thông qua luật mới cắt hết mọi viện trợ quân sự cho ba nước Việt-Miên-Lào. QLVNCH hết nhận được viện trợ quân sự. Cũng năm 1973, quốc hội thông qua luật War Power Act, Quyền Tham Chiến, bắt tổng thống phải xin phép quốc hội nếu tham gia bất cứ cuộc chiến nào quá ba tháng. Vì Hiệp Định Paris đã chấm dứt chiến tranh VN, nếu Mỹ trở lại VN thì sẽ coi như mở đầu một cuộc chiến mới, phải có sự chấp thuận của quốc hội do DC nắm đa số tại cả hai viện. (Cả hai luật cắt viện trợ hoàn toàn và cấm tham chiến khi đó được tân nghị sĩ Joe Biden ủng hộ)
Trong khung cảnh ‘nội chiến’ với đối lập DC đó, TT Nixon lại dính vào vụ Watergate, dĩ nhiên bị TTDC và DC triệt để khai thác, cuối cùng ép ông phải từ chức.
Câu hỏi không bao giờ có câu trả lời: nếu TT Nixon không bị DC chặt chân trói tay và dính lầy Watergate thì số phận VN sẽ ra sao? Hiệp Định Paris sẽ như thế nào? Ông sẽ đối phó thế nào khi thấy VC chuyển quân giữa ban ngày trên xa lộ HCM? Ông sẽ phản ứng ra sao khi VC xé Hiệp Ước Paris, tung thiết giáp chiếm Nam VN năm 75?
Nhiều người VN trách cứ TT Nixon và nhất là cố vấn Kissinger đã gian trá, lừa gạt VNCH, bán đứng VNCH cho Trung Cộng, để bảo vệ Do Thái.
Luận cứ này có đúng nhưng cũng sai. Đúng ở điểm TT Nixon muốn tìm giải pháp rút khỏi VN và nhiều khi đã không hoàn toàn chân thật với TT Thiệu, vì nhu cầu bảo vệ quyền lợi Mỹ cũng như thực hiện sách lược ‘tam quốc’ của ông, trong khi ông lại không muốn TT Thiệu công khai chống vì ông sợ mang tiếng phản đồng minh, do đó đã dấu TT Thiệu nhiều chuyện. Không đúng ở điểm TT Nixon muốn bán đứng VNCH cho TC với bất cứ giá nào, để bảo vệ Do Thái. Tố Kissinger “bán đứng VN để bảo vệ Do Thái” là một luận cứ thô thiển dễ ăn khách vì Kissinger là Do Thái. Cũng chỉ là một giả thuyết nằm trong câu chuyện hư cấu thế lực ngầm Do Thái thao túng cả thế giới. Thật ra, Do Thái chưa bao giờ là một yếu tố quan trọng trong việc giải quyết chiến tranh VN.
TT Nixon cố gắng tìm một giải pháp để VNCH có thể tồn tại lâu dài, qua những cuộc dội bom Căm-Pu-Chia và nhất là những cuộc dội bom trên Hà Nội mùa Giáng Sinh 72, nhưng mỗi lần ông ra tay mạnh là một lần bị khối DC ra luật mới trói tay thêm.
Luận cứ TT Nixon bán đứng miền Nam thật ra là do phe DC tung ra để chạy tội sau khi mất miền Nam, dấu nhẹm tất cả những biểu quyết của khối DC tại quốc hội đã khoá chặt tay TT Nixon. Nếu quốc hội đã ra luật cắt mọi viện trợ quân sự, cấm Mỹ dội bom trên cả bốn vùng, nam và bắc VN, Lào và Căm-Pu-Chia, cấm cả tổng thống không được tham chiến trở lại thì cho dù TT Nixon muốn giữ miền Nam thì ông có cách nào? Làm sao có thể nói TT Nixon là người chịu trách nhiệm về việc bỏ/mất VNCH? Điều ngạc nhiên phải nói là việc ông đã cứng cựa, cầm cự dai dẳng được 4 năm, vớt vát đến cùng, trước khi ký Hiệp Định Paris.
TT Nixon bị phe đối lập DC đánh đến độ không còn giữ được cái ghế của ông, làm sao giữ được cả miền Nam VN?
6. TT Ford. Cộng Hòa 1974–1976
TT Ford nhậm chức sau khi TT Nixon từ chức. Ông thừa hưởng một nước Mỹ đang bị khủng hoảng nặng chưa từng thấy và phải tập trung mọi nỗ lực để cứu con bệnh Mỹ, trong khi uy tín ông không có bao nhiêu vì chỉ là tổng thống ‘ngáp’ do Nixon chỉ định chứ không ai bầu (tuy ông có được quốc hội phê chuẩn). Trong chuyện VN, ông hoàn toàn bị trói tay bởi Hiệp Định Paris cũng như các luật Church-Cooper.
Khi VC rầm rộ chiếm miền Trung, ào ạt nam tiến, TT Ford tìm mọi cách cứu giúp. Ông yêu cầu quốc hội cho lính Mỹ trở lại viện cớ không phải để cứu nam VN, mà là để cứu lính và dân Mỹ còn đang ở VN. Ông cũng yêu cầu quốc hội cho tháo khoán khẩn cấp 720 triệu tiền viện trợ quân sự đã được phê chuẩn cho tài khoá 75 nhưng chưa tháo khoán. Những yêu cầu này bị quốc hội DC bác bỏ. Nhưng TT Ford vẫn bất chấp, trong những ngày cuối, cho chở hàng loạt vũ khí, đại bác, súng đạn qua cho VNCH, lấy cớ thay thế hao mòn, trên nguyên tắc được Hiệp Định Paris cho phép. (Những chuyến bay này chở bom đạn đến, khi rời VN thì chở qua Mỹ hàng ngàn trẻ mồ côi VN; chuyến bay đầu tiên, họa vô đơn chí, rớt ngay tại Tân Sơn Nhất, cả trăm trẻ em bị chết)
Cuối tháng Tư 75, khi VC gõ cửa Sàigòn, quốc hội DC cũng bác luôn yêu cầu của TT Ford xin viện trợ khẩn cấp 300 triệu để tăng cường bảo vệ thủ đô Sài gòn và phần còn lại của miền Nam trong khi chờ đợi (hy vọng?) các bên điều đình lại. Cận ngày mất nước khi không còn hy vọng gì, TT Ford xin chuyển số 300 triệu này qua một quỹ đặc biệt giúp chuyên chở và định cư tại Mỹ khoảng 200.000 quân cán chính VNCH mà ông cho rằng chắc chắn sẽ bị VC giết sau khi họ chiến thắng. Đề nghị này cũng bị quốc hội DC bác.
Mãi đến ngày 23/5, ba tuần sau khi VNCH đã mất, trong khi cả vạn người Việt đang chờ tại Guam và Wake, và sau những vận động mạnh của TT Ford trong hậu trường, quốc hội mới biểu quyết chấp nhận 130.000 người Việt đầu tiên tỵ nạn. Ở đây, phải ghi nhận khi đó, tân thượng nghị sĩ Joe Biden đã là tiếng nói chống đối mạnh nhất.
KẾT
Nhìn vào thực tế lịch sử, VN từ thời Quốc Gia VN đến Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Cộng Hòa, cũng kể luôn cả chế độ VC tại miền Bắc, trước sau vẫn chỉ là quân chốt trên bàn cờ chính trị thế giới. Quân chốt của Mỹ và quân chốt của khối CS quốc tế, trong một cuộc chiến ‘ủy nhiệm’ không hơn không kém. Việc đánh hay giúp VN –QG hay CS- luôn nằm trong những tính toán lớn của các đại cường. Cấp lãnh đạo VN từ CS đến QG, có tiếng nói rất nhỏ và quyền hành còn nhỏ hơn nữa.
Dù vậy, cũng không thể nói cấp lãnh đạo VN hoàn toàn không có trách nhiệm. Về phiá quốc gia, những chuyện như Bảo Đại ăn chơi trác táng không lo việc nước, hay TT Diệm xây dựng nên một quốc gia thịnh vượng và ổn định, nhưng sau đó phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng trở nên độc đoán, hay các tướng lãnh đảo chánh trên danh nghiã để đánh VC hữu hiệu hơn, nhưng rồi vì tham vọng cá nhân liên tục chỉnh lý lẫn nhau, bán cái việc đánh VC cho Mỹ, các sư sãi ‘chống chiến tranh’, linh mục ‘chống tham nhũng’, sinh viên ‘chống bắt lính’, ký giả ‘đi ăn mày’, nhân sĩ ‘đòi quyền sống’, các chính khách thời cơ ‘cẳng giữa’, những cuộc triệt thoái hỗn độn qua những quân lệnh bất nhất, rồi cuộc đầu hàng vô điều kiện quá nhanh thay vì cầm cự ít lâu để tìm cách điều đình,… cuối cùng đưa đến mất nước, đó chính là những phần trách nhiệm lớn của người Việt quốc gia, không phải là lỗi của Johnson hay Nixon hay Kissinger gì hết.
Những sai lầm đó đưa đến sự hy sinh cao cả nhưng oan uổng của một số tướng lãnh oai hùng tuẫn tiết vì nước và những sĩ quan và lính can trường chiến đấu đến cùng dù biết vô vọng.
Những lập luận “Mỹ tháo chạy” hiển nhiên không sai lắm, nhưng dù sao cũng vẫn là cách các quan chức miền Nam xiả tay đổ thừa mà không dám nhận phần trách nhiệm của chính mình.
Nhiều chính khách và tướng lãnh có trách nhiệm lớn trong cuộc chiến đã viết sách hay nói chuyện. Hầu hết đều khoe mình đúng và tài giỏi, để đổ thừa tất cả sai lầm lên đầu người khác. Điều đáng buồn là hình như những vị này, trong đó có nhiều vị bỏ quan bỏ lính ôm vợ con chạy, đã không có một vị nào đủ can đảm đứng ra nhận sai lầm của chính mình, công khai có một lời xin lỗi người dân và nhất là xin lỗi người lính miền Nam, từ lính chủ lực tới địa phương quân, nghiã quân, nhân dân tự vệ và cảnh sát, và nhất là vợ con của lính, là những nạn nhân khốn khổ thật sự trong cuộc chiến bi thảm kéo dài 30 năm.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 27/4/2019
Be the first to comment