Tổng thống Nga Vladimir Putin
Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm thứ Sáu (17/3) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin, cáo buộc ông phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh trục xuất bất hợp pháp trẻ em khỏi Ukraine.
Moscow luôn bác bỏ cáo buộc rằng các lực lượng của họ đã thực hiện các hành động tàn bạo trong cuộc xâm lược nước láng giềng suốt một năm qua, và Điện Kremlin coi phán quyết của ICC là “không có hiệu lực” đối với Nga.
Cả Nga lẫn Ukraine đều không phải là thành viên của ICC, nhưng Kiev đã trao cho cơ quan này quyền tài phán để truy tố các tội phạm xảy ra trên lãnh thổ Ukraine.
Toà án, với 123 quốc gia thành viên, không có lực lượng cảnh sát riêng và thường dựa vào các nước thành viên để bắt giữ và chuyển giao các nghi phạm đến The Hague để xét xử.
Mặc dù không có khả năng ông Putin sẽ sớm ra tòa, nhưng trát này có nghĩa là ông có thể bị bắt và giải đến The Hague nếu ông đi đến bất kỳ quốc gia thành viên ICC nào.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói Nga nhận thấy những vấn đề mà ICC đưa ra là “xúc phạm và không thể chấp nhận được”.
Khi được hỏi liệu ông Putin có sợ đi đến các quốc gia công nhận ICC hay không, phát ngôn viên Peskov trả lời rằng: “Tôi không có gì để nói thêm về chủ đề này. Đó là tất cả những gì chúng tôi muốn nói.”
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trên kênh Telegram rằng lệnh bắt giữ “không có ý nghĩa gì đối với đất nước chúng tôi” vì nước Nga không phải là một bên tham gia Quy chế Rome, hiệp ước làm nền tảng cho tòa án tội phạm chiến tranh thường trực của thế giới.
Trục xuất trẻ em Ukraine
Trong lệnh đầu tiên về Ukraine, ICC yêu cầu bắt giữ ông Putin vì bị nghi đã trục xuất trái phép trẻ em và chuyển người bất hợp pháp từ lãnh thổ Ukraine sang Liên bang Nga.
“Các tội ác được cho là đã xảy ra trên lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng ít nhất là từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Có cơ sở hợp lý để tin rằng ông Putin phải chịu trách nhiệm hình sự cá nhân đối với các tội ác nói trên,” lệnh bắt giữ cho biết.
Ông Putin là tổng thống đương nhiệm thứ ba bị ICC ra trát bắt, sau ông Omar al-Bashir của Sudan và ông Muammar Gaddafi của Libya.
Reuters hồi đầu tuần này đã đưa tin rằng tòa án dự kiến sẽ ban hành lệnh bắt giữ.
Tòa án cũng ban hành trát bắt vào thứ Sáu đối với Maria Lvova-Belova, Ủy viên về Quyền trẻ em của Nga, với cùng tội danh. Bà Lvova-Belova trả lời báo chí một cách mỉa mai, theo RIA Novosti: “Thật tuyệt khi cộng đồng quốc tế đánh giá cao công việc giúp đỡ trẻ em của đất nước chúng tôi.”
Ukraine cho biết hơn 16.000 trẻ em đã bị dời chuyển trái phép sang Nga hoặc các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở Ukraine.
Một báo cáo do Mỹ hậu thuẫn của các nhà nghiên cứu ở Đại học Yale vào tháng trước cho biết Nga đã giam giữ ít nhất 6.000 trẻ em Ukraine tại các địa điểm ở Crimea, bán đảo của Ukraine mà Moscow đã chiếm và sáp nhập vào năm 2014.
Báo cáo xác định ít nhất 43 trại và các cơ sở khác nơi trẻ em Ukraine bị giam giữ là một phần của “mạng lưới có hệ thống quy mô lớn” do Moscow điều hành kể từ cuộc xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm 2022.
Nga không che giấu chương trình đưa hàng nghìn trẻ em Ukraine đến Nga, nhưng nói đây là một chiến dịch nhân đạo để bảo vệ trẻ mồ côi và trẻ em bị bỏ rơi trong vùng xung đột.
Công tố viên ICC Karim Khan đã mở cuộc điều tra về tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng ở Ukraine cách đây một năm.
Ông nhấn mạnh trong bốn chuyến công tác tới Ukraine rằng ông đang xem xét các cáo buộc tội ác đối với trẻ em và việc Nga nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự.
Theo Reuters qua voatiengviet.com ngày 18/3/2023
Be the first to comment