Y Dài Hay I Ngắn

Trong bốn mươi năm nay, thỉnh thoảng tôi thấy có cuộc thảo luận về việc nên dùng /y/ hay /i/. Tôi đọc qua nhưng không tham gia, vì thấy phần lớn những người đang thảo luận mất bình tĩnh, biến cuộc thảo luận thành tranh luận, cố giành nhau “cái lý” của vấn đề, vượt ra khỏi khung ngữ pháp, và tệ hơn nữa, bắt đầu chụp mũ nhau: “Anh nào viết /y/ thành /i/, anh đó là … VC”. (Việt Cộng)

Hôm nay, tôi khơi lại chuyện này vì cần phải nói rõ vấn đề: đừng chụp cho chữ /i/ cái nón cối, vì làm vậy chỉ chứng tỏ một điều gì khác, không còn là chuyện đúng sai phải trái nữa.

Trước hết, xin nói rõ, không phải chỉ có một số học giả miền Bắc chủ trương viết /y/ thành /i/, mà học giả miền Nam cũng có nhiều người cùng một chủ trương. Đó là dịch giả Nguyễn Hiến Lê, GS Lê Hữu Mục (trưởng ban tu thư của Làng Văn), GS Nguiễn Ngu Í, nhà văn Nguyễn Văn Thông,.. Tuy nhiên, xa xưa nhất, là học giả Huình Tịnh Của. Điều chắc chắn là không ai có thể chụp mũ cụ Huỳnh được, vì cụ cho xuất bản bộ Đại Nam Quấc Âm Tự Vị với những chữ viết /i/ thay vì /y/ từ năm 1898, và ngay trong cái họ của cụ, cũng viết /i/ thay vì /y/: “Huình” mấy chục năm trước khi phong trào Cộng sản du nhập Việt Nam. May cho cụ, không bị phát cho cái nón cối!

Xin hãy bắt đầu từ căn nguyên vấn đề:

/Y/ là mẫu tự ngoại lai. Đó là nói theo người Pháp. Pháp đã “mượn” chữ /y/ của Hi-lạp thêm vào bộ mẫu tự Pháp, gọi là “y grec” mà ngày xưa các cụ nhà ta gọi đùa là y-cà-rết hay Y dài, để phân biệt với I ngắn.

– Cũng theo người Pháp, một chữ phải được cấu tạo bằng một nguyên âm, có hay không có phụ âm cũng được. /Y/ là bán nguyên âm, không phải nguyên âm, nên không thể đứng một mình, trừ khi nó chỉ là chữ nối.

Văn phạm chữ quốc ngữ thời sơ khai chịu ảnh hưởng văn phạm Phấp rất nặng, và sau này cũng cứ thế mà phát triển, dù có thay đổi đôi chút.

Thế hệ trước tôi có một dạo người ta dùng /y/ rất nhiều, cho rằng viết /y/ trang trọng hơn: bác sỹ, nha sỹ, văn sỹ … hay tên người Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Nguyễn Hy Vọng, Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Văn Y… Từ giữa thập niên 50, học giả Trương Văn Chình đề xướng việc thay bán nguyên âm /y/ bằng nguyên âm /i/ thì “bác sỹ” bắt đầu trở thành “bác sĩ”, “hy vọng” thành “hi vọng”… Một vài vị có tên viết bằng /y/ cũng sửa lại thành /i/.

Đó là nguyên lai vấn đề.

Tiếp theo, có những chữ sửa từ /y/ thành /i/ liệu có bị đọc khác đi không? Thí dụ “thuỷ” thành “thủi”, “huỷ” thành “hủi”, “thuý” thành “thúi?

Câu trả lời là không, nếu bạn tra dấu đúng chỗ. Theo đúng ngữ pháp, dấu giọng phải đi theo nguyên âm chính.

– Thuỉ, dấu hỏi phải năm trên chữ /i/. Phát âm thu + ỉ, nghe thành “thủy”, còn thủ + i, dấu hỏi trên chữ /u/, thủ+i mới phát âm thành “thủi”.

– Thuí, dấu sắc phải nằm trên chữ /i/. Phát âm thu + í, nghe thành “thuý”, không thể thành “thúi” được, trừ khi người ta cố tình xuyên tạc để chứng tỏ mình thông minh, có khiếu hài hước.

Một vài trường hợp trừ, áp dụng trong Làng Văn:

Làng Văn là tạp chí văn học nên vấn đề ngữ pháp được áp dụng chặt chẽ, tuy nhiên ban Tu thư đồng ý chấp nhận một số các trường hợp ngoại lệ:

– Tên người: tên người ta như thế nào, phải viết đúng như thế ấy, không được sửa đổi.

– Trong một vài trường hợp, dù biết viết /i/ là đúng, nhưng chữ u+i đi gần nhau quá, dễ bị đọc nhầm, nên cứ dùng /y/ để mắt người đọc dễ nhận ra: thuý, thuỷ, thuỵ, cứ viết /y/ nhưng vẫn phải tra dấu đúng chỗ.

– Tên quốc gia, đã dùng /y/ lâu ngày, độc giả đã quen mắt, không nên sửa: nước Mỹ, Thuỵ-điển, Thuỵ-sĩ.

Viết thêm:

Bài ngắn trên đây chỉ nhằm ghi nhận, phân tích và giải thích, không có ý thuyết phục quần chúng đổi hay không đổi /y/ thành /i/ hay ngược lại.  Trong hoàn cảnh hiện tại của đất nước, chỉ cần giữ gìn chữ Việt cho trong sáng (trong nước) và tồn tại (ở hải ngoại) đã là quí rồi.

Riêng tôi, trong hơn nửa thế kỷ, đã quen viết /i/ với rất nhiều chữ: quí vị, hi vọng, ca sĩ, ma quỉ… Có một số chữ, dù biết dùng /i/ thì đúng ngữ pháp, nhưng viết xong, nhìn lại trông lạ mắt: Nguiễn, Huình, huinh đệ, nước Mĩ, thế kỉ,.. tôi sửa lại như cũ: Nguyễn, Huỳnh, huynh đệ, nước Mỹ, thế kỷ,.. Có những chữ nếu viết /i/ thì đúng, nhưng người khác có thể đọc sai, tôi cũng tránh: Thanh Thuý, bác sĩ thú y, tôi vẫn viết bằng y dài: Thanh Thuý, bác sĩ thú y, để không ai có thể cố tình đọc sai thành Thanh thúi hay bác sĩ thúi.

Hồi còn sinh tiền, GS Lê Hữu Mục đọc thấy tôi viết khi thì y dài, khi thì i ngắn, mắng đùa: “Thế là cậu ba phải!” Tôi cãi vui: “Không, bác. Em chỉ … hai phải thôi mà!” và vác cụ Nguyễn Du ra làm khiêng mộc để chống chế: “Rằng quen mất nết đi rồi!” (Kiều).

Nói nhỏ quí bạn nghe, chỉ riêng một chữ: “ly kỳ”, tôi thích viết thành “li kì”, vì trông dạng chữ thật ngộ nghĩnh, li kì… cục, tưởng cũng không hại gì ai!

Nguyễn Hữu Nghĩa

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2023/02/nguyen-huu-nghia-y-dai-hay-i-ngan.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*