Có lẽ Hoa kỳ là quốc gia duy nhất đã trích ra rất nhiều tiền từ ngân sách các cấp, từ chính phủ liên bang, tiểu bang, county và thành phố để cấp cho người dân nhiều loại trợ cấp khác nhau, chẳng hạn các trợ cấp về thực phẩm, nhà ở, y tế, tiền thuê nhà, tiền điện…. nhưng không phải mọi người dân sống tại Hoa kỳ đều được nhận trợ cấp xã hội, bởi vì, để được hưởng phúc lợi, người dân phải hội đủ điều kiện ràng buộc cho loại trợ cấp đó, hầu hết các loại trợ cấp đều được căn cứ vào tình trạng lợi tức và tài sản của đương đơn (Federal Means-Tested Public Benefits).
Để được hưởng trợ cấp xã hội, đương đơn phải thành thật khai báo tình trạng lợi tức (Earned income – Unearned income) và tài sản (assets – Resources) để nhân viên xã hội cứu xét xem mình có thực sự xứng đáng được nhận trợ cấp hay không, vì lý do này, đương đơn phải chịu mọi hậu quả trước pháp luật nếu họ cố tình khai gian dối (provide falsify statements) và cung cấp bằng chứng gian dối (provide falsify verification) để được hưởng trợ cấp.
Khi có trường hợp man khai để nhận trợ cấp xảy ra, người ta thường gọi là khai gian để nhận trợ cấp nhưng khai gian để nhận trợ cấp chỉ là thủ đoạn của kẻ xấu cố tình thực hiện để đạt mục đích nên khai gian chỉ được gọi là “yếu tố cấu thành tội phạm“ nhưng sau khi cơ quan điều tra của Bộ Y tế và Xã hội (Department of Health and Human Services HHS) hoặc Sở An sinh xã hội (Social Security Administration SSA) chuyển hồ sơ sang biện lý cuộc (văn phòng DA) để truy tố thì bị can, bị cáo sẽ bị truy tố về tội ăn cắp tài sản nhà nước hoặc ăn cắp của công bởi vì các loại trợ cấp xã hội lả các khoản tiền do ngân sách của chính phủ tài trợ.
Đã từ lâu, từ khoảng năm 1800, quốc hội Hoa Kỳ đã ban hành luật cấm không cấp thẻ xanh cho những di dân nếu họ không thể tự nuôi sống bản thân mình mà không cần đến sự trợ giúp của chính phủ.
Thành phần di dân bị gọi là “Gánh nặng xã hội“ xuất hiện lần đầu tiên năm 1982 trong đạo luật nhập cư, theo đó, người di dân sẽ bị bác đơn xin nhập cảnh với lý do di dân nếu họ không chứng minh được rằng họ có khả năng sinh sống tự lực tự cường mà người Việt gọi là “tự lực cánh sinh“, có thể là do sự bảo đảm tài chánh của thân nhân sẽ nuôi dưỡng họ trong thời gian đầu hoặc họ có khả năng chuyên môn tự nuôi sống bản thân khi được phép tái định cư tại Hoa kỳ.
Theo thủ tục hiện hành, để được bảo lãnh thân nhân sang Hoa kỳ đoàn tụ gia đình, người bảo trợ phải ký văn kiện bảo trợ tài chánh là Form I-864 Affidavit of Support chứng minh có lợi tức gia đình ít nhất phải bằng 125% của mức lợi tức nghèo theo qui định của chính phủ liên bang.
Sau khi ký giấy bảo trợ tài chánh, người bảo trợ đã cam kết với chính phủ liên bang sẽ chịu mọi trách nhiệm về các chi phí của thân nhân mới đến Mỹ trong thời hạn ít nhất là 10 năm hoặc cho đến khi họ trở thành công dân Hoa kỳ hoặc họ qua đời.
Trong trường hợp hai vợ chồng ly hôn, người bảo trợ vẫn còn trách nhiệm cấp dưỡng cho người được bảo lãnh đoàn tụ gia đình theo diện hôn nhân.
Trong thời gian còn trách nhiệm phải nuôi những người được bảo lãnh, nếu thân nhân được bảo lãnh xin các loại trợ cấp xã hội và được chấp thuận vì đủ điều kiện luật định, cơ quan chính phủ có quyền yêu cầu người bảo trợ phải bồi hoàn những trợ cấp xã hội đó sau khi chiết tính ra tiền mặt và chính phủ có quyền kiện người bảo trợ nếu không bồi hoàn và cũng vì lý do vi phạm cam kết với chính phủ liên bang đã không nuôi dưỡng thân nhân để họ phải sống nhờ vào trợ cấp của chính phủ.
Mặc dù chính phủ qui định rõ ràng di dân được hưởng các loại trợ cấp như Foodstamp – Medicaid – CHIP bị xếp vào thành phần gánh nặng xã hội, nhưng không phải mọi di dân đều bị coi là gánh nặng xã hội khi được hưởng các loại trợ cấp xã hội vì chính phủ liên bang dành cho tiểu bang được quyền quyết định di dân hưởng loại trợ cấp xã hội nào thì bị xếp vào thành phần gánh nặng xã hội.
Các tiểu bang đã có qui định người di dân hưởng các loại trợ cấp Foodstamp – Medicaid – CHIP … không bị xếp vào thành phần “gánh nặng xã hội”.
Khi cứu xét những ai sẽ bị xếp vào loại gánh nặng xã hội, cơ quan công quyền sẽ chú ý vào hai thành phần di dân:
1/ Người di dân ở ngoài nước Mỹ nộp đơn xin nhập cư (xin cấp thẻ xanh) để được đoàn tụ gia đình.
2/ Người di dân đang sống tại Hoa kỳ nộp đơn xin thẻ xanh bao gồm những người di dân không có giấy tờ hợp pháp và những người được phép nhập cảnh Mỹ nhưng chưa có thẻ xanh.
Theo hướng dẫn của cơ quan tiểu bang, các trợ cấp xã hội không cấp tiền mặt không bị coi là gánh nặng xã hội. Đó là:
• Medicaid và các dịch vụ bảo hiểm y tế và sức khỏe khác.
• Chương trình Bảo hiểm Y tế cho Trẻ em (CHIP).
• Chương trình Foodstamp (SNAP) – Chương trình Dinh dưỡng dành cho Phụ nữ, Trẻ sơ sinh và Trẻ em (WIC), Chương trình cung cấp bữa ăn trưa tại các trường công lập.
• Housing.
• Giúp trả tiền điện cho gia đình có lợi tức thấp (LIHEAP).
• Cứu trợ thiên tai.
• Trợ cấp cho người nuôi trẻ em bị bỏ rơi và nuôi con nuôi.
• Tiền trợ giúp về học vấn.
• Các phúc lợi phụ thuộc của TANF như dịch vụ giữ trẻ hoặc di chuyển.
• Trợ cấp thất nghiệp.
Qui định mới khác với qui định hiện nay như thế nào?
Chủ trương của đảng Cộng hòa là hạn chế đến mức tối đa các chi phí trong ngân sách quốc gia dành cho các loại trợ cấp xã hội bằng hình thức đẩy người đang sống dựa vào trợ cấp của chính phủ các cấp phải tham gia lực lượng lao động để trở thành tự nuôi sống bản thân và gia đình.
Ngày thứ Bảy 22/9/2018, Bộ An ninh Nội địa đã cho phổ biến một bản dự thảo thực hiện chính sách này với ý định là thu thập ý kiến của quần chúng giúp cho chính phủ liên bang có phương cách hợp tình hợp lý trong việc ngăn chận làn sóng người ngoại quốc cố gắng vào nước Mỹ sinh sống với tư cách thường trú nhân chỉ với mục đích được hưởng các loại trợ cấp xã hội.
Chúng tôi xin mạn phép tạm trích dịch dưới đây.
Chính quyền Trump cho biết bản dự thảo không cho phép những di dân được có thẻ xanh nếu họ đã nhận trợ cấp xã hội là một phương cách nhằm thúc đẩy người di dân trở thành những người có khả năng tự túc tự cường.
Hoa Kỳ đã có luật cho phép nhân viên phỏng vấn di trú được quyền bác đơn xin thẻ xanh của những người di dân nếu họ tin tưởng rằng người di dân đó có thể trở thành “gánh nặng xã hội” hoặc sống phụ thuộc vào trợ giúp của chính phủ.
Đề nghị mới này đã được công bố hôm thứ Bảy (22/9/2018), nới rộng định nghĩa của gánh nặng xã hội viết thêm những người di dân hợp pháp đã nhận các chương trình trợ cấp xã hội như Foodstamp hoặc Medicaid vào loại này.
Đề nghị này nêu ra các vấn đề như có bao nhiêu người di dân đã và đang sống dựa vào các loại trợ cấp xã hội và tại sao họ phải xin Medicaid và các chương trình phúc lợi khác. Ví dụ, tại sao nhiều người không thể tự mưu sinh hoặc có phải họ đang làm những công việc không được trả lương theo mức lương tối thiểu hoặc không được chủ nhân cung cấp bảo hiểm y tế hay không?
Nếu được thông qua, chính sách mới phân loại thêm một số người vào thành phần gánh nặng xã hội có thể khiến cho khoảng một phần ba người di dân phải từ bỏ hoặc sẽ không dám xin các loại phúc lợi xã hội nữa.
Tổng cộng có 21,9 triệu người chưa phải là công dân Mỹ, và 6,8 triệu người trong số này đang sống dựa vào các loại trợ cấp xã hội.
Bản dự thảo có 447 trang sẽ cho phép nhân viên di trú đánh giá những người di dân hợp pháp đã nhận bảo hiểm y tế do chính phủ tài trợ chi phí, chương trình trợ cấp thực phẩm và những chương trình trợ cấp khác là những yếu tố quan trọng để bác đơn xin thẻ xanh của họ.
Sự thay đổi này cũng được áp dụng cho những người đã là công dân Mỹ và những người đã có thẻ xanh nộp đơn xin được bảo lãnh thân nhân sang Hoa kỳ tái định cư, và cũng áp dụng cho những người trẻ em đã sống tại nước Mỹ bất hợp pháp từ nhỏ được hợp pháp làm việc tại nước Mỹ theo chương trình DACA, được gọi là Giấc mơ Mỹ
Bản dự thảo qui định rằng những người được hưởng qui chế tỵ nạn (người được sứ quán Mỹ phỏng vấn xin đi Mỹ tái định cư khi đang còn ở trong đất nước của mình) hoặc tỵ nạn chính trị (người chạy vào các Tòa đại sứ Mỹ xin tỵ nạn chính trị khi không ở trong đất nước của mình, ví dụ CSVN cho ca sĩ đi trình diễn ở ngoại quốc rồi bỏ trốn) hưởng các loại trợ cấp xã hội không bị xếp vào thành phần gánh nặng xã hội.
Theo bản dự thảo được Bộ An ninh Nội địa công bố bất thường vào buổi tối ngày thứ Bảy (22/9/2018) thì các loại trợ cấp xã hội Medicaid – SNAP tức là chương trình Foodstamp và chương trình trình trợ cấp gia cư Housing Section 8 đã được cho thêm vào danh sách bị coi là gánh nặng xã hội.
Bộ An ninh nội địa yêu cầu công chúng cho biết ý kiến có nên cho thêm trợ cấp bảo hiểm y tế cho trẻ em tức là chương trình CHIP vào danh sách “gánh nặng xã hội“ hay không.
Bản dự thảo của Tổng thống sẽ thay đổi qui định để buộc những người di dân nộp đơn xin thẻ xanh phải có mức lợi tức của giới trung lưu, cụ thể là phải có mức lợi tức ít nhất là bằng 250% của mức nghèo liên bang, tức là $62.750 cho gia đình 4 người (Qui định hiện nay chỉ yêu cầu người bảo trợ phải có mức lợi tức 125% của mức nghèo liên bang).
Nếu những di dân chưa có giấy tờ hợp pháp có con nhỏ là công dân Mỹ đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội sống chung với họ, nếu những cha mẹ này đã xin cho các con được hưởng trợ cấp xã hội thì họ sẽ không được cấp thẻ xanh mặc dù con của họ là trẻ em có quốc tịch Mỹ.
Bản dự thảo qui định mới cũng xác định thủ tục áp dụng cho người bị khuyết tật hoặc có bệnh nghiêm trọng. Nếu người di dân có bất kỳ tình trạng sức khỏe yếu kém như thế nào và không có bảo hiểm y tế đều sẽ bị bác đơn xin thẻ xanh – nói cách khác, là những người không có bảo hiểm y tế do chủ nhân cung cấp hoặc không tự bỏ tiền riêng để mua bảo hiểm y tế cho mình dù không được trợ giúp bằng tín thuế theo luật Obamacare.
Dưới đây là qui định của Sở Di trú về mức lợi tức 125% của mức nghèo liên bang cho năm 2018 để bảo lãnh cho thân nhân sang Hoa kỳ đoàn tụ gia đình và mức lợi tức 250% theo bản dự thảo của TT Donald Trump.
Sponsor’s Household Size là số người trong gia đình bao gồm số người trong gia đình của người bảo trợ hiện đang sống tại Hoa kỳ và số người sẽ được bảo lãnh sang Mỹ.
Ví dụ: Gia đình tại Mỹ có hai vợ chồng và một người con là 3 người. Người chồng làm hồ sơ bảo lãnh cho cha mẹ và hai em dưới 18 tuổi (4 người) sang Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình, tổng cộng số người trong gia đình của người bảo trợ và người được bảo lãnh sang Mỹ sẽ là 7 người, mức lợi tức 125% của mức nghèo liên bang cần phải có để bảo lãnh gia đình cho 4 người là $47.575 theo qui định hiện nay và theo dự thảo của TT Trump, mức lợi tức 250% của mức nghèo liên bang sẽ là $95.150 nghĩa là số tiền phải có để được phép bảo lãnh thân nhân nhiều gấp hai lần so với qui định hiện nay.
Ngày 22/9/2018, Bộ An ninh Nội địa của Hoa Kỳ (DHS) đã phổ biến bản dự thảo của Thông báo tạm thời về sự thay đổi lý do bị từ chối thẻ xanh nhằm mục đích thăm dò dư luận trước khi có bản qui định chính thức được phổ biến trong công báo liên bang. Việc công bố này được phổ biến để lấy ý kiến của công chúng trong thời hạn 60 ngày.
Sau khi thời hạn thăm dò dư luận chấm dứt, bộ An ninh nội địa DHS sẽ xem xét cẩn thận các ý kiến để soạn ra bản nguyên tắc đã được sửa đổi và ngày có hiệu lực thi hành, sau đó sẽ cho đăng vào công báo để mọi người được biết.
Để được hưởng Medicaid trường hợp khẩn cấp là trường hợp người bệnh cần phải được cứu chữa ngay hoặc cấp cứu, nếu không, sẽ bị nguy hiểm đến tánh mạng. Bệnh nhân phải được bệnh viện xác nhận trên một Form có tên là Emergency Medical Services Certification ghi rõ đã ở trong bệnh viện cấp cứu từ ngày nào đến ngày nào và vì lý do gì mà gọi là trường hợp khẩn cấp.
Sự thay đổi ý nghĩa của từ ngữ “gánh nặng xã hội“ sẽ được áp dụng cho những người đã nhận các loại trợ cấp xã hội, bao gồm trợ cấp tiền mặt (ví dụ người hưởng trợ cấp tiền mặt SSI và TANF), Medicaid (không áp dụng cho người được cấp Medicaid trong trường hợp khẩn cấp và người bị khuyết tật được trợ cấp về giáo dục), người có thu nhập thấp được hưởng trợ giúp của Medicare Part D (tức là Extra Help), Foodstamp (SNAP), bất kỳ trợ cấp nào được cấp cho người cần chăm sóc dài hạn với chi phí do chính phủ tài trợ, và chương trình trợ cấp gia cư Housing Section 8.
Những người bị khuyết tật được tài trợ học bổng để đi học theo chương trình Free Appropriate Public Education (FAPE) căn cứ theo đạo luật The Individuals with Disabilities Education Act (IDEA).
Nói chung, các loại trợ cấp quan trọng là do quỹ tài trợ của chính phủ liên bang trợ giúp cho người có lợi tức thấp dựa vào nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn trợ cấp tiền mặt, nhà ở, thực phẩm và chăm sóc y tế.
Theo dự thảo này, cho đến khi qui định mới được công bố phân loại trợ cấp xã hội và ngày có hiệu lực thi hành, các loại trợ cấp xã hội không được qui định trong Hướng dẫn Thực hiện Tạm thời năm 1999 (ví dụ, Medicaid, Extra Help, SNAP và Housing) người hưởng những loại trợ cấp đó vẫn KHÔNG bị coi là thành phần gánh nặng xã hội.
Phúc Linh
Be the first to comment