Trần Gia Phụng: Chuyện Trầu Cau

(Trình bày trong Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương Tại Mississauga, Canada ngày 14-4-2019)

Chuyện trầu cau là một cổ tích thời thượng cổ, rất quen thuộc với người Việt, được kể đi kể lại nhiều lần, có nhiều dị bản khác nhau, nên tốt nhứt là ôn lại chuyện trầu cau qua lời thuật đầu tiên trong sách Lĩnh Nam chích quái xuất hiện vào thế kỷ 15.

Lĩnh Nam chích quái là sách góp nhặt những chuyện quái đản ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh, ý chỉ vùng cổ Việt. Sách do một tác giả khuyết danh, hay có thể do Trần Thế Pháp soạn. (Không rõ năm sinh và năm mất của Trần Thế Pháp, chỉ biết ông là một quan chức trong tàng thư các.) Sau đó, sách được Vũ Quỳnh (tiến sĩ Nho học năm 1478) và Kiều Phú (tiến sĩ Nho học năm 1475) hiệu chính. Sách tập hợp một số truyện cổ tích thần tiên của nước ta về đời Hùng Vương, như chuyện Bạch trĩ (trĩ trắng), Kim quy (rùa vàng), Tân lang (cau), Tây qua (quả dưa hấu)… Trước hết, xin lược truyện sự tích trầu cau

SỰ TÍCH CHUYỆN TRẦU CAU

Theo Lĩnh Nam chích quái, thời thượng cổ có hai anh em họ Cao là Cao Tân và Cao Lang rất giống nhau và rất thương yêu nhau. Khoảng năm 17 và 18 tuổi, cha mẹ từ trần, hai anh em đến theo học đạo sĩ Lưu Huyền. Đạo sĩ có người con gái khoảng cùng tuổi tên Liên. Hai anh em đều thầm yêu cô Liên, muốn cưới làm vợ. Cô gái biết được Cao Tân là anh, nên kết duyên cùng Cao Tân.

Hai vợ chồng sống rất đầm ấm và hạnh phúc, nhưng người em là Cao Lang cảm thấy buồn rầu nên bỏ nhà ra đi, và qua đời bên một dòng suối sâu, hóa thành một cây cao (nhứt trụ kình thiên = một trụ chống trời). Cao Tân ở nhà, thấy em ra đi lâu ngày, liền đi tìm và cuối cùng thất vọng, gieo mình chết bên dòng suối, hóa thành phiến đá. Vợ Cao Tân đi tìm chồng, đến dòng sông, cũng buồn quá, gieo mình ôm lấy phiến đá mà chết, biến thành một dây leo quanh phiến đá. Ông bà họ Lưu đi tìm, tới đây quá đau xót, lập miếu thờ.

Về sau, một hôm vua Hùng đi tuần tra, dừng chân nghỉ mát ở trước miếu, thấy cây xanh lá tốt mọc bên khối đá, liền hỏi thăm người địa phương, mới biết được sự tích. Nhà vua sai lấy trái cây, ăn chung với lá quấn quanh phiến đá, nhổ bọt lên phiến đá, thấy có màu sắc đỏ, mùi vị thơm tho. Nhà vua sai nung đá thành vôi, ăn chung cùng trái cây và lá dây leo, mùi vị thơm ngon, môi đỏ, má hồng, biết là cây quý, liền mang về sử dụng. Nước ta có tục ăn trầu cau từ đó. (Vũ Quỳnh – Kiều Phú, Lĩnh Nam chích quái, Hà Nội, Nxb. Văn Học, 1990, tt. 54-55.)

Chuyện trầu cau do Lĩnh Nam chích quái kể lại có bốn yếu tố đáng chú ý: 1) Thời tính câu chuyện. 2) Nhân vật trong chuyện. 3) Cây trái trong chuyện. 4) Tập tục ăn trầu.

THỜI TÍNH CÂU CHUYỆN

Chuyện trầu cau là cổ tích thời thượng cổ nước Việt, nhưng được kể lại lần đầu (sớm nhứt) trong sách Lĩnh Nam chích quái, được viết năm nào thì không rõ, mà chỉ biết hai tác giả hiệu chính là Vũ Quỳnh và Kiều Phú thời vua Lê Thánh Tông, (trị vì 1460-1497). Như thế, câu chuyện thời thượng cổ được truyền miệng và được kể lại lần đầu vào thế kỷ 15.

Cần chú ý thời thượng cổ, xã hội cổ Việt giống như các xã hội thượng cổ khác trên thế giới, là xã hội mẫu hệ (matriarchy), trong khi câu chuyện được hiệu chính vào thế kỷ 15 là thời Nho giáo phát triển ở nước ta, theo xã hội phụ hệ (patriarchy). Hai xã hội nầy khác nhau ở điểm: Một bên là mẫu hệ, người vợ làm chủ gia đình, có nhiều ưu quyền rộng rãi, có thể có nhiều chồng, và một bên là phụ hệ, ngược lại với mẫu hệ, người chồng làm chủ gia đình, có thể có nhiều vợ.

Sống trong thời đại Nho giáo thịnh trị, các tác giả đã hiệu chính câu chuyện cổ tích tình cảm lãng mạn trầu cau thời thượng cổ theo lăng kính Nho giáo, luân lý Nho giáo, anh em thương yêu và kính trọng nhau, tình cảm người em đối với chị dâu được giữ đúng khuôn phép, người vợ chung thủy với chồng… Tất cả đều đúng theo mẫu mực Nho gia.

NHÂN VẬT TRONG CHUYỆN

Chuyện trầu cau gồm ba nhân vật chính là hai anh em họ Cao và cô gái họ Lưu. Câu chuyện xảy ra thời thượng cổ, đã được trình bày lại trong thời đại Nho giáo. Nếu câu chuyện đơn giản là người anh lập gia đình và gia đình người anh đầm ấm hạnh phúc, thì tại sao người em lại buồn rầu đến nỗi bỏ nhà ra đi? Phải chăng đây là chuyện tình tay ba giữa một người đàn bà và hai người đàn ông? Nếu chuyện tình tay ba, một bà hai ông thì thì trái với luân lý Nho giáo, nên cần phải hiệu chính cho hợp với luân lý Nho giáo. Ngoài ra, câu chuyện nầy có thể còn có những uẩn khúc tình cảm không được sách Lĩnh nam chích quái viết lại.

Vì vậy, một câu hỏi có thể đặt ra là chuyện trầu cau xuất hiện từ thời thượng cổ là lúc xã hội cổ Việt còn là xã hội mẫu hệ, người phụ nữ có quyền có nhiều chồng, nên phải chăng mới có chuyện một bà hai ông, và phải chăng người em thiệt thòi trong tình cảm, ít được yêu thương hơn, nên buồn rầu bỏ nhà ra đi?

Trong dân gian Việt Nam có chuyện “Ông Táo” cũng gồm một bà hai ông. Có tài liệu cho rằng đây là cổ tích ba vị thần Thổ công , Thổ địa, Thổ kỳ (Thần nhà, Thần đất, Thần bếp) của Trung Hoa, được Việt Nam hóa thành sự tích “một bà hai ông”.

Giả thiết chuyện “Ông Táo” là cổ tích ba người đàn ông Tàu (chỉ giả thiết mà thôi), nhưng tại sao khi chuyển qua cổ tích Việt (Việt hóa) thì lại biến thành một bà hai ông? Một bà hai ông chính là hình ảnh mẫu hệ của xã hội cổ Việt. Đặc biệt là vì chuyện một bà hai ông trái với luân lý phụ hệ Nho giáo, nên không có sách vở Nho gia hoặc tác giả cung đình nào viết lại, và cổ tích “Ông táo” chỉ được dân chúng truyền miệng mà thôi

Trong lịch sử có hai trường hợp được ghi nhận có thể là vết tích của xã hội mẫu hệ ở nước ta là Hai Bà Trưng và bà Triệu. Hai Bà Trưng khởi nghĩa năm 40, có một dàn tướng lãnh vây quanh toàn là phụ nữ. Tại sao chỉ có nữ tướng mà không có nam tướng? Còn Bà Triệu tên là Triệu Thị Trinh khởi nghĩa cùng anh là Triệu Quốc Đạt năm 248, nhưng bà Triệu là người chỉ huy chứ không phải là Triệu Quốc Đạt. Điểm đặc biệt là hai bộ chính sử Đại Việt sử ký toàn thư (thế kỷ 15) và Khâm định Việt sử thông giám cương mục (thế kỷ 19) thời Nho giáo, viết chuyện Triệu Thị Trinh mà không đề cập đến Triệu Quốc Đạt. Phải chăng vì các sử gia Nho giáo cho rằng anh trai sao lại dưới sự chỉ huy của em gái, nên không nhắc đến Triệu Quốc Đạt. Sử gia Trần Trọng Kim thời tân học dựa vào các tài liệu khác để viết thêm chi tiết về Triệu Quốc Đạt.

Tuy nhiên, đây chỉ là những nghi vấn, cũng như chuyện trầu cau cũng chỉ là nghi vấn về bóng dáng một xã hội mẫu hệ thời xa xưa. Chỉ khi nào tìm ra được những tài liệu cụ thể mới có thể có kết luận về những nghi vấn đặt ra trên đây mà thôi.

CÂY TRÁI TRONG CHUYỆN

Cây cau và dây trầu là cây trái chính trong chuyện. Trầu cau có thể nói là hai loại cây song sinh rất phổ thông ở nước ta. Ngoài Việt Nam, trầu cau được trồng nhiều ở Phi Luật Tân, Thái Lan, Mã Lai, Indonesia, nam Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka). Trầu cau cũng có mặt ở các nước miền đông Phi Châu. (Encyclopaedia Britannica, mục “betel”, và World Book Millennium, vần B, tập 2, nxb. World Book, Inc., Chicago, 2000, mục “betel”.)

Nói chung, trầu cau có mặt ở các nước nằm tại vùng nhiệt đới ẩm, giữa xích đạo và hạ chí tuyến (tức từ vĩ tuyến 0 độ đến 23,27 độ bắc). Ở những nước nầy cũng có tập tục ăn trầu cau. Vì vậy ở Toronto (Canada), xứ đa văn hóa, chúng ta gặp nhiều người Indonesian, Mã Lai, Ấn Độ … ăn trầu.

Đặc biệt càng về phía nam, nghĩa là càng nắng nóng và mưa nhiều, thì trầu cau càng ngon và càng phong phú, nên ở Việt Nam, nhiều người thường buôn trầu cau từ miền nam ra miền bắc. Ở miền Nam, vùng trầu cau nổi tiếng nhất là 18 thôn vườn trầu ở Gia Định.

Trong tiếng Việt, chữ “trầu” chúng ta nói và viết ngày nay xuất xứ từ chữ “b’lâu” trong tiếng Việt cổ. Còn chữ “cau”, trong tiếng Mường cũng gọi là “cau”, trong tiếng Mon thì gọi là “p-kau” (Nguyễn Hy Vọng, Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, California: Nxb. Đất Việt, quyển I, 2012, tr.69.) Chúng ta còn gọi bẹ cau là mo nang. Trong tiếng Mường “nang” = cau; còn trong tiếng Rhade, “m-nang” = cau. (Nguyễn Hy Vọng, sđd. tr. 1147.) Bẹ cau hay mo nang tức mo cau ở nông thôn thường dùng làm quạt. (Thằng Bờm có cái quạt mo…)

Một người Trung Hoa đã từng du lịch cổ Việt vào thế kỷ thứ 6, tên là Lịch Đạo Nguyên, tác giả sách Thuỷ kinh chú, cho rằng ở nước ta chỉ có cây cau là đáng xem hơn cả. (Nguyễn Ngọc Chương, Trầu cau Việt điện thư, Nxb. TpHCM, 1997, tr. 35.)

Tại sao giữa rừng cây lá cổ Việt, đối với người Tàu, chỉ có cây cau là đáng xem? Phải chăng vì hình dáng phương phi mỹ miều: “Đầu rồng, đuôi phụng le te, / Mùa xuân ấp trứng, mùa hè nở con” (Ca dao). Thật ra, lý do đơn giản mà người Tàu ca tụng cây cau có thể vì Trung Hoa cũng như các nước ôn đới khác không có cây cau. (Dễ thấy nhất là Canada, Hoa Kỳ không có cây cau.)

Một chứng liệu khác về trầu cau liên quan đến phía nam miền Trung Việt Nam ngày nay. Trước thế kỷ 17 vùng nầy là nước Chiêm Thành. Khi mới được thành lập vào thế kỷ thứ 2, Chiêm Thành có hai thị tộc chính là thị tộc cây Cau (Kramukavamca) ở phía nam và thị tộc cây Dừa (Narikelavamca) ở phía bắc. (Dohamide và Dorohiem, Chiêm Thành lược sử, Sài Gòn 1965, tt. 21-22.) Có người kể rằng trong phẩm vật trên bàn thờ cúng tế của bà chúa “Thềm”, vị công chúa cuối cùng của Chiêm Thành trước năm 1975 ở Phan Rí (tỉnh Bình Thuận) có một bộ trầu cau bằng vàng ròng.

Cây cau trở thành vật tổ của một thị tộc bản địa từ thời cổ sử, chứng tỏ cây cau đã hiện diện lâu đời trước khi có người bản địa, nên người bản địa mới tôn thờ cây cau thành vật tổ.

TẬP TỤC ĂN TRẦU

Theo sách Lĩnh Nam chích quái, tập tục người Việt ăn trầu cau bắt đầu từ thời Hùng Vương và dần dần trở thành một phong tục trong sinh hoạt của người Việt.

Gặp nhau thăm hỏi, thì mời ăn miếng trầu. “Miếng trầu là đầu câu chuyện.” Trong những cuộc gặp mặt, hội hè, lễ nghi của người Việt, quan trọng nhất là lễ cưới hỏi. “Trầu nầy trầu tính trầu tình / Trầu nhân trầu nghĩa, trầu mình cưới ta.” Hoặc tiếc nuối một mối duyên lỡ thì. “Ba đồng một mớ trầu cay/ Sao anh không giạm những ngày còn không?”

Vấn đề người Việt đưa trầu cau vào lễ nghi tế tự từ khi nào thì rất khó xác định. Sách gia phả tại đền thờ Ngô Quyền, làng Đằng Hải, Hải Phòng, có viết rằng bà mẹ nằm mơ thấy cây cau rồi sinh ra Ngô Quyền. (Nguyễn Ngọc Chương, sđd. tt. 36, 323.) Ngô Quyền là người đã đánh tan quân Nam Hán năm 938 tại sông Bạch Đằng, giành độc lập cho nước ta và xưng vương vào mùa xuân năm Kỷ Hợi 939 ở Cổ Loa, cách đây đúng 1080 năm. (Năm nay, 2019 cũng là năm Kỷ Hợi.)

Ngày xưa, khi sinh con quý (quý tử), theo các điển tích bói toán, người ta thường viết rằng bà mẹ nằm mơ thấy thần nhân, tiên thánh, mặt trời, mặt trăng, hoặc thấy rồng vàng. Đàng nầy, gia đình nhà Ngô lại viết rằng trước khi sinh đại quý tử, Ngô thị nằm mơ thấy cây cau. Giải thích rằng nằm mơ thấy cây cau mà sinh quý tử, có nghĩa là lúc đó cây cau đã trở thành một vật thiêng, tuy không phải là vật tổ. Như thế cây cau đã giữ một vị thế rất tôn kính trong đời sống tâm linh của người Việt. Có thể lúc đó trầu cau đã được dùng trong lễ nghi tế tự.

Năm 990, Tống Thái Tông, vua Trung Hoa cử hai sứ giả (Tống Cảo và Vương Thế Tắc làm chánh phó sứ), sang nước ta. Khi trở về, Tống Cảo thuật lại rằng: “Lê Hoàn cầm cương ngựa, cùng sứ giả cùng đi, rồi lấy trầu mời trên mình ngựa, đấy là phong tục mời khách rất quý…” (Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, Đất lề quê thói (Phong tục Việt Nam), Sài Gòn: Cơ sở ấn loát Đường Sáng, 1970, tr. 149. Tác giả nầy trích dẫn sách bằng chữ Nho là Văn hiến thông khảo, khuyết danh.)

Tiếp đón sứ giả Trung Hoa là việc ngoại giao quan trọng; thế mà miếng trầu đã được đưa vào nghi thức tiếp đón sứ giả, đủ thấy lúc bấy giờ trầu cau đã giữ một vị thế quan trọng trong sinh hoạt triều đình.

Một câu chuyện khác được chính sử nước ta kể lại cũng chứng tỏ cau trầu có mặt trong sinh hoạt cung đình khá sớm. Đó là khi Trần Thủ Độ đưa cháu là Trần Cảnh vào triều hầu vua Lý Chiêu Hoàng (trị vì 1224-1225); Lý Chiêu Hoàng dùng khăn trầu (khăn đậy khay trầu) ném vào người để trêu Trần Cảnh. Trần Cảnh thuật lại với Thủ Độ. Thủ Độ cho rằng Chiêu Hoàng đã ưa thích Trần Cảnh nên đóng cửa cung, làm lễ thành hôn cho hai người năm 1225. Sau đó Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng tức Trần Thái Tông (trị vì 1226-1258), lập ra nhà Trần (1226-1400). (Đại Việt sử ký toàn thư, bản dịch của Nxb, Khoa học Xã hội, tập 1, Hà Nội, 1993, tt. 339-340.)

KẾT LUẬN

Tóm lại, chuyện trầu cau có những điểm đặc biệt thật đáng chú ý: Thứ nhứt là chuyện trầu cau nhắc lại dấu vết xã hội mẫu hệ cổ Việt trước khi bị Trung Hoa xâm lăng. Thứ hai, Trung Hoa không có cây cau và dây trầu. Thứ ba, tập tục ăn trầu cau là tập tục của người vùng nhiệt đới, ở những nước nằm về phía nam nước Trung Hoa. Người Trung Hoa học theo tập tục nhai trầu cau của người Việt và người Trung Hoa phải nhập cảng cau khô của người Việt. (Lê Quý Đôn, Phủ biên tạp lục [thế kỷ 18], Hà Nội: bản dịch của Nxb. Khoa học Xã hội, 1977, tt. 234, 337.)

Tất cả những yếu tố về thời gian, về nhân vật, về cây cau dây trầu, về tập tục trong cổ tích trầu cau là những chứng liệu rõ nét góp phần vào kho tàng sử liệu Việt, khẳng định rằng trước khi người Trung Hoa (chủng Mông Cổ) và nền văn hóa Trung Hoa tràn vào cổ Việt, thì tại đây đã có một nền văn hóa bản địa, với lễ nghi tập tục riêng biệt.

Như thế “Chuyện trầu cau” là cổ tích thuần túy của người Việt, một dân tộc luôn luôn chống lại quân bành trướng xâm lược từ phương Bắc, duy trì nền độc lập và nét đặc thù văn hóa Việt Nam.

TRẦN GIA PHỤNG
(Toronto, 14-4-2019)

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*