
Các bạn trang Quốc Ngữ thân mến,
Hôm qua có bạn Hoài Hương Mimosa đăng bài hỏi về hai chữ DÒNG và GIÒNG nên viết chữ nào cho đúng. Đây là một đề tài đã được trang chúng ta thảo luận từ hơn hai năm trước, tôi, Quản trị viên Timothy Banh, xin đăng lại bài viết cũ để các bạn mới cùng đọc. Tôi cũng viết thêm một vài dữ kiện cần bổ túc.
Vào tháng 1 năm 2020, có bạn đã share vào đây một bài viết về hai chữ DÒNG và GIÒNG của tác giả tên Nguyễn Thị Ngọc Dung, một người Bắc ở trong nước. Bài viết rất dài, người viết cho thấy mình đã nghiên cứu nhiều khía cạnh của các phương ngữ Việt hai miền Nam-Bắc, nhưng lại đi lạc đề hoàn toàn. Rốt cục, ngoài nhiều vấn đề nêu ra hết sức lỏng lẻo, chủ quan, chuyện chính mà cái đầu đề bài viết đưa ra — một vấn đề rất nhiều người Việt đang cần biết và tranh cãi với nhau là nên viết “dòng” hay “giòng” — thì tác giả cũng bí rị, và chẳng làm được một giải thích nào, không có nổi một đề nghị gì cho luận đề mình đưa ra. Một người miền Bắc, có lẽ tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngôn ngữ tiếng Việt nên có một số kiến thức về ngôn ngữ, viết với cái giọng chê bai tiếng nói người miền Nam, nhưng ba hoa thiên địa đã rồi, bắt người ta đọc chán rồi vẫn không nói được cái gì cho cái đầu đề “câu view” của mình, kết luận một câu ba phải như bao nhiêu người mù mờ khác rằng “dòng hay giòng có lẽ viết sao cũng được”!
Có gì khó đến không giải thích nổi, và làm sao lại “viết sao cũng được”? Hai chữ “dòng” và “giòng” trong tiếng Việt viết sao cho đúng, dùng chữ nào trong trường hợp nào, là một hiện tượng đã gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn lâu nay, nhưng không phải là không có giải pháp vì đúng sai không phân biệt được.
Đây cũng là cái bí của cả một cái gọi là “Viện Ngôn ngữ học Hà nội”, vì cô Nguyễn Thị Ngọc Dung này là người Bắc mà không tìm ra được câu trả lời cho vấn đề ở họ. Đến nỗi cô này đi lang thang “cầu cứu” khắp nơi, và một hôm cô ta tìm thấy trên YouTube video quay một buổi hội luận của các học giả, đứng đầu là “phó giáo sư tiến sĩ” Nguyễn Huy Bích, cũng người trong nước, về đúng đề tài hai chữ DÒNG và GIÒNG này. Cô ta gật gù tán đồng ngay với các vị này rằng, “chữ DÒNG xem ra đúng hơn vì nó giống chữ DỤNG tiếng Hán viết với bộ “thủy” nghĩa là “nước” ở trong đó”! Từ “phát hiện” này các ông “tiến sĩ” trên kết luận rằng viết dòng nước đúng hơn là giòng nước.
Thật là hay ho, thật là hợp “mốt thời thượng” của những kẻ đang tôn thờ cái gọi là “tiếng Trung”! Người Việt bàn về tiếng Việt phải mượn chữ của nước Tàu mới được? Chữ “dụng” có bộ “thủy” trong đó thì “dụng” viết D, chữ Việt là “dòng” cũng phải viết D theo, một thứ suy luận quanh co thật quá lố, tức cười! Có ai thấy hai chữ “dụng” với “dòng” liên hệ gì với nhau về ý nghĩa không?
Còn tôi thì không ngồi trong sa-lông “nghiên cứu” hiện tượng hai chữ DÒNG và GIÒNG bằng cách lôi tiếng Hán ra để giải thích và biện luận cho tiếng Việt – một điều hết sức phi lý mang tánh cách “lệ Hán” một cách nông nổi. Tôi mổ xẻ vấn đề ở một phương diện hoàn toàn khác.
Việc trước hết, muốn sửa một cỗ máy bị hư là phải tìm cho ra nguyên nhân vì sao nó bị hỏng, rồi mới sửa chữa nó một cách có kết quả được.
Theo nhận định của tôi — phát xuất từ sự quan sát ngữ âm một cách khách quan — sự thực, hai chữ DÒNG và GIÒNG chúng ta hay viết lẫn lộn, không biết chữ nào đúng chữ nào sai, nguyên nhân là do phát âm mà ra. Nói chính xác hơn là từ các nhà văn, nhà báo người Bắc đem vào văn viết của họ, khiến cho người Việt cả nước cùng bị lẫn lộn theo do ai cũng đinh ninh rằng nhà văn viết sách mà là người Bắc thì chánh tả phải là đúng rồi!
Dưới bài câu hỏi của mình, bạn Hoài Hương đã trưng ra hình chụp hai bìa sách tiểu thuyết của hai tác phẩm in rõ ràng chữ GIÒNG viết GI: Giòng Sông Thanh Thủy (1961) của nhà văn Nhất Linh, người sáng lập nhóm Tự Lực Văn Đoàn thời Tiền Chiến ngoài Bắc), và Bên Giòng Sông Trẹm (1952) của nhà văn Dương Hà, người miền Nam.
Xin dẫn giải rộng một chút. Người miền Bắc tự hào họ nói “giọng chuẩn” tiếng Việt, nhưng chính họ lại nói và viết sai tiếng Việt rất nhiều, nên tiếng Bắc vẫn không thể gọi là “tiếng chuẩn” được. Ai phát biểu như vậy là không có trình độ ngôn ngữ học, vì sự thực, không có tiếng Việt miền nào trong nước Việt Nam là tiếng chuẩn.
Do giọng Bắc nói không phân biệt ba phụ âm D, GI, R mà tất cả ba mẫu tự này trong khẩu âm của họ đều phát ra âm “z” như âm chữ Z trong tiếng Anh, tiếng Pháp, (các bạn hãy nghe người Bắc rặt nói chuyện thì biết). Cho nên lẽ ra chữ DÒNG, dù cho phía sau là danh từ gì đi theo nó cũng chỉ là “dòng” với chữ “d”, thì rất nhiều người Bắc, nếu không muốn nói là hầu hết, đều có khuynh hướng viết thành “giòng”. Vì sao? Bởi vì trong đầu họ, họ hình dung âm Z mà họ nói gần với phụ âm GI hơn là phụ âm D. Mà tiếng Việt lại không có mẫu tự Z, nên họ viết tất cả là GI: giòng họ, giòng giống, giòng nước, giòng sông,…; hay có người cho rằng nên viết D cho “dòng họ”, “dòng giống”, “dòng dõi”, và GI cho “giòng nước”, “giòng sông”, “giòng lệ”, …
Cũng từ xu hướng viết chữ theo phát âm nầy (nói Z viết GI) mà nhà văn người Bắc Khái Hưng đã đề tựa cho cuốn tiểu thuyết của mình là “GIỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI”. Các bạn chú ý nhé, chữ “GIỌC” ông viết GI, không phải “DỌC” như người Bắc hiện nay tái bản cuốn tiểu thuyết này ở Việt Nam đã hoàn toàn tự sửa lại thành “DỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI”. Có một người đã chụp hình một bìa sách cũ xưa in rõ ràng cái tựa đề cuốn tiểu thuyết là “GIỌC ĐƯỜNG GIÓ BỤI” gởi vào Diễn Đàn chúng ta.
Còn với người miền Nam, tôi nhớ, mấy năm trước tại một diễn đàn nọ có một anh người Nam kể lại rằng ngày xưa cô giáo của anh dạy một cái mẹo vui để phân biệt và “viết đúng” cho hai chữ DÒNG và GIÒNG như sau: hễ cái gì sờ được bằng tay thì viết GI, ví dụ như sờ được “nước”, thì viết “giòng suối”, “giòng sông”; còn cái gì không thể sờ được như “họ tộc” hay “điện”, thì viết D, như “dòng họ”, “dòng dõi”, “dòng điện” (sờ điện là… đi nhị tỳ!) Cái mẹo nghe rất vui tai và dễ nhớ.
Nhưng thật ra, tất cả các lối dùng chữ theo ý nghĩ trên đều lẩm cẩm và sai hết. Sai là vì người Bắc viết chữ sai, người Nam thì bày đặt ra “mẹo luật” cá nhân, lại tin theo các ông nhà văn, nhà báo, thậm chí nhà giáo người Bắc di cư, và tưởng rằng chữ nào cũng phải học theo người Bắc mà viết mới đúng chánh tả!
Trong khi người Bắc, từ lớp trí thức rành chữ nghĩa cho đến người bình dân, đều nói giọng phân biệt những chữ có dấu hỏi-ngã rõ ràng, các chữ phụ âm cuối viết T phát âm khác với C, chữ có N nói khác NG, NH; nhưng các phụ âm đầu như S và X thì lại không nói khác nhau được, D với GI, R thì lại càng không khác nhau, nên chính họ viết sai chánh tả tùm lum những chữ có các phụ âm này. Ngay các vị soạn tự điển là người gốc Bắc cũng rất lúng túng khi ghi ra những chữ có S, X, D, GI, R. Họ ghi ra D, GI sai lung tung ngay cả trong tự điển, vậy mà người Nam không biết, cũng bắt chước dùng theo, lâu dần thấy rắc rối bèn đi tìm “mẹo” này “mẹo” kia để nhớ cho được cái lẩn thẩn, quờ quạng không ai giải đáp được cho rành rẽ!
TB tôi cho rằng tiếng Việt không nên có chữ nào là GIÒNG, mà tất cả chỉ nên viết một chữ DÒNG. Các chữ DÒNG khác chúng ta cũng viết D là: “nhà Dòng”, “trường Dòng”, cùng các chi phái của đạo Công Giáo như “Dòng Tên”, “Dòng Đa Minh”, “Dòng Mến Thánh Giá”, “Dòng Chúa Cứu Thế”, v.v…, đều có chung ý nghĩa với “dòng giống”. Còn “dòng điện”, “dòng xe cộ”, “dòng tư tưởng”, “dòng lệ”, “dòng chữ”, “dòng đời”, v.v…, không khác chi về nghĩa với “dòng nước”. Như vậy chúng ta cứ yên trí viết tất cả một chữ DÒNG với D, không phải băn khoăn, vướng mắc gì với chữ GIÒNG trái khoáy nữa.
Đến đây thì có thể có người vẫn đặt câu hỏi: tại sao không thể viết “giòng sông”, “dòng giống” hai chữ khác nhau? — Xin thưa, chúng ta cần gìn giữ sự phong phú hóa của tiếng Việt, nhưng đặc biệt vấn đề DÒNG và GIÒNG, không nên dùng cả hai chữ. Điều này có hai lý do:
Thứ nhất, chúng ta không nên bắt chước lối dùng chữ nghèo nàn của người Bắc cộng, nhưng những chữ tiếng Việt nào quá dễ lầm lẫn, có thể làm giản tiện đi để chúng ta đỡ mắc lỗi chánh tả thì nên bỏ đi cho đỡ phiền phức về mặt chánh tả; và trong trường hợp này GIÒNG với DÒNG phân biệt chẳng có ý nghĩa gì.
Thứ hai, nếu suy lý và định nghĩa cho kỹ, chúng ta sẽ thấy có một sự tương quan. “Dòng nước”, “dòng sông” là hiện tượng lưu chuyển của nước từ nơi cao đến nơi thấp, còn “dòng giống”, “dòng dõi” không khác, cũng chính là sự lưu truyền đời sống con người từ thế hệ trên xuống thế hệ dưới, thế hệ trước sang thế hệ sau. Cả hai sự tồn tại vật chất và trừu tượng này đều biểu thị một dòng chảy xuôi chiều. Như vậy, đối với hai sự việc mới nghe qua tưởng như khác biệt mà thật ra lại có cùng một tính chất, chúng ta làm ra hai chữ “dòng” và “giòng” là một việc không cần thiết.
Với luận cứ như trên, cho dù có tự điển nào ghi ra chữ GIÒNG tôi cũng không theo, mà vẫn viết tất cả là DÒNG như tôi biết từ trước đến giờ.
Bây giờ tôi xin đề cập đến tự điển, để xem các nhà làm tự điển xưa nay ghi ra chữ “dòng” và “giòng” như thế nào.
Mấy mươi năm nay sống ở nước ngoài trong tay tôi không có lấy cuốn tự điển chuyên cứu tiếng Việt nào, nên không thể tham khảo xem các nhà làm tự điển viết gì về “dòng” và “giòng”. Hơn 10 năm trước, tôi có mua được một cuốn tự điển Việt-Anh của Nguyễn Văn Tạo, giáo sư miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa. Tôi tra thử cuốn này thì khám phá ra ông giáo sư người Bắc kê ra đủ cả hai chữ DÒNG và GIÒNG. Ông phân biệt chúng như sau:
— DÒNG gồm có: dòng họ, dòng giống, dòng dõi, nối dòng; nhà dòng, đạo dòng; dòng dây (trang 341).
— GIÒNG: giòng nước, giòng sông, giòng châu, giòng điện, giòng chữ, xuống giòng, xuôi giòng, ngược giòng, giòng giòng (trang 572).
Thậm chí học giả người gốc Bắc này còn đưa ra ví dụ “nước mắt giòng giòng” cho chữ “giòng giòng” trên, trong khi trước giờ tôi chỉ thấy người Việt chúng ta viết “nước mắt ròng ròng”. Rõ ràng là ông người Bắc, do lối phát âm “đặc thù” không phân biệt D, GI và R, mà nói tất cả thành Z như tôi đã phân tích ở trên, nên ông đã lầm lẫn hai phụ âm R và GI mà viết “ròng ròng” thành “giòng giòng”! Hay vì ông cho là nước mắt là nước thì chảy ra thành “giòng nước”? Thật là kỳ lạ.
Đặc biệt nữa, là chữ chúng ta quen viết “dòng điện”, giáo sư Nguyễn lại viết là “giòng điện”, như vậy là “sái” với cái “luật” của cô giáo anh bạn trên kia nói rằng “cái gì không sờ được thì phải viết là dòng” rồi! Như vậy ai đúng?
Nay trên mạng thông tin toàn cầu đã có nhiều “tự điển online”, nên tôi bèn thử tra cứu xem các tự điển xưa nhất của hai miền Nam, Bắc Việt Nam người ta nói gì về hai chữ DÒNG và GIÒNG. Hai cuốn tự điển chữ Quốc ngữ kỳ cựu mà tôi cho là tiêu biểu nhất của hai miền là “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của cụ Huình Tịnh Của (miền Nam, 1895-1896), và “Việt Nam Tự Điển” của Hội Khai Trí Tiến Đức (miền Bắc, 1931), cùng một cuốn cũng tên “Việt Nam Tự Điển” của hai nhà biên soạn tự điển Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ in năm 1970 tại Sài Gòn. Sau khi tra được cả ba cuốn tự điển tiếng Việt trên, tôi bỗng bật cười, ngạc nhiên hết sức: hóa ra bấy lâu nay người Việt cả trong và ngoài nước thắc mắc, tranh cãi với nhau về hai chữ DÒNG và GIÒNG chỉ là làm một chuyện vớ vẩn! Các bạn thử tra mà xem, trong cả ba cuốn tự điển của miền Nam và miền Bắc trên ĐỀU KHÔNG CÓ CHỮ “GIÒNG” MÀ CHỈ CÓ MỘT CHỮ “DÒNG”. Đại Nam Quấc Âm Tự Vị ghi chữ “DÒNG” tại trang 243, trong phần mẫu tự D; còn nguyên phần mẫu tự GI (từ trang 355 đến trang 387) không hề có chữ “GIÒNG”. Cả hai cuốn “Việt Nam Tự Điển” 1931 của miền Bắc và 1970 của miền Nam cũng tuyệt nhiên không có chữ GIÒNG mà chỉ có GIONG, GIÓNG, GIỌNG.
Tôi biết người Nam có khuynh hướng viết nhiều chữ D hơn là GI, còn người Bắc thì ngược lại, ưa viết GI hơn D. Nhưng té ra, các soạn giả miền Bắc, — một ban biên soạn cuốn “Việt Nam Tự Điển” mà Hội Khai Trí Tiến Đức gọi là “Ban Văn học”, gồm các học giả lỗi lạc nhất của miền Bắc, như các cụ Phạm Quỳnh (chủ bút), Nguyễn Văn Vĩnh, Trần Trọng Kim, Bùi Kỷ, Dương Bá Trạc, Nguyễn Văn Luận, Phạm Huy Lục, Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Đôn Phục và Đỗ Thận — lại ghi ra trong tự điển này duy nhất có một chữ “DÒNG” (trang 155), và nếu các bạn tìm đến vần GI (từ trang 213 đến trang 224) cũng sẽ không tìm ra chữ “GIÒNG” nào hết. Như vậy rõ ràng là “Việt Nam Tự Điển” của hội Khai Trí Tiến Đức ngoài Bắc cùng với bộ “Đại Nam Quấc Âm Tự Vị” của cụ Huình Tịnh Của trong Nam và “Việt Nam Tự Điển” 1970 của miền Nam, đều không có chữ “GIÒNG”, và cả ba đều ghi chữ “DÒNG” cho tất cả các nghĩa dùng như sau:
— Dòng nước, dòng chảy, dòng sông, dòng châu (dòng nước mắt),…
— Dòng giống, dòng họ, dòng tộc, dòng dõi, nối dòng, con dòng cháu giống, dòng con, dòng vua, dòng quan,…
— Đạo dòng, trường dòng, thầy dòng.
— Dây dòng (dây để kéo); dài dòng văn tự; dòng dây (động từ: dòng dây để kéo vật gì).
— Nạ dòng (đờn bà luống tuổi không chồng); lại dòng (đờn bà chết chồng).
Nhìn chung, định nghĩa về chữ DÒNG viết D, và cách dùng chữ DÒNG trong tự điển của cụ Huỳnh Tịnh Của, trang 243, tận thế kỷ 19, còn đầy đủ và chi tiết hơn cả cuốn tự điển hợp soạn của 10 vị học giả Bắc kỳ và bộ tự điển đồ sộ của các ông Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ sau Cụ gần 100 năm! Cụ Huình Tịnh Của chỉ soạn tự điển một mình, lại vào thời kỳ chữ Quốc Ngữ mới sơ khai chưa được truyền bá rộng rãi, nhưng Cụ thật là uyên bác không ai bì được.
Ngày nay chúng ta còn dùng chữ DÒNG rộng rãi hơn các cụ thời xưa nhiều, như những tập hợp từ: “dòng lệ”, “dòng sữa mẹ”, “dòng con”, “dòng chữ”, “dòng xe cộ”, “dòng suy nghĩ”, “dòng tư tưởng”, thậm chí “dòng sinh mệnh dân tộc” (nhà văn Nguyễn Mộng Giác); DÒNG với nghĩa “trường phái”: “dòng nhạc”, “dòng văn học”, “dòng Phục Hưng” (hội họa), v.v…
Kết luận:
Đề tài nghiên cứu hai chữ DÒNG và GIÒNG này tôi đã viết ra từ nhiều năm rồi, nhưng chưa từng đăng ở đâu. Nay tôi viết trong trang nhà với tất cả sự phân tích vấn đề hai chữ DÒNG và GIÒNG theo phương hướng riêng, trên quan điểm hoàn toàn khách quan về ngữ âm học, không hề có tư tưởng “phân biệt vùng miền”, các bạn nên thông cảm cho.
Qua việc tra cứu lại các tự điển chữ Việt trên dưới 100 năm tuổi của cả hai miền đất nước như vậy, thiết nghĩ vấn đề hai chữ DÒNG và GIÒNG đã quá sáng tỏ. Điều rõ ràng chúng ta có thể khẳng định là, chữ GIÒNG vô lối lâu nay xuất hiện trong tiếng Việt chính là chữ do người Bắc, với cách phát âm không chính xác các âm D, GI và R, đã vô tình dẫn đến lối viết sai chánh tả vô tình làm người các miền khác cả trăm năm nay lấn cấn viết sai theo không biết đâu mà mò! Chúng ta thấy chữ GIÒNG sai chánh tả đã từng hiện diện cả trong văn chương của rất nhiều các nhà văn miền Bắc từ thời Tự Lực Văn Đoàn cho đến tận bây giờ.
Trong khi Quốc ngữ Việt Nam không có chữ gì là “GIÒNG” mà chỉ có duy nhất một chữ DÒNG, và ngày nay người Việt càng ngày càng dốt và dở tiếng Việt, vậy thì tại sao chúng ta không loại bỏ hẳn một chữ không cần thiết chỉ tổ làm lẫn lộn chánh tả cho đỡ rắc rối cuộc đời, phải không các bạn?
Bạn nào muốn share bài viết này đi nơi khác, xin cứ tự nhiên và xin hãy nói cho mọi người biết rằng đây là lập trường và phương cách giải quyết vấn đề hai chữ DÒNG và GIÒNG rất rõ ràng của nhóm Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến tại hải ngoại.
Cám ơn câu hỏi của bạn Hoài Hương.
Cám ơn các bạn đã đọc bài viết rất dài và khô khan này.
Timothy Banh
Quốc Ngữ Việt Nam Văn Hiến, 22-3-2020.
Bài viết lại và bổ túc ngày 1-12-2022.
Be the first to comment