Con Cái Đến Tuổi Nào Thì Phù Hợp Để Bắt Đầu Cho Dùng Điện Thoại Thông Minh ?

(Nguồn hình ảnh, Getty Images)

Quả là thế tiến thoái lưỡng nan trong thời buổi hiện đại: Bạn nên cho con cái dùng điện thoại thông minh từ sớm hay để chúng tránh xa các thiết bị này càng lâu càng tốt?

Là bậc cha mẹ, rất dễ hiểu khi bạn thiên về quan điểm cho rằng điện thoại thông minh như một cái hộp Pandora chứa đầy những thứ xấu xa, từ đó túa ra mọi tệ nạn trên thế giới xâm nhập vào cuộc sống lành mạnh của con bạn.

Hàng loạt tiêu đề trên báo chí gây hoang mang liên quan đến tác động có thể có của việc trẻ em sử dụng điện thoại và mạng xã hội đủ để khiến cho bất cứ ai cũng muốn gạt phắt ý định cho trẻ dùng thiết bị này.

Rõ ràng, ngay cả những người nổi tiếng cũng không tránh khỏi vấn đề nuôi dạy con cái hiện đại này: Madonna đã nói rằng cô ấy rất hối hận vì đã tặng cho những đứa con lớn của mình điện thoại ở tuổi 13 và sẽ không lặp lại sai lầm tai hại này nữa.

Mặt khác, bản thân bạn lại sở hữu một chiếc điện thoại mà bạn coi đó là công cụ thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày – từ email và mua sắm trực tuyến đến các cuộc gọi có video và tạo lập album ảnh gia đình. Và bạn thử hình dung nếu các bạn cùng lớp và bạn bè của con bạn đều có điện thoại, thì liệu chúng có chịu chấp nhận bỏ qua việc có một chiếc như thế không?

Vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được giải đáp về tác động lâu dài của điện thoại thông minh và mạng xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên, nhưng nghiên cứu hiện có cũng cung cấp một số bằng chứng về những rủi ro và lợi ích chính của vấn đề này.

Đặc biệt, mặc dù không có bằng chứng tổng thể cho thấy việc sở hữu điện thoại hoặc sử dụng mạng xã hội có hại cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em nói chung, nhưng điều đó có thể chưa thể hiện rõ mọi khía cạnh của vấn đề. Hầu hết các nghiên cứu cho đến nay đều tập trung vào thanh thiếu niên hơn là các nhóm tuổi nhỏ hơn – và các bằng chứng mới bộc lộ cho thấy có thể có những giai đoạn phát triển cụ thể mà trẻ em có nguy cơ chịu các tác động tiêu cực nhiều hơn.

Hơn nữa, các chuyên gia đồng ý về một số yếu tố chính cần xem xét khi quyết định xem con bạn đã sẵn sàng về mặt tâm sinh lý để sử dụng điện thoại thông minh hay chưa – và bạn nên làm gì khi con mình sở hữu thiết bị công nghệ này.

Getty Images(Nguồn hình ảnh, Getty Images)

Dữ liệu từ Ofcom, cơ quan quản lý truyền thông của Vương quốc Anh, cho thấy đại đa số trẻ em ở Vương quốc Anh sở hữu điện thoại thông minh ở độ tuổi 11, với tỷ lệ sở hữu tăng từ 44% ở tuổi lên 9 và 91% ở tuổi 11.

Ở Hoa Kỳ, 37% phụ huynh có con từ 9 đến 11 tuổi nói rằng con họ có điện thoại thông minh riêng.

Và trong một nghiên cứu của châu Âu thực hiện trên 19 quốc gia, 80% trẻ em từ 9 đến 16 tuổi cho biết các em sử dụng điện thoại thông minh để lên mạng hàng ngày hoặc gần như hàng ngày.

“Khi chúng ta tiếp xúc với thanh thiếu niên lớn hơn, thì sẽ thấy là có hơn 90% trẻ có điện thoại”, Candice Odgers, Giáo sư khoa học tâm lý tại Đại học California, Irvine, Hoa Kỳ nói.

Một báo cáo của châu Âu về việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở trẻ em từ sơ sinh đến 8 tuổi cho thấy nhóm tuổi này có những “hạn chế hoặc thiếu nhận thức về những rủi ro khi online” khi đề cập đến những tác động bất lợi của việc sử dụng điện thoại thông minh cùng các ứng dụng mạng xã hội được truy cập thông qua smartphone, nhưng với trẻ lớn hơn thì không có nhiều bằng chứng về việc này.

Odgers đã thực hiện sáu phân tích tổng hợp xem xét mối liên hệ giữa việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số với sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên cũng như các nghiên cứu quy mô lớn khác và nghiên cứu nhật ký hàng ngày. Bà không tìm thấy mối liên hệ nhất quán nào giữa việc sử dụng công nghệ của thanh thiếu niên và sự phát triển lành mạnh của các em.

“Phần lớn các nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ nào giữa việc sử dụng mạng xã hội và sức khỏe tâm thần,” Odgers cho biết. Trong các nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ, các mức độ ảnh hưởng – cả tích cực và tiêu cực – đều ở phạm vi nhỏ. “Phát hiện lớn nhất thực sự là sự không có mối liên hệ nào giữa những gì mà mọi người (bao gồm cả chính những thanh thiếu niên đó) tưởng là có và những gì bằng chứng thực sự nói lên,” bà nói.

Một đánh giá khác của Amy Orben, một nhà tâm lý học thực nghiệm tại Đại học Cambridge, Vương quốc Anh, cũng cho thấy những bằng chứng thu được chưa đủ sức thuyết phục để đưa ra kết luận.

Mặc dù có một mối tương quan tiêu cực nhỏ, nhưng tính trung bình, qua việc tiến hành các nghiên cứu khác nữa, Orben kết luận rằng không thể biết được liệu công nghệ đang gây ra sự suy giảm về sự phát triển lành mạnh hay ngược lại – hoặc liệu các yếu tố khác có ảnh hưởng đến cả hai yếu tố này hay không. Bà lưu ý rằng chất lượng của phần lớn các nghiên cứu trong lĩnh vực này không đủ cao để mang lại kết quả có ý nghĩa.

Tất nhiên, những kết quả này là kết quả trung bình. “Có một sự khác biệt lớn cố hữu xung quanh tác động [đối với sự phát triển lành mạnh] đã được tìm thấy trong các tài liệu khoa học,” Orben nói, và trải nghiệm của từng thanh thiếu niên sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh cá nhân của chúng. “Người duy nhất thực sự có thể đánh giá điều đó thường là những người thân thiết nhất với chúng,” bà nói thêm.

Về mặt thực tế, điều này có nghĩa là bất kể bằng chứng phổ biến nói lên điều gì, vẫn có thể có những trẻ em gặp phải nguy cơ do sử dụng mạng xã hội hoặc một số ứng dụng nhất định – và điều quan trọng là cha mẹ phải thích nghi với điều này và hỗ trợ trẻ.

Getty ImagesTrong thời gian diễn ra đại dịch, điện thoại di động là một phương tiện quan trọng để trẻ em truy cập các lớp học trực tuyến khi ở nhà. (Nguồn hình ảnh, Getty Images)

Mặt khác, đối với một số người trẻ tuổi, điện thoại có thể trở thành cứu cánh – nơi tìm kiếm một hình thức truy cập mới và mạng xã hội khi bạn là người khuyết tật, hoặc nơi để tìm kiếm câu trả lời cho những câu hỏi cấp bách về sức khỏe của bạn.

“Hãy tưởng tượng bạn là một thiếu niên đang lo lắng rằng quá trình dậy thì có trục trặc, hoặc vấn đề tính dục của bạn không giống bạn bè, hoặc lo lắng về sự thay đổi khí hậu khi những người lớn xung quanh bạn chả mấy quan tâm,” Sonia Livingstone, Giáo sư tâm lý xã hội  tại Trường Kinh tế London (LSE), Vương quốc Anh và là đồng tác giả của cuốn sách “Nuôi dạy con cho tương lai kỹ thuật số”, nói.

Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, trẻ dùng điện thoại để liên lạc và trò chuyện với bạn bè và gia đình là chính.

“Nếu bạn thực sự phân tích xem những đứa trẻ đang nói chuyện trực tuyến với ai […] thì chủ yếu là chúng dùng để liên hệ với những người quen biết thật ngoài đời,” Odgers nói. “Tôi nghĩ rằng toàn bộ ý tưởng cho là khi để trẻ một mình với cái điện thoại, chúng ta đang đánh mất chúng – đối với một số trẻ đó có thể là một nguy cơ thực sự, nhưng đối với hầu hết trẻ em thì chúng đang kết nối, chia sẻ, trải nghiệm cùng với người quen khác.”

Trên thực tế, trong khi điện thoại thông minh thường bị đổ lỗi cho việc trẻ em dành ít thời gian ở ngoài trời hơn, một nghiên cứu của Đan Mạch đối với trẻ em từ 11 đến 15 tuổi đã tìm thấy một số bằng chứng cho thấy điện thoại thực sự mang lại cho trẻ khả năng di chuyển độc lập bằng cách tăng cảm giác an toàn của cha mẹ và giúp trẻ xác định phương hướng ở những vị trí không quen thuộc. Trẻ em cho biết rằng điện thoại nâng cao trải nghiệm ngoài đời của chúng thông qua việc nghe nhạc và giữ liên lạc với cha mẹ và bạn bè.

Tất nhiên, khả năng giao tiếp gần như thường xuyên với những bạn bè cùng trang lứa không phải là không có rủi ro.

“Tôi nghĩ rằng điện thoại đã đáp ứng một cách tuyệt vời những gì luôn là nhu cầu chưa được đáp ứng của giới trẻ,” Livingstone nói. “Nhưng đối với nhiều người, nó có thể trở thành thứ buộc phải có, thứ mà ai ai cùng dùng. Nó có thể gây áp lực cho các em luôn cảm thấy rằng có một nơi mà những người nổi tiếng đang ở đó, nơi mà các em đang có áp lực phải bước vào ‘cho bằng bạn bằng bè’ hoặc có thể bị gạt ra ngoài với mặc cảm thua kém, nơi mọi người đều cùng tham gia một trò chơi thời thượng và cùng biết về bất cứ điều gì mới nhất.”

Trên thực tế, trong một bài báo được đăng hồi đầu năm nay, Orben và các đồng nghiệp thấy có “những khung nhạy cảm phát triển” – là khoảng thời gian mà việc sử dụng mạng xã hội có liên quan đến việc làm giảm bớt mức độ hài lòng trong cuộc sống ở những năm tháng sau đó – khi các em bước vào độ tuổi trưởng thành.

Phân tích dữ liệu từ hơn 17.000 người tham gia trong độ tuổi từ 10 đến 21, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng các em gái dùng mạng xã hội nhiều hơn ở độ tuổi 11 đến 13 và các em trai ở độ tuổi 14 đến 15, được ước đoán là đạt mức độ hài lòng trong cuộc sống thấp hơn một năm sau đó.

Điều ngược lại cũng đúng: việc sử dụng mạng xã hội ít hơn ở độ tuổi này được ước đoán là đem lại mức độ hài lòng trong cuộc sống cao hơn vào năm sau.

Theo các nhà nghiên cứu, điều này phù hợp với thực tế là các bé gái có xu hướng dậy thì sớm hơn các bé trai, mặc dù không có đủ bằng chứng để nói rằng đây là nguyên nhân của sự khác biệt về mặt thời gian.

Một khung nữa xuất hiện ở tuổi 19 đối với cả nam và nữ, chính là khoảng thời gian mà nhiều thanh thiếu niên bỏ nhà đi bụi.

Cha mẹ nên thận trọng khi cân nhắc kỹ càng những độ tuổi này khi đưa ra quyết định cho con cái của mình – nhưng cần lưu ý rằng những thay đổi trong quá trình phát triển có thể khiến trẻ nhạy cảm hơn với mặt tiêu cực của mạng xã hội.

Ví dụ, ở độ tuổi dưới 20, não bộ thay đổi hàng loạt và điều này có thể ảnh hưởng đến cách hành động và cảm nhận của người trẻ tuổi – bao gồm cả việc khiến các em trở nên nhạy cảm hơn với các mối quan hệ xã hội và vấn đề địa vị.

Getty ImagesNhiều bậc cha mẹ chọn cách cho con cái của họ làm quen với mạng xã hội từ khi con còn rất nhỏ. (Nguồn hình ảnh, Getty Images)

“Độ tuổi thiếu niên thực sự là một thời điểm phát triển quan trọng,” Orben nói. “Bạn bị tác động nhiều hơn bởi những người cùng trang lứa, bạn quan tâm hơn nhiều đến những gì người khác nghĩ về bạn. Và thiết kế của mạng xã hội – cách mà nó cung cấp tương tác và phản hồi chỉ bằng một cú nhấp chuột, dù ít hay nhiều – có thể sẽ gây căng thẳng hơn vào những thời điểm nhất định của trẻ.”

Cũng như tuổi tác, các yếu tố thuộc về hoàn cảnh sống có thể ảnh hưởng đến tác động của mạng xã hội đối với trẻ em và thanh thiếu niên – nhưng các nhà nghiên cứu chỉ mới bắt đầu khám phá những khác biệt cá nhân này.

“Đây thực sự là một lĩnh vực nghiên cứu cốt lõi hiện nay,” Orben nói. “Sẽ có những thanh thiếu niên bị tác động tiêu cực hoặc tích cực hơn ở những thời điểm khác nhau. Đó có thể là do hoàn cảnh sống khác nhau, trải qua quá trình phát triển ở những thời điểm khác nhau, chúng có thể sử dụng mạng xã hội theo các cách khác nhau. Chúng ta thực sự cần phải chia nhỏ những điều đó ra để phân tích.”

Mặc dù nghiên cứu có thể cung cấp thông tin cho các gia đình để họ cân nhắc, quyết định thời điểm mua điện thoại thông minh cho con mình, nhưng nó không thể đưa ra câu trả lời cụ thể cho câu hỏi “khi nào?”.

“Tôi nghĩ rằng khi nói là mọi thứ phức tạp hơn, tự nhiên nghiên cứu đó đẩy câu hỏi trở lại với các bậc cha mẹ,” Orben nói. “Nhưng đó có thể không phải là một điều tồi tệ lắm, bởi vì điều đó mang nặng tính cá nhân.”

Theo Odgers, câu hỏi quan trọng mà cha mẹ cần đặt ra là: “Làm thế nào để điện thoại thông minh phù hợp với con cái và với gia đình?”

Đối với nhiều bậc cha mẹ, mua cho con một chiếc điện thoại là một quyết định thiết thực. “Trong nhiều trường hợp, cha mẹ muốn con có điện thoại để giữ liên lạc với chúng suốt cả ngày, và họ có thể điều phối nhịp nhàng việc đưa đón con,” Odgers nói.

Đó cũng có thể coi là một dấu mốc trên con đường trưởng thành. “Tôi nghĩ rằng đối với trẻ em, điều đó mang lại cho chúng cảm giác độc lập và có trách nhiệm,” Anja Stevic, nhà nghiên cứu tại khoa truyền thông, Đại học Vienna, Áo, nói. “Đây chắc chắn là điều mà các bậc cha mẹ nên cân nhắc: con cái của họ có đang ở giai đoạn mà chúng có đủ khả năng chịu trách nhiệm để có thiết bị của riêng mình không?”

Một yếu tố mà cha mẹ không nên bỏ qua là họ có cảm thấy thoải mái khi con mình có điện thoại thông minh hay không. Trong một nghiên cứu của Stevic và các đồng nghiệp, khi cha mẹ cảm thấy rằng mình không kiểm soát được việc sử dụng điện thoại thông minh của con cái, giữa cha mẹ và con cái sẽ nảy sinh ra nhiều mâu thuẫn hơn liên quan tới thứ đồ này.

Tuy nhiên, điều đáng nhớ là việc có điện thoại thông minh không có nghĩa là cần phải mở các ứng dụng hoặc trò chơi có sẵn.

“Khi phỏng vấn trẻ em, tôi nghe thấy ngày càng nhiều về việc cha mẹ đưa điện thoại cho chúng nhưng cũng đưa ra các yêu cầu để kiểm tra và thảo luận xem chúng sẽ được truy cập những ứng dụng nào, và tôi nghĩ rằng điều đó quả là sáng suốt,” Livingstone nói.

Chẳng hạn, cha mẹ cũng có thể dành thời gian chơi trò chơi với con để bản thân họ cảm thấy yên tâm, hài lòng về nội dung trò chơi đó, hoặc dành thời gian để cùng nhau trải nghiệm những tiện ích trên điện thoại.

“Vẫn có sự giám sát ở mức độ nhất định, nhưng cần phải có sự giao tiếp và cởi mở với điện thoại thông minh, để có thể hỗ trợ trẻ về những gì trẻ nhìn thấy và trải nghiệm trực tuyến, giống như ngoài cuộc đời thật,” Odgers nói.

Getty ImagesThảo luận về những ứng dụng mà trẻ em có thể dùng và cách trẻ sử dụng điện thoại có thể cho phép cha mẹ yên tâm cho phép con họ dùng máy. (Nguồn hình ảnh, Getty Images)

Khi đặt ra nội quy trong nhà cho việc sử dụng điện thoại thông minh – chẳng hạn như không để điện thoại trong phòng ngủ của trẻ qua đêm – cha mẹ cũng cần làm gương một cách trung thực về việc sử dụng điện thoại thông minh của chính mình.

“Trẻ em ghét thói đạo đức giả,” Livingstone nói. “Chúng ghét cảm giác bị chỉ trích vì điều mà cha mẹ chúng vẫn làm, như sử dụng điện thoại trong giờ ăn hoặc đi ngủ với điện thoại trên tay.”

Ngay cả những đứa trẻ còn rất nhỏ cũng học được từ việc sử dụng điện thoại của cha mẹ chúng.

Một báo cáo của châu Âu về việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số ở trẻ em từ sơ sinh đến tám tuổi cho thấy nhóm tuổi này có ít hoặc không nhận thức được các nguy cơ, nhưng trẻ em thường bắt chước y hệt việc sử dụng công nghệ của cha mẹ chúng. Một số cha mẹ thậm chí còn phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu rằng con cái biết mật khẩu thiết bị của họ và do đó có thể tự mình truy cập thiết bị.

Nhưng các bậc cha mẹ có thể tận dụng điều này để làm lợi thế của mình bằng cách cho trẻ nhỏ hơn tham gia vào các nhiệm vụ dựa trên điện thoại thông minh và khiến các phương pháp thực hành tốt trở thành tấm gương cho trẻ noi theo. “Tôi nghĩ rằng sự tham gia và cùng sử dụng này, đó thực sự là một cách tốt để họ tìm hiểu những gì đang diễn ra trên thiết bị, nó dùng để làm gì,” Stevic nói.

Rốt cuộc thì khi nào mua điện thoại thông minh cho trẻ em phụ thuộc vào quyết định sáng suốt của cha mẹ. Đối với một số bậc phụ huynh, quyết định đúng đắn sẽ là không mua – và với một chút sáng tạo, những đứa trẻ không có điện thoại thông minh sẽ không bị thua bạn kém bè là mấy.

“Những đứa trẻ tự tin và hòa đồng vẫn sẽ tìm ra cách giải quyết và trở thành một phần của nhóm bạn,” Livingstone nói. “Rốt cuộc, cuộc sống xã hội của chúng chủ yếu là ở trường học, nơi mà hầu hết chúng gặp nhau mỗi ngày.”

Trên thực tế, học cách đối phó với mặc cảm thua kém bạn bè khi không có điện thoại thông minh có thể là bài học hữu ích cho thanh thiếu niên khi chúng không còn bị cha mẹ ràng buộc, chắc chắn phải tự mua cho mình một chiếc điện thoại và cần học cách thiết lập các giới hạn.

“Mặc cảm thua kém bạn bè là thứ không bao giờ kết thúc, vì vậy mọi người phải học cách đặt ra giới hạn sử dụng điện thoại, ai cũng chỉ có 24 giờ một ngày,” Livingstone nói. “Nếu không, bạn sẽ miệt mài với chiếc điện thoại của mình 24/7, chả còn thời gian đâu mà sống.”

Kelly Oakes
Theo BBC tiếng Việt ngày 13 tháng 11, 2022

Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*