Tại các nước Âu Mỹ, việc thừa nhận phái tính và tiết lộ giới tính không còn là cái gì mới mẻ, cấm cản và bị xã hội phê phán nữa. Nhưng dường như những hành động này đang được cho là mới mẻ, hiện đại và thu hút nhiều thành phần giới trẻ Việt Nam. Thành ngữ “come out” đang được phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông giải trí. Tuổi trẻ Việt Nam, nhất là thành phần tự nhận mình là những người thuộc cộng đồng đồng tính rất ưa nói về từ ngữ này. Một số phụ huynh đã bắt đầu lo lắng, đặt câu hỏi, và muốn biết về mấy chữ này có nghĩa là gì?
Một cách nôm na, “come out” có thể hiểu là hành động tự giới thiệu, tự lộ diện, và tự nhận mình là người thuộc thành phần giới tính thứ ba, bao gồm: đồng tính nữ (lesbian), đồng tính nam (gay), lưỡng tính (bisexual), chuyển giới (transgender), và nghi ngờ phái tính (questioning), gọi tắt là LGBTQ. Dưới cái nhìn chuyên môn, come out được hiểu như một tiến trình của những người thuộc cộng đồng LGBTQ trải qua khi họ hành động để chấp nhận định hướng giới tính (sexual orientation) hoặc căn tính phái tính (gender identity) và chia sẻ căn tính này một cách công khai với người khác. (Coming out refers to the process that people who are LGBTQ go through as they work to accept their sexual orientation or gender identity and share that identity openly with other people.)
Như vậy, khi nói đến cộng đồng LGBTQ, điều mà chúng ta cần biết đó là:
Giới tính (gender): nam, nữ, ái nam, ái nữ.
Đồng tính (homosexuality): đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính.
Chuyển giới (transgender): nữ thành nam, nam thành nữ.
Tuy nhiên, có lẽ phần đông phụ huynh cũng như chính các bạn đồng tính muốn biết là tại sao con tôi như vậy, hoặc tại sao tôi như vậy? Câu trả lời này không đơn giản mà phải căn cứ vào rất nhiều yếu tố như bẩm sinh, tâm lý phát triển, tâm lý giáo dục, ảnh hưởng gia đình, và ảnh hưởng môi trường. Đặc biệt ảnh hưởng môi trường gồm các bạn bè, người cùng sở, hoặc những người mà thường ngày chúng ta giao tiếp, gần gũi. Tóm lại, đây là một trong những vấn nạn phức tạp dựa trên nhiều yếu tố, nhiều hoàn cảnh, và nhiều ảnh hưởng khác nhau. Trong bài viết này, tôi muốn chú trọng nhiều hơn vào ảnh hưởng của môi trường và giáo dục.
– Gia đình:
Như chúng ta biết, gia đình là học đường đầu tiên và quan trọng mà ở đó trẻ em học những bài học đầu tiên về những gì cần thiết cho cuộc sống tương lai. “Học ăn, học nói, học gói, học mở.” Con cái học trực tiếp từ cha mẹ, bởi vì đối với con cái, cha mẹ là những bậc thầy vĩ đại nhất. Ảnh hưởng của cha mẹ trên con cái không chỉ là những vấn đề di truyền, máu huyết, mà còn mang cả tính chất tâm lý và tâm linh.
Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên để nói như các nhà tâm lý, lối sống và xu hướng đồng tính của một người con chịu ảnh hưởng rất lớn nơi cha mẹ. Thí dụ, nếu người con gái nhìn thấy bố mình tối ngày nhậu nhẹt, say xỉn, thô tục, lười biếng, và nhất là có những hành động vũ phu đối với mẹ mình hoặc ngay cả với chính mình. Câu hỏi được đặt ra là khi lớn lên em liệu có muốn lấy chồng không? Hoặc nếu như em muốn lấy chồng, mà gặp phải một người bạn trai có những dấu hiệu như bố mình, thì những hình ảnh tuổi thơ lại trở về, và đương nhiên em sẽ rất dè dặt, mà phần lớn là đóng cửa trái tim của mình lại. Một cách tương tự như vậy, nếu người con trai nào đó sống trong hoàn cảnh gia đình ở đó bố mẹ chão chuộc nhau sáng tối. Người mẹ lấn lướt, khinh thường bố, và ngoại tình, thử hỏi những hình ảnh như vậy sẽ giúp gì cho em khi lớn lên, hoặc khi bắt đầu một cuộc hẹn hò đầu tiên mà lại gặp một cô gái chảnh chẹ, đòi hỏi, gây nhiều phiền phức! Câu hỏi của những người con trai và con gái trong những trường hợp như vậy là: “Lấy vợ làm gì? Lấy chồng làm gì?” Ở vậy vui chơi với bạn bè, gặp gỡ bạn bè cùng phái hiểu và nâng đỡ nhau sướng hơn, không gặp phiền phức. Và ý tưởng về đồng tính có cơ hội nhen nhúm từ đó.
Theo nhà phân tâm học nổi tiếng Sigmund Freud (1856-1939), và kết quả khảo cứu của Hiệp Hội Tâm Lý Gia Hoa Kỳ, đồng tính có những dấu hiệu liên quan đến thời gian phát triển của tuổi thơ.
– Bạn bè:
Đây là những người có sức ảnh hưởng rất lớn ngoài cha mẹ, anh chị em thân thiết trong gia đình. Sức ép bạn bè (peer pressure) là sức ép mà hầu hết mọi người, nhất là tuổi trẻ đều cảm nhận. Lý do vì con người luôn có xã hội tính trong người. Nếu hình ảnh gia đình, hôn nhân không tốt đẹp. Nếu người yêu đầu đời đã để lại những vết thương trong trái tim, trong kỷ niệm, thì việc tìm gặp những bạn bè cùng trang lứa, cùng hoàn cảnh là điều thích hợp.
Một điểm mà phụ huynh cần biết là trong những nhóm bạn nam của con mình vẫn luôn có những bạn mang nhiều nữ tính. Và đó là những đối tượng chọn lựa của những người bạn cùng lứa có khuynh hướng hoặc bị cám dỗ hay bắt buộc phải chọn lựa một tình cảm tương đối hòa hợp.
Gặp người nam mang nữ tính, hoặc gặp người nữ mang nam tính. Sự gặp gỡ này nếu được bạn bè thúc đẩy, hoặc trong những trường hợp tình cảm, tình yêu trai gái không thật sự dẫn đến một tình yêu lứa đôi thông thường, nó sẽ dễ biến những tình cảm này thành tình yêu đồng tính.
– Môi trường:
Môi trường ảnh hưởng nhiều đến tư tưởng đồng tính đầu tiên là học đường. Các học sinh ngày nay được học về phái tính, giới tính, tình yêu, tình dục, đời sống đồng tính và hôn nhân đồng tính ngay từ trong nhà trường từ rất sớm. Trong khuôn viên đại học, nhớ lại thời 1980, chúng tôi đã được mời gọi tham dự những sinh hoạt của giới đồng tính. Ngoài ra sách vở khảo cứu, và những buổi hội thảo được các người đồng tính tổ chức rất quy mô. Việc này, ngày nay còn rộng rãi và phổ biến hơn nữa. Hình ảnh những cặp đôi đồng tính nhan nhản ở khuôn viên các đại học.
Tiếp đến môi trường sở làm, bạn bè giao tiếp.
Một phụ nữ đã có gia đình và hai con rất dễ thương. Trong một lần cãi vã, nàng tuyên bố ly dị chồng. Sau khi ly dị, nàng đã dọn đến sống với một người bạn nữ cùng sở làm cũng đã ly dị. Họ tự cho mình là cặp đôi đồng tính, và sống với nhau như hai vợ chồng.
Trường hợp khác tương tự, một người đàn ông đã có gia đình, có con cái học hành tử tế. Bỗng một ngày anh đơn phương ly dị vợ. Và sau khi ly dị đã dọn đến sống với người bạn trai. Cả hai công khai tay trong tay tỏ ra rất hạnh phúc.
Những trường hợp như vậy không thể nói là đồng tính bẩm sinh, mà là một chọn lựa vong thân, một hành động chối bỏ căn tính và giới tính.
– Truyền thông:
Chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp tích cực và đáng kể của giới truyền thông vào cuộc cách mạng tình dục, và cách mạng giới tính hiện nay. Những hình ảnh, tin tức về giới tính, đồng tính, hôn nhân đồng tính là những hình ảnh, tin tức rất thông thường và phổ biến một cách tinh vi, rộng rãi. Thêm vào đó còn phải kể đến những sách báo, và phim ảnh khiêu dâm. Tất cả đang đứng trong một trận chiến khốc liệt chống lại những giá trị thật của con người, những nguyên tắc căn bản của đời sống hôn nhân, gia đình.
– Xã hội:
Sau cùng là sự tiếp tay của giới chính trị. Ngày nay các nhà chính trị muốn chính trị hóa mọi sinh hoạt xã hội trong đó có cả tình yêu, hôn nhân, gia đình, giáo dục, và tôn giáo. Công giáo yêu nước, Công giáo ái quốc, Phật giáo quốc doanh, Nữ quyền, Quyền tự do chọn lựa…. Tất cả nhằm mục đích chính trị và phục vụ cho chủ đích chính trị.
Ngoài ra, những triết lý sống như Hiện Sinh, Khoái Lạc Chủ Nghĩa, Cá Nhân Chủ Nghĩa, Luân Lý và Đạo Đức Tương Đối. Những lý thuyết này không những được đề cao mà còn đưa vào những sinh hoạt xã hội như một mồi nhử làm quên đi mục đích và giá trị con người, và cuộc sống tình yêu, hôn nhân, gia đình.
– Hấp lực của dao kéo:
Ngày nay, không chỉ mơ ước, khát khao, hoặc mong được ai đó hiểu mình là đồng tính, là chuyển giới mà người ta có thể tìm gặp những sự trợ giúp của khoa học, của y khoa, và của tâm lý xã hội.
Nếu bạn muốn có một khuôn mặt, một hàm răng, một đôi mắt, một cặp nhũ hoa đẹp, hấp dẫn, khêu gợi, mời bạn qua Nam Hàn, quê hương sửa sắc đẹp. Dao kéo sẽ cho bạn như ý muốn.
Nếu bạn muốn trở thành một người con trai hay một người con gái, bạn cứ việc qua Thái Lan, quê hương của thành phần chuyển giới. Tại đây 1/70 dân số là người chuyển giới. Mỗi năm bệnh viện Yanhee ở thủ đô Bangkok thực hiện trung bình 1000 ca phẫu thuật chuyển giới.
Tóm lại sửa đổi cho đẹp, làm đẹp là một chuyện. Nhưng biến cải nam thành nữ và nữ thành nam, ngày nay y khoa và khoa học đang làm việc này thay cho Đấng Tạo Hóa.
Để thực hiện một ca chuyển giới cần từ 25-30 ca phẫu thuật lớn nhỏ. Với phí tổn theo ước tính của Bowers and Ettner trung bình 75.000$ chuyển từ nữ qua nam. Và 40.000 – 50.000$ từ nam qua nữ. Ước tính này được phổ biến Feb 9, 2015. Tuy nhiên, phí tổn này đang tăng theo thời gian.
Theo thống kê mới đây, giải phẫu thay đổi cơ quan sinh dục, trung bình 25.600$ nam thành nữ, và 24.900$ nữ thành nam.
Giải phẫu nâng ngực nam thành nữ giá 9.000$. Nữ thành nam giá từ 7.800$ – 10.900$.
Ngoài ra giải phẫu khuôn mặt, toàn cơ thể để trở thành nam giá 53.700$, nữ giá 70.100$. Số tiền này thêm vào giải phẫu nâng hoặc cắt ngực, và bộ phận sinh dục nam, nữ. [https://www.investopedia.com › … › Health Insurance Paying for Transgender Surgeries – Investopedia]
– Được hay mất gì?
25-30 ca phẫu thuật, đau đớn, nguy hiểm đến tính mạng, với tốn kém trên dưới 100.000 dollars để được gì? Trước mắt, người chuyển giới sẽ giảm 10-20 năm tuổi thọ so với người bình thường. Cộng thêm những phức tạp trong việc trị liệu, và tiếp tục nuôi dưỡng cơ thể bằng những kích thích tố độc hại sau khi phẫu thuật. Trung bình tuổi thọ hiện nay là 71 tuổi, trong khi người chuyển giới sống được 30 tuổi.
Come out, một nghĩa nào đó là một hình thức vong thân, phủ nhận bản sắc và căn tính. Hậu quả của cuộc cách mạng tình dục, cách mạng giới tính, cách mạng phái tính. Nó đóng góp vào sự phá bỏ nền tảng căn bản hạnh phúc cá nhân, hôn nhân, và gia đình.
Tóm lại, việc nói hoặc tỏ cho cha mẹ, người thân, anh chị em về tình cảm, cảm xúc, hoặc những cám dỗ đang ảnh hưởng đến phái tính và giới tính của mình là điều tốt. Nhưng hãnh diện hoặc cho đó như một cái mốt thời thượng thì đây là hành động ảnh hưởng bởi “văn hóa sự chết”, bởi chứng hoang tưởng, ảo tưởng và ảo giác về một thân hình, một lối sống. Thành phần này cần được hướng dẫn và giúp đỡ để có thể nhận ra đâu là những cám dỗ của xã hội, đâu là những dồn nén của tâm lý, và đâu là giá trị thật về con người, về phái tính, về quan niệm giới tính để có thể loại bỏ những quyết định nông nổi, mà sau này khi nghĩ lại cũng đã quá muộn. Hướng dẫn và giáo dục này đặt nền tảng trên đạo đức, đạo đức tâm linh, đạo đức xã hội, trên ảnh hưởng tốt của cha mẹ trong đời sống hôn nhân, gia đình, và trên những hướng dẫn đạo đức, tâm lý cần thiết cho từng lứa tuổi, và từng hoàn cảnh.
Tiến sĩ Tâm Lý Trần Mỹ Duyệt
Kính mời theo dõi video tại đây:
https://bit.ly/3e5EPMw
Be the first to comment