Thứ Ba Học Trò

Canada đang đi vào cuối tháng 10, 2022. Nơi chúng tôi cư ngụ, hôm nay trời mưa lất phất và khá lạnh. Không thể ở ngoài trời để viết lách được, bèn mở cửa ra ngồi balcony để “hưởng” cái khí lạnh rồi ngồi viết bài cho đỡ buồn tình. Thực ra, người viết rất cần ra khỏi căn nhà, ngồi dưới vòm trời để được hưởng phần không khí trong lành của trời đất để mà có cái hứng ngồi viết liên miên

Ngoài trời, cây cối đã rụng gần hết lá. Còn chăng chỉ là lá vàng, lá đỏ đã khô cằn để rồi tuần sau đó, sang tháng 11, cây sẽ chỉ còn những nhánh cây trụi thùi lụi mà thôi.

Đã mấy hôm nay, tôi hằng nghĩ đến thân phụ và anh tôi (anh Pháp). Cả hai cùng đã là 2 nhà giáo và thường hay khuyến khích tôi trên phương diện viết lách, nhất là viết về phần dạy học.

Từ trước khi có dịch COVID-19, anh tôi thường hay khuyên tôi: “Phán nên viết nhiều về những kinh nghiệm dạy học!” Tôi đã hứa là tôi sẽ viết nhưng rất tiếc là khi hai anh em chúng tôi còn có thể nói chuyện qua điện thoại viễn liên, chúng tôi đã duyệt lại với nhau một số công việc chúng tôi nên làm, nhất là sau khi chúng tôi đã thừa biết là số ngày còn lại của chúng tôi không còn nhiều lắm. Định mệnh cuộc đời đưa đẩy người viết vào những khúc quanh: hết bận chuyện này rồi đến chuyện khác và những “dead lines” đã bó buộc tôi không để cho tôi làm những gì như tôi đã hứa với anh tôi…

Trời thương, hôm nay tự dưng tôi có cơ duyên may để ra balcony ngồi viết. Trời mưa ư? Không sao, balcony không bị ướt! Trời lạnh ư? Cũng không sao, vì tôi ăn mặc rất ấm và lấy một cái chăn nhỏ quấn xung quanh hai cái cẳng già nua. Thật là “ấm cúng mà ngồi viết mà lại chẳng phải lái xe ra khỏi nhà…”

MỘT: NHẤT QUỶ NHÌ MA, THỨ BA HỌC TRÒ

Thập niên 70, tôi mới tập tễnh “vào đời” với nghề dạy học. Cái gì cũng cần phải học hỏi và thực tập. Việc tôi lo ngại nhất: viết “lecture notes” cho học trò và làm sao để mà “deliver” các “lecture notes” này để học trò cảm thấy thích học. Nếu sinh viên cảm thấy “bored”, họ sẽ dễ có cơ hội mà chọc phá mình cho “bõ ghét” (“served you right!”). Rồi lại có thêm phần khó khăn khác: nạn “cọp dê” phần “assignments” (các bài viết mà học trò phải nộp cho các giáo sư để chấm bài – các “assignments” này sẽ được tính điểm để sinh viên có grades A, B, C… về sau). Trong niên khóa Mùa Thu (Fall Semester) cũng như niên khóa Mùa Đông (Winter Semester), ngoài phần Assignments còn có 3 kỳ thi: Term Test 1, Term Test 2 và Final Exam. Cho nên nhà giáo chúng tôi còn phải đương đầu với phần “cọp dê” trong các bài thi này nữa. Vấn nạn “cọp dê” trong lúc thi cử này cũng đã làm các nhà giáo chúng tôi đôi lúc “điên cái đầu”.

Hệ thống community colleges của chúng tôi trong tỉnh bang Ontario ra đời vào năm 1965. Nhiệm vụ chính của community colleges là thuê các giáo sư (college professors) không phải làm Research như trong Đại Học mà chỉ để dạy học mà thôi vì trọng tâm của Đại Học Cộng Đồng (community colleges) là để đào tạo các chuyên viên sẵn sàng vào làm việc ngay (technicians, technologists, y tá, accountant/book keepers, auto mechanics, reporters…)

Các Full time College Professors (Giáo sư thực thụ) bị sinh viên và Ban Giảng Huấn nhà trường theo dõi trong 2 năm đầu và sẵn sàng bị mất chức nếu không có khả năng dạy học. Ngoài ra, họ còn phải dạy các môn mới ngoài Phân Khoa của họ, tùy theo sự quyết định của Ban Giảng Huấn. Họ phải có bằng Bachelor, Masters hay Ph.D, nhất là có những kinh nghiệm về ngành nghề chuyên môn… Phần kinh nghiệm ngành nghề và các “connections with industries” rất quan trọng để mà các Community Colleges có nhiều “connections” trong xã hội, mục đích là để tiện việc kiếm việc làm cho sinh viên khi mới ra trường. Sau thập niên 1980, muốn trở thành một Full Time College Professor, việc này rất là khó vì các trường Đại Học Cộng Đồng tại Ontario thường chỉ hay mướn các Part time Professors (dạy học trong cả năm học/ academic year) hay các Sessional Professor (Dạy học trong niên khóa mùa Thu hay mùa Đông/ Fall Semester hay Winter Semester mà thôi). Lý do chính: các vị Part-time Professors, Sessional Professors sẽ không được hưởng “pension” (lương hưu trí) cho nên các College sẽ không phải tốn tiền nhiều so với số lương trả cho các Full time Professors (Full chair) khác.

HAI: VẤN NẠN CỌP DÊ

Trong phân khoa kỹ thuật của chúng tôi, sinh viên phải làm thực tập rất nhiều trong các phòng thí nghiệm để sau khi ra trường, họ có thể được thuê để làm việc ngay lập tức trong các phòng thí nghiệm của các công ty hay của chính phủ.

Để tiện sắp xếp trong phòng thí nghiệm, chúng tôi thường có chừng 6 “groups” (mỗi nhóm / group có 3 hay 4 sinh viên). Tất cả các sinh viên trong một nhóm đều phải tự làm thí nghiệm và ghi lại tất cả các kết quả của họ trong nhóm. Khi viết các “lab report”, mỗi sinh viên phải viết “report” của chính mình. Nhà giáo chúng tôi đã thường gặp các trường hợp cọp dê/ “classical copy” như sau:

Sinh viên A (mà chúng tôi mệnh danh là “Father”) nộp report rất đàng hoàng: trước khi sang trang thường hay viết “PTO” (Please Turn Over) ở góc phải phía cuối cùng của trang sách. Sinh viên B (dân cọp dê mà nhà giáo chúng tôi mệnh danh là “Son”) cọp dê nguyên cả cái bài của “Father”. Tai hại thay, trong bài này, hàng chữ “PTO” lại ở giòng thứ hai, thứ ba trước khi mở sang trang. Nhà giáo chúng tôi chỉ cần phê “COPIED” và cho điểm Zero. Chúng tôi sẵn sàng “bảo vệ nhiệm vụ” của chúng tôi với Văn Phòng Kiện Tụng của College!

Phần cọp dê trong 2 kỳ thi term tests và kỳ thi cuối semester là phần mà các giáo sư trong phân khoa Khoa học, Kỹ thuật chúng tôi quan tâm nhất vì nó liên quan rất nhiều tới phần điểm số cuối Term của sinh viên (grades như A, A+, B, B+…)

Vào mùa đông năm 1971, một ông Giáo Sư gốc Ấn Độ đã có nhiều năm dạy các sinh viên sĩ quan bên Ấn Độ môn “Applied Mechanics” (Cơ Học Ứng Dụng) đã phải nhờ tôi phát đề thi môn đó trong khi ông ta đứng trông các sinh viên trong lớp trong giờ thi. Ông ta đã dặn dò tôi không để cho 2 anh chàng Tony Johnson và George Papadoglous ngồi bên cạnh nhau. Hai chàng cao trên 6ft, khệnh khạng vào lớp sau khi chúng tôi đã phát bài thi xong. Tôi bắt Tony Johnson ngồi hàng đầu và George Papadoglous ngồi hàng cuối vì Tony thường hay cọp dê George. Cả hai đều không hài lòng về vụ này. Khi đi về hàng cuối, George to tiếng với tôi: “Go back to Korea!” (Anh chàng tưởng tôi là dân Korean). Tôi trả đũa ngay tức thì: “I only go back to Korea, if you go back to Greece first, George Papadoglous”! Đặc biệt là tôi nói thật to và thật chậm cái tên họ của anh chàng. Câu trả lời của tôi được các sinh viên vỗ tay đôm đốp và cười hô hố, làm tôi hơi ngán vì sợ sẽ bị George “páo chù”. May sao cho tôi mà về sau 2 yêng hùng Tony và George lại làm thân với tôi! Đặc biệt là 15 năm sau khi ra trường, George còn trở lại trường thăm tôi và tặng tôi 1 cái VHS tape liên quan đến ngành công chánh và còn nhắc lại cho tôi biết lời anh chàng đã nói ngày xưa. Thầy trò chúng tôi chỉ còn biết cười trừ.

Rút từ các kinh nghiệm cọp dê này, ông giáo sư người Ấn đàn anh và tôi đã “khôn” ra: thay vì chỉ có một loại đề thi giống y chang như nhau, chúng tôi soạn 2 loại bài thi:  A và B với các hình vẽ giống hệt như nhau nhưng các con số lại khác nhau. Trước khi vào lớp, chúng tôi sắp xếp các đề thi theo thứ tự A, B, A, B… Khi vào lớp, chúng tôi sắp xếp các sinh viên ngồi chỗ cho đâu ra đó trước khi phát đề thi A, B, A, B… Một, hai năm sau đó, chúng tôi mới “khám phá” ra điều này: vì chỉ có một mình mình trong lớp khi phát đề thi, các yêng hùng đổi bài với nhau để làm sao A ngồi bên A, B ngồi bên B… để mà cọp dê cho dễ dàng. Nhà giáo chúng tôi “trả đũa”, phen này phe ta “uýnh lớn” / “escalate the war” (vỏ quít dầy, móng tay nhọn): chơi luôn 4 đề thi A, B, C, D… không cách nào mà các yêng hùng trao đổi đề thi dễ dàng nữa! Các dân cọp dê khờ dại sẽ bị “trúng mối” ngay lập tức!

Một hôm trong lớp, sau khi chúng tôi trả lại bài thi đã chấm cho sinh viên, một sinh viên cao tuổi gốc Phi Châu đã làm khó dễ chúng tôi: “Ông giáo sư ơi, ông đã kỳ thị mầu da của tôi! Tại sao bạn tôi được 10/10 trong một câu hỏi mà tôi lại bị zero trong khi đó, câu đáp số của tôi giống y chang câu đáp số của bạn tôi?” Tôi điềm nhiên trả lời: “Xin anh mang bài của bạn anh lên cho tôi coi để tôi so với bài thi của anh. Xin các anh chị em sinh viên trong lớp nên nhớ: “Chúng tôi có 4 loại đề thi với các con số khác nhau. Nếu bài thi của anh này không giống như bài thi của bạn anh ta, tôi sẽ mang 2 anh ra Hội Đồng Giáo Sư để họ quyết định!” Anh chàng bèn chịu trận. Nhờ vụ này mà các sinh viên bắt đầu “ngán” cái vụ “cọp dê để sống còn” (“copy to servive”).

Bắt đầu từ năm Thứ Hai (Third Semester,  Fourth Semester) trở đi, cá nhân chúng tôi thường sử dụng kiểu thi “Open Book”, có nghĩa là sinh viên tha hồ có quyền mang theo sách, vở… vào phòng thi để nghiên cứu. Để cho sinh viên có nhiều chỗ làm việc, chúng tôi thường cho mỗi sinh viên 2 cái bàn kê sát nhau… Chúng tôi không sợ vụ sinh viên cọp dê nhau nữa vì chúng tôi đã có 4 loại đề thi khác nhau (thực sự ra thì chỉ có 4 loại các con số khác nhau mà thôi nhưng đề thi thì giống hệt như nhau để tránh cái vụ kiện tụng là “unfair”, là kỳ thị…

Cũng xin thưa là chỉ có ba, bốn giáo sư trong Civil Technology Department của chúng tôi đã áp dụng “chiến thuật” này mà thôi. Chúng tôi được các đồng sự trong Phân Khoa Kỹ Thuật mệnh danh là “Department of Immigrants” vì trong số 7 vị giáo sư cả thẩy, chỉ có 2 vị giáo sư là sinh ra tại Canada mà thôi.

Trong nhiều năm, trong Campus của chúng tôi thường hay có vụ “Fire Alarm” xẩy ra trong thời kỳ “Final Exam”. Người viết đã từng là “Fire Warden”, có nghĩa là sau khi nghe tiếng còi báo động, tất cả các giáo sư và sinh viên phải ra khỏi lớp và đứng ngoài sân mà chờ (tội cho các sinh viên, giáo sư không mang theo áo lạnh khi vào lớp). Sau khi tôi đã cho sinh viên ra sân, nhiệm vụ của tôi là phải đi đến các lớp khác trong cái “Wing” của chúng tôi trước khi tôi mới “được phép” ra sân.

Các “yêng hùng” đã tìm cách “bấm nút” cái còi báo động cứu hỏa làm đảo lộn thời giờ thi cử của biết bao các sinh viên khác đang viết bài thi.

Cũng may cho chúng tôi: không còn sợ vụ cọp dê vì đã có 4 đề thi “Open Book“ khác nhau. Còn may hơn nữa: tôi đã trả hết cái nợ nần cơm áo này rồi!

BA: CÁC VẤN NẠN KHÁC

Thường thì người đời hay nghe nói đến vụ người da trắng kỳ thị người da đen. Câu chuyện mà chúng tôi muốn kể đến cho quý vị nghe: chuyện người da đen “kỳ thị” người da vàng!

Trường Công Chính chúng tôi, trong thập niên 1980 đã có một vài sinh viên da đen từ Phi Châu đến học. Có một anh chàng da đen đã trên 30 tuổi và đã có vợ. Anh chàng học tôi môn “Nước Uống và Nước Thải”. Môn này dính dáng đến các vi khuẩn, các chất hóa học… mà sinh viên cần phải thuộc lòng. Vì vậy mà chúng tôi bó buộc phải dùng đến bộ phận “closed book test”. Cái bài thi đầu / first test, anh chàng khôn lắm: bỏ trống 1 khoảng giấy trắng giữa 2 câu hỏi. Vì câu trả lời chưa thực sự đầy đủ các dữ kiện, anh chàng chỉ được 3/6. Đáng lẽ ra, nếu tôi không đãng trí, tôi phải đánh dấu chữ X bằng màu đỏ trong phần giấy trắng này. Sau khi nhận được bài xong, anh chàng lên phàn nàn với tôi: “Ông Thầy chắc là kỳ thị màu da đen của tôi nên không chấm tất cả các phần trả lời của tôi!” Tôi phải đọc lại phần trả lời của anh ta. Đúng thật, anh chàng đúng mà tôi sai. Mãi đến khi đến về nhà, tôi mới nhớ lại cái phần trống không trong bài thi của anh chàng mà tôi quên không gạch chữ X đỏ trong phần đó.

Kỳ thi test thứ 2, anh chàng cũng “gài cái bẫy” cho ông giáo sư da vàng. Bản cũ soạn lại, anh chàng cũng không được điểm cao. Tuy nhiên, kỳ này ông thầy màu da không trắng mà cũng chẳng đen bèn đem cái phần “marked paper” in Xeros và để sẵn trang in này trong cái túi áo veston trước khi đem bài ra trả lại cho sinh viên.

Quả nhiên, sau khi tôi đã trả lại bài thi cho học trò, anh chàng lên phàn nàn với tôi ngay trước mặt các sinh viên là tôi là người kỳ thị màu da đen của anh ta. Tôi bèn lấy trong túi áo tờ giấy đã in phần bài thi mà anh chàng đã “gài bẫy ông Thầy da vàng”. Tôi tuyên bố trước mặt cả lớp:
“Đây là tờ tôi đã in lại phần chấm bài cho anh sinh viên này trước khi tôi trả lại bài thi cho các “you” trong ngày hôm nay. Và đây là phần mới viết mà anh ta đã điển thêm vào chỗ trống của anh ta; đặc biệt anh ta đã nói là tôi đã không chấm vì tôi kỳ thị màu da của anh ta. Xin các anh cho biết “tôi phải làm gì?” Ở cuối lớp, tôi nghe thấy có người nói: “Hang him, Sir!” Tôi điềm nhiên nói với anh sinh viên Phi Châu: “Tôi mời anh lên văn phòng Hội Đồng Kỷ Luật để họ giải quyết vụ này!”

Mấy hôm sau, người vợ của anh chàng đến phòng làm việc của tôi để xin lỗi. Câu chuyện chưa xong. Sau đó bà Khoa Trưởng còn cho tôi biết là anh chàng đã đến gặp bà Khoa Trưởng để than phiền là tôi đã gặp gỡ với bà vợ của anh ta… Chán mớ đời!

Trong ngành Công Chánh của chúng tôi, có 2 chương trình: Civil Technician (học 2 năm) và Civil Technology (học 3 năm). Muốn theo học chương trình 3 năm, các sinh viên phải ít nhất được điểm C trong các môn về Công Chánh. Nếu không, người Giáo Sư Trưởng Phòng (Civil Coordintor /Department Head) vẫn có thể cho phép sinh viên theo chương Trình Civil Technology, với điều kiện là sinh viên phải hoặc thi lại 1, 2 cái test hay nộp thêm các assignments do giáo sư chỉ định.

Có một anh chàng sinh viên gốc Trung Mỹ đã mạo muội kiếm được một cái form để “upgrade” cái “grade” của anh ta cho 2 môn mà anh ta được điểm thấp. Anh chàng tự ý “upgrade” cái “grade” của anh ta cho 2 môn mà anh ta được điểm thấp. Anh chàng tự ý “upgrade” 2 môn lên điểm B cùng với chữ ký của ông Ron C (vị giáo sư dạy anh ta) và tự ý để trên bàn giấy của cô thư ký trước khi lên máy bay trở về Trinidad. Phân Khoa Kỹ Thuật của chúng tôi không tìm ra manh mối làm sao mà anh chàng này đã kiếm ra được cái “Academic Upgrade Form” (mà chỉ có bà Thư Ký của chúng tôi mới biết mà thôi). Còn giả mạo chứ ký của Giáo Sư Ron C chỉ là “chuyện nhỏ” mà thôi!

Câu chuyện còn dài. Đến đây tự nhiên tôi nhớ lại chuyện vui nho nhỏ hồi khoảng cuối thập niên 1980. Trên đường tôi ra xe để về nhà dự lế sinh nhật con trai út, tay trái xách túi vải chứa các assignments, tay phải xách cái cặp da. Trong cái hành lang nhà trường, gặp ngay 5 anh chàng học trò cao lêu bêu. Một chàng lấy tay cầm ngay cái mũ len của tôi và chuyền đi, chuyền lại với các chàng khác như đang chơi foot ball vậy. Tôi cứ vậy mà đi. Ra đến cửa chính của “campus”, tôi phải hô to: “Bọn nhất quỷ nhì ma, trả lại cho ta cái mũ len!” Các yêng hùng trả đũa: “Tụi em chỉ trả thầy mũ, nếu ngày mai thầy không cho cái term test quá khó!”

May mắn là tôi có mũ để đi bộ ra xe cho đỡ lạnh. Chàng út của tôi lúc đó mới 8 tuổi, bây giờ đã 43 và đang làm việc tại New York City, hoàn toàn ra khỏi tầm tay của bố mẹ. Thời gian qua mau!

Đàm Trung Phán
4/11/2022
Một ngày cuối thu đẹp trời.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*