Những thứ vũ khí lạc hậu quân Nga vất lại sau khi bỏ chạy (Ảnh: Carl Court/Getty Images)
Cuộc chiến tại Ukraine đã chứng minh công nghệ phương Tây vượt trội hơn Nga, một tướng lĩnh của quân đội Đức khẳng định.
“Cuộc xâm lược của Nga đối với nước láng giềng nhỏ hơn Ukraine đang chứng tỏ mức độ hiệu quả của các công nghệ phương Tây và cách những người sử dụng chúng duy trì lợi thế” – Tướng Không quân Đức Chris Badia nhận định tại một hội nghị chuyên đề ở Washington, D.C ngày 25 Tháng Mười. Ông nhấn mạnh: “Cuộc chiến Ukraine cho chúng ta thấy một điều hiển nhiên: Công nghệ phương Tây là chìa khóa dẫn đến thành công trên chiến trường”. Badia là Phó chỉ huy tối cao của đồng minh về chuyển đổi công nghệ tại Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây dương (NATO) – dẫn lại từ Defense News.
Mỹ đã hỗ trợ và cam kết hỗ trợ an ninh cho Ukraine hơn $20.3 tỷ kể từ năm 2014 trong đó có $17.6 tỷ kể từ khi Putin ngang ngược xua quân tràn qua biên giới Ukraine vào ngày 24 Tháng Hai. Trong số trang thiết bị và các hạng mục vũ khí mà Hoa Kỳ đã cam kết viện trợ cho Ukraine (được xem là tiền tuyến bảo vệ Đông Âu) có cả hệ thống phòng không Stinger, hệ thống chống tăng Javelin, đại bác hạng nặng, máy bay không người lái, tàu phòng thủ bờ biển không người lái, các phương tiện chiến thuật, trực thăng, thiết bị gây nhiễu điện tử, radar, súng cối, bệ phóng hỏa tiễn, vũ khí nhỏ, hàng triệu viên đạn và hàng ngàn bộ áo giáp…
Các quốc gia thân thiện khác chuyển giao hệ thống pháo binh, xe tăng, xe chiến đấu bộ binh, hỏa tiễn phòng không tầm ngắn, cùng những trang bị khác, đặc biệt là trang bị mùa Đông để người lính có thể sống sót trong môi trường khắc nghiệt.
Khó có thể nói vũ khí Nga hoàn toàn vô dụng khi hỏa tiễn và đạn pháo phá hủy tan nát Ukraine nhưng trên chiến trường với cục diện mặt đối mặt giữa hai quân đội chính qui thì quân Nga vẫn hứng chịu thất bại một phần do vũ khí Ukraine được phương Tây viện trợ tỏ ra hiệu quả hơn (Ảnh: Serhii Mykhalchuk/Global Images Ukraine via Getty Images)
Nói chung, người lính Ukraine được trang bị cá nhân tốt hơn lính Nga. “Phương Tây đang dẫn đầu trong cuộc đua công nghệ chiến tranh, và nay vẫn giữ lợi thế” – Badia nói tại hội nghị chuyên đề được Association of Old Crows, một tổ chức phi lợi nhuận về chiến tranh điện tử và hoạt động thông tin, tài trợ. Các quan chức Ukraine hài lòng với các trang thiết bị và vũ khí hiện đại vượt trội của phương Tây so với kho vũ khí cũ kỹ thời Liên Xô mà quốc gia này có. “Họ cũng làm quen với các vũ khí mới rất nhanh và phát huy ngay ưu thế của nó” – ông nói.
Quân đội Mỹ tiếp tục huấn luyện quân đội Ukraine làm quen với các hệ thống Mỹ mới trang bị cho quốc gia này. Badia nhận định với trang tin C4ISRNET sau bài phát biểu tại hội nghị: “Bất kể đó là đại bác hay thiết bị khác, quan sát tổng thể cho thấy ngay khi có công nghệ phương Tây trong tay người Ukraine đã trải nghiệm và tiếp thu rất nhanh để đưa Nga vào thế bị động trên chiến trường, thậm chí bất lực không biết làm sao đối phó!”.
Mỹ xem Nga và Trung Quốc là hai mối đe dọa hàng đầu cho an ninh và vị thế của mình trên thế giới; vừa là nguy hiểm trước mắt vừa là nguy cơ lâu dài. Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov từng tuyên bố: “Nga phải bị đánh bại trên chiến trường và Ukraine đã chứng minh chúng ta có thể”. Ông mô tả đất nước mình là “bãi thử nghiệm” các loại vũ khí và chiến thuật của phương Tây và Nga.
Các quan chức Ngũ Giác Đài đang theo dõi chặt chẽ cuộc chiến Ukraine để rút ra những bài học từ nó. Ví dụ giá trị của thông tin liên lạc được mã hóa, cách thức tiến hành cuộc chiến tranh điện tử song hành, tầm quan trọng của công tác hậu cần, lập kế hoạch chính xác cũng như những vai trò giết người và huỷ diệt cơ sở hạ tầng của các máy bay không người lái (dĩ nhiên, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác cũng làm tương tự).
“Tất cả là để bảo đảm khả năng Ukraine và các đồng minh, đối tác sẽ rời chiến trường trong tư thế người chiến thắng – Badia nói – Như chúng ta đều biết, trong kinh doanh chỉ có giải thưởng cho người giỏi nhất, không có giải cho kẻ về nhì”. Nhưng chính thế ưu việt công nghệ của phương Tây đang đưa Putin và bộ máy chiến tranh của ông ta vào thế bế tắc khiến nguy cơ phải dùng các công cụ bẩn thỉu giết người hàng loạt khác, kể cả vũ khí hạt nhân là hoàn toàn khả thi.
Lê Tây Sơn
Theo SGN News ngày 27 tháng 10, 2022
Be the first to comment