Hồi trung tuần tháng 9 vừa qua, trên tờ The New York Post có bài viết mà nếu biên dịch ra tiếng Việt chắc ít nhiều thú vị khi mang so với nghề “móc bọc” ở xứ mình (*).
Bài báo kể câu chuyện về gia đình những di dân đang lượm ve chai ở góc đường Riverside Drive và West 89th Street. Cả ngày họ luôn bận rộn với lỉnh kỉnh những chiếc bao nhựa màu xanh chứa đầy vỏ lon và chai lọ đã qua sử dụng. Mỗi bao nhựa chứa khoảng 200 lon đồ uống, số lon này trị giá 10 đô la khi mang đổi tại trung tâm tái chế Elmsford, New York.
Ngày lượm ve chai nhiều nhất theo ghi nhận từ gia đình người Mễ đó, lên tới cả trăm bao nhựa, nên họ có thể thu về đến một ngàn Mỹ kim.
“Ngày Thánh Patrick là ngày tuyệt vời nhất”, Ray del Carmen, một người lượm ve chai giải thích với The New York Post: “Người ta bắt đầu uống bia rượu sớm lắm. Từ 2 giờ chiều cho đến 4 giờ sáng, chỉ cần đi từ quán bar này sang quán bar khác giữa Phố 42 và Phố 45 là tôi dễ dàng kiếm được 800 USD…”.
Jeanett Pilatacsi, 38 tuổi, nói rằng đó là một nghề có vẻ dễ thở hơn so với công việc làm cũ trong nhà máy nến. Giờ thì cô cùng gia đình chọn nghề lượm ve chai từ giác trưa đến 8 giờ tối để gom đầy một xe chai, lon.
“Chúng tôi đi ra khỏi nhà từ 1 – 2 giờ sáng, thu gom chai và lon từ các quán bar trước khi họ đóng cửa” – Jeanett Pilatacsi nói, và công ty tái chế Galvanize Group có trụ sở tại Elmsford trả 5 xu cho mỗi một lon nhôm hay chai nhựa. Đây là giá cố định từ năm 1983, năm xu lúc đó giờ là ngang với 15 xu.
Người Việt cũng có người từ vựa ve chai mà trở thành tỷ phú trên đất Mỹ.
David Dương khởi nghiệp cũng từ việc đi lượm ve chai từ những năm đầu thập niên 80 ở San Fransisco. Là dân nhập cư, lạc lõng nơi xứ lạ, không biết tiếng nên anh em ông đi lượm ve chai để bán kiếm sống. Họ đi khắp ngang cùng ngõ hẻm ở San Francisco để nhặt từng mẩu giấy, vỏ hộp.
Khi gia đình ông tích cóp được tổng số 700 đô la, họ quyết định mua trả góp một chiếc xe tải cũ giá hơn 2.000 đô la, để thu gom phế liệu khắp thành phố, phân loại và đem bán. Từ chiếc xe cũ này, những chiếc xe khác được mua thêm, và cơ ngơi của “ông vua rác” bắt đầu khởi sắc từ đó. Rồi dần dần mua thêm được mấy chiếc xe và cơ ngơi bắt đầu khá dần lên.
Nhưng đâu phải chỉ có đơn giản lượm ve chai là kiếm được tiền trăm tiền ngàn. Họ cũng thức khuya, dậy sớm, tay chân cáu đen, ám mùi rác thải. Chưa kể đến việc phải ra đường giữa khuya giữa mùa đông buốt giá ở New York để nhặt nhạnh từng 5 xu một. Chỉ nghĩ đến cái lạnh thôi cũng đủ ngán rồi.
Lượm ve chai kiếm cả ngàn đô la không lạ, nhưng có người kiếm được bạc ngàn thì cũng phải có người chỉ kiếm vài ba chục.
Việt Nam thì sao?
Vợ chồng bà Nga quê ở Vĩnh Phúc. Bởi không có mấy đất đai, chẳng đủ để chăn nuôi, trồng trọt, vợ chồng bà phải đi làm mướn. Ở quê, dù chăm chỉ làm việc nhưng thấy cuộc sống cứ mãi chật vật, họ đành gửi lại 3 con thơ cho cha mẹ già, rồi theo những người đồng hương vào Sài Gòn tìm cách mưu sinh.
Hơn 4 tháng thất nghiệp vì dịch Covid-19, cả 2 vợ chồng bà không có một đồng thu nhập. Dù được địa phương quan tâm, nhận được cả 3 đợt tiền hỗ trợ trong mùa dịch với tổng số tiền là 5 triệu đồng, nhưng chẳng thấm là bao trong khoảng thời gian dài đằng đẵng chờ đợi. Họ phải vay mượn ở quê để có tiền cho cha mẹ và con cái sinh hoạt.
Đầu tháng 10, thành phố nới lỏng, vợ chồng bà lập tức bắt đầu lại với công việc. Ngày nào không mưa, họ đi lượm đến 1-2 giờ sáng mới nghỉ. “3 đứa nhỏ ở quê đi học tốn kém lắm, với cả chúng tôi đang cố gắng đi làm để trả nợ đã vay trong đợt dịch. Còn vài tháng là Tết, vợ chồng tôi phải tranh thủ làm từng ngày để bù lại, cũng chẳng biết Tết này có đủ tiền về quê hay không”, bà Nga bùi ngùi.
Phận đời khác. Bà Thu, quê ở Trà Vinh kể: “Vợ chồng tôi lên Sài Gòn sinh sống đã hơn chục năm nay. Trước đó, chúng tôi cũng không có tiền thuê nhà trọ nên dựng một căn chòi ở làm đủ thứ nghề rửa bát thuê, giặt đồ, phụ hồ. Nay ổng yếu rồi, vợ chồng tôi quyết định đổi nghề lượm ve chai nên cũng chuyển chỗ ở luôn.
Nhiều người hỏi đến con cái nhưng các con cũng ở cảnh khổ nên vợ chồng tôi không dám nghĩ đến chuyện nhờ chúng. Con trai mình còn con dâu, con gái mình cũng còn con rể nên tôi bảo ông cố làm qua ngày chứ con cái đâu thể nuôi mình mãi được”.
Mỗi ngày nhặt phế liệu không kể ngày đêm, cặp vợ chồng già kiếm được 200 ngàn đồng. Số tiền quá ít ỏi để họ có thể thuê nhà trọ, trả điện nước và duy trì chi phí sinh hoạt nên họ đành lựa chọn cuộc sống màn trời chiếu đất.
“Về quê không có đất cát, chúng tôi đi tha hương cầu thực còn có kiếm được việc mà sống lay lắt. Thực tình ở nhà tôi ai cũng nghèo, đâu có ai mướn việc gì nên đến chết cũng phải đi vậy thôi chứ đâu còn cách khác. Cảnh khổ phải chịu thôi, đâu dám than gì đâu” – bà Thu kể tiếp.
…. Xem chừng lượm ve chai ở New York có thể sắm xe hơi, của ăn của để hơn nghề móc bọc ở Sài Gòn nhiều!
Lê Tự Do
Theo vietnamthoibao.org ngày 22.9.2022
Nguồn: https://vietnamthoibao.org/vntb-nghe-ve-chai-o-my-co-gi-khac-so-voi-moc-boc-o-viet-nam/
Chú thích:
(*) https://nypost.com/2022/
Be the first to comment