Trương Nguyễn Xuân Quỳnh
Là cô gái có trái tim bệnh tật được chữa lành từ tấm bé, năm 2022, Trương Nguyễn Xuân Quỳnh – người Việt duy nhất, được chọn vào danh sách 40 người dưới 40 tuổi trên thế giới, nhận giải thưởng “Nhân vật thúc đẩy thay đổi y tế công” (40 Under 40 Public Health Catalyst Award) của Boston Congress of Public Health.
Bệnh tim bẩm sinh
Sinh Phú Yên năm 1991, nhưng cô bé Quỳnh trải qua những năm tháng đầu đời không được an nhiên, với thể trạng èo uột, làn da tái xanh, khắc hẳn cô em song sinh của mình. Thời ấy, ba mẹ cô không hề biết con mình mắc bệnh gì, mà bé chị là Quỳnh gầy gò ốm yếu chỉ bằng nửa bé em. Nhà nghèo, mẹ Quỳnh vừa bán nước, cà phê ở vỉa hè hàng ngày kiếm tiền ba cọc ba đồng chợ búa, vừa học để thành giáo viên dạy nhạc. Ba Quỳnh làm nghề xây dựng, dầm mưa dãi nắng với đất cát, xi măng, bê tông, cốt thép…
Xuân Quỳnh (bên phải) khi còn nhỏ cùng bố mẹ và em gái song sinh. (Ảnh: Truong Nguyen Xuan Quynh)
Một hôm, người thím ghé thăm, thấy cháu còi cọc quá, nên dẫn mẹ con Quỳnh lên chơi Sài Gòn, tiện thể đưa cháu vô Trung Tâm Y Tế Hòa Hảo khám xem con bé bị bệnh gì. Ở đây Quỳnh được chuyển sang Viện Tim, với bệnh án ghi là bị hở van tim bẩm sinh – một căn bệnh chưa phổ biến vào thập niên 1990 và rất khó chữa.
Ở Viện Tim, gia đình em được thông báo, bệnh của Quỳnh cần phải giải phẫu ngay. “Chúng tôi phải trả bao nhiêu để con bé được mổ tim?” người mẹ hỏi, và hốt hoảng khi được “báo giá” là 18 triệu VNĐ. Đó là số tiền rất lớn đối với gia đình Quỳnh. Không đủ tiền mổ, lần ấy mẹ con Quỳnh xách gói ra về, mặc cho dòng đời xoay chuyển.
Càng ngày, hai chị em song sinh càng có nhiều khác biệt, vì cô em vẫn phát triển bình thường, mà Quỳnh cứ bé như cục kẹo. Nhớ lại câu nói của các bác sĩ Viện Tim: “Bệnh của cháu phải mổ ngay, để càng lâu càng nguy hiểm cho bé.” Thế là ba mẹ Quỳnh quyết tâm tìm cho đủ số tiền 18 triệu đồng để làm lành trái tim bé nhỏ bệnh tật của con.
Rồi mẹ Quỳnh đi dạy nhạc. Bà chắt mót từng đồng lương, cùng chồng gom góp suốt hai năm ròng thì đủ 18 triệu. Cả nhà lại dắt díu nhau từ Phú Yên vô Sài Gòn, vào Viện Tim. Nhưng sau hai năm, chi phí cho một ca giải phẫu tim tăng lên tới 44 triệu VNĐ. Có 18 triệu rồi, đào đâu thêm 26 triệu bây giờ? Trở về, ba mẹ Quỳnh lòng buồn rười rượi, mang theo lời nhắn nhủ của các bác sĩ sau khi thăm khám cho con, rằng cố gắng sáu tháng sau nên trở lại.
Gia đình Quỳnh là người Công giáo. Người trong xứ mách bảo ba Quỳnh liên lạc với Tu viện Dòng Thánh Phaolô để được giới thiệu cho các soeur ở Trung tâm Thị Nghè (Trung tâm Bảo trợ trẻ mồ côi Thị Nghè), nơi giúp nhiều trẻ em có gia cảnh khó khăn. Nhưng với số tiền lớn như thế, Trung tâm Thị Nghè không giúp được, nên các soeur lại hướng dẫn ba Quỳnh đến phòng công tác xã hội xin đơn về điền, rồi nộp lại xem ai có lòng hảo tâm thì họ sẽ giúp. “Đừng kỳ vọng, vì có rất nhiều người bị bệnh tim chờ mổ.” Nghe nhân viên nhận đơn nói, niềm hy vọng của người cha tắt ngúm.
Nhưng chỉ ba tháng sau khi nộp đơn, gia đình Quỳnh bất ngờ nhận được tin, nhân viên phòng công tác xã hội xuống xác minh để giải quyết đơn. Cuối cùng, Quỳnh được cho một nửa chi phí cho ca mổ tim, nhưng nửa còn lại cũng lớn lắm. Một lần nữa, các soeur ở Trung tâm Thị Nghè giúp liên lạc với nhà dòng bên Pháp để xin khoản tiền còn lại. Quỳnh được mổ tim. Đó là năm Quỳnh học lớp Ba, chín tuổi.
Con đường học tập
Được chữa lành bệnh, Quỳnh thấy mình may mắn, nên đeo đuổi giấc mơ được khoác trên mình chiếc áo blouse trắng như các y bác sĩ chữa bệnh cho cô, để giúp người. Nhưng học không nổi, tốt nghiệp trung học xong, năm 2008, Quỳnh chỉ dám thi vào trường Đại học Khoa học-Xã hội-Nhân văn ở Sài Gòn. Quỳnh chọn ngành công tác xã hội, cũng là công việc có thể phục vụ cộng đồng.
Xuân Quỳnh cùng các giáo sư trong chuyến học tập tại Mỹ.
Sau bốn năm, cầm tấm bằng đại học, Quỳnh vẫn đam mê được làm việc trong môi trường y tế, nên xin vào thực tập ở các bệnh viện. Chẳng có nơi nào nhận. Bệnh viện chỉ nhận điều dưỡng chứ không nhận nhân viên công tác xã hội. Quỳnh nản, nhưng rồi cuối cùng cũng tìm được bệnh viện Đa khoa ở Long An, nơi có phòng xã hội nhận cô vào thực tập trong vòng sáu tháng.
Quỳnh còn làm việc cho một tổ chức phi chính phủ (NGO) trong một thời gian, rồi quay lại trường xin làm trợ giảng, và theo đuổi con đường học tập để được thâm nhập vào hệ thống y tế. Quỳnh chọn Thái Lan để học master về Y tế công, tại Đại học Chulalongkorn ở thủ đô Bangkok. Có bằng master, Quỳnh xin vào đại học dạy về môn tâm lý chăm sóc bệnh nhận trong bệnh viện, rồi tiếp tục làm luận án tiến sĩ ở Đài Loan.
Đầu năm 2019, Quỳnh được mời đi Mỹ. Chuyến đi ấy, cô có dịp thâm nhập vào các bệnh viện có tiếng như bệnh viện ở Đại học Harvard, bệnh viện John Hopkins, và các nhà dưỡng lão. Ở đây, cô càng nhận ra giải pháp điều trị tâm lý rất quan trọng trong quá trình trị liệu, và đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên viên công tác xã hội y tế chuyên nghiệp trong các bệnh viện để làm công việc này.
Biết học bổng Fulbright có chương trình dành cho nhân viên xã hội (social worker), Quỳnh nộp đơn và được nhận xuất học bổng ngành công tác xã hội lâm sàng, học tại Đại học Boston. Khóa học của cô rơi vào đúng thời điểm cả thế giới điên đảo vì đại dịch COVID-19. Việt Nam không nằm ngoài cơn khủng hoảng dịch bệnh chết người, nhưng ngay lúc đang ở cách xa nhà nửa vòng trái đất, Quỳnh lại làm được công việc chính cô không ngờ tới.
Xuân Quỳnh trong ngày lễ tốt nghiệp ở Đại học Boston College. (Ảnh: Truong Nguyen Xuan Quỳnh/Facebook)
Người mở đường
Trong những lần thực tập ở Massachusetts, Quỳnh thấy bệnh nhân COVID-19 được nói chuyện qua video call với người nhà để được động viên, an ủi. Trong khi đó, bệnh nhân ở Việt Nam không được như thế. Trong lúc chưa có vaccine, người chết rất nhiều. Không ít bệnh nhân COVID-19 ra đi không được nói lời cuối cùng, không được gặp mặt người thân. Do đã có kinh nghiệm lâm sàng thực tế đối phó với COVID-19 tại các bệnh viện ở Mỹ, Quỳnh nghĩ đến việc “phải làm một cái gì đó” cho quê hương của mình, là giảm nhiều nhất có thể nỗi đau thương của bệnh nhân.
Nghĩ và làm ngay. Quỳnh nhanh chóng liên lạc với trường Đại học Sư phạm Hà Nội và móc nối với các mối quan hệ của cô ở Mỹ, để tổ chức một khóa đào tạo về tâm lý xã hội cho nhân viên ngành y tế Việt Nam. Quỳnh nhớ lại: “Lúc ấy, mình quen ai là nhờ vả người đó. Người thì hướng dẫn, giảng dạy, người làm thông dịch. Lúc đầu chỉ định mở lớp cho 100 học viên, nhưng không ngờ, khóa học lên tới hơn 1,000 người tham dự, gồm không chỉ các tu sĩ Phật giáo, Công giáo, bác sĩ, y tá, từ Bắc chí Nam của Việt Nam, mà còn có người Việt ở Cộng hòa Czech, Nga, Ba Lan…”
Trương Nguyễn Xuân Quỳnh, hình chụp tại Boston College. (Ảnh: Truong Nguyen Xuan Quynh/Facebook)
Sau khóa học này, một số bệnh viện và trung tâm y tế trong nước bắt đầu đưa nhân viên tâm lý, nhân viên công tác xã hội, các linh mục và sư thầy cùng bác sĩ vào hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân và người nhà, giúp họ không chỉ được hỗ trợ về thể chất mà còn cả tinh thần và tâm linh. Các chuyên gia tâm lý được cử vào bệnh viện để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân khó qua khỏi, giúp họ biết cách đón nhận tin xấu để ra đi trong bình an. Mô hình này không mới mẻ ở Mỹ, nhưng lại là cách làm đầu tiên mà từ ý tưởng và sự quyết tâm của Quỳnh, được áp dụng thành công tại Việt Nam.
Qua những gì đóng góp cho ngành y tế công, Quỳnh được các giáo sư người Mỹ đề cử và đầu năm 2022, Trương Nguyễn Xuân Quỳnh – người Việt duy nhất, được chọn vào danh sách 40 người dưới 40 tuổi trên thế giới, nhận giải thưởng “Nhân vật thúc đẩy thay đổi y tế công” (40 Under 40 Public Health Catalyst Award) của Boston Congress of Public Health.
Trương Nguyễn Xuân Quỳnh là người Việt Nam duy nhất, và là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi trên khắp thế giới được trao giải thưởng.
Bỏ nghề?
Quỳnh tâm sự, bao năm học xong ra đi làm, cô vẫn cứ nghèo. Lương đi dạy không bao nhiêu, nhưng Quỳnh lại thích làm từ thiện, sung sướng khi được giúp đỡ người khác. Có những lần đi tư vấn cho bệnh nhân trong bệnh viện, Quỳnh không lấy phí. Vậy mà cô vẫn bị hiểu lầm, bị nói là kẻ hám danh, muốn thể hiện,… Lắm lúc Quỳnh rất buồn, rất nản và từng muốn bỏ nghề, cho đến khi gặp một bệnh nhân ung thư ở Bệnh viện Đại học Y dược.
Nhiều lần Quỳnh được đi cùng các bác sĩ vô thăm bệnh và thường dành thời gian chuyện trò với bệnh nhân, giúp họ vơi đi nỗi đau về thể xác. Trong số những bệnh nhân Quỳnh hay gặp là một phụ nữ mang căn bệnh ung thư thời kỳ cuối. Một hôm, sau buổi hội chẩn, bác sĩ trưởng khoa xác định quỹ thời gian của bệnh nhân này còn rất ngắn, chỉ có thể tính bằng giờ.
Các con của bệnh nhân nghe tin thì quá đau khổ, và không muốn báo tin này cho mẹ của mình. Quỳnh kể. “Mình đã ngồi với cô rất lâu để cô tâm sự, nói hết những điều cô muốn nói. Mình cùng cô lập kế hoạch cho cuộc đời. Cô muốn nghe giọng hát Ngọc Lan, mình lấy phone mở cho cô nghe, nắm tay cô, cứ thế, mãi đến lúc xe cứu thương đưa cô về nhà, trước khi cô mãi mãi đi xa.”
Hôm ấy, đứng nhìn chiếc xe cứu thương chở cô lăn bánh, Quỳnh chợt giật mình, nhận ra đây chỉ là một bệnh nhân được Quỳnh hỗ trợ về tâm lý. Còn bao nhiêu bệnh nhân khác không có ai giúp, họ sẽ đau khổ biết dường nào! “Mình sẽ không bỏ nghề, mình sẽ ráng rủ rê nhiều người chọn nghề này, cố gắng đào tạo thiệt nhiều nhân viên xã hội y tế, để thêm nguồn ủi an, động viên cho bệnh nhân cần sự trợ giúp về tinh thần,” Quỳnh thầm nghĩ.
Xuân Quỳnh trong một dịp Tết ở Mỹ. (Ảnh: Truong Nguyen Xuan Quynh/Facebook)
Quỳnh đã và đang tiếp tục dấn thân, để trả ơn những vị ân nhân cứu trái tim của cô, và quan trọng hơn nữa, là để đào tạo một thế hệ tương lai có kiến thức giúp bệnh nhân về mặt tâm lý, là cách để giảm bớt đau đớn về thể xác. Quỳnh nói, làm xong luận án tiến sĩ, cô sẽ lại vào làm việc trong bệnh viện, và tiếp tục công việc giảng dạy ở Việt Nam. “Có bằng cấp như mình, đi đâu cũng được, nhưng không ở đâu bằng quê hương, nơi đang có nhiều người cần đến mình hơn bất cứ nơi nào,” cô nói.
Trái tim bệnh tật của cô bé Quỳnh ngày nào, giờ đây khỏe mạnh và lớn lao hơn nhiều về nghĩa đen và nghĩa bóng, hàng ngày vẫn đập nhịp nhàng và chưa bao giờ ngủ yên, bởi công việc của cô không đơn giản, và không cho phép cô ngưng dấn thân, ngừng cống hiến.
Đoan Trang
Theo SGN News ngày 10 tháng 9, 2022
Be the first to comment