Mikhail Gorbachev, nguyên Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên xô và Tổng thống đầu tiên của Nga trong một cuộc họp báo sau khi hội đàm với Tổng thống Mỹ Ronald Reagan ở Iceland năm 1986. (Ảnh Bryn Colton/Getty Images).
Mikhail Gorbachev, nhà lãnh đạo đã đặt dấu chấm hết cho sự tồn tại của Liên bang Xô Viết – đã qua đời hôm nay thứ Ba 30 Tháng Tám 2022 tại Moscow ở tuổi 91 – truyền thông quốc tế dẫn nguồn tin từ thông tấn xã nhà nước Nga cho biết.
Ông Gorbachev sinh ngày 2 Tháng Ba năm 1931 trong một gia đình nông dân có nguồn gốc hỗn hợp Nga và Ukraine tại làng Privolnoye, thuộc vùng Stavropol phía nam nước Nga.
Ông là tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô thứ tám và cuối cùng, lên nhậm chức vào năm 1985, giữa lúc Liên Xô bị tụt hậu về mọi mặt so với phương Tây. Để thổi luồng sinh khí mới vào nền kinh tế và xã hội trì trệ của Liên Xô, ông đề xướng các chương trình “perestroika” (cải cách) và “glasnost” (cởi mở, minh bạch); chủ trương thay đổi đường lối kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước tập trung kiểm soát bằng một hình thức kinh tế thị trường, đi kèm với cải tổ hệ thống chính trị và nới lỏng các quyền tự do dân sự, làm ấm quan hệ với phương Tây.
Thế giới biết đến ông như kiến trúc sư của “perestroika” và “glasnost” đã dẫn tới sự tan rã các chế độ cộng sản bén rễ sâu suốt 70 năm ở Liên Xô và Đông Âu. Trong khi đó, ở trong nước, ông bị đổ lỗi đã gây ra tình trạng nghèo đói và hỗn loạn kinh tế do nới lỏng quyền kiểm soát tập trung các doanh nghiệp nhà nước trong nông nghiệp và sản xuất công nghiệp và nhất là đã làm mất vị thế siêu cường của Liên Xô.
“Tôi không né bớt trách nhiệm về những cải cách tôi đã khởi xướng, bởi vì tôi vẫn tin tưởng sâu sắc rằng chúng rất quan trọng và cuối cùng sẽ mang lại hạnh phúc cho Tổ quốc của tôi và sẽ có lợi cho thế giới,” ông Gorbachev viết trong một cuốn sách nhan đề “Cuộc sống và những cải cách”, xuất bản năm 1995 sau khi ông bị đẩy khỏi chính trường nước Nga.
Sự kiện ông từ chối sử dụng vũ lực để đàn áp các phong trào đòi tự do ở Liên Xô và các nước cộng sản Đông Âu năm 1989-1990, việc ông quyết định bãi bỏ kiểm duyệt các phương tiện truyền thông và thúc đẩy tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng; đặc biệt việc ông quyết định rút quân đội Liên Xô ra khỏi Afghanistan sau gần mười năm chiếm đóng nước này và ký kết một thỏa thuận hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung với Hoa Kỳ đã giúp ông được ngưỡng mộ ở nước ngoài và ông được trao giải Nobel Hòa Bình năm 1990.
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư đảng CS Liên Xô Mikhail Gorbachev ký thỏa thuận kiểm soát vũ khí, cấm sử dụng hỏa tiễn tầm trung (INF) tại Washington tháng Mười Hai 1987. (Ảnh Getty Images)
Nhưng người Nga không nhìn nhận vai trò lịch sử đó của ông. Tại Nga, Gorbachev bị lên án như là một kẻ phản bội chủ nghĩa cộng sản, là người gây ra “thảm họa địa chính trị trầm trọng nhất của thế kỷ 20”, “làm mất cân bằng lực lượng thế giới”, như lời của tổng thống Nga Vladimir Putin và các lý thuyết gia cận thần của Putin.
Nhà khoa học chính trị Mark Urnov làm việc tại quỹ của ông Gorbachev, nhận định: “Vấn đề thực sự là ở chỗ, ông ấy [Gorbachev] đã cố gắng mang lại tự do xã hội cho một cộng đồng không biết cách sử dụng tự do. Trong nhiều thế hệ, chúng tôi đã sống dưới một chế độ toàn trị rất cứng rắn. Chúng tôi đã bị tước đoạt mọi quyền tự do cá nhân căn bản. Để vượt qua loại di sản như vậy, cần ba hoặc bốn thế hệ”, theo trích dẫn trên The Wall Street Journal.
Hệ thống quan liêu trong đảng cộng sản và chính phủ Liên Xô cũ, được hưởng lợi từ hệ thống đặc quyền và bè phái đã cố đảo ngược các chính sách của ông Gorbachev. Một số bộ trưởng chủ chốt trong nội các và các cộng sự thân cận của ông đã tiến hành một cuộc đảo chính chống lại ông Gorbachev vào Tháng Tám năm 1991 khi ông đang đi nghỉ trên Hắc Hải. Nỗ lực đảo chính thất bại nhưng làm suy yếu đáng kể vị thế của ông Gorbachev.
Ông Gorbachev cuối cùng đã từ chức lãnh đạo nước Nga cộng sản vào ngày 25 Tháng Mười Hai năm 1991. Ngày hôm sau, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết chính thức bị giải tán. Trong một bài phát biểu trên truyền hình trước quốc dân, ông Gorbachev than thở rằng mặc dù Liên Xô may mắn được ưu đãi các nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào như dầu và khí đốt, nhưng quốc gia này “ngày càng tụt hậu so với các quốc gia phát triển”, và ông giải thích đất nước cần có những chương trình cải cách triệt để mà ông đề ra.
“Lý do đã được nhìn thấy rõ ràng – xã hội đang ngột ngạt trong sự kìm kẹp của một hệ thống quan liêu bao cấp. Tất cả những nỗ lực cải cách từng phần — và có rất nhiều nỗ lực như vậy — đã lần lượt thất bại. Đất nước đang mất dần phương hướng. Không thể sống tiếp như vậy được”, ông nói với quốc dân.
Hai nhà lãnh đạo Liên Xô M. Gorbachev (trái) và Boris Yeltsin trong một cuộc họp sau vụ đảo chính thất bại và bàn việc giải tán Liên xô năm 1991. (Ảnh Peter Turnley/Corbis/VCG via Getty Images).
Sau khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, ông đi diễn thuyết ở phương Tây, viết sách và gặp gỡ các chức sắc quốc tế, những người kính trọng và ngưỡng mộ ông. Trong khí đó tại quê nhà, ông bị đẩy ra bên lề chính trị; ông chứng kiến nhiều cải cách dân chủ mà ông đã khởi đầu, chẳng hạn như bầu cử cạnh tranh và báo chí tự do, đã bị dẹp bỏ.
Đáp lại những lời phê phán ở trong nước Nga về hậu quả hỗn loạn trong di sản chính trị của ông, ông Gorbachev nói: “Tôi tin rằng perestroika bắt đầu vào thời điểm cần thiết và khi đất nước đã chín muồi cho perestroika. Không chỉ các điều kiện khách quan, mà cả các điều kiện chủ quan cũng sẵn sàng cho perestroika. Perestroika không thể bắt đầu vì sáng kiến từ bên dưới. Nó không thể bắt đầu bên ngoài hệ thống của đảng”, ông Gorbachev nói trong một bài phát biểu năm 2002 tại Đại học Harvard.
Chính sách glasnost của ông mang lại cho công dân nhiều quyền tự do hơn, cho phép họ nói những gì họ muốn mà không sợ bị trả thù. Ông khuyến khích các quan điểm khác nhau, thúc đẩy sự minh bạch và thành thật trong các vấn đề của chính phủ, trả tự do cho các tù nhân chính trị và cho phép công bố các thông tin tuyệt mật về tội ác của thời Stalin.
“Thành tựu chính của Gorbachev là giải phóng người dân Liên Xô khỏi hệ thống đàn áp do những người cộng sản bolshevik tạo ra và do đảng Cộng sản Liên Xô kiểm soát. Ông ấy đã đem lại tự do cho mọi người”, ông Dmitri Trenin, Giám đốc Trung tâm Carnegie Moscow cho biết.
Sau khi rời chính trường, ông Gorbachev đã chứng kiến nhiều cải cách dân chủ mà ông khởi xướng đã bị xói mòn dưới triều đại của Tổng thống Vladimir Putin, bắt đầu từ năm 2000, bao gồm sự sụp đổ của các cuộc bầu cử cạnh tranh và sự kìm hãm quyền tự do báo chí.
Mối quan hệ đang ấm lên mà ông Gorbachev đã tạo dựng với phương Tây rơi vào tình trạng đóng băng sâu sắc dưới thời ông Putin, với việc hủy bỏ hiệp ước kiểm soát vũ khí Gorbachev-Reagan vào năm 2019, đỉnh điểm là cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra đẩy nước Nga vào tình trạng bị cô lập và đối đầu với phương Tây hiện nay.
Sinh viên Bắc Kinh biểu tình và dựng tượng “Nữ Thần Dân Chủ” trên quảng trường Thiên An Môn ngày 1-6-1989 trước khi bị đàn áp dã man bằng xe tăng theo lệnh của Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng. (Ảnh Peter Charlesworth/LightRocket via Getty Images).
Chương trình perestroika và glasnost của ông Gorbachev không chỉ làm thay đổi số phận của Liên Xô, của nước Nga mà tác động sâu sắc đến toàn thế giới. Nó đặt dấu chấm hết cho kỷ nguyên Chiến tranh Lạnh giữa hai khối cộng sản và tư bản. Nó làm hồi phục chủ nghĩa dân tộc ở Đông Âu và cho ra đời hàng chục quốc gia độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát của Moscow để đi theo con đường dân chủ và tự do mà tiêu biểu là sự thống nhất trong hòa bình hai miền Đông Đức và Tây Đức. Sau vài mươi năm chao đảo và hỗn loạn, hầu hết các nước này như Ba Lan, Cộng hòa Séc, các nước vùng Baltic… đã dần dần lập được sự ổn định và phát triển vững chắc.
Ở phương Đông, các chương trình của ông Gorbachev thôi thúc sự trỗi dậy của tinh thần tự do trong giới trẻ Trung Quốc, dẫn tới phong trào đòi dân chủ trong các trường đại học mà đỉnh cao là phong trào biểu tình kéo dài tại Quảng trường Thiên An Môn giữa năm 1989 của sinh viên Bắc Kinh. Đảng Cộng sản Trung Quốc, dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình và Lý Bằng, đã dùng xe tăng đè bẹp cuộc phản kháng, hàng ngàn người chết, hàng ngàn người phải đào thoát ra nước ngoài. Không tán thành các chương trình cải cách của Gorbachev, Đặng Tiểu Bình chủ trương “làm giàu trước đã”, cải cách và mở cửa kinh tế nhưng duy trì sự kiểm soát chính trị, tạo ra một nước Trung Quốc giàu có nhưng người dân không có các quyền tự do căn bản, trở thành những thần dân trong một xã hội bị theo dõi và kiểm soát gắt gao.
Ở Việt Nam, các chương trình của Gorbachev đã khuấy động một giai đoạn đổi mới và mở cửa dưới thời ông Nguyễn Văn Linh là tổng bí thư đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng khi thấy Liên Xô và cộng sản Đông Âu tan rã, các thủ lĩnh cộng sản bị hạ bệ, có người bị xử tử, đảng Cộng sản Liên Xô bị Boris Yeltsin đặt ra ngoài vòng pháp luật và đảng Cộng sản Trung Quốc dìm phong trào Thiên An Môn trong biển máu, Nguyễn Văn Linh đã run sợ, lập tức “đóng cửa” và chọn con đường thần phục Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô năm 1990.
Cho đến nay, cả Nga, Trung Quốc và Việt Nam vẫn kiên trì đi theo chủ nghĩa độc tài toàn trị do một đảng duy nhất lãnh đạo mà chưa có dấu hiệu đổi mới chính trị, thực hiện glasnost như đề xướng của Gorbachev gần bốn mươi năm trước.
“Tôi tin rằng nước Nga chỉ có thể thành công thông qua nền dân chủ. Nước Nga đã sẵn sàng cho sự cạnh tranh chính trị, một hệ thống đa đảng thực sự, bầu cử công bằng và luân chuyển chính phủ thường xuyên”, ông Gorbachev viết trong ấn bản thường niên về 100 người có ảnh hưởng nhất của tạp chí Time năm 2017. Nhưng đến nay, dù ông đã nhắm mắt xuôi tay niềm tin của ông đã ngày càng xa vời với thực tiễn của nước Nga thời Putin.
Hiếu Chân
Theo SGN News ngày 30/8/2022
Be the first to comment