“Cho tui năm ngàn cơm không đi chị”, anh xe ôm mua bữa cơm trưa. (Ảnh: Nguyên Quốc)
Cuối đường Nguyễn Thông, Q.3, gần ga Sài Gòn là một loạt các khu nhà trọ bình dân dành cho những khách lỡ độ đường khi đến Sài Gòn. Đây cũng là nơi tập trung rất đông dân lao động nghèo với đầy đủ những ngành nghề khác nhau, những người mà nhu cầu ăn uống rất giản dị và đơn sơ. Và thế là “con đường cơm trắng” ra đời…
“Cứu tinh” của bao tử người nghèo
Đoạn đường chỉ dài hơn 100 m, phục vụ hầu hết mọi thân phận con người, từ những người vô gia cư, xe ôm, bán vé số dạo, người lao động nghèo, học sinh sinh viên cho đến dân văn phòng hay những công nhân đi làm về không kịp nấu ăn, thậm chí những quán cơm có khi thiếu cơm giờ cao điểm cũng đến đây lấy cơm về bán. Cơm được bán theo ký, bỏ trong các bọc nylon gói ghém gọn gàng rồi mới đưa đến tay người mua.
Cơm không ở đây giá từ 20,000đ đến 25,000đ/kg ($0.85-1.07), tùy theo loại gạo. Cố định một ngày hai buổi, trưa và chiều, các tiệm cơm trắng ở đây tấp nập người mua, những tiếng gọi í ới “bán tui 2.000, 3.000, 5.000,… cơm trắng”. Ngoài các tiệm bán cơm không, vài tiệm còn bán thêm dưa mắm, cà muối, cà pháo… Với những người nghèo, đây thật sự là một sự lựa chọn phù hợp nhất, vì họ chỉ cần có vậy là xong bữa. Gọi là “phố” nghe cho “xôm” thôi chứ các hàng cơm trắng nằm rải rác ở đường Nguyễn Thông và Hoà Hưng chứ không tập trung lại một chỗ.
Ở đây, tiệm của chị Nguyễn Thị Thanh Nga (67 tuổi), nằm trên đường Nguyễn Thông, là quán lớn nhất, “thâm niên” nhất với hơn 20 năm. Chị Nga cho biết: “Hơn 20 năm trước, tôi kinh doanh cửa hàng buôn bán gạo. Việc buôn bán ế ẩm, lại thấy người lao động ở ga xe lửa có nhu cầu mua cơm trắng nên tôi nấu cơm bán thử. Mấy năm đầu, công việc kinh doanh khá thuận lợi rồi dần dà, nó thành cái nghề. Thấy bán được, lại đơn giản, nhiều nhà bán theo… riết rồi nở nồi thành cả khu hồi nào không hay.”
Chị Nga cho biết thường, một ký gạo nấu thành hai ký cơm, chủ yếu là gạo thường bởi người mua chủ yếu là dân nghèo, họ cần ăn no chứ chưa… thèm ăn ngon. Mỗi ngày, chị Nga cùng người làm, thường phải thức dậy sớm từ 4-5 giờ sáng để vo gạo, nấu cơm để kịp bày bán, xế trưa và chiều lại còn phải nấu thêm hai đợt nữa. Cực là vậy, bận rộn là vậy nhưng hầu hết những người bán cơm trắng ở đây đều vui và hài lòng với công việc của mình. Mỗi ngày, quán của chị bán 500-600 kg gạo, tính ra cũng “xêm xêm” hơn một tấn cơm… không.
Thật vậy, các tiệm cơm trắng ở khu này chính là “vị cứu tinh”, giúp cho những người nghèo tiết kiệm được chút tiền để lo cho gia đình hay gửi về quê, hoặc giúp tầng lớp sinh viên nghèo có thể ăn no bụng mà không phải tốn tiền đi ăn cơm tiệm. Có những khu nhà trọ khó khăn trong việc ăn uống, không cho người thuê nấu ăn trong phòng, thì cơm trắng cũng là giải pháp đầu tiên mà họ nghĩ đến. Một ký cơm, “vừa bụng” khoảng ba người ăn, với người lao động nghèo thì chỉ cần thêm miếng cà pháo, dưa muối… Còn dân sinh viên thì ăn theo kiểu “hợp tác xã”, nghĩa là ai có gì lấy ra ăn chung, nào là đậu phộng rang muối, chà bông, rau sống… cho đến những món đặc sản ở quê mà gia đình vừa gửi lên, để… “tẩm bổ”.
Bữa cơm sinh viên có gì ăn nấy, tuy thiếu thốn nhưng ngập tràn tiếng cười, chính là một trong những ký ức khó phai nhất của thời đại học. Hầu hết những người bán cơm ở đây đều hiểu được hoàn cảnh khó khăn của người mua, họ đều có chung “cái lòng”: Xã hội bây giờ vẫn còn rất nhiều người nghèo khổ, họ phải làm việc vất vả mà ăn uống thì rất tằn tiện, kham khổ vì còn bao nhiêu nỗi lo phải nghĩ đến. “Làm nghề này thì không ai mong giàu cả, lấy công làm lời thôi chứ mỗi lần tăng giá một chút là lại thấy xót cho những người nghèo lắm” – chị Nga tâm tình.
Bán cơm cho khách ở tiệm chị Nga trên đường Nguyễn Thông, quận 3, Sài Gòn. (Ảnh: Nguyên Quốc)
Những túi cơm chia sẻ
Có người đã bán ở đây hơn chục năm, nhìn thấy hết không biết bao nhiêu cảnh đời éo le, khốn khó và nhờ vậy mới thấy vui vì công việc của mình đang làm. Bán cơm trắng đỡ cực hơn những quán ăn khác, vì không phải lo chùi rửa dầu mỡ, hơn nữa việc bảo quản gạo thì cũng dễ hơn các loại thực phẩm tươi sống khác.
Công việc đơn giản là vậy, nhưng họ chắc cũng không biết rằng những bọc cơm trắng nóng hổi của họ đã đem lại hơi ấm tình thương, hơi ấm của tinh thần “lá lành đùm lá rách” cho những người lao động nghèo, những người vô gia cư xe ôm, vé số dạo hay những cô cậu sinh viên xa nhà để những con người ấy hiểu được rằng: Sài Gòn không phải chỉ là một thành phố xa hoa lộng lẫy đến lạnh lùng, mà Sài Gòn còn có những nơi luôn chan chứa và ấm áp tình thương, tình đồng bào đùm bọc lẫn nhau đối với những người con xa quê mỗi khi họ cần đến.
Sau hai năm dịch Covid-19, rồi một thời gian dài Sài Gòn phong tỏa toàn diện, “con đường cơm không” tưởng như đã chết thẳng cẳng. Sau dịch, nhiều cửa hàng bán cơm trắng buộc phải đóng cửa chuyển nghề. Tiệm của chị Tuyết (cách tiệm chị Nga chừng 30 m) cũng thu hẹp nhưng vẫn không nỡ đóng cửa. Chị bộc bạch: “Gạo tăng giá, tôi vẫn cố nấu gạo có chất lượng khá một chút. Trời nóng, ăn uống đâu có vô, cơm ngon chút, không có đồ ăn, chan nước mắm, xịt nước tương ăn cũng thấy ngon. Tôi bán cơm trắng khách mua ăn đều khen ngon, thật bụng nếu không ngon sao còn khách”.
Chị Tuyết sẻ chia như một chuyên gia… ẩm thực, mua gạo ngon quá thì không có lời, bán giá cao không ai mua, mua gạo khá một chút, nấu lên thơm dẻo người ta ăn thấy ngon, ngày mai ghé mua ăn nữa. “Đừng nghĩ người nghèo thì không biết gạo ngon, gạo dở. Người nghèo mới biết chính xác cơm gạo nào ngon, bởi bữa cơm của họ, cơm không là chính, chứ thức ăn làm gì có mỹ vị, đặc sản hảo hạng”, chị Tuyết vừa dẻo tay xới cơm cho khách, vừa nói. Chị Tuyết bán cơm trắng cũng được hơn 10 năm. Nhờ có bán kèm tạp hóa, tiệm cơm trắng của chị còn trụ đến giờ. “Gạo lên quá trời, bán không có lời. Một nồi cơm lời khoảng 30,000 đồng, chưa trừ điện nước. Tăng giá thì không ai mua, bán đắt thì tội”, chị Tuyết giãi bày.
Chuẩn bị bán cơm tại một tiệm cơm ở “con đường cơm trắng”. (Ảnh: Nguyên Quốc)
Của thơm còn một chút này…
Ngồi nhẩm tính, các chị chủ ở đây cho biết, trừ tiền điện, tiền nước, tiền thuê người làm, mỗi nồi cơm lời chỉ khoảng 10,000 đồng ($0.43). Công việc buôn bán rất cực, quần quật từ 4g sáng cho đến tận 9g tối. Giở nắp nồi cơm điện công nghiệp, trong hơi cơm thơm đậm tỏa nồng, chị Nga trầm giọng: “Có người chạy xe ôm đến 10g tối về còn gõ cửa hỏi mua cơm, họ nói lỡ đi khách xa về không còn gì ăn. Tôi chưa kịp nói thì người ta đã than: Bà hết bán cơm, tôi lấy gì ăn đây trời, nghe mà ứa nước mắt”.
Ở đây, cơm trắng bán theo ký, một ký khoảng 8,000đ đến 10,000 đồng và khách thường chỉ mua khoảng từ 5,000đ đến 15,000 đồng. Với chục ngàn cơm trắng, mua thêm 15,000-20,000 đồng thức ăn ở tiệm cơm thì người nghèo đã có thể… ấm bụng cả ngày. Bởi ở đất Sài Gòn đắt đỏ, nhất là giá xăng tăng phi mã, kéo giá cả mọi thứ tăng theo, cơm tiệm “bèo lắm” cũng có giá 25,000 đồng/dĩa, ngày ăn hai bữa là bay hết 50,000 đồng ($2.14).
Dân bán vé số, nhặt ve chai, xe ôm… đi rạc cả chân, chạy bạc cả mặt cũng chỉ có được từng đó, nếu xài hết vào cái bao tử thì tiền trọ, tiền điện… lấy tiền đâu mà trang trải. Chưa kể chuyện ốm đau, thuốc men. Nhất là với người các tỉnh, thành kéo về Sài Gòn mưu sinh. Sau đại dịch, dân các tỉnh bỏ về nhà nhiều nên đội quân vé số, đánh giày có vẻ như vơi đi. Nhưng lại nảy ra đội quân “xe ôm công nghệ” nhiều vô kể. Rất nhiều người trong đó là nhân viên công ty đã phá sản, cả dân văn phòng cũng nghỉ việc dạt ra đây và những người vẫn âm thầm làm thiện nguyện cho các bữa ăn của bệnh nhân tại các bệnh viện…
Nguyên Quốc
Theo SGN News ngày 19 tháng 7, 2022
Be the first to comment