Nước Mỹ Rúng Động Vì Tối Cao Pháp Viện Đảo Ngược Án Lệ Roe v. Wade Về Quyền Phá Thai

Trên 100 cuộc biểu tình lớn nhỏ đã bùng phát khắp nước Mỹ kể từ cuối tuần vừa qua – và chắc chắn sẽ còn tiếp tục trong những tuần lễ sắp tới – cho thấy phán quyết hôm Thứ Sáu 24 tháng 6 của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ về quyền phá thai của phụ nữ có tầm mức rất quan trọng và tác động mạnh mẽ đến dư luận, nhất là giữa bối cảnh đầy chia rẽ trong sinh hoạt xã hội cũng như chính trị Hoa Kỳ.

Ngay khi phán quyết vừa được công bố vào buổi sáng Thứ Sáu đã có cả ngàn người tụ tập trước trụ sở Tòa Tối Cao trên Đường Số 1 (First Street) của Washington D.C., bao gồm cả hai khuynh hướng đối nghịch: phe chống phá thai reo mừng chiến thắng, trong khi phe ủng hộ quyền phá thai hò hét phản đối. Tiếp theo đó là hàng loạt những cuộc xuống đường dồn dập, từ thủ đô Washington cho đến nhiều thành phố lớn của nước Mỹ như New York City, Chicago, Los Angeles, Seattle, Denver, Atlanta, Austin v.v…

Giới truyền thông ghi nhận hầu hết những người biểu tình đều giữ thái độ ôn hòa mặc dù cuộc xuống đường nào cũng sôi nổi. Tuy nhiên vẫn có xảy ra xung đột và bạo động ở vài tiểu bang (như New York, South Carolina, Iowa, Rhode Island), khiến Cảnh Sát phải can thiệp và một số người bị bắt.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA PHÁN QUYẾT

Ký giả chuyên nghiệp Nina Totenberg của NPR so sánh phán quyết ngày 24 tháng 6 giống như “một trái bom nguyên tử trên mặt pháp lý”, vì Tối Cao Pháp Viện vừa đảo ngược hai án lệ “Roe v. Wade” “Planned Parenhood v. Casey”, vốn được coi là tiền lệ về quyền phá thai của phụ nữ mà tất cả các tòa án trên toàn quốc đều tôn trọng suốt 50 năm qua. Chẳng những vậy mà phán quyết mới nhất này “còn có thể mở đường để Tòa Tối Cao xét lại nguyên tắc bảo vệ quyền riêng tư khi nhận thụ lý những vụ tranh tụng tương lai liên quan đến tính chất hợp pháp của thuốc ngừa thai hoặc hôn nhân đồng tính”.

Tưởng cần nhắc lại, án lệ nổi tiếng Roe v. Wade ngày 22 tháng 1 năm 1973 (số hồ sơ 410 U.S. 113) được gọi là một khúc quanh lịch sử, vì đánh dấu lần đầu tiên quyền phá thai của phụ nữ được Tòa Tối Cao công nhận. Trong vụ kiện ở cấp tiểu bang đưa tới án lệ này, nguyên đơn là bà Norma McCorvey, mang bí danh Jane Roe, nộp đơn kiện ông Henry Wade là công tố viên quận hạt Dallas của tiểu bang Texas. Khi vụ tranh tụng lên tới Tối Cao Pháp Viện, các vị Thẩm Phán đã biểu quyết với tỷ số 7-2, tuyên bố rằng quyết định phá thai là “quyền riêng tư và bình đẳng của cá nhân” được Hiến Pháp Hoa Kỳ bảo vệ dựa theo thủ tục Due Process trong Tu Chính Án số 14, do đó chính phủ không thể can thiệp.

Qua đến năm 1992, với án lệ Planned Parenhood v. Casey, một lần nữa quyền phá thai của phụ nữ được Tối Cao Pháp Viện công nhận, nhưng nguyên tắc “3 tam cá nguyệt của thời kỳ thai sản” (mà án lệ Roe v. Wade ấn định để bảo vệ sức khỏe cho sản phụ) bị thay thế bằng “tiêu chuẩn về sự sống của thai nhi” vào tuần lễ thứ 23 hoặc 24 của thời kỳ thai sản. Nói cách khác: Trước khi đến thời điểm này, quyền phá thai của phụ nữ vẫn được Hiến Pháp bảo vệ.

Nhưng tất cả đã thay đổi vào ngày 24 tháng 6 năm 2022, với án lệ mới nhất của Tối Cao Pháp Viện trong vụ tranh tụng mang tên “Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization”.

Vụ tranh tụng này bắt nguồn từ việc tiểu bang Mississippi ban hành đạo luật “Gestational Age Act” vào tháng 3 năm 2018, cấm không cho phá thai sau 15 tuần lễ thai kỳ bởi vì đó là lúc thai nhi bắt đầu có sự sống. Điều này có nghĩa là luật của Mississippi đi ngược lại tinh thần hai án lệ Roe v. Wade và Planned Parenhood v. Casey.

Một bệnh viện sản khoa cung cấp dịch vụ phá thai ở Mississippi là Jackson Women’s Health Organization liền nộp đơn kiện, và thắng kiện tại tòa tiểu bang (tháng 11-2018), sau đó lại thắng kiện tại Tòa Phúc Thẩm liên bang (tháng 12-2019).

Bộ Y Tế tiểu bang Mississippi nộp đơn kháng án, đến ngày 17 tháng 5 năm 2021 thì được Tối Cao Pháp Viện đồng ý thụ lý.

Kết quả: Ngày 24 tháng 6 vừa qua, các Thẩm Phán bác bỏ phán quyết tháng 12-2019 và trả hồ sơ tranh tụng về lại Tòa Phúc Thẩm để tái cứu xét. Thẩm Phán John Roberts, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện đồng ý với quyết định này, đưa tới tỷ số biểu quyết 6-3. Ba phiếu chống là của ba vị Thẩm Phán theo khuynh hướng cấp tiến: Stephen Breyer, Elena Kagan, Sonia Sotomayor. Sáu phiếu thuận là của Thẩm Phán John Roberts cùng 5 vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ: Samuel Alito, Clarence Thomas, Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh, Amy Coney-Barrett.

Tuy nhiên, khi các Thẩm Phán biểu quyết để đảo ngược hai án lệ Roe v. Wade và Planned Parenhood v. Casey và cho các tiểu bang được quyền quyết định về luật lệ phá thai, thì quyết định này chỉ được sự đồng ý của 5 Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ, đưa tới tỷ số biểu quyết 5-4. Thẩm Phán John Roberts, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, không đồng ý đảo ngược cả hai án lệ, viết rằng theo ý ông, “không cần thiết phải quyết định như vậy”, và Tòa Tối Cao “nên chờ đến một thời điểm khác để cứu xét việc bác bỏ hay không bác bỏ quyền phá thai của phụ nữ”.

Trong phán quyết được đa số (5-4) đồng ý, Thẩm Phán Samuel Alito viết: “Ngay từ đầu, án lệ Roe đã sai lầm rõ rệt, đưa ra những luận cứ yếu ớt, mà lại gây ra nhiều hậu quả tai hại”. Vẫn theo ông Alito, “Hiến Pháp không đề cập gì đến việc phá thai, và một quyền như vậy không hề được mặc thị bảo vệ bởi bất kỳ điều khoản nào trong Hiến Pháp”, do đó “phá thai không thể là quyền hiến định”. Ông Alito viết thêm: “Phía chống đối cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng họ không thể đưa ra một cơ sở nào để chứng tỏ phá thai là quyền hiến định, chứ đừng nói là một quyền ‘đã ăn sâu bắt rễ’ trong lịch sử và truyền thống của nước Mỹ”.

Ba Thẩm Phán theo khuynh hướng cấp tiến bỏ phiếu chống, viết rằng: “Phía đa số sẽ cho phép các tiểu bang được quyền cấm phá thai ngay từ khi người sản phụ mới vừa mang thai, mà không nghĩ rằng việc bắt buộc phải giữ thai nhi đến ngày sanh là xâm phạm quyền bình đẳng và tự do của người phụ nữ. Với phán quyết ngày hôm nay, Tối Cao Pháp Viện không cho rằng tinh thần Hiến Pháp gắn liền với việc người phụ nữ có toàn quyền đối với thân thể và tương lai của mình. Người phụ nữ có thể sẽ bị tiểu bang bắt buộc giữ thai nhi đến ngày sanh, cho dù phải trả giá rất đắt đối với bản thân và gia đình họ. Chúng tôi rất đau buồn – chẳng những cho Tối Cao Pháp Viện mà còn cho hàng triệu phụ nữ bị tước đoạt sự bảo vệ của Hiến Pháp – và chúng tôi không đồng ý với quyết định của phía đa số”.

PHÁN QUYẾT TẠO ẢNH HƯỞNG RA SAO?

Kể từ năm 1973 khi án lệ Roe v. Wade ra đời, hai quan điểm “pro-life” (chống phá thai để bảo vệ quyền sống của thai nhi) và “pro-choice” (ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ) đã gây chia rẽ trầm trọng xã hội Mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị và trở thành một chủ điểm của mọi cuộc vận động tranh cử, đồng thời châm ngòi cho những vụ tranh tụng sôi nổi trước tòa án cấp liên bang và nhiều lần đã trở lại Tối Cao Pháp Viện (1976, 1989, 1992, 2000, 2007, 2016) nhưng đều không được giải quyết ngã ngũ.

Hơn 49 năm qua, năm nào những người chủ trương “pro-life” cũng kiên trì thực hiện chiến dịch tuần hành “March for Life” với mục đích kêu gọi đảo ngược án lệ Roe v. Wade, nhưng chỉ mấy năm gần đây mới bắt đầu có dấu hiệu lạc quan cho thấy điều này có thể trở thành sự thật, nhờ sự thay đổi trong thành phần Tối Cao Pháp Viện – khuynh hướng trung dung và cấp tiến mất thế đa số vì không còn hai nhân vật bênh vực cho quan điểm “pro-choice” (Thẩm Phán Anthony Kennedy về hưu năm 2018 và Thẩm Phán Ruth Bader Ginsburg qua đời cuối năm 2020), sau đó hai Thẩm Phán điền khuyết Brett Kavanaugh và Amy Coney-Barrett đã giúp khuynh hướng bảo thủ giành thế đa số.

Theo thống kê của tổ chức Guttmacher Institute, trong năm 2021 phe “pro-life” có thêm động lực để vận động mạnh mẽ hơn bao giờ hết, thúc đẩy 19 tiểu bang ban hành 108 sắc lệnh hoặc đạo luật hạn chế quyền phá thai của phụ nữ, từ đó đưa tới vụ tranh tụng mà nay đã trở thành án lệ “Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization”.

Vì vậy, phán quyết ngày 24 tháng 6 của Tối Cao Pháp Viện tuy rất quan trọng nhưng không hẳn là một điều bất ngờ, mà là một chiến thắng đã được những người chủ trương “pro-life” chờ đợi từ lâu. Ngoài ra cũng nên ghi nhận thêm một sự kiện bên lề: Ngay từ ngày 2 tháng 5 dự thảo phán quyết (do Thẩm Phán Samuel Alito viết) đã bị tiết lộ – cho tới nay vẫn không rõ tiết lộ từ đâu – và lập tức thu hút sự chú ý của cả giới truyền thông lẫn chính giới Hoa Kỳ, làm dấy lên những cuộc biểu tình đầu tiên. So với nội dung dự thảo thì nội dung phán quyết được công bố không khác biệt bao nhiêu.

Những điều gì sẽ xảy ra sau phán quyết ngày 24 tháng 6?

– Trước hết cần khẳng định: Việc án lệ “Roe v. Wade” bị đảo ngược không có nghĩa là kể từ nay phá thai bị coi là bất hợp pháp trên toàn nước Mỹ (như một số người hiểu lầm), mà Tối Cao Pháp Viện chỉ mở ngỏ cánh cửa để mỗi tiểu bang tự quyết định và ban hành luật lệ liên quan đến phá thai trong phạm vi tiểu bang.

– Do đó, 21 tiểu bang cộng với thủ đô Washington D.C. vốn đã có luật công nhận quyền phá thai của phụ nữ, nay vẫn tiếp tục cho phép phá thai hợp pháp – hoặc với hạn chế về thai kỳ, hoặc không có hạn chế về thai kỳ. 21 tiểu bang là: Alaska, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Illinois, Maine, Maryland, Massachusetts, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, Vermont, Virginia, Washington.

– Ngược lại, 13 tiểu bang vốn đã chuẩn bị luật cấm phá thai và chỉ chờ phán quyết của Tối Cao Pháp Viện để luật bắt đầu tự động có hiệu lực (gọi là “trigger laws”). Đó là: Arkansas, Idaho, Kentucky, Louisiana, Mississippi, Missouri, North Dakota, Oklahoma, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Wyoming.

– Bên cạnh đó, 12 tiểu bang có thể sẽ ban hành luật cấm hoặc hạn chế phá thai. Đó là: Florida, Georgia, Idaho, Indiana, Iowa, Kansas, Michigan, Montana, Nebraska, North Carolina, Ohio, South Carolina.

– Ngoài ra, 4 tiểu bang vốn đã có luật cấm phá thai từ trước năm 1973 nhưng không áp dụng được vì vấp phải trở ngại do án lệ Roe v. Wade, nay có thể áp dụng trở lại luật cũ. Đó là: Alabama, Arizona, West Virginia, Wisconsin. Các tiểu bang Arkansas, Michigan, Mississippi, Oklahoma, Texas cũng rơi vào trường hợp tương tự. Tuy nhiên Thống Đốc Gretchen Whitmer của Michigan phản đối phán quyết ngày 24 tháng 6 của Tối Cao Pháp Viện, và phá thai hiện vẫn đang được coi là hợp pháp tại Michigan vì tiểu bang chưa dứt khoát về việc áp dụng trở lại luật cũ (từ năm 1931).

– Theo nhận định của tổ chức Guttmacher Institute (www.guttmacher.org), thì 22 tiểu bang “chắc chắn” sẽ ban hành luật cấm hoặc hạn chế phá thai, và 4 tiểu bang “rất có thể” cũng sẽ đi theo chiều hướng đó, là Florida, Indiana, Montana, Nebraska.

– Thống kê của Guttmacher Institute ghi nhận, trong thời gian gần đây tỷ lệ phụ nữ phá thai đã giảm xuống, năm 2014 có 926,190 vụ phá thai, đến năm 2017 chỉ còn 862,320 vụ, tức là giảm 7%. Trên 90% dịch vụ phá thai được thực hiện trong 13 tuần lễ đầu tiên kể từ khi thụ thai, và càng ngày càng có khuynh hướng dùng thuốc uống thay vì giải phẫu để nạo thai (tỷ lệ dùng thuốc năm 2014 là 29%, năm 2017 tăng lên 39%). Hiện nay hơn phân nửa (54%) các vụ phá thai đều dùng thuốc Mifepristone, là loại thuốc phá thai được Cơ Quan FDA chuẩn thuận từ năm 2000.

Việc đảo ngược án lệ Roe v. Wade đã có tác động tức thời sau khi Tối Cao Pháp Viện công bố phán quyết ngày 24 tháng 6. Bằng chứng cụ thể là các bệnh viện sản khoa cung cấp dịch vụ phá thai ở 8 tiểu bang Alabama, Arizona, Arkansas, Kentucky, Missouri, South Dakota, Wisconsin và West Virginia đã thông báo đóng cửa ngay từ hôm Thứ Sáu tuần rồi.

Các “nạn nhân” đầu tiên chính là những phụ nữ đang có ý định phá thai mà lại sống ở những tiểu bang sẵn sàng siết chặt luật lệ về phá thai, như Oklahoma, Texas, Arkansas, Utah… Nếu vẫn giữ ý định thì sẽ họ phải tự lái xe hoặc đáp xe bus, xe lửa để đi qua những tiểu bang cho phép phá thai, có thể mất cả ngày và dĩ nhiên tốn kém hơn nhiều. Theo tổ chức Planned Parenthood thì gánh nặng sẽ đè lên vai các phụ nữ da đen và phụ nữ gốc Châu Mỹ Latinh, vốn yếu kém về khả năng tài chánh và rất lo sợ bị mất việc làm nếu phải tạm xin nghỉ để đi xa.

Để giúp giảm bớt gánh nặng này, nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ – như Walt Disney, JP Morgan Chase, Warner Bros, Comcast, Alaska Airlines, Netflix, OkCupid, Yelp, Uber, Meta Platforms (công ty mẹ của Facebook) – loan báo sẽ đài thọ chi phí cho các nữ nhân viên nếu họ phải sang một tiểu bang khác để phá thai. Hai giám đốc nhân sự của Disney là Paul Richardson và Pascale Thomas cho biết công ty “cam kết hỗ trợ để tất cả nhân viên đều được hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bao gồm cả kế hoạch hóa gia đình và sinh sản”. Phát ngôn viên Andy Stone của Meta nói rằng “công ty dự định bồi hoàn chi phí di chuyển trong khuôn khổ luật định cho các nhân viên phải đi xa”, “đang nghiên cứu những khía cạnh pháp lý phức tạp để tìm phương thức tốt nhất”.

DƯ LUẬN MỸ NGHĨ GÌ VỀ PHÁN QUYẾT?

Theo kết quả hai cuộc thăm dò dư luận được phổ biến ngay sau khi Tối Cao Pháp Viện công bố phán quyết đảo ngược án lệ Roe v. Wade, đa số dân chúng Mỹ không tán thành quyết định này và cho rằng Quốc Hội liên bang nên thông qua luật hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc.

Cuộc thăm dò do đài CBS phối hợp thực hiện cùng với tổ chức YouGov trong hai ngày Thứ Sáu 24 và Thứ Bảy 25 tháng 6 cho thấy 59% người trưởng thành không tán thành phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, so với 41% tán thành.

Khi được hỏi phán quyết có tầm ảnh hưởng ra sao, 52% cho rằng đây là “một bước thụt lùi của nước Mỹ”, so với 31% cho rằng đây là “một bước tiến”, và 17% nói là chẳng thay đổi gì cả.

Dĩ nhiên phụ nữ là thành phần chống đối phán quyết mạnh mẽ hơn nam giới: 67% phụ nữ không tán thành, chỉ có 33% tán thành, và đa số (56%) tin rằng kể từ nay cuộc sống của phụ nữ (nói chung) ở nước Mỹ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trước.

Khi được hỏi phán quyết làm cái nhìn của họ đối với Tối Cao Pháp Viện thay đổi ra sao, 44% dân Mỹ nói là họ “tin tưởng rất ít” vào Tối Cao Pháp Viện, 23% nói là họ “tin tưởng phần nào”, và 33% nói là họ vẫn “tin tưởng rất nhiều”.

Ngoài ra, đa số (58%) dân Mỹ cho rằng Quốc Hội liên bang nên thông qua luật hợp pháp hóa phá thai trên toàn quốc, so với 42% phản đối ý kiến này. Đa số (64%) cũng cho rằng tiểu bang của họ nên hợp pháp hóa phá thai.

Hôm Thứ Hai 27 tháng 6, đài NPR phối hợp cùng với đài PBS và tổ chức Marist Poll cũng phổ biến một cuộc thăm dò dư luận Mỹ và đưa ra kết quả tương tự:

Đa số (56%) người trưởng thành không tán thành phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, so với 40% tán thành. Trong số 56% không tán thành, có tới 45% nói thẳng là họ “chống đối mạnh mẽ” việc Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade.

Cuộc thăm dò cho thấy phản ứng của dư luận có liên quan chặt chẽ đến khuynh hướng chính trị. Bằng chứng là gần 90% những người ủng hộ đảng Dân Chủ và 53% những người tự nhận là cử tri độc lập đều không tán thành phán quyết ngày 24 tháng 6. Ngược lại, có tới 70% những người ủng hộ đảng Cộng Hòa tán thành việc Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade.

Khi được hỏi phán quyết làm cái nhìn của họ đối với Tối Cao Pháp Viện thay đổi ra sao, 58% nói là họ “tin tưởng rất ít” hoặc “không tin tưởng chút nào” vào Tối Cao Pháp Viện, so với 39% nói là họ vẫn “tin tưởng rất nhiều”. Thế nhưng đa số dân Mỹ (54%) không tán thành ý định mở rộng thành phần Thẩm Phán trong Tối Cao Pháp Viện, chỉ có khoảng 30% tán thành ý định này.

Cuộc thăm dò cũng cho thấy đa số (57%) dân Mỹ cho rằng phán quyết của Tối Cao Pháp Viện mang tính chất chính trị nhiều hơn là dựa trên cơ sở luật pháp, trong khi 36% có cái nhìn ngược lại.

Ngoài ra, 56% dân Mỹ lo ngại rằng việc đảo ngược án lệ Roe v. Wade sẽ mở đường để Tối Cao Pháp Viện xét lại những án lệ trước đây đã bảo vệ cho việc dùng thuốc ngừa thai cũng như hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính.

Tưởng cũng nên mở dấu ngoặc để ghi nhận là chỉ một ngày trước khi ra phán quyết liên quan đến quyền phá thai, Tòa Tối Cao đã công bố một phán quyết cũng gây sửng sốt không kém: Luật giới hạn quyền mang súng của tiểu bang New York bị tuyên bố là vi hiến, mặc dù đó là một đạo luật rất lâu đời (từ năm 1913).

Phán quyết – do Thẩm Phán Clarence Thomas viết và được đa số 6-3 đồng ý – cho thấy rõ ràng khuynh hướng bảo thủ đang thắng thế tại Tối Cao Pháp Viện, qua luận cứ như sau: “Tu Chính Án Số 2 bảo vệ quyền của người dân được mang súng ở ngoài nơi cư trú với mục đích tự vệ. Do đó không thể áp dụng những luật như luật của New York bắt buộc người nào muốn xin giấy phép mang súng ở nơi công cộng phải chứng minh lý do chính đáng”.

Phán quyết nêu trên được công bố vào ngày 23 tháng 6, giữa bối cảnh dư luận nước Mỹ vẫn còn đang xúc động vì ba vụ bắn giết kinh hoàng trong ba tuần lễ liên tiếp – ngày 14 tháng 5 (ở Buffalo, New York, khiến 10 người thiệt mạng), ngày 24 tháng 5 (ở Uvalde, Texas, với nạn nhân gồm 19 học sinh tiểu học cùng 2 cô giáo), và ngày 1 tháng 6 (ở Tulsa. Oklahoma, với 4 người bị bắn chết trong bệnh viện).

Nhiều người tin rằng các vụ thảm sát dồn dập như vậy sẽ dóng lên hồi chuông báo động về bạo lực súng đạn, giúp chính giới Hoa Kỳ tạm gác lại những bất đồng để cùng nhau tìm giải pháp đối phó. Hiện mới chỉ thấy các nhà lập pháp thuộc cả hai đảng trong Quốc Hội hợp tác để thông qua một dự luật, với tỷ số 65-33 ở Thượng Viện và 234-193 ở Hạ Viện. Dự luật này vừa được Tổng Thống Biden ký ban hành thành luật hôm Thứ Bảy 25 tháng 6, mặc dù chưa thực sự bao gồm những biện pháp quyết liệt nhưng vẫn được coi là một bước tiến quan trọng, vì suốt 28 năm qua nước Mỹ không hề có bất cứ đạo luật nào nhằm siết chặt việc kiểm soát súng đạn.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, ABC, CBS, Fox News, NBC ngày 30/6/2022

1 Comment

  1. Thực tế thì quyền phá thai không phải do TCPV lập ra mà do Quốc-Hội Liên bang hay chính quyền Tiểu bang tạo ra luật lệ!
    Phán quyết Roe v. Wade năm 1973 của TCPV chỉ là một Án lệnh mà có thể lật ngược cũng do TCPV thôi!
    Bây giời thì chính người dân ủng hộ hay chống đối phá thai bầu trực tiếp các chính trị gia của Quốc-hội hay chính quyền cấp Tiểu bang để họ quyết định luật lệ hay quyền phá thai cho dân !
    Nên chú ý là TCPV không do dân bầu!

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*