Chút Tâm Tình Nhân Ngày Của Mẹ (Mother’s Day)

Cụ Liz (Elizabeth) rất đỗi ngạc nhiên khi thấy chúng tôi tới thăm cụ. Cụ mừng rỡ quên cả cầm cây ba-toong. Cụ bước khá nhanh lại phía chúng tôi và suýt bị té khi đến gần tôi. Cụ đưa bàn tay gầy guộc nắm lấy tay tôi và nhà tôi rồi lắp bắp nói:

– Cám ơn Môn và Mai đã đến chơi. Hôm nay là Mother’s day. Tôi đã nhận được thiệp chúc mừng của Môn và Mai gửi cho tôi rồi. Cám ơn! Cám ơn!

Cụ nói rối rít như một đứa trẻ mừng rỡ khi nhận được một món đồ chơi đẹp. Tôi dìu cụ lại ngồi trên chiếc ghế cạnh cái bàn nhỏ.

Cụ Liz có hai người con đã lớn. Cô con gái đầu lòng đã có gia đình và đang sinh sống tại một tiểu bang khác. Chỉ vào những dịp nghỉ lễ Giáng Sinh, cụ mới được nhìn thấy cô con gái và mấy cháu ngoại về thăm cụ. Cậu con trai thì đã tử trận trên chiến trường Afganistan cách đây hơn mười năm khi chưa tròn ba mươi tuổi. Trước kia cụ sống trong một căn nhà nhỏ hai phòng cạnh nhà tôi. Sau khi cậu con trai mất được hai năm, cụ ông cũng quá vãng. Cụ Liz cảm thấy buồn quá nên bán căn nhà đang ở và vào sống âm thầm trong viện dưỡng lão này. Cụ rất thương gia đình tôi và chúng tôi luôn kính trọng và xem cụ như người mẹ. Cách đây một tuần, nhớ đến cụ, chúng tôi đã mua một tấm thiệp Mother’s day để gửi đến cụ nhưng vì muốn dành cho cụ một sự ngạc nhiên nên chúng tôi không nói là sẽ đến thăm cụ ngày hôm nay. Nhà tôi xin phép cụ đi pha cà phê để chúng tôi và cụ cùng uống.

Cụ hỏi chúng tôi:
– Việt Nam có Mother’s day không?

Chúng tôi nhớ lại Mother’s Day cách nay mười mấy năm. Khi đó cụ đã kể cho chúng tôi nghe rất nhiều về ngày này. Cụ cũng kể cho chúng tôi nghe về Mẹ của cụ. Khi đó vốn tiếng Anh của chúng tôi – nhất là tôi – chỉ đủ nghe và đoán những gì cụ kể. Chúng tôi vẫn chưa có đủ vốn tiếng Anh để diễn tả cho cụ nghe những cảm xúc của mình về những người Mẹ Việt Nam. Chúng tôi trộm nghĩ chúng tôi còn nợ cụ điều đó. Nhà tôi nhấp một ngụm cà phê và chậm rãi trả lời cụ:

– Thưa cụ, tôi  biết ở các nước phương Tây đều có ngày dành cho Mẹ. Chẳng hạn như ở Úc, ở Mỹ … có Mother’s day, ở Pháp có mùa lễ Fête des Mères. Việt Nam chúng tôi không có những ngày đặc biệt này. Chúng tôi chỉ có ngày rằm tháng bảy. Theo Phật Giáo là ngày xá tội vong nhân đồng thời cũng là ngày nhớ ơn Mẹ thường gọi là ngày lễ Vu Lan. Người Việt Nam chúng tôi quan niệm rằng công ơn Cha Mẹ như trời, như biển và lúc nào công ơn đó cũng ở trong tim của mọi người con. Khác với người phương Tây, Việt Nam chúng tôi có rất ít các viện dưỡng lão. Khi Cha Mẹ tới tuổi già, con cái luôn muốn được sống kề cận để chăm sóc và chính vì niềm hạnh phúc có con cháu sống quây quần bên cạnh sẽ khiến cha mẹ vui sống thọ hơn.

Nhà tôi ngừng lại vì thấy mắt cụ Liz hơi đỏ. Có thể cụ vừa khóc. Cụ nói:

– Mai cứ nói tiếp đi. Tôi đang muốn nghe Mai nói.

Nhà tôi lại chậm rãi tiếp tục:

– Cụ ạ, chính vì con cái luôn sống gần Cha Mẹ nên tôi nghĩ người Việt Nam không cần một ngày đặc biệt nào nữa để nhớ đến Cha, đến Mẹ, mặc dù theo tôi nghĩ nếu có thêm những ngày này thì cũng rất tốt vì đó là những dịp để con cái bày tỏ sự quan tâm dành cho Cha Mẹ đặc biệt hơn. Sang Úc, vì hoàn cảnh gia đình, vì công việc làm ăn nên ít có gia đình được sống đoàn tụ. Tuy vậy, dù ở xa Cha Mẹ nhưng con cháu lúc nào cũng luôn nhớ về Cha Mẹ. Nếu cụ muốn tôi sẽ đọc cho cụ nghe một số câu thơ, một số bài hát nói về công ơn của Cha Mẹ.

Cụ Liz gật đầu. Nhà tôi nói tiếp:

– Ngay từ khi mới học lớp vỡ lòng, chúng tôi đã được học những câu thơ nói về công ơn Cha Mẹ:

Công Cha như núi Thái Sơn,
Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra,
Một lòng thờ Mẹ kính Cha,
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con …”

hoặc

“Mẹ già như chuối ba hương,
Như cơm nếp mật, như đường mía lau.”

Về âm nhạc, chúng tôi cũng có rất nhiều bài hát diễn tả công ơn sinh thành và dưỡng dục của Cha Mẹ. Tôi không biết hát nhưng để tôi đọc cho cụ nghe một đoạn trong bài Lòng Mẹ của một nhạc sĩ nổi tiếng nhé:

Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình rạt rào
… Tình Mẹ tha thiết như đồng lúa chiều rì rào
… Lời ru êm ái như dòng suối hiền ngọt ngào
… Tiếng ru êm đềm trăng tà soi bóng Mẹ yêu!”

Sinh ra và lớn lên trong một đất nước bị chiến tranh, gia đình loạn lạc, ly tán, mọi người đã chứng kiến cảnh vất vả nhọc nhằn, hy sinh của người mẹ và cũng người nhạc sĩ trên, trong một lần vô tình chứng kiến cảnh vất vả của mẹ ông, ông đã diễn tả lại xúc động này thay cho mọi người:

“… Thương con thao thức bao đêm dài,
Con đã yên giấc, mẹ hiền vui sướng biết bao
Thương con khuya sớm bao tháng ngày,
Lặn lội gieo neo, mái tóc trót đành đẫm sương…”

Tôi nhấp một ngụm cà phê và tiếp lời nhà tôi.

– Cụ biết không? Những đứa trẻ Việt Nam ngay từ lúc mới lọt lòng đã được nghe những lời ru ngọt ngào của Mẹ như:

”Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh.
Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi.
Khó đi Mẹ dắt con đi,
Con đi trường học, Mẹ đi trường đời”

hay

“À, à ơi … Ru con con ngủ cho ngoan,
Để Mẹ đi gánh nước non Cao Bằng”.

Cụ thấy không, người Mẹ Việt Nam chẳng những lo toan việc nhà mà còn phải lo toan cả việc nước non nữa. Trong suốt chiều dài lịch sử chống ngoại xâm, có một số ít bà Mẹ đã trực tiếp tham gia chiến đấu, số đông còn lại đều âm thầm phụ giúp chồng, con trong công việc này.

Đặc biệt trong thời gian miền Nam Việt Nam phải tự vệ chống lại cuộc xâm lăng của Cộng Sản miền Bắc đã có rất nhiều những bà Mẹ già chờ con “ngồi đếm lá rơi!” và đã mòn mỏi “đếm bao nhiêu lá mà con chưa về …!”. Vâng, thưa cụ, những lời ru êm ả, ngọt ngào của Mẹ như vậy cứ rót dần, thấm dần vào tâm hồn chúng tôi và đã làm cho chúng tôi có những cảm xúc về Mẹ rất nhiều. Những câu ru này hay lắm phải không cụ?

Cụ Liz gật đầu:

– Rất hay! Người phương Tây chúng tôi cũng có những câu thơ, những bài hát tương tự. Cũng có những bà Mẹ phải hy sinh, phải chờ đợi, phải mỏi mòn đau khổ rất nhiều qua những cuộc chiến Môn ạ!

Tôi ngắt lời cụ:

– Vâng thưa cụ. Đúng vậy, tôi biết có những người Mẹ Úc, Pháp, Ý, Mỹ … cũng thương con, cũng hy sinh rất nhiều cho con. Tôi nghĩ ở đâu thì tình yêu của các người Mẹ cũng có một mẫu số chung giống nhau … nhưng tôi chắc chắn không nơi nào có những người Mẹ như những người Mẹ Việt Nam, những người Mẹ mà ngoài tình yêu thương còn phải mang những tủi buồn, khổ cực chồng chất theo năm tháng không thể đo lường được vì đất nước tôi đã trải qua chiến tranh triền miên. Rồi bây giờ đang sống trong hòa bình, nhưng tôi vẫn buồn vì ngày nay cũng còn có những người con đối xử với mẹ không tốt. Mặc dù người mẹ vẫn được lo cho ăn uống đầy đủ nhưng tôi vẫn thấy họ làm cho người mẹ rất buồn tủi. Những đứa con đó không thích cho mẹ mình được tham gia vào những sinh hoạt tinh thần của gia đình. Họ viện cớ bận công việc, bận tiếp khách … mà có khi cứ để mẹ mình sống cô đơn mỏi mòn tại một làng quê trong ước mong được nhìn thấy con, thấy cháu … nhất là trong những dịp lễ tết.

Tôi cho đây cũng là một dạng khác của sự bất hiếu, một sự bất hiếu ngọt ngào!.

Với đức hạnh của sự hy sinh vô bờ của mình, những người mẹ lại một lần nữa đã gánh chịu một cuộc sống cô đơn như vậy cho đến khi chết.

Cụ Liz có vẻ đồng ý với những nhận xét của tôi. Cụ hỏi tiếp:

– Môn hoặc Mai có thể kể cho tôi nghe một vài kỷ niệm về Mẹ được không?

Tôi tiếp lời:

– Thưa cụ được chứ. Vâng, tôi sẽ kể cho cụ nghe về Mẹ tôi, nhưng chúng ta hãy uống cà phê đã kẻo nguội. Hôm nay đang là mùa thu mà tôi thấy Canberra đã lạnh quá rồi. Mẹ tôi mất cách đây gần năm mươi năm vào lúc tôi đang sửa soạn cho kỳ thi tốt nghiệp bậc trung học. Tôi có rất nhiều kỷ niệm về Mẹ tôi. Tôi định có dịp sẽ ghi lại đầy đủ những kỷ niệm này để cho các con tôi sau này có thể biết được về người bà của chúng. Tôi còn nhớ khi còn nhỏ, khoảng sáu tuổi. Tôi bắt đầu đi học lớp một ở một ngôi trường miền quê – trường tiểu học Nhơn Hòa. Bản tính tôi nhút nhát. Biết vậy, Mẹ thường cùng tôi đi tới trường. Khi tới một cây cổ thụ gần ngay lối rẽ cách trường khoảng vài chục mét. Mẹ tôi đứng lại và để tôi tự đi vào lớp. Trước khi vào lớp, tôi ngoái lại nhìn. Mẹ tôi vẫn đứng đó nhìn và vẫy tay ra dấu bảo tôi vào lớp rồi Mẹ về. Rồi khi tan học, tôi lại thấy Mẹ đứng chờ tôi cũng dưới bóng mát của cây cổ thụ đó. Cái bóng của Mẹ và cái bóng mát của cây cổ thụ đó đã che chở, đã in đậm vào cuộc đời tôi. Tôi chẳng thể nào quên được cụ ạ.

– Môn thật hạnh phúc quá. Cụ Liz nói.

– Vâng, tôi rất hạnh phúc vì được Mẹ chở che.

– Môn kể tiếp đi, tôi muốn nghe. Cụ Liz hối thúc.

– Tôi nhớ hình như vào năm tôi học lớp đệ lục (lớp bảy bây giò) ở trường trung học Kiến Tường. Gia đình tôi khi đó đang sống ở Kiến Tường – một tỉnh lỵ nhỏ của vùng Đồng Tháp Mười – Năm đó nước lụt lớn làm ngập các con đường trong tỉnh. Mỗi lần đi học, mẹ chèo thuyền chở tôi đi và đến giờ tan học lại ra đón tôi về. Nhiều khi mẹ ngồi ở thuyền rất lâu để chờ tôi. Có một lần mẹ chèo thuyền chở tôi đi học. Hôm đó trời mưa lất phất và gió thổi nhè nhẹ. Khi gần tới trường, một chiếc ca nô quân đội chạy băng qua với tốc độ khá nhanh để lại những gợn sóng to làm chiếc thuyền bé nhỏ bị chòng chành. Tôi bị mất thăng bằng và làm rơi chiếc cặp xuống dòng nước. Tôi chới với chồm qua thành chiếc thuyền nhỏ để níu lại chiếc cặp. Chiếc thuyền nhỏ ba lá mất thăng bằng và bị lật. Mẹ tôi quýnh quáng la lớn:

– Môn, con có sao không?

Mẹ buông chèo và nhảy vội tới để bế tôi vào chỗ mô đất cao. Người tôi run lên vì lạnh. Mẹ vội phủ chiếc áo mưa quanh người tôi và ấp tôi vào lòng để truyền hơi ấm cho tôi mặc dù tôi biết Mẹ cũng rất lạnh. Tôi cảm thấy hối hận về việc làm của mình. Chỉ vì tôi cố níu chiếc cặp nên thuyền bị chìm. Mẹ không hề trách móc mà chỉ lo tôi bị cảm lạnh và trễ giờ học. Sau đó Mẹ đã dẫn tôi vào nhà một người quen gần đó để mượn quần áo cho tôi thay. Hôm đó tôi bị trễ một giờ học và Mẹ thì bị cảm lạnh mấy ngày sau đó.

Phải nói rằng tôi rất phục và kính trọng Mẹ vì Mẹ là người đàn bà rất chịu dựng và đầy nghị lực. Thời gian đó, chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, nhất là tại nơi gia đình tôi đang sinh sống. Điều này đã làm cho đời sống khó khăn thêm. Số lương công chức ít ỏi của cha tôi đã không còn đủ để trang trải cho cuộc sống của gia đình. Mẹ tôi đã phải vất vả đi vào những vùng sâu, nguy hiểm để buôn bán thêm nhưng Mẹ vẫn vui khi chúng tôi có thêm được cuốn vở mới hay một bữa ăn ngon hơn. Mẹ thường nói với chúng tôi: “Dù cực khổ đến đâu Mẹ cũng cố gắng không để các con thua sút một ai”.

Tháng ngày trôi qua, chúng tôi ngày càng lớn khôn thì dường như Mẹ ngày càng cằn cỗi, như trong một bài hát có những câu mà tôi rất thích nghe:

“… Mẹ tôi tóc xanh nhuộm bạc tháng ngày,
Mẹ tôi dáng buồn nặng trĩu đôi vai…”

Tôi luôn xót xa nhìn mẹ mà không biết làm sao để chia sẻ với mẹ những khó khăn về vật chất và tinh thần cả. Tôi phải làm sao đây để đôi vai gầy của Mẹ bớt nặng gánh, làm sao để mỗi đêm Mẹ có thể ngủ sớm hơn vì không phải lo lắng cơm áo gạo tiền. Đã bao nhiêu lần tôi phạm lỗi, Mẹ không đánh mắng mà chỉ im lặng nhìn tôi, cái nhìn làm tôi bị dằn vặt nhiều. Tôi muốn nói với Mẹ rằng: Mẹ ơi nếu Mẹ đánh mắng con, con đỡ cảm thấy tội lỗi hơn Mẹ ạ! Chính sự im lặng của Mẹ đã như ngọn roi đánh vào cõi nội tâm tôi làm tôi cảm thấy mình là người không thể tha thứ được nhưng rồi Mẹ cũng thứ tha.

Tôi đã từng đọc qua một bài thơ mà tôi cũng không nhớ rõ tên tác giả, tôi chỉ biết rằng khi đọc nó tôi thấy hình tượng mẹ tôi hiện lên:

Giữa khổ đau Mẹ đồng hành chia sẻ
Đời oi bức Mẹ thổi làn gió nhẹ
Mẹ là ai bồ tát con người mới
Tình yêu thương vượt ra ngoài tên gọi
Cứu vớt cưu mang người chơi vơi.« 

Những kinh nghiệm sống, những gian lao cực khổ của Mẹ đã chấp cánh cho anh em tôi bước vào đời. Mẹ truyền đạt cho tôi bằng những kinh nghiệm mà Mẹ từng trải. Tôi đã từng viết thơ, viết truyện ngắn nhưng khi đặt bút viết về Mẹ thì lại không thể, tôi cũng không biết tại sao nữa nhưng có lẽ không một ngòi bút nào, không một trang vở nào có thể khắc ghi hình tượng Mẹ trong lòng tôi

Rồi một ngày cách đây gần năm chục năm. Khi đó tôi đang học lớp cuối cùng của bậc trung học ở một thành phố cách xa nhà gần một trăm cây số – thành phố Mỹ Tho. Tôi được tin Mẹ tôi bị đứt mạch máu. Tôi vội vã trở về nhà. Mẹ tôi vừa mất nằm đó. Mọi người chờ tôi về rồi mới vuốt mắt Mẹ. Tôi nhìn Mẹ đắm đuối. Đôi mắt Mẹ nhìn tôi trìu mến. Vâng, tới giờ này tôi vẫn không thể quên được đôi mắt của Mẹ tôi lúc đó. Đôi mắt Mẹ như có hồn, nhìn tôi đăm đắm, như muốn nhắn nhủ, như muốn gửi gấm những lo lắng, những ước vọng, những thương yêu đến cho tôi. Thật tội nghiệp Mẹ tôi quá cụ ạ. Khi ấy Mẹ tôi mới hơn năm mươi tuổi và anh em chúng tôi thì chưa thành đạt … Tôi còn hai em nhỏ nữa.

Cụ Liz cắt ngang.

– Mẹ của Môn mất sớm quá! Thật tội nghiệp cho Môn và hai em của Môn. Môn có điều chi ân hận không?

– Có thể tôi cũng chưa làm điều gì sai phạm lớn để Mẹ tôi phải buồn nhiều. Tôi có những lỗi lầm nhỏ nhưng tôi biết Mẹ tôi bao dung, tha thứ. Tuy vậy tôi vẫn tiếc nuối một điều. Dù tôi đã được sống trong tình yêu thương vô tận của Mẹ nhưng tôi chưa bao giờ, vâng chưa bao giờ tôi nói với Mẹ được một câu: “Mẹ ơi con thương, con yêu Mẹ lắm !!!”. Tôi hối tiếc về điều này cụ ạ! Với tôi, một trong những kỳ quan đẹp nhất của vũ trụ mãi mãi vẫn là quả tim của người Mẹ cụ ạ.

Tôi ngừng lại để lau nước mắt.

Cụ Liz an ủi:

– Môn là con trai mà. Con trai thường không biểu lộ tình cảm của mình ra ngoài, dù là với Mẹ mình.

– Tôi cám ơn cụ nhiều lắm nhưng cụ thông cảm cho tôi nhé. Để dịp khác tôi sẽ nói thêm về Mẹ tôi. Hôm nay tôi không thể nói tiếp được! Tôi xúc động quá cụ ạ!

Cụ Liz ôm tôi vào lòng:

– Môn thật là một người hạnh phúc. Môn có một người Mẹ tuyệt vời. Hôm nay tôi cũng là người được hưởng lây niềm hạnh phúc đó. Tôi cám ơn Môn nhiều lắm.

Cụ Liz thổn thức. Nhà tôi vỗ về an ủi cụ và để tránh cho cụ khỏi xúc động nhiều, chúng tôi bưng ly cà phê uống, nhìn ra ngoài và nói :

– Trời đang thu, ngoài kia lá rụng nhiều quá. Chúng tôi nhớ đến thành phố Đà Lạt ở Việt Nam. Chúng tôi xin phép đưa cụ đi bộ một quãng được không? Tôi nghĩ ở Canberra đẹp và yên tĩnh này, nếu không có giờ đi bộ thì thật là một thiếu sót. Ngoài tiếng chim hót thì thành phố yên tĩnh và thơ mộng quá, nhất là buổi sáng nay. Trời se se lạnh, lá vàng, lá đỏ rơi nhè nhẹ, xào xạc … Tôi có cảm tưởng là khi đi bộ trong khu vực này, cụ và tôi có thể nghe được thành phố thở nữa cụ ạ. Cụ nghĩ sao?

Cụ Liz khẽ cười, gật đầu và đứng dậy lấy cây ba toong theo chúng tôi. Trông dáng cụ còn khỏe lắm

Canberra Mother‘s Day
Mai Khánh Thư – Phạm Doanh Môn

Nguồn: https://nguoiphuongnam52.blogspot.com/2022/05/chut-tam-tinh-nhan-ngay-cua-me-mothers.html

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*