Như thông lệ, tuần báo Anh The Economist dành trang bìa cho thời sự quốc tế. Trong số ghi ngày 23/02/2019, tờ báo tập trung trên Trung Quốc trong bối cảnh phải đối phó với cuộc chiến tranh thương mại do Mỹ khởi động. Đáng lưu tâm tuy nhiên là bài phân tích về Thượng Đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội.
Trên một hình vẽ một con gấu trúc, biểu tượng của Trung Quốc, tờ báo chạy tựa “Liệu gấu trúc có thể bay được hay không?” Hồ sơ của tờ báo được dành cho các cố gắng của Bắc Kinh trong việc cải tổ nền kinh tế Trung Quốc, tìm hiểu thêm về cách thức mà Tập Cận Bình đang tiến hành để vừa giải quyết cuộc chiến thương mại với Mỹ, vừa giúp cho Trung Quốc giầu thêm.
Ở trang châu Á, The Economist có bài phân tích rất đáng chú ý về Hội nghị Thượng đỉnh Trump-Kim sắp diễn ra ở Hà Nội. Với tựa đề rất mỉa mai – “Hãy đánh lừa tôi lần thứ hai đi”, tờ báo Anh dự đoán là Mỹ sẽ chỉ đạt được một thỏa thuận “nhỏ và tồi” với Bắc Triều Tiên.
Tờ báo giải thích: “Ông Trump đã đặt ra một chỉ tiêu rất thấp cho sự thành công ở Hà Nội, và ông Kim chắc chắn sẽ phải nhượng bộ một cái gì đó. Chuyên gia Choi Kang thuộc Viện Asan, một nhóm tư vấn ở Seoul, tiên đoán là sẽ có một thỏa thuận nhỏ và tồi tệ”.
Đối với The Economist, thỏa thuận đó có thể bao gồm việc phá hủy các lò phản ứng hạt nhân tại Yongbyon và cho các thanh tra xác nhận rằng địa điểm thử hạt nhân ngầm dưới đất Punggye-ri thực sự đã bị đóng cửa. Có điều là theo giới chuyên gia, các vụ thử hạt nhân lần thứ năm và thứ sáu đã dạy cho Bắc Triều Tiên tất cả những gì cần biết, nên Punggye-ri đã trở thành vô dụng. Còn về trung tâm hạt nhân Yongbyon, cơ sở này cũng đang trên đà rệu rã, bỏ đi không sao.
Thae Yong Ho, nhà ngoại giao cao cấp nhất của Bắc Triều Tiên đã đào thoát, đã so sánh những bước đi đó của Bình Nhưỡng với việc sơn phết lại một chiếc xe cũ để bán đi.
Đừng nên mơ đến việc thanh tra toàn bộ hạt nhân Bắc Triều Tiên
Trong khi đó, theo tuần báo Anh, rất ít có khả năng là ở Hà Nội, hai bên sẽ đạt được thỏa thuận về việc thanh tra toàn bộ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên, đừng nói chi đến việc Bình Nhưỡng kê khai đầy đủ các cơ sở của họ.
Cũng ông Thae Yong Ho đã lập luận rằng Kim Jong Un đã biết khéo léo chuyển trọng tâm từ giải trừ hạt nhân sang kiến tạo hòa bình. Ở Hà Nội, cả hai bên đều có thể đồng ý thành lập các văn phòng liên lạc ở hai thủ đô, bước đầu tiên để bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Một bản “tuyên bố hòa bình” cũng có thể được ký kết, nhưng đây sẽ chỉ là một lời xác định mơ hồ, không có tính chất ràng buộc, theo đó hai bên hứa là sẽ không đe dọa lẫn nhau.
Đối với The Economist, điều mà ông Kim muốn nhất là giảm được một số lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc. Ông Trump có thể tính toán rằng đồng ý trên các yêu cầu đó sẽ chẳng tốn kém gì cho nước Mỹ, bởi vì tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã sẵn sàng đầu tư vào hệ thống đường sắt miền Bắc và thúc đẩy hợp tác kinh tế. Và nếu Bắc Triều Tiên được mua dầu nhiều hơn, thì có lẽ Trung Quốc sẽ chi trả.
Theo tuần báo Anh Quốc, ông Trump hoàn toàn có thể hài lòng về các kết quả đó, mặc dù rất xa mục tiêu tháo dỡ vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên.
The Economist kết luận: Tại Singapore, ông Trump đã bị lừa mà không biết. Ở Hà Nội thì ông có thể là chẳng cần quan tâm đến việc mình bị lừa hay không!
Mai Vân
Theo RFI ngày 23-2-2019
Be the first to comment