Thủ tướng VN Nguyễn Xuân Phúc gặp Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Antonio Tajani, tháng 10/2018 (Ảnh: EEAS)
Mọi diễn biến chính trị cho đến nay đều cho thấy Liên minh Châu Âu (EU) gần như không thể thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Châu Âu – Việt Nam (EVFTA) trong năm 2019. Một nguyên nhân quan trọng trong đó là những vi phạm nhân quyền của Việt Nam.
Các vòng đàm phán hiệp định bắt đầu năm 2012 và kết thúc tháng 12/2015. Theo dự đoán tại thời điểm đó, hiệp định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2018.
Để thông báo cho công luận tại Cộng hoà Séc về hiệp định này, vào tháng 6/2016, trang mạng Bộ Công thương Séc đã đăng tải một bài viết dài dưới tựa đề “Hiệp định tự do mậu dịch giữa Việt Nam và EU sẽ mang lại những gì?”, trong đó có viết:
“Hiệp định sẽ dẫn đến tự do hóa thương mại cả hàng hóa và dịch vụ. Phần lớn các loại thuế sẽ được dỡ bỏ ngay khi hiệp định có hiệu lực, phần còn lại sẽ được dỡ bỏ dần trong khoảng thời gian chuyển tiếp kéo dài từ bảy đến 10 năm… Thuế thuốc và các dược phẩm vốn là các mặt hàng được ưa chuộng của nền xuất khẩu Séc cũng được dỡ bỏ một nửa và phần còn lại sẽ dỡ bỏ tiếp sau bảy năm.
Hiệp định cũng bao gồm các quyền sở hữu trí tuệ, việc bảo vệ và thực thi các quyền này đã được quy định chi tiết hơn.
Trong lĩnh vực thương mại – dịch vụ, Việt Nam đã nới lỏng các điều kiện để doanh nhân nước ngoài có thể tham gia vào các lĩnh vực như kiến trúc, máy tính, tài chính, bảo hiểm, bưu điện, bất động sản và dịch vụ dọn dẹp.
Các nhà đầu tư của châu Âu sẽ được tiếp cận thị trường Việt Nam một cách đơn giản hơn, bởi hiệp định tạo điều kiện cho họ kinh doanh trong ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống, công nghiệp cao su và phân bón. Việt Nam cũng cam kết bảo vệ các tiêu chuẩn mới, bao gồm hủy bỏ việc phân biệt đối xử đối với nguồn đầu tư từ EU, và có cách tiếp cận mới đối với cơ chế giải quyết tranh chấp giữa chủ đầu tư và chính quyền.
Một khi hiệp định có hiệu lực, các chủ thể tại EU có thể tham gia đấu thầu các gói thầu của nhà nước ở cả cấp trung ương cũng địa phương. Trong số các cơ quan phát thầu, ngoài các cơ quan cấp bộ, còn có 34 bệnh viện, hai cơ quan năng lượng của nhà nước và bốn viện nghiên cứu khoa học. Tiềm năng mở ra đối với các doanh nghiệp châu Âu là rất lớn, bởi Việt Nam là nước có phần trăm đầu tư của nhà nước trên mức GDP khá cao so với thế giới“.
Đã sang 2019 và hiệp định vẫn chưa thấy đâu. Trên trang mạng của Quốc hội châu Âu có thể đọc thấy lý do của sự chậm trễ này là tình trạng nhân quyền hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa được cải thiện và “diễn biến trong lĩnh vực này có thể dẫn đến việc Quốc hội hoãn hoặc từ chối chấp nhận phê chuẩn“.
Do vậy, có lẽ sẽ đúng lúc đúng chỗ để nhắc tới lá thư của 32 vị nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu đề ngày 17/9/2018 gửi tới bà Cecilia Malmström, Ủy viên Thương mại và bà Frederick Mogherini, đại diện cấp cao của EU để lưu ý về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ tại Việt Nam. Ngoài các chi tiết khác, bức thư đã nhắc tới tên của những người đang bị tù giam, hoặc đang bị quản thúc tại gia bởi họ thực thi quyền công dân cơ bản của mình. Bức thư cũng đề nghị xem xét lại Luật An ninh mạng của Việt Nam theo hướng thay đổi để phù hợp với Công ước Quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị.
Những nghị sĩ tham gia ký tên dưới bức thư đã tuyên bố, nếu Việt Nam không cố gắng giải quyết những câu hỏi cấp bách liên quan đến quyền con người này, không có cải thiện cụ thể và không cam kết tôn trọng các quyền con người trước khi Nghị viện Châu Âu bỏ phiếu, thì họ sẽ rất khó có thể bỏ phiếu phê chuẩn hiệp định.
EVFTA là thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất mà EU từng đàm phán với một nước đang phát triển như Việt Nam. Nó đặt ra các điều kiện về nhân quyền và yêu cầu đối tác thực thi các công ước nhân quyền đã tham gia (ví dụ Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị như đã nhắc ở trên). Nhưng trang mạng của Bộ Công thương của Séc không đề cập đến điều này, và tại Việt Nam thì đề tài này lại càng là điều cấm kỵ.
Cho rằng, có thể cả người Séc cũng sẽ quan tâm, tại sao một thỏa thuận thương mại lại hàm chứa yếu tố nhân quyền như là một điều kiện, người viết liên hệ với Bộ Ngoại giao để tìm hiểu và nhận được câu trả lời sau qua email: “Các điều khoản về nhân quyền có mặt trong tất cả các hiệp định thương mại thế hệ mới giữa EU và các nước thứ ba. Sẽ là điều có lợi cho EU, một khi thương mại với các nước thứ ba được xây dựng trên cơ sở là các giá trị nền tảng của EU. Chỉ khi đó thì việc hợp tác kinh doanh mới bền vững và mới có thể được công luận tại EU và cả các nước thứ ba chấp nhận“.
Thực tế là ngay từ đầu Việt Nam đã được biết tới điều kiện này. Nhưng ngày 29/7/2016, chỉ hơn nửa năm từ ngày kết thúc đàm phán, Quốc hội đã giao cho Bộ Công an nhiệm vụ soạn thảo Luật An ninh mạng. Đạo luật này bị Tổ chức Ân xá Quốc tế lên án là “một đòn chí tử đánh vào tự do ngôn luận“, là một phương tiện cho phép chính quyền có thể buộc các nhà dịch vụ cung cấp Internet cung cấp một lượng thông tin rất lớn, kể cả thông tin cá nhân của những người sử dụng Internet. Qua đó, họ có thể kiểm duyệt các bài viết trên mạng. Điều đi ngược với Đạo luật Bảo vệ Dữ liệu chung (General Data Protection Regulation – GDPR) của Liên minh châu Âu.
Một thực tế nữa là trong năm 2017, các tòa án tại Việt Nam do đảng Cộng sản kiểm soát đã kết án 15 blogger và các nhà hoạt động. Trong năm 2018 thì con số đó đã tăng gần ba lần, lên tới 42 người. Nhiều người trong số họ bị án hơn 10 năm tù, chẳng hạn như ông Lê Đình Lượng, một nhà hoạt động môi trường, đã bị kết án 20 năm tù.
Có thể nhớ lại rằng vào cuối thập niên 1980, Tiệp Khắc cộng sản cũng là xứ sở của các nhà bất đồng bị truy tố một cách bất công, các phiên tòa ngụy tạo và các bản án bỏ túi. Tiệp Khắc đã rất kỳ vọng vào chuyến viếng thăm của Tổng thống Pháp Francois Mitterrand và trao đổi thương mại với nước Pháp. Việt Nam ngày nay cũng trông chờ việc phê chuẩn EVFTA hệt như thế.
Vậy thì tại sao cho đến tận bây giờ Việt Nam vẫn không tỏ ra có thiện chí với những người có chính kiến, cho dù các chính kiến đó là hoàn toàn bất bạo động? Trong thời đại Internet, khi mà cả thế giới có thể dễ dàng nhận biết tình hình, liệu lời nói và hành động của họ có thống nhất với nhau? Không ai biết.
Nhưng có lẽ, ít ra thì 60 ngàn người Việt hiện đang sinh sống tại Séc có thể biết rằng Cộng hòa Séc không quên các trải nghiệm dưới thời toàn trị. Trong các phiên điều trần Kiểm điểm Định kỳ Phổ về nhân quyền Việt Nam vào các năm 2014 và 2019, Cộng hòa Séc là một trong số ít các quốc gia đã khuyến nghị Việt Nam thiết lập chế độ đa nguyên và cho phép bầu cử tự do, ngoài một số khuyến nghị khác. Đó là một thái độ mang tính nguyên tắc.
Các khuyến nghị và tinh thần đoàn kết đến từ cộng đồng quốc tế luôn có giá trị khuyến khích và là nguồn cảm hứng cho các nhà cải cách trong nước. Thông thường thì yếu tố quyết định đến các tiến trình cải cách luôn đến từ bên trong, chẳng hạn như là lời kêu gọi hoãn phê chuẩn hiệp định mà các tổ chức dân sự tại Việt Nam gửi cho ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và ông Bernard Langer, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế của Quốc hội Châu Âu vào ngày 18/01/2019. Thư có đoạn: “việc tạm dừng quá trình phê chuẩn EVFTA cho đến khi chính phủ Việt Nam ngừng truy đuổi và đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền chính là gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Liên minh châu Âu coi trọng cam kết của mình trong việc sử dụng thương mại như là một phương tiện để thúc đẩy nhân quyền, rằng Liên minh Châu Âu không mong đợi gì hơn ngoài các tín hiệu cụ thể, đích thực rằng quốc gia này có thiện chí ngừng các cuộc đàn áp, để đàm phán về hiệp định có thể tiếp tục.“
Có vẻ, EU đã quyết định giữ lời, để bên thứ hai, đến lượt mình cũng biết tôn trọng các cam kết của chính mình.
Nguyễn Thanh Mai
Ngày 9/2/2019
Tác giả Nguyễn Thanh Mai hiện đang định cư tại Praha, Cộng hoà Séc. Bà là thành viên của Văn Lang, một tổ chức phi chính phủ hoạt động trong cộng đồng người Việt Nam tại châu Âu.
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/02/hiep-dinh-thuong-mai-eu-kien-dinh-lap-truong-nhan-quyen-viet-nam-lam-gi/
Be the first to comment