Khác với nhận định của nhiều người, tôi cho rằng cuộc xâm lược (agression, tiếng Pháp) của Nga đối với Ukraine từ ngày 24 tháng 2 năm 2022, với cuộc chiến tranh biên giới Việt – Trung tháng hai năm 1979 có nhiều điều tương đồng, từ nguyên nhân cho tới hậu quả. Ngay cả khi lúc viết bài này, chiến tranh Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sớm kết thúc.
Về ý nghĩa từ ngữ: “agression – xâm lược”. Theo nội dung Nghị quyết 3314 ngày 14 tháng 12 năm 1974 của Đại hội đồng LHQ, “agression – xâm lược” là hành vi “một quốc gia sử dụng vũ trang chống lại chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ hoặc độc lập chính trị của một quốc gia khác, hoặc theo bất kỳ phương cách khác không phù hợp với Hiến chương LHQ”.
1/ So sánh về “mục tiêu chiến lược”
Về “mục tiêu chiến lược”, nếu ta xét lại các yêu sách của Putin đối với Zelensky (để chấm dứt cuộc xâm lược), điều quan trọng cốt lõi là Ukraine phải tuyên bố “trung lập” và không được gia nhập NATO. Trước đó Putin có hy vọng sẽ can thiệp vào nội tình Ukraine, lật đổ chính phủ dân cử Zelensky và đưa một nhân vật thân Nga lên thay thế.
Nội dung chính sách quốc phòng bốn không của VN: “Việt Nam chủ trương không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế“.
“Không tham gia liên minh quân sự” là điều kiện cốt lõi để trở thành “quốc gia trung lập”.
Ngoài ra VN còn có mô hình phát triển rập khuôn với TQ “kinh tế thị trường – tư bản nhà nước”. Cả hai bên cùng có một chế độ chính trị tương đồng với đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo mà hai đảng này có quan hệ thân thiết “máu thịt” với nhau.
Chế độ chính trị rập khuôn TQ, cùng với nội dung “bốn không” của quốc phòng VN. Đây là gì nếu không phải là cách nói khác yêu sách của Nga đối với Ukraine (ở mức độ khiêm tốn hơn)?
Tức là Putin chỉ muốn Ukraine trở thành một thứ Việt Nam chư hầu ở cạnh bên thượng quốc TQ.
Tin tức báo chí cho biết, có thể đã có 17 ngàn quân Nga tử trận, trong đó có 10 vị tướng và khoảng 50 ngàn quân bị loại khỏi vòng chiến. Cuộc xâm lược Ukraine từ hôm 24-2 đến nay đã hơn một tháng. Nga hao quân tổn tướng, lại còn bị Mỹ, châu Âu và các nước dân chủ tự do “trừng phạt” kinh tế. Chưa ai đoán được sau cuộc chiến, Nga tổn thất bao nhiêu và “mục tiêu chiến lược” của TT Putin có đạt được hay không?
Trung Quốc mở cuộc xâm lược Việt Nam, nói là “cho Việt Nam một bài học”. Đa số các nhà nghiên cứu quốc tế về cuộc chiến này đều cho rằng chính TQ mới là phía đã “học được Việt Nam một bài học”. Thật vậy, TQ châm ngòi chiến tranh biên giới, gây áp lực lên Hà Nội với hy vọng giải vây cho Khmer Đỏ mà việc này không thành.
Tháng 12 năm 1978, Việt Nam mở cuộc chiến “phản công tự vệ”, trong vòng một tuần đã đuổi Khmer đỏ ra khỏi Nam Vang và đưa một chính phủ thân VN lên thay thế. Ngày 17-1-1979, TQ cho 600 ngàn quân và dân quân tấn công các tỉnh biên giới VN. Sau ba tuần, TQ phải rút quân về với rất nhiều tổn thất trong khi quân VN vẫn còn tiếp tục ở lại Campuchia cho đến cuối năm 1988.
Rõ ràng mục tiêu TQ không đạt. TQ là bên thua cuộc.
Ngoại giao VN và TQ “đóng băng” từ 1979 cho tới năm 1990. Trong khoảng thời gian này quan hệ Mỹ-Trung “nồng ấm”. Kinh tế TQ phát triển nhanh chóng do nhờ tư bản Mỹ, Nhật… tích cực đầu tư. Tập trung vào việc chấn chỉnh nội bộ qua công cuộc “tứ hiện đại”, TQ không còn là một đe dọa cho các quốc gia Đông và Đông Nam Á. Mỹ trút gánh nặng mặt châu Á, dồn sức đối đầu với Liên Xô. Đến khi Liên Xô giải thể năm 1990, kéo theo sự sụp đổ toàn bộ hệ thống xã hội chủ nghĩa Đông Âu.
Mặc dầu Trung Quốc giữ nguyên chế độ cộng sản nhưng đã đứng về “phe thắng cuộc”, cùng với Mỹ và “thế giới tự do”. Việt Nam theo Liên Xô, đứng về phía thua cuộc. VN đã phải trả giá rất đắt.
Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao với Mỹ (1995) và TQ (1991) với tư thế “bên thua cuộc”.
Chính sách “quốc phòng bốn không” của VN, công bố trong Sách trắng quốc phòng 2019, theo tôi không hề là kết quả của “ngoại giao cây tre”. Đây hiển nhiên là sự áp đặt của TQ đối với VN từ năm 1990, như là một điều kiện để được “tái lập bang giao”. Đây cũng có thể là nội dung “cốt lõi” của cái gọi là “Mật ước Thành Đô 1990” (nếu có).
Không có quốc gia độc lập nào lại “tự nguyện hy sinh” chủ quyền về quốc phòng của mình như Việt Nam hết cả. Ngoại trừ Nhật, nước này từ bỏ “quyền tham gia chiến tranh” vì lý do thua trận 1945. Hoặc Phần Lan (và Áo) tuyên bố trung lập vì phải thỏa mãn yêu sách của “bên thắng trận” Thế chiến II là Liên xô.
Việt Nam thắng Trung Quốc trong “chiến tranh nóng” nhưng VN thua TQ trong “chiến tranh lạnh”. Cùng đứng trong khối “cộng sản” nhưng TQ đã lựa chọn đúng phe để theo. TQ đứng về phe “thắng cuộc”.
Việc “lựa chọn phe” để theo, trước hết chứng tỏ “tầm nhìn chiến lược” siêu việt của lãnh đạo, sau là cách “đầu tư” khôn ngoan, đem lại lợi ích lớn lao và lâu dài cho đất nước và dân tộc. Kinh nghiệm của TQ đứng về bên thắng cuộc (và VN đứng về bên thua cuộc) là các thí dụ điển hình.
2/ So sánh về mục tiêu lãnh thổ
Thực chất của “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Nga là một cuộc xâm lược vũ trang của Nga vào lãnh thổ Ukraine. Ngoài “mục tiêu chiến lược” đã nói phần trên, Putin còn có tham vọng chinh phục lãnh thổ và “vẽ lại đường biên giới” Ukraine.
Về lãnh thổ, mục tiêu ban đầu của “chiến dịch quân sự đặc biệt” có thể là áp đặt đường biên giới là sông Dniepr, chia Ukraine thành hai miền Đông và Tây. Về hải phận, Putin muốn biển Azov trở thành “nội hải” của Nga và chiếm 70% vùng “kinh tế độc quyền – EEZ” trên Biển Đen.
Để thực hiện việc này, trên thực địa ta thấy các vùng “chiến sự” phần lớn là các thành phố về phía đông sông Dniepr. Đặc biệt, do lợi ích chiến lược (đến từ biển), chiến tranh các tỉnh vùng ven biển (như Marioupol) diễn ra cực kỳ khốc liệt.
Về phương diện pháp lý, ta thấy TT Putin đã dàn dựng một “kịch bản” khá “thuận lý”.
Nga đã chiếm bán đảo Crimea của Ukraine từ năm 2014, bằng thủ tục “trưng cầu dân ý” và bằng biện pháp quân sự. Người dân gốc Nga ở đây bỏ phiếu đồng ý sáp nhập lãnh thổ này vào Nga.
Nga cũng đã tái lập lại phương cách này cho hai “cộng hòa nhân dân” Donetsk và Luhansk ở Donbass. Người dân ở đây bỏ phiếu “trưng cầu dân ý” ly khai ra khỏi quốc gia Ukraine và tuyên bố độc lập. Hai “cộng hòa nhân dân” Donbass, tức là hai “quốc gia độc lập, có chủ quyền Donetsk và Luhansk” đã được Nga “công nhận” và thiết lập bang giao vào ngày 23 tháng 2 năm 2022, tức trước “chiến dịch quân sự đặc biệt” một ngày.
Theo nội dung bài “tuyên bố” của TT Putin hôm 21 tháng 2 năm 2022 và văn bản của Nga gởi Tòa Công lý quốc tế nhằm phản biện vụ Ukraine kiện Nga ngày 27 tháng 2 năm 2022 về cách “diễn giải và áp dụng công ước về diệt chủng”. Nguyên nhân đưa tới việc ban bố “chiến dịch quân sự đặc biệt” là do nạn “diệt chủng” ở Donbass. Gần 4 triệu người dân nói tiếng Nga đã bị áp bức và giết chóc bởi các lực lượng “tân quốc xã” ở Donbass mà lực lượng này được sự ủng hộ của chính phủ theo “chủ nghĩa dân tộc” ở Kiev.
Nội dung bản tuyên bố của Putin còn nói về “lịch sử”, mục đích phủ nhận sự hiện hữu của “quốc gia” Ukraine. Theo Putin không hề có “quốc gia” Ukraine mà chỉ có “sản phẩm sáng tạo” của Lenin. Cũng theo Putin, hai dân tộc Nga và Ukraine chỉ là một.
Về chiến tranh biên giới 1979, TQ đưa ra 5 lý do để mở cuộc chiến “dạy VN một bài học”. Tương đồng với “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, ngoài các lý do “diệt chủng người Nga”, “nạn kiều người Hoa” (nói bên dưới) còn có vấn đề mở rộng “lãnh thổ”.
TQ cáo buộc VN “xâm phạm đường biên giới” của TQ. TQ tố cáo VN đem quân xâm nhập qua lãnh thổ TQ cũng như việc khủng bố và đánh đuổi người dân gốc Hoa sinh sống cận đường biên giới Việt-Trung.
Đặc biệt TQ cáo buộc VN “dời đường biên giới”, đưa đường biên giới về phía Bắc, chiếm khoảng 60 cây số vuông lãnh thổ của TQ thuộc khu vực sông Thanh Thủy, tổng Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang (VN).
Về mặt chủ quyền hải đảo và biên giới biển, TQ phản đối VN về cách diễn giải nội dung Công ước Pháp-Thanh 1887 áp dụng có lợi cho VN ở Vịnh Bắc Việt. TQ cũng lên án VN “bội ước” khi VN phủ nhận nội dung công hàm 1958, theo đó phía TQ cho là VN đã nhìn nhận chủ quyền của TQ tại Hoàng Sa và Trường Sa.
So sánh lý lẽ hai bên ta thấy:
a/ Phía Nga nại quyền “dân tộc tự quyết”, nhìn nhận quyền này cho dân chúng sinh sống ở Crimea, Donetsk và Luhansk. Có hai điều trở ngại.
Thứ nhứt, “quyền dân tộc tự quyết” đối chọi với nguyên tắc nền tảng của hiến chương LHQ là nguyên tắc “bất khả xâm phạm của đường biên giới và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia”. Trên nguyên tắc này dân chúng ở Crimea, Luhansk và Donetsk không thể tự động tổ chức “trưng cầu dân ý”, nếu việc này đi ngược nội dung hiến pháp hoặc chưa được quốc hội Ukraine chuẩn nhận.
Tuy nhiên trên lý thuyết, luật quốc tế không phân biệt cao thấp quyền “dân tộc tự quyết” với nguyên tắc “toàn vẹn lãnh thổ”.
Thứ hai, vấn đề là sau khi Liên Xô giải thể, Nga cũng như Ukraine là các quốc gia “kế thừa” di sản của Liên Xô. Nga đã “nhìn nhận biên giới hiện trạng” của Ukraine, cam kết bảo vệ quốc gia này với điều kiện Ukraine từ bỏ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân.
Tức là, trên danh nghĩa, phía Nga đã “bội ước” với Ukraine khi sáp nhập Crimea và ủng hộ hai cộng hòa vùng Donbass. Các hành vi của Nga là tác nhân làm thay đổi đường biên giới của Ukraine.
“Chiến dịch quân sự đặc biệt” của Putin, trên vấn đề lãnh thổ, vì vậy không có “chính nghĩa”, không phù hợp với nguyên tắc “jus ad bellum – luật về chiến tranh”. Phía Ukraine do đó được quyền “tự vệ chính đáng”, vì vậy được sự trợ giúp quân trang quân dụng của Mỹ và các quốc gia EU.
Trung Quốc nại tất cả 5 lý do để “dạy VN một bài học”:
1/ Việt Nam là một nước bá quyền, một siêu cường quân sự thứ ba của thế giới.
2/ VN liên tục xâm phạm biên giới và đột nhập vào lãnh thổ của TQ.
3/ Ngược đãi người gốc Hoa sinh và trục xuất có hệ thống họ bằng các biện pháp vô nhân đạo.
4/ Hà khắc với nhân dân Việt Nam trong nước và qua chiến tranh với nước ngoài (Campuchia).
5/ Sự can thiệp của Liên xô vào Đông Nam Á nhằm bành trướng ảnh hưởng để cô lập Trung Quốc.
Trong 5 lý do, chỉ có lý do “VN xâm phạm đường biên giới” và “chiếm đóng lãnh thổ của TQ” là “chính đáng”, jus ad bellum, phù hợp điều 51 Hiến chương LHQ. Đủ để TQ tiến hành chiến dịch quân sự “phản công tự vệ chiến”. Cuộc chiến này dư luận cho rằng “Mỹ không tán thành nhưng lại giúp TQ tin tức tình báo”.
Trung Quốc cho rằng “VN xâm chiếm 60 cây số vuông lãnh thổ của TQ”. Hồ sơ CIA bạch hóa cũng có nói về việc “VN chiếm 60 km² đất của TQ”. Vấn đề là dữ liệu pháp lý chứng minh chủ quyền của TQ khu vực này đều “không có hiệu lực”.
Lập luận của TQ, đường biên giới khu vực (Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, VN) là con suối Thanh Thủy. Phía TQ cho rằng yêu sách này phù hợp với nội dung Công ước Pháp-Thanh phân định biên giới 1887 cũng như nội dung Công ước Bổ túc về Biên giới 1895.
Theo nghiên cứu riêng của tôi, bài biết ở đây, TQ (và CIA) đã có nhận thức sai lầm về nội dung Công ước Phân định biên giới giữa Pháp nhà Thanh năm 1887 (và công nước bổ túc 1895).
Thật vậy, nội dung Công ước 1887 nhìn nhận biên giới khu vực (Vị Xuyên, Hà Giang) là sông Thanh Thủy.
Nhưng kết quả phân định biên giới khu vực “sông Thanh Thủy”, theo Biên bản phân giới số 3 ký ngày 13 tháng 6 năm 1897: “Từ Qua Sách Hà (戈索河) đến Cao Mã Bạch (膏 馬 白) thuộc Bắc Kỳ và Tân Nhai (新崖) thuộc Vân Nam”. Đường biên giới đã thay đổi và biên bản này có giá trị thay thế Công ước 1887.
Biên giới đoạn này được hai bên Pháp-Thanh đồng thuận. Biên giới trung tuyến sông Thanh Thủy chuyển đổi thành “biên giới là đường phân thủy”, tức đường theo “sống núi”, ở phía bắc sông Thanh Thủy, cách sông này khoảng vài cây số.
Sông Thanh Thủy như vậy hoàn toàn thuộc lãnh thổ của VN.
Tức là TQ đã “sai” khi khai chiến với danh nghĩa “phản công tự vệ chiến”. Phía TQ không có “chánh nghĩa”. TQ không chứng minh được tính hợp cách của “jus ad bellum”. Hành vi chiến tranh của TQ không phù hợp điều 51 Hiến chương LHQ về “quyền tự vệ chính đáng”. Đất đó của VN chớ không phải của TQ.
Về biên giới trong Vịnh Bắc Việt. Thực ra Công ước 1887 phân định biên giới giữa các tỉnh Hoa Nam và Bắc kỳ, đã phân định “biên giới trong Vịnh Bắc Việt”. Đó là đường kinh tuyến đi qua “đông điểm của đảo Trà Cổ”. Tức là đường kinh tuyến Paris 105°53’ kinh tuyến đông (nghĩa là kinh tuyến 108°3’13’’ kinh tuyến đông Greenwich).
Tất cả các yêu sách của TQ về chủ quyền lãnh thổ trên biên giới, trên biển hay hải phận quốc gia…, sau khi tái bang giao năm 1991 đều được chính quyền CSVN thỏa mãn.
Hiệp định phân định biên giới trên đất liền ký ngày 25-12-1999 và Hiệp định phân định ranh giới trong Vịnh Bắc Việt được ký kết ngày 30-12-2000 đã thay thế Công ước Pháp-Thanh 1887. Kết quả hai hiệp ước làm cho VN mất nhiều vùng lãnh thổ (mà Pháp nhượng bất hợp lệ cho TQ) như tổng Tụ Long (Hà Giang), tổng Đèo Lương (Cao Bằng), tổng Kiến Duyên và Bát Tràng (Hải Ninh) và nhứt là mũi Bạch Long (Hải Ninh)… Diện tích tổng cộng vài ngàn cây số vuông. Việc phân định trong Vịnh Bắc Việt cũng không công bằng, nếu so với các phương pháp theo tập quán quốc tế. VN mất khoảng 11 ngàn cây số vuông biển cho TQ.
Về chủ quyền HS và TS, phía TQ cho là VN đã nhìn nhận chủ quyền các đảo này thuộc TQ, qua công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng. Hiện nay VN chỉ nhìn nhận nội dung “hải phận 12 hải lý” trên các vùng lãnh thổ của TQ nhưng không nhìn nhận hiệu lực công hàm ở phần chủ quyền HS và TS.
Vấn đề là VN khi nhìn nhận hiệu lực hải phận 12 hải lý thì VN đã nhìn nhận hiệu lực toàn bộ công hàm 1958. Nội dung công hàm cho thấy VNDCCH đã “im lặng” ở tuyên bố chủ quyền của TQ tại Nam Sa và Tây Sa.
Lập trường này của VN có thể sẽ đưa VN vào thế “bí”, nếu TQ quyết định sử dụng vũ lực để “giải phóng những vùng lãnh thổ đang bị địch chiếm đóng”. Hiện nay không có quốc gia nào ủng hộ VN về vấn đề chủ quyền HS và TS, ngay cả Pháp. Tức là nếu có chiến tranh với TQ, VN sẽ đứng “một mình”. VN yếu hơn TQ về quốc phòng, đã đành. VN còn yếu hơn TQ về bằng chứng có giá trị ràng buộc pháp lý.
3/ Vấn đề “diệt chủng” và “nạn kiều”
Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” với hai lý do. Thứ nhứt, nhà cầm quyền “dân tộc chủ nghĩa” Kiev mở cuộc “diệt chủng” đối với dân gốc Nga sinh sống ở hai cộng hòa Donetsk và Luhansk. Nga vịn vào quyền “can thiệp vì lý do nhân đạo” để bảo vệ kiều dân Nga. Thứ hai, Nga vịn quyền “tự vệ đa phương”, do yêu cầu của hai “cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk, đúng theo nội dung điều 51 Hiến chương LHQ.
Ta thấy Nga đi lại con đường “can thiệp nhân đạo” mà NATO đã nại lý do khi can thiệp vào nội bộ các xứ Nam Tư cũ.
Khác nhau là vấn đề “diệt chủng” ở Srebrenica là có thật. Những nhân vật chủ chốt vụ diệt chủng ở đây đều bị Tòa án hình sự quốc tế kết án và bỏ tù.
Lập luận khai chiến của Nga đã bị Đại hội đồng LHQ phản bác qua Nghị quyết lên án Nga xâm lược, ngày 2 tháng 3 năm 2022 với đa số tuyệt đối 141 thuận, 4 phiếu chống và 35 nước bỏ phiếu “trắng”.
Nga không đưa ra bằng chứng cụ thể về “diệt chủng” ở Donbass. Mà ngay cả khi có bằng chứng, Nga không có quyền mở chiến cuộc trên bình diện rộng, oanh tạc, pháo kích, dội bom, cho xe tăng, quân đội vào dày xéo, phá hoại hạ tầng cơ sở… trên toàn lãnh thổ Ukraine, gây thiệt hại sinh mạng hàng ngàn người dân cũng như tiêu diệt nguồn sống của người dân Ukraine bên ngoài hai “cộng hòa nhân dân” thuộc Donbass.
Nga đã gây một “thảm họa nhân đạo” cho người dân Ukraine. Nghị quyết về “Thảm họa nhân đạo” đã được Đại hội đồng LHQ thông qua hôm trung tuần tháng ba.
Ngoài việc Putin có thể bị truy tố ra một Tòa án hình sự đặc biệt, vì có hành vi “diệt chủng”, giết người hàng loạt ở Marioupol, Nga còn có nguy cơ phải bồi thường chiến tranh cho Ukraine, qua vụ Ukraine kiện Nga lên Tòa Công lý quốc tế ngày 26 tháng 2 năm 2022. Ước lượng thiệt hại của Ukraine do chiến tranh của Putin gây ra, tại thời điểm này, lên tới trên 600 tỉ đô la.
Phán lệnh “biện pháp phòng ngừa” của Tòa vừa ban bố thuận lợi cho Ukraine hôm 16 tháng 3 năm 2022, ta thấy rằng Ukraine có nhiều hy vọng thắng trong trận chiến pháp lý này.
Chiến tranh biên giới 1979, như trên đã viết TQ nại tất cả 5 lý do để “dạy VN một bài học”. Lý do chính thức của TQ là “phản công tự vệ chiến”. Tức một cuộc chiến tranh để tự vệ, phù hợp với điều 51 Hiến chương LHQ.
Về lý do “nạn kiều”, tương tự như lý do NATO can thiệp vào Nam tư cũ. Hoặc như Putin nại lý do “diệt chủng” để bảo vệ kiều dân người Nga. TQ đã không vịn vào lý do này, mặc dầu đây là một lý do rất thuyết phục “jus ad bellum”, để can thiệp vào VN (hơn là lý do VN xâm chiếm lãnh thổ của TQ).
Vụ “nạn kiều” đã gây một “khủng hoảng nhân đạo” ở bình diện rộng, liên quan tới cả hai triệu người có quốc tịch Việt Nam, trong đó có khoảng 250 ngàn người có gốc Hoa.
Một vài tác giả VN cho rằng, vụ “nạn kiều” là do TQ bịa ra để đánh VN. Lập luận này hoàn toàn sai.
Thực tế cho thấy, với số liệu do Cao ủy tị nạn thuộc LHQ công bố, có đến hơn 2 triệu người vượt biên, cao điểm là các năm 1978-1979. Phong trào “bán bãi vượt biên”, còn gọi là “vượt biên bán chính thức”, do CSVN tổ chức. Những người muốn đi ra nước ngoài, phương tiện “tự túc”, trên những chiếc thuyền đánh cá mong manh, mỗi chiếc chở tới vài trăm người. Tính đổ đồng, 7 lượng vàng cho mỗi đầu người, chủ tàu đếm đầu người rồi đóng vàng cho CSVN để được “mua bãi vượt biên”.
Dư luận quốc tế lên tiếng về một “khủng hoảng nhân đạo” mà việc này do nhà cầm quyền CSVN gây ra. Báo chí nước ngoài tố cáo một vụ “buôn người” do nhà nước CSVN tổ chức mà việc này VN thu được “hàng trăm triệu đô la”. Số người bị nạn do tàu chìm, do hải tặc… lên đến vài trăm ngàn người.
Hiển nhiên đây là một “tội ác diệt chủng” của CSVN, một chuyện chưa từng có trong lịch sử, (vậy mà học giả VN nhiều người lại sớm quên). Chuyện này cần thiết viết thêm vài dòng nhắc lại.
Vấn đề người Hoa hay “nạn kiều”. Vào năm 1975 người Hoa ở miền Nam Việt Nam khoảng 1.200.000 người, phần lớn ở Chợ Lớn (800.000), nắm phần lớn huyết mạch kinh tế miền Nam. Con số này cộng thêm 200.000 là số dân Hoa sống tại Kampuchia, sau 1975 chạy sang VN tị nạn. Vấn đề quốc tịch người Hoa được Bắc Kinh và chính phủ VNDCCH đặt ra sau khi ký kết hiệp định Genève 1954. Hai bên đồng thuận rằng người Hoa tại VN (miền Bắc) được có những quyền lợi tương tự như người bản xứ nhưng những người này phải lần hồi lấy quốc tịch Việt.
Ở miền Nam, thời chính phủ Ngô Đình Diệm đã có những chính sách hạn chế sinh hoạt kinh tế của ngoại kiều. Người nước ngoài không được làm một số ngành nghề, việc cấp visa cũng khó khăn, hạn chế. Điều này cũng áp dụng cho Hoa Kiều, vì thế lớp người này hầu hết nhập tịch Việt Nam.
Sau 1975, CSVN áp dụng chính sách “đánh tư sản mại bản”, một số tài phiệt người Việt gốc Hoa tại miền Nam bị bắt cải tạo hay đày đi kinh tế mới. Các bang, hội đồng hương, hội tương tế của người Hoa bị cấm hoạt động. Hai đợt đổi tiền (1975, 1978), bề mặt là kiểm soát lượng tiền tệ, nhưng mục tiêu lột sạch của cải của nhân dân miền Nam, trong đó người Việt gốc Hoa là nạn nhân chính. Song song đó là chính sách “cải tạo công thuơng nghiệp”, toàn bộ tài sản của dân miền Nam, dĩ nhiên bao gồm người có gốc Hoa, ruộng đất, vườn tược hoàn toàn bị tước đoạt.
Năm 1976, nhân việc tổ chức bầu cử toàn quốc, những người Việt gốc Hoa ở miền Nam bị buộc khai quốc tịch. Việc này quan hệ đến đại đa số dân Hoa sống tại đây. Từ thập niên 50 họ đã có quốc tịch Việt Nam, một phần do chính sách ép buộc của VNCH đã nói trên. Như thế người Hoa bị hai mất mát lớn: vừa mất quốc tịch vừa mất tài sản.
Trong khi đó chính phủ Mặt trận Giải phóng Miền Nam đã có cam kết với Bắc Kinh về tình trạng của người Hoa sau chiến tranh. Ngày 24 tháng 5 năm 1965, mặc dầu còn đang chiến tranh, MTGPMN công bố một lá thư nhằm gởi đến Hoa kiều đang ở miền Nam, nội dung cho biết những người này có quyền tự do lựa chọn quốc tịch của mình.
Năm 1968, việc này được Chính phủ MTGPMN nhắc lại và Bắc Kinh tiếp nhận sự việc này. Như thế đây là một lời cam kết giữa hai chính phủ. Nhưng MTGPMN đã bị âm thầm “xóa sổ”, không kèn không trống, một số nhân vật của tổ chức này vượt biên ra sống ở hải ngoại, một số được CSVN sử dụng, nhưng số rất lớn khác vẫn còn ngậm đắng nuốt cay cho đến ngày hôm nay.
Trở lại vấn đề “tội ác diệt chủng”. Hàng trăm ngàn người Việt đã chết trên biển cả. Trong số này có những người Việt gốc Hoa. Ta có thể nói rằng đảng CSVN là nguyên nhân của “khủng hoảng nhân đạo” năm 1978-1979, đồng thời là thủ phạm vụ “diệt chủng” này.
Đáng tiếc là TQ đã không lên tiếng, đã đành, vì TQ cũng có những chủ trương tương tự với VN. Nhưng sự im lặng của Đài Loan về thảm trạng “nạn kiều” là không đúng cách. Những nạn nhân này có quốc tịch VN, nhưng một số đông đảo có “gốc Hoa”.
Đài Loan hay TQ lý ra phải yêu sách VN, như là điều kiện bang giao, phải trả lại của cải, nhà cửa, ruộng đất… cho tất cả những người này, đồng thời phải đền bồi xứng đáng cho họ.
Trên phương diện Luật quốc tế về nhân đạo, CSVN cũng đã phạm nhiều tội trạng. Việc “xóa trắng” văn hóa VNCH cũng là một “tội ác”.
4/ Lời tạm kết
Vấn đề cốt lõi trong chiến tranh, lạnh hay nóng, đối với một quốc gia nhược tiểu là sự “chọn phe”. Sự quan trọng “chiến lược” của hành vi chọn phe trước một cuộc chiến, đã nói trên, có thể quyết định số phận “giàu sang hay hèn kém” của cả một dân tộc, cũng như quyết định một quốc gia “độc lập tự chủ” hay “lệ thuộc”.
Ta thấy nước Mỹ dưới thời TT Trump có khuynh hướng theo “chủ nghĩa biệt lập”. TT Trump cho thấy là không tha thiết với NATO. Nếu cuộc chiến Nga xâm lược Ukraine xảy ra dưới thời Trump, ta khó có thể tiên đoán được rằng Mỹ có tham gia bảo vệ thành viên hay không.
TT Trump và các lãnh đạo đại cường khác như Tập Cận Bình, Putin… có cái nhìn khác nhau về “trật tự thế giới cũ”.
TT Trump muốn chấm dứt “kinh tế toàn cầu”, dẹp bỏ LHQ, dẹp bỏ tất cả các tổ chức thuộc LHQ về văn hóa, về y tế, về lương thực… quốc tế. Đơn giản vì các tổ chức này thường có các quyết định “đi ngược lại lợi ích của Mỹ”.
Tập Cận Bình thì ra sức bảo vệ “kinh tế toàn cầu” cũng như các định chế LHQ. Bởi vì TQ đã sử dụng nhiều biện pháp “bá đạo” để đưa người kiểm soát hầu hết các định chế quốc tế. Nhưng tại Biển Đông thì TQ thách thức “trật tự quốc tế theo luật lệ”, qua thái độ bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế (phán quyết của Tòa quốc tế có giá trị qui chiếu như là luật).
Putin với tham vọng “phục hồi đế quốc Nga”, vì vậy luôn nắm lấy cơ hội để “tạo sự đã rồi”, có lợi cho Nga.
Nhưng TT Biden đã thắng cử. Chính trị nước Mỹ thay đổi nhiều so với thời Trump. Cuộc chiến Ukraine cho thấy TT Biden có quyết tâm bảo vệ NATO. Nước Mỹ có thể “dấn thân” bảo vệ các quốc gia thành viên.
Cuộc chiến Ukraine, Mỹ và châu Âu thẳng tay trừng phạt Nga. Việc này kéo dài có thể kéo theo TQ vào chung số phận với Nga. Chiến tranh Ukraine chấm dứt cách nào thì “kinh tế toàn cầu” cũng sẽ phải kết liễu.
Câu hỏi đặt ra, VN có “chọn phe” để theo hay không?
Tự thân các chế độ “độc tài tư bản nhà nước” chỉ có thể phát triển được nhờ sự phồn thịnh và năng động của các quốc gia dân chủ tự do gồm Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á.
Sự “trừng phạt kinh tế” của Mỹ, châu Âu và các quốc gia Đông Á lên các chế độ “độc tài – tư bản nhà nước” đồng nghĩa với việc “cắt đứt đường dưỡng khí” của các chế độ độc tài này.
Lựa chọn “không theo phe” của VN hiện nay là đảng CSVN muốn “giữ nguyên trạng”. VN lệ thuộc vào TQ từ kinh tế, ý thức hệ chính trị cho tới mô hình phát triển. Về quốc phòng, chính sách 4 không của VN, như đã nói trên, là “nội dung mật ước Thành đô 1990”.
Putin “thí” quân vài chục ngàn người Nga chỉ để có được một cam kết từ Ukraine, khiêm nhượng hơn các yêu sách của TQ đối với VN mà chưa được.
Giữ nguyên trạng tức là VN khẳng định vị trí “chư hầu” đối với “thiên triều” mà điều này chưa chắc nhân dân VN đã đồng thuận.
Trương Nhân Tuấn
Ngày 3-4-2022
Be the first to comment