MỸ CẤP THÊM $800 TRIỆU DOLLARS QUÂN VIỆN CHO UKRAINE
“Với hành động của Nga đưa quân xâm lược Ukraine, Thế Chiến Thứ Ba có thể đã bắt đầu”: Đó là một trong những câu nói của Tổng Thống Ukraine khi trả lời phỏng vấn trên đài truyền hình NBC hôm Thứ Tư 16 tháng 3. Buổi sáng cùng ngày, ông Volodymyr Zelensky đã phát biểu qua video trước lưỡng viện Quốc Hội, trình bày một số hình ảnh kinh hoàng về tình hình chiến sự để kêu gọi sự giúp đỡ của Hoa Kỳ hầu chống lại cuộc tấn công ngày càng quyết liệt và tàn bạo.
Tổng Thống Zelensky nói với ký giả Lester Holt của đài NBC rằng “80 năm trước đây không ai đoán biết được thời điểm Thế Chiến Thứ Hai bùng nổ”, và bây giờ cũng vậy, hành động xâm lược trắng trợn của Nga “có thể sẽ dẫn tới hệ quả là chiến tranh lan rộng khắp nơi và nền văn minh của cả nhân loại bị đe dọa”.
Đây cũng là luận cứ mà nhân vật đang lãnh đạo cuộc chiến đấu tự vệ của quân dân Ukraine đưa ra trong bài phát biểu trước Quốc Hội Mỹ qua video, cùng với hình ảnh những tòa nhà sụp đổ vì bom đạn, những đứa trẻ kêu khóc khi chạy loạn, những xác chết phải chôn tập thể v.v… gây xúc động cho các Dân Biểu & Thượng Nghị Sĩ thuộc cả hai đảng Dân Chủ, Cộng Hòa. Tổng Thống Zelensky kết luận: “Trong giờ phút đen tối nhất của đất nước chúng tôi, vì an nguy của cả châu Âu, tôi kêu gọi quý vị giúp đỡ Ukraine, hãy cung cấp cho chúng tôi thêm vũ khí và hãy tiếp tục chế tài mạnh mẽ cho tới khi quân đội Nga phải ngừng bắn”.
Thái độ đoàn kết với Ukraine chống lại cuộc xâm lược được thể hiện rõ rệt qua phản ứng của các nhà lập pháp cả hai đảng trong Quốc Hội cùng thúc đẩy Tổng Thống Biden hãy gấp rút gia tăng mức viện trợ quân sự – mặc dù Quốc Hội cũng như Hành Pháp không ủng hộ đề nghị thiết lập vùng cấm bay nhằm ngăn chận phi cơ Nga oanh tạc Ukraine, vì muốn tránh xảy ra đụng độ trực tiếp với chiến đấu cơ của Nga.
Mặt khác, cùng ngày 16 tháng 3, Thượng Viện Hoa Kỳ còn bỏ phiếu thông qua một nghị quyết ràng buộc Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào tội ác chiến tranh. Nghị quyết này do Nghị Sĩ Lindsey Graham (đảng Cộng Hòa) đưa ra và được các nhà lập pháp cả hai đảng ủng hộ, với nội dung đề nghị Tòa Án Hình Sự Quốc Tế của Liên Hiệp Quốc cũng như tòa án các quốc gia khác cứu xét, để nếu kết quả điều tra đưa tới bằng chứng cụ thể, sẽ quy trách Nga về tội ác chiến tranh do những hành động tàn bạo của quân đội Nga nhắm vào thường dân Ukraine.
THÊM $800 TRIỆU DOLLARS QUÂN VIỆN
Ngay sau bài phát biểu của Tổng Thống Volodymyr Zelensky, Tổng Thống Joe Biden loan báo quyết định cấp thêm $800 triệu dollars quân viện cho Ukraine. Với khoản viện trợ bổ sung vừa được loan báo, Hoa Kỳ đã chi viện tổng cộng $2 tỷ dollars kể từ khi ông Biden lên cầm quyền, trở thành nước viện trợ về mặt an ninh cho Ukraine nhiều nhất thế giới.
Từ lúc chiến cuộc bùng nổ, chính phủ Mỹ đã gửi qua Ukraine ít nhất 2,600 hệ thống hỏa tiễn chống chiến xa Javelin và hơn 600 hệ thống hỏa tiễn phòng không Stinger, tuy nhiên không gửi chiến đấu cơ theo lời yêu cầu của chính phủ Zelensky.
Tòa Bạch Ốc cho biết chi tiết về khoản quân viện bổ sung $800 triệu dollars như sau:
– Về vũ khí, cấp thêm cho Ukraine 800 hỏa tiễn Stinger, 2,000 hỏa tiễn Javelin, 1,000 vũ khí nhẹ chống chiến xa, và 6,000 hệ thống chống chiến xa AT-4.
– Cũng về vũ khí, cấp thêm 100 hệ thống phòng không “Tactical Unmanned Aerial Systems”, 100 súng phóng lựu, 5,000 súng trường, 1,000 súng lục, 400 súng máy, 400 shotguns, cùng với trên 20 triệu băng đạn các loại và lựu đạn.
– Về trang bị, cấp thêm 25,000 bộ áo giáp và 25,000 mũ cho binh sĩ.
– Tòa Bạch Ốc còn nói là sẽ giúp Ukraine mua thêm đạn dược và các hệ thống phòng vệ tầm xa.
UKRAINE SẼ KHÔNG GIA NHẬP NATO?
Theo các bản tin thông tấn ghi nhận, việc Hoa Kỳ và Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đều ngần ngại không muốn thiết lập vùng cấm bay (no-fly zone) có thể là nguyên nhân đưa tới lời phát biểu của Tổng Thống Volodymyr Zelensky với các giới chức quân sự cao cấp hôm Thứ Ba 15 tháng 3, nói rằng ông “không thấy cánh cửa mở rộng” cho Ukraine gia nhập NATO.
Đây có thể là một dấu hiệu nhượng bộ từ phía chính phủ Zelensky, bởi vì việc cấm Ukraine gia nhập NATO chính là một trong ba “điều kiện tiên quyết để chấm dứt chiến tranh” mà Tổng Thống Nga Vladimir Putin từng đưa ra khi nói chuyện với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron. Và đây cũng có thể là một dấu hiệu tốt để khai thông bế tắc cho cuộc thương thuyết ngưng bắn vòng thứ tư giữa hai phái đoàn Nga – Ukraine, diễn ra từ hôm Thứ Ba tuần này, vẫn tại vùng biên giới Belarus.
Theo lời Tổng Thống Zelensky nói với báo chí thì “quan điểm của hai bên sẽ mang tính chất thực tế hơn”, nhưng vẫn “cần thêm thời gian để đạt được những quyết định chung hoàn toàn phù hợp với quyền lợi của Ukraine”. Một nguồn tin từ Văn Phòng Tổng Thống cho biết rằng trong cuộc đàm phán, phái đoàn Ukraine đòi hỏi “những bảo đảm an ninh tuyệt đối”, nhưng bác bỏ ý niệm “một mô hình trung lập theo kiểu Thụy Điển hay Áo” mà phái đoàn Nga đề nghị.
MỘT SỐ SỰ KIỆN KHÁC VỀ CHIẾN CUỘC UKRAINE
– Để bày tỏ tình đoàn kết với thủ đô của Ukraine đang bị quân đội Nga bao vây, các nhà lãnh đạo ba quốc gia trong Liên Hiệp Âu Châu (EU) là Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Thủ Tướng Cộng Hòa Tiệp Petr Fiala và Thủ Tướng Janez Jansa của Slovenia đã đến Kyiv vào tối Thứ Ba 15 tháng 3, ngay giữa lúc quân Nga đang bắn phá dữ dội vào Kyiv và các thành phố khác của Ukraine.
Ba vị Thủ Tướng từ Ba Lan đi xe lửa đến Kiev để “bày tỏ sự yểm trợ rõ rệt, không thể nghi ngờ” của Liên Hiệp Âu Châu, qua cuộc hội đàm với cả Tổng Thống Volodymyr Zelensky và Thủ Tướng Denys Chmygal. Nhân dịp này Phó Thủ Tướng Ba Lan Jaroslaw Kaczynski cũng lên tiếng yêu cầu Tổ Chức NATO mặc dù không gửi quân đội tham chiến tại Ukraine nhưng nên gửi “một lực lượng hòa bình, với sự bảo vệ của các lực lượng vũ trang” để “trợ giúp nhân đạo và hòa bình” cho dân chúng Ukraine.
– Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ đến thủ đô Brussels của Vương Quốc Bỉ vào ngày 24 tháng 3 để dự hai phiên họp quan trọng, là Hội Nghị Thượng Đỉnh Liên Hiệp Âu Châu và Hội Nghị Thượng Đỉnh Bất Thường của Tổ Chức NATO về vấn đề Ukraine.
– Tình hình chiến sự vẫn tiếp tục diễn ra khốc liệt hôm Thứ Ba 15 và Thứ Tư 16 tháng 3. Đô Trưởng Vitali Klitschko nói rằng thủ đô Kyiv “đang trải qua một thời điểm rất nguy hiểm” do việc quân đội Nga gia tăng các cuộc pháo kích và oanh tạc, cụ thể là hôm Thứ Hai ít nhất 4 người đã thiệt mạng khi một chung cư bị pháo kích.
– Thủ đô Kyiv có dân số 3.5 triệu, và hơn phân nửa đã di tản. Tại Mariupol, một thành phố khác cũng đang bị bao vây, 20,000 cư dân vừa được di tản qua “hành lang nhân đạo” để lánh nạn.
– Tổ Chức Di Dân Quốc Tế (International Organization for Migration – IOM) cho biết, trong gần 3 tuần lễ vừa qua, hơn 3 triệu người Ukraine đã bỏ nhà cửa lên đường qua các nước láng giềng để tỵ nạn chiến tranh, đa số là qua Ba Lan (khoảng 1.8 triệu người).
Theo tổ chức UNICEF của Liên Hiệp Quốc, trong số hơn 3 triệu người Ukraine tỵ nạn, có đến 1.4 triệu là trẻ em.
– Ít nhất 5 nhà báo đã tử nạn hoặc bị thương trong lúc tường trình tin tức hoặc quay phim, chụp ảnh trên chiến trường Ukraine.
Hôm Chủ Nhật 13 tháng 3, ông Brent Renaud, 50 tuổi, người Mỹ, cựu ký giả của New York Times và là một nhà sản xuất phim ảnh, bị quân đội Nga bắn chết ở thành phố Irpin thuộc vùng ngoại ô thủ đô Kyiv.
Cùng đi với ông Renaud còn có một nhà báo khác cũng trúng đạn bị thương và đang nằm trong bệnh viện ở Kyiv, là phóng viên nhiếp ảnh Juan Arredondo, người Mỹ gốc Colombia.
Hôm Thứ Hai 14 tháng 3, hai ký giả người Mỹ làm việc cho Fox News là nhiếp ảnh gia Pierre Zakrzewski, 55 tuổi, và nữ ký giả Oleksandra “Sasha” Kuvshynova, 24 tuổi, bị quân đội Nga bắn chết trong lúc cùng phóng viên Benjamin Hall đi trên tuyến đường qua thành phố Irpin.
Ông Benjamin Hall, người Anh, bị thương nặng và đã được di tản ra khỏi Ukraine để đưa về bệnh viện điều trị.
– Trong tuần này còn có một sự kiện được tất cả các cơ quan truyền thông ghi nhận, nói lên thái độ của người dân nước Nga phản đối cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Cô Marina Ovsyannikova, một biên tập viên đài số 1 thuộc hệ thống truyền hình nhà nước của Nga, hồi tối Thứ Hai 14 tháng 3 đã cầm tấm bảng mang những hàng chữ chống chiến tranh xuất hiện ngay giữa chương trình thời sự buổi tối. Qua đoạn video clip được phổ biến tràn lan trên mạng xã hội, người ta có thể nghe thấy giọng nói của cô Ovsyannikova xen giữa giọng đọc của xướng ngôn viên: “Hãy ngừng chiến tranh!”, “Đừng tin những lời dối trá của họ” và “Họ không thể nào bắt hết tất cả chúng ta”, trước khi chương trình tạm ngưng để chuyển sang phát một đoạn tin được thâu sẵn.
Tin cập nhật cho biết Marina Ovsyannikova bị bắt ngay sau đó và hôm Thứ Ba 15 tháng 3 đã bị đưa ra trước tòa án quận hạt Ostankinsky tại thủ đô Moscow. Cô nói với báo chí là cô “lo sợ cho sự an nguy của bản thân”, nhưng khẳng định cô sẽ không rời khỏi nước Nga. Được biết thân mẫu của cô là người Nga và thân phụ cô là người Ukraine.
Người phụ nữ can đảm này cho biết thêm, cô đã bị thẩm vấn suốt 14 tiếng đồng hồ và trong thời gian đó cô không được tiếp xúc với cả gia đình lẫn luật sư biện hộ. Bản tin Reuters ghi nhận cô Ovsyannikova bị tòa án bắt đóng số tiền phạt 30,000 rubles (tương đương $280 dollars) về tội coi thường luật lệ liên quan đến biểu tình, nhưng chưa rõ ngoài số tiền phạt này cô sẽ còn bị truy tố về tội nào khác nữa hay không. Tưởng cần nhắc lại, chính phủ Nga mới đầu tháng 3 này ra sắc lệnh quy định án tù 15 năm đối với bất cứ ai “loan tin thất thiệt” gọi cuộc tấn công Ukraine là “chiến tranh” – thay vì gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” theo lời Tổng Thống Putin.
BẦU CỬ TỔNG THỐNG Ở NAM HÀN VÀ CHILE
Tuần lễ vừa qua được đánh dấu bằng hai sự kiện chính trị đáng chú ý. Thứ nhất là tại Nam Hàn, cuộc bầu cử Tổng Thống đầy sôi nổi ngày 9 tháng 3 đã có kết quả chính thức và có thể sẽ mở đầu cho những chuyển biến quan trọng ở vùng Á Châu Thái Bình Dương. Thứ nhì là tại Chile, lễ nhậm chức Tổng Thống hôm 11 tháng 3 vừa đóng lại hai vòng bầu cử rất gay go và hy vọng sẽ mang lại ổn định cho quốc gia Nam Mỹ này sau hơn hai năm hỗn loạn vì những cuộc biểu tình bạo động của hàng triệu người dân khắp nước.
NAM HÀN: PHE BẢO THỦ TRỞ LẠI NẮM QUYỀN LÃNH ĐẠO
Sau khi 99.99% số phiếu bầu được kiểm và được Ủy Ban Bầu Cử Toàn Quốc xác nhận, ứng cử viên Lee Jae-myung đại diện đảng cầm quyền đã thừa nhận thất bại, và ứng cử viên Yoon Suk Yeol, 61 tuổi, trở thành Tổng Thống đắc cử của Nam Hàn. Ông Yoon sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 10 tháng 5 tới đây để kế nhiệm Tổng Thống Moon Jae-in. Hiến pháp Nam Hàn quy định Tổng Thống chỉ được tại chức một nhiệm kỳ duy nhất (5 năm) và không có quyền tái ứng cử.
Cuộc bầu cử diễn ra vô cùng sôi nổi vì tỷ lệ chênh lệch phiếu bầu của hai đối thủ rất khít khao. Ông Yoon giành được 48.56% số phiếu cử tri và ông Lee được 47.83%, tức hơn kém chưa đầy 1%.
Hôm Thứ Năm 10 tháng 3, ông Lee Jae-myung lên tiếng xin lỗi và cảm ơn các cử tri ủng hộ, khẳng định “đây không phải là sự thất bại của quý vị, cũng không phải là sự thất bại của đảng Dân Chủ (Democratic Party), mà trách nhiệm hoàn toàn thuộc về cá nhân tôi”. Lời phát biểu này có ý làm giảm nhẹ sự chỉ trích của phe đối lập cũng như của giới truyền thông, cho rằng dân chúng bất mãn với đường lối đối nội và đối ngoại mà chính phủ Moon Jae-in theo đuổi 5 năm qua.
Luật sư Yoon Suk-yeol, sau 27 năm đảm nhiệm vai trò công tố viên, từ chức để ra tranh cử với tư cách đại diện đảng Quốc Dân Lực Lượng (People Power Party) – một tổ chức chính trị vừa ra đời vào đầu năm 2020, quy tụ ba đảng lớn theo khuynh hướng bảo thủ (Liberty Korea Party, New Conservative Party, Onward For Future 4.0) thống hợp cùng một số đảng khác để đối đầu với đảng cầm quyền Democratic Party theo khuynh hướng cấp tiến.
Thắng lợi của ông Yoon và People Power Party có nghĩa là phe bảo thủ trở lại nắm quyền lãnh đạo đất nước Nam Hàn đúng 5 năm sau khi nữ Tổng Thống Park Geun-hye (lãnh tụ đảng Liberty Korea Party) bị Quốc Hội truất phế vì đổ bể các vụ tham nhũng (2017). Bà Park sau đó bị tuyên án 25 năm tù, nhưng đến năm 2021 được Tổng Thống Moon Jae-in ân xá.
Sở dĩ cuộc bầu cử hôm 9 tháng 3 được các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông dành nhiều chú ý là vì với vị Tổng Thống đắc cử, đường lối đối ngoại của Nam Hàn – nói rõ hơn là quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Cộng, và nhất là việc đối phó với Bắc Hàn – có thể có những chuyển biến mới.
Theo nhận định của một số quan sát viên thời cuộc (như giáo sư Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ Andre Yeo trên trang mạng Foreign Policy), “ông Yoon Suk-yeol ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển liên minh với Hoa Kỳ, nên Nam Hàn sẽ hỗ trợ chính phủ Biden để mở rộng hoạt động tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, và sẽ gắn bó chặt chẽ với nhóm 4 quốc gia (Quadrilateral Security Dialogue tức QUAD, gồm Mỹ, Úc, Nhật, Ấn Độ) về nhiều vấn đề như đối phó đại dịch Covid-19, tăng cường an ninh hàng hải, siết chặt an ninh mạng, chống biến đổi khí hậu”. Những điều này được thể hiện qua cuộc điện đàm giữa Tổng Thống đắc cử Yoon Suk-yeol với Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden và cuộc họp báo đầu tiên của ông Yoon hôm 10 tháng 3.
Khi vận động tranh cử, ông Yoon đã nhiều lần tuyên bố rằng Nam Hàn cần phải liên minh với Mỹ chặt chẽ hơn nữa, cải thiện quan hệ với Nhật Bản, có lập trường cứng rắn với Bắc Hàn, và giảm mức độ phụ thuộc vào Trung Cộng về mặt kinh tế để có thể gây áp lực về mặt nhân quyền. Đường lối này rõ ràng là trái ngược với chính sách hòa hoãn của vị Tổng Thống đương nhiệm, hay nói như ông Yoon là “phải thay thế sự mơ hồ về chiến lược của chính phủ Moon Jae-in bằng sự rõ ràng về chiến lược”.
Suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, với cố gắng không ngừng để nối lại đối thoại giữa hai miền Nam Bắc và mưu tìm hòa bình cho bán đảo Triều Tiên, ông Moon đã ba lần họp thượng đỉnh với Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong-un, làm trung gian đưa tới hai hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un với Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump, và thúc đẩy việc ký kết một hòa ước chính thức nhằm thay thế thỏa ước đình chiến hồi năm 1953. Thế nhưng tất cả những nỗ lực này đều thất bại. Thực tế cho thấy Bắc Hàn vẫn tiếp tục chương trình nguyên tử với ý đồ chế tạo vũ khí hạt nhân, và ngang nhiên thực hiện các cuộc thử nghiệm vũ khí – 9 lần thử nghiệm liên tục từ đầu năm 2022, mới nhất là hỏa tiễn đạn đạo phóng ra Biển Đông hôm 27 tháng 2, chỉ vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống Nam Hàn.
Thái độ ngang ngược của nhà cầm quyền Kim Jong-un khiến ông Yoon khi vận động tranh cử đã không ngần ngại kêu gọi Liên Hiệp Quốc duy trì những biện pháp cấm vận kinh tế, bất chấp sự phản đối gay gắt của Bắc Hàn, đồng thời kêu gọi Mỹ gia tăng các cuộc tập trận chung với Nam Hàn – là hoạt động quân sự mà Tổng Thống Moon Jae-in đã cắt giảm vì không muốn tạo cơ hội cho Kim Jong-un kiếm cớ gây hấn. Lập trường này được ông Yoon giải thích rõ ràng: “Hòa bình là vô nghĩa trừ khi chúng ta có sức mạnh để hậu thuẫn cho hòa bình. Chiến tranh chỉ có thể tránh được khi chúng ta có khả năng để tấn công phủ đầu và thể hiện ý muốn sử dụng sức mạnh”.
Tuy Tổng Thống đắc cử Yoon Suk-yeol khẳng định chính phủ Seoul dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không từ bỏ cơ hội nối lại đối thoại và quan hệ ngoại giao với Bình Nhưỡng, cũng như sẽ tiếp tục cấp viện trợ nhân đạo cho dân chúng Bắc Hàn, nhưng qua lập trường cứng rắn mà ông đưa ra, cùng với việc Kim Jong-un vẫn theo đuổi chương trình nguyên tử, các quan sát viên thời cuộc lo ngại rằng quan hệ giữa hai miền Nam Bắc còn tiếp tục mang tính chất thù địch trong một thời gian dài, và nếu cả hai bên lao vào cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân thì chuyện “phi nguyên tử hóa bán đảo Triều Tiên” mãi mãi sẽ chỉ là một ảo mộng.
Liên quan đến Trung Cộng, điều đáng nói là ông Yoon đề nghị Nam Hàn mua thêm của Mỹ một hệ thống phòng thủ bằng hỏa tiễn (Terminal High Altitude Area Defense tức THAAD) để đối phó với Bắc Hàn. Đây là hành động có thể đưa tới việc Trung Cộng – đối tác thương mại lớn nhất của Nam Hàn – tung ra đòn trả đũa kinh tế. Cách đây 5 năm, khi Nam Hàn thiết trí giàn hỏa tiễn THAAD đầu tiên, Bắc Kinh đã từng phản ứng một cách giận dữ, chỉ vì lo ngại hệ thống radar cực mạnh của THAAD có thể phát giác những hoạt động bí mật của quân đội Trung Cộng.
Liên quan đến Nhật Bản, vấn đề đặt ra cho Tổng Thống đắc cử Yoon Suk-yeol là phải làm sao cải thiện mối quan hệ Nhật – Hàn lâu nay vẫn lạnh nhạt, do những tổn thương nặng nề mà quân đội Nhật từng gây ra khi chiếm đóng bán đảo Triều Tiên thời Đệ Nhị Thế Chiến. Giới truyền thông ghi nhận một dấu hiệu tương đối lạc quan: Đáp lại lời ông Yoon tuyên bố “mong mỏi được thấy người dân Nhật Bản và Nam Hàn cùng nhìn về tương lai thay vì bám chặt vào quá khứ”, Thủ Tướng Nhật Fumio Kishida chúc mừng chiến thắng của ông Yoon với sự tin tưởng “một mối quan hệ Nhật – Hàn lành mạnh là điều vô cùng cần thiết”, tuy nhiên ông Kishida cũng nhắc lại rằng “mọi vấn đề liên quan đến bồi thường chiến tranh đã được giải quyết theo hiệp ước năm 1965”.
TÂN TỔNG THỐNG CHILE TUYÊN THỆ NHẬM CHỨC
Mặc dù tình hình Nam Hàn sau cuộc bầu cử ngày 9 tháng 3 được chú ý đặc biệt, nhưng các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông cũng không quên nhắc tới buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng Thống tại Chile – quốc gia Nam Mỹ, láng giềng của Peru, Bolivia và Argentina.
Ông Gabriel Boric là vị Tổng Thống trẻ nhất trong lịch sử Chile, năm nay mới 36 tuổi, xuất thân từ một luật sư rồi trở thành lãnh tụ tranh đấu của giới sinh viên học sinh. Phong trào tranh đấu này dần dà bùng nổ thành những đợt biểu tình bạo động kéo dài suốt từ cuối năm 2019 đến cuối năm 2021, chỉ gián đoạn một thời gian do sự lan tràn của đại dịch Covid-19.
Vì trong cuộc bầu cử Tổng Thống ngày 21 tháng 11 năm 2021 không có ứng cử viên nào giành được trên 50% số phiếu cử tri, nên cuộc bầu cử vòng hai được tổ chức vào ngày 19 tháng 12, giữa hai đối thủ Gabriel Boric (đại diện khuynh hướng thiên tả) và Jose Antonio Kast (đại diện khuynh hướng cực hữu), để chọn người kế nhiệm Tổng Thống Sebastian Pinera.
Kết quả, ông Boric được 55.86% số phiếu, trong khi ông Kast chỉ được 44.14% số phiếu nên ngay sau đó đã thừa nhận thất bại.
Tại buổi lễ nhậm chức hôm Thứ Sáu 11 tháng 3, tân Tổng Thống Gabriel Boric lập lại lời tuyên bố ba tháng trước “Tôi xin tuyên thệ trước đồng bào: Tôi sẽ là tổng thống của tất cả mọi người dân Chile”.
Lời cam kết của ông Boric mang ý nghĩa trấn an dân chúng trước sự quan ngại của một số người cho rằng tân nội các kết hợp những thành phần từ nhiều tổ chức chính trị – trong đó có cả đảng Cộng Sản – có thể sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt của đất nước Chile và xóa bỏ những thành tựu kinh tế đã đạt được trong mấy thập niên trước đây.
Khi vận động tranh cử, ông Boric đã không ngừng tấn công chính phủ Sebastian Pinera về nền kinh tế suy thoái, lạm phát gia tăng, tham nhũng tràn lan, và nhất là khoảng cách giàu nghèo quá xa giữa các thành phần dân chúng. Căn cứ theo thống kê của Hội Đồng Nghiên Cứu Kinh Tế Liên Hiệp Quốc tại Châu Mỹ La Tinh (United Nations Economic Commission for Latin America and the Caribbean – ECLAC), thành phần giàu có tuy chỉ chiếm 1% dân số Chile nhưng lại kiểm soát tới 26.5% tài sản quốc gia, trong khi thành phần trung lưu chiếm 50% tức phân nửa dân số mà chỉ được hưởng 2.1% của tổng khối tài sản.
Hiện còn quá sớm để biết tân Tổng Thống Gabriel Boric có thực hiện được những lời hứa khi tranh cử hay không, nghĩa là vực dậy nền kinh tế theo cơ chế thị trường đồng thời cố gắng tiến tới xóa bỏ khoảng cách giàu nghèo và cải thiện môi trường để đối phó với thiên tai. Điều chắc chắn là nếu muốn đạt mục đích, trước hết ông Boric sẽ phải tìm cách thỏa hiệp với các nhà lập pháp theo khuynh hướng cực hữu trong Quốc Hội.
Giới quan sát thời cuộc tin rằng triển vọng thành công của tân Tổng Thống và tân nội các sẽ tùy thuộc ít nhiều vào vấn đề tu chính hoặc thay thế bản Hiến Pháp năm 1980, nghĩa là từ thời nhà lãnh tụ độc tài Augusto Pinochet (1974-1990). Theo kết quả cuộc trưng cầu dân ý hồi cuối năm 2020 thì có tới 78.28% dân chúng Chile ủng hộ việc ban hành một bản Hiến Pháp mới, chỉ có 21.72% phản đối.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, CNN, NBC News ngày 17/3/2022
Be the first to comment