Nhà văn Văn Quang, tác giả cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Chân Trời Tím” đã quay thành phim, cùng hàng chục tác phẩm khác được xuất bản trước và sau năm 1975, vừa qua đời lúc 10:20 giờ sáng Thứ Ba ngày 15 tháng 3 năm 2022 tại tư gia ở cư xá Nguyễn Thiện Thuật, Sài Gòn, hưởng thọ 90 tuổi.
Theo Cáo Phó của gia đình, lễ động quan sẽ được cử hành ngày Thứ Năm 17 tháng 3 và hỏa táng tại Trung Tâm Hỏa Táng Bình Hưng Hòa.
Nhà văn Văn Quang tên thật là Nguyễn Quang Tuyến, sinh năm 1933 tại Thái Bình, Bắc Việt. Ông tốt nghiệp Khóa 4 Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức năm 1953 và phục vụ trong các đơn vị tác chiến của Quân Đội Quốc Gia ở miền Bắc trước khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước năm 1954. Di cư vào Nam, ông chuyển sang ngành tâm lý chiến, đảm nhiệm chức vụ Trưởng Phòng Báo Chí Quân Đội thuộc Cục Tâm Lý Chiến (Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị) năm 1956, và là trưởng ban biên tập các báo của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa như Chiến Sĩ Cộng Hòa, Phụng Sự… Từ năm 1969, với cấp bậc Trung Tá, ông được bổ nhiệm làm Quản Đốc Đài Phát Thanh Quân Đội cho đến khi cộng sản cưỡng chiếm Miền Nam ngày 30 tháng Tư 1975.
Sau tác phẩm đầu tay “Tiếng Tơ Lòng” đăng trên nhật báo Thanh Dân ở Hà Nội cuối năm 1953, tập truyện ngắn “Thùy Dương Trang” của Văn Quang được nhà xuất bản Lạc Việt ấn hành tại Sài Gòn năm 1957. Kể từ đó và suốt 18 năm sau, ông cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo, tạp chí tại Sài Gòn như Ngôn Luận, Chính Luận, Tiếng Chuông, Tin Sớm, Tiếng Vang, Kịch Ảnh, Truyện Phim, Điện Ảnh, Văn Nghệ, Tiền Phong, Bách Khoa, Tiểu Thuyết Thứ Năm, Tiểu Thuyết Tuần San…
Cũng trong khoảng thời gian này, hơn 50 truyện dài của nhà văn Văn Quang được hoàn thành dưới hình thức đăng từng kỳ (feuilleton) trên các báo, và 28 tác phẩm đã xuất bản, trong số đó có nhiều truyện dài được giới độc giả trẻ đón nhận nồng nhiệt, như “Nét Môi Cuồng Vọng”, “Nguyệt Áo Đỏ”, “Người Yêu Của Lính” v.v…
Từ 1962 đến 1972, 4 tác phẩm của Văn Quang đã được chuyển thể thành phim là “Chân Trời Tím”, “Ngàn Năm Mây Bay” (đạo diễn Hoàng Anh Tuấn), “Đời Chưa Trang Điểm” (đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc) và “Tiếng Hát Học Trò” (đạo diễn Thái Thúc Nha).
Năm 1970, phim “Chân Trời Tím” do Liên Ảnh Công Ty (tổ hợp 7 hãng phim bao gồm Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia và Công Ty Điện Ảnh Mỹ Vân) thực hiện, đã được ba binh chủng thuộc Bộ Quốc Phòng VNCH hỗ trợ với 100 chiến xa, 45 trực thăng, 300 xe cơ giới để thực hiện những ngoại cảnh trên chiến trường. Cuốn phim do Lê Hoàng Hoa đạo diễn, quy tụ 600 tài tử chính và phụ, làm việc ròng rã ba tháng, cho tới nay vẫn được coi là tác phẩm điện ảnh với đề tài chiến tranh xuất sắc nhất tại Việt Nam, dẫn đầu cả về kinh phí lẫn nhân sự và doanh thu (94 triệu đồng). Sau khi đoạt Tượng Vàng Văn Học Nghệ Thuật do Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu trao tại Dinh Độc Lập năm 1970, phim “Chân Trời Tím” còn đoạt giải nhất về nghệ thuật diễn xuất (Best Artistic Expression Award) tại Đại Hội Liên Hoan Phim Á Châu (Asian Film Festival) tại Đài Bắc năm 1971. Hai nhạc phẩm “Chân Trời Tím” của Trần Thiện Thanh – cảm tác từ cuốn tiểu thuyết – và “Nửa Hồn Thương Đau” của Phạm Đình Chương – nhạc nền cho cuốn phim – cũng trở thành hai ca khúc được hàng triệu thính giả yêu thích.
Sau Tháng Tư Đen 1975, cũng như mọi sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị đưa đi “học tập cải tạo”, nhà văn Văn Quang đã trải qua hơn 12 năm trong các trại tù cộng sản từ Nam ra Bắc rồi trở lại miền Nam, cho mãi đến tháng 9 năm 1987, sau khi bị đưa từ trại Hàm Tân về, mới ra khỏi nhà giam Chí Hòa. Ông đã nói thẳng về khoảng thời gian này: “Nhà tù vẫn là nhà tù, không có chuyện ‘cải tạo’ gì ở đây”.
Trở về Sài Gòn, nhà văn Văn Quang từ chối ra đi theo diện H.O., quyết định ở lại Việt Nam. Từ năm 1992, ông trở thành cộng tác viên thường xuyên của một số báo Việt ngữ tại hải ngoại như Chiêu Dương (Sydney, Úc), Người Việt, Thời Luận, Tiếng Vang (California, Hoa Kỳ).
Năm 2002, ông rời thành phố Sài Gòn dọn về sinh sống tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước), đi đi về về giữa Sài Gòn và Lộc Ninh trong một thời gian. Thời điểm này, ông viết loạt bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” gửi ra hải ngoại để đăng hàng tuần trên các báo Việt ngữ. Loạt bài này trở thành những ký sự được nhiều độc giả hải ngoại ưa thích nhất, nhưng cũng mang lại không ít hệ lụy cho tác giả. Tháng 6 năm 2009, ông bị công an Sài Gòn đến nhà lục soát, cắt điện thoại, cắt internet, tịch thu computer v.v… và nhiều ngày sau đó liên tục bị đòi đến trụ sở công an để “làm việc” – nói chính xác là để thẩm vấn, tra khảo và đe dọa về việc ông đang làm.
Dù vậy, Văn Quang vẫn chọn quyết định sống với cây bút, bất chấp mọi tai họa, như chính ông xác nhận khi trả lời cuộc phỏng vấn trên trang mạng Gió-O năm 2007:“Tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ nữa. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ, và tôi không làm điều gì xấu, không ‘phá hoại’ thì cứ lừng lững mà làm. ‘Danh chính ngôn thuận’ và ‘đường ta ta cứ đi’. Cái gì có thật thì tôi viết. Không bới móc lung tung, không phao tin đồn nhảm. Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật đã và đang xảy ra”.
Qua bài trả lời phỏng vấn trên Gió-O, Văn Quang cho biết ông hiểu rõ hơn ai hết những hạn chế nghiệt ngã trong hoàn cảnh sống ở Việt Nam hiện nay – “viết và ‘lách’ vẫn là điều phải nghĩ tới” – nhưng ông nói thẳng: “Tôi làm cái gì mà luật không cho phép cũng không cấm. Tôi làm với lương tâm một người cầm bút. Dù ở đây chẳng ai công nhận, tôi vẫn là người cầm bút. Người làm báo có thẻ làm báo, nhưng tôi chẳng có gì ngoài những tìm tòi của mình, tự mình lựa chọn thông tin. Còn những ‘rủi ro’ bao giờ tới và tới lúc nào, đành chấp nhận như một số phận an bài. Nếu cứ nghĩ tới những thứ đó thì chẳng làm được việc gì đáng làm. Tôi không tham gia bất kỳ tổ chức nào, tôi không thích “làm chính trị” như bản tính tôi từ xưa tới nay. Tôi chỉ biết cầm bút, độc lập và hành xử theo tiếng gọi của lương tri”.
Trả lời câu hỏi của nhà văn Lê Thị Huệ: “Tại sao ông lại chọn lối viết ‘Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự’ mà không chọn lối sáng tác tiểu thuyết như trước 1975?”, Văn Quang cho biết ông viết loạt ký sự này như những đường nét giúp hình thành “một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống”. Ông nói thêm: “Tôi ‘xông’ vào những đề tài xã hội ‘nóng’ nhất, có tính điển hình nhất mà người dân đang chú ý. Một nhu cầu khác nữa là hướng đến độc giả hải ngoại, đang quan tâm tới điều gì, muốn biết điều gì đang xảy ra tại quê hương mình. Chắc ai cũng muốn có những thông tin chính xác, không bị vo tròn bóp méo bởi bất cứ lý do nào, đôi khi chỉ là sự ‘tam sao thất bản’ nên thông tin thiếu độ trung thực. Tôi chọn lọc những sự kiện ấy, tìm kiếm thông tin chi tiết và làm thế nào càng chính xác được càng tốt. Nó không phải là một bản tin thuần túy, mà có đưa vào những nhận định, quan điểm của riêng mình như một lời bàn bạc, nói chuyện với độc giả một cách bình thường chứ không là lý luận. Từ đó bạn đọc có thể hiểu rõ vấn đề hơn và có thể suy luận, nhận định riêng. Do đó, người ở xa quê hương vẫn có thể biết rõ những sự việc xảy ra tại quê nhà”.
Ông nói tiếp: “Tuy nhiên như chị đã thấy, ‘Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự’ không chỉ là những chuyện lẩm cẩm. Nó có cả những mặt trái, mặt phải của xã hội, chuyện khôi hài, chuyện đau thương, những bản tường trình thẳng thắn vượt qua mọi áp lực. Miễn là chuyện xảy ra có thật. Cái nhìn xoáy về phía sau những sự việc đã và đang xảy ra chứ không phải chỉ có ‘bề mặt’ sự việc, tôi nghĩ đó mới thực sự cần thiết cho bạn đọc ở nước ngoài vốn không có nhiều thì giờ theo dõi. Tóm lại, ‘Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự’ nếu tổng kết lại, sẽ là một bức tranh toàn cảnh của xã hội tôi đang sống. Nó phản ảnh được trung thực mọi vấn đề ở bề mặt đời sống của người dân thuộc đủ mọi tầng lớp xã hội. Từ một anh nông dân ‘lừa được cả nước’ đến một đại gia lương thiện và bất luơng, từ lớp thanh niên đến các quan chức, từ cô gái tỉnh lẻ đến các cô gái chân dài thành thị. Từ nỗi đau thương cơ cực của ‘những người bị bỏ quên’ như anh em thương phế binh VNCH, đến những cảnh trác táng cùng cực, hoang phí vô cùng của lớp người ăn trên ngồi trước… Cái khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, những điều phi lý bất công, những điều cần nói mà người dân không nói được…”
Ngày 21 tháng 6 năm 2017, từ Sài Gòn, nhà văn Văn Quang gửi ra hải ngoại “Thư Từ Giã Bạn Đọc” với nội dung như sau:
“Đây là bài sau cùng tôi viết hàng tuần cho các báo ở nước ngoài. Tôi sẽ ngưng viết loạt bài này vì lý do sức khỏe, không vì bất cứ lý do nào khác.
“Hơn 60 năm cầm bút, tôi không có gì đáng tự hào, bởi chỉ như người lính trên đường trường hành quân không biết mình đã bắn được bao nhiêu viên đạn. Tất cả chỉ vì ba lời thề “Tổ Quốc – Danh Dự – Trách Nhiệm” mà tôi đã thề trước khi trở thành người lính của Quân Đội VNCH. Tôi còn thua cả những đồng đội của tôi đã vĩnh viễn ra đi hoặc bỏ lại một phần thân thể mình trên chiên trường, trở về với cuộc sống vất vưởng nơi quê nhà.
“Trong lá thư ngắn hôm nay, trước khi ngừng viết, tôi xin gửi lời cảm tạ đến tất cả bạn bè, các bạn đọc của các báo và các khán thính giả và các cơ quan truyền thông, các đài phát thanh truyền hình đã từng có thời gian dành cho tôi những tình cảm đặc biệt. Bây giờ đầu óc tôi không còn được minh mẫn nữa, khi nhớ khi quên… Đã đến lúc phải biết mình nên dừng lại ở đâu.
“Tôi chắc chắn trong những bài viết của tôi có nhiều khiếm khuyết, mong được sự bao dung thông cảm của các bạn”.
48 bài viết trong số hơn 500 bài “Lẩm Cẩm Sài Gòn Thiên Hạ Sự” đã được Tủ Sách Tiếng Quê Hương tuyển chọn và ấn hành với tựa đề “Sài Gòn, Người Muôn Năm Cũ” – ghi lại kỷ niệm của nhà văn Văn Quang với những văn nghệ sĩ và những bạn đồng đội đã ra đi, như Huy Quang Vũ Đức Vinh, Phan Lạc Phúc, Bùi Thế Lân, Thái Tuấn, Tạ Tỵ, Lê Xuyên, Phan Nghị, Phạm Huấn, Thái Thủy, Quốc Phong, Thanh Nam, Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Xuân Hoàng, Huyền Vũ, Phi Thoàn, Tô Kiều Ngân, Phạm Đình Chương, Trần Thiện Thanh… Đây là tác phẩm cuối cùng của Văn Quang, sau các tác phẩm đã xuất bản tại hải ngoại như truyện dài “Ngã Tư Hoàng Hôn”, tiểu thuyết phóng sự “Lên Đời” và truyện dài “Chân Trời Tím” (tái bản).
Be the first to comment