Dân Nga ở Nga và khắp thế giới phản đối cuộc chiến của Putin (Nguồn ảnh: Facebook)
“Ngày xưa đọc báo-xem đài để có kiến thức, ngày nay phải có kiến thức để đọc báo-xem đài.” – Đó là kinh nghiệm của những người bị bà bán thịt heo nạt “Muốn mua thịt heo rẻ lên ti vi mà mua!”, bị ông bán xăng khinh bỉ “Xăng nhiều là báo nói chớ cây xăng không có nói”… Vậy mà vẫn còn có rất nhiều người dùng tin tức từ trên báo-đài “chính thống” để bàn luận một cuộc chiến.
Trong khi chỉ cần có internet, nhân loài có thể tự tìm hiểu mọi thứ đang xảy ra ở bên kia địa cầu. Không biết ngoại ngữ thì dùng Google dịch, bị chặn có thể dùng app vượt tường lửa… Với những thông tin đa chiều, bạn sẽ cảm nhận chiến tranh rất gần và thực tế. Chiến tranh không đậm chất văn học, đầy đạo lý ba xu như trên sách giáo khoa, hay các bộ phim được chiếu lâu nay. Chiến tranh không chỉ là những câu chuyện tô vẽ để vinh danh các lãnh tụ, mà còn là những hy sinh của thường dân ở hai đầu chiến tuyến, những sự thật phũ phàng về lòng người, về cách xã hội vận hành…
Qua màn hình, tôi thấy những người giỏi đá banh, quen cầm cọ, vũ công, tài tử, người đẹp… cởi bỏ hào quang ngôi sao, mặc đồ lính và chiến đấu vì quê hương Ukraine. Ngay cả ông tổng thống bị nhiều người mỉa mai “thằng hề” cũng dùng bản thân làm tấm gương cho cả nước, khích lệ nhân dân chiến đấu – Ðiều mà ở nơi chưa có chiến tranh, nhưng hầu hết người tài, người có tiền, tài tử, quan chức… đều có song quốc tịch thấy khó hiểu. Sao họ không bỏ chạy? Họ không sợ sao? Ông tổng thống của một nước mà không lo nổi cho mình cái quốc tịch Cyprus à?
Những cậu bé Nga mặt non chẹt, bị bắt cầm súng đi phá hủy nơi có thể có người thân của các cậu sinh sống (Có rất nhiều gia đình ở cả hai nước Ukraine và Nga). Trong các video được đăng lên, vài người lính Nga khi bị bắt, khai là ban đầu không hề được cấp trên cho biết đi xâm lược Ukraine, tưởng là đi tập trận – Chuyện tưởng là chỉ có ở thời đại thiếu thông tin, internet trước 1975. Không biết lính Nga có được tuyên truyền là nhân dân Ukraine đang bị áp bức kìm kẹp bởi độc tài Zelensky, đang mong chờ được giải phóng không?
Những người đang bận rộn với cơm áo gạo tiền ở nước giàu và bình an hơn (Ba Lan, Ðức, Hungari…) có thể bỏ hết xuống mà xắn tay giúp đỡ từng đoàn người di tản. Trong những đoàn di tản, không chỉ có phụ nữ, con nít, người già mà còn có chó, mèo… cả mấy con vật trong sở thú cũng được người Ukraine đưa đi tránh bom. Vậy mà Tổng thống Nga Putin cáo buộc quân Ukraine là “tân phát xít”, bộ Hitler ngày xưa chỉ giết người chứ không giết thú sao?
Người ta nói, không ai nói xấu người Việt nhiều bằng người Việt, có lẽ vì người Việt biết tiếng Việt nhiều hơn người nước ngoài nên người Việt dễ thấy cái xấu của người Việt. Vì vậy, bên cạnh những người Việt tốt ở lại Ukraine bảo vệ quê hương thứ hai, những người Việt tốt ở Ba Lan/Ðức/Hungari… giúp đồng bào qua tị nạn có chỗ ăn chỗ ngủ, những người Việt tốt kêu gọi Putin dừng tay… Thì tôi thấy rất nhiều người Việt ở Ukraine nhưng lại ủng hộ việc làm xấu xí của Putin, điều lạ là họ không chạy qua Nga tị nạn mà đi qua các nước Châu Âu. Tôi thấy những người Việt ở Ukraine đi tị nạn nhưng còn kén cá chọn canh, chê Ba Lan, một hai đòi tìm cách qua Ðức tị nạn, với mộng đổi quốc tịch “danh giá” hơn…
Tóm lại, dầu ngồi ở Ðông Nam Á hay Ả Rập, vẫn có thể nghe tiếng nổ vang dội, thấy tòa nhà cao chất ngất bị bắn lủng bụng, thấy đoàn xe tăng đi vào thành phố, thấy phế tích của những nơi từng được các tờ báo về du lịch khuyến khích tới thăm. Thấy xác lính/xác người dân. Thấy nước mắt của bà mẹ mất con, những đứa trẻ trong hầm trú ẩn bơ vơ vì ba mẹ đang đi bảo vệ quê hương, những gương mặt bàng hoàng của mấy con chó chưa biết nhân loài đang chơi trò gì. Thấy luôn từng cái cơ mặt của các vị lãnh tụ của hai phe giữa cuộc chiến… Cách đây vài chục năm, những người dân nhỏ bé không thể thấy những hình ảnh đó. Ngay cả khi đọc báo-xem đài, chưa chắc họ được nhìn thấy gần và rõ ràng như vậy! Cũng không thể biết, báo-đài xưa có đăng sự thật hay không? Vì ngay cả trong thời đại thông tin phổ cập mọi nơi, thế giới phẳng lỳ này mà người ta còn cố tình đưa thông tin giả mà.
‘My city is being shelled, but my mum in Russia won’t believe me’ (Thành phố tôi đang bị dội bom, nhưng mẹ tôi sống ở Nga thì lại không tin lời tôi nói.) – Oleksandra ở Ukraine, mẹ cô ấy ở Nga (Nguồn ảnh: bbc.com)
Trên BBC có bài viết kể cô gái Oleksandra (đang trú ẩn ở Kharkiv, Ukraine) cảm thấy bất lực, khi mẹ cổ (sống ở Nga) không chịu tin là thành phố cổ đang sống bị dội bom. Bất chấp video quay lại cảnh oanh tạc nặng nề, cha mẹ Oleksandra vẫn không tin là lính Nga lại tấn công thường dân, có thể là do tai nạn thôi, hoặc người Ukraine đang giết chính dân mình. Không uổng công, trong khi chiến sự đùng đùng, bị khắp nơi cấm vận và khinh bỉ, ngày 4-3-2022, Chủ tịch Hạ viện Nga – Vyacheslav Volodin vẫn có thời gian tuyên bố vừa thông qua dự luật phạt nặng những ai thông tin sai “sự thật”, có sự “giật dây” từ nước ngoài. “Sự thật” trong ngoặc kép vì nó là sự thật bị kiểm duyệt. Không biết dân nước khác nghe câu chuyện trên và cái luật lệ này có cảm nghĩ gì, chứ người Việt sẽ cảm thấy rất là quen thuộc.
Nhờ sự rộng mở thông tin trên, mà dân tình không khó để chọn “phe”. Vì vậy, ngoài những lời nguyền rủa của chính dân Nga và người dân thế giới, Nga liên tục được nhận các gói “viện trợ” từ các nước lớn. Ví dụ như nhiều ngân hàng Nga bị EU loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Bị hàng loạt cấm vận từ Mỹ, vì vậy mà các công ty lớn của Mỹ cũng cho Nga ra rìa, các công ty hợp tác cùng Nga cũng phải nghĩ lại. Bị các nước vốn luôn đứng ngoài cuộc xem thiên hạ đánh nhau như Thụy Sĩ (nước trung lập kể cả hồi chiến tranh thế giới thứ 2 – lần đầu tiên cấm vận lên hàng trăm tài khoản của quan chức, tài phiệt Nga), Thụy Ðiển (lần đầu tiên từ 1939 cung cấp vũ khí cho 1 phe – Ukraine), Ðức cũng lần đầu làm việc này. Ðan Mạch (cổ vũ công dân nước mình tham gia quân đoàn quốc tế ở Ukraine), nước nho nhỏ như Tân Gia Ba cũng chướng mắt Nga…
Ngày 1-3, hơn 100 nhà ngoại giao từ khoảng 40 quốc gia phương Tây và các đồng minh (bao gồm cả Nhật Bản) đã bỏ ra ngoài trong thời gian bài phát biểu của Ngoại trưởng Nga – Sergei Lavrov tại diễn đàn nhân quyền hàng đầu của Liên Hợp Quốc. Mạng của Tổng thống Nga và các cận thần được treo thưởng công khai mà khá ít người phản đối. Nói như cụ Tổng Việt Nam: «mình phải có thế nào người ta mới thế chứ».
Người Việt chê nhau: Ăn cơm với muối… nói chuyện trên núi, nhưng…
Có người buồn thì cũng phải có người vui, cơn mưa tài trợ quân sự từ các nước lớn đổ về Ukraine. Ngoài ra, còn cơn mưa… bàn phím, lời cầu nguyện, quà tặng, tiền và sự ngưỡng mộ từ những người dân có lương tri khắp địa cầu, trong đó có cả dân Nga, dân Trung Quốc, dân Việt, có lẽ có cả vài người dân Bắc Triều Tiên. Tôi tin, dầu có bị tẩy não tới đâu thì người ta vẫn còn những phần lương thiện trong tâm hồn, trừ những kẻ có máu “phát xít”, thần tượng Putin quá đà hoặc cố tình từ bỏ phần người trong bản ngã. Những kẻ này cũng có khá đông ở Việt Nam. Họ cũng rất hay tỏ ra mình là người có kiến thức và tâm hồn đẹp, vì:
Khi bạo lực gia đình xảy ra – họ kêu gọi: “Chúng ta không vô can”.
Khi bất bình đẳng giới xảy ra – họ kêu gọi: “Chúng ta không vô can”.
Khi tranh đấu cho người da màu xảy ra – họ kêu gọi: “Chúng ta không vô can”.
Khi tệ nạn xã hội, nhân tai, thiên tai… xảy ra – họ kêu gọi: “Chúng ta không vô can”.
Nhưng:
Khi Trung Quốc phá hoại ở biển Ðông – họ im lặng.
Khi chiến tranh Nga – Ukraine xảy ra – họ:
– Hòa bình không muốn, muốn bị đánh.
– Nước nhỏ bày đặt cãi anh lớn, bị đập là đúng.
– Người Việt Nam ăn cơm với muối nói chuyện trên núi, ăn mắm tôm nói chuyện thế giới…
– Lo làm kiếm ăn đi, đừng lo chuyện bao đồng…
– Mày lên tiếng rồi có thay đổi được gì không?
Chính quyền Việt Nam nổi tiếng “yêu hòa bình” bỏ phiếu trắng khi Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trưng cầu ý kiến về việc “lên án Nga về cuộc xâm lược Ukraine và yêu cầu Nga chấm dứt chiến tranh” (Nguồn ảnh: Facebook Đại diện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Hà Nội, bà Nataliya Zhynkina)
Ðúng, từng cá nhân ủng hộ hay phản đối Nga, không giúp Putin bớt hung hăng, không giúp Ukraine lớn mạnh… nhưng… im lặng là đồng lõa với tội ác, im lặng là tiếp tay cho kẻ ác. Người có lương tri là người biết mình phải làm gì và làm tốt nhất những gì có thể, trong phạm vi hiện tại. Chứ không phải là phải thấy sẽ có kết quả rõ ràng thì mới hành động. Quan trọng là một người lên tiếng không sao, nhưng một triệu người lên tiếng lại có sao, ít nhất là khiến cho kẻ ác thấy được sự cô độc của mình giữa thế giới văn minh. Như Putin, người ta nói ông ta không có tài khoản nước ngoài vì ông ta gần như là Sa Hoàng tại Nga thời hiện đại, nên cấm vận là một điều vô nghĩa. Nhưng thử hỏi Putin xem, có cảm thấy nhục nhã không khi bị thế giới văn minh quay lưng? Người Nga có cảm thấy sợ hãi không khi tiền Nga lao dốc?
Nhiều người Việt lấy cớ “yêu hòa bình” nên trách… Ukraine không chịu nhượng bộ Nga, không cho Putin sai khiến. Buộc Putin phải xâm lược. Họ khuyên lãnh đạo Ukraine học theo lãnh đạo Việt, nhượng bộ Trung Quốc, đồng thời phải “khéo léo” đi đêm với tư bản để được yên. Lâu lâu chỉ cảm thấy “quan ngại” vài lần với tình hình ngoài Biển Ðông, với cúm Tàu, với hàng Tàu, với du lịch 0 đồng, với ngư dân bị ăn hiếp trên biển, với nông dân bị lừa, với người Tàu/tội phạm Tàu tràn lan đất Việt… Ở nước ngoài, người ta đang đấu tranh để giành giật hòa bình trọn vẹn, còn ở nơi đây, người ta đang cố níu kéo hòa bình giả tạo để che giấu chiến tranh.
Nếu nghĩ là lên tiếng cho Ukraine là lo “chuyện thế giới”, “chuyện bao đồng”, thì một mai, khi chính bản thân bị áp bức, đừng bao giờ đưa tay cho một ai và mong họ kéo ra khỏi vũng lầy. Ngoài ra, ngay khi những chiếc xe tăng Nga chạy vào Ukraine kia đã kéo theo giá xăng, giá vận chuyển, giá thị trường lên đỉnh cao của bảng thống kê thế giới. Không chỉ ảnh hưởng tới chi phí sinh hoạt mà còn ảnh hưởng đến nhịp sống, đến bao nhiêu kế hoạch sản xuất và phát triển của từng con người trên toàn thế giới, khi họ chưa sẵn sàng. Bạn có ăn cơm không? Có lái xe không? Công ty bạn có nhập hoặc xuất cảng hàng hóa không?
Nên nhớ, dầu bạn không quan tâm chính trị, thì chính trị cũng sẽ quan tâm bạn.
Du Uyên
Theo Báo Trẻ online ngày 10/3/2022
Be the first to comment