Làn Sóng Tỵ Nạn Chiến Tranh Từ Ukraine Đã Vượt Quá 2 Triệu Người

Chiến cuộc tại Ukraine đang bước sang ngày thứ mười lăm kể từ khi Tổng Thống Nga Vladimir Putin ra lệnh “mở một chiến dịch quân sự đặc biệt” để xâm lược lãnh thổ nước láng giềng, bất chấp sự lên án của gần như tất cả các quốc gia trên thế giới, và đưa tới một làn sóng tỵ nạn cho tới nay đã vượt quá 2 triệu người.

Những trận mưa bom và hàng ngàn trái hỏa tiễn bắn vào các khu dân cư đã khiến nhà cửa sụp đổ tan hoang, rất nhiều người dân vô tội – gồm cả phụ nữ lẫn trẻ em – thiệt mạng. Nhưng vì vấp phải sự kháng cự quyết liệt của quân và dân Ukraine nên hiện Nga mới chỉ chiếm được hai thành phố Kherson, Melitopol, và kiểm soát chưa đầy 10% diện tích của Ukraine, nghĩa là một số vùng ở sát biên giới phía bắc, phía đông (gần Donbas), phía Nam (gần Crimea).

Với 141 phiếu thuận, chỉ có 5 phiếu chống và 35 phiếu trắng, Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc trong phiên họp khẩn cấp hồi tuần rồi (Thứ Tư 2 tháng 3) đã thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngưng tấn công ngay tức khắc và rút quân ra khỏi Ukraine. Tuy nhiên nghị quyết của Đại Hội Đồng chỉ thể hiện quan điểm của đa số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chứ không có hiệu lực cưỡng chế như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An.

“HÀNH LANG NHÂN ĐẠO” CHO DÂN TỴ NẠN

Sau các cuộc thương thuyết giữa hai phái đoàn Nga – Ukraine tại thị trấn Gomel ở biên giới Belarus, Bộ Quốc Phòng Nga hôm Thứ Ba 8 tháng 3 loan báo “tạm ngưng bắn” và đồng ý mở những “hành lang nhân đạo” để di tản dân chúng ra khỏi 5 địa phương đang bị quân đội Nga bao vây (gồm thủ đô Kyiv và các thành phố Chernihiv, Sumy, Kharkov, Mariupol).

Phó Thủ Tướng Ukraine (Iryna Vereshchuk) và Thống Đốc vùng thủ đô Kyiv (Oleksiy Kuleba) cho biết những đoàn xe đầu tiên chở người tỵ nạn đã rời thành phố Sumy và khu Irpin ở ngoại ô Kyiv vào sáng Thứ Ba. Tuy nhiên Tổng Thống Volodymyr Zelensky mới buổi tối hôm trước lên tiếng báo động là quân đội Nga vẫn điều động xe thiết giáp, gài mìn và bắn hỏa tiễn, cố tình ngăn cản việc di tản thường dân.

Sáng Thứ Tư 9 tháng 3 Tổng Thống Zelensky gửi tin nhắn trên mạng xã hội cho biết quân đội Nga tiếp tục tấn công thành phố Mariupol, và tố cáo một hành động vô cùng tàn bạo là phi cơ Nga oanh kích một bệnh viện sản khoa và nhi khoa, khiến nhiều bệnh nhân bị chôn vùi dưới lớp gạch đá và 17 sản phụ bị thương. Những hình ảnh kinh hoàng của vụ oanh kích này được Bộ Ngoại Giao Ukraine phổ biến trên mạng ngay tức khắc, mặc dù phát ngôn viên Điện Kremlin vẫn khăng khăng chối bỏ. Ông Volodymir Nikulin, một sĩ quan cảnh sát Ukraine nói với báo chí: “Hành động của Nga hôm nay rõ ràng là một tội ác chiến tranh, không có cách nào biện minh được”.

Theo Cao Ủy Tỵ Nan Liên Hiệp Quốc thì trước và sau khi “hành lang nhân đạo” được thiết lập, đã có trên 2 triệu dân Ukraine rời bỏ quê hương bằng mọi phương tiện tự túc hoặc do các cơ quan thiện nguyện cung cấp – xe buýt, xe lửa, xe hơi, kể cả đi bộ – để qua lánh nạn ở những nước láng giềng như Ba Lan (Poland) Hung Gia Lợi (Hungary), Moldova, Slovakia, Romania, Belarus. Chỉ riêng Ba Lan cho tới nay đã nhận khoảng 1 triệu 200 ngàn người. Cao Ủy Tỵ Nan ước lượng trẻ em chiếm phân nửa trong số 2 triệu dân tỵ nạn từ Ukraine.

Liên Hiệp Âu Châu (EU) nhận định rằng nếu chiến cuộc Ukraine kéo dài, số dân tỵ nạn có thể sẽ lên tới 4 triệu người. Toàn thể 27 quốc gia thành viên EU đều đã nới lỏng chính sách bảo vệ biên giới kể từ tuần trước và mở rộng vòng tay đón nhận những người Ukraine tỵ nạn.

NGA ĐÃ MẤT 2 TƯỚNG TRÊN CHIẾN TRƯỜNG UKRAINE

Chiến cuộc đang tiếp diễn dữ dội ở các thành phố lớn và chung quanh thủ đô Kyiv. Số thương vong của cả hai phía Nga và Ukraine tiếp tục tăng, mặc dù chưa thể kiểm chứng để có được con số chính xác.

Theo số liệu ước đoán do hãng thông tấn Reuters phổ biến hôm Thứ Tư 9 tháng 3 thì về phía Ukraine đã có ít nhất 13,000 người thiệt mạng – gồm cả quân nhân và thường dân – ngoài ra còn 1,300 người bị thương đang được điều trị. Tại Mariupol, vì không kịp đào hố cá nhân giữa lúc thành phố đang bị phi cơ Nga oanh kích dữ dội nên hôm Thứ Ba một số thi hài đã phải mai táng tập thể.

Về phía Nga, hôm Thứ Tư tuần trước (2 tháng 3) Tướng Igor Konashenkov phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Nga nói với báo chí là có 498 binh sĩ tử trận và 1,597 người bị thương. Giới truyền thông cho rằng con số thực tế cao hơn nhiều. Chính phủ Ukraine ước đoán đã có tới 11,000 binh sĩ Nga tử trận, tuy nhiên theo một chuyên gia an ninh quốc phòng Anh Quốc là giáo sư Michael Clarke (cựu tổng giám đốc Royal United Services Institute – RUSI) thì con số 10,000 gần với thực tế hơn.

Trong cuộc điều trần tại Hạ Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Ba 8 tháng 3, Thiếu Tướng Scott D. Berrier, giám đốc Cơ Quan Tình Báo Quốc Phòng (Defense Intelligence Agency – DIA) ước đoán số tử vong của quân đội Nga ít nhất từ 2,000 đến 4,000 người, nhưng nói thêm rằng ông “không hoàn toàn tin tưởng” vào con số này.

Cùng ngày Thứ Ba, Bộ Quốc Phòng Ukraine loan báo một sĩ quan cao cấp của Nga là Thiếu Tướng Vitaly Gerasimov, tham mưu trưởng Quân Đoàn Bộ Binh 41, đã thiệt mạng cùng với một số sĩ quan cấp tá, trong trận chiến ở ven biên thành phố Kharkiv (miền đông Ukraine).

Điện Kremlin chưa đưa ra lời bình luận nào, nhưng nếu tin này được xác nhận thì Thiếu Tướng Vitaly Gerasimov là sĩ quan cấp tướng thứ nhì của Nga tử trận trên chiến trường Ukraine. Hơn một tuần trước đây, cơ quan truyền thông Nga xác nhận Thiếu Tướng Andrey Sukhovetsky, phó tư lệnh Quân Đoàn Bộ Binh 41, đã thiệt mạng vì bị bắn sẻ ở gần thành phố Mariupol (miền nam Ukraine) hôm Thứ Hai 28 tháng 2.

Đài BBC trích lời một số chuyên viên quân sự Tây phương nhận định rằng việc các sĩ quan hàng tướng tá của quân đội Nga tử trận là thêm một dấu hiệu cho thấy cuộc xâm lược Ukraine không diễn ra theo đúng kế hoạch. Ngoài ra, vì rất khó điền khuyết những vị tướng có kinh nghiệm nên những mất mát như vậy thường ảnh hưởng đến tinh thần binh sĩ. Bộ Trưởng Quốc Phòng Anh Quốc Ben Wallace phát biểu trên chương trình BBC Radio 4: “Ngay cả trường hợp Nga thắng cuộc chiến ở Ukraine, họ cũng phải đối phó với các lực lượng đối kháng trong nhiều thập niên chiếm đóng mà tôi không nghĩ rằng ông Putin sẽ có khả năng duy trì”.

MỸ CẤM NHẬP CẢNG DẦU THÔ CỦA NGA

Song song với chiến cuộc đang tiếp diễn, Mỹ và các quốc gia đồng minh đang tiếp tục gia tăng những biện pháp chế tài, gây áp lực nặng nề đối với nền kinh tế nước Nga cũng như nhắm thẳng vào Tổng Thống Vladimir Putin cùng các nhà tài phiệt thân cận với ông ta.

Hôm Thứ Ba 8 tháng 3, Tổng Thống Joe Biden loan báo quyết định cấm nhập cảng dầu thô của Nga – được coi như một bước quan trọng để bao vây kinh tế Nga, vì việc xuất cảng dầu thô giúp chính phủ Putin duy trì nguồn ngoại tệ giữa bối cảnh đang bị quốc tế cô lập về mặt tài chánh. Các bản tin thông tấn ghi nhận đây là biện pháp mới nhất nhằm đáp ứng lời Tổng Thống Zelensky của Ukraine kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu hãy ngưng mua dầu thô, cắt đứt nguồn ngoại tệ quan trọng nhất của Nga.

Cách đây hai tuần Tổng Thống Biden giải thích lý do khiến ông ngần ngại chưa muốn tiến đến việc cấm nhập cảng dầu thô của Nga là vì không muốn dân chúng phải chi phí quá nhiều khi mua xăng dầu. Nhưng hôm Thứ Ba, ông tuyên bố “Bảo vệ tự do cũng có cái giá của nó”, và kêu gọi người dân Mỹ sẵn sàng đối phó với ảnh hưởng kinh tế của biện pháp chế tài này. Tổng Thống Biden nói thêm rằng có nhiều lý do để giải thích cho giá xăng dầu leo thang, đồng thời cảnh cáo các công ty nhiên liệu không được lợi dụng cơ hội để trục lợi bằng cách tăng giá quá đáng.

Giá xăng ở Mỹ đã tăng đều đặn trong mấy tuần lễ gần đây. Theo công ty AAA, mức giá trung bình cho một gallon xăng đã tăng từ 45 cents đến 75 cents và lên tới $4.23/gallon hôm Thứ Ba tuần này.

Mặc dù quyết định cấm nhập cảng dầu thô là biện pháp đơn phương của Hoa Kỳ nhưng chính phủ Biden vẫn tham khảo ý kiến các quốc gia đồng minh tại Âu Châu, vốn bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga. Cho tới nay Mỹ không nhập cảng khí đốt của Nga nhưng mỗi ngày nhập cảng khoảng 672,000 thùng dầu, nghĩa là khoảng 5% lượng xuất cảng dầu thô của Nga và tương đương 8% tổng lượng nhập cảng của Mỹ. Dầu thô mua của Nga chỉ chiếm 3% tổng số nhiên liệu mà Mỹ nhập cảng, trong khi 51% là mua của Canada, kế tiếp là từ Mexico và Ả Rập Saudi.

Trong khi đó, khoảng 1 phần 3 lượng khí đốt mà các quốc gia châu Âu đang tiêu thụ là nguồn cung cấp của Nga. Các quốc gia này cho biết họ sẽ tìm cách giảm sự lệ thuộc vào Nga, nhưng để tránh tình trạng thiếu hụt năng lượng, họ cần có thời gian để tìm nguồn cung cấp khác.

Ông Frans Timmermans, Ủy viên phụ trách vấn đề khí hậu của Liên Hiệp Âu Châu (EU) nói rằng trong những tháng tới đây EU sẽ bắt đầu giảm dần mức độ lệ thuộc, chuẩn bị dự trữ từ 80% đến 90% khí đốt cho mùa đông, để vài năm nữa có thể hoàn toàn độc lập về nguồn khí đốt. Theo ông Timmermans, “tuy việc này không dễ dàng, nhưng có thể thực hiện được”. Ủy Ban Âu Châu vừa đưa ra kế hoạch đa dạng hóa nguồn năng lượng, mua thêm khí đốt và khí hóa lỏng (Liquified Natural Gas – LNG) từ các nước khác, tăng lượng sử dụng hydrogen và gia tăng các dự án năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

PHONG TRÀO TẨY CHAY KINH TẾ LAN RỘNG

Kể từ tuần trước, một loạt những doanh nghiệp lớn trên thế giới đã bắt đầu tuyên bố rút ra khỏi thị trường Nga để bày tỏ thái độ phản đối quân đội Nga mở cuộc tấn công Ukraine. Danh sách “tẩy chay kinh tế” rất dài, trong đó có các công ty xăng dầu BP, Exxon Mobil, hãng máy bay Boeing, các hãng xe hơi GM, Ford, Volkswagen, Volvo, công ty điện tử Apple, các nhà sản xuất phim ảnh Disney, Sony, Warner, Netflix v.v…

Đến cuối tuần vừa qua, bốn công ty tài chánh hàng đầu thế giới là MasterCard, Visa, American Express và PayPal hôm Thứ Bảy 5 tháng 3 đồng loạt loan báo ngưng mọi hoạt động ở Nga. Chủ tịch điều hành American Express là ông Stephen J. Squeri nói rõ quyết định này nhằm tỏ thái độ trước “cuộc tấn công hoàn toàn không chính đáng nhắm vào người dân Ukraine”, cho biết thêm rằng American Express đóng góp 1 triệu dollars vào công tác thiện nguyện do các tổ chức International Rescue Committee, International Medical Corps, Hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ và UNICEF đang thực hiện để giúp người tỵ nạn Ukraine.

Thông cáo báo chí của hai công ty MasterCard và Visa cũng nêu lý do tương tự khi loan báo tất cả mọi dịch vụ dùng thẻ tín dụng của họ do các ngân hàng ở Nga cấp phát đều vô giá trị – nghĩa là hầu như đẩy người dân Nga đến chỗ chỉ có thể dùng tiền mặt để tiêu xài mua sắm.

Hôm Thứ Ba 8 tháng 3, đến lượt 4 công ty lớn là PepsiCo, Coca-Cola, McDonald’s và Starbucks Coffee loan báo tạm ngưng hoạt động ở Nga.

Công ty PepsiCo có mặt trên thị trường Nga đã hơn 60 năm nay, và McDonald’s mở tiệm đầu tiên ở Moscow cách đây đúng 32 năm, chỉ vài tháng trước khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Doanh thu ở Nga của PepsiCo mạnh hơn đối thủ là Coke (Coca-Cola), chiếm gần 4% tổng doanh thu hàng năm. PepsiCo loan báo ngưng bán các loại nước ngọt Pepsi-Cola, 7-UP, Miranda, cũng như ngưng mọi hoạt động đầu tư và quảng cáo ở Nga, tuy vẫn tiếp tục bán vài sản phẩm thiết yếu, như sữa bột cho em bé.

Cũng hôm Thứ Ba, công ty McDonald’s loan báo tạm thời đóng cửa tất cả 850 tiệm fast food ở Nga để tỏ thái độ trước “tình trạng thống khổ của người dân Ukraine mà đáng lẽ không bao giờ nên xảy ra”. Doanh số ở cả Nga và Ukraine chiếm khoảng 2% doanh số toàn cầu của McDonald’s.

Về phần Starbucks Coffee, hôm Thứ Sáu tuần trước tổng giám đốc Kevin Johnson phổ biến thông cáo lên án cuộc xâm lăng của Nga vào Ukraine, và đến Thứ Bảy tuần này Starbucks chính thức tuyên bố tạm ngưng mọi hoạt động kinh doanh ở Nga.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*