PHONG TRÀO “FREEDOM CONVOY” TỪ CANADA ĐẾN D.C.
Một đợt biểu tình của hàng trăm tài xế xe vận tải để phản đối những biện pháp phòng chống Covid-19, sau khi kéo dài 24 ngày làm tê liệt sinh hoạt thủ đô Ottawa của Canada, đã bị cảnh sát giải tán hôm Chủ Nhật 20 tháng 2, bắt giữ 191 người và tịch thâu gần 80 chiếc xe.
Nhưng nếu sự yên tĩnh đã trở lại với Ottawa thì sinh hoạt chính trị của Canada vẫn chưa thật sư lắng dịu, với các cuộc xuống đường tiếp tục diễn ra ở thủ phủ tỉnh bang Québec, trong khi phong trào mệnh danh là “Freedom Convoy” của các tài xế lái xe vận tải bắt đầu lan sang một số nước khác như Mỹ, Pháp, Anh, Áo, Úc, Tân Tây Lan…
Tin tức cho biết một đoàn xe trucks dự định kéo về thủ đô Hoa Kỳ đúng vào thời điểm Tổng Thống Joe Biden đọc thông điệp “State of the Union” trước Quốc Hội ngày Thứ Tư 1 tháng 3, khiến gần 500 nhân viên cơ quan công lực tại Washington D.C. được lệnh ứng trực và chuẩn bị đối phó. Mặc dù tôn trọng quyền biểu tình ôn hòa của người dân, nhưng để đề phòng bạo động, một lớp rào chắn sẽ được dựng lên chung quanh Điện Capitol. Ngoài lực lượng cảnh sát tại Quốc Hội còn có cơ quan Secret Service và Vệ Binh Quốc Gia cùng phối hợp trong nhiệm vụ giữ an ninh.
Các cơ quan truyền thông trích lời một nhân vật vận động cuộc “xuống đường bằng xe vận tải” này là doanh gia Bob Bolus, nói rằng ông ta sẽ từ Scranton (Pennsylvania) đi về D.C. vào sáng Thứ Tư, và đoàn xe trucks sẽ “phong tỏa hoàn toàn” xa lộ 495 (tức Capital Beltway). Khi được hỏi về ảnh hưởng đối với sinh hoạt của dân chúng, Bolus cho biết “sẽ chừa trống một lane cho xe cứu hỏa, cứu thương”, còn người lái xe đi làm nếu bị kẹt cứng thì ráng chịu. Vẫn theo lời Bolus thì hàng trăm tài xế xe vận tải có thể sẽ hưởng ứng và tham gia cuộc xuống đường này, trong đó có những người từ California đang lái xe suốt đoạn đường 2,793 miles để qua thủ đô D.C.
DIỄN BIẾN ĐỢT BIỂU TÌNH Ở CANADA
Tưởng cần nhắc lại sơ lược những gì đã diễn ra ở nước láng giềng Canada trong mấy tuần lễ vừa qua.
Đợt biểu tình “Freedom Convoy” (tiếng Pháp: Convoi de la liberté) bắt đầu từ ngày 22 tháng 1, khi các tài xế dùng xe lái xe vận tải của họ làm phương tiện để phản đối chính phủ Canada về quy định buộc những người lái xe chở hàng qua biên giới để phải chích ngừa hoặc xét nghiệm Covid-19.
Những đoàn xe lớn (18-wheeler trucks) và các loại xe khác đã từ nhiều nơi đổ về thủ đô Ottawa, chận hết các ngả đường tại trung tâm thành phố. Cùng lúc, hàng ngàn người dân đổ ra đường, mang theo biểu ngữ ủng hộ cuộc biểu tình vào ngày 29 tháng 1 trước trụ sở Quốc Hội (Parliament Hill).
Từ việc phản đối các quy định phòng chống đại dịch, mục tiêu biểu tình được mở rộng để trở thành phản đối Thủ Tướng Justin Trudeau và nội các của ông, thể hiện quan điểm cực hữu của những người biểu tình chống lại chính sách của đảng Cấp Tiến (Liberal Party) mà ông Trudeau là lãnh tụ.
Suốt hai tuần lễ đầu tháng 2, thủ đô Ottawa bị phong tỏa và mọi sinh hoạt hầu như tê liệt, trong khi làn sóng biểu tình lan qua nhiều nơi khác.
Ngày 7 tháng 2, những người biểu tình dùng xe vận tải phong tỏa chiếc cầu mang tên “Ambassador” nối liền thành phố Windsor (thuộc tỉnh bang Ontario của Canada) với thành phố Detroit (thuộc tiểu bang Michigan của Hoa Kỳ). “Ambassador Bridge” là chiếc cầu huyết mạch để vận chuyển hàng hóa hai chiều với trị giá lên tới 360 triệu dollars mỗi ngày – tức 25% tổng số giao dịch thương mại giữa Mỹ với Canada – và được coi như tuyến giao thông nhộn nhịp nhất vùng Bắc Mỹ.
Cuộc phong tỏa làm tắc nghẽn hệ thống cung ứng phụ tùng cho các cơ xưởng sản xuất xe hơi tại thành phố Detroit, buộc ba đại công ty Ford, General Motors và Toyota phải đồng loạt cắt giảm sản lượng.
Ngày 11 tháng 2, Thủ Hiến Doug Ford ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn tỉnh bang Ontario. Cùng lúc, Hội Đồng Thành Phố Windsor xin tòa án ban lệnh giải tán biểu tình.
Thi hành án lệnh, cảnh sát Canada bắt giữ 42 người biểu tình và tịch thâu 37 chiếc xe. Kết quả là sau sáu ngày bị phong tỏa, cầu Ambassador đã mở cửa trở lại vào tối Chủ Nhật 13 tháng 2. Tuy nhiên tình hình ở thủ đô Ottawa vẫn dậm chân tại chỗ.
Hôm Thứ Hai 14 tháng 2, lần đầu tiên trong lịch sử Canada, Thủ Tướng Justin Trudeau phải dùng tới đạo luật về quyền hạn khẩn cấp (Emergencies Act) để ra lệnh cho cơ quan công lực toàn quốc giải tán đoàn biểu tình “Freedom Convoy”. Một tuần sau đó, việc sử dụng đạo luật này đã được Hạ Viện Canada biểu quyết chấp thuận với tỷ số phiếu 185/151.
Kể từ 11 giờ tối thứ Sáu 18 tháng 2, Sở Cảnh Sát Ottawa phổ biến liên tiếp nhiều lần trên mạng xã hội bản thông cáo chính thức, yêu cầu những người dùng xe vận tải làm phương tiện biểu tình lập tức rời khỏi vị trí họ đang chiếm đóng. Thông cáo viết: “Quý vị phải rời đi. Quý vị phải chấm dứt các hoạt động bất hợp pháp và mang xe hoặc tài sản của quý vị ra khỏi những địa điểm biểu tình bất hợp pháp. Bất cứ ai không tuân hành có thể sẽ bị bắt giam”.
Sau đó nhiều đơn vị cảnh sát bắt đầu phối hợp thực hiện các cuộc bắt giữ người biểu tình, đồng thời “câu” những chiếc xe gây cản trở lưu thông và giải tỏa những chướng ngại vật do người biểu tình thiết lập trên đường phố Ottawa. Nhân viên cảnh sát cưỡi ngựa, đội mũ an toàn (helmets) và võ trang bằng gậy (batons). Theo phúc trình của Đơn Vị Điều Tra Đặc Biệt (Special Investigations Unit) thì có xảy ra vụ xô xát giữa cảnh sát và người biểu tình ở góc đường Rideau Street và Mackenzie Avenue, khiến một phụ nữ 49 tuổi bị gẫy xương bả vai. Ngoài ra có 21 người được đưa vào bệnh viện với thương tích không nghiêm trọng.
Buổi sáng Chủ Nhật 20 tháng 2, đường phố thủ đô Ottawa yên tĩnh trở lại. Cảnh Sát Trưởng Steve Bell cho biết 191 người đã bị bắt giữ, trong số đó 107 người sẽ bị truy tố ra tòa về nhiều tội danh khác nhau, những người còn lại được trả tự do. Tổng số xe bị “câu” về Sở Cảnh Sát là 79 chiếc xe.
Các cuộc điều tra hiện vẫn đang tiến hành để thiết lập hồ sơ truy tố các nghi phạm có liên quan đến đợt biểu tình kéo dài 24 ngày vừa qua.
Trong khi đó, tòa án tỉnh bang Ontario hôm 18 tháng 2 ra phán quyết “đóng băng” ngân khoản điện tử (cryptocurrency) trị giá gần 20 triệu dollars Canada, là khoản tiền gây quỹ để tài trợ cho cuộc biểu tình “Freedom Convoy”, chiếu theo đơn kiện của một nhóm cư dân ở Ottawa do luật sư Paul Champ đại diện. Đơn kiện này hoàn toàn biệt lập với việc chính phủ liên bang Canada yêu cầu các ngân hàng phong tỏa một số trương mục vì đã nhận tiền gây quỹ với mục đích tương tự.
ĐỘI TÚC CẦU NỮ CỦA MỸ ĐƯỢC BỒI THƯỜNG 24 TRIỆU DOLLARS
Vụ tranh chấp pháp lý kéo dài sáu năm trời giữa Đội Tuyển Quốc Gia Túc Cầu Nữ (Women’s National Team – USWNT) và Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ (United States Soccer Federation – USSF) đã kết thúc hôm Thứ Ba 22 tháng 2, đánh dấu một thắng lợi lớn của những nữ cầu thủ bóng tròn đã từng 4 lần mang về cho nước Mỹ chiếc cúp Vô Địch Thế Giới (FIFA Women’s World Cup).
Việc USSF nhượng bộ để dàn xếp vụ kiện với USWNT được coi là một “tin nóng”, thu hút sự chú ý đặc biệt của cả giới thể thao lẫn giới truyền thông, chẳng những vì khoản tiền bồi thường đáng kể ($24 triệu dollars) mà còn vì sự kiện này mang ý nghĩa là Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ thừa nhận đã thiếu tôn trọng sự bình đẳng phái tính trong lãnh vực thể thao.
Ý nghĩa nêu trên được thể hiện qua bản thông cáo chung mà hai tổ chức phổ biến đến các cơ quan truyền thông với nội dung như sau:
“Chúng tôi rất vui mừng thông báo là cuộc thương lượng giữa USSF và USWNT đã đạt tới thỏa thuận để giải quyết vụ tranh chấp kéo dài nhiều năm qua, và chúng tôi hãnh diện từ nay sẽ được cùng nhau thúc đẩy tinh thần bình đẳng trong bộ môn túc cầu. Đội Tuyển Nữ Hoa Kỳ đã đạt thành quả lớn lao chưa từng có, qua nỗ lực tranh đấu cho quyền lợi của họ và của các nữ cầu thủ tương lai. Chúng tôi ghi nhận công lao của những cựu thành viên từng lãnh đạo Đội Tuyển cũng như những thành viên đang nối bước trong Đội Tuyển. Thắng lợi ngày hôm nay là của họ. Và tất cả chúng ta sẽ tiếp tục chung vai sát cánh để phát triển bộ môn túc cầu nữ, mở rộng cơ hội cho các thanh thiếu nữ của nước Mỹ và trên toàn thế giới”.
Tưởng cần nhắc lại, hồi tháng 4 năm 2016, một nhóm 5 nữ cầu thủ bóng tròn thuộc Đội Tuyển Quốc Gia (gồm Hope Solo, Carli Lloyd, Alex Morgan, Megan Rapinoe, Becky Sauerbrunn) nộp đơn khiếu nại Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ qua Hội Đồng EEOC của chính phủ liên bang đặc trách về bình đẳng trong nghề nghiệp (Equal Employment Opportunity Commission), với luận cứ là các cầu thủ nữ không được đối xử bình đẳng với các cầu thủ nam, cả về lương hướng lẫn quyền lợi, khi đi thi đấu những giải quốc tế – mặc dù Đội Tuyển Nữ (USWNT) từng 4 lần đoạt Huy Chương Vàng Thế Vận Hội và 4 lần đoạt Giải Vô Địch Túc Cầu Thế Giới (World Cup) năm 1991, 1995, 2015 và 2019, trong khi Đội Tuyển Nam (USMNT) đã 10 lần dự World Cup nhưng chưa bao giờ thắng giải.
Vì vụ khiếu nại không được giải quyết ổn thỏa, đến ngày 8 tháng 3 năm 2019, toàn thể 28 thành viên Đội Tuyển Quốc Gia Túc Cầu Nữ cùng nộp đơn kiện Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ trước tòa án liên bang ở Los Angeles, với luận cứ như trên và kèm theo nhiều bằng chứng, để đòi bồi thường số tiền $66.7 triệu dollars.
Song song với vụ kiện, nhiều cuộc thương lượng đã diễn ra nhưng đều đưa tới bế tắc. Vào tháng 5 năm 2020 Chánh Án Gary Klausner công bố một phán quyết có phần bất lợi cho các nữ cầu thủ, nhưng vì vấn đề vẫn không được giải quyết rốt ráo nên vụ tranh tụng được khiếu tố lên tòa trên.
Ngày 8 tháng 3 năm 2021, để ủng hộ cuộc tranh đấu của các nữ cầu thủ, hai Dân Biểu Doris Matsui và Rosa DeLaura đệ nạp trước Hạ Viện Hoa Kỳ một dự luật về bình đẳng quyền lợi cho nam nữ cầu thủ Mỹ, mang tên “Give Our Athletes Level Salaries Act”, gọi tắt là “GOALS Act”.
Sau đó các cuộc thương lượng giữa hai tổ chức USSF và USWNT lại tiếp tục và kéo dài đến bây giờ mới ngã ngũ.
Kết quả chung cuộc vụ tranh chấp pháp lý này chẳng những mang lại thắng lợi cho Đội Tuyển USWNT mà còn là một thành quả đối với Quyền Chủ Tịch Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ Cindy Parlow Cone. Cô Cindy Parlow khi chưa lập gia đình vốn là nữ cầu thủ của Đội Tuyển Quốc Gia, đã từng dự tranh World Cup năm 1999 và 2003. Cô được bầu để tạm thời thay thế vai trò Chủ Tịch sau khi ông Carlos Cordeiro từ chức vào đầu năm 2020 trước những phản ứng bất lợi của dư luận.
Theo kết quả dàn xếp được công bố ngày 22 tháng 2, ngoài số tiền $22 triệu dollars mà Liên Đoàn Túc Cầu Hoa Kỳ đồng ý bồi thường trực tiếp cho các nữ cầu thủ của Đội Tuyển USWNT, Liên Đoàn USSF còn trả thêm $2 triệu dollars vào một trương mục riêng, dùng cho những công tác thiện nguyện vô vụ lợi nhằm phát triển bộ môn túc cầu. Theo luật, số tiền bồi thường $22 triệu dollars sẽ được phân phối dựa theo đề nghị của chính các nữ cầu thủ và phải được tòa án Los Angeles chuẩn thuận.
Tin tức cũng ghi nhận, bên cạnh ngân khoản $24 triệu dollars trên đây, những sai biệt về quyền lợi giữa nam cầu thủ và nữ cầu thủ (như tiền thưởng, phòng tập, chi phí di chuyển, ăn ở v.v…) được giải quyết theo một thỏa ước riêng mà hai bên đã đạt được từ tháng 12 năm 2020.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, RFI, NPR, ESPN, USA Today ngày 24/2/2022
Be the first to comment