Nga Bị Thế Giới Lên Án Và Chế Tài Vì Tổng Thống Putin Mở Cuộc Tấn Công Ukraine

Lúc 5:55 giờ sáng Thứ Năm 24 tháng 2 tại Moscow (tức 9:55 giờ tối Thứ Tư theo giờ Washington D.C.), Tổng Thống Vladimir Putin lên đài truyền hình loan báo quyết định mở “một chiến dịch quân sự đặc biệt” với mục đích “bảo vệ những người mà trong tám năm qua đã phải chịu đựng sự ngược đãi và diệt chủng từ chế độ Kyiv” – ý nói là những người dân nói tiếng Nga tại vùng Donbas ở miền Đông của nước láng giềng Ukraine, nơi mà cuộc chiến giữa các lực lượng ly khai thân Nga và quân đội chính phủ đã diễn ra suốt hơn 7 năm trời.

Sau lời vu cáo để lấy cớ khai chiến, ông Putin kêu gọi binh sĩ Ukraine hãy hạ vũ khí đầu hàng quân đội Nga, đồng thời hăm dọa Mỹ và NATO là đừng can thiệp, nếu không sẽ gánh chịu “hậu quả tức thời và nặng nề chưa từng thấy”.

Cuộc tấn công bắt đầu với những trái hỏa tiễn nhằm phá hủy hạ tầng cơ sở của Ukraine, ngay sau đó xe tăng và binh sĩ Nga tiến vào Ukraine từ ba phía. Theo tin tức sơ khởi, quân đội Nga đã chiếm được nhà máy nguyên tử Chernobyl (cách Kyiv 60 miles về hướng bắc). Phi trường Hostomel ở ven biên thủ đô cũng bị tấn công nhưng đã được quân đội Ukraine tái chiếm và kiểm soát.

Ukraine có dân số 44 triệu và diện tích 233,062 dặm vuông tức 603,628 cây số vuông (lớn hàng thứ nhì Âu Châu, chỉ sau Nga). Kyiv vừa là thủ đô vừa là thành phố lớn nhất nước, với 3 triệu cư dân. Do nguy cơ chiến tranh, ngay từ hôm Thứ Tư Ukraine đã được đặt trong tình trạng khẩn trương, nhưng nay lệnh giới nghiêm và thiết quân luật được ban hành trên toàn quốc.

Nguồn tin từ Liên Hiệp Quốc hôm Thứ Năm cho biết khoảng 100,000 thường dân bỏ nhà cửa chạy đi lánh nạn, phần lớn tìm cách chạy qua các lân bang như Ba Lan, Romania, Moldova. Một số khác tìm nơi trú ẩn trong những nhà ga xe điện ngầm ở thủ đô Kyiv.

Cuối ngày, theo lời Tổng Thống Volodymyr Zelensky thông báo trên đài truyền hình, số tử vong về phía Ukraine là 137 người gồm cả binh sĩ và thường dân, ngoài ra còn có 316 người bị thương vì đợt tấn công bằng hỏa tiễn đầu tiên.

Tổng Thống Zelensky kêu gọi toàn dân quyết tâm chống lại làn sóng xâm lăng của Nga, và chính phủ sẽ cung cấp vũ khí cho bất cứ ai muốn cầm súng chiến đấu.

Trong khi đó các nhà lãnh đạo những quốc gia Khối G7 (Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Nhật, Canada) cùng Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đồng loạt loan báo một số biện pháp chế tài đợt 2 đối với Nga – như phong tỏa thêm các ngân hàng Nga, đóng băng tài sản của các tổ chức tài chánh lớn và những tài phiệt tay chân thân tín của Vladimir Putin, ngăn chận mọi hoạt động thương mại của Nga bằng cách không cho dùng các đơn vị tiền tệ hàng đầu thế giới (dollars, euros, pounds, yen) v.v…

Bản tin thông tấn Associated Press ghi nhận Trung Cộng là cường quốc duy nhất chẳng những không lên án mà còn bênh vực cho Nga và đổ lỗi cho các nước Tây phương, qua lời phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hua Chunying (Hoa Xuân Oánh) nói rằng “lẽ ra mọi người đều phải tìm giải pháp hòa bình thay vì leo thang căng thẳng hoặc báo động chiến tranh”, “chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hãy tôn trọng sự quan tâm thích đáng của nhau liên quan đến an ninh quốc gia”.

Kèm theo luận điệu nêu trên là hành động cụ thể: Trung Cộng đồng ý nhập cảng lúa mì – vốn là nguồn sản xuất lớn nhất – của Nga, một cách giúp đỡ để làm nhẹ bớt áp lực chế tài của thế giới, giữa bối cảnh thị trường chứng khoán Nga (MOEX) đang rớt thê thảm (33%) và đồng “rúp” của Nga bị mất giá tới mức kỷ lục, 87 “rúp” mới đổi được 1 US dollar.

TÌNH HÌNH UKRAINE TRƯỚC CUỘC TẤN CÔNG

Cách đây ba ngày, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc vào lúc 9 giờ tối Thứ Hai 21 tháng 2 đã triệu tập phiên họp khẩn cấp về việc Tổng Thống Nga Vladimir Putin công nhận hai vùng đất ly khai thân Nga ở Ukraine là hai nước độc lập. Đại đa số thành viên Hội Đồng Bảo An lên án hành động này vì vi phạm luật pháp quốc tế và hiệp ước Minsk năm 2015.

Hôm sau, Thứ Ba 22 tháng 2, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden gọi đây là “hành động khởi sự cho một cuộc xâm lăng”, đồng thời loan báo một số biện pháp chế tài đối với giới tài phiệt Nga để tỏ thái độ trước việc quân đội Nga được lệnh tiến vào miền Đông Ukraine.

Cùng ngày, Ngoại Trưởng Mỹ Antony Blinken hủy bỏ buổi họp với Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov dự trù vào Thứ Năm 24 tháng 2, vì “chúng tôi thấy cuộc xâm lăng đã bắt đầu”, tuy nhiên ông Blinken nói thêm “Hoa Kỳ vẫn cam kết theo đuổi phương thức ngoại giao nếu Nga sẵn sàng thực hiện những bước cụ thể để giúp cộng đồng quốc tế tin rằng họ thật sự muốn giảm căng thẳng và tìm giải pháp ngoại giao”.

Ngay sau khi chính phủ Mỹ loan báo quyết định chế tài, Anh Quốc và Liên Hiệp Âu Châu cũng áp đặt biện pháp chế tài nhắm vào 27 đối tượng thuộc giới ngân hàng và doanh nghiệp Nga; đồng thời chính phủ Đức tuyên bố ngưng vô thời hạn việc chấp thuận dự án về đường ống cung cấp khí đốt của Nga mang tên “Nord Stream 2” trị giá $11 tỷ dollars.

Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu Ursula von der Leyen nhận định “Hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine hoàn toàn bất hợp pháp, không thể chấp nhận được”,“Liên Hiệp Âu Châu đoàn kết để ủng hộ Ukraine bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như sự vẹn toàn lãnh thổ”.

“Hành động của Nga vi phạm luật pháp quốc tế và không thể chấp nhận được” cũng là lời tuyên bố của Thủ Tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ông Kishida nói thêm rằng Nhật sẵn sàng cùng với Mỹ và các cường quốc Khối G7 áp đặt biện pháp chế tài nếu Tổng Thống Vladimir Putin ra lệnh cho quân đội xâm chiếm Ukraine.

Những phản ứng trên đây cho thấy bài diễn văn của Tổng Thống Nga trên đài truyền hình ngay từ hôm Thứ Hai tuần này đã gióng lên hồi chuông báo động đối với cả thế giới, vì rõ ràng ông Putin quyết tâm dàn dựng một vở tuồng để lấy cớ mở cuộc tấn công quân sự với 190,000 binh sĩ và chiến xa đang tập trung dọc theo biên giới Ukraine.

TỪ BỐI CẢNH ĐẾN NHỮNG DIỄN TIẾN GẦN ĐÂY

Tưởng cần nhắc lại, vụ căng thẳng mới nhất giữa Nga với Ukraine xảy ra ở thời điểm đúng 30 năm kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.

Với sự tan rã của Liên Bang Xô Viết vào tháng 12 năm 1991, Ukraine – nguyên là một chư hầu của Liên Xô – tuyên bố độc lập và dần dà tìm cách thoát khỏi ảnh hưởng của Nga để tiến gần lại các quốc gia Tây phương.

Bất chấp việc Tổng Thống thân Nga Viktor Yanukovych đã thất bại vào năm 2004 rồi đến năm 2014 lại bị lật đổ lần thứ nhì, chính phủ Nga dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Vladimir Putin vẫn phản ứng bằng cách đưa quân đội qua ủng hộ lực lượng ly khai ở bán đảo Crimea rồi sáp nhập Crimea vào lãnh thổ Nga, trước sự phản đối của tân chính phủ Ukraine và cả thế giới.

Từ đó đến nay những thành phần ly khai thân Nga vẫn chiếm đóng một phần vùng Donbas (Donetsk và Luhansk) ở miền đông Ukraine, đưa tới các cuộc xung đột dữ dội với quân đội chính phủ khiến ít nhất 14,000 người thiệt mạng. Một hòa ước được ký kết ở Minsk năm 2015 nhưng liên tiếp bị cả hai phía vi phạm, hoàn toàn không giúp tái lập hòa bình và ổn định.

Cuối tháng 11 năm 2021, tình báo Mỹ lấy được nguồn tin Nga có ý định điều động ít nhất 175,000 binh sĩ đến biên giới Ukraine, chuẩn bị cho một cuộc tấn công quân sự vào năm 2022. Nga phủ nhận tin này, đồng thời cáo buộc ngược lại là Ukraine không tôn trọng hòa ước năm 2015 và Mỹ cùng NATO đang tiếp tay cho Ukraine để đàn áp lực lượng ly khai thân Nga nhằm tái chiếm vùng Donbas.

Nhưng qua đến tháng 2 năm 2022 thì vở tuồng được dàn dựng trong ý đồ xâm chiếm Ukraine – mà theo nhận định của Ngoại Trưởng Anh Quốc Liz Truss là “để thực hiện ước mơ tái lập Liên Bang Xô Viết hoặc mở rộng lãnh thổ Nga” – đã trở thành rõ rệt. Trước hết, Chủ Tịch Quốc Hội Nga Vyacheslav Volodin đề nghị chính phủ công nhận hai tỉnh ly khai ở miền Đông Ukraine. Đến Thứ Hai 21 tháng 2, Tổng Thống Vladimir Putin đọc diễn văn trên đài truyền hình để loan báo quyết định với dân chúng, rồi ký sắc lệnh (căn cứ trên bản hiệp ước được Quốc Hội Nga phê chuẩn cấp tốc), theo đó hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk thuộc vùng Donbas của Ukraine được chính thức công nhận là hai nước độc lập, mang tên “Cộng Hòa Nhân Dân Donetsk” (Donetsk People’s Republic – DPR) và “Cộng Hòa Nhân Dân Luhansk” (Luhansk People’s Republic – LPR).

Bài diễn văn của Tổng Thống Putin chứa đựng những lời phát biểu không khác nào “viết lại lịch sử Ukraine” khi ông nói rằng “Ukraine chưa bao giờ có truyền thống về quy chế quốc gia của riêng mình”, “miền Đông Ukraine vốn là vùng đất cổ đại của Nga”. Đồng thời, ông Putin thổi phồng sự liên kết an ninh ngày càng gia tăng giữa Ukraine với các quốc gia Tây phương, cáo buộc một cách vô căn cứ rằng chính phủ Ukraine mới là kẻ gây hấn vì đang dùng bạo lực đàn áp lực lượng ly khai thân Nga và tàn sát người dân nói tiếng Nga ở Donetsk và Luhansk. Chiếu theo sắc lệnh vừa ký, ông Putin ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào hai vùng đất ly khai vừa được công nhận, với nhiệm vụ “giữ hòa bình”, bảo vệ dân chúng.

Sự cáo buộc của ông Putin cũng là lập luận mà Đại Sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia đưa ra trước phiên họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An vào tối Thứ Hai. Trong khi đó, Đại diện Thường trực của chính phủ Ukraine tại Liên Hiệp Quốc là ông Sergiy Kyslytsya nhắc lại lời Tổng Thống Volodymyr Zelensky khẳng định “biên giới Ukraine không thay đổi”, yêu cầu Nga hủy bỏ việc công nhận hai tỉnh ly khai và trở lại bàn thương thuyết để tìm một giải pháp ngoại giao.

Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Linda Thomas-Greenfield tuyên bố trước Hội Đồng Bảo An rằng việc Nga công nhận hai tỉnh ly khai “chỉ để lấy cớ xâm lược Ukraine”, và lời Tổng Thống Putin nói đưa quân đội Nga vào miền Đông Ukraine để “giữ hòa bình”“điều vô lý”, bởi vì “chúng ta đã quá hiểu họ”.

Lên tiếng tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Ba 22 tháng 2, Tổng Thống Joe Biden nói thẳng “sắc lệnh về hai tỉnh ly khai là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế”, và ông Putin “không thể đánh lừa được ai” khi ra lệnh cho quân đội Nga tiến vào vùng Donbas để “bảo vệ những người dân nói tiếng Nga”. Cũng cần nói thêm rằng, trong khuôn khổ các biện pháp chế tài vừa được loan báo, chính phủ Mỹ nghiêm cấm giới doanh thương Hoa Kỳ không được thực hiện mọi dịch vụ đầu tư, hỗ trợ tài chánh và thương mại với hai tỉnh ly khai Donetsk và Luhansk mà chính phủ Nga vừa công nhận là “hai quốc gia độc lập”.

MỘT NGÀY TRƯỚC CUỘC TẤN CÔNG

Tin tức hôm Thứ Tư 23 tháng 2 cho thấy nguy cơ chiến tranh càng lúc càng rõ rệt, đặt toàn thể châu Âu trong tình trạng căng thẳng.

Tại thủ đô Kyiv, Tổng Thống Volodymyr Zelensky nói với dân chúng: “Chúng ta vẫn cam kết theo đuổi phương thức ngoại giao và hòa bình. Nhưng chúng ta đang sống trên đất nước của mình, chúng ta không sợ hãi bất cứ điều gì và bất cứ ai, chúng ta không mắc nợ ai cả và sẽ không cho ai lấy đi bất cứ thứ gì của chúng ta”.

Lời tuyên bố này được đưa ra trong lúc Đại Sứ Ukraine tại Moscow được triệu hồi về nước, đồng thời Bộ Ngoại Giao khuyến cáo tất cả những công dân Ukraine nào đang ở Nga hãy rời khỏi đó ngay tức khắc. Quốc Hội Ukraine hôm Thứ Tư đã chuẩn thuận để Tổng Thống Zelensky ký sắc lệnh ban hành tình trạng khẩn trương trên toàn lãnh thổ, theo đó dân chúng bị hạn chế về di chuyển và cấm biểu tình trong vòng 30 ngày.

Thứ Tư cũng là ngày chính phủ Nga đóng cửa Tòa Đại Sứ ở thủ đô Ukraine và đưa nhân viên ngoại giao về nước. Các bản tin thông tấn ghi nhận không còn thấy lá cờ Nga trong khuôn viên sứ quán và cảnh sát Ukraine bắt đầu được đưa đến canh gác tại đây.

Về phía Hoa Kỳ, cách đây hơn một tuần các nhân viên ngoại giao đã rời Tòa Đại Sứ Mỹ ở thủ đô Kyiv để đến cơ sở tạm thời tại thành phố Lviv thuộc miền Tây Ukraine, nay lại được lệnh di chuyển qua Ba Lan (Poland), nơi đang có hàng ngàn binh sĩ Hoa Kỳ đồn trú.

Mặt khác, nguồn tin từ Ngũ Giác Đài cho biết 800 binh sĩ Mỹ được điều động từ nơi đóng quân ở Ý (Italy) đến vùng Baltic, cùng lúc với 8 phi cơ chiến đấu F-35 và 32 trực thăng chiến đấu Apache được đưa qua căn cứ của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Ba Lan. Các hoạt động quân sự này diễn ra trong lúc Tổng Thống Biden tái khẳng định là quân đội Mỹ chỉ có nhiệm vụ hỗ trợ cho NATO và sẽ không trực tiếp tham chiến tại Ukraine khi chiến sự bùng nổ.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, NPR ngày 24/2/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*